Lưu trữ cho từ khóa: tia phóng xạ

Tuyết nhĩ phòng ngừa ung thư

Tuyết nhĩ không chỉ là một loại thực phẩm quý, giàu chất đạm mà dịch chiết từ tuyết nhĩ có tác dụng tăng cường hoạt động của tế bào miễn dịch, phòng chống tế bào ung thư và bảo vệ gan...

Tuyết nhĩ (ngân nhĩ, nấm trắng) có tên khoa học là Tremella fuciformis, đông y gọi là bạch mộc nhĩ nhưng không liên quan gì đến mộc nhĩ (nấm mèo). Tuyết nhĩ có màu trắng trong như thạch, thịt nấm như chất keo nhầy. Nấm phát triển trên thân cây mục như sồi, dẻ, phong, long nhãn và khuynh điệp...

http://www.xinhxinh.com.vn/xxxadmin/archive/images/Dong%20y/Moc-nhi-trang-2.jpg
Tuyết nhĩ là một loại thực phẩm quý, giàu chất đạm.

Hiện nay, tuyết nhĩ cũng được nuôi trồng trong bịch nilon. Tuyết nhĩ khá giàu chất đạm, nhiều polysaccharid A và B được chích ly từ khuẩn ty, bao tử và quả thể tuyết nhĩ. Các nghiên cứu cho thấy, polysaccharid cũng như dịch chiết từ tuyết nhĩ có tác dụng tăng cường hoạt động của tế bào miễn dịch, bảo vệ cơ thể chống lại tác hại của tia phóng xạ bằng cách tăng cường hoạt động của tế bào sát thủ tự nhiên, gia  tăng sản xuất interleukin-2.

Đặc biệt, 5 loại polysaccharid trích từ tuyết nhĩ được đặt tên từ BI đến BV cho thấy có hoạt tính chống u bướu, kháng tế bào gây ung thư cổ tử cung loại He La ở người. Các polysaccharid A, B và C cũng đều có tính chống u bướu. Hơn nữa, các polysaccharid của nấm và chất trích từ bào tử có tác dụng hạ lipit máu, hạ cholesterol, kháng viêm, hạ đường huyết, bảo vệ gan, chống viêm phổi, viêm gan, chống lão hóa...

Ngoài việc dùng làm thực phẩm từ lâu Đông y đã xem tuyết nhĩ là một vị thuốc quý. Tuyết nhĩ có vị ngọt, tính bình, tác dụng vào kinh phế, tỳ, giúp gia tăng sinh lực, lưu thông máu huyết, sinh tân dịch, bổ khí, tim, phổi, não, dưỡng âm. Dùng trị ho, viêm họng, hen suyễn, yếu phổi do âm suy. Dùng trị táo bón, kinh nguyệt không đều: Lấy 10g tuyết nhĩ khô, ngâm nước, rửa sạch, chưng cách thủy với ít đường phèn, chia làm 2 lần, ăn trong ngày. Dùng liên tục 3 - 5 ngày hay trong nhiều tháng nếu bị viêm gan, yếu phổi. Có thể hầm với gà ác, 20g bạch quả, 8g đương quy, 8g đẳng sâm, 3g bạch chỉ, 6g sinh địa, 8g đại táo và vài lát gừng tươi, gia vị để ăn mỗi tuần vài ba lần chống suy nhược cơ thể hoặc để phụ trị ung thư khi dùng hóa trị liệu.

Meo.vn (Theo Bee)

Ăn gì khi bị sâu răng?

Thực phẩm các loại khi kẹt lại trong răng đều là 'món ăn' ưa thích của vi khuẩn. Thời gian thực phẩm tồn tại ở trong răng miệng càng lâu, càng gây hại nhiều.

Cẩn thận với chất đường và ăn vặt

Carbohydrat dễ lên men như các loại đường sucrose, fructose, maltose, lactose; mật ong, đường vàng, mật mía; trái cây tươi, khô hoặc đóng hộp; nước ngọt... đều là những món ăn ưa thích của vi khuẩn. Người hay dùng chất ngọt bị hỏng răng nhiều gấp 12 lần người ít dùng. Ăn uống vặt nhiều lần trong ngày cũng làm thay đổi độ axit/kiềm của nước bọt và ảnh hưởng tới sự sâu răng.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Ăn nhiều đồ ngọt có nguy cơ làm răng bị sâu

Ví dụ ăn năm cái kẹo một lúc rồi súc miệng sẽ ít có hại hơn là lai rai số kẹo đó trong ngày. Ăn quà vặt cũng là một nguy cơ sâu răng vì độ axit trong miệng lên cao nhiều lần trong ngày. Cần nhớ là mỗi lần một lượng nhỏ carbohydrat dễ lên men được đưa vào miệng là độ axit trong nước bọt tăng lên cao và ăn mòn men răng.

Chất nào bảo vệ răng?

Đường hóa học saccharin, aspartame, cyclamate không làm hư răng; đường xylitol, sorbitol trong rượu không lên men lại được coi như chất bảo vệ răng. Chất đạm trong thịt, trứng, cá; chất béo, vài loại pho mát có tác dụng bảo vệ răng khỏi sâu. Chất béo tạo ra một lớp dầu mỏng che răng nên có tác dụng làm giảm tác dụng của đường, làm giảm độ dính của thực phẩm vào răng miệng.

Thực phẩm có nhiều xơ như dưa gang, rau diếp...giúp làm sạch răng và loại bỏ mảng bựa vôi. Thực phẩm vô hại cho răng là loại khi ăn không làm tăng nồng độ axit của nước bọt.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Pho mát có tác dụng bảo vệ răng khỏi sâu

Vai trò của nước bọt

Nước bọt có vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa cũng như bảo vệ răng. Có ba tuyến nước bọt là tuyến mang tai, tuyến dưới lưỡi và tuyến dưới hàm. Nước bọt có tính kiềm mà nhiệm vụ chính là giữ độ ẩm cho miệng, giúp tiêu hóa thực phẩm, giảm thay đổi axit trong miệng và tiêu hóa tinh bột. Nước bọt có nhiều canxi và phốt pho nên trung hòa axit do vi khuẩn tạo ra. Sự nhai, ngửi hoặc nhìn thấy món ăn ngon thơm đều khiến ta chảy nước bọt.

Sự tiết nước bọt giảm khi ngủ nên miệng thường khô. Nước bọt cũng giảm trong một vài chứng bệnh hoặc do tác dụng của vài loại dược phẩm như thuốc trị kinh phong, trầm cảm, dị ứng, cao huyết áp, thuốc có chất á phiện, các tia phóng xạ trị liệu.

