Lưu trữ cho từ khóa: thuốc độc

Các loại rau nguy cơ nhiễm chất độc

Những loại rau, quả này vẫn xuất hiện đều đều trong bữa ăn của người Việt và được trẻ em ưa thích. Nhưng đằng sau nó tiềm ẩn một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng.

Các loại rau, quả nhiều nguy cơ

Bé Quốc Minh, con chị Huệ (Văn Cao, Hà Nội) rất thích ăn đỗ quả xào. Chị Huệ kể: “Mỗi lần tôi mua đến gần một kg đỗ, xào lên là 2 đứa trẻ nhà tôi thi nhau ăn. Tôi nghe nói loại đậu đỗ này người ta phun nhiều thuốc sâu nên cũng hạn chế mua dù con rất thích ăn. Hoặc nếu có mua, tôi vào siêu thị mua để an tâm phần nào”.

Quả đỗ thường bị phun nhiều thuốc trừ sâu.

Song, quả đỗ luôn đứng đầu trong danh mục những loại rau quả bị phun nhiều thuốc trừ sâu nhất.

Theo chị Hóa, nông dân ở Hoài Đức, Hà Nội thì cứ vài hôm người trồng lại phải phun thuốc trừ sâu một lần, nếu không phun thì sâu sẽ tàn phá hết, vì vậy dư lượng thuốc trừ sâu sẽ không kịp phân giải mà nó có thể ngấm vào bên trong qua lớp vỏ rất mỏng của quả.

Không chỉ đậu đỗ, dưa chuột cũng là món khoái khẩu của nhiều trẻ em, thậm chí cả người lớn cũng thích vì ăn vào thấy mát. Nhưng đằng sau dưa chuột ẩn chứa nhiều hiểm họa.

Dưa chuột luôn được phun nhiều loại thuốc kích thích, thuốc trừ sâu mới. Người trồng dưa thường phun thuốc liên tục, thậm chí hôm trước phun, hôm sau đã thu hoạch để mang ra chợ bán.

Nếu ăn dưa chuột không rửa kỹ, không gọt vỏ sẽ dễ bị ngộ độc với các triệu chứng nôn mửa, chóng mặt đau đầu.

Bình thường giá đỗ là một loại rau khá nhiều chất dinh dưỡng, ngon và được nhiều người ưa chuộng. Quả thực, nếu loại rau này được làm theo một cách thông thường thì nó rất sạch sẽ.

Tuy nhiên, bây giờ những người làm giá đỗ đã cần tới một số loại thuốc kích thích để cho giá đỗ nhanh nảy mầm, trắng đẹp.

Phóng viên đã từng mục sở thị cảnh vài hộ dân ở làng Thượng Cát, Từ Liêm, Hà Nội làm giá đỗ có cho thuốc kích thích tăng trưởng với chữ Trung Quốc. Nếu dân ở đây đặt mua ăn người bán sẽ làm riêng không cho thuốc, còn hàng bán ra các chợ nội thành Hà Nội chắc chắn bị ủ thuốc.

Giá đỗ ủ hoá chất có thân mập mạp, trắng ngần, dài, không có rễ. Còn giá đỗ không có hoá chất màu không trắng và rất gầy, nhiều rễ dài.

Rau cải là loại rau thu hút nhiều sâu bọ khi trồng trên đất. Vì vậy, các chủ vườn thường tăng cường tưới thuốc trừ sâu, phân đạm cho rau vào khoảng thời gian trước khi thu hoạch.

Gặp anh Hùng, một nông dân ở Lai Xá, Hoài Đức, Hà Nội anh nói: Rau cải ngọt đánh thuốc dễ nhất vì lá nó hấp thụ nhanh nhất. Hiện cải nào cũng đắt hàng, giờ cải ngọt 15 đồng/kg. Cải xanh đã bán 5 ngàn đồng/mớ.

Với rau cần nước, đây cũng là loại rau dễ “ăn” phân bón và thuốc trừ sâu. Với loại cần được bón nhiều phân đạm và thuốc trừ sâu sẽ có thân to, ngó trắng phau bất thường, để một ngày không nhúng nước, rau sẽ khô héo, thân tóp lại.

Rau “ăn” thuốc thế nào?

Thuốc trừ sâu là sự pha trộn của các hóa chất dùng để tiêu diệt hay ngăn chặn các loài côn trùng, bệnh tật và cỏ dại mà có thể ảnh hưởng tới mùa màng.

Việc nạp một lượng nhỏ thuốc trừ sâu không gây hại nhưng một số nghiên cứu lại chỉ ra sự liên quan giữa thuốc trừ sâu và các vấn đề sức khỏe như ung thư, chứng tăng động giảm chú ý và các rối loạn thần kinh; đặc biệt, nếu tiếp xúc nhiều sẽ gây suy yếu hệ miễn dịch.

Khi  phun thuốc trừ sâu, không chỉ lá, mà cả củ cũng bị ảnh hưởng. Theo PGS.TS Trần Khắc Thi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, bất cứ loại thuốc trừ sâu phun để bảo vệ cho bộ phận nào thì đều có tác dụng lên bộ phận đó.

Thuốc bảo vệ lá sẽ phòng sâu bệnh trên lá. Thuốc bảo vệ củ sẽ ngấm vào củ và có tác dụng phòng sâu bệnh cho củ. Các loại củ ở đây như xu hào, khoai tây… Do vậy, nguy cơ nhiễm thuốc trừ sâu ở củ hay ở lá là như nhau, chứ không phải như một số người cho rằng rau ăn lá dễ bị nhiễm thuốc hơn rau củ và như vậy ăn rau củ sẽ an toàn hơn.

