Lưu trữ cho từ khóa: thuỷ đậu

Những căn bệnh dễ mắc phải khi thời tiết ẩm ướt

Nền nhiệt độ ẩm thấp tạo điều kiện cho các virus gây bệnh đường hô hấp, sốt phát ban, sởi, thuỷ đậu, rubella phát triển gây bệnh cả trẻ em và cả người lớn.

nhung-can-benh-de-mac-phai-khi-thoi-tiet-am-uot

Nồm ẩm dễ gây chứng đau đầu, mệt mỏi… bạn cần đi khám ngay.

Nồm ẩm dễ gây chứng đau đầu, mệt mỏi uể oải, ra nhiều mồ hôi, khó ngủ, nhất là các chứng “thấp” như thấp khớp, thấp tim, hen…

Các nấm mốc, vi nấm rất phát triển khi trời nồm ẩm, lơ lửng trong không khí, bám vào quần áo, sách vở, chăn chiếu… rất dễ bị dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp, phát cơn hen suyễn nếu dị ứng với bụi nhà.

Dưới đây là những căn bệnh dễ mắc phải khi thời tiết ẩm ướt:

Thủy đậu

Thủy đậu là một căn bệnh nguy hiểm do virus Varicella Zoster gây nên với biểu hiện là các nốt tròn nhỏ khắp cơ thể, gây ngứa, sau đó chuyển thành mụn nước và khô đi sau 5 – 7 ngày. Căn bệnh này rất dễ lây nhiễm, nhất là trong điều kiện thời tiết nồm, ẩm ướt, khi chúng ta tiếp xúc với nguồn bệnh, kể cả qua đường hô hấp.

Bệnh thủy đậu không quá nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị đúng cách, chúng mình có thể gây nhiễm trùng, để lại sẹo, thậm chí dẫn tới những biến chứng vô cùng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm màng não… Cách tốt nhất là hãy phòng chống thủy đậu ngay từ đầu bằng biện pháp tiêm chủng ngừa bệnh và tránh tiếp xúc với nguồn bệnh, kể cả quần áo, đồ đạc… của người mắc bệnh.

Bệnh đường hô hấp

Trời nồm với độ ẩm cao, nhiệt độ tương đối thấp thường tạo điều kiện cho các vi sinh vật, nấm, các vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh và phát tán trong không gian.

Đây cũng là nguyên nhân khiến chúng ta dễ mắc phải các căn bệnh đường hô hấp. Các căn bệnh hô hấp dễ mắc khi trời nồm thường gặp phải là dị ứng đường hô hấp, viêm phổi, hen phế quản, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm khí quản, phế quản cấp…

Các căn bệnh này rất nguy hiểm bởi có thể trở thành mãn tính và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của chúng ta. Vì thế, các bạn cần tự bảo vệ mình trước các tác nhân gây bệnh.

Để phòng tránh các căn bệnh đường hô hấp, các bạn cần giữ ấm cho cơ thể, đeo khẩu trang khi đi đường và đến chỗ đông người, bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết và tăng cường uống nước để nâng cao sức đề kháng… Khi có biểu hiện mắc bệnh, các bạn cần gặp bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời.

Cúm gia cầm

Trời nồm của mùa xuân thường là thời điểm mà dịch cúm gia cầm bùng phát mạnh hơn bao giờ hết. Nguyên nhân là do điều kiện thời tiết như vậy làm cho các virus gây bệnh dễ dàng phát triển và sinh sôi.

Khả năng lây lan của căn bệnh này là rất cao, thậm chí có thể trở thành dịch. Cúm gia cầm thường rất dễ mắc phải, nhất là những người có sức đề kháng yếu. Nó có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Vì vậy, chúng mình cần chú ý trong khâu phòng tránh bằng cách không tiếp xúc với người bị bệnh hoặc những nơi đang có dịch, bảo vệ cơ thể, giữ ấm, bổ sung dinh dưỡng để nâng cao khả năng kháng bệnh, đeo khẩu trang khi ra đường và đến chỗ đông người…

Đặc biệt, nếu đang ở trong vùng dịch, các bạn nên khử trùng đồ đạc, nhà cửa bằng dung dịch chuyên dụng theo chỉ dẫn của các chuyên gia y tế.

Viêm nhiễm vùng kín

Độ ẩm cao khi trời nồm sẽ khiến cho quần áo luôn trong tình trạng ẩm ướt. Nó tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển, các vi khuẩn và virus gây bệnh gia tăng. Điều này dễ khiến chúng ta mắc phải các căn bệnh vùng kín, viêm nhiễm “cô bé” hoặc “cậu bé”.

Các căn bệnh viêm nhiễm này không chỉ gây ngứa ngáy, khó chịu, mà nó còn dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm liên quan đến vùng kín, thậm chí còn có thể dẫn tới vô sinh.

Để phòng tránh, các bạn cần giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đồng thời phơi hoặc sấy khô quần áo, nhất là đồ lót để ngăn ngừa khả năng gây bệnh của vi khuẩn nhé!

Mẹo hay để khỏe mạnh:

– Luôn uống đủ nước.

– Giữ ấm bàn chân – nơi rất nhạy cảm với môi trường bởi bị lạnh là ảnh hưởng đến hô hấp, tuần hoàn và suy giảm sức khỏe. Hãy nhớ đi tất, giầy ấm. Trước khi đi ngủ cần rửa sạch và ngâm chân  trong nước ấm, rồi lau (hoặc sấy khô) ngừa cảm lạnh, giúp dễ ngủ và ngủ ngon hơn.

– Ăn uống đầy đủ dưỡng chất, giúp cơ thể có sức đề kháng tốt.

Theo Thanh Lê/Phunutoday.vn

Bài thuốc điều trị chứng thủy đậu

Thủy đậu là bệnh da cấp tính thường gặp ở trẻ em, bệnh xuất hiện quanh năm, thường gặp nhiều ở mùa đông – xuân và dễ lan nhanh thành dịch.

