Lưu trữ cho từ khóa: tía tô

Bài thuốc chữa bệnh từ tía tô

Tía tô có vị cay, tính ấm, đi vào các kinh tâm và phế, làm ra mồ hôi, hạ khí, tiêu đàm, không chỉ có tác dụng trị cảm mạo mà còn có tác dụng an thai, trị mộng tinh….

bai-thuoc-chua-benh-tu-tia-to

Chữa chứng cảm mạo

(hắt hơi sổ mũi, biểu hiện viêm long đường hô hấp trên), bí ra mồ hôi: Lấy lá tía tô tươi từ 15 – 20g, giã nát, sau cho nước sôi khuấy đều, gạn lấy nước uống. Hoặc lấy lá tía tô rửa sạch thái nhỏ sợi, trộn vào cháo ăn nóng, rồi nằm đắp chăn cho ra mồ hôi sẽ khỏi cảm. Khi mồ hôi đã ra cần lưu ý lấy khăn khô lau sạch hết mồ hôi và thay quần áo khác.

Thương hàn ho suyễn: Lấy một nắm lá tía tô cho vào nồi đổ vừa nước nấu sôi chừng 10 phút sau gạn lấy nước uống dần là sẽ dứt cơn suyễn.

Nấc liên hồi:

Bỗng dưng thấy mắc chứng liên hồi suốt ngày đêm sau khi mới khỏi bệnh. Tiếng nấc to đến hàng xóm cũng nghe thấy. Theo Nam Dược Thần Hiệu phải lấy ngay 1 lạng (10 đồng cân) tức khoảng 40g (1 đồng cân ứng với 3,75g lấy tròn 4g) hạt tía tô sao qua, tán nhỏ. Sau đó hòa với nước lọc, gạn bỏ bã lấy nước cho gạo tẻ vào đủ nấu nhừ thành cháo và ăn. Cần ăn thường xuyên sẽ khỏi.

Mộng tinh

: Mộng tinh do tâm thận suy mà sinh ra. Dùng 100g hạt tía tô tán nhỏ, mỗi lần uống 4g chiêu với rượu trắng, ngày uống 2 lần, sẽ khỏi bệnh.

Dị ứng:

Khi dị ứng do ăn hải sản hay tiếp xúc lạnh, lấy ngay 1 nắm lá tía tô rửa sạch giã vắt lấy nước cốt uống, còn bã đắp hay xát lên nơi ngứa dị ứng sẽ khỏi. Lưu ý tránh gió và không được dầm nước.

BS Hoàng Xuân Đại

(chuyên gia Bộ Y tế)

Theo Kienthuc.net.vn

Cách dùng tía tô làm thuốc

Tía tô (tử tô) vị cay, mùi thơm, tính ấm, là loại cây được trồng rất nhiều ở làng quê Việt Nam. Lá tía tô dùng để ăn sống hoặc nấu chín, là gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn. Các bộ phận của cây tía tô: lá tía tô (tô diệp), hạt tía tô (tô tử), cành tía tô (tô ngạnh) còn là vị thuốc quý chữa nhiều bệnh.

cach-dung-tia-to-lam-thuoc

Các bộ phận của cây tía tô đều có giá trị phòng chữa bệnh.

Cách dùng tía tô làm thuốc

Tán hàn, giải biểu: tía tô 8g, hương phụ 8g, trần bì 6g, cam thảo 4g. Sắc uống. Dùng cho chứng cảm mạo phong hàn, đau đầu do hàn, do nhiệt, vùng ngực đầy trướng.

Trừ đờm, dịu ho: dùng một trong các bài:

Bài 1: tô diệp 8g, sinh khương 8g, hạnh nhân 12g, bán hạ 12g. Sắc uống. Trị ngoại cảm phong hàn, trong thì có đờm trệ, ho có đờm.

Bài 2: tô tử 10g, bạch giới tử 10g. Tán bột. Uống với nước sắc lá táo chua và dây tơ hồng. Chữa ho, trừ đờm.

Bài 3: tô tử 10g, bạch giới tử 10g, lai phục tử 10g. Sao vàng, tán nhỏ, cho vào túi, sắc lấy 200ml. Chia uống 3 lần trong ngày. Trị ho hen có đờm, tức ngực khí ngược.

