Lưu trữ cho từ khóa: thuốc chống trầm cảm

6 loại đồ uống không nên dùng cho uống thuốc

Để phát huy lợi ích cao nhất của thuốc chữa bệnh và hạn chế những phản ứng phụ có thể xảy ra, khi uống thuốc mọi người nên tránh dùng các loại đồ uống sau đây:

 

Nước nho ép:

Dùng nước nho ép để uống thuốc có thể làm giảm tác dụng và làm tăng phản ứng phụ của thuốc chữa bệnh, lý do nước nho ép có thể ức chế enzymes trong quá trình hấp thụ thuốc, ví dụ như thuốc chữa bệnh tim mạch, thuốc chống trầm cảm và thuốc chống nấm.

Cà phê, chè, coca:

Trong thời gian đang uống thuốc chữa bệnh hen nếu dùng quá nhiều caffein (hợp chất trong cà phê) có thể làm tăng các phản ứng phụ. Ngoài ra caffein có thể có hại cho dạ dày, vì vậy khi dùng các loại thuốc chống viêm nhiễm hay còn gọi là thuốc NSAID như lbuprofen thì không nên dùng chè, coca và cà phê.

Sữa:

Canxi có trong sữa có thể cản trở mức hấp thụ của một số loại thuốc kháng sinh.

Rượu:

Trong khi đang dùng thuốc, nhất là loại thuốc có tên là acetaminophen, nếu uống rượu sẽ làm tăng nguy cơ phá huỷ gan, ngoài ra rượu còn hạn chế tác dụng chữa bệnh của các loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc chữa bệnh thần kinh và làm tăng tác dụng phụ của một số loại thuốc chữa bệnh khác, tốt nhất là trong quá trình điều trị, uống thuốc thì không nên dùng rượu, bia.

Nước dâu ép:

Theo một số nghiên cứu khoa học thì khi dùng wafarin - một loại thuốc chống đông máu - nếu dùng nước dâu ép có thể tăng quá trình chảy máu.

Các loại đồ uống có chứa chất xơ:

Chất xơ có trong các loại đồ uống sẽ làm liên kết nhiều loại thuốc khác nhau và hậu quả làm giảm hiệu quả chữa bệnh của thuốc.

Meo.vn (Theo RD/AS)

Rối loạn lưỡng cực: 69% số bệnh nhân bị chẩn đoán sai

Tại hội thảo cập nhật về bệnh rối loạn lưỡng cực vừa được tổ chức tại TPHCM, PGS.TS.BS Nguyễn Kim Việt, phó viện trưởng Viện Giám định Pháp y Tâm thần TƯ khuyến cáo, các bệnh nhân rối loạn lưỡng cực (RLLC) thường có nguy cơ tự tử rất cao.

Các chuyên gia tại buổi tọa đàm về bệnh rối loạn lưỡng cực.

Ước tính 25 - 50% số bệnh nhân mắc RLLC có toan tính tự tử ít nhất một lần trong đời và có tỷ lệ li dị cao gấp 2 - 3 lần so với người bình thường. Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp RLLC là một trong những nguyên nhân chính gây rối loạn các chức năng hoạt động đứng hàng thứ 6 trên toàn cầu. Vấn đề then chốt nhất là việc chẩn đoán ra bệnh RLLC, vẫn còn khoảng 69% bệnh nhân không được chẩn đoán hoặc chẩn đoán nhầm, gây khó khăn cho điều trị.

Theo PGS Việt, RLLC là rối loạn khí sắc mạn tính, đặc trưng bởi các giai đoạn hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ xen kẽ hoặc đi kèm với các giai đoạn trầm cảm, tỷ lệ mắc bệnh dao động từ 1 - 4% dân số. Riêng ở Viện Sức khoẻ Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) từng ghi nhận số bệnh nhân RLLC chiếm khoảng 8,7% trên tổng số bệnh nhân tâm thần điều trị nội trú. Ngoài các bất thường liên quan đến thần kinh (rối loạn lo âu, ăn uống...), các yếu tố về di truyền và môi trường cũng đóng vai trò quan trọng trong việc gây bệnh.

Các biểu hiện của bệnh có thể là triệu chứng của hưng cảm (75%) hoặc trầm cảm (85%): Không quan tâm đến giấc ngủ hoặc ngủ ít, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi không muốn ra khỏi giường, lạc quan thái quá hoặc quá buồn chán tiêu cực, tiêu pha nhiều, kích động, bứt rứt, dễ cáu gắt, tự đánh giá cao về bản thân, mất ham thích hoặc ham muốn tình dục tăng, giảm hoạt động, ăn uống kém, hay lo âu sợ hãi, đau với các triệu chứng mãn tính không giải thích được... PGS.TS Việt chia sẻ, bệnh RLLC gây các hậu quả tâm lý, xã hội đáng kể cho người bệnh và có thể gây ảnh hưởng nặng nề trên đời sống cá nhân, nghề nghiệp, gia đình. RLLC giai đoạn cấp tính thường được điều trị trong bệnh viện, sau đó là điều trị duy trì ở ngoài bệnh viện.

Hiện tại điều trị bằng thuốc vẫn là phương pháp xử trí chính, có nhiều loại thuốc điều trị và ngăn ngừa tái phát như thuốc chỉnh khí sắc, thuốc chống co giật được xác định là có hiệu quả tốt với cả hưng cảm và trầm cảm trong cả giai đoạn cấp tính và điều trị duy trì. Phải thận trọng với các loại thuốc chống trầm cảm (đặc biệt là chống trầm cảm 3 vòng đang được dùng phổ biến ở cộng đồng), cần sử dụng hạn chế, thận trọng trong các giai đoạn trầm cảm và nên được dùng phối hợp với thuốc chỉnh sắc hoặc thuốc chống loạn thần mới.

Nhà xuất bản Y học và Công ty sanofi-aventis đã phối hợp xuất bản sách Việt ngữ đầu tiên về "Xử trí RLLC trong Thực hành lâm sàng" của tác giả GS Eduard Vieta, chuyên gia về RLLC, giám đốc Chương trình RLLC của Phòng khám Bệnh viện trường Đại học Barcelona, Tây Ban Nha và là giảng viên Đại học Harvard, Boston, Hoa Kỳ. Sách do PGS.TS.BS Nguyễn Kim Việt và TS.BS Ngô Tích Linh - hai chuyên gia ngành Tâm thần biên dịch sang tiếng Việt.

Meo.vn (Theo Bee)

Những loại thuốc làm hỏng ‘chuyện ấy’

Có hơn 100 loại thuốc hoặc nhóm thuốc được ghi nhận có liên quan với các rối loạn chức năng tình dục, 25% các trường hợp rối loạn chức năng cương ở nam giới có nguyên nhân do thuốc.

Các thuốc chống trầm cảm

Mặc dù bản thân bệnh trầm cảm cũng có thể gây ra mất hứng thú và ham muốn tình dục, nhưng thuốc chống trầm cảm cũng được chứng minh là một trong những nguyên nhân quan trọng gây suy giảm khả năng tình dục ở các bệnh nhân trầm cảm.

Nguy cơ rõ rệt nhất khi sử dụng nhóm thuốc này là gây suy giảm khả năng tình dục, gây ra chứng cương dương vật kéo dài ở người sử dụng hoặc có thể gây bất lực trong một số trường hợp.

Các thuốc an thần

Giảm hưng phấn và ham muốn tình dục là tác dụng phụ rất phổ biến với các thuốc an thần, với tỷ lệ gặp lên tới 25%. Ngoài ra, một số loại thuốc an thần còn được ghi nhận có thể gây rối loạn khả năng cương và phóng tinh ở 23 - 57% số người sử dụng. Chứng cương dương vật kéo dài cũng được ghi nhận với hầu hết các thuốc an thần.

Thuốc hạ huyết áp

Hầu hết các nhóm thuốc dùng trong điều trị tăng huyết áp đều có thể gây bất lực ở các mức độ khác nhau do có tác dụng trực tiếp trên hệ thống mạch máu và làm giảm áp lực máu tại cơ quan sinh dục.

Suy giảm khả năng tình dục do các thuốc lợi niệu tương đối ít gặp, chỉ khoảng 5% số người sử dụng. Các biểu hiện có thể gặp là bất lực, rối loạn khả năng phóng tinh và giảm hưng phấn. Các tác nhân hủy giao cảm trung tâm như a-methyldopa, clonidine và guanfacin gây suy giảm khả năng tình dục ở khoảng 20 - 80% số người sử dụng.

Các thuốc tim mạch

Có thể gây rối loạn chức năng cương và hội chứng vú to ở khoảng 1/3 số nam giới dùng thuốc, một loại thuốc chống loạn nhịp tim cũng được ghi nhận có thể gây rối loạn chức năng cương.

Ngoài các thuốc trên, các nhóm thuốc hạ mỡ máu statin and fibrate đều được chứng minh có thể gây giảm khả năng cương cũng như ham muốn tình dục ở nam giới.

Thuốc tiêu hóa

Các loại thuốc ức chế tiết dịch vị đều được ghi nhận có thể gây ra bất lực và biểu hiện đau khi xuất tinh. Một vài loại thuốc chống nôn cũng có thể gây giảm hứng thú tình dục và rối loạn chức năng cương ở nam giới do làm tăng nồng độ prolactin trong máu.

Bên cạnh đó, hầu hết các thuốc chống co giật đều dẫn đến các rối loạn chức năng tình dục.

Theo ĐO

Sao em hay bị đau đầu, uể oải

Em năm nay 18 tuổi, đang chuẩn bị cho kỳ thi đại học, nhưng không hiểu sao lúc này em thường bị đau đầu rất nhiều (vào khoảng thời gian 11 giờ đến 20, 21 giờ). Ngoài ra em còn ngủ rất nhiều, khi ngủ dậy toàn thân cảm thấy uể oải. Em có đi khám bệnh, bác sĩ bảo em bị suy nhược thần kinh nhẹ và có cho em uống thuốc, nhưng không khỏi. Cho em hỏi: em bệnh gì, có nặng không, có thể chữa trị ở đâu? (nguoicaosang@...)

Trả lời:

Theo tiêu chuẩn phân loại của bệnh trầm cảm của các thầy thuốc tâm thần thì bạn đang bị bệnh trầm cảm đấy. Đây là căn bệnh mà ngày nay rất nhiều người mắc phải, nhất là những người sống trong một xã hội hiện đại, tốc độ sống và làm việc nhanh, có nhiều áp lực công việc, học tập... Bệnh có thể có nhiều dạng biểu hiện: từ nhức đầu không rõ căn nguyên, mất ngủ hay ngủ nhiều, chán ăn, lo âu, không thiết tha với cuộc sống... Việc điều trị cần phải có sự tham gia của các bác sĩ tâm lý y học, một chuyên khoa khá mới mẻ không chỉ với bệnh nhân mà còn với cả thầy thuốc và một số nhà quản lý y tế. Các bác sĩ chuyên khoa tâm thần và hiện nay các thầy thuốc gia đình cũng có thể điều trị bệnh này. Thời gian trước, các loại thuốc chống trầm cảm thế hệ cũ thường khó sử dụng vì có nhiều tác dụng không mong muốn. Ngày nay, đã có khá nhiều loại thuốc chống trầm cảm thế hệ mới dễ sử dụng hơn và ít tác dụng không mong muốn.

Bên cạnh đó, ở trường hợp của bạn đang chuẩn bị kỳ thi đại học, có thể việc học nhiều, lo lắng cũng có thể khiến bạn đau đầu, người uể oải. Bạn cần dành ít thời gian trong ngày để tập thể dục, vận động cơ thể, giải trí bên cạnh việc học để cơ thể có thời gian nghỉ ngơi thư giãn, giảm bớt căng thẳng...

Chúc bạn khỏe.

PGS.TS Nguyễn Hoài Nam

(Đại học Y-Dược TP.HCM)

Đái dầm ở trẻ em – Chữa thế nào?

Đái dầm là một rối loạn bài tiết nước tiểu không theo ý muốn xảy ra khi ngủ (có thể bị khi ngủ đêm hoặc ngủ ngày). Đái dầm là hiện tượng gặp khá phổ biến ở trẻ em: ở lứa tuổi 5 tuổi gặp từ 10-20%, đến 10 tuổi tỉ lệ đái dầm là 3-4 %, trẻ trai bị nhiều hơn trẻ gái. Những trẻ có rối loạn tăng hoạt động bị đái dầm tăng gấp 2,7 lần. Đến tuổi trưởng thành vẫn còn khoảng 1% người bị đái dầm.

Những nguyên nhân gây đái dầm

- Yếu tố di truyền: Gia đình bố mẹ không có tiền sử đái dầm lúc nhỏ sẽ có trẻ bị đái dầm với tỷ lệ 15%, nếu chỉ có bố hoặc mẹ bị - tỷ lệ con bị là 44%, nếu cả bố và mẹ đều bị đái dầm - tỷ lệ con bị là 77%.

- Rối loạn giấc ngủ: Khó thức tỉnh từ giấc ngủ sâu khi bàng quang căng đầy nước tiểu.

- Chậm phát triển hệ thần kinh trung ương làm giảm khả năng kiểm soát nín tiểu của bàng quang khi trẻ ngủ.

- Yếu tố nội tiết: Không đủ hormon bài niệu ADH (hormon này có tác dụng làm giảm số lượng bài tiết nước tiểu từ thận).

- Nhiễm trùng tiết niệu.

- Dị dạng đường tiết niệu: Bất thường van niệu quản ở trẻ trai hoặc bất thường niệu đạo ở trẻ gái. Bàng quang nhỏ hơn bình thường làm giảm khả năng giữ được nước tiểu lâu trong bàng quang.

- Bất thường cột sống.

- Yếu tố tâm lý: Một số trẻ đái dầm do có lo âu sau sang chấn tâm lý ở nhà hoặc ở trường.

- Do gia đình ít luyện tập cho trẻ đi tiểu trước khi ngủ .

- Nhiều trường hợp không tìm ra nguyên nhân chính.

Nguyên nhân thực tổn (dị dạng, nhiễm trùng) chỉ chiếm 5% các trường hợp đái dầm, còn lại 95% là do rối loạn chức năng.

Lứa tuổi trẻ đạt được khả năng kiểm soát bàng quang

Nước tiểu được bài tiết ra từ thận được lưu giữ trong bàng quang. Đối với trẻ nhỏ, việc tiểu tiện diễn ra tự động do sự co cơ thành bàng quang và giãn cơ cổ bàng quang theo chu kỳ thường là 2 - 3 giờ trẻ tiểu tiện 1 lần. Đến khi 2 - 3 tuổi trẻ có thể kiềm chế nín tiểu lâu hơn vào ban ngày. Cùng với sự phát triển theo lứa tuổi, trẻ dần dần học được là nếu đi tiểu đúng lúc sẽ được mọi người mong đợi và khen ngợi. Sau khi đã kiểm soát việc tiểu tiện ban ngày, dần dần trẻ có thể kiểm soát cả lúc ngủ. Tới thời điểm này bộ não của trẻ sẽ chỉ huy cần phải làm gì do có mối liên hệ giữa não và bàng quang về thông điệp nín tiểu.

Đái dầm có liên quan đến sự chậm trưởng thành chức năng của bàng quang. Trẻ có khả năng kiểm soát bàng quang ở những độ tuổi khác nhau, nhưng phần lớn trẻ không bị đái dầm sau 5 tuổi. Việc điều trị trẻ em đái dầm trước 5 tuổi là chưa cần thiết.

Đánh giá trẻ đái dầm

Trước hết, bác sĩ sẽ hỏi gia đình về thói quen đi vệ sinh vào ban ngày và ban đêm của trẻ. Mặc dù phần lớn trẻ đái dầm đều khỏe mạnh nhưng trẻ vẫn cần được khám toàn diện, làm xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu, một số trẻ có thể cần siêu âm hoặc chụp Xquang hệ thận tiết niệu.

Bác sĩ có thể hỏi trẻ và gia đình về những việc xảy ra ở nhà và ở trường. Bác sĩ hỏi về cuộc sống gia đình vì việc điều trị phụ thuộc nhiều vào sự thay đổi tại nhà. Nhiều trẻ cảm thấy có lỗi và bối rối rụt rè, kém tự tin, kém hòa nhập khi bị mắc chứng đái dầm. Do trẻ đái dầm nên nhiều gia đình phải thức dậy ban đêm để dọn vệ sinh hoặc gọi trẻ dậy đi tiểu nên có thể làm gia đình thiếu ngủ. Nếu thiếu ngủ kéo dài sẽ làm cho trẻ học tập kém tập trung chú ý, gia đình thiếu ổn định hoặc không vui vẻ. Vì vậy trẻ có thể cần được làm thêm một số trắc nghiệm tâm lý để đánh giá hành vi cảm xúc.

Điều trị

Hầu hết trẻ em tự khỏi đái dầm. Tuy nhiên cha mẹ và bác sĩ có thể quyết định trẻ cần phải điều trị. Có hai phương pháp điều trị: điều trị tâm lý và thuốc. Điều trị tâm lý bao gồm trị liệu hành vi nhằm huấn luyện trẻ không đái dầm và tư vấn tâm lý.

Một số biện pháp trị liệu hành vi có thể áp dụng là:

- Trẻ hạn chế uống nước vào buổi tối.

- Đi tiểu trước khi đi ngủ.

- Đánh thức trẻ dậy đi tiểu vào ban đêm với khoảng thời gian lùi dần về sáng. Chú ý là khi trẻ tỉnh ngủ hẳn mới cho trẻ đi tiểu.

- Cho trẻ tự theo dõi đái dầm bằng vẽ tranh: vẽ đám mây mưa khi bị đái dầm, vẽ mặt trời khi không bị đái dầm. Gia đình khen thưởng, động viên kịp thời, phù hợp khi thấy trẻ có tiến bộ sau mỗi ngày, mỗi tuần…

- Yêu cầu trẻ tự dọn vệ sinh, thay ga giường, chiếu khi bị đái dầm.

- Tập luyện bàng quang: hướng dẫn trẻ chủ động nín giữ nước tiểu lâu hơn trong bàng quang, tập đái ngắt quãng.

Tư vấn tâm lý: giải quyết những sang chấn tâm lý nếu có. Giải thích cho gia đình và trẻ không quá lo về chứng bệnh này vì việc đái dầm không phải do trẻ cố ý mà chỉ đơn giản là trẻ không thể kiểm soát được cơ bàng quang khi ngủ. Gia đình luôn động viên trẻ, chấp nhận trẻ, không đánh mắng trừng phạt. Tạo cho trẻ cảm thấy được tôn trọng, được yêu thương sẽ làm cho trẻ cảm thấy tự tin, giảm lo lắng cũng chính là tác nhân tốt để điều trị đái dầm có hiệu quả.

Thuốc điều trị đái dầm

Nếu trẻ trên 7 tuổi và điều trị hành vi không có kết quả có thể cho trẻ uống amitriptilin (là thuốc chống trầm cảm 3 vòng) liều thấp. Tuy nhiên một số trẻ uống thuốc này có thể bị tác dụng phụ như buồn ngủ, khô miệng, chóng mặt… và chống chỉ định nếu có rối loạn dẫn truyền tim.

Một số gia đình cũng có thể tìm đến những phương pháp điều trị khác nhau để chữa trị đái dầm như uống thuốc nam, châm cứu… nhưng chưa thấy rõ hiệu quả điều trị.

Việc điều trị đái dầm cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa bác sĩ, gia đình và trẻ.

(Nguồn Sức khỏe & Đời sống)

Những loại thuốc có hại cho mắt

Khi dùng thuốc để điều trị một bệnh nào đó của cơ thể cũng sẽ ảnh hưởng đến cơ quan thị giác. Có những tác hại có thể thấy ngay, nhưng có những tác hại mang tính nguy cơ tiềm tàng.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Những khuyến cáo sau đây từ các nhà nhãn khoa Mỹ thiết nghĩ sẽ cần thiết cho bạn đọc.

Thuốc gây hại cho võng mạc:

Plaquenil (hydroxchlorriquine sulfat): Là một thuốc thông thường dùng để điều trị viêm khớp dạng thấp nhưng có thể gây tác hại không hồi phục cho võng mạc.

Clonidin: Thuốc hạ huyết áp cũng có ảnh hưởng tới võng mạc.

Thioridazin: Thuốc chống nhiễm khuẩn có thể gây nên bệnh võng mạc sắc tố.

Tất cả các thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid đều có thể gây các tác dụng phụ, trong đó có đục thủy tinh thể, khô mắt, xuất huyết võng mạc nếu dùng trong thời gian dài. Nhóm này bao gồm các thuốc: aspirin, ibuprofen, ketobufen, naproxen. Ngay cả acetaminophen cũng có thể gây tác hại cho võng mạc.

Các thuốc gây xuất huyết tại mắt:

Tất cả các thuốc giảm đau, kháng viêm không có steroid, thuốc chống trầm cảm enlafaxin, thuốc kháng nấm amphotericin B, thuốc ức chế cholesterase (thường dùng để điều trị Aizheimer), thuốc chống huyết khối pentoxifyline, heparin, coumadin và các thuốc chống đông đường uống khác.

Các thuốc có thể gây glocom hoặc gây tổn hại cho thị giác thần kinh:

Các thuốc chống viêm không có teroid, velafaxin, các dược chất có steroid nếu dùng lâu dài rất nguy hại cho mắt. Vì vậy, khi được kê đơn các loại thuốc này bạn nên dùng thêm các chế phẩm thực phẩm bổ sung có các chất chống oxy hoá cũng như liên lạc thường xuyên với bác sĩ để được giảm liều hay dùng các chế phẩm khác ít có hại hơn cho mắt.

Các thuốc có thể gây đục thủy tinh thể hay làm nặng thêm tình trạng đục thủy tinh thể vốn có:

Các thuốc làm tăng cảm nhận ánh sáng: Chúng hấp thụ năng lượng của ánh sáng và thông qua phản ứng quang hoá nhằm thay đổi cơ chế hoá lý trong các mô. Do vậy, chúng có thể gây hại cho thể thủy tinh và hoàng điểm. Các thuốc sau đây thuộc nhóm gây hại theo cơ chế vừa nêu: các thuốc kháng sinh histamin, thuốc tránh thai, thuốc an thần, nhóm sunfamid, thuốc tiểu đường type 2, thuốc chống động kinh, thuốc chống viêm không có steroid.

Các thuốc gây khô mắt: Các kháng sinh, thuốc hạ huyết áp, thuốc kháng sinh histamin, thuốc tránh thai, thuốc gây chán ăn.

Thuốc gây tặng cảm nhận ánh sáng: Một vài loại kháng sinh, thuốc chống sốt rét, thuốc kháng histamin, thuốc hạ huyết áp, nhóm glucosid trợ tim…

Thuốc gây viêm kết mạc dị ứng: Các thuốc kháng sinh khi được dùng đường toàn thân cũng như tại chỗ đều có thể gây dị ứng cho mắt. Ví dụ như nhóm penicillin tổng hợp (ampicillin hay amoxicillin) đã bị nhiều người than phiền vì gây đỏ mắt và ngứa mắt. Tetracyclin có thể làm tăng cảm nhận ánh sáng và nhìn mờ. Sulfonamid rất hay gây dị ứng, còn có thể gây xuất huyết tại mắt. Do vậy, khi dùng kháng sinh, ta có thể dùng thêm các chế phẩm sinh học như acidophilus hay bifidus và vitamine C để phòng ngừa tác hại của kháng sinh.

Thuốc làm thay đổi độ trong suốt của giác mạc:

Các thuốc chống sốt rét tổng hợp có thể gây những thay đổi trên giác mạc khiến cảm giác nhìn thấy quầng sáng, chớp sáng hay quá nhạy cảm với anh sáng có thể xuất hiện. Tuy nhiên, nó không gây giảm thị lực. Khi dừng điều trị, những khó chịu trên sẽ biến mất.

Thuốc có thể gây ra nhiều vấn đề cho mắt cùng một lúc.

Các thuốc hạ huyết áp vì gây giảm áp trong hệ thống tuần hoàn, lợi tiểu, dãn mạch.

Digoxin trợ tim đã được dùng từ lâu trong chuyên khoa tim mạch, có thể gây ảo giác, thay đổi sắc thái, gây mù thoáng qua và tăng cảm nhận ánh sáng. Nhóm Amidaron sau này còn gây một bệnh mới trong nhãn khoa đó là bệnh biểu mô giác mạc dạng xoáy.

Các thuốc kháng histamin, thuốc gây chán ăn, thuốc tránh thai đều có thể gây ra chứng đồng tử không đều, khó nhìn gần do hạn chế độ quy tụ của nhãn cầu, khô mắt.

Để khắc phục những tác hại do dùng thuốc nên: Với những thuốc làm tăng cảm nhận ánh sáng, bệnh nhân cần trang bị thêm một đôi kính râm để ngăn cản hoàn toàn tia cực tím của ánh sáng mặt trời.

Nên dùng những sản phẩm chống oxy hoá như vitamine A, C, E, selen, alpha lipolic acid và lutein để làm giảm bớt  tác hại của các thuốc dùng đường toàn thân.

Nên dùng thuốc đông y và dược thảo bởi chúng không có hoặc có rất ít tác dụng phụ.

(Theo Phụ Nữ TPHCM)

Hysteria – bệnh… thiếu đàn ông

Hiện tượng mấy chục cô thanh niên xung phong sống trong rừng lên cơn co giật, la hét từ những năm chiến tranh và hàng trăm nữ sinh Phú Thọ đột nhiên ngất xỉu gần đây được các nhà chuyên môn xác định là mắc cùng một chứng bệnh: hysteria.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Trong dân gian, người ta gọi biểu hiện này bằng một cái tên khó hiểu, với một thái độ giễu cợt, không mấy thiện cảm: 'bệnh cà hước', hay nói nôm na là... bệnh thiếu đàn ông! Trong bảng phân loại bệnh quốc tế, nó được gọi là rối loạn phân ly, gặp ở 0,3-0,5% dân số, thường là phụ nữ (gấp 10 lần so với nam).

Bệnh hysteria được biết đến từ thời cổ Hy Lạp nhưng mãi tới năm 1859, Briquet mới mô tả đầy đủ căn bệnh này một cách khoa học và hệ thống. Hiện nay, tâm thần học hiện đại xếp hysteria vào nhóm các bệnh loạn thần tâm căn. Bệnh thường xuất hiện sau một chấn thương tâm lý ở những người nhân cách yếu (thuật ngữ nhân cách dùng trong y học hoàn toàn khác với khái niệm nhân cách về mặt đạo đức xã hội). Biểu hiện và dạng lâm sàng thường gặp:

Cơn hysteria: Cơn co giật, co cứng sững sờ sau một chấn thương tâm lý. Bệnh nhân giãy giụa la hét, đập giường... nhưng ý thức vẫn tỉnh táo và nhận biết được xung quanh, thích được mọi người chú ý.

Cơn rối loạn cảm xúc: Kêu khóc, cảm xúc hỗn độn, nói không chuẩn, không ăn nhập với chủ đề xung quanh, gào thét không rõ lý do, ý thức ít bị rối loạn. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có ảo giác (thường là ảo thị - nhìn thấy những hiện tượng không có từ bên ngoài). Bệnh nhân rất dễ bị ám thị và tự ám thị (nhận thức không đúng về sự vật hiện tượng xảy ra ).

Cơn ngất lịm hysteria: Đột nhiên ngất lịm nhưng ý thức không bị ảnh hưởng nhiều, mắt có thể còn chớp nháy (khác hẳn cơn ngất do tim, bệnh nhân mệt mỏi trước khi có cơn, tiền sử có bệnh tim mạch, khi cơn xảy ra ý thức bị mất hoàn toàn).

Cơn ngủ hysteria: Lên cơn co giật nhẹ rồi đi vào giấc ngủ nhưng mắt vẫn lim dim. Giấc ngủ có thể kéo dài 1-2 ngày.

Rối loạn vận động: Có thể gặp rối loạn vận động như run, co giật, liệt chức năng mơ hồ không rõ định khu, không rõ ràng, có khi như giả vờ, lan tỏa khắp cơ thể.

Rối loạn cảm giác: Rối loạn cảm giác mất hoặc tăng cảm (một kích thích nhỏ nhưng bệnh nhân cảm nhận lớn hơn bình thường); cảm giác đau và sơ đồ cảm giác cơ thể; cảm giác nội tạng cũng bị rối loạn như đau bụng, đau ngực, đau vùng tim...

Rối loạn giác quan: Đột nhiên điếc sau một chấn thương tâm lý mà không hề có tổn thương thực thể ở hệ thống thính giác. Khả năng phục hồi bằng thôi miên hầu như có kết quả rất rõ. Có khi bệnh nhân đột nhiên chẳng nhìn thấy gì trong khi mắt vẫn mở, vẫn mơ hồ nhận thấy le lói vật thể xung quanh.

Nguyên nhân gây bệnh hysteria thường là chấn thương tâm lý, lo sợ cao độ, tức giận bi quan, có bệnh cơ thể mà theo người bệnh hiểu là hiểm nghèo. Yếu tố thuận lợi là nhân cách yếu, kém ý chí, thần kinh bất bình thường, bị nhiễm độc, nhiễm trùng, bệnh tim mạch...

Về cơ chế phát sinh hysteria, có nhiều học thuyết khác nhau. Các nhà thần kinh học hiện đại cho rằng bệnh phát sinh do tăng cảm xúc, ám thị ở những người có nhân cách yếu. Ở những người này, vỏ não suy yếu, hệ thống dưới vỏ não thoát ly nên khi bị kích thích thì không thể kiềm chế được, tăng ức chế vỏ não. Cuối cùng là sự tăng hoạt động dưới vỏ mà biểu hiện trên lâm sàng là nhiều triệu chứng đa dạng, tùy theo vùng não bị kích thích tập trung. Chính từ đặc điểm này mà bệnh có thể xuất hiện và giảm bớt bằng cách ám thị. Cảm ứng thành cao trào khi có sang chấn tạo phản ứng dây chuyền trong cộng đồng (có cùng hoàn cảnh), làm gây bệnh tập thể, một lúc có thể lên đến cả trăm người.

Bệnh được điều trị bằng phương pháp tâm lý, thôi miên, tạo quan hệ tốt giữa bác sĩ và bệnh nhân, cơn bệnh sẽ qua đi trong thời gian ngắn. Trong một số trường hợp khó khăn hơn, cần sử dụng ngay thuốc Benzodiazepin, sau đó dùng thuốc chống trầm cảm liều thấp, ví dụ như Elavil, hoặc các thuốc mới như Prozac, Remeron, Sertralin...

Việc phòng bệnh phải mang tính chiến lược bằng các chương trình chăm sóc sức khỏe tâm lý học đường. Cần tập cho con người rèn luyện trong các môi trường khác nhau kể cả các điều kiện khó khăn. Phổ cập các kiến thức về bệnh này. Kêu gọi mọi người sống chan hòa, có tinh thần tập thể, tình thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau. Loại trừ các yếu tố gây căng thẳng, các yếu tố môi trường thuận lợi làm phát sinh bệnh như đã nêu ở trên.

Khi có người bệnh, cần tránh tập trung, chăm sóc quá chu đáo khiến bệnh nặng thêm, nhưng phải tôn trọng bệnh nhân. Trong điều trị có thể dùng một số thuốc giảm lo âu, thuốc làm giảm các triệu chứng cơ thể.

Theo Đẹp

Bệnh trầm cảm có chữa khỏi không?

'Tôi thường xuyên hoa mắt, giảm trí nhớ, mệt mỏi, cáu kỉnh, dễ bị kích thích. Tôi đã khám, điện tim, điện não, chụp cắt lớp, bác sĩ nói rối loạn trầm cảm. Tôi dùng duxil, elavil, actan... 4 năm nay chưa khỏi. Hãy cho tôi lời khuyên'.

Trả lời:

Theo thư thì bạn có những biểu hiện của hội chứng suy nhược: đau đầu, dễ cáu giận, dễ mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ. Hội chứng này gặp trong nhiều bệnh như tổn thương thực thể tại não, hoặc bệnh tâm thần như trầm cảm, lo âu...

Bạn đã được chẩn đoán là rối loạn trầm cảm và được điều trị bằng elavil, duxil... Elavil có bản chất là amitriptyline, thuốc chống trầm cảm được dùng rất phổ biến và vẫn được coi là một thuốc chủ yếu trong điều trị trầm cảm.

Tuy nhiên, bạn cũng nên hiểu rằng trầm cảm là bệnh lý của xúc cảm. Việc điều trị trầm cảm đòi hỏi phải kiên trì và kéo dài. Do vậy bạn không nên nản chí, nên đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần khám lại để được điều trị đúng cách. Bạn cần khám theo hẹn và tuân thủ điều trị nghiêm ngặt. Chúc bạn mau lành bệnh.

BS. Hoàng Nam, Sức Khỏe & Đời Sống

Thuốc chống rụng tóc được tìm ra một cách ngẫu nhiên

Thuốc chống hói đã được các nhà khoa học tìm ra một cách ngẫu nhiên trong khi nghiên cứu về thuốc chống trầm cảm có những tác dụng phụ gì


Trong quá trình nghiên cứu ảnh hưởng của các thuốc chống trầm cảm đến hệ thống tiêu hoá, các chuyên gia y học trường Đại học California tại Los Angeles (Mỹ) đã bất ngờ phát minh ra loại thuốc chống rụng tóc, một căn bệnh không ít nam giới mắc phải.

Trong khi thí nghiệm, họ phải tạo ra một loại chuột biến đổi gen để thử ảnh hưởng của hocmon gây stress có tên viết tắt là CRF .

Các con vật gặm nhấm này trong các thí nghiệm thường “bị hói” rất nhanh. Các nhà khoa học tiêm cho chúng thuốc agressin-B để làm mất tác dụng của CRF và theo dõi dạ dày – ruột của chúng trong suốt 3 tháng.

Sau đó họ so sánh chuột trong nhóm thí nghiệm với những con chuột thường. Ngoài sự khác biệt về các chỉ số liên quan đến mục đích nhiên cứu, hai nhóm chuột còn khác nhau ở cả ngoại hình. Trong khi chuột đối chứng lông trụi xơ xác thì chuột thí nghiệm lông càng rậm và mượt mà.

Thế là thuốc chống rụng tóc đã được tìm ra, mang lại niềm vui cho các quý ông.

(Theo vnexpress)

Tình dục khi ngủ – một kiểu mộng du

Có những người đang ngủ bỗng thức dậy, làm một số việc gì đó như đi lại, nói vài câu... và có thể quan hệ tình dục. Sau đó, họ ngủ tiếp và quên hết những gì đã diễn ra.

Anh Hưng bị mộng du từ năm 9 tuổi. Từ năm 20 tuổi, anh có các hành vi bạo lực trong giấc ngủ, thậm chí gây thương tích cho cả vợ con. Ba năm sau đó, trong cơn mộng du, anh thường ôm chặt vợ, cào cấu, làm tình với vợ và sau đó quên tất cả những gì đã diễn ra.

Vì xấu hổ nên cả hai vợ chồng đều cố chịu đựng và giấu kín. Nhưng sau đó, tình trạng của Hưng đã vượt quá sức chịu đựng của cả hai người, buộc họ phải tìm đến bác sĩ. Các chuyên phát hiện anh không có bệnh cơ thể gì, nhưng tiền sử gia đình có em trai cũng bị mộng du. Được điều trị bằng thuốc, bệnh đã thuyên giảm rõ rệt.

Tình trạng làm tình trong lúc ngủ như anh Hưng được gọi