Với rau mua ngoài chợ, khi chế biến các loại rau có bẹ như cải, cải thảo... bạn nên cắt bỏ phần gốc, tách rời từng lá, nhặt bỏ lá sâu. Sau đó, bạn ngâm rau vào nước hòa thuốc tím khoảng 15 phút rồi rửa kỹ từng lá dưới vòi nước chảy vài lần trước khi đưa vào chế biến tiếp.

Hiện, nhiều thuốc kích thích tăng trưởng hay còn gọi là thuốc điều hòa sinh trưởng có thành phần hoạt chất là Gibberellic acid giúp khích thích tăng trưởng cho cây trồng được nhiều nông dân sử dụng. Tuy nhiên, theo ông Vương Trường Giang, Trưởng phòng Quản lý thuốc bảo vệ thực vật, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT: “Nếu sử dụng Gibberellic acid quá liều ghi trên nhãn là sai.

Với chất này, nó tác dụng tới tùy đối tượng cây trồng, nếu quá thì cây sẽ không phát triển bình thường, làm cây biến đổi và chất lượng thực phẩm cũng thay đổi. Gibberellic làm kéo dài tế bào nếu trong điều kiện dinh dưỡng đầy đủ, làm cây phát triển nhanh theo chiều dọc.

Thường dùng liều lượng cao và tùy thuộc chế độ dinh dưỡng nó có thể làm nhạt màu của lá. Khi sử dụng quá liều lượng ghi trên nhãn ít thì người tiêu dùng cũng khó để nhận biết được, chỉ có thể nhận biết qua kiểm tra dư lượng trong cây trồng, nếu vượt ngưỡng là hoàn toàn độc hại.”

Để loại bớt phần nào chất độc hại, ngoài việc ngâm rửa, chần qua nước muối rau, củ bạn có thể sử dụng nước rửa rau quả.

Trao đổi với PV, ông Mai Văn Tiến - phó giám đốc Trung tâm Vật liệu, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam - cho biết: “Những loại nước rửa này có thành phần cơ bản là Alcohol Ether Sulfate, chất tẩy rửa bề mặt. Như vậy, ngoài tác dụng rửa sạch dầu mỡ trong nấu nướng, các loại nước rửa trên phần nào có tác dụng trong việc rửa hoa quả khi loại bỏ chất bẩn bám trên bề mặt rau quả.

Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là nước rửa rau quả này có rửa sạch hóa chất như thuốc trừ sâu, thuốc ép rau, quả chín, thuốc kích thích tăng trưởng…, ông Tiến cho rằng, loại nước này chỉ rửa bớt phần nào, còn khi đã ngấm vào trong rau quả thì rất khó rửa sạch. Vì vậy, người tiêu dùng cũng không nên kì vọng vào loại nước rửa này.

 (Theo VTC)

Hoa lựu chữa bệnh phổi

Hoa lựu không chỉ có vẻ đẹp rực rỡ, quý phái mà còn là vị thuốc độc đáo trong y học cổ truyền.

Theo Đông y, hoa lựu vị chua sáp, tính bình có công năng chủ trị các chứng bệnh như tỵ huyết (chảy máu cam), thổ huyết (nôn ra máu), xuất huyết do trật đả, kinh nguyệt không đều, lỵ tật, bạch đới, viêm tai giữa, đau răng... đặc biệt rất tốt với các bệnh về phổi.

Hoa lựu đặc biệt tốt với các bệnh về phổi

Áp xe phổi (phế ung): Hoa lựu trắng 7 đóa, hạ khô thảo 9g, sắc uống. Hoặc hoa lựu 6g, ngưu tất 6g, dây kim ngân 15g, bách bộ 9g, bạch cập 30g, đường phèn 30g sắc uống.

Phế kết hạch (lao phổi): Hoa lựu trắng 30g, hạ khô thảo 30g sắc uống.

Ho và nôn ra máu: Hoa lựu trắng 24 đóa, đường phèn 9g sắc uống.

Chú ý: Hoa lựu nên thu hái khi mới nở, dùng tươi hoặc đem phơi trong bóng râm cho khô rồi cất giữ nơi khô ráo để dùng dần. Cũng như vỏ quả và vỏ rễ, hoa lựu không nên dùng cho người bị táo bón.

ThS.BS Hoàng Khánh

Meo.vn (Theo Bee)

Vì sao nàng không thiết tha “chuyện ấy” nữa?

Cảm xúc tình dục dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như lòng tự trọng, kỳ vọng, những lời chỉ trích.

Vì sao nàng ngày càng lảng tránh bạn?

Lập trình sẵn thời gian

Lập trình sẵn thời gian cho chuyện “yêu” với ngày giờ chính xác và không bao giờ có sự ngẫu nhiên sẽ khiến bạn tình mau nhàm chán. Chuyện tình dục sẽ hoạt động như cái máy - và bạn không cần bận tâm nghĩ ngợi đến chuyện sex nữa.

Luôn duy trì một “kiểu”


Cả hai đều thuộc nằm lòng tất cả những “hoạt động” của đối tác. Sau kì trăng mật thì những khao khát tìm hiểu cái mới, lạ cũng hoàn toàn nhường chỗ cho các động tác, kiểu mẫu lặp đi lặp lại hết lần này đến lần khác. Sự mới lạ, biến đổi - một gia vị của sex - cũng không còn chỗ đứng trong đời sống tình dục của bạn.

Uống say mèm

Nếu người ấy ghét mùi bia rượu hoặc không thích bạn uống quá chén trước khi “lâm trận”, thì trạng thái say khướt của bạn sẽ làm tình hình xấu đi. Tình trạng say rượu quá mức trong quan hệ tình dục là một yếu tố gây mất hứng nhất và rất có thể gây ra những vấn đề tồi tệ hơn nữa.