Lý khí, an thai: tía tô 8g, đương quy 12g, xuyên khung 8g, bạch thược 12g, đảng sâm 12g, trần bì 12g, đại phúc bì 8g, cam thảo 4g, sinh khương 8g. Sắc uống. Dùng khi đau trướng ngực; bụng, lưng, sườn đau; thai động không yên.

cach-dung-tia-to-lam-thuoc

Cháo tía tô tốt cho phụ nữ có thai đầy bụng, nôn, đau đầu, chóng mặt, khát nước.

Kiện vị, cầm nôn:

Bài 1: tía tô 8g, ngũ vị 4g, tang bạch bì 12g, phục linh 12g, chích thảo 4g, thảo quả 4g, đại phúc bì 12g, cát cánh 12g, sinh khương 12g. Sắc lấy nước, thêm ít muối, uống. Trị các chứng tâm hạ trướng đầy, nôn ọe, không ăn được mà thiên về hàn.

Bài 2: tô diệp 4g, hoàng liên 2,5g. Hãm với nước để uống. Trị phụ nữ có thai hồi hộp không yên.

Giải độc thức ăn cua cá: Có thể dùng 12g tươi hay khô sắc uống.

Phòng và chữa sốt xuất huyết: tía tô 15g, rau má 30g, cỏ nhọ nồi 30g, bông mã đề 20g. Sắc uống.

Một số món ăn bài thuốc có tía tô

Nước hãm gừng tươi tía tô: lá tía tô 30g, gừng tươi 15g, sắc hãm 15 phút, gạn nước thêm đường uống. Dùng cho các trường hợp ngoại cảm phong hàn, nôn, đau bụng.

Cháo tô diệp, ô mai: tử tô diệp 15g, ô mai 10g, gừng tươi 10g, trúc nhự 10g, gạo tẻ 60g. Các dược liệu sắc lấy nước, bỏ bã; gạo nấu thành cháo; khi cháo được cho nước thuốc vào khuấy, đun cho sôi. Ngày 1 lần, đợt dùng 5 – 7 ngày. Dùng cho phụ nữ có thai đầy tức bụng, nôn ói, đau đầu chóng mặt, đắng miệng, nhạt miệng, khát nước, dọa sẩy thai.

Tô diệp mai táo trà: tô diệp 6g, mận tươi 30g, đại táo 5 quả, trà 3g. Mận chín tươi hoặc mứt mận và đại táo đem nấu (nghiền nhuyễn) lấy nước, khi sôi đem đổ vào ấm có trà (chè) và tô diệp hãm tiếp, uống làm 2 lần trong ngày. Liên tục dùng trong 5 – 10 ngày. Dùng cho các trường hợp ho, mất tiếng, tắc nghẹn do rối loạn thần kinh chức năng, hysteria.
Kiêng kỵ: Người biểu hư, tự ra mồ hôi tuyệt đối không được dùng.

TS. Nguyễn Đức Quang

Theo Suckhoedoisong.vn

Bài thuốc trị cảm hàn

Một số bạn đọc có chung thắc mắc là: thường xuyên cảm thấy lạnh trong người, đặc biệt sau khi mắc mưa. Mặc dù có thoa dầu, uống nước gừng, xông, chạy bộ dưới nắng…, nhưng chỉ giảm bớt chứ không hết hẳn. Phải chăng đó là sốt rét?

Sốt rét là loại bệnh do ký sinh trùng lây truyền sau khi bị muỗi anophen đốt. Virus gây bệnh là một loại ký sinh trong tế bào hồng cầu của người. Trước khi phát bệnh sốt rét sẽ có một thời kỳ ủ bệnh. Một số người mắc bệnh có các triệu chứng đầu tiên như: mệt mỏi, đau đầu, đau nhức cơ bắp, kém ăn… Người mắc bệnh sốt rét điển hình, thường chia ra 3 giai đoạn rõ rệt: giai đoạn phát lạnh – người bệnh đột ngột rùng mình, sợ rét, mặc dù đắp chăn nhưng vẫn rét run, mặt mũi tái xám, môi thâm, toàn thân lạnh toát. Giai đoạn này kéo dài từ 10 phút đến 1 giờ, sau đó nhiệt độ trong người đột ngột tăng lên và bước sang giai đoạn phát nhiệt. Khi đó thì sốt cao (39-41 độ C), mắt đỏ, nhức đầu, khát nước, hô hấp khó khăn. Giai đoạn này kéo dài 4-8 giờ. Tiếp đó là giai đoạn ra mồ hôi, sau khi sốt cao đột nhiên đổ mồ hôi, nhiệt độ cơ thể trở lại bình thường, dễ chịu, ngủ được.

