Lưu trữ cho từ khóa: thuốc giảm đau

Trẻ hay than đau có nên dùng thuốc giảm đau?

Con tôi năm nay ba tuổi, dạo gần đây cháu hay than đau chỗ này chỗ kia, khi đưa đi khám thì BS không tìm ra nguyên nhân. Xin hỏi, những cơn đau của con tôi có phải là bệnh không, tôi có nên cho cháu dùng thuốc giảm đau không?

tre-hay-than-dau-co-nen-dung-thuoc-giam-dau

BS Nguyễn Thị Thanh Thủy – Giám đốc BV Q.8, trả lời:

Đau ở trẻ em là một trong những dạng bệnh lý khó chẩn đoán, đặc biệt với những trẻ nhỏ vì trẻ chưa biết mô tả tình trạng đau nên đòi hỏi các bậc phụ huynh phải quan sát kỹ. Các hành vi của trẻ có thể biểu hiện sự đau đớn như: bứt rứt; khóc thét hoặc khóc dai dẳng; nghiến răng, run môi; giẫy đạp; không cử động hoặc khư khư ôm giữ một phần cơ thể.

Các dạng đau thường gặp ở trẻ em là: đau đầu, đau bụng, đau răng, đau tai, đau do va chạm gây chấn thương, đau do viêm khớp, đau do viêm niêm mạc miệng, đau họng do viêm hô hấp, đau do bỏng…

Ngoài ra, thầy thuốc còn dựa vào cơ sở sinh lý bệnh về đau như: đau do kích thích quá mức các thụ thể nhận cảm giác đau ở ngoại vi; đau do tổn thương dây thần kinh; đau không rõ nguyên nhân và đau do căn nguyên tâm lý để có hướng xử lý và điều trị cụ thể.

Đừng bao giờ nghĩ rằng trẻ sẽ không bị đau khi ta không tìm thấy nguyên nhân đau. Vì thế, việc dùng thuốc giảm đau cho trẻ là cần thiết. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo BS và chỉ nên sử dụng thuốc giảm đau loại nhẹ, không gây nghiện cho trẻ.

Tuyệt đối không dùng thuốc giảm đau có gốc Aspirin vì sẽ gây nên hội chứng Reye, ảnh hưởng tới tế bào gan, tổn thương não. Trước đây, loại thuốc được lựa chọn thường là Paracetamol, nhưng trong quá trình sử dụng, có nhiều trẻ bị dị ứng với thuốc này nên gần đây các BS khuyên dùng Nurofen giảm đau cho trẻ em như một giải pháp mới. Đây cũng là thuốc không phải kê toa như Paracetamol.

Theo Phunuonline.com.vn

Mẹ dùng thuốc giảm đau tránh ngủ chung với trẻ

Các thầy thuốc khuyên những bà mẹ đang cho con bú rằng một khi sử dụng thuốc giảm đau thì nên tránh ngủ chung với trẻ.

Sữa mẹ được xem là nguồn dinh dưỡng số 1 đối với trẻ sơ sinh. Nhiều bà mẹ thường lo lắng rằng họ có nên tiếp tục cho con bú hay ngưng khi đang sử dụng các lọai thuốc giảm đau, đặc biệt là những loại bắt buộc phải có toa bác sĩ như morphine, oxycodone, vicodin…

Các cơn đau thường xảy ra với muôn hình vạn trạng. Những cơn đau nhẹ thường được “hóa giải” bằng các loại thuốc giảm đau thông thường vốn không cần toa bác sĩ, như paracetamol (Mỹ gọi là acetaminophen) hoặc ibuprofen… Đối với những cơn đau nặng hơn thì các thuốc kể trên tỏ ra chẳng “xi nhê” hay “ép phê” gì. Để giải tỏa những cơn đau này, bệnh nhân phải dùng đến các loại thuốc cần kê toa “nặng đô” hơn, thậm chí phải sử dụng loại giảm đau thuộc nhóm narcotic vốn có những tác dụng phụ vô cùng nghiêm trọng. Vì những tác dụng phụ nghiêm trọng này mà nhiều bà mẹ lo sợ rằng họ có thể vô tình gây ngộ độc thuốc hoặc làm hại đứa bé nếu mình sử dụng các loại thuốc giảm đau trong thời gian trẻ được nuôi bằng sữa mẹ.