Thủy đậu do virut Varicella Zoster gây ra, chủ yếu ở các bệnh nhi, người lớn ít mắc. Khi mắc bệnh, trẻ thường phát sốt, sợ lạnh, đau đầu, chảy nước mũi và ho, sau đó xuất hiện các nốt đỏ ở mặt, thân, mình, tiếp theo các nốt đỏ mọng nước (phỏng rạ) như hạt đậu, nốt phỏng nước trong hoặc mủ đục mọc thưa thớt, không đều. Trẻ bị bệnh thường bứt rứt khó chịu. Bệnh lây lan rất nhanh qua đường hô hấp, tuy lành tính và có thể tự khỏi trong vòng 7 – 10 ngày nhưng nếu để bội nhiễm sẽ dẫn đến biến chứng, nhiều khi rất nguy hiểm như viêm màng não, viêm gan, hoặc để lại vết sẹo vĩnh viễn trên da (trường hợp bị rỗ).

Về nguyên nhân sinh bệnh, Đông y cho rằng thủy đậu là do cảm nhiễm ngoại tà, phong nhiệt bị uất kết ở cơ biểu phối hợp với dịch khí lưu hành, nên bệnh tà phát nhanh, lưu hành mạnh mang tính chất dịch tễ.

Khi bị mắc bệnh, điều quan trọng là phải chú ý giữ gìn vệ sinh và thường xuyên theo dõi diễn biến của bệnh để đề phòng bội nhiễm như sốt cao, mụn phỏng lở loét.

Điều trị chứng thủy đậu chủ yếu dùng pháp thanh nhiệt, thấu biểu, giải độc, lợi thấp. Xin giới thiệu một số bài thuốc thường dùng.

Bài 1:

Trẻ mới mắc phát sốt, nốt đậu dịch trong suốt, xung quanh sắc nhạt, đỏ, bệnh do phong nhiệt thấp độc uất lại ở phế vệ, cơ biểu, dùng: bạch vi 9g, thuyền thoái 3g, đạm đậu xị 5g, kim ngân hoa 6g, địa đinh thảo 6g, tang diệp 5g, bạc hà 1g, sơn chi vỏ 2g, liên kiều 6g, sắc uống ngày một thang chia 2 – 3 lần cho trẻ khoảng 3 tuổi. Nếu nốt đậu có nước đục xung quanh màu đỏ tía cần lương huyết, giải độc, gia bản lam căn 6g, bồ công anh 6g, sinh địa 6g. Sắc uống ngày một thang.

bai-thuoc-dieu-tri-chung-thuy-dau

Liên kiều.       

Bài 2:

Liên kiều 6g, đương quy 8g, xích thược 6g, phòng phong 6g, ngưu bàng 4g, thuyền thoái 3g, mộc thông 3g, hoạt thạch 8g, cù mạch 6g, kinh giới 8g, sài hồ 6g, hoàng cầm 6g, sơn chi 3g, thạnh cao 6g, xa tiền tử 4g, đăng tâm thảo 6g. Sắc cho trẻ uống ngày một thang chia 2 – 3 lần.

Bài 3:

Trường hợp trẻ sốt nhiều, nôn mửa, khát nước, buồn bực, dùng bài Khoan trung thấu độc ẩm: cát căn 12g, tiền hồ 12g, cát cánh 12g, thanh bì 8g, chỉ xác 6g, thuyền thoái 8g, kinh giới 8g, sơn tra 8g, liên kiều 8g, mạch nha 8g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 4:

Nếu trẻ tiểu tiện vàng sẻn, nốt đậu ngứa ngáy dùng thuốc cay mát để tuyên thấu, thanh nhiệt, phân lợi: liên kiều 4g, kim ngân hoa 4g, bạc hà 4g, nhân trần 6g, xích thược 3g, đại thanh diệp 6g, sinh chi tử 3g. Sắc uống ngày một thang.

bai-thuoc-dieu-tri-chung-thuy-dau

Bồ công anh.

Bài 5

: Bài thuốc dân gian thường dùng: lá tiết dê 20g, lá bạc thau 8g, lá rau bát 15g, lá bồ ngót 20g, lá quỳnh châu 10g, lá đào tiên 5g, lá diếp cá 20g, lá mặt trăng 10g, bông mã đề 15g, lá dâm bụt 5g, rau má 20g. Tất cả rửa sạch rồi vò trong một lít nước, đun sôi nước đó lên, lọc bỏ bã, để nguội dùng làm nước uống, bã xoa khắp người. Mỗi ngày dùng một thang trong 3 – 4 ngày liên tục.

Bài 6:

Nếu nốt đậu nhiều, vỡ loét không đóng vảy được, dùng hoàng liên 8g, hoàng cầm 6g, hoàng bá 12g, chi tử 8g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 7:

Trường hợp nốt đậu mọc nhiều, vỡ loét, ngứa ngáy, dùng mộc thông 3g, sinh địa hoàng 6g, hoạt thạch 4g, rễ chàm mèo 6g, liên kiều 5g, chi tử sao 5g, cam thảo 2g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 8:

Trường hợp nốt đậu đỏ tươi, xuất hiện nhiều ở ngực, bụng rất ngứa, sốt cao, khát nước, phiền toái, bứt rứt, ăn không ngon, mệt mỏi, tiểu tiện vàng sẻn, đại tiện khó, dùng bồ công anh 6g, địa đinh thảo 6g, hoàng cầm 5g, bạc hà 3g, mộc thông 3g, cam thảo 3g, kim ngân hoa 10g, liên kiều 10g, vỏ chi tử sao 3g, thuyền thoái 3g, hoạt thạch 10g. Sắc cho trẻ uống ngày một thang chia 2 – 3 lần.

DSCKI. PHẠM HINH

Theo Suckhoedoisong.vn

Cẩn trọng với bệnh thủy đậu ở người lớn

Thông tin một bác sĩ mắc bệnh thủy đậu tử vong làm nhiều người giật mình về quan niệm chỉ trẻ em mới mắc bệnh thủy đậu hoặc người lớn lỡ mắc bệnh này cũng chẳng sao

TS.BS Lê Mạnh Hùng, phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết đang vào mùa của bệnh thủy đậu.