Chỉ đụng đến người ấy khi cần sex

"Bạn chỉ dành những cái ôm, những nụ hôn ướt át và những cái nắm tay khi bạn muốn chuyện “ấy”. Bằng cách đó đối tác của bạn sẽ liên kết hành động của bạn với mục đích chỉ nhằm thỏa mãn thể xác. Thực tế, tình dục cần rất nhiều giờ thậm chí nhiều ngày để hình thành những cử chỉ yêu đương, từ cái ôm, cái hôn và hơn thế nữa.

Vô tư trả lời điện thoại

Bạn cho rằng cuộc gọi quan trọng hơn, còn chuyện “ấy” thì bao giờ cũng được, lí do gì người ấy phải khó chịu với sự gián đoạn tình cờ này nhỉ? Hãy tôn trọng người bạn tình bằng tất cả sự toàn tâm của bạn. Nếu có thể hãy loại bỏ tất cả những điều gây xao lãng.

Bỏ qua màn dạo đầu và “vào cuộc” ngay

Bạn nghĩ không cần phải tốn nhiều thời gian cho những màn phụ trội như thế. Ngoài ra, cả hai bạn đều phải đi làm vào buổi sáng nên cần ngủ thêm. Bạn không muốn lãng phí thời gian. Sự thật là “màn dạo đầu” luôn cần thiết cho một chuyện ấy “hoàn hảo”.

Chê ngoại hình “xuống cấp”

Bụng bia, cơ thể sồ sề không còn săn chắc… là những sa sút về ngoại hình khiến bạn và cả bạn đời mau chóng thấy mất hứng. Thay vì những lời động viên tích cực dành cho nhau, sự chê bai và chán ngán về vẻ ngoài của bạn đời là một trong những cách khiến cả hai ngán sex nhanh nhất.

Chê bạn đời kém cỏi

Nhận xét sự kém cỏi trong “thành tích” của bạn đời vì bạn nghĩ đang khích lệ người ấy “hoạt động” tốt hơn. Thực tế nó không những không tạo hiệu quả như mong muốn vì người nghe sẽ nghĩ bạn đang chỉ trích và chê bai.

“Càng nhanh càng tốt” miễn bạn thấy thỏa mãn là được

Phương án “càng nhanh càng tốt” mà bạn chọn là liều thuốc độc đang giết chết dần tình yêu trong nàng. Khi sự thỏa mãn không đến từ hai phía, tình dục cũng giãy chết theo. Một câu hỏi đơn giản nhưng hiệu nghiệm mà cả hai có thể hỏi nhau là "Anh làm thế nào thì em hài lòng nhất" và ngược lại.

Meo.vn (Theo Thegioidanong)

Tràn lan “thuốc cặp tiểu đường” nguy hiểm chết người

Sau một thời gian tạm lắng vì bị các phương tiện truyền thông phản ánh và cơ quan chức năng xử lý, tình trạng mua bán “thuốc cặp tiểu đường Trung Quốc” tại khu phố đông y quận 5, TP.HCM gần đây lại rộ lên gần như công khai cho dù một trong hai thành phần của thuốc này bị giới chuyên môn xem là… thuốc độc!


Trên lọ thuốc không có bất kỳ dòng chữ hướng dẫn nào ngoài tiếng Trung Quốc, vì thế bệnh nhân cứ tin đây là thuốc đông y, vô tư sử dụng để rồi ngộ độc. Ai chịu trách nhiệm bảo vệ người dân? Ảnh: S.Đ

Thế giới loại bỏ từ những năm 1970

Cuối tuần qua, dạo quanh khu phố đông y quận 5, ghé vào một số hiệu thuốc trên đường Triệu Quang Phục, Lương Nhữ Học và Phùng Hưng hỏi mua “thuốc cặp tiểu đường”, một số chủ hiệu thuốc lắc đầu nguây nguẩy nói thuốc đã bị cấm và ngưng nhập từ lâu. Tuy nhiên, khi một nữ đồng nghiệp của chúng tôi chở theo bà mẹ và hỏi mua thuốc tiểu đường cho bà, các chủ hiệu thuốc P.H.H, H.T, V.K.H và K.N không ngần ngại lôi từ trong tủ ra hàng chục lọ thuốc cặp và cho biết… mua bao nhiêu cũng có!

“Thuốc cặp tiểu đường Trung Quốc” là tên thường gọi của hai loại tân dược Glibenclamide và Phenformin đựng trong hai lọ thuốc nhỏ màu trắng dùng chung với nhau để trị tiểu đường. Mỗi lọ chứa 100 viên, bán với giá dao động từ 12.000 – 18.000 đồng/cặp. Tuy nhiên, theo TS.BS Trần Quang Khánh, trưởng khoa nội tiết bệnh viện Nguyễn Tri Phương, phó chủ nhiệm bộ môn nội tiết đại học Y dược TP.HCM, trong khi Glibenclamide vẫn được sử dụng để trị tiểu đường dù hiện nay không phải là thuốc chọn lựa hàng đầu thì Phenformin gần như đã bị cả thế giới tẩy chay từ lâu vì quá độc. TS.BS Trần Quang Khánh giải thích: “Từ những năm 1970, nhiều nước đã cấm sử dụng Phenformin vì chúng làm tăng axít lactic trong máu, dẫn đến hôn mê do nhiễm axít lactic và 50% trường hợp này sẽ bị tử vong. Đây là biến chứng nghiêm trọng nhất trong số những biến chứng cấp của bệnh tiểu đường”.