Mẹ dùng thuốc giảm đau tránh ngủ chung với trẻ

Chính vì mối lo ngại này mà một số bà mẹ đã dùng sữa bột để thay thế sữa mẹ. Thực ra, mỗi loại thuốc có những tác động khác nhau. Mỗi loại thuốc đi vào sữa mẹ với mức độ và hàm lượng hoàn toàn khác nhau. Sự phân bố của thuốc trong sữa phụ thuộc rất nhiều yếu tố, tùy từng loại và cũng phụ thuộc vào thể trạng của người dùng thuốc.

Điều khó khăn nhất với các bà mẹ đang cho con bú là việc quyết định có nên sử dụng thuốc giảm đau hay không, bởi chẳng bà mẹ nào muốn gây hại sức khỏe cho con của mình. Tuy nhiên, có những cơn đau quá nghiêm trọng mà họ khó có thể chịu đựng nổi nếu không nhờ thuốc. Lúc này, điều mà các bà mẹ quan tâm là làm thế nào để sữa mẹ an toàn nhất và những rủi ro nếu có ở mức độ thấp nhất.

Để đạt được điều này, khi bà mẹ buộc phải sử dụng thuốc giảm đau, họ cần phải hiểu thật rõ về loại mà mình sử dụng. Họ phải tìm hiểu xem loại thuốc này sẽ có tác động gì với bản thân và với trẻ đang được nuôi bằng sữa mẹ. Điều người sử dụng thuốc cần đặc biệt lưu tâm là cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ, hỏi rõ những dấu hiệu, triệu chứng và cả những hành vi cần lưu ý ở trẻ được nuôi bằng sữa mẹ khi người mẹ sử dụng những loại thuốc ấy.

Nếu bạn đang cho con bú và cần sử dụng thuốc giảm đau, đừng bao giờ dùng những loại thuốc của ai khác, chỉ sử dụng loại mà bác sĩ kê toa cho chính mình.

Các thầy thuốc khuyên những bà mẹ đang cho con bú rằng một khi sử dụng thuốc giảm đau thì nên tránh ngủ chung với trẻ vì có thể gây rủi ro cho bé cũng như có thể làm gia tăng tần suất đột tử ở trẻ sơ sinh.

Theo Eva.vn

Ảnh hưởng của thuốc giảm đau tới thai nhi

Acetaminophe – loại thuốc được coi là khá an toàn cho việc giảm đau, giảm sốt trong thời kỳ mang thai lại có thể không hoàn toàn vô hại với thai nhi.

Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học tại ĐH California Los Angeles được tiến hành trên 64.000 trẻ em và phụ nữ thường xuyên sử dụng acetaminophen trong thai kỳ đã chỉ ra rằng phụ nữ mang thai thường xuyên sử dụng acetaminophen có khả năng sinh ra các đứa trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý (attention deficit hyperactivity disorder – ADHD) và các chứng bệnh rối loạn thần kinh tương tự khác.

Theo nhóm nghiên cứu, điều này không có nghĩa là phụ nữ mang thai tuyệt đối không sử dụng thuốc giảm đau nhưng nên cố gắng hạn chế việc sử dụng thường xuyên cho đến khi có kết quả nghiên cứu rõ ràng hơn.

Các nhà nghiên cứu chưa có khả năng đưa ra ước tính chính xác về nguy cơ dựa theo liều dùng. Nhưng những người phụ nữ được báo cáo sử dụng thuốc đã tăng 29% khả năng sinh con có nguy cơ cao với ADHD, và 37% cao hơn với chứng bệnh tăng động.

anh-huong-cua-thuoc-giam-dau-toi-thai-nhi

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, nghiên cứu chưa chỉ ra một cách rõ ràng mối quan hệ nhân quả này và một số nhà khoa học cũng chưa nhất trí với kết luận này. “Tôi không cho rằng một nghiên cứu đơn lẻ có thể đủ để kết luận rằng không được phép sử dụng acetaminophen trong thai kỳ” – Tiến sĩ Jeff Chapa của Bệnh viện trẻ em Cleveland – người không tham gia nhóm nghiên cứu, cho biết.