Biết ăn phối hợp

Thực phẩm ăn xen kẽ cũng có ảnh hưởng tới khả năng gây sâu răng. Thực phẩm gây sâu răng mà ăn xen kẽ với thực phẩm không gây sâu răng sẽ tốt hơn. Chuối thường hay dính răng, dễ dẫn đến sâu răng, nhưng khi ăn kèm theo uống sữa thì tác dụng xấu giảm đi. Tráng miệng với miếng bánh ga-tô dính răng, sau đó lại nhai miếng pho mát Thụy Sĩ, miệng sẽ sạch mau hơn. Sữa có nhiều canxi, phốt pho nên có tác dụng trung hòa với thực phẩm dễ gây sâu răng, như đường. Dạng lỏng hay đặc của thực phẩm cũng là một yếu tố quan trọng.

Thực phẩm lỏng rời miệng mau hơn món ăn đặc nên độ axit cũng thấp hơn. Một viên kẹo cứng ngậm trong miệng cho tan dần tạo ra môi trường thuận lợi cho vi sinh vật nhưng kẹo cao su không đường nhai lâu làm tăng nước miếng và rửa sạch răng.

Ngô rang có nhiều chất xơ, ít carbohydrat lên men cho nên tốt cho răng.

Chỉ một chút đường trong bánh kẹo cũng đủ làm cho các món này dính lâu trong miệng, tạo điều kiện thuận lợi cho tác dụng của vi khuẩn.

Theo Lan Khanh

Thế giới tiêu dùng

Nguyên nhân khiến răng ngả màu

Dùng nước súc miệng trong thành phần có chứa chất hoá học như cetylprudinium clorua hay chlorhexidine gây ngả màu răng.

Một hàm răng trắng sáng và khoẻ là mong muốn của rất nhiều người. Tuy nhiên có rất nhiều nguyên nhân gây ngả màu răng. Những nguyên nhân chính sau sẽ giúp bạn hiểu thêm để bảo vệ độ sáng, trắng của 'một góc con người'.

1. Dùng thuốc

Dùng nước súc miệng trong thành phần có chứa chất hoá học như cetylprudinium clorua hay chlorhexidine gây ngả màu răng.

Các loại thuốc có chứa tetracycline và doxycycline, thuốc chống tănghuyết áp cũng có thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến độ trắng đẹp của răng

2. Thực phẩm và đồ uống

Là một trong những nguyên nhân chính gây ngả màu răng, các sản phẩm như đồ uống có chứa carbonate, cà phê, trà, rượu và một số loại rau, trái cây như táo cũng gây ngả màu tự nhiên của chất khoáng trong răng.

3. Bệnh và điều trị bệnh

Phụ nữ đang mang bầu điều trị bệnh truyền nhiễm làm ảnh hưởng đến lớp men răng của trẻ sinh ra sau này.

Trị bệnh bằng phương pháp hoá học trị liệu, như dùng tia phóng xạ có thể gây ngả màu răng rất nhanh.

4. Thuốc lá

Hút thuốc lá thường xuyên rất có hại cho sức khoẻ đồng thời gây đổi màu răng, răng vàng và mồm có mùi hôi khó chịu. Việc đánh chải răng thường xuyên cũng không thể hết được tác hại của thuốc lá với răng, hơi thở và sức khỏe.

Theo DT

Cách phòng chống các loại tia phóng xạ

 

Ngày 12/03/2011 thông tin Nhật Bản bị rò rỉ tia phóng xạ đã làm cho khắp nơi lo ngại đến vấn đề sức khỏe và sinh hoạt. Nhận thức thật đúng đắn về tia phóng xạ sẽ giúp giảm bớt những lo lắng không đáng có.

Một trường hợp bị viêm thực quản do tia xạ

Các loại tia phóng xạ

Tia bức xạ hạt nhân (hay còn gọi là tia phóng xạ) chủ yếu có 3 loại tia là: tia α, tia β và tia γ.

Tia α có lực xuyên suốt nhỏ, chỉ cần nguồn tia bức xạ không vào trong cơ thể thì ảnh hưởng sẽ không lớn. Con đường chính để vào cơ thể là qua đường hô hấp và thức ăn và qua các vết thương.

Tia β có độ xuyên suốt nằm ở giữa tia α và γ, dễ bị lớp tế bào biểu bì da hấp thụ, gây ra tổn thương bức xạ ở các lớp mô tế bào. Vì thế, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với các vật nhiễm phóng xạ và khi cần thiết nên áp dụng biện pháp che chắn sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ này.

Độ xuyên suốt của tia γ là mạnh nhất, có thể xuyên cơ thể và các vật liệu xây dựng, có tầm ảnh hưởng rộng nhất.

Nguy hại của tia phóng xạ đối với cơ thể

Tia phóng xạ có thể gây ra các triệu chứng sau: mệt mỏi, đau đầu hoa mắt, mất ngủ, da mẫn đỏ, lở loét, xuất huyết, rụng tóc, bệnh máu trắng, nôn mửa, đau bụng đi ngoài... Do tế bào bạch cầu không ngừng hạ thấp, thậm chí còn tăng thêm tỉ lệ phát bệnh ung thư, các bệnh di truyền và quái thai. Nếu lượng tia phóng xạ chiếu vào trên 50ge thì có thể gây tổn thương não, người bị nhiễm sẽ tử vong trong vòng 2 ngày.

Dân văn phòng nếu bị tia bức xạ hạt nhân chiếu vào trong thời gian dài sẽ gây ra các bệnh bức xạ mãn tính. Nếu bị tia bức xạ chiếu vào từng vùng của cơ thể sẽ làm cho da tổn thương mãn tính, gây trở ngại cho việc tạo máu….

Trẻ em và thai nhi rất nhạy cảm đối với tia bức xạ và có thể nói là thuộc nhóm bị ảnh hưởng nặng nhất. Do cơ thể trẻ đang phát triển, các tế bào có khả năng tự khôi phục và vì thế nguy cơ xuất hiện tế bào lỗi càng lớn.

Trước khi có thai nếu tiếp xúc với tia phóng xạ thì sẽ làm tăng tỉ lệ thai chết lưu. Khi các bộ phận trong cơ thể thai nhi đang hình thành mà tiếp xúc với tia phóng xạ thì có thể làm tăng tỉ lệ dị dạng, bị bệnh ung thư máu nếu chào đời và nhiều trường hợp tử vong ngay sau khi chào đời.

Biện pháp phòng chống

Chủ yếu có 3 cách:

- Hạn chế tối đa xuất hiện dưới ánh mặt trời;

- Làm tăng khoảng cách với nguồn bức xạ;

- Sử dụng các biện pháp che chắn bảo vệ bằng các vật liệu như nhôm, bê tông cốt thép và nước.