Cảm hàn

Những trường hợp lạnh người theo kiểu bạn đọc mô tả, không phải là sốt rét. Đó là tình trạng cảm hàn (trúng lạnh) do nhiễm gió và mưa, y học cổ truyền gọi là cảm phong hàn. Người bị cảm phong hàn do hàn tà xâm phạm vào bì mao (da, chân lông) với các triệu chứng: sốt, sợ rét, không có mồ hôi, đau người, uể oải, mạch khẩn (nhanh).

Để chữa ngoại cảm phong hàn phải dùng phép tân ôn giải biểu (dùng thuốc cay, ấm để giải biểu) như bài thuốc sau: sài hồ 12 gr, kinh giới 12 gr, chỉ xác 10 gr, xuyên khung 10 gr, phục linh 12 gr, khuông hoạt 16 gr, cát cánh 8 gr, tiền hồ 8 gr, phòng phong 8 gr, độc hoạt 12 gr, cam thảo 6 gr. Sắc uống ngày 1 thang, chia uống 2 lần trong ngày, uống khi thuốc còn ấm.

tia-to
Tía tô… là những nguyên liệu làm bài thuốc chữa cảm hàn -
Ảnh: Đ.N.Thạch – M.Khôi

Ngoài việc dùng thuốc, có thể giải cảm bằng ăn cháo giải cảm hoặc xông lá. Cách nấu cháo như sau: tía tô 20 gr rửa sạch thái nhỏ; hành tăm để cả rễ rửa sạch, thái nhỏ, gừng tươi 5 gr rửa sạch thái lát hoặc băm nhỏ. Trứng gà 2 quả (bỏ lòng trắng), hạt tiêu xay nhuyễn 2 gr. Tất cả cho vào tô. Gạo nếp 30 gr, gạo tẻ 30 gr vo sạch cho vào nấu nhừ thành cháo. Khi cháo chín cho vào bát trên, thêm chút gia vị vừa miệng; khuấy đều rồi ăn khi còn nóng. Ăn xong trùm kín chăn cho ra mồ hôi trong 10-15 phút. Dùng khăn khô lau sạch mồ hôi rồi nằm nghỉ (tránh nằm nơi có gió lùa).

Cách làm nồi lá xông: dùng các loại lá có tinh dầu (mùi thơm) có tác dụng giải biểu (ra mồ hôi) như: hương nhu, tía tô, chanh, bưởi, sả… mỗi thứ một nắm (khoảng 20-30 gr) rửa sạch, cho vào nồi, đậy bằng lá chuối, đậy kín vung, đun thật sôi. Bắc vào trong nhà trùm kín chăn rồi xông trong 10-15 phút cho đến khi mồ hôi ra toàn thân. Dùng khăn khô lau người, nằm nghỉ ở chỗ thoáng (không có gió lùa) hoặc ăn bát cháo giải cảm như trên

(Theo Thanhnien)

Ếch nấu khoai sọ

Gia vị của món ăn cũng khá đơn giản gồm riềng tươi, nghệ tươi giã nhuyễn ướp với muối, tiêu, đường, bột ngọt, mẻ.

Hàng năm, cứ vào đầu mùa nước nổi, nước từ thượng nguồn sông Cửu Long đổ về tràn vào đồng ruộng, đìa, kinh, rạch… tạo điều kiện cho các loài thuỷ sản sinh sôi, nảy nở. Vào thời điểm này, người dân miệt đồng chuẩn bị đồ nghề để thả lưới, giăng câu, đặt lờ… để bắt cá, tôm, lươn, ếch.