Tuy nhiên, đã xuất hiện mối nghi ngờ về acetaminophen. Theo ông John Olsen, trưởng nhóm nghiên cứu, nghiên cứu này đã được thực hiện vì một số kết quả trong phòng thí nghiệm cho thấy chất này có thể có tác động tương tự như hóc môn lên quá trình phát triển phôi. Trong khi đó, mang thai là một giai đoạn cực kỳ nhạy cảm và hormone rất quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi. Hơn nữa, đây không phải là nghiên cứu đầu tiên về tác động của chất này đến thai nhi. Năm ngoái, một nghiên cứu đã cho thấy phụ nữ mang thai sử dụng acetaminophen thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ có các vấn đề về hành vi ở thai nhi đến 70%.

Mặt khác, dù acetaminophen vẫn được coi là có rất ít tác dụng phụ, nó cũng không hoàn toàn vô hại. Dùng liều cao có thể gây hại, thậm chí phá hủy gan. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã yêu cầu các công ty dược phẩm giới hạn thành phần này trong sản phẩm.

Mặc dù không thừa nhận kết quả nghiên cứu này, nhưng nhà sản xuất acetaminophen Tylenol, Công ty dược phẩm Mc Neil Consumer, đã khuyến nghị phụ nữ mang thai và cho con bú cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.

ADHD đang ngày càng xuất hiện phổ biến ở trẻ em. Theo thống kê của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ cứ 10 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ mắc ADHD. Tuy nhiên, đến nay ADHD vẫn được coi là một chứng bệnh rối loạn thần kinh phức tạp và được cho là có thể do nhiều nguyên nhân. Hiện nay, giới y học vẫn chưa có nhiều hiểu biết về chứng bệnh này.

Theo Afamily.vn

Lưu ý khi sử dụng thuốc giảm đau cho người ung thư

Thuốc giảm đau có nhiều loại và việc sử dụng phải theo chỉ định của thầy thuốc để tránh “lợi bất cập hại”.

Hiện nay, có khá nhiều người nhà bệnh nhân ung thư thường tìm mua thuốc giảm đau. Đối với bệnh nhân ung thư mà bệnh đã trở nên trầm trọng, việc dùng thuốc giảm đau là rất cần thiết để giảm những cơn đau mạnh và liên tục, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của họ. Tuy nhiên, thuốc giảm đau có nhiều loại và việc sử dụng phải theo chỉ định của thầy thuốc để tránh “lợi bất cập hại”.

Người bị ung thư giai đoạn cuối cảm nhận được quy luật đau của mình và thường chờ đợi cơn đau với nỗi ám ảnh sợ hãi. Tâm lý đó thường làm trầm trọng hơn các cơn đau khiến cho việc dùng thuốc giảm đau thường rơi vào thế bị động. Một số thuốc giảm đau thông dụng là các thuốc như aspirin, paracetamol, ibuprofen, meloxicam, indomethacin… thường được nhiều gia đình dự trữ trong nhà. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân ung thư, các thuốc giảm đau này thường có tác dụng rất ít bởi đau do ung thư là một dạng đau nặng, rất trầm trọng, phải dùng đến nhóm thuốc giảm đau trung ương.