Bệnh thường rộ lên trước tết

Xuất hiện quanh năm nhưng bệnh thường rộ lên trước tết âm lịch một tháng và kéo dài sau tết vài tháng. Tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng theo bác sĩ Hùng, số người mắc bệnh thủy đậu đến khám tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới bắt đầu có dấu hiệu gia tăng và dự báo số người mắc bệnh này sẽ tăng trong thời gian tới. Đa số trường hợp mắc bệnh thủy đậu đều tự khỏi nhưng vẫn có một số trường hợp gây ra biến chứng, thậm chí tử vong. Đặc biệt, người lớn mắc bệnh thủy đậu lại dễ bị biến chứng và có tỉ lệ tử vong cao hơn trẻ em, bác sĩ Hùng nhấn mạnh.

Chỉ trong thời gian ngắn từ cuối tháng 12-2012 đến những ngày đầu tháng 1-2013, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận hai trường hợp người lớn mắc bệnh thủy đậu có biến chứng nặng. Trong đó trường hợp tử vong là một bác sĩ, 51 tuổi, ở Sa Đéc, Đồng Tháp và một trường hợp gia đình xin về nhưng hiện đã hồi phục. Trước những ca bệnh này, ngày 4-1 Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã có văn bản gửi Viện Pasteur, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM để báo cáo. Theo bác sĩ Hùng, sau nhiều năm (từ năm 2008 đến nay), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới mới ghi nhận một ca mắc bệnh thủy đậu bị tử vong. Lúc bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện đã trong tình trạng viêm phổi quá nặng, suy hô hấp.

benh-thuy-dau
Chị N.T.T.T., 26 tuổi, mắc bệnh thủy đậu khi đang mang thai
(ảnh chụp tại khoa nội A Bệnh viện Bệnh nhiệt đới) – Ảnh: Thùy Dương

Chủ động phòng ngừa

Bệnh thủy đậu do siêu vi Varicella zoster gây ra. Biểu hiện chính của bệnh là các tổn thương dạng bóng nước trên da và niêm mạc. Sau khi siêu vi xâm nhập cơ thể, phải qua thời gian khoảng 10-20 ngày (gọi là thời kỳ ủ bệnh) người bệnh mới xuất hiện các triệu chứng của một người nhiễm siêu vi (sốt, đau đầu, uể oải, chán ăn…). Lúc này, trên da người bệnh có thể xuất hiện những hồng ban có đường kính vài milimet và sau 1-2 ngày mới xuất hiện nốt đậu. Đa số nốt đậu có đường kính dưới 5mm, tuy nhiên cũng có nốt đậu có đường kính tới 10mm. Nốt đậu nổi nhiều là dấu hiệu cảnh báo bệnh có thể diễn tiến nặng.

Theo bác sĩ Hùng, biến chứng thường gặp nhất là bị nhiễm trùng tại các nốt đậu. Những người bị biến chứng này nếu không chữa trị kịp thời, tổn thương sẽ ăn sâu, lan rộng nên cho dù được chữa khỏi vẫn có thể để lại nốt sẹo rỗ gây mất thẩm mỹ, nặng hơn còn dẫn đến viêm mô tế bào, nhiễm trùng máu. Ngoài ra, người mắc bệnh thủy đậu còn có thể bị biến chứng viêm phổi, viêm não…

Biến chứng viêm phổi hay gặp ở người lớn hơn là trẻ em và thường xuất hiện vào ngày thứ 3-5 của bệnh. Viêm phổi có thể diễn tiến nhẹ, hồi phục nhưng cũng có thể diễn tiến nặng dẫn tới suy hô hấp, phù phổi… và nguy hiểm tính mạng. Riêng trường hợp bị viêm não, tỉ lệ tử vong chiếm 5-20%, ngay cả khi được cứu sống vẫn có thể để lại di chứng nặng nề hoặc phải sống đời thực vật trong suốt tháng ngày còn lại.

TS.BS Lê Mạnh Hùng cho rằng phần lớn trường hợp mắc bệnh thủy đậu có thể khỏi bệnh nếu được chăm sóc tốt. Song đến nay vẫn còn nhiều người điều trị bệnh thủy đậu theo những cách dân gian như đốt rơm rạ để uống hoặc tự mua thuốc uống… Với những trường hợp bệnh nặng thì những cách điều trị trên sẽ làm chậm quá trình can thiệp y khoa, gây nguy hiểm.

Ai từng bị thủy đậu hiếm khi nào mắc bệnh lại do đã miễn dịch với bệnh. Do có một tỉ lệ người bệnh thủy đậu có thể bị diễn biến nặng, biến chứng nguy hiểm nên bác sĩ Hùng khuyên người chưa mắc bệnh hoặc chưa xác định từng mắc bệnh, nhất là phụ nữ chuẩn bị có con, nên chích ngừa thủy đậu vì đây là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

Thai phụ mắc bệnh có nguy cơ truyền cho con

Khắp mặt và người nổi chi chít những nốt đậu, chiều 5-1, ngồi tại khoa nội A, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, chị N.T.T.T., 26 tuổi, ở Biên Hòa, Đồng Nai lo lắng kể chị đang mang thai đứa con đầu lòng mới được ba tháng, không biết bệnh này ảnh hưởng gì đến con chị sau này.

Theo TS.BS Lê Mạnh Hùng, người mẹ mắc bệnh thủy đậu khi mang thai dưới 20 tuần sinh con ra sẽ có một tỉ lệ nhỏ (khoảng 2%) bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh. Các biểu hiện của hội chứng này có thể là: sẹo da, nhẹ cân, các bệnh về mắt (đục thủy tinh thể, tổn thương võng mạc…), tay chân ngắn, đầu bé, chậm phát triển tâm thần…

Với những người mẹ bị thủy đậu trong khoảng thời gian trước sinh năm ngày đến sau sinh 48 giờ, trẻ sinh ra dễ mắc bệnh thủy đậu chu sinh và có tỉ lệ tử vong cao (khoảng 30%).

(Theo Thanhnien)

Bệnh thủy đậu – Bệnh lành tính, sao tử vong?

Thủy đậu là bệnh lành tính nhưng cũng gây tử vong ở những người suy giảm đề kháng miễn dịch. Người lớn thường bị nặng hơn trẻ em.