Trong đó câu ếch luôn có cái thú vị riêng. Lúc trời mưa vào chập choạng tối, những người câu ếch đã chuẩn bị sẵn sàng. Đi dọc theo bờ ruộng, ven đìa là những nơi ếch thường trú ẩn, móc mồi vào lưỡi câu và cắm câu. Vài giờ sau họ trở lại thăm câu, những chú ếch đã dính cần câu nặng trĩu.


Ếch còn được gọi với cái tên gà đồng vì trong những món ngon đồng ruộng, thịt ếch săn chắc, thơm, dai, và ngọt lành hơn cả. Mùa mưa chẳng sợ thiếu ếch to, béo. Ếch đồng mùa mưa ngon ngọt phải biết. Ếch được dùng để chế biến đủ thứ món, nào là ếch xào sả ớt, xào lăn, nấu càri, nướng... mỗi món một vị riêng. Tuy nhiên ếch nấu khoai sọ là món có vị lạ, hấp dẫn vô cùng.

Ếch tươi, béo đem về sơ chế sạch, có thể để cả da hoặc lột da tuỳ ý thích. Gia vị của món ăn cũng khá đơn giản gồm riềng tươi, nghệ tươi giã nhuyễn ướp với muối, tiêu, đường, bột ngọt, mẻ. Riềng, nghệ và mẻ là những gia vị tạo thêm hương sắc cho ếch. Như tên gọi của món ăn không thể thiếu khoai sọ. Sau khi ướp để gia vị thấm vào ếch và khoai khoảng độ nửa giờ. Phi thơm tỏi, cho ếch và khoai vào xào cho săn mặt. Tiếp tục cho nước dùng vào nấu với ngọn lửa liu riu cho đến lúc khoai sọ chín mềm rồi nêm lại cho vừa ăn.

Món ngon muốn đủ vị phải đi kèm với những phụ kiện thích hợp. Với món ếch nấu khoai sọ kèm theo đúng điệu là bún và các loại rau thơm. Lá lốt, rau răm, ngò gai, tía tô được cắt miếng cỡ 1cm, lót vào chén, cho bún lên mặt rồi chan nước, thịt ếch và khoai sọ vào. Để món ếch nấu khoai sọ hoàn chỉnh cần có thêm nước mắm y giằm ớt hiểm cay xé làm nước chấm.

Miếng đùi ếch dai dai hoà lẫn cùng các loại rau thơm càng làm tăng mùi vị của thịt ếch. Khoai sọ béo, bùi ngấm gia vị và vị mặn của nước mắm, hơi cay của ớt càng giúp cho món ăn trở nên thơm ngon đậm đà của món ăn miệt đồng mùa nước nổi.

Meo.vn (Theo SGTT)

Gỏi đu đủ cực nhanh gọn

Món ăn này hẳn đã không còn lạ lẫm với mỗi chúng ta nữa, nhưng làm thế nào cho nhanh và ngon thì chưa chắc các bạn đã biết.

 


Ảnh minh họa

 

1. Nguyên liệu

-    1 trái đu đủ xanh

-    ½ chén cà rốt thái nhỏ dài, ngâm nước, sau đó để ráo

-    ½ bó tía tô thái nhỏ

-    ½ bó rau mùi


-    ½ bó bạc hà cắt nhỏ

-    ¼ cốc cá cơm khô nhỏ

-    3 muỗng canh đậu phộng rang

-    Dầu ăn để chiên

-    Nước chấm cay

2. Chế biến


Trong chảo nhỏ, cho dầu ăn vào và chiên cá cơm cho đến khi chín vàng. Khi cá chín, cho vào khăn giấy và để ráo dầu ăn. Cẩn thận khi chiên vì cá này dễ cháy.

Đu đủ xanh gọt vỏ, nạo nhỏ sợi dài.

Cho đu đủ, cà rốt ngâm, rau mùi, tía tô, bạc hà với khoảng 3-4 muỗng canh nước mắm chấm vào bát trộn lớn, trộn đều. Cho thêm nước mắm và gia vị vừa ăn.

Để món ăn được ngon nhất, bạn nên để trong tủ lạnh ít nhất 15-20 phút trước khi ăn.