Rò bàng quang âm đạo

Rò bàng quang (BQ) âm đạo (ÂĐ) là sự hiện diện của một lỗ thông thương giữa BQ và ÂĐ. Đây là tình trạng bệnh lý gây ảnh hưởng đến chất lượng sống, làm cho người bệnh rất khó chịu cần phải điều trị sớm.

Nguyên nhân của rò BQ - ÂĐ

Tai biến trong mổ sinh, sang chấn trong quá trình chuyển dạ. Chuyển dạ kéo dài do bất cân xứng giữa đầu thai nhi với khung chậu của người mẹ, gây chèn ép BQ hoại tử BQ tạo ra rò BQ - ÂĐ.

Sau tai biến phẫu thuật cắt tử cung qua ngả bụng.

Do chấn thương vì tai nạn như: ngã ngồi phải cọc, tai nạn giao thông. Ngoài ra, ung thư BQ và trực tràng (tại chỗ hoặc di căn từ nơi khác đến) xâm lấn vào các vách ngăn rồi gây thủng. Cũng có khi do đặt kim phóng xạ để điều trị các loại ung thư vùng chậu hông. Các tia phóng xạ này diệt tế bào ung thư, đồng thời cũng làm thủng vách ngăn giữa BQ, trực tràng và ÂĐ.

Cách xác định rò BQ - ÂĐ

Thường xuất hiện 7 - 14 ngày sau khi mổ, ở thời điểm này xuất hiện nước tiểu chảy ra từ ÂĐ, số lượng nước tiểu chảy ra nhiều hay ít tùy thuộc vào kích thước và vị trí của lỗ rò.

Thử nghiệm màu: bơm dung dịch bleu methylene vào BQ qua một ống thông niệu đạo. Đặt 3 tampon vào ÂĐ sau khi BQ được bơm đầy nước, thấy có sự nhuộm màu của tampon.

Xác định lỗ rò bằng cách nội soi BQ để đánh giá số lượng, kích thước, vị trí lỗ rò đồng thời đánh giá mức độ viêm nhiễm của BQ, để có cách điều trị tốt nhất.

Rò niệu quản - ÂĐ cũng hay đi kèm với rò BQ - ÂĐ là nguyên nhân thường gặp sau phẫu thuật vùng đáy chậu, xác định bằng chụp hệ niệu có cản quang.

Điều trị rò BQ - ÂĐ

Trường hợp lỗ rò nhỏ, dùng đốt điện đường rò kết hợp đặt dẫn lưu BQ tốt giúp cho đường rò hóa sẹo.

Các trường hợp khác phải phẫu thuật. Cần mổ sớm khi các phần BQ - ÂĐ tiếp giáp lỗ rò còn mềm mại, chưa bị xơ cứng do viêm kéo dài. Từ lỗ rò, các bác sĩ sẽ bóc tách tổ chức BQ khỏi tổ chức ÂĐ trên một diện đủ rộng để khâu đóng kín lỗ rò BQ, sau đó khâu lỗ rò ÂĐ.

BS.CKII. NGUYỄN HỮU THUẬN

Hành trình công, tội của chất phóng xạ

Kể từ ngày được nhà bác học Henri Becquerel tìm ra vào năm 1896, tính đến nay, phát minh về chất phóng xạ đã có gần 120 tuổi. Trong hành trình hơn 100 năm lịch sử đó, chất liệu này đã trải qua những biến đổi thăng trầm, có khi là cứu cánh của phái đẹp và ngày nay đang trở thành nguy cơ âm thầm của một tai họa tự nhiên mà các nhà khoa học mới vừa khám phá.

Phóng xạ - Từ công dụng y học đến kỹ nghệ kiếm tiền

Một vụ nổ khí hạt nhân.

Năm 1902, những kết quả nghiên cứu đầu tiên về công dụng y học của chất phóng xạ được công bố rộng rãi trên thế giới. Người ta sử dụng năng lượng của các tia bức xạ để phá hủy các tế bào không lành mạnh và điều trị một số bệnh về da. Từ đó, liệu pháp tia X ra đời và tồn tại đến ngày nay. Vào thập niên 1920, tại Viện nghiên cứu chất radium, nhiều chuyên gia về phóng xạ đã hợp tác với các bác sĩ điều trị bệnh ung thư bằng cách đốt các tế bào phát triển vô tổ chức. Trong ý nghĩ của công chúng lúc bấy giờ, radium là vạn năng, là vô địch. Nhân tâm lý này, một số người đã không bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền bằng cách loan truyền rằng, radium phát tán ra những tia sáng xuất phát từ quyền năng của một loại suối nguồn tươi trẻ huyền bí. Có người còn đẩy ý tưởng đi xa hơn, cho rằng chất kim loại trắng đó là hòn đá biến chì thành… vàng của những nhà giả kim và ma thuật. Từ đó, người ta thấy xuất hiện tên radium trên đủ loại bao bì hàng hóa, từ nước hoa, kem chống nhăn, cho đến thức ăn gia súc. Đáng chú ý là một sản phẩm kem bôi da dành cho phụ nữ có tên là Tho-Radia, được giới thiệu là phát minh của bác sĩ Alfred Curie. Loại kem này ngay khi có mặt trên thị trường đã được các quý bà đua nhau sử dụng vì nó được quảng cáo là mang lại vẻ đẹp hồi xuân cho những làn da nhăn nheo, lão hóa nhờ có thành phần là chất phóng xạ. Rất may mắn cho các quý bà thời đó là đa số mỹ phẩm quảng cáo có chất radium chỉ là … hàng giả hiệu, vì chất liệu này rất khó sản xuất và rất đắt, nếu không, những chiếc mặt nạ làm đẹp đã làm cháy nám bao nhiêu gương mặt kiều diễm của quý bà.

“Cuộc cách mạng quân sự” và những “con bọ  người”