Nguy hại nhất của “thuốc cặp tiểu đường Trung Quốc” không chỉ là “thuốc độc”, mà còn vì là thuốc nhập lậu nên người bán lẫn người mua vẫn vô tư truyền miệng nhau sử dụng theo cảm tính. Hỏi chủ các hiệu thuốc về liều dùng, có người nói ngày nào thấy “mệt nhiều” thì uống mỗi loại hai viên, “mệt ít” uống một viên; nhưng người khác lại chỉ dẫn không cần tăng liều, cứ mỗi loại hai viên/ngày là đủ. Bà Hai, ngụ tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, người dùng thuốc này hơn hai năm qua lại có cách khác: “Kinh nghiệm của tôi là dùng hai cữ sáng và trưa, mỗi cữ hai viên này, hai viên kia. Ngày nào lỡ ăn nhiều đường thì dùng thêm một cữ vào buổi chiều là êm ngay”.

Tuy nhiên, có muốn tìm hiểu liều lượng để dùng đúng cách cũng khó vì trên hai lọ thuốc chỉ in toàn tiếng Trung Quốc. Nếu lọ Glibenclamide có tên thuốc bằng tiếng Anh thì lọ chứa Phenformin lại không có dòng chữ nào chứng tỏ đây là Phenformin. Một chuyên gia nội tiết nói: “Nhà sản xuất thật thâm độc. Họ cố tình làm thế vì nếu ghi tên Phenformin ra hẳn hoi, người tiêu dùng có thể biết đây là thuốc độc và tẩy chay”.

Cơ quan chức năng chịu thua?

Thuốc nhập lậu nguồn gốc Trung Quốc được báo chí đề cập khá nhiều trong những năm qua, nhưng đến nay thực trạng này gần như không có cách giải quyết tận gốc. Một cán bộ thanh tra sở Y tế TP.HCM nói: “Đối với thuốc nhập lậu, biện pháp hiện nay của chúng tôi chỉ là xử phạt theo hình thức thuốc lưu hành không có số đăng ký chứ không biết làm gì hơn”.

Đã có ca hôn mê và tử vong tại Việt Nam

Tìm hiểu thông tin trên mạng, chúng tôi được biết mặc dù Trung Quốc vẫn còn sử dụng Phenformin để trị tiểu đường, nhưng Hong Kong đã loại bỏ thuốc này từ năm 1985. Tuy nhiên, đến 20 năm sau tại lãnh thổ này người ta vẫn ghi nhận những ca tai biến vì dùng Phenformin do thuốc nhập lậu vào bằng nhiều đường khác nhau.

Tại nước ta cho đến nay chưa có nghiên cứu nào về tai biến do dùng Phenformin, nhưng theo TS.BS Trần Thị Bích Hương, phó khoa nội thận bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, ở bệnh viện này đã ghi nhận rải rác những ca hôn mê và tử vong do dùng “thuốc cặp tiểu đường Trung Quốc”. TS.BS Bích Hương nói: “Phần lớn những ca này là người nghèo, sống ở vùng quê hoặc vùng ven thành phố, thiếu thông tin và không có bảo hiểm y tế nên mua thuốc này dùng cho rẻ”.

Một nguyên nhân khác khiến “thuốc cặp” vẫn lưu hành trong người dân vì nhiều người vẫn tin rằng đây là “thuốc bắc”, “thuốc đông y” do xuất xứ từ Trung Quốc. Tiếp xúc với chúng tôi, ông An, 62 tuổi, ngụ tại xã Quy Đức, huyện Bình Chánh, dùng “thuốc cặp” từ ba năm nay quả quyết: “Thuốc ghi toàn tiếng Tàu nghĩa là thuốc bắc, có phải thuốc tây đâu mà độc hại. Tôi sử dụng mấy năm nay có thấy gì đâu. Tôi đã chỉ cho nhiều người sử dụng, ai cũng khoẻ re, không cần tới bác sĩ nữa”.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia sức khoẻ, Phenformin thường gây ngộ độc âm thầm, không có biểu hiện gì bên ngoài, đến một lúc nào đó mới bùng phát biến chứng. Đó là bệnh nhân tiểu đường không bị suy thận, còn đối với bệnh nhân tiểu đường có sẵn suy thận, dùng Phenformin sẽ bị ngộ độc nhanh hơn. TS.BS Trần Thị Bích Hương cảnh báo: “Suy thận được gọi là một bệnh thầm lặng (silence disease) vì thận là bộ phận có khả năng bù trừ, chịu đựng rất cao. Vì thế, nhiều người bề ngoài thấy bình thường, nhưng thực tế là thận đang có vấn đề, phải xét nghiệm đặc hiệu mới phát hiện được”.

Meo.vn (Theo SGTT)

Tự tử vì vợ sinh liền 5 con gái

Bị thiên hạ cười chê là “bất lực” khi vợ sinh liền tù tỳ 5 "công chúa", một ông chồng ở Quảng Tây, Trung Quốc đã uống thuốc độc tự sát.

Sự việc này diễn ra vào 25/9 vừa qua. Sau khi phát hiện anh Mã tự tử, người thân và hàng xóm đã nhanh chóng gọi điện thông báo với cảnh sát địa phương. Khi cảnh sát và nhân viên y tế đến thì thấy anh nằm bất động trên sàn nhà, mạch vẫn đập. Sau khi được chuyển vào bệnh viện cấp cứu, ý thức của anh Mã đã hồi phục.

Nhưng thật không may, do gia đình không đủ tiền chi trả viện phí, nạn nhân đã được chuyển về nhà điều trị sau một tuần chăm sóc tại viện. Ngày 10/10, anh Mã qua đời.

 

Anh Mã đã quyết định hủy hoại cuộc đời vì sinh liền 5 cô con gái. Ảnh minh họa.

Người đàn ông này kết hôn từ 20 năm trước và liên tục sinh được 5 đứa con gái. Vì không có nổi một mụn quý tử để nối dõi tông đường, anh luôn bị mặc cảm và stress nặng nề, đặc biệt là mỗi lần nghe thấy tiếng cười nhạo của xóm giếng, bè bạn.