Khi sẵn sàng ăn, rắc đậu phộng rang, cá cơm chiên lên trên và thưởng thức.

Món này ăn cùng với cơm hoặc ăn chơi đều được.

Meo.vn (Theo Eva)

Ăn tía tô, chữa hơn mười bệnh

Tía tô là vị thuốc được y dược học đông phương xếp vào loại làm cho xuất mồ hôi, thuộc các trường hợp bệnh do cảm lạnh, cần chữa bằng cách cho ra mồ hôi, khỏi sốt.

Tía tô có tên khoa học là Perilla frutescens Britt, họ hoa môi (Lamiaceae) là cây thảo, cao 0,5-1m. Lá mọc đối, mép khía răng, mặt dưới tím tía, có khi hai mặt đều tía, nâu hay màu xanh lục có lông nhám.

Tía tô (shiso) trong tiếng Nhật có nghĩa là “cây tím làm hồi sinh” và được dân tộc này sử dụng từ rất lâu. Tía tô có tính ấm, vị cay, không độc, hương vị là sự pha trộn giữa hồi hương, cam thảo, quế và the mát sát khuẩn. Lá dùng làm gia vị rất phổ biến, đồng thời là vị thuốc rất hay dùng để trừ cảm mạo. Hạt làm trà uống và thuốc hạ khí, cành làm thuốc an thai. Trường hợp không có thì dùng thay thế cho nhau cũng được.

Theo tạp chí Newly revised Makino's new illustrated flora of Japan thì tinh dầu chiết xuất từ lá tía tô bằng cách chưng cất hơi nước bao gồm một loạt các hợp chất hóa học, có thể thay đổi tùy thuộc vào loài. Dầu tía tô được sử dụng như một loại dầu ăn có giá trị nhiều hơn cho lợi ích y học so với hương vị của nó. Nhiều nhất, chiếm khoảng 50-60% dầu, là perillaldehyde tạo nên mùi thơm và hương vị của tía tô, được sử dụng như một chất ngọt nhân tạo ở Nhật. Dầu ép từ tía tô chứa 40% dầu bão hòa đa (60% acid linolénic, 15% A.linoléic, 15% A.oléic).

Trong ẩm thực, tía tô do có tính chống dị ứng nên được sử dụng chung với cua hay hải sản. Tía tô là vị thuốc được y dược học đông phương xếp vào loại làm cho xuất mồ hôi, thuộc các trường hợp bệnh do cảm lạnh, cần chữa bằng cách cho ra mồ hôi, khỏi sốt.

Trong y học cổ truyền Trung Quốc, tía tô được dùng như một vị thuốc để tạo hưng phấn, trị cảm, nhức mỏi, ho suyễn. Hạt chứa tinh dầu có tính bốc hơi, giúp bảo quản và khử trùng thức ăn. Khi trái gió trở trời, tô cháo giải cảm thật nóng, thật cay, thơm mùi rau tía tô tỏ ra rất hiệu quả.

Ngoài nấu cháo hoặc xông hơi giải cảm thì tía tô còn được sử dụng trong các trường hợp như: chữa ho, hen, đàm suyễn tức ngực, khó thở; chữa thương hàn, ho suyễn; người lớn tuổi hay thở suyễn, đuối hơi; trẻ em ho nhiều thở gấp, mặt tím tái; người già ho nhiều đờm đặc, khó thở (viêm phế quản mãn tính); rối loạn tiêu hóa; ngộ độc thức ăn; táo bón ở người già suy nhược...

Do cây tía tô phát triển tốt trong môi trường nắng và ẩm nên nhiều người đã dùng tía tô làm cây kiểng trang trí.

Meo.vn (Theo TNO)

Chữa hạt cơm bằng lá tía tô

Hạt cơm là những nốt to bằng hạt đỗ xanh, đôi khi còn to hơn. Vốn dĩ những hạt này không nguy hiểm nhưng gây khá nhiều khó chịu cho người bệnh, và hơn nữa chúng còn có khả năng lây lan sang các phần khác của cơ thể nếu để các phần khác chạm vào. Để chữa những vết hạt cơm này, các bạn chỉ cần dùng lá tía tô tươi, vò nát thoa nhẹ lên vị trí nổi hạt. Bạn chỉ cần làm điều đó 7 lần trong 7 ngày thì chắc chắn vết đó sẽ khỏi hoàn toàn.