Mới đây, ông N.V.T (50 tuổi, ngụ Đồng Tháp) đã tử vong do bệnh thủy đậu khiến nhiều người ngạc nhiên vì đây là bệnh lành tính vốn thường gặp trong cộng đồng.

benh-thuy-dau-benh-lanh-tinh-sao-lai-tu-vong

Bệnh lành tính, sao tử vong?

Ông T. mặc dù trước đó được điều trị tại một cơ sở y tế tại TPHCM, sau đó chuyển sang Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới nhưng vẫn không qua khỏi. Riêng trường hợp bệnh nhân P.H.C (22 tuổi, ngụ TPHCM) cũng bị bệnh thủy đậu rất nặng, được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới điều trị, sau đó xin về để lo hậu sự. Tuy nhiên ngày 2-1, TS-BS Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, cho biết thông tin mới nhất, sức khỏe bệnh nhân này đã tạm ổn sau khi về nhà. TS-BS Hùng cũng cho hay trong 4 năm qua, BV Bệnh nhiệt đới không ghi nhận bất cứ trường hợp tử vong nào do bệnh thủy đậu. Trong năm 2012, BV này đã tiếp nhận, điều trị ngoại trú cho hơn 2.500 bệnh nhân bị thủy đậu và hơn 330 ca nội trú. “Tử vong do thủy đậu rất hiếm khi xảy ra, chỉ những người suy giảm đề kháng miễn dịch mới dễ bị bệnh “tấn công”. Vào thời điểm hiện nay, loại bệnh này bắt đầu lan mạnh” - TS-BS Hùng nhấn mạnh.

thuydau2
Nên tiêm ngừa vắc-xin để ngừa bệnh thủy đậu

Tại các BV nhi trên địa bàn TPHCM vào thời điểm từ tháng 1 hằng năm cho đến sau Tết, số trẻ đến khám, điều trị bệnh thủy đậu gia tăng. Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong là rất hiếm. Tại BV Nhi Đồng 1, nhiều năm qua cũng không có ca nào tử vong.

Theo BS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn (Viện Pasteur TPHCM), thủy đậu là bệnh lây nhiễm lành tính, rất thường gặp, xảy ra ở mọi nơi, mọi lứa tuổi, trẻ em nhiều hơn người lớn. Bệnh lây lan do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc do hít phải dịch tiết mũi họng của người bệnh có trong không khí. Khoảng 90% những người chưa từng bị bệnh thủy đậu sẽ bị lây bệnh nếu có tiếp xúc với một người bị nhiễm bệnh. Do dễ lây lan nên môi trường như trường học, nhà trẻ, văn phòng, công sở… là những nơi thuận lợi dễ làm bùng phát thủy đậu.

90% không mắc bệnh nếu được tiêm phòng

Các BS khuyên để hạn chế sự lây lan của thủy đậu ra cộng đồng, người bệnh cần được cách ly, đồng thời chuyển đến bệnh viện điều trị, tránh những biến chứng có thể xảy ra. Biện pháp hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu nhưng việc chủng ngừa phải thực hiện trước khi xảy ra dịch, nếu khi bùng phát bệnh mới đi chích ngừa thì không hiệu quả. Nếu đã tiêm phòng vắc-xin ngừa bệnh thủy đậu thì 90% sẽ không mắc bệnh này. Địa chỉ tiêm ngừa là tại các cơ sở y tế, trung tâm y tế dự phòng, Viện Pasteur.

Cẩn thận với các biến chứng

Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1, thời gian ủ bệnh thủy đậu khoảng từ 10 - 20 ngày. Người bệnh có các triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, biếng ăn, nhức đầu. Nốt rạ mọc ở thân mình, sau đó lan lên mặt và tay chân. Người càng lớn tuổi thì diễn tiến bệnh càng nặng hơn trẻ nhỏ. Bệnh phát triển theo mùa, thông thường  từ tháng 1 đến tháng 5, tháng 6 hằng năm.

Thủy đậu tuy lành tính nhưng nếu đã mắc rồi mà không chăm sóc, điều trị đúng cách có thể bị nhiều biến chứng. Phổ biến là viêm da do bội nhiễm, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm não. Các biến chứng này luôn đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được điều trị kịp thời. Từ thực tế ở 2 ca bệnh nói trên (sốc nhiễm trùng, viêm phổi, sốt co giật, viêm não) càng cho thấy không thể chủ quan với căn bệnh này.

Hiện nay, bệnh thủy đậu xảy ra ngày càng nhiều ở người lớn là do họ chưa được tiêm ngừa hoặc đã ngừa nhưng đã hết miễn dịch. Nhiều người chủ quan cho rằng có tuổi rồi sẽ không mắc bệnh này. Nếu không được tiêm phòng thì mỗi người có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu ít nhất một lần trong đời. Chỉ người đã từng mắc thủy đậu rồi thì cơ thể sẽ tự tạo ra kháng thể chống lại virus gây bệnh.

Các  BS khuyến cáo bệnh thủy đậu thường nhẹ và tự khỏi nên có thể để bệnh nhân tại nhà để chăm sóc. Tuy nhiên, tốt nhất nên để BS chuyên khoa khám. Bệnh này rất nguy hiểm đối với những người suy giảm miễn dịch, đề kháng yếu, phụ nữ mang thai. Khi mắc thủy đậu không nên kiêng tắm rửa và bệnh nhân cần được ăn uống đầy đủ để tăng sức đề kháng.

(Theo Thanhnien)

thuydau2

Thời điểm nào không nên tiêm vắc xin thủy đậu ?

Thuốc chủng ngừa thủy đậu có thể giúp bảo vệ nhiều người khỏi mắc nhiễm loại vi rút này, nhưng không phải ai cũng có thể tiêm loại vắc xin này.

thuy-dau

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Mỹ xác định những người sau đây không nên chích ngừa thủy đậu:

Bất cứ ai đã có phản ứng đe dọa đến tính mạng đối với liều vắc xin này trước đó, bị dị ứng với gelatin hoặc kháng sinh neomycin;

Bị ốm nặng hoặc tình trạng sức khỏe không tốt thì các chuyên gia khuyên bạn hãy hoãn tiêm phòng cho đến khi nào khỏe lại;

Phụ nữ mang thai hoặc đang có kế hoạch mang thai trong vòng một tháng sau khi tiêm vắc xin;

Vừa được truyền máu.