Các thuốc giảm đau trung ương có tác dụng giảm đau mạnh do ức chế trung tâm đau ở não và ngăn cản đường dẫn truyền cảm giác đau từ tủy sống lên não. Do tác dụng giảm đau thường kèm theo tác dụng gây ngủ nên còn gọi là nhóm thuốc giảm đau gây ngủ. Đây cũng là nhóm thuốc gây nghiện được quản lý rất chặt chẽ theo quy chế riêng để tránh bị lạm dụng vào các mục đích khác không trong phạm vi điều trị bệnh. Trong nhóm thuốc này lại chia ra làm 2 loại theo mức độ giảm đau:

luu-y-khi-su-dung-thuoc-giam-dau-cho-nguoi-ung-thu

Thuốc giảm đau trung ương ức chế trung tâm đau ở não

Loại giảm đau mạnh: morphin, pethidin (dolargan, dolosan..), methadon, fentanyl…

Loại giảm đau trung bình: codein, tramadol, propoxyphen…

Trong các chất kể trên, morphin là chất chuẩn để so sánh với các thuốc giảm đau khác. Morphin là thuốc giảm đau mạnh do làm tăng ngưỡng nhận cảm giác đau, thuốc còn làm giảm các đáp ứng phản xa với đau. Tác dụng giảm đau của morphin là do thuốc ức chế tất cả các điểm chốt trên đường dẫn truyền cảm giác đau của hệ thần kinh trung ương như tủy sống, hành tủy, đồi thị và vỏ não. Như vậy, vị trí tác dụng của morphin chủ yếu nằm trong hệ thần kinh trung ương.

Khi dùng morphin, các trung tâm ở vỏ não vẫn hoạt động bình thường, nhưng cảm giác đau đã mất, chứng tỏ tác dụng giảm đau của morphin là chọn lọc. Khác với thuốc ngủ, khi tất cả các trung tâm ở vỏ não bị ức chế, bệnh nhân mới hết đau. Tác dụng giảm đau của morphin được tăng cường khi dùng cùng thuốc an thần kinh. Morphin làm tăng tác dụng của thuốc tê. Các tác dụng không mong muốn (ADR) của các chất giảm đau trung ương là gây táo bón, buồn nôn và nôn. Những phản ứng này có thể gặp khi sử dụng không phụ thuộc vào liều dùng. Nếu dùng liều cao, kéo dài cần chú ý đến tác dụng ức chế hô hấp và gây lệ thuộc thuốc.

Morphin được dùng trong những cơn đau dữ dội cấp tính hoặc đau không đáp ứng với các thuốc giảm đau khác như đau sau chấn thương, đau sau phẫu thuật, đau ở thời kỳ cuối của bệnh, đau do ung thư… Để giảm đau ở những bệnh không chữa khỏi được (như ung thư giai đoạn cuối), có thể dùng morphin quá 7 ngày.

Do thuốc được quản lý rất chặt chẽ theo quy chế thuốc gây nghiện và hướng tâm thần nên đối với bệnh nhân ung thư nếu không điều trị tại bệnh viện, người nhà nên liên hệ với các bệnh viện để được điều trị theo chế độ ngoại trú. Việc quản lý loại thuốc này cần hết sức chặt chẽ để tránh thất thoát thuốc ra ngoài, bị lạm dụng sai mục đích.

Lựa chọn thuốc phù hợp tình trạng đau của người bệnh

Các thuốc giảm đau trung ương nói chung đều có 2 dạng bào chế để tiêm và uống. Cũng có một số thuốc tác dụng kéo dài, dạng dán trên da như fentanyl. Khi sử dụng thuốc giảm đau trung ương cho người bị ung thư cần căn cứ vào tình trạng đau của người bệnh để chọn thuốc thích hợp. Đa số các trường hợp đau nặng phải dùng thuốc ở dạng tiêm. Cần chú ý dùng thuốc theo liều hợp lý, đưa thuốc vào cơ thể vào thời điểm đã định để duy trì nồng độ thuốc trong máu ổn định. Tránh trường hợp bệnh nhân quá đau đớn mới cho dùng thuốc sẽ dẫn đến càng ngày càng phải tăng liều.

(Theo Sức Khỏe & Đời sống)

Nghiên cứu mới về điều trị đau bụng kinh ở phụ nữ

Đau bụng kinh (còn gọi là thống kinh) rất phổ biến, chiếm tới trên 50% phụ nữ trong độ tuổi có kinh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sinh hoạt, học tập và lao động. Hiện nay, nhiều công trình nghiên cứu đã khẳng định tác dụng điều trị chứng đau bụng kinh của một số loại thuốc có nguồn gốc thiên nhiên.