Meo.vn (Kinh nghiệm dân gian)

“Thuốc ngon” từ tía tô

Tía tô có mặt trong nhiều món ăn hằng ngày, vừa có tác dụng tăng hương vị, vừa hỗ trợ tiêu hóa, “gia cố” sức khỏe.

Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS Đỗ Tất Lợi, tía tô dùng để chữa cảm gió, nôn mửa, động thai, ngộ độc cá. Lá tía tô còn có công dụng xuất mồ hôi, trợ tiêu hóa, chữa ho. Trong các vị thuốc Nam, có bài trị trúng độc cua, cá bằng tía tô như sau: giã 10g tía tô, vắt lấy nước uống, bệnh tình sẽ thuyên giảm. Từ công dụng này của lá tía tô mà nhiều món ăn sử dụng tía tô làm gia vị cũng khiến các nguyên liệu đi kèm trở nên “hiền lành” hơn. Ví dụ như món ốc nấu chuối đậu. Do ốc ăn rong rêu, thủy sinh… nên mang nhiều mầm bệnh. Đang yếu trong người hoặc bụng dạ không tốt, ăn ốc vào dễ bị đau bụng, tiêu chảy… Món ốc ăn kèm tía tô là cách phòng từ xa những “tác dụng phụ” của… ốc. Hải sản thường khó tiêu, vì thế trong món gỏi hải sản, các đầu bếp cũng trộn thêm tía tô nhằm giúp hệ tiêu hóa làm việc nhẹ nhàng hơn.

Ảnh: SS

Ăn bún tươi dễ bị lạnh bụng, có lẽ vì vậy mà trong những món bún, người xưa thường ăn kèm lá tía tô. Chẳng hạn như món bún chả Hà Nội có hương vị khó quên cũng nhờ mấy lá tía tô tím tím. Một món ngon nhiều sinh tố, giúp tăng cường sức khỏe, trợ tiêu hóa là lẩu cua tía tô. Món này làm đơn giản, chỉ cần cho nước hầm xương vào nồi, đun sôi, cho tiếp cà chua vào, nêm gia vị, ớt sa tế, tía tô xắt nhuyễn. Khi ăn mới cho cua chặt làm bốn vào. Món này ăn kèm giá, rau muống chẻ, hoa chuối.

Món ăn đậm đặc vị tía tô là món mắm cá linh nấu cà bát. Lá tía tô thái sợi, khi ăn trụng vào nước lèo. Đặc điểm của món này là lấy tía tô làm “quân chủ lực” tức là nhìn vào tô bún chỉ thấy tía tô. Món này thích hợp với những người đang mệt mỏi, đau nhức, ớn lạnh.

 

Nguyên vật liệu...

và thành phẩm món cà bung đậu hủ tía tô - Ảnh: Thái An

Để chữa cảm do nhiễm lạnh, chỉ cần nấu cháo cho nhừ, sau đó cho gừng xắt sợi, đập một quả trứng gà vào, thêm lá tía tô xắt sợi, rắc tiêu sọ. Món này ăn nóng mới công hiệu vì “thuốc” sẽ làm toát mồ hôi, ấm người, bệnh cảm lạnh sẽ “âm thầm” ra đi... Tuy nhiên, cần lưu ý lau khô mồ hôi, thay quần áo để không bị tái nhiễm bệnh.

Món cà bung đậu hủ tía tô ăn với cơm hoặc với bún, ngoài trợ tiêu hóa còn là món ít năng lượng, nhiều sinh tố, thích hợp với những ai muốn giảm cân, dưỡng da.