Vào những năm 1930, hai nhà khoa học Frederic và Irene Joliot Curie làm ra chất phóng xạ nhân tạo. Từ đó, các nhà khoa học không phải lệ thuộc vào chất phóng xạ tự nhiên, quý hiếm và vô cùng đắt đỏ nữa. Năm 1945, cụ thể hơn là ngày 6/8/1945, quả bom hạt nhân đầu tiên trong lịch sử loài người bùng nổ trên đảo Hiroshima - Nhật Bản đã cho thấy mặt trái của chất phóng xạ trong tay nhà quân sự. Vậy mà báo chí phương Tây gọi hành động trên là một cuộc “cách mạng quân sự”, có thể so sánh với sự “khám phá ra lửa của tổ tiên chúng ta thời tiền sử”. Nếu “nhân bản” những vũ khí loại này, con người có thể làm sụp đổ trái đất. Các nhà khoa học còn phát hiện ra rằng, bom hạt nhân giết hại dần các sinh vật bằng phóng thích những tia phóng xạ có thể gây ra bệnh ung thư và bệnh bạch cầu. Thập niên 1950, các hộp kem dưỡng da có chứa radium vắng bóng trên các kệ hàng, nhưng bù lại, các nhà sản xuất phim ảnh lại gắn cho chất phóng xạ những tác dụng phi thường khác, đó là khả năng tạo ra những quái vật khổng lồ như con thằn lằn kinh khiếp Godzilla chẳng hạn. Nhưng đáng sợ hơn cả là phát hiện của nữ phóng viên Eileen Welsome đăng rên tờ báo nhỏ Albuquerque Tribune về một trong những bí mật lớn nhất trong thời kỳ chiến tranh lạnh, đó là việc chính phủ Mỹ sử dụng hàng ngàn người làm vật thí nghiệm cho chất bức xạ hạt nhân. Họ được gọi là những “con bọ người”. Trong số này có 18 người Mỹ đã bị tiêm thẳng chất plutonium vào mạch máu, 73 trẻ em tàn tật tại một trường học ở Massachusetts  được nuôi bằng cháo yến mạch có pha chất đồng vị phóng xạ. Còn tại một bệnh viện ở Tennessee, 829 phụ nữ có thai được cho sử dụng một thứ “cocktail vitamin” chứa chất sắt có phóng xạ. Đó là chưa kể đến những cuộc thử nghiệm bức xạ hạt nhân trên con người được giấu kín từ thời chương trình hạt nhân còn đang được triển khai trước và sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 - 1945).

Chất phóng xạ với môi sinh và thực phẩm

Từ những thập niên 1950 - 1960, việc thải chất plutonium ra môi trường đã trở thành một vấn đề đáng báo động. Vùng Sellafield (vương quốc Anh) là nơi sản xuất ra plutonium cho việc chế tạo các đầu đạn hạt nhân. Hậu quả là chất phóng xạ gia tăng trong môi trường sống, tác hại đến sức khỏe và tính mạng của con người. Tại một ngôi làng nhỏ ở Seascale, cách Sellafield 2km về phía Nam, số trẻ em bị bệnh bạch cầu tăng gấp 7 lần so với những nơi khác. Tình trạng tương tự xảy ra tại nhiều nơi trên đất nước Ireland, buộc Chính phủ nước này phải lên tiếng cáo buộc chính quyền vương quốc Anh đã làm ô nhiễm phóng xạ trên vùng duyên hải của họ. Chính phủ Anh cho biết, họ đã chi ra 2 tỷ bảng Anh trong 15 năm để xử lý chất thải hạt nhân. Theo những số liệu được công bố gần đây, tại vùng biển Ireland, mật độ chất phóng xạ quanh nhà máy Sellafield vẫn còn ở mức cao.

Hiện tượng nhiễm xạ cao của môi trường dẫn đến tình trạng nhiều loại thực phẩm do con người sử dụng hàng ngày cũng bị nhiễm xạ.

Thời gian gần đây, một phát hiện khoa học mới đã mang đến cho mọi người nỗi ngạc nhiên cùng sự lo lắng. Đó là phân của các loài chim biển đã tăng cường chất đồng vị phóng xạ vào thực phẩm chúng ta sử dụng hàng ngày. Nhận định này được giới khoa học đưa ra sau khi tìm thấy hàm lượng cao chất phóng xạ trong phân chim và cây cối mọc trên một hòn đảo gần Bắc cực. Họ giải thích là các chất phóng xạ tích tụ trong đại dương qua những biến chuyển địa chất dưới đáy biển, thêm vào đó là các chất đồng vị phóng xạ do con người thải ra trong việc xử lý các cơ sở hạt nhân trên đất liền, trong đó có chất phóng xạ từ thảm họa Chernobyl ở Ukraina vào năm 1986 đã khiến nước biển và các sinh vật biển bị nhiễm xạ và cuối cùng thì thông qua các loài chim biển, chất phóng xạ đó nhiễm vào thực phẩm, rau củ quả trên đất liền.

Mặc dù ngày nay, chất phóng xạ vẫn đang được sử dụng nhưng hình ảnh của radium đã thay đổi nhanh chóng dưới con mắt của đại chúng. Người ta đã cảnh giác hơn rất nhiều với các chất phóng xạ trong tự nhiên cũng như nhân tạo. Còn các nhà khoa học thì vẫn miệt mài không ngừng nghỉ trong việc nghiên cứu các chất phóng xạ để tìm ra cách khai thác tối đa mặt có lợi và hạn chế mặt có hại của chúng.

 

Ung thư phổi và những điều nên biết

Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong những bệnh nhân ung thư ở nam giới. Ở Việt Nam theo số liệu ghi nhận tại một số vùng ung thư phổi đứng hàng đầu và chiếm 20% trong tổng số hàng trăm loại ung thư.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Các triệu chứng nhận biết

Triệu chứng hay gặp nhất của ung thư phổi là ho kéo dài. Thở ngắn, ho có đờm lẫn máu và đau ngực cũng có thể là dấu hiệu chỉ điểm của ung thư phổi. Một thời gian sau bệnh nhân có thể gầy sút, mệt mỏi, thở nông, khàn giọng, khó nuốt, đau xương, thở khò khè và tràn dịch màng phổi.

Cần chú ý rằng có khoảng 13% bệnh nhân không biểu hiện bất cứ một triệu chứng nào như trên khi khối u của họ được phát hiện.

Phương pháp phát hiện

Có nhiều kỹ thuật được sử dụng để phát hiện ung thư phổi. Ung thư phổi thường được phát hiện đầu tiên bằng chụp Xquang lồng ngực. Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có thể xác định chính xác hơn vị trí của khối u, kích thước và biết được khối u đã phát triển ra ngoài phổi hay chưa. Có thể chẩn đoán bằng cách sinh thiết, phương pháp sinh thiết thông thường nhất là dùng ống nội soi phế quản. Đưa một ống nhỏ, mềm, dẻo qua mũi hay miệng sau khi đã gây tê, đi qua khí quản vào phổi. Phương pháp này được sử dụng trên 80% bệnh nhân và 2/3 có kết quả sinh thiết dương tính. Xét nghiệm đờm tìm tế bào ung thư chỉ có 1/3 số ca có kết quả dương tính. Nếu khối u ở rìa phổi hay ở xa phế quản thì nội soi phế quản hay xét nghiệm đờm có thể không phát hiện được. Hoặc dùng một kim nhỏ xuyên qua thành ngực vào vùng bất thường sau khi đã gây tê tại chỗ. Phương pháp này chẩn đoán được trên 90% bệnh nhân. Đôi khi cần thiết phải tiến hành sinh thiết thêm nếu các phương pháp trên không thành công. Những mẫu sinh thiết lấy được, được nhuộm và soi dưới kính hiển vi quang học.