Chán nản với cuộc sống, Mã chỉ biết lấy rượu giải khuây, đánh đập vợ con, lười biếng bỏ việc. Một ngày trước khi vụ việc đau lòng xảy ra, anh Mã cãi vã gay gắt với vợ. Trong lúc giận mất khôn, người đàn ông này đã uống sạch một chai thuốc diệt cỏ để tự hủy hoại cuộc đời.

Meo.vn (Theo Chinanews)

Bào ngư – món ăn và vị thuốc quý

Cùng với yến sào và vi cá mập, bào ngư cũng được xem là món ăn quý trong các bữa tiệc sang trọng. Nó còn là vị thuốc độc đáo trong cả Đông và Tây y, giúp sáng mắt, trị ho và tăng cường sinh lực cho nam giới.

Thành phần dinh dưỡng của bào ngư:

Do có hình dạng giống cái tai, bào ngư còn được gọi là hải nhĩ. Tuy có lượng cholesterol khá cao, song bào ngư lại không gây ảnh hưởng cho người bị chứng cholesterol cao, do có sự cân bằng trong thành phần.

Trong 100 g bào ngư chứa: chất đạm 17,05 g; đường (carbonhydrat) 5,89 g; chất béo 0,75 g; cholesterol 84,7 mg; các loại vitamin B1, B2, khoáng chất và nguyên tố vi lượng. Trong chất đạm cũng có đủ 19 loại axit amin thiết yếu cho cơ thể ở lượng mức tương đối cao như Threonin 0,73 mg; Isoleucin 0,75 mg; Valin 0,7 mg; và axit glutamic 2,31 mg.

Theo y lý Trung Quốc, bào ngư có khả năng bổ âm, tăng khí, hạ nhiệt, tăng cường sinh lực cho nam giới, giúp sáng mắt, trị ho, khó tiêu.

Người ta còn tìm thấy trong bào ngư các hợp chất có tác dụng diệt khuẩn có tên là Paolin I và Paolin II. Cả hai đều có tính chịu nhiệt cao, 95 độ C trong vòng 45 phút. Trong đó, Paolin I là protein có phân tử lượng cao, từ 5.000 đến 10.000.

Một hợp chất khác của bào ngư cũng có tác dụng kháng khuẩn được gọi là "Phần C tan trong nước". Kết hợp giữa Paolin I và "Phần C" có thể làm giảm tử vong ở chuột thí nghiệm bị nhiễm khuẩn Streptococcus pyogenesStraphylococcus aureus kháng Penicillin. Còn kết hợp Paolin II và "Phần C" có thể ngăn ngăn được 99% số virus PolioInfluenza A trong các thử nghiệm trên tế bào thận khỉ.

Nhiều nghiên cứu cho thấy vỏ bào ngư có chứa canxi carbonat, magiê, sắt, silic, photphat và clorua. Vì vậy, Đông y thường dùng vỏ bào ngư để làm thuốc, được gọi là Thạch quyết minh, có vị mặn, tính hàn, tác động vào kinh mạch thuộc thận và can, giúp hạ hỏa, trị nhức đầu, chóng mặt, đỏ mắt..

Bác sĩ Nguyễn Văn Thông

Meo.vn (Khoa Học & Đời Sống)

Mẹ có hơi men, coi chừng trẻ bú phải… rượu

Rượu chính là một thứ thuốc độc đối với trẻ. Nó rất dễ dàng hòa lẫn trong sữa mẹ làm giảm sức đề kháng của trẻ khiến cơ thể trẻ suy yếu đi.

Theo các bác sĩ, trong lúc đang cho con bú, người mẹ không được uống bất kỳ loại rượu nào, kể cả bia và các loại thức uống chứa cồn khác.

Rượu chính là một thứ thuốc độc đối với trẻ. Nó rất dễ dàng hòa lẫn trong sữa mẹ làm giảm sức đề kháng của trẻ khiến cơ thể trẻ suy yếu đi. Không những thế, hoạt động của nhiều cơ quan nội tạng của trẻ có thể bị rối loạn, đặc biệt là ảnh hưởng xấu tới hệ thần kinh của bé.

Đa số chị em dù không thuộc túyp nghiện rượu nhưng cũng rất dễ “mủi lòng” trước những lời mời mọc. Tuy nhiên, nếu bạn đang trong thời kỳ cho con bú, rất có thể con bạn sẽ bú phải rượu khi mẹ chúng có chút men.

Ngoài rượu, ước ép hoa quả cũng là một trong những nguyên nhân làm cho trẻ bị hăm nếu mẹ uống quá nhiều. Vì vậy, khi cho con bú mẹ nên ăn uống vừa phải và đa dạng.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thức ăn mà người mẹ đang cho con bú ăn vào cũng có thể ngấm vào sữa với một lượng nhỏ. Vì vậy, các loại thực phẩm rau quả như: hành, tỏi, củ cải, sô cô la, đậu, bắp cải, mận mơ…. đôi khi có thể gây ra đầy hơi hoặc đi lỏng ở đứa trẻ đang bú mẹ. Nếu mẹ cảm thấy đầy hơi do ăn các thực phẩm nói trên thì cũng nên tránh để bảo vệ an toàn cho bé.

Meo.vn (Theo TTO)

Thuốc mê hại người rao bán công khai

Nhiều loại thuốc gây mê độc hại đang được rao bán trên mạng lẫn ngoài thị trường. Với những loại thuốc này, kẻ gian bỏ vào nước, người uống phải sẽ bị ngất chỉ trong giây lát…

Thuốc mê rao bán công khai trên mạng - Ảnh: T.C

Theo một địa chỉ trên mạng, phóng viên liên hệ với một đầu nậu bán thuốc gây mê trên mạng tên Dũng. Theo Dũng thì thuốc viên nén GHB với giá 1,2 triệu dùng được 2 lần, còn giá 2,5 triệu, dùng được 5 tới 7 lần, để sử dụng người dùng phải lấy dao sắc cạo ra thành bột. “Điểm ưu việt của loại thuốc này khi pha vào nước chỉ trên dưới một phút sau khi uống sẽ mê man từ 5 tới 10 tiếng. Khi tỉnh dậy đối tượng không nhớ gì hết”.