Meo.vn (Theo PNO)

Mướp đắng trị ho, ổn định huyết áp

Theo Đông y, mướp đắng vị đắng, tính mát, hơi hàn. Mướp đắng đun làm nước tắm cho trẻ trong mùa hè để trừ rôm sảy, làm thuốc chữa ho, chữa cảm mùa hè, thanh nhiệt ở phế và vị, chữa dị ứng, đau váng đầu, đau thắt ngực, lở ngứa ngoài da, phụ nữ rối loạn kinh nguyệt, bí kết đại tràng. Ngoài ra còn có tác dụng an thần, kết hợp với những vị khác để điều trị tăng huyết áp. Mướp đắng chế biến làm thuốc bằng cách thái lát, phơi khô, sao vàng rồi bảo quản để dùng dần. Lá mướp đắng có thể dùng tươi, giã đắp, nấu nước tắm hoặc sắc uống.

Mướp đắng trị ho, ổn định huyết áp
Mướp đắng là vị thuốc tốt trị ho, ổn định huyết áp.

Mướp đắng được dùng làm thuốc trong các trường hợp sau:

Mùa hè bị cảm thử: ra nhiều mồ hôi, hoa mắt chóng mặt, thở nông hụt hơi, buồn nôn, người chao đảo, mệt lả: mướp đắng 20g, biển đậu 16g, tang diệp 16g, hoàng kỳ 12g, mẫu lệ (chế) 12g, đương quy 12g, sa sâm 12g, quế 8g, cam thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

Ho, đau rát họng, sổ mũi, hắt hơi: mướp đắng 20g, tía tô 16g, trần bì 12g, cát cánh 12g, mạch môn 16g, sâm hành 12g, sinh khương 6g, kinh giới 12g, cam thảo 12g, lá xương sông 16g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

Ngứa nhiều, gãi nhiều, da bị trầy xước từng mảng: mướp đắng 20g, sài hồ 12g, ngân hoa 10g, liên kiều 12g, nam hoàng bá 16g, cỏ mực 16g, hoa hoè (sao) 12g, huyền sâm 10g, cam thảo đất 16g, đại táo 10g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

Bệnh zona: mướp đắng 20g, thổ linh 20g, cam thảo đất 16g, nam bạch chỉ 16g, kinh giới 12g, sài hồ 12g, thủ ô (chế) 10g, đương quy 12g, phòng sâm 12g, hoài sơn 12g, mã đề thảo 16g, bồ công anh 12g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

Trà dược trị tăng huyết áp: mướp đắng, hoa hoè, cam thảo đất, dừa cạn, rau má, lá đắng, mã đề, lá đinh lăng mỗi vị 100g (dược liệu ở dạng khô). Các vị sao giòn, tán vụn trộn đều, bảo quản trong bình kín tránh ẩm. Ngày dùng 35 – 40g, cho thuốc vào ấm, hãm nước sôi khoảng 15 phút là được. Uống dần trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt, lợi tiểu, an thần, chống đau đầu, chao đảo, ổn định huyết áp, phòng ngừa tai biến.

Chữa đái tháo đường: mướp đắng 20 – 25g sắc nước uống hằng ngày.

Trị sỏi đường tiết niệu: mướp đắng dùng cả cây và lá, thái ngắn phơi khô, cất giữ cẩn thận, mỗi ngày lấy 1 nắm nấu nước uống, uống liên tục nhiều ngày. Tác dụng: bào mòn và tống sỏi ra ngoài. Đây là bài thuốc kinh nghiệm của đồng bào ở Ninh Thuận, Bình Thuận thấy có kết quả cao.

Trị gan nhiễm mỡ: mướp đắng 20g, ngũ gia bì 12g, nhân trần 12g, cây chó đẻ 6g, cam thảo đất 12g. Sắc uống ngày 1 thang, uống liên tục nhiều ngày. Công dụng: thanh can hoá ứ, trừ thấp, thông lạc…

Nhiệt kết ở đại trường gây táo bón, bụng đầy khó chịu: mướp đắng 20g, sinh địa 12g, hoàng cầm 10g, trần bì 10g, chỉ xác 10g, cam thảo 12g, đương quy 12g, đại táo 10g, mạch môn 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Lương y Văn Trịnh

Meo.vn (Theo SKĐS)

Ốc nhồi mùa thu quê nhà

Đã lâu rồi mới về thăm nhà, theo chân mẹ đi chợ phiên, chợt nhìn thấy bà cụ ngồi bán mớ ốc nhồi, những kỷ niệm tuổi thơ chợt ùa về trong tôi.