Những nguyên nhân gây ung thư phổi

Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. 90% bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá. Mặc dù còn 4% bệnh nhân bị ung thư phổi mà không hút thuốc, nhưng vài người trong số họ đã hít một số lượng đáng kể khói thuốc lá (hít khói của người hút thuốc lá). 90% bệnh nhân ung thư phổi đã hút hơn 10 điếu thuốc lá/ ngày trong 20 năm.

Những công nhân tiếp xúc với bụi silic có nguy cơ cao bị ung thư phổi. Nguy cơ này sẽ tăng lên nhiều lần nếu bệnh nhân có hút thuốc lá.

Những tiếp xúc nghề nghiệp khác liên quan tới ung thư phổi bao gồm tiếp xúc với quá trình luyện thép, ni-ken, crôm và khí than.

Tiếp xúc với tia phóng xạ có nguy cơ bị các bệnh ung thư trong đó có cả ung thư phổi. Những công nhân mỏ uranium, fluorspar và hacmatite có thể tiếp xúc với tia phóng xạ do hít thở không khí có chứa khí radon.

Ngoài ra,  nguy cơ ung thư phổi liên quan đến các chất gây ô nhiễm không khí. Các nghiên cứu gần đây thấy ung thư phổi có liên quan yếu tố gen.

Các phương pháp điều trị

Phẫu thuật loại bỏ khối u:

Có hiệu quả nhất khi khối u còn nhỏ và chưa có di căn. Bệnh nhân có thể trạng tốt để phẫu thuật. 20% bệnh nhân được điều trị theo phương pháp này. Những bệnh nhân được phẫu thuật lấy toàn bộ khối u có thời gian sống thêm lâu dài.

Điều trị tia xạ:

Phương pháp này được áp dụng cho 35% bệnh nhân. Mục đích là phá hủy khối u khi nó còn nhỏ (thường có đường kính 6 cm) và không có di căn. Đối với những khối u lớn thì nó làm giảm sự phát triển của khối u. Phương pháp điều trị này kéo dài đời sống của bệnh nhân nhưng ít khi chữa khỏi bệnh.

Điều trị bằng hóa chất:

Có tác dụng tốt ở hầu hết bệnh nhân ung thư phổi loại tế bào nhỏ và đôi khi ở những loại ung thư phổi khác. Những tiến bộ gần đây về hóa trị liệu đã làm giảm đáng kể những tác dụng phụ so với trước đây.

Điều trị hỗ trợ:

Chỉ áp dụng cho khoảng 1/3 bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn không điều trị được bằng các phương pháp kể trên, bao gồm chăm sóc bệnh nhân, điều trị triệu chứng và làm giảm đau.

Cần có một chế độ ăn thích hợp, nghỉ ngơi, chăm sóc về mặt y tế và giải trí đôi khi giúp ích cho bệnh nhân.

Ở hầu hết các bệnh nhân ung thư, kết quả điều trị tốt nhất khi ung thư được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị mới bao gồm đưa chất đồng vị phóng xạ vào phế quản, điều trị bằng tia xạ, điều trị bằng laser, các thuốc hóa chất mới, những nghiên cứu sinh học phân tử đang được tiến hành và đã thu được một số kết quả.

TS. Trần Văn Thuấn

(PGĐ Bệnh viện K - Phó trưởng ban điều hành dự án phòng chống ung thư)

(suckhoe&doisong)

Cách phát hiện sớm ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là bệnh thường gặp ở Việt Nam, theo ghi nhận ung thư ở Hà Nội đứng hàng thứ hai trong các bệnh ung thư. Ung thư dạ dày gặp ở người lớn và mọi lứa tuổi nhưng hiếm khi gặp ở người dưới 50 tuổi, ở nam nhiều hơn ở nữ.

Ung thư dạ dày là gì?

Ung thư là bệnh của các tế bào cơ thể. Bình thường các tế bào trong cơ thể phân chia theo trình tự nhất định. Tuy nhiên đôi khi vài tế bào phân chia bất thường và phát triển thành khối u. Khối u có thể là lành tính (không phải là ung thư) hoặc là ác tính (là ung thư).

Khối u ác tính gồm các tế bào ung thư. Nếu không được điều trị, các tế bào này sẽ xâm lấn và phá hủy các mô xung quanh. Các tế bào ung thư thường tách khỏi ung thư ban đầu và đến các cơ quan khác. Khi những tế bào này đến vị trí mới, chúng tiếp tục phát triển thành khối u, khối u này được gọi là di căn. Ung thư dạ dày hay đi theo đường hệ thống bạch mạch để đến các bộ phận khác của cơ thể.

Nguyên nhân gây bệnh

Các nguyên nhân gây ung thư dạ dày vẫn chưa được biết chính xác. Ở những người có tiền sử loét dạ dày và từng bị thiếu máu ác tính thì có nguy cơ cao bị ung thư dạ dày.

Triệu chứng thường không đặc hiệu

Các triệu chứng của ung thư dạ dày thường là mơ hồ và không đặc hiệu. Hay gặp nhất là chứng khó tiêu, có thể kèm theo khó chịu, đau âm ỉ, chướng bụng, ợ hơi, buồn nôn, chán ăn. Những triệu chứng này dễ bị bỏ qua nhưng bạn phải đi khám nếu các triệu chứng này kéo dài hơn 2 tuần. Các biểu hiện khác có thể là: nôn, gầy sút, mệt mỏi, thiếu máu, đau bụng hoặc đi ngoài phân đen.

Để chẩn đoán bệnh cần làm  gì?

- Bác sĩ hỏi bệnh và khám bệnh kĩ càng.

- Chụp phim Xquang dạ dày dùng thuốc cản quang.

- Nội soi dạ dày bằng ống soi mềm, sinh thiết chẩn đoán và có thể chụp ảnh dạ dày qua ống nội soi.

- Khi một người bệnh được chẩn đoán là ung thư dạ dày thì cần làm thêm một số xét nghiệm nữa để đánh giá sự phát triển của ung thư đến các cơ quan khác. Điều này giúp cho bác sĩ đưa ra cách điều trị tốt nhất. Đó là các xét nghiệm chụp cắt lớp vi tính và siêu âm.

Các phương pháp điều trị

Ung thư dạ dày có thể được điều trị bằng các phương pháp: phẫu thuật, hóa trị liệu và tia xạ.

Phẫu thuật:

Phương pháp điều trị đầu tiên và chủ yếu đối với các ung thư dạ dày giai đoạn sớm là phẫu thuật: cắt bỏ một phần hay toàn bộ dạ dày. Sau 5 ngày bệnh nhân đã có thể uống và ăn trở lại. Sau phẫu thuật 10-14 ngày, bệnh nhân có thể ra viện.