Nổi bật gần đây là nghiên cứu “Đánh giá tác dụng của Phụ Lạc Cao trong điều trị thống kinh cơ năng tuổi trẻ” do bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Trang – trường đại học Y Hà Nội thực hiện. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về chứng đau bụng kinh và những kết quả mà công trình nghiên cứu mang lại, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Thị Hiền – nguyên phó Trưởng khoa Y học cổ truyền, đại học Y Hà Nội, người hướng dẫn đề tài nghiên cứu này.

(Ảnh do Phụ Lạc Cao cung cấp)

- Xin PGS cho biết nguyên nhân và những ảnh hưởng của chứng đau bụng kinh cũng như phương pháp điều trị chứng bệnh này?

- PGS.TS Lê Thị Hiền: Đau bụng kinh là hiện tượng đau bụng dưới khi hành kinh và có thể lặp đi lặp lại theo chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ. Thông thường, đau bụng kinh được chia làm hai loại chính: đau bụng kinh nguyên phát (thường gặp ở lứa tuổi vị thành niên) và đau bụng kinh thứ phát (thường gặp ở phụ nữ đã sinh đẻ, do các nguyên nhân thực thể như tử cung đổ sau, chít lỗ cổ tử cung, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung…). Đau bụng kinh ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người phụ nữ. Nhiều trường hợp phải nghỉ học, nghỉ làm vì những cơn đau dữ dội trước hoặc trong kỳ kinh.

Để điều trị đau bụng kinh, chị em có thể dùng các thuốc chống co thắt, thuốc giảm đau và thuốc nội tiết… Trong y học cổ truyền, người bệnh thường được dùng các vị thuốc có tính chất hành khí, hoạt huyết, tiêu ứ giúp giảm đau với ưu điểm ít gây tác dụng phụ khi dùng lâu dài.

- Được biết PGS phụ trách hướng dẫn đề tài nghiên cứu khoa học “Đánh giá tác dụng của Phụ Lạc Cao trong điều trị thống kinh cơ năng tuổi trẻ”. Vậy PGS có thể chia sẻ một số kết quả của đề tài này ?

- PGS.TS Lê Thị Hiền: Đối tượng nghiên cứu của đề tài là 60 sinh viên nữ trong độ tuổi 18-25, có đau bụng kinh, được dùng thuốc Phụ Lạc Cao điều trị trong 3 kỳ kinh liên tiếp. Kết quả cho thấy: 90% trường hợp giảm đau bụng kinh; 100% đối tượng sau điều trị có lượng kinh nhiều hơn, màu đỏ sẫm, không có cục và duy trì cả khi đã ngừng sử dụng thuốc 2 tháng. Phụ Lạc Cao không ảnh hưởng tới chức năng gan, thận và cơ quan tạo máu. Kết quả nghiên cứu này đã chứng minh tác dụng điều trị đau bụng kinh của thuốc Phụ Lạc Cao. Những thông tin này cần được phổ cập để các chị em bị đau bụng kinh có thể lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả cho mình.

- Xin PGS cho một vài lời khuyên đối với chị em phụ nữ khi bị đau bụng kinh?

- PGS.TS Lê Thị Hiền: Khi có đau bụng kinh (trong 3 chu kỳ kinh liên tiếp), chị em nên đến bệnh viện khám để kiểm tra, chẩn đoán tìm nguyên nhân và có phương pháp điều trị thích hợp. Chị em có thể dùng thuốc giảm đau của y học hiện đại hoặc các thuốc có nguồn gốc thiên nhiên như Phụ Lạc Cao để điều trị. Ngoài dùng thuốc thì châm cứu cũng có tác dụng giảm đau bụng kinh.

- Xin cảm ơn PGS!

Thuốc giảm đau dễ làm bệnh tim tái phát

 

Người đã bị nhồi máu cơ tim có thể phải đối mặt với nguy cơ tử vong hoặc tái phát bệnh khá cao nếu thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau.