Ốc đậu nấu chuối xanh - Ảnh: H.H.

Lớn lên từ một vùng quê nghèo, ký ức tuổi thơ trong tôi là hình ảnh người dân làng cơ cực, nhọc nhằn mưu sinh từ những mớ cua, giỏ ốc từ những cánh đồng, ao làng. Lúc còn bé tôi thường theo nội ra đồng tát cá, bắt cua, bắt ốc. 

Nhớ ngày đó, chỉ cần vạch những lớp cỏ bờ cũng có thể bắt được những chú cua, quây vội góc ruộng cũng bắt được một mớ cá rô đồng cho bữa chiều. Đối với vùng đất nghèo quê tôi, bấy nhiêu cũng đủ nuôi chúng tôi khôn lớn trưởng thành.

Ngày nay, cuộc sống đầy đủ hơn nhưng hương vị những món ăn được chế biến từ những con cá, con cua, mớ ốc dân dã nhưng mang một hương vị khó quên đó luôn khiến những đứa trẻ quê nghèo chúng tôi “thòm thèm” khi nhắc tới. Trong số đó, tôi nhớ nhất mùi vị của món ăn được chế biến từ những chú ốc nhồi, những chú ốc to, béo tròn.

Ốc nhồi chỉ cần chế biến đơn giản, hấp với một ít lá gừng hoặc lá chanh cũng ngon tuyệt, nhưng có lẽ hấp dẫn nhất đối với tôi là món ốc nấu chuối đậu. Tuy chế biến có hơi cầu kỳ và mất thời gian, nhưng khi thưởng thức mới thấy không bõ công mình.

Mẹ tôi thường bảo ốc nhồi vào mùa thu là ngon nhất. Những chú ốc mới bắt về béo tròn được mẹ ngâm qua một đêm với nước vo gạo cho sạch, sau đó cạy miệng, chặt trôn, đập vỡ lấy thịt. Chuối xanh tước vỏ, thái con chì ngâm qua nước mẻ cho khỏi thâm rồi trần qua nước nóng.

Nghệ, mẻ giã nhỏ, lọc lấy nước. Thịt ốc rửa sạch ướp mắm, nước nghệ, mẻ, hạt tiêu. Đậu phụ rán vàng. Thịt ba chỉ thái miếng nhỏ, ướp gia vị như ốc. Sau đó cho mỡ vào chảo, phi thơm hành khô đổ ốc xào, khi ốc chín tới xúc ra để riêng.

Tiếp đó mẹ cho thịt vào xào săn, rồi cho chuối xanh, đậu vào đảo đều, chế nước sôi xâm xấp, đậy vung đun cho chín nhừ. Tôi thường phụ giúp mẹ rửa hành hoa và lá tía tô. Ốc vừa bắc xuống, cho tía tô và ớt vào đảo đều, vậy là đã có món ốc đậu chuối xanh ngon tuyệt.

Ngày nay, để thưởng thức món ốc nấu đậu chuối xanh cũng không phải quá khó, nhưng ốc toàn là loại ốc bươu, hương vị không thể sánh được với món ăn được chế biến từ ốc nhồi.

Bữa cơm chiều nay, mẹ lại làm món ốc đậu chuối xanh, nếm thử một miếng, hương vị vẫn vậy, dân dã nhưng đậm đà, mang một vị đặc trưng riêng. Nước sánh vừa, mang màu vàng của nghệ, ốc giòn không có mùi tanh, hòa quyện cùng vị chát, bùi bùi của chuối xanh, béo ngậy của thịt ba chỉ, đậu phụ, thơm lừng mùi tía tô.

Vừa ăn vừa bùi ngùi nhớ lại những bữa cơm nấu ốc đậu chuối xanh của mẹ khi chị em tôi còn bé, cả nhà quây quần bên mâm cơm cùng bát ốc đậu chuối xanh vàng ươm bốc khói, bữa cơm gia đình như ấm áp hơn khi trời chuyển thu se se lạnh. Hương vị món ăn cùng những ký ức tuổi thơ luôn theo tôi suốt chặng đường sau này.

Meo.vn (Theo TTO)