Những trường hợp ung thư giai đoạn cuối có thể: Phẫu thuật tạm thời, nhằm lập lại lưu thông của đường tiêu hóa, kéo dài cuộc sống cho người bệnh.

Hóa chất trị liệu:

Đây là phương pháp điều trị bằng các thuốc chống ung thư đặc biệt. Các thuốc này thường được dùng phối hợp với nhau trong một tuần, sau đó nghỉ thuốc 2 hoặc 3 tuần rồi lại dùng tiếp. Nếu ung thư ở giai đoạn sớm, hóa trị liệu dùng để hỗ trợ cho phẫu thuật, tia xạ hoặc cả hai, nhằm mục đích tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể để tránh tái phát ung thư dạ dày sau này.

Hóa trị liệu sẽ có một số tác dụng phụ nhưng các tác dụng phụ này là tạm thời và có thể làm giảm được.

Điều trị bằng tia xạ:

Biện pháp này dùng các tia phóng xạ để diệt các tế bào ung thư. Các tia phóng xạ này được tính toán chính xác trên vị trí của ung thư để giảm tác hại đối với các mô lành. Trong ung thư dạ dày, điều trị bằng tia xạ sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại. Điều trị bằng tia xạ có thể được dùng cùng với hóa chất trị liệu để làm nhỏ khối u và làm giảm các triệu chứng.

Nhật Bản là nước có tỉ lệ ung thư dạ dày cao trên thế giới, đã thành công trong chương trình phát hiện sớm để phẫu thuật có hiệu quả cao, đạt tới 80% số bệnh nhân sống sau 5 năm. Cả thế giới công nhận và áp dụng kĩ thuật đó. Việt Nam cũng là nước có tỉ lệ mắc cao, cần thiết phải hiểu biết để có sự quan tâm thích đáng tới bệnh ung thư dạ dày.

Chương trình Phòng chống bệnh ung thư Quốc gia - Bệnh viện K - Bộ Y tế

PGS.TS. Nguyễn Văn Hiếu

(suckhoe&doisong)

Thuốc trị ung thư

Ung thư được xem là bệnh nan y, nhưng nhờ phối hợp tốt 3 phương thức trị liệu chủ yếu là: xạ trị (tức dùng tia phóng xạ để trị), phẫu trị (phẫu thuật cắt bỏ khối u), hóa trị (dùng thuốc để trị) mà tỷ lệ sống của người bệnh tăng lên đáng kể.

Riêng thuốc trị ung thư dùng trong hóa trị là loại thuốc khó sử dụng hơn các loại khác vì nhiều độc tính và phải tuân thủ theo thời gian biểu dùng thuốc nghiêm ngặt. Thuốc này thường chỉ bán ở một số nhà thuốc bệnh viện và thông tin về thuốc khá hạn chế.

Thuốc trị ung thư có tác dụng ức chế sự phát triển và chức năng biệt hóa của tế bào ung thư nhằm chặn đứng sự phát triển và lan tràn của ung thư. Hiện nay, các thuốc trị ung thư có thể phân ra 4 nhóm lớn có đặc điểm chung là gây độc làm chết tế bào ung thư:

Nhóm thuốc có nguồn gốc thực vật: Gồm thuốc là các hợp chất được lấy từ một số cây cỏ, như vinblastin, vincristin được lấy từ cây dừa cạn (vinca rosea).

Nhóm kháng sinh kháng ung thư: Có một số kháng sinh không được dùng để trị bệnh nhiễm trùng (gọi là kháng khuẩn hay kháng nấm) mà chỉ để trị ung thư như doxorubicin, bleomycin...

Nhóm thuốc kháng chuyển hóa: Là các thuốc gây cản trở tiến trình tổng hợp các chất cần thiết của tế bào, như methotrexat fluorouracil ngăn chặn sự tổng hợp các chất cần cho nhân của tế bào.

Nhóm thuốc alkyl hóa: Là các thuốc gây độc cho tế bào bằng cách gắn một gốc hóa học có tên là alkyl vào một số chất có trong tế bào, gồm có cisplatin, cyclophosphamid... có khả năng đưa gốc alkyl vào cấu trúc ADN ngăn cản sự tái bản của ADN trong nhân tế bào.

Ngoài 4 nhóm trên còn có thuốc tác động đến hormon như tamoxiphen có tác động kháng estrogen, một hormon sinh dục nữ, được dùng trị ung thư vú.

Nhược điểm chung của thuốc trị ung thư hiện nay là: không chọn lọc để chỉ tác dụng trên tế bào ung thư mà không gây hại tế bào lành, dễ bị nhờn thuốc và giảm dần tác dụng. Gần như tất cả các thuốc trị ung thư đều có hệ số an toàn trị liệu thấp, chúng có thể gây độc cho tế bào lành và gây các tác dụng phụ rất nặng nề như: rụng tóc, nôn dữ dội...

Thuốc trị ung thư là loại thuốc bắt buộc dùng theo sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa, bởi vì chỉ có bác sĩ mới am hiểu chuyên môn thực hiện các điều sau:

- Thực hiện các nguyên tắc phối hợp thuốc. Tức là dùng nhiều loại thuốc cùng lúc để: tránh nhờn thuốc, diệt tế bào ung thư tối đa và độc tính gây ra tối thiểu, nhằm chữa khỏi một số ít bệnh (bệnh bạch cầu Hodgkin nếu phối hợp thuốc tốt có thể chữa khỏi), hoặc nhằm giảm triệu chứng ở bệnh chưa khỏi được (ung thư phổi, ung thư ruột kết là loại hiện nay chưa thể chữa khỏi).

- Điều trị theo nhịp để không bị độc hại, như cho dùng thuốc liều cao trong một thời gian (khoảng 3-4 tuần) để đạt tác dụng diệt tế bào ung thư, sau đó có thời gian ngưng dùng thuốc để cơ thể bị nhiễm độc có thể hồi phục.

- Điều trị cứu nguy nhằm làm giảm độc tính của thuốc, như sau đợt dùng thuốc methotrexat có nguy cơ bị độc tính ở ruột và tủy xương, thuốc leucovorin được dùng để bảo vệ các tế bào lành.

- Chọn đường dùng cho thuốc và chọn dùng thuốc thích hợp. Ví dụ sactinomycin, doxorubicin không được tiêm bắp mà phải tiêm tĩnh mạch để kháng hoại tử mô. Cytarabin phải được tiêm truyền tĩnh mạch nhỏ giọt để duy trì nồng độ thuốc trị liệu trong máu. Procarbazin là một trong số ít thuốc vượt qua hàng rào máu não nên được dùng trị u não. Có khi thuốc phải được đưa thẳng vào nơi có khối u như được tiêm vào màng phổi, phúc mạc, bàng quang, động mạch gan, động mạch cổ...