Các nhà nghiên cứu cho biết, thuốc giảm đau được biết đến như là các loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), bao gồm các loại thuốc có bán sẵn ở các cửa hiệu, như Ibuprofen (Advil, Motrin) và naproxen (Aleve), hoặc Celebrex (celecoxib).

“Kết quả này củng cố thêm bằng chứng của các nghiên cứu trước đó khi cho rằng, NSAIDs không an toàn trong điều trị cho bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim” – tiến sĩ Anne-Marie Schjerning Olsen, thuộc Khoa tim mạch Trường ĐH Copenhagen, Đan Mạch, người chủ trì cuộc nghiên cứu, cho biết. Theo tác giả, các bác sĩ cần cẩn trọng khi chỉ định NSAIDs để điều trị cho bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim, và mối nguy hại này có thể diễn tiến nhiều năm sau đó.

Trong cuộc nghiên cứu, các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu của gần 100.000 người đã trải qua một cơn nhồi máu cơ tim từ năm 1997 đến 2009. Họ phát hiện rằng, 44% những bệnh nhân này đã sử dụng ít nhất một loại thuốc NSAIDs.

Kết quả, so với người không sử dụng, những người dùng thuốc giảm đau tăng 59% nguy cơ tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào trong vòng một năm sau khi bị nhồi máu cơ tim, và nguy cơ cao hơn 63% trong vòng 5 năm sau đó. Ngoài ra, nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hoặc chết vì bệnh tim tăng 30% trong vòng một năm, và 41% trong khoảng thời gian 5 năm sau đó.

Các nhà nghiên cứu cho biết, nguy cơ xảy ra với cả đàn ông và phụ nữ, không phân biệt tuổi tác và thành phần kinh tế, nghiên cứu này cũng đã loại trừ các yếu tố như bệnh tật hoặc sử dụng các loại thuốc khác.

“Điều này đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu trước đó cho rằng việc thường xuyên sử dụng NSAIDs có liên quan với việc gia tăng nguy cơ bị các biến cố về tim mạch”, tiến sĩ Gregg Fonarow, phát ngôn viên của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, giáo sư Khoa tim mạch tại Đại học California, Los Angeles (Mỹ), người không tham gia vào nghiên cứu này, cho biết.

“Ngay cả khi những bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim hoặc suy tim chỉ sử dụng NSAIDs trong thời gian ngắn cũng có thể làm gia tăng nguy cơ bị tử vong hoặc nhồi máu cơ tim tái phát”, tiến sĩ Fonarow nói.

Kể từ năm 2007, hướng dẫn của Hiệp hội Tim Mỹ đã cảnh báo về nguy cơ tim mạch tiềm tàng của NSAIDs ở những bệnh nhân bị bệnh tim mạch hoặc sau nhồi máu cơ tim và không khuyến khích sử dụng NSAIDs cho những bệnh nhân này, Fonarow lưu ý.

“Nghiên cứu này nhấn mạnh rằng, việc thận trọng là cần thiết khi xem xét sử dụng NSAIDs để điều trị cho các bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim, bất kể cơn nhồi máu cơ tim ở họ xảy ra thời gian trước đó bao lâu. Đồng thời các bệnh nhân đã có tiền sử đau tim nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng NSAIDs, bao gồm cả những loại thuốc giảm đau có bán sẵn ở các cửa hiệu thuốc”, tiến sĩ Fonarow bổ sung.

(Theo Phụ nữ online/ Goodhealth)

 

Thuốc giảm đau làm tăng nguy cơ tử vong sớm

Các nhà khoa học lưu ý việc dùng thuốc giảm đau ở những bệnh nhân sống sót sau nhồi máu cơ tim có thể làm tăng nguy cơ tử vong sớm.

Có được kết luận này, họ đã khảo sát trên 100.000 người từng bị nhồi máu cơ tim ít nhất một lần. Khoảng một nửa số bệnh nhân trong đó dùng ít nhất một loại thuốc giảm đau sau đợt nhồi máu cơ tim. Sau năm năm theo dõi, tỉ lệ người tử vong ở nhóm dùng thuốc giảm đau cao hơn dù đã loại trừ các yếu tố gây nhiễu khác như tuổi, giới, tình trạng lúc nhập viện...

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cho rằng một số loại thuốc giảm đau phổ biến thường được bán không cần kê toa, ngoài tác dụng giảm đau còn có những tác dụng ngoại ý như gây rối loạn hệ thống đông máu trong cơ thể và dễ dẫn đến nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.

BS Nguyễn Khiêm Huy

(Theo Tuổi trẻ)

Nguy cơ tử vong khi cho trẻ uống thuốc giảm đau

Việc sử dụng quá liều hay lạm dụng loại thuốc giảm đau chứa codeine sau khi phẫu thuật có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng về hô hấp, trực tiếp đe dọa tính mạng của trẻ em.

Cục quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) đưa ra lời cảnh báo hồi tuần trước sau khi kết thúc cuộc điều tra trên 3 trường hợp tử vong bất thường mới đây. Trước đó, 3 bệnh nhi này được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ amiđan hay tuyến adenoid.

FDA khuyến cáo cha mẹ và những người chăm sóc cần nhận thức đầy đủ về các dấu hiệu cho thấy con cái họ đang sử dụng một lượng codeine quá liều, bao gồm buồn ngủ bất thường, khó bị kích thích sự chú ý, không dễ đánh thức, hơi thở gấp gáp và khó khăn. Nếu thấy nhóm triệu chứng này, cha mẹ phải dừng cho con uống codeine ngay lập tức và nhanh chóng thông báo đến nhân viên y tế.

Chất gây nghiện codeine có trong nhiều loại thuốc giảm đau hiện nay. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Ngoài ra, các bác sĩ cũng cần rất hạn chế việc kê toa thuốc có chứa codeine. Với trường hợp bắt buộc thì nên chỉ định sử dụng liều thấp nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất, theo báo cáo của FDA.

Codeine là chất có tính gây nghiện thứ hai sau morphin được dùng phổ biến trong nhiều loại thuốc giảm đau hiện nay. Khi đi vào cơ thể, codeine chuyển hóa thành morphin nhờ một loại enzyme của gan (men gan). Ở nhiều người, nguy cơ gặp phải tác dụng phụ do codeine gây nên là khá cao bởi vì tốc độ chuyển đổi trong gan diễn ra nhanh hơn nhiều so với những người khác. Từ đó, lượng morphine trong máu họ sau khi dùng codeine cao hơn bình thường, dẫn đến triệu chứng khó thở rất nguy hiểm, FDA cho biết.

Hiện tại, FDA vẫn đang tiến hành rà soát để xác định thêm các trường hợp bổ sung nghi tử vong do dùng codeine quá liều và sẽ sớm đưa ra những thông tin chi tiết, tiến sĩ Bob Rappaport thuộc Trung tâm nghiên cứu và đánh giá thuốc của FDA tuyên bố.

(Theo BDV)

Mỹ: Báo động nguy cơ lạm dụng thuốc giảm đau

Các nhà nghiên cứu Mỹ ngày 11/7 cho biết kể từ khi thuốc giảm đau OxyContin được sản xuất với công thức khó nghiền thành bột 2 năm trước đây, nhiều người lạm dụng thuốc này đã quay sang sử dụng heroin.

Các chuyên gia cho biết việc thay đổi công thức thuốc trên dường như không ngăn được mọi người tiếp tục hít và tiêm mà còn khiến họ tìm đến chất nguy hiểm có tác dụng cao tương tự được bán trên đường phố.

Thuốc giảm đau có tính chất gây nghiện cao OxyContin đã phổ biến trong thập kỷ qua ở Mỹ với tên gọi "Hillbilly Heroin" (nghĩa là heroin mức thấp), vì vậy các nhà sản xuất đã sáng chế ra một dạng thuốc không phân hủy khi cho vào nước nhằm ngăn chặn nạn lạm dụng thuốc.

Các chuyên gia ngành dược thừa nhận tác dụng không mong muốn nhất của công thức chống nghiện đó là góp phần làm tăng lên đáng kể số lượng người sử dụng heroin, chất giống như OxyContin - có thể hít hoặt tiêm.

Phân tích số liệu điều tra từ năm 2009 - 2012 với hơn 2.500 bệnh nhân trong chương trình điều trị chứng phụ thuộc vào thuốc giảm đau, các chuyên gia cho biết, ở giai đoạn đầu của nghiên cứu có tới 35,6% bệnh nhân lựa chọn dùng OxyContin như là thuốc giảm đau hàng đầu, tỉ lệ này ở giai đoạn sau giảm xuống còn 12,8%.

Khi được yêu cầu xác định loại thuốc giảm đau nào được sử dụng nhiều nhất (ít nhất một lần trong ngày) trong 30 ngày gần thời điểm được hỏi, 50% bệnh nhân đề cập đến OxyContin ở giai đoạn đầu của điều tra, nhưng giảm xuống còn 30% vào năm 2012. Trong khi đó, việc sử dụng heroin hầu như gấp đôi từ khoảng 10-20%.

Một cuộc điều tra khác với 100 người tham gia cho thấy lý do chung khiến người sử dụng thuốc quay sang heroin là số lượng OxyContin khan hiếm trên thị trường.

Các chuyên gia kết luận công thức chống lạm dụng thuốc giảm đau có thể không phải là những "viên đạn thần kỳ" như nhiều người hy vọng có thể giải quyết được vấn đề lạm dụng thuốc giảm đau ngày càng trầm trọng.

Các loại thuốc giảm đau bao gồm oxycodone (hay OxyContin), methadone và hydrocodone (hay Vicodin) đã tăng gấp bốn lần trong giao dịch tại các hiệu thuốc, bệnh viện và phòng mạch tư từ năm 1999.

Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết số người chết vì dùng thuốc giảm đau quá liều đã tăng hơn gấp ba lần từ 4.000 người năm 1999 lên 14.800 người năm 2008, vượt qua cả số người chết vì sử dụng cocaine và heroin cộng lại.

(Theo TTXVN)

3 điều cấm kỵ với người đau bụng cấp

Đau bụng cấp chủ yếu liên quan tới bất thường ở các bộ phận trong khoang bụng, vì vậy cần tránh cho bệnh nhân ăn uống. Nếu không, dạ dày và ruột không hoàn thành được nhiệm vụ tiêu hóa sẽ làm gia tăng chứng viêm; thất thoát dịch thể; thậm chí gây nôn mửa nặng; ách tắc hoặc chướng khí sau khi mổ.

Các nguyên nhân chính dẫn tới đau bụng cấp gồm: viêm ruột thừa, viêm dạ dày hoặc viêm tụy cấp, tắc ruột, viêm túi mật cấp, xuất huyết đường tiêu hóa… Việc chẩn đoán chậm hoặc xử lý không đúng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng của người bệnh. Sau đây là 3 điều cấm kỵ khác đối với các bệnh nhân thuộc nhóm này:

1. Không dùng thuốc giảm đau

Khi chưa có chẩn đoán rõ ràng, tuyệt đối không cho người bệnh dùng thuốc giảm đau. Triệu chứng bệnh bị lu mờ sẽ khiến bác sĩ khó phát hiện bệnh hoặc đưa ra chẩn đoán sai, làm mất cơ hội cứu sống người bệnh.

2. Không dùng các thuốc tẩy

Những thuốc này kích thích trực tiếp vào thành ruột, gây tăng nhu động ruột. Kết quả là áp lực ở khoang ruột tăng cao, có thể gây vỡ ruột hoặc làm tình trạng viêm lan rộng, dẫn tới viêm màng bụng cấp.

3. Không chườm nóng

Chườm nóng có thể giúp giảm cơn đau nhưng lại khiến việc chẩn đoán trở nên khó khăn. Hơn nữa, với những bệnh nhân xuất huyết nội tạng, chườm nóng rất nguy hiểm vì có thể gây giãn mạch, làm gia tăng tình trạng xuất huyết.

Nông Nghiệp Việt Nam