Tiếp tục màn quảng cáo, Dũng bảo còn loại khác nhập từ Pakistan là Rohypnol với giá 700.000 đồng một viên dạng nén để tán thành bột pha với nước. “Thuốc GHB thì có mùi hơi hắc nhưng thuốc này thì không mùi, không màu, không vị. Bạn có thể pha với tất cả các loại nước như cam, chanh chỉ trừ nước dừa là thuốc không phát huy công dụng”.

Ngoài các loại thuốc pha với nước, Dũng còn giới thiệu thêm các loại thuốc mê dạng hơi để xịt như Forane , Isoflurane. Với loại thuốc này thì “mê nhanh mà tỉnh cũng nhanh” chỉ có “nhược điểm của nó là có mùi ether nên khó ngụy trang và phải sử dụng khéo léo”.

Tất cả các loại thuốc mê mà Dũng có đều “bảo đảm chắc chắn khi gây mê thì đối tượng sẽ không cử động được gì. Người có thể trạng tốt thì vẫn có thể biết nhưng miệng không thể lên tiếng, còn tay chân thì không thể cử động. Nếu mà muốn chắc ăn tuyệt đối thì chỉ cần pha vào bia, rượu làm chất dẫn. Khi pha với bia, người có thể trạng tốt thì hai cốc bia uống xong mê man không biết gì. Còn người bình thường thì chỉ cần 2 ngụm bia là thuốc đã phát huy tác dụng. Đối với phụ nữ còn nhanh hơn nữa”.

Sau khi giới thiệu xong màn giao hàng với rất nhiều loại thuốc mê, Dũng tỏ ra sốt ruột khi liên tục hỏi tôi định mua loại nào và tư vấn thêm: “Bây giờ hai loại GHB và Rohypnol được đặt mua nhiều lắm. Với khách quen chỉ cần gọi điện là bọn em giao hàng luôn”.

Tôi đồng ý với cách thức giao dịch trực tiếp khi đặt mua một lọ GHB giá 2,5 triệu dùng được 7 lần. Dũng nhắn cho tôi tài khoản của ngân hàng Vietcombank, và bảo: “Khi tôi kiểm tra tài khoản có tiền thì hàng sẽ được chuyển phát nhanh qua đường bưu điện”.

Liên lạc với một địa chỉ bán thuốc mê khác trên mạng, người bán có email là "nothingclose123" bảo: “Anh cho em địa chỉ cụ thể. Em sẽ gửi xe ôm mang hàng tới rồi nhận tiền”. Tôi cho địa chỉ cụ thể và đợi hơn 1 tiếng thì một cuộc gọi vào bảo xuống nhận hàng. Người giao hàng là cô gái độ 20 tuổi, cô đưa tôi một lọ thủy tinh chứa chất lỏng màu trắng, dài bằng ngón tay, hình dạng như lọ thuốc nhỏ mắt.

Khi tôi mở ra, ngửi thì thấy hơi hắc thì người giao hàng bảo: “Không sao. Anh cho vào bia, rượu hoặc ly nước cam thì không ai phát hiện ra đâu”. Tôi rút ví đếm tiền, lấy lý do là chưa đủ tiền nên tôi hẹn dịp khác sẽ lấy thì người chuyển hàng tỏ vẻ khó chịu vào bảo: “Vậy thì trả trước 100 nghìn tiền xe ôm”.

PGS.TS Nguyễn Trọng Thông, Trưởng bộ môn Dược lý trường Đại học Y Hà Nội cho hay, GHB từ năm 1990 đã bị cấm dùng ở Mỹ. Theo các tài liệu nghiên cứu y khoa thì thuốc GHB bị bọn tội phạm dùng vào việc cưỡng bức tình dục vì có thể dễ dàng hòa thuốc vào nước uống mà người bị hại khó phát hiện. Khi tỉnh dậy thì mất trí nhớ. Khi kết hợp với rượu, GHB gây khó thở và có thể dẫn đến tử vong. Các loại thuốc mê GHB, Rohypnol thường được bào chế ở những địa điểm bí mật, bất hợp pháp nên độ tinh khiết và hàm lượng không được kiểm soát, hậu quả vì thế không thể lường hết được.

Ông Thông khẳng định: “Các loại thuốc gây mê chỉ được dùng khi bác sĩ chuyên khoa gây mê kê đơn và trực tiếp thực hiện. Còn bán chui ngoài thị trường thì nó sẽ là thuốc độc hại người”.

Meo.vn (Theo TNO)

Tử vong vì ăn nhầm sâu ban miêu với bọ xít

Nửa tiếng sau khi ăn sâu ban miêu (nhầm là bọ xít), ông Trương Thanh S. (59 tuổi, ở Hà Trung, Thanh Hóa) cùng một cụ ông 70 tuổi khác đều bị đau bụng, nôn, tiêu chảy...


Không được tự ý dùng ban miêu hay các thuốc có chứa ban miêu để chữa bệnh.

Khi nhập Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa cấp cứu thì một bệnh nhân đã tử vong do suy thận, còn ông S. được chuyển lên Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng thở nhanh, cô đặc máu, suy thận, suy gan, suy tim, tình trạng nhiễm trùng nặng, rối loạn đông máu mức độ nặng, giảm tiểu cầu, đông máu rải rác lòng mạch... Dù đã được cứu chữa nhưng sau 13 tiếng thì bệnh nhân tử vong.

Theo BS Nguyễn Xuân Hướng, nguyên chủ tịch Hội Đông y, tên sâu ban miêu được dùng để chỉ nhiều thứ sâu có tính chất gây rộp da, được dùng làm thuốc. Tuy nhiên, ban miêu thuộc loại thuốc độc bảng A, hiện rất ít dùng uống trong, chỉ có một bài thuốc co giật trẻ em được chỉ định với liều rất nhỏ...

Các chuyên gia chống độc cảnh báo, ngộ độc sâu ban miêu thường rất đau đớn với những triệu chứng ở dạ dày và ruột, làm rối loạn thần kinh và chết trong vòng 24 giờ. Người ta cho rằng, với liều 3 - 4g bột sâu ban miêu hoặc 20 - 30g cồn sâu ban miêu đã đủ làm cho chết người. Vì vậy, không được tự ý dùng ban miêu hay các thuốc có chứa ban miêu để chữa bệnh.

Meo.vn (Theo Bee)

Hoàng hậu Agrippina – ác phụ độc dược thành La Mã

Bà được cho là đã dùng thuốc độc để sát hại hai đời chồng, trong đó có vua La Mã, thậm chí còn có ý định hại con trai mình – hoàng đế Nero – khi thấy khó kiểm soát.

Cực kỳ xinh đẹp, tuyệt đỉnh thông minh và sục sôi tham vọng, đó là Julia Agrippina, hoàng hậu, hoàng thái hậu La Mã. Bà nổi tiếng không kém người con – hoàng đế Nero, người bị coi là bạo chúa vì đã ra lệnh tàn sát người Thiên chúa giáo.

Dòng dõi các đại đế

Agripina là con một trong những gia đình quyền lực nhất La Mã bấy giờ. Mẹ cô thuộc dòng dõi hoàng đế Augustus. Còn cha cô chẳng những là hậu duệ của danh tướng Mark Antony (tình nhân của nữ hoàng Ai Cập Cleopatra) và cũng có họ hàng với hoàng đế Augustus, mà còn là con cháu của một vị nữ hoàng. Bản thân ông được bác mình là hoàng đế  Tiberius nhận làm con và chọn làm người kế vị ngai vàng.

Sau cái chết đột ngột của cha, Agrippina lớn lên trong sự chăm sóc của mẹ và bà cố, những mệnh phụ phu nhân quyền lực nhất La Mã. Năm 13 tuổi, nàng được hoàng đế Tiberius (bác ruột, và là bố nuôi của cha cô) gả cho Gnaeus Domitius Ahenobarbus. Họ có một người con trai là Lucius Domitius Ahenobarbus, người sau này sẽ trở thành  hoàng đế Nero.

Khi hoàng đế Tiberius qua đời, anh ruột của Agrippina vì là con trai của người kế vị nên được nối ngôi. Đó là hoàng đế Caligula. Địa vị của nàng trở nên cao vòi vọi bởi tân hoàng đế cực kỳ sủng ái ba cô em gái của mình. Ngoài việc ban cho các em vô số đặc quyền đặc lợi, ông vua trẻ còn làm một chuyện chưa từng có: cho khắc hình ba em gái cùng với mình trên đồng tiền mới. Và ngoài ra, các thần dân La Mã còn phải thêm cả ba vị hoàng muội này vào lời tung hô hay lời  thề tận trung với nhà vua: “Muôn năm hoàng đế và các hoàng muội”,  “Tôi xem sự an toàn của hoàng đế và các em gái ngài quan trọng hơn mạng sống của tôi và con cái tôi”…

 

Tượng Agrippina.

Sự ưu ái này lớn đến nỗi người La Mã đồn ầm lên rằng có chuyện loạn luân giữa vua Caligula và các cô em gái, rằng trong các buổi tiệc tùng, nhà vua đã có hành vi thác loạn với các em mình ngay trong hoàng cung. Tuy nhiên, lòng yêu quý của các bậc đế vương rất sớm nắng chiều mưa. Không biết đã làm gì để mếch lòng anh trai mà chỉ sau một năm, Agrippina đã bị thất sủng. Vì thế, hai năm sau khi anh trai lên ngôi, nàng đã tham gia vào mụ mưu sát hoàng đế Caligula để đưa người anh rể Lepidus lên ngai vàng. Chuyện bất thành, Lepidus bị giết, còn hoàng muội Agrippina bị đày ra một hòn đảo, phải tự mò tìm hải miên để sống, toàn bộ gia sản bị tịch biên. Con trai nàng bị tước quyền thừa kế và giao cho người cô là Domitia nuôi.

Hai lần tái giá

Đầu năm 40, Caligula cùng vợ con bị sát hại, chú ruột của ông ta là Claudius lên ngôi. Sau một năm lưu đày, Agrippina được hoàng đế mới cho phép trở về La Mã với đứa con trai đã được phục hồi quyền thừa kế. Lúc này, chồng nàng đã chết. Để khỏi chịu cảnh phòng the lạnh lùng, nàng tìm cách quyến rũ một nhà quý tộc tên là Galba nhưng không thành, thậm chí phải chịu nhục khi bị mẹ vợ ông ta lăng nhục và tát vào mặt ngay trước mặt nhiều vị phu nhân khác.

Agrippina không phải cô đơn lâu, bởi hoàng đế đã thu xếp cho chồng của Domitia (người cô đã nuôi nấng con trai nàng), một người rất có thế lực,  ly dị để cưới nàng. Sử sách không nói đến chuyện cặp đôi này có yêu đương nồng thắm hay không, chỉ biết rằng chỉ ít lâu sau, vào năm 47, người chồng cực kỳ giàu có này đột tử. Người ta cho rằng chính Agrippina đã dùng thuốc độc để hạ sát chồng bởi sau đó, nàng trở thành chủ sở hữu lãnh địa rộng lớn cùng tài sản khổng lồ.

Năm 49, góa phụ xinh đẹp 34 tuổi Agrippina trở thành hoàng hậu La Mã, vợ của chính chú ruột mình, sau khi người vợ trước của ông bị xử tử. Ở La Mã, cuộc hôn nhân này bị xem là loạn luân và vấp phải nhiều sự phản đối, nhưng vẫn được tiến hành. Người ta cho rằng đó là cuộc hôn nhân chính trị nhằm kết hợp hai nhánh của vương thất Claudius. Nhưng những ân huệ mà người chồng mới ban cho và cách Agrippina “dắt mũi” chồng để thực hiện tham vọng tàn bạo của mình cho thấy, nàng thực sự được sủng ái. Ngoài việc được nhận danh hiệu Augusta, vốn chưa từng được ban cho quý và nào có chồng còn sống, nàng còn được lấy tên đặt cho một thuộc địa của La Mã.

Với mấy đời vợ trước, hoàng đế Claudius đã có khá nhiều con, trong đó có một con trai còn sống là Britannicus. Ấy thế mà Agrippina vẫn thuyết phục được nhà vua nhận con riêng của mình làm người kế vị. Để đảm bảo ngai vàng cho con mình trong tương lai, nàng thẳng tay diệt trừ tất cả những người cản trở, bằng đủ thủ đoạn vu cáo, hãm hại. Các đối thủ của nàng kẻ bị giết, người bị tịch biên gia sản và lưu đày, người uất ức tự sát.

 

Agrippina được cho là bậc thầy trong chuyện ám sát bằng nấm độc.

Vị hoàng hậu ghê gớm của La Mã còn cưới bằng được công chúa Claudia Octavia, con riêng của hoàng đế Claudius, cho con trai mình, bằng cách vu cáo chàng trai đã đính hôn với Octavia, khiến anh ta phải tự sát. Anh ruột của anh ta vì âm mưu trả thù cho em cũng bị giết nốt.

Với cậu con riêng của chồng, Britannicus, hoàng hậu không những làm cho vị hoàng tử này mất quyền kế vị mà còn ly gián khiến cậu bị cha ghẻ lạnh. Những người giúp đỡ Britannicus cũng bị tiêu diệt.

Rồi đến lúc, hoàng đế Claudius dường như cũng nhận ra mình sai lầm khi quá sủng ái Agripina. Ông có dấu hiệu muốn khôi phục lại quyền kế vị cho đứa con ruột của mình. Nhưng cái chết đột ngột khiến nhà vua chẳng kịp làm gì. Người ta cho rằng chính Agrippina đã đầu độc Claudius bằng món nấm trong bữa tiệc nhằm loại bỏ nguy cơ cho tương lai của hai mẹ con. Con trai nàng, Nero, trở thành hoàng đế La Mã khi mới 17 tuổi.

Bị chính con trai giết hại

Trở thành hoàng thái hậu La Mã ở tuổi 39, tưởng như quyền lực của Agripina trở thành tuyệt đối và không còn ai khống chế nổi bà nữa. Với tham vọng và kinh nghiệm của mình, bà muốn thao túng La Mã, muốn con trai nằm trong sự kiểm soát của mình. Nhưng Nero là một con sư tử non đầy sức mạnh. Cùng với các cộng sự đắc lực, cậu nhanh chóng thu hẹp quyền lực của mẹ. Với người phụ nữ này, quyền lực là vấn đề tối thượng, vì thế mặc dù Nero là đứa con duy nhất, dù bà đã mất bao tâm cơ để đưa con lên ngôi, Agrippina vẫn ấp ủ một âm mưu mới: phế truất Nero và đưa “con bài” mới được bà bảo trợ lên ngai vàng, đó là Britannicus, đứa con riêng của chồng, từng bị bà triệt hạ. Nhưng Nero đã chứng minh rằng “hổ mẫu sinh hổ tử”, nhà vua đầu độc chết Britannicus.

Xung đột giữa hai mẹ con ngày càng lớn. Nero ra lệnh tước hết mọi tước vị của mẹ, giải tán đội cận vệ của bà, chặt hết vây cánh rồi đến năm 57 thì đuổi mẹ ra khỏi hoàng cung. Tại nơi an trí của mình, Agrippina thường xuyên bị người của Nero giám sát và gây sự. Hai năm sau, mẹ của hoàng đế La Mã bị chính con trai mình sai người đâm chết. Nhiều tài liệu cho rằng, trước đó, Nero đã nhiều lần tổ chức ám sát mẹ bằng thuốc độc, bằng  các kịch bản đắm thuyền, trần nhà đổ… nhưng đều không thành, vì lúc thì Agripina kịp uống thuốc giải, khi thì bà tự bơi được vào bờ từ nơi đắm thuyền. Sở dĩ nhà vua phải giết mẹ vì biết rằng chừng nào bà còn sống, ông sẽ không thể ly dị Octavia để cưới người khác.

Tương truyền, Nero cũng có chút thương tâm trước cái chết của mẹ dù vẫn cho rằng đó là việc phải làm. Nhìn mặt bà trước khi đem hỏa táng, hoàng đế La Mã đã thẫn thờ rồi than rằng bà đẹp biết bao. Quả thật ở tuổi 44, Agrippina vẫn là một mệnh phụ tuyệt sắc. Sắc đẹp ấy, cùng với những hành động ghê gớm trong suốt cuộc đời đã khiến bà lưu danh sử sách mấy nghìn năm như một phù thủy của âm mưu và thuốc độc.

Meo.vn (Theo BĐV)