Đối với người bệnh, khi được bác sĩ chuyên khoa chỉ định thuốc, cần tuân thủ thực hiện tất cả những gì bác sĩ yêu cầu. Như phải dùng thuốc kéo dài đúng thời gian (thuốc đã được cho dùng 6 tháng hay 1 năm lại phải dùng kéo dài hơn cho đến khi thấy hiệu quả tốt). Phải dùng thuốc theo đúng đường sử dụng (như uống, tiêm dưới da, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch tùy theo bác sĩ chỉ định). Hoặc khi đang dùng thuốc gặp những phản ứng bất thường phải báo cho bác sĩ biết.

(Theo Sức Khỏe và Đời Sống)

Viên ngọc quý và trái tim ấm áp

 

Những cống hiến thầm lặng suốt 15 năm qua của một người Hà Nội- PGS.TS.BS Nguyễn Quang Tuấn, Viện Tim mạch Việt Nam- đã góp phần làm thay đổi sâu sắc lĩnh vực Tim mạch can thiệp (TMCT) Việt Nam.

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuấn đang khám bệnh cho bệnh nhân

Một con người không nhàm chán

“Tôi biết mình đi qua cuộc đời này chỉ một lần. Vì vậy nếu cần thể hiện tình cảm của mình với ai đó, hoặc làm một điều tốt đẹp cho những người xung quanh, tôi xin làm ngay trong lúc này. Vì rằng tôi sẽ không quay lại cuộc đời này một lần nữa” (William Penn).

PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn đã lấy lời dẫn chân thành, tha thiết ấy để trải lòng mình với cuộc đời và người bệnh trong cuốn “Tự sự của trái tim” của anh- một cuốn sách phản ánh khá rõ con đường khoa học mà anh đang đi và những cảm nhận sâu sắc của trái tim anh với trái tim người bệnh. Nhưng dường ấy những tự sự của anh trong những trang viết cũng chưa đủ để hiểu về con người có sức hấp dẫn đặc biệt này.

Ít ai biết rằng PGS. Tuấn đến với nghề y lại xuất thân từ một học sinh giỏi quốc gia môn vật lý. Trận ốm khá nặng đã làm cậu học trò xuất sắc Nguyễn Quang Tuấn không thể đến Bungari dự kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế năm 1983. Số phận đã khiến anh không đi theo lĩnh vực vật lý nguyên tử mà tìm đến con đường của y học.

Nhưng chỉ ít ngày trở thành tân sinh viên Đại học Y Hà Nội, anh nhận được lệnh nhập ngũ lên chiến trường biên giới phía Bắc. Sau 4 năm trận mạc, anh lính trẻ Nguyễn Quang Tuấn trở về giảng đường đại học với niềm háo hức và khát vọng tràn đầy về cuộc sống.

Rất nhanh chóng anh có được một trong những vị trí dẫn đầu thành tích học tập toàn khóa, giải nhất sinh viên thanh lịch Trường Đại học Y Hà Nội, là tín đồ của nhiếp ảnh. Khi bắt đầu đi lâm sàng tại bệnh viện, chứng kiến các bác sĩ tim mạch mang đến sự hồi sinh kỳ diệu cho những trái tim đang dần nguội lạnh đã cuốn hút anh. Và thế rồi cái duyên gắn bó chuyên ngành tim mạch bắt đầu từ đó.

Sự tinh tế trong tâm hồn và nguồn tri thức phong phú trong nhiều lĩnh vực đã khiến những báo cáo khoa học của anh không khô khan, đơn điệu mà có sức hút đặc biệt. Ngay cả khi những lời khuyên của Đức Đại lai Lạt ma cũng có thể biến hóa trong một bài báo cáo, đem đến sự kết hợp độc đáo giữa bằng chứng khoa học và tư duy triết học.

GS. Shigeru Saito, Chủ tịch Hội tim mạch Nhật Bản kể rằng, ấn tượng đầu tiên của ông với BS. Tuấn là một người còn khá trẻ, thanh tú, có phong thái nho nhã phương Đông đặc trưng và rất tự tin. Đó là lần đầu tiên ông nghe BS. Tuấn báo cáo khoa học tại Hồng Kông hoàn toàn bằng tiếng Pháp, giao lưu với mọi người đều bằng tiếng Pháp. Nhưng lần sau ông gặp lại anh ở một hội nghị khoa học quốc tế khác thì rất ngạc nhiên khi nghe BS. Tuấn tham gia báo cáo hoàn toàn bằng tiếng Anh rất nhuần nhuyễn. Mỗi lần đến Hà Nội làm việc, ông được hiểu rất nhiều về nền văn hóa nơi đây, về những con phố, về loài hoa sữa đặc trưng của mùa thu Hà Nội…từ một người con của Hà Nội - BS. Nguyễn Quang Tuấn.

Khi nói về người học trò xuất sắc của mình, GS. Phạm Gia Khải - Chủ tịch Hội tim mạch Việt Nam - đã dành cho anh một câu: “con người này quả thực là không nhàm chán”.

Phía sau ánh hào quang

Giải nhất nhân tài đất Việt năm 2010 lĩnh vực y tế về đề tài “Can thiệp động mạch vành qua đường ống thông” vinh danh PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn và TS. Phạm Mạnh Hùng, khẳng định trình độ làm chủ những kỹ thuật cao trong y tế của các bác sĩ Việt Nam. Giải thưởng là sự ghi nhận của xã hội, là sự động viên khích lệ. Nhưng ngay cả khi không có những giải thưởng đó thì hằng ngày những người bác sĩ như anh vẫn âm thầm làm việc và cống hiến. Bởi đối với họ công việc cũng tự nhiên như hơi thở, như nhịp đập của trái tim.

Vào ngày thứ hai của khoá học nội trú (năm 1994), GS. Phạm Gia Khải đưa BS. Tuấn đến một căn phòng tuềnh toàng của Viện tim mạch, có vài dụng cụ đơn giản, bảo đó là phòng thủ thuật can thiệp. Anh chia sẻ “Lúc bấy giờ tôi mới biết đến TMCT qua đọc sách nên khi đến phòng đó tôi chỉ thấy giống như một cái kho đựng đồ lặt vặt! Nhưng cũng ngay từ giây phút đó tôi cảm nhận được cơ hội tuyệt vời mà thầy Khải dành cho tôi, dù có thể lúc đó nhiều người cho là mạo hiểm vì không hiểu tôi sẽ làm gì để TMCT thực sự hiện diện ở nơi đây”.

