Lưu trữ cho từ khóa: thuốc đặt hậu môn

Sử dụng thuốc hạ sốt dạng đặt hậu môn có an toàn?

Con tôi năm nay 4 tuổi, mỗi lần cháu bị sốt tôi thường sử dụng thuốc hạ sốt dạng đặt hậu môn. Nhưng tôi lại nghe nói dùng nhiều loại thuốc này là không tốt.

Xin quý báo cho biết điều này có đúng không.Hoàng Thị Loan(Hòa Bình)

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Một trẻ được gọi là có sốt khi nhiệt độ đo được ở bên trong hậu môn cao hơn 38oC. Nhiệt độ đo được ở các vị trí khác trên cơ thể thường thấp hơn nhiệt độ trong hậu môn. Vì vậy, nếu cặp nhiệt độ ở nách đo được từ 37,5 oC trở lên lúc đó được gọi là trẻ có sốt và chỉ nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi bị sốt cao từ 38,5 oC trở lên.

Thuốc hạ sốt có nhiều loại, thường được sử dụng là paracetamol dạng uống và viên đạn dạng đặt hậu môn. Tuy nhiên, chỉ nên dùng dạng đặt hậu môn khi trẻ em không uống được thuốc, nôn nhiều, đang co giật hoặc trẻ đang ngủ mà bạn không muốn đánh thức trẻ. Việc lạm dụng có thể gây viêm trực tràng, nguy cơ gây kích thích tại chỗ, tùy thuộc vào thời gian dùng, thời điểm đặt thuốc và liều dùng, do đó thời gian dùng càng ngắn càng tốt, nên thay thế sớm bằng thuốc uống.

Không dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn khi trẻ bị dị ứng paracetamol, có bệnh nặng ở gan, bị viêm hậu môn, chảy máu trực tràng, bị tiêu chảy.

Để tránh ngộ độc do quá liều, cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, liều lượng được tính theo cân nặng của trẻ với mức dao động từ 10 – 15 mg/kg cân nặng cho 1 lần uống. Khoảng cách giữa 2 lần từ 4 – 6 giờ nếu trẻ bị sốt trên 38,5oC. Một ngày không được cho trẻ uống quá 5 lần paracetamol.

BS Hà Văn Thứ

(Theo Sức khỏe & Đời sống)

Em bị trĩ ngoại không đau để lâu có gây ung thư không

Chào bác sĩ, em bị trĩ ngoại, không đau gì hết, vậy em có sao không? Có cần điều trị không hay chỉ cần ăn nhiều chất xơ là được? Để lâu ngày có gây ra ung thư không ạ? (Quỳnh Nga)

Bệnh trĩ là do thành tĩnh mạch ở vùng hậu môn – trực tràng bị suy yếu không còn bền chắc dẫn đến sự  dãn quá mức gây sưng phù tạo nên búi trĩ.

Nếu búi trĩ nằm dưới cơ thắt hậu môn gọi là trĩ ngoại, có thể nhìn thấy bên ngoài. Còn trĩ nội là búi trĩ nằm trên cơ thắt hậu môn, chỉ thấy khi thăm khám hậu môn, tuy nhiên trĩ nội khi bị nặng thò ra ngoài gọi là sa búi trĩ.

Triệu chứng thường là sờ thấy khối mềm ở lỗ hậu môn, có thể chảy máu khi đi tiêu, ngứa đau rát nếu có viêm nhiễm…

Bệnh trĩ có thể đi kèm với viêm đại tràng mãn, táo bón kinh niên, bị u ở vùng trực tràng, có thai, xơ gan cổ trướng, bị viêm nhiễm vùng hậu môn trực tràng…Bệnh hay xảy ra ở người lao động nặng, ngồi đứng lâu(tài xế, hớt tóc, thợ may…).

Nếu bệnh trĩ không gây ra các biến chứng như chảy máu, tắc mạch tạo cục máu đông, trĩ sa và làm nghẹt búi trĩ, nhiễm trùng lở loét… thì không cần điều trị. Vậy trường hợp của em không có triệu chứng gì thì không cần điều trị.

Em cần có chế độ sinh hoạt phù hợp như: tránh làm việc nặng, tránh ngồi nhiều, ăn nhiều chất xơ (rau quả) uống nhiều nước, vận động thể dục thể thao, tránh táo bón, hạn chế các chất kích thích như rượu, gia vị… để phòng ngừa các biến chứng của bệnh trĩ.

Có nhiều phương pháp điều trị như thuốc uống, thuốc đặt hậu môn, tiêm xơ, thắt vòng cao su, phẫu thuật…

Trĩ không trở thành ung thư như em lo lắng. Tuy nhiên, em cũng nên đi khám, nội soi để phân biệt với bệnh lý như ung thư, polyp trực tràng – hậu môn.

Theo Alo Bác sĩ