Lưu trữ cho từ khóa: tia cực tím

Đeo kính đen có giúp chống lại tia cực tím?

Ở mấy tiệm bán mắt kính, tôi thường được họ tư vấn chọn đeo kính đen để giúp chống lại các tác hại của tia cực tím khi đi ngoài nắng. Xin hỏi điều đó có đúng không? – Trúc Linh (TP.HCM)

deo-kinh-den-co-giup-chong-lai-tia-cuc-tim

ThS.BS Hoàng Cương,

phó khoa khám bệnh, bệnh viện Mắt Trung ương:

Theo tài liệu hướng dẫn sử dụng kính chống nắng của hiệp hội Nhãn khoa Hoa Kỳ, màu sắc và độ tối của mắt kính không nói lên điều gì về khả năng bảo vệ mắt khỏi tác hại của tia cực tím. Thậm chí, đeo những loại kính đen thông thường không những không bảo vệ được mắt mà còn tác hại hơn là không đeo kính. Lý do là các loại kính này có tác dụng giảm độ chói của ánh sáng tới mắt, làm tối các cảnh vật trong tầm mắt. Con ngươi khi phản xạ với cảnh vật tối sẽ mở to hơn bình thường, như vậy càng làm tăng nguy cơ hấp thụ nhiều tia cực tím có hại. Đa phần các loại kính rẻ tiền chỉ có thể giúp chống bụi và chống chói phần nào, chứ không có tác dụng bảo vệ mắt khỏi tia cực tím. Những loại kính này đặc biệt không nên dùng cho trẻ em vì độ quang học của kính không chuẩn có thể gây chóng mặt, làm giảm thị lực.

Theo SGTT.vn

Nguy cơ ung thư vì bóng đèn huỳnh quang

Đèn huỳnh quang compact tiết kiệm năng lượng (CFL) được sử dụng phổ biến ở các bàn làm việc, tuy nhiên theo một nghiên cứu mới từ Đại học Stony Brook (Mỹ), nếu ngồi dưới bóng đèn thường xuyên và liên tục (ít nhất là 5 giờ liên tục) thì có thể nhiễm bức xạ của tia cực tím (UV) phát ra từ bóng đèn.

nguy-co-ung-thu-vi-bong-den-huynh-quang

Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu của các tế bào da ở người và đặt chúng dưới hai bóng đèn CFL trong 4 ngày để theo dõi phản ứng xảy ra. Kết quả cho thấy, các tế bào da ngừng phát triển và thay đổi hình dạng, đây chính là những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ung thư da.

Giáo sư Miriam Rafailovich tại Sony Brook cho biết, không giống như các bóng đèn sợi đốt kiểu cũ, bóng đèn CFL phát tán bức xạ tia cực tím giống như bức xạ cực tím của mặt trời, điều này cũng giống như khi bạn ngồi trên bãi biển một ngày dài dưới ánh nắng mặt trời, bức xạ nhiệt sẽ làm thay đổi ADN trong các tế bào da, khiến chúng bị đột biến và phát triển ung thư.

Theo các chuyên gia, chúng ta không nên tiếp xúc quá gần với bóng đèn huỳnh quang, khi làm việc hoặc sinh hoạt dưới bóng đèn compact nên để cách tối thiểu 60cm. Và nên sử dụng đèn compact có mũ chụp xuống (bóng được bao lại giống bóng đèn dây tóc thông thường) để giữ an toàn.

(Theo ANTD)

Bắp cải tím giúp bảo vệ da khỏi tia cực tím

 

Sở hữu làn da đẹp không còn là một điều quá khó khăn nếu bạn đưa bắp cải tím vào thực đơn ăn uống của mình.

Theo báo The Times of India dẫn nguồn từ các chuyên gia dinh dưỡng Ấn Độ, bắp cải tím chứa nhiều vitamin C và vitamin K tốt cho làn da.

Hàm lượng chất chống ô xy hóa cao trong bắp cải tím sẽ giúp làn da trở nên mềm mại và sạch sẽ.

Màu tím của bắp cải là do nó có nguồn dồi dào anthocyanins, chất được cho có tác dụng như kem chống nắng, bảo vệ các tế bào khỏi những tổn hại do các tia cực tím gây ra cho da.

Một số cuộc nghiên cứu cho kết quả, chất anthocyanins còn có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường và một số loại bệnh ung thư.

Để bảo quản bắp cải tím được lâu, bạn nên cho bắp cải vào túi nhựa và cất trong tủ lạnh. Cách này sẽ giữ được độ tươi của bắp cải tím trong khoảng 2 tuần.

(Theo Thanhnien)

 

Bệnh u hắc tố (ung thư da) gia tăng ở phụ nữ trẻ

Có sự gia tăng đáng kể về tỉ lệ mắc bệnh u hắc tố, một dạng ung thư da nguy hiểm.

Nghiên cứu mới đây cho thấy có sự gia tăng đáng kể về tỉ lệ mắc bệnh u hắc tố, một dạng ung thư da nguy hiểm, ở người trẻ trong đó phụ nữ trẻ tuổi là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo nghiên cứu này, tỉ lệ mắc u hắc tố tăng 8 lần ở phụ nữ trẻ và 4 lần ở nam giới trẻ trong vòng từ năm 1970 đến năm 2009.

Các kết quả này bắt nguồn từ một nghiên cứu dựa trên cộng đồng do các tác giả thuộc Bệnh viện Mayo Clinic thực hiện. Họ đã xem xét các trường hợp có chẩn đoán u hắc tố lần đầu ở những bệnh nhân tuổi từ 18-39 trong khoảng từ năm 1970 đến năm 2009.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng gia tăng sử dụng giường thuộc da trong nhà là một trong những lý do chính dẫn đến tăng tỉ lệ mắc bệnh này, ngoài ra cháy nắng và phơi nhiễm tia UV khi còn nhỏ cũng có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc u hắc tố.

Các kết quả được đăng trên số ra tháng 4 của tờ Mayo Clinic Proceedings.

(Theo ANTD)

 

Các yếu tố gây bệnh còi xương

Trẻ ăn sữa bột có nguy cơ còi xương cao hơn trẻ bú mẹ. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào sữa mẹ thì chưa đủ để phòng còi xương vì hàm lượng vitamin D trong sữa mẹ khá thấp (30-60 đơn vị/lít). Vì vậy, trẻ cần tiếp xúc đủ với ánh sáng mặt trời.

Còi xương là bệnh rất phổ biến ở trẻ dưới 3 tuổi tại các thành phố công nghiệp vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Việc bổ sung vitamin D vào chế độ ăn của trẻ đã có tác dụng dự phòng và giảm tỷ lệ mắc bệnh. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề sức khỏe cộng đồng rất quan trọng ở nhiều quốc gia.

Nguyên nhân còi xương là thiếu vitamin D. Việc thiếu chất này sẽ làm giảm hấp thu canxi ở ruột, dẫn tới hạ canxi máu, gây rối loạn quá trình khoáng hóa xương.

Vitamin D tan trong chất béo và có trong thức ăn động vật như gan, cá, trứng, sữa... Tuy nhiên, nguồn cung cấp chủ yếu chính là quá trình tự tổng hợp của cơ thể. Dưới tác động quang hóa của tia cực tím ánh sáng mặt trời, tiền vitamin D ở dưới da sẽ chuyển thành vitamin D.

Các yếu tố nguy cơ còi xương

Thiếu ánh sáng mặt trời: Nhiều trẻ bị còi xương chỉ vì cha mẹ giữ gìn quá kỹ hoặc không có điều kiện cho tắm nắng (do yếu tố địa lý khí hậu, mùa đông, vùng núi sương mù, nhà ở chật chội, ô nhiễm môi trường...).

Tình trạng thiếu hụt nặng vitamin D của người mẹ trong thời gian mang thai: Điều này có thể phá vỡ cân bằng canxi nội mô ở bào thai và gây rối loạn quá trình khoáng hóa xương, dẫn đến còi xương từ trong bào thai. Hàm lượng vitamin D trong sữa mẹ thấp, nên trẻ sơ sinh chủ yếu dựa vào lượng vitamin D dự trữ thu được qua rau thai để đáp úng nhu cầu cơ thể. Vì vậy, việc người mẹ thiếu vitamin D trong thời gian mang thai là yếu tố nguy cơ cao gây còi xương sớm ở trẻ sơ sinh.

Chế độ ăn của trẻ thiếu cả vitamin D và canxi, tỷ lệ canxi/photpho thấp. Chế độ ăn nhiều phytat (có nhiều trong tinh bột), oxalat (có nhiều trong rau) và chất xơ cũng làm giảm hấp thu canxi.

Trẻ suy dinh dưỡng: Một số công trình nghiên cứu cho thấy, còi xương không xảy ra riêng lẻ mà đi kèm với suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A, thiếu máu. Trẻ suy dinh dưỡng thường hay rối loạn hấp thu các chất, kể cả vitamin D và muối khoáng; đồng thời thiếu hụt enzym chuyển hóa vitamin D. Ngược lại, tình trạng thiếu vitamin D cũng sẽ làm giảm sức đề kháng của cơ thể, tăng cảm nhiễm với vi khuẩn, do đó tăng nguy cơ suy dinh dưỡng. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, trẻ suy dinh dưỡng có nguy cơ còi xương cao hơn so với trẻ bình thường.

Trẻ có cân nặng lúc đẻ thấp (dưới 2.500g) có nguy cơ còi xương cao hơn trẻ có cân nặng lúc đẻ bình thường. Nguyên nhân là cơ thể không dự trữ đủ muối khoáng và vitamin D trong thời kỳ bào thai, đồng thời hệ thống men tham gia vào chuyển hóa vitamin D còn yếu.

Có hội chứng kém hấp thu: Tình trạng thiếu vitamin D dễ xảy ra ở những trẻ có hội chứng này. Các bệnh tiêu chảy kéo dài, nhiễm ký sinh trùng đường ruột, viêm gan tắc mật đều có ảnh hưởng đến hấp thu vitamin D và tăng nguy cơ còi xương.

Để dự phòng còi xương, trong thời gian có thai và cho con bú, người mẹ nên dành thời gian tắm nắng, đi dạo ngoài trời. Nên ăn uống hợp lý, chú ý thực phẩm giàu vitamin D, canxi để phòng tránh còi xương sớm cho trẻ từ trong bào thai và trong những tháng đầu sau đẻ.

Cho trẻ bú mẹ ngay sau sinh, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu , sau đó cho ăn bổ sung. Chú ý cho ăn dầu mỡ, thực hiện tô màu bát bột. Hằng ngày phải cho trẻ tắm nắng 5-10 phút để có đủ vitamin D.
Bổ sung vitamin D 400 đơn vị/ngày cho trẻ đẻ non, đẻ thấp cân. Một trong những biện pháp phòng bệnh còi xương là tăng cường vitamin D vào thực phẩm cho bà mẹ và trẻ em.

PGS Đào Ngọc Diễn, Sức Khoẻ & Đời Sống