GS. Khải kể rằng: “Năm 1995, tôi giới thiệu BS Nội trú Nguyễn Quang Tuấn sang học ở Pháp, đề tài là “Tim mạch học can thiệp”, một chuyên ngành lúc đó Việt Nam còn ở bước sơ khai, mà nhu cầu thì rất nhiều trong điều trị. Tôi được bạn đồng nghiệp ở Pháp cho biết ngoài những giờ làm việc rất hăng say ở phòng thông tim mạch, Tuấn còn tập luyện đều đặn, mỗi sáng chạy 5km và học võ Aikido”.

Sau khi đi du học tại Pháp, Mỹ, BS. Tuấn về nhận công tác tại Viện tim mạch Việt Nam. Anh ám ảnh mãi về ca can thiệp đầu tiên thất bại. Lúc ấy, trình độ kĩ thuật của Việt Nam còn non nớt, trang thiết bị y tế lạc hậu, đội ngũ bác sĩ chưa có nhiều kinh nghiệm, việc điều trị vẫn trông chờ vào may rủi. Thời điểm bắt đầu áp dụng phương pháp điều trị bằng can thiệp đã vấp phải nhiều rào cản. Chi phí trung bình cho mỗi ca can thiệp động mạch vành khoảng 2.000 USD, vào lúc đó là quá lớn đối với nhiều bệnh nhân (năm 1997). Nhiều người vẫn chưa tin tưởng vào khả năng của các bác sĩ Việt Nam và cũng chưa biết nhiều về phương pháp điều trị này. Sự xuất hiện của TMCT cũng không nhận được sự ủng hộ ngay của các đồng nghiệp khác trong nước. Nong động mạch vành bị tắc vì xơ vữa động mạch còn bị cho là quá xa vời, vì nhiều người cho rằng đó là bệnh của riêng các nước phát triển. Bởi thế, thời gian đầu, trung bình mỗi năm chỉ có 8-10 ca tới điều trị. Phải tới năm 1999, phương pháp này mới được ứng dụng rộng rãi.

Sự phát triển mạnh mẽ của TMCT đang thu hút rất nhiều bác sĩ trẻ. Nhưng đó là một công việc không kém phần nghiệt ngã. Hầu hết những bác sĩ làm can thiệp đều bị đứt gãy nhiễm sắc thể vì họ phải tiếp xúc trực tiếp với các tia phóng xạ trong lúc làm can thiệp. Nguy cơ ung thư, vô sinh hay sinh con dị tật là rất lớn. Đối với BS. Tuấn, mỗi lần vợ mang thai, anh vừa hạnh phúc vừa hồi hộp lo lắng, ngay cả khi siêu âm thai biết con đầy đủ chân tay nhưng vẫn chưa hết lo. GS. Khải là người hiểu hơn ai hết điều này, mỗi khi biết vợ anh sinh con, câu đầu tiên GS hỏi là “con cậu sinh ra bình thường chứ?”. Anh bảo nhìn hai đứa con lớn lên khỏe mạnh như những đứa trẻ khác anh như trút được gánh nặng âm thầm trong lòng.

Nơi tình yêu bất diệt

Là người hồi sinh rất nhiều những quả tim ngừng đập, tự tin cứu sống những nhân vật của quốc gia đại sự và là một trong số ít bác sĩ Việt Nam có trình độ chuyên môn ngang tầm với nhiều tên tuổi của lĩnh vực tim mạch thế giới…nhưng trớ trêu thay PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn lại bất lực trước bệnh tật của mẹ mình. Anh như chết lặng khi biết mẹ bị u não giai đoạn cuối! Cuộc sống đôi khi vẫn xảy ra những điều lạnh lùng, tàn nhẫn buộc con người ta phải dũng cảm đối mặt.

Anh nói rằng mình là “khúc ruột thứ 6” của mẹ trong gia đình có 8 anh chị em. Nhà đông con, mỗi đứa một tính nhưng ai cũng được nhận tình yêu thương vô bờ bến và sự bao dung, che chở của mẹ.

Người phụ nữ đảm đang và sâu sắc đó không bao giờ đặt mục tiêu, nhiệm vụ nào cho các con nhưng từ bé anh đã cảm nhận sự kỳ vọng lớn lao của mẹ dành cho anh, thấu hiểu những hy sinh vất vả mà bà chịu đựng vì con. 17 tuổi, lần đầu tiên cậu học trò Nguyễn Quang Tuấn rời xa vòng tay mẹ, rời xa Hà Nội một mạch lên chiến trường biên giới phía Bắc. Sau 3 tháng huấn luyện xuất sắc anh lính tên lửa được thưởng mấy ngày phép về thăm nhà, cảm giác lâng lâng khoác trên vai ba lô nhẹ tênh, sải chân trên phố, hình ảnh mẹ với nụ cười đôn hậu và ánh mắt mừng vui nhưng loáng nước đứng đợi anh trước hiên nhà đã khắc sâu trong anh. Mỗi lần nhận được thư anh mẹ đều đọc đi đọc lại, nhiều đêm bà ngồi lặng lẽ một mình và âm thầm khóc vì nhớ thương con… Rồi anh trở thành bác sĩ, làm giảng viên đại học, đi Tây, đi Tàu triền miên nhưng mỗi khi trở về bên mẹ anh vẫn luôn cảm thấy mình bé nhỏ và cần được chở che.

Có câu chuyện kể rằng: Vào một ngày nắng ấm áp, một thiên sứ xuống trần gian dạo chơi. Ngài tìm thấy 3 kỷ vật đẹp đẽ nhất nơi trần thế và quyết định mang về thiên đàng, đó là những bông hoa hồng rực rỡ, nụ cười thơ ngây trong trẻo của cậu bé dành cho mẹ và tình yêu của người mẹ trào dâng như dòng nước từ một con sông đang chảy vào nôi và vào lòng cậu bé. Trước khi bước vào ngọ môn, thiên sứ kiểm tra lại những kỷ vật mang về thì nhận ra những đóa hồng đã héo, nụ cười của cậu bé cũng dần nhạt phai. Kỳ lạ thay chỉ có tình yêu của người mẹ là vẫn giữ được vẻ đẹp tinh khôi trong suốt chặng đường đến thiên đàng. Câu chuyện xúc động và đầy tính triết lý này khiến tôi tin rằng BS. Nguyễn Quang Tuấn vẫn luôn được mẹ dõi theo những bước đi của anh, bà sẽ mãn nguyện và thanh thản biết bao khi thấy con trai đạt nhiều hơn những thành công và vơi dần đi những trở trăn, phiền muộn…Dù rằng bà đã ở một nơi rất xa, nơi tình yêu bất diệt của những người mẹ được trân trọng cất giữ.