Có hệ miễn dịch bị tổn hại, chẳng hạn như những người bị ung thư hoặc mắc bệnh AIDS;

(Theo Thanhnien)

Vì sao trẻ vẫn mắc bệnh thủy đậu dù đã tiêm vắc-xin

Một thực tế hiện nay tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác là 90% trẻ đã tiêm vắc-xin thủy đậu vẫn mắc bệnh. Vậy phải chăng vắc-xin không có hiệu lực và không có cách nào phòng bệnh này hiệu quả?


Một trẻ mắc thủy đậu bị biến chứng viêm não đang được điều trị tại BV Nhi đồng 1

Tại Hội thảo Phòng ngừa bệnh thủy đậu một cách hiệu quả do Viện Pasteur TPHCM tổ chức ngày 14/4 vừa qua, các chuyên gia y tế đều đồng tình rằng tình hình bệnh thủy đậu đang gia tăng tại khu vực phía Nam. Cụ thể, số trường hợp mắc thủy đậu năm 2011 đã là gần 5.500 ca, tăng hơn gấp đôi so với 2010.

BS Đinh Văn Thới, viện Pasteur TPHCM cho biết: bệnh thủy đậu tập trung vào tháng 4-5 hàng năm. Tỷ lệ mắc bệnh nhiều nhất tập trung ở trẻ 1-10 tuổi. Vậy nhưng chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2012, tại bệnh viện Nhi đồng 1 đã có hơn 1.500 trường hợp tới khám, bằng 75% số ca mắc của cả năm 2010. Đặc biệt, trong số những trẻ mắc bệnh có nhiều trường hợp đã tiêm 1 liều vắc-xin phòng thủy đậu.

Mổ xẻ nguyên nhân của tình trạng tiêm rồi vẫn bị bệnh, các chuyên gia cho rằng: đó là bởi trẻ đã tiếp xúc với vi-rút thủy đậu hoang dại trong khi nồng độ kháng thể sau khi chủng ngừa giảm dần theo thời gian.

Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy với những trẻ chỉ tiêm vắc-xin thủy đậu 1 lần, chắc chắn 90% sẽ mắc bệnh trước tuổi 13 và số còn lại sẽ mắc 1 lần vào bất kỳ thời điểm nào khác.Tiếp tục nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy phác đồ chủng ngừa 2 liều vắc-xin cho thấy giúp tạo ra đáp ứng miễn dịch mạnh hơn và là liều vắc-xin thứ hai giúp mang lại hiệu lực vắc-xin cao hơn một cách có ý nghĩa, giảm tỉ lệ breakthrough (mắc thủy đậu mặc dù đã có chủng ngừa trước đó) đến 3, 3 lần so với 1 liều như trước kia. Do đó, từ tháng 6/2007, Ủy ban An toàn Tư vấn tiêm chủng Hoa Kỳ đã khuyến cáo: đối với trẻ từ 12 tháng tuổi tới 12 tuổi đã tiêm 1 liều vắc-xin nên tiêm thêm liều thứ 2 cách liều thứ nhất tốt nhất là 6 tuần trở đi hoặc trong khoảng 4-6 tuổi để gia tăng hiệu quả bệnh và giảm việc mắc bệnh thủy đậu. Và đối với trẻ trên 13 tuổi, thanh niên và người lớn nên tiêm 2 liều cách nhau tốt nhất là sau 6 tuần.

Mặc dù khuyến cáo này ngay sau đó được các bác sĩ Việt Nam áp dụng nhưng tỉ lệ tiêm nhắc lại vẫn rất thấp và đây là một trong những lý do khiến số trẻ mắc bệnh tăng nhanh trong những năm gần đây.

(Theo Dantri)

Vì sao phải chủng ngừa sớm thủy đậu cho trẻ?

Thuỷ đậu (bệnh Trái rạ hay Phỏng rạ) do siêu vi trùng Varicella zoster gây ra, là bệnh sốt phát ban có bóng nước gây ngứa toàn thân, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng đối tượng chủ yếu của bệnh là trẻ từ 1 – 10 tuổi. Đó là lý do vì sao người ta vẫn gọi Thuỷ đậu là bệnh trẻ con. Và chủng ngừa sớm là phương pháp tối ưu được khuyến cáo thực hiện nhằm bảo vệ trẻ tốt nhất khỏi Thuỷ đậu.

Trẻ em là đối tượng chính

Chị Trương Thị H (Gò Vấp) đến giờ vẫn thấy xót mỗi khi cô con gái 4 tuổi của mình hỏi “Sao con không đẹp như các bạn ở lớp vậy mẹ?” hay “Con gì cắn mặt con vậy mẹ?” khi đưa tay lên mặt. Chị cho biết “Mình biết Thuỷ đậu nguy hiểm thế nào, nhưng do chủ quan, nên đến khi phát hiện đứa cháu gái phát bệnh, mình mới đưa con đi chích ngừa. Hậu quả là dù đã chủng ngừa, nhưng bé vẫn bị lây từ chị gái do trước đó, bé đã chơi chung với chị gái. Điều này khiến mình ân hận mãi, chỉ mong mấy cái sẹo đó mau biết mất?”

Đây chỉ là một trong số ít những trường hợp mà vì một chút chủ quan hoặc sơ sẩy của các bậc cha mẹ đã tạo điều kiện thuận lợi cho Thuỷ đậu hoành hành và để lại những tàn tích không mong muốn cho trẻ. Không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, Thuỷ đậu nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể gây viêm phổi, thậm chí nhiễm trùng máu và tử vong.

Biểu hiện của bệnh thủy đậu. Ảnh: TT

Trẻ em là đối tượng chính rất dễ mắc phải Thuỷ đậu do cơ thể chưa hoàn thiện, khả năng tự bảo vệ chưa có, chưa nhận biết về bệnh cũng như những nơi mầm bệnh thường xuyên xuất hiện. Do đó, việc phòng ngừa và bảo vệ trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ mình.

Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con mình khỏi Thuỷ đậu?

Ngoài việc thường xuyên vệ sinh và chăm sóc trẻ thật tốt, chủng ngừa là phương pháp tối ưu mà các bậc cha mẹ cần làm để bảo vệ con mình khỏi Thuỷ đậu.

Thực tế cho thấy, không chỉ khi có dịch, mà Thuỷ đậu xuất hiện rải rác quanh năm, và xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, mà đặc biệt nhất là trẻ nhỏ. Ngoài ra, cho dù chăm sóc tốt đến đâu, nhưng không có phương pháp phòng ngừa lâu dài và an toàn thì trẻ vẫn có thể nhiễm bệnh bất cứ lúc nào. Do đó, cha mẹ cần đưa trẻ đến các trung tâm, cơ sở y tế để chủng ngừa cho trẻ càng sớm càng tốt.

Chủng ngừa càng sớm, khả năng bảo vệ trẻ khỏi Thuỷ đậu càng cao

Tiêm ngừa Thuỷ đậu sớm để bảo vệ trẻ tốt hơn. Ảnh: TT

Không phải tự nhiên mà các bà mẹ được khuyến cáo nên chủng ngừa Thuỷ đậu cho trẻ càng sớm càng tốt.

Theo các chuyên gia y tế, thời điểm tốt nhất để chủng ngừa Thuỷ đậu là trước thời điểm dịch ít nhất một tháng. Bởi, vắc xin không phải là thần dược, không có tác dụng ngay lập tức sau khi tiêm, mà cần từ 1-2 tuần để các kháng nguyên xâm nhập vào cơ thể và phát huy tác dụng.

Ngoài ra, chủng ngừa “trái mùa” cũng giúp các bà mẹ không phải chờ đợi lâu, và các trung tâm y tế cũng không lâm vào cảnh hết vắc xin, quá tải.

Vì những lý do trên, cha mẹ ngay bây giờ hãy đưa trẻ đến các trung tâm y tế trên toàn quốc để chích ngừa càng sớm càng tốt nhằm giúp trẻ phòng tránh tốt nhất Thuỷ đậu.

Liều tiêm ngừa chia làm 2 nhóm tuổi: từ 12 tháng đến 12 tuổi chích 1 liều, nhưng có thể chích thêm 1 liều nữa để gia tăng hiệu quả bảo vệ tối đa cho trẻ, tránh bị mắc Thủy đậu dù trẻ đã được tiêm ngừa 1 liều vắc xin trước đó do miễn dịch của trẻ với Thủy đậu giảm theo thời gian. Đối với trẻ từ 13 tuổi trở đi chích 2 liều, khoảng cách giữa 2 lần tiêm là 6 tuần.

Phòng tránh bệnh mùa thu – đông cho trẻ

(Webtretho) Khoảng thời gian chuyển mùa từ Thu sang Đông khí hậu dần trở lạnh, đây là lúc các bệnh mùa lạnh "thừa dịp" tấn công đến sức khỏe chúng ta, nhất là với trẻ em. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn có thể phòng tránh cho con trẻ bằng cách giữ gìn vệ sinh và đảm bảo chế độ dinh dưỡng hằng ngày.

Viêm họng

Viêm họng đa số là do các chủng vi rút gây ra. Một số trẻ khác bị viêm họng do bị dị ứng với thời tiết lúc giao mùa. Những trẻ sử dụng thuốc kháng sinh quá liều, nước súc miệng hoặc các thuốc xịt họng không đúng chỉ định cũng có thể bị viêm họng do nấm.

Triệu chứng: Vòm họng trẻ sưng đỏ. Tuyến nước bọt bị sưng, niêm mạc họng phù nề. Trẻ đau họng, khó nuốt thường đi kèm với triệu chứng sốt nhẹ, đau tai, ho.

Ảnh: Corbis

Phòng tránh: Cần biết những yếu tố nào thường gây dị ứng qua đường thở cho trẻ để phòng tránh. Đeo khẩu trang cho trẻ khi ra đường, nhất là những chỗ đông dân cư và gần những khu công nghiệp. Trong phòng trẻ sinh hoạt và thoáng khí cần phải giữ cho không khí thoáng gió, ấm và đủ độ ẩm. Tránh đưa trẻ đến những nơi đông người, nhất là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.

Cảm cúm

Cảm cúm là bệnh do một loại siêu vi gây ra mà trẻ em thường mắc phải trong thời gian chuyển mùa, thời tiết thay đổi. Các vi rút gây cảm cúm thường được lây truyền bởi các hạt khí dung nhỏ, hạt khí dung lớn hoặc qua tiếp xúc trực tiếp. Bệnh sẽ phát sau khi trẻ tiếp xúc với nguồn lây bệnh từ 1 – 2 ngày.

Triệu chứng: Trẻ có thể sốt, nghẹt mũi, đau họng, ho, hắc hơi, nhức mỏi toàn thân. Trong đó triệu chứng nghẹt mũi, chảy mũi nước sẽ kéo dài hơn các triệu chứng khác.

Phòng tránh: Cần luôn giữ ấm cho trẻ khi thời tiết thay đổi, nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với nhiều người, nhất là với những người có biểu hiện bị cúm. Cho trẻ uống nước ấm, tránh ăn những thức ăn lấy trực tiếp ra từ tủ lạnh, kem, đá. Tăng cường dinh dưỡng và vitamin C, cho trẻ uống nước đầy đủ vào mùa lạnh để giúp trẻ có sức đề kháng.

Sốt phát ban

Sốt phát ban thường gây ra bởi vi rút sởi hoặc vi rút rubella. Bệnh gây ra bởi vi rút sởi còn gọi là ban đỏ, bệnh gây ra bởi vi rút rubella còn gọi là ban đào. Sốt phát ban thường lây truyền qua đường hô hấp, hít thở chung nguồn khí với người bệnh.

Ảnh: Corbis

Triệu chứng: Trẻ mệt thấy mệt mỏi, đau đầu, sổ mũi, đau họng, viêm kết mạc mắt, niêm mạc vòm họng có thể xuất hiện những chấm xuất huyết nhỏ. Ở vị trí gần hai bên cổ, sau tai của trẻ sẽ xuất hiện hai hạch sưng to và đau. Da trẻ sẽ xuất hiện những nốt đỏ nhỏ li ti ở vùng mặt rồi sau đó lan nhanh ra toàn thân và chân tay.

Phòng tránh: Cần cho trẻ chích ngừa sởi và rubella theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Tiêm mũi tiêm 3 trong 1 ngừa 3 bệnh: sởi, quai bị, rubella. Mũi đầu tiêm ở thời điểm trẻ từ 1 tuổi trở lên, mũi 2 là mũi củng cố cách mũi đầu vài năm hoặc lúc cháu bé bắt đầu đi học.

Viêm đường hô hấp

Khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa, các loại vi rút hợp bào rất phát triển. Virus này trong không khí và khi xâm nhập vào cơ thể trẻ sẽ dễ dàng phá vỡ hệ thống đề kháng chưa hoàn chỉnh của trẻ em, nhất là hệ hô hấp. Đây là một loại virus nguy hiểm có khả năng làm cho trẻ bị viêm đường hô hấp, tùy theo từng mức độ từ nhẹ đến nặng. Bệnh lây truyền qua đường miệng, nước bọt, tiếp xúc tay và các đồ dùng để ăn uống.

Biểu hiện: Trẻ có thể đột ngột sốt cao, đau đầu, lạnh toàn thân, đau toàn thân, đau họng, ho, mệt mỏi, chán ăn, khó hít thở, tiêu chảy nhẹ.

Phòng tránh: Thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng. Giữ ấm cơ thể cho trẻ và hạn chế đưa trẻ đến chỗ đông người. Đeo khẩu trang cho trẻ khi đi ra đường. Tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá. Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Không nên cho trẻ đi bơi ở những bể bơi công cộng hoặc những khu vui chơi giải trí dưới nước.

Thủy đậu

Thủy đậu, đôi khi còn gọi là bỏng rạ là một loại bệnh cấp tính do vi rút gây ra. Nguồn lây nhiễm chính của bệnh này là tiếp xúc với vi rút gây bệnh, như hít phải vi rút từ người bị bệnh thở ra trong không khí hoặc tiếp xúc gần với người bệnh. Trẻ sẽ bị phát bệnh sau 14 – 15 ngày tiếp xúc với nguồn bệnh. Bệnh thủy đậu nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ gây ra rất nhiều biến chứng.

Ảnh: Corbis

Triệu chứng: Trẻ hơi sốt, nghẹt mũi, chảy nước mũi, ho, mệt mỏi, biếng ăn. Sau một hai ngày, da trẻ nổi những mụt nhỏ màu hồng, mộng nước ở lưng trước rồi mới lan nhanh ra tay và chân, gây ngứa.

Phòng tránh: Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh thủy đậu cho trẻ là tiêm phòng. Đối với trẻ từ 1 đến 12 tuổi: chích ngừa một lần duy nhất dưới da. Đối với trẻ hơn 12 tuổi: chích 2 mũi, mũi sau cách mũi đầu 6 đến 10 tuần. Cách ly trẻ với nguồn bệnh. Những trẻ đã bị bệnh, sau khi khỏi bệnh cần được nghỉ học khoảng 10 ngày và phải vệ sinh sạch sẽ các nốt bỏng trước khi quay trở lại trường học.

Mắt đỏ

Mắt đỏ, đôi khi còn được gọi là viêm màng kết thường được gây ra bởi vi rút và vi khuẩn. Nếu mắt trẻ bị đỏ đi kèm theo những triệu chứng giống như bệnh cảm lạnh thì bệnh do vi rút gây ra. Các loại vi khuẩn thường làm cho mắt bé tiết rất nhiều dịch vàng khiến cho mi mắt dày lên, dính lại với nhau. Những em bé nhũ nhi cũng thường bị viêm màng kết do dị ứng với khói thuốc hoặc bụi bẩn. Bệnh có thể lây lan do trẻ tiếp xúc với người đã bị bệnh, cho trẻ dùng chung các vật dụng vệ sinh cá nhân.

Triệu chứng: Một trong hai, hoặc cả hai mắt của trẻ có nhiều vân đỏ như những mạch máu li ti, mí mắt rủ xuống, ửng đỏ. Các yếu tố gây viêm nhiễm, dị ứng hoặc một yếu tố kích thích, di chuyển vào bao phủ lòng trắng rồi vào bên trong mắt. Để chống lại yếu tố này, cơ chế phòng vệ của mắt sẽ phản ứng bằng cách chảy nước hoặc đóng nhử (ghèn).

Phòng tránh: Tránh cho trẻ đi bơi tại những hồ nước trong mùa đang có dịch bị đau mắt đỏ và khí hậu đang có biến động. Thường xuyên giữ vệ sinh mắt, có thể dùng nước muối sinh lý Nacl 9% để nhỏ mắt cho trẻ. Tránh tiếp xúc với người bị bệnh và không dùng chung đồ dùng vệ sinh cá nhân, nhất là khăn lau. Thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng xà bông. Bổ sung vitamin C đầy đủ để giúp trẻ tăng cường sức đề kháng.

Tiêm nhầm 2 lần Rubella có nguy hiểm?

Trong 30 ngày tôi bị tiêm nhầm 2 mũi vacxin Rubella, sởi, quai bị. Vậy xin bác sĩ tư vấn về tình trạng sức khỏe của tôi.

Hỏi: Trong 30 ngày tôi bị tiêm nhầm 2 mũi vacxin Rubella, sởi, quai bị. Ngày 22/7/11 tôi tiêm 1 mũi vacxin Rubella, sởi, quai bị. Bác sĩ hẹn đến ngày 22/08/11 đến tiêm vacxin thủy đậu. Tuy nhiên do nhầm lẫn, ngày 22/08/11 bác sĩ lại tiêm tiếp cho tôi 1 mũi vacxin Rubella, sởi, quai bị và hẹn 30 ngày sau đến tiêm vacxin thuỷ đậu. Chỉ trong 30 ngày tôi tiêm 2 mũi vacxin Rubella, sởi, quai bị. Vậy xin bác sĩ tư vấn về tình trạng sức khỏe của tôi, sau bao lâu tôi có thể tiêm vacxin thuỷ đậu và thời điểm nào là an toàn để có thai. Hiện tôi đang rất bối rối và lo lắng, rất mong được bác sĩ tư vấn. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Nguyễn Thị Phương

Trả lời: Tiêm 2 lần thì không nguy hiểm và ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Bạn có thể tiêm phòng thủy đậu được rồi. Bạn nên để khoảng 3 tháng kể từ khi tiêm thủy đậu thì có thể mang thai trở lại.

BS Ngô Thị Đức Hạnh

Meo.vn (Theo Giadinh)

Bệnh thuỷ đậu: Không nên dùng rạ để tắm hoặc đắp lá

Tại một số tỉnh miền Bắc, bệnh thuỷ đậu tuy chưa thành dịch nhưng đang lan nhanh ra một số tỉnh. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, không sử dụng gốc rạ để tắm hoặc đắp lá cho người mắc bệnh thủy đậu (trái rạ) vì có thể làm bội nhiễm da.

Bệnh thuỷ đậu hay còn gọi là trái rạ do vi-rút Varicella Zoster gây nên, xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng đa phần là trẻ em.

Biểu hiện dễ nhận biết nhất là lúc phát bệnh nổi trái rạ ngoài da. Khoảng 2-3 tuần từ khi nhiễm vi-rút đến phát bệnh người bệnh không có triệu chứng gì.

Sau đó, người bệnh sẽ có những triệu chứng như sốt nhẹ hoặc có thể sốt cao, nhức đầu, đau cơ, chán ăn, mệt mỏi, da xuất hiện nhiều vết đỏ. Vài ngày sau, những chỗ này xuất hiện mụn nước mọc theo nhiều đợt gọi là nốt rạ.

Nổi nốt trái rạ xuất hiện rất nhanh có thể trong 12-24 giờ, toàn thân hay rải rác ở da đầu, mặt, thân và tay chân, bóng nước từ 2-3mm, lõm ở giữa, nhiều tuổi (mụn mới xen kẽ nhiều mụn cũ). Đầu tiên các mụn này mịn và trong, sau đó đục như mủ rồi đóng vảy sau 4-5 ngày và kéo dài khoảng 10-14 ngày, có thể để lại sẹo vĩnh viễn nếu bị nhiễm trùng.

Bệnh thuỷ đậu lây truyền như thế nào?

Bệnh rất dễ lây vì vi-rút theo nước bọt, nước mũi bắn ra khi người bệnh nói chuyện, khóc, hắt hơi, ho… thậm chí truyền từ mẹ sang con qua nhau thai.

Ở phụ nữ mang thai nguy cơ truyền thủy đậu cho thai nhi là rất có thể. Những tác hại có thể gây ra cho trẻ là trẻ sinh thiếu tháng, dị tật ở chân tay, não và mắt, tử vong; nguy cơ xuất hiện nhiều nhất sau khi phụ nữ mang thai trong ba tháng đầu bị nhiễm vi-rút gây thủy đậu, khi đó có thể lên đến 25% trẻ chết ngay khi sinh, sẩy thai hay sinh non.

Trẻ sơ sinh mắc thuỷ đậu nguyên nhân là do sự lây truyền virus Varicella Zoster (VZV) từ bà mẹ bị nhiễm sang thai nhi trong lúc mang thai. Bà mẹ bị nhiễm 2 tuần hay lâu hơn trước khi sinh thì những trẻ sơ sinh bị bệnh thường nhẹ, nhưng mẹ bị nhiễm một vài ngày trước khi sinh điều đó có nghĩa là kháng thể của người mẹ không đủ khả năng tạo miễn dịch thụ động cho con, và 30% trong số trẻ sơ sinh này sẽ tử vong do thủy đậu lan tỏa và hay do những biến chứng.

Bệnh thuỷ đậu nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới một số biến chứng đến hệ thần kinh, da, phổi và những cơ quan khác.

Biến chứng thường gặp của bệnh thuỷ đậu

Biến chứng thông thường nhất là mụn nước bội nhiễm các vi khuẩn khác. Các vi khuẩn này vào các nốt rạ sưng to lên, gây ngứa làm trẻ không chịu được gãi trầy da, gây mưng mủ, để lại sẹo. Nếu nặng sẽ gây nhiễm khuẩn huyết.

Bệnh thuỷ đậu không chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ mà còn gặp ở người lớn. Người lớn khi mắc bệnh sẽ nặng hơn so với trẻ nhỏ. Sốt cao hơn và kéo dài hơn, các nốt rạ nhiều hơn. Nhưng quan trọng hơn cả là có nhiều khả năng gặp các biến chứng như: viêm phổi đặc biệt ở người hút thuốc lá và phụ nữ mang thai. Tử vong có thể xảy ra ở người lớn mắc bệnh thuỷ đậu

Cách phòng bệnh
Khi mắc bệnh thuỷ đậu là vệ sinh ngoài da, tắm rửa sạch sẽ, thoa xanh methylène. Ngoài ra, không sử dụng gốc rạ để tắm hoặc dùng các loại lá để đắp lên vì có thể lây bội nhiễm.

Cắt móng tay để trẻ khỏi gãi hoặc làm xước da, uống thuốc giảm ngứa, hạ sốt bằng Paracetamol, không được uống Aspirin.

Đối với trẻ em, cho trẻ ăn ăn uống bình thường.

Nếu người thân bị bệnh, cách ly người bệnh ít nhất 6 ngày kể từ lúc nổi nốt trái rạ. Trẻ bị bệnh có thể trở lại bình thường sau thời gian này. Lưu ý phụ nữ đang mang thai nên tránh tiếp xúc với người bệnh.

Để không mắc bệnh thì biện pháp tích cực nhất và hiệu quả nhất vẫn là chủng ngừa vắc-xin. Vắc-xin phòng bệnh trái rạ hiện đã có tại trung tâm y tế dự phòng tỉnh. Vắc-xin có tính an toàn cao, hầu như không có tác hại phụ; khoảng 5% sốt nhẹ sau khi chích. Vắc-xin tạo sự miễn nhiễm lâu dài với bệnh trái rạ.

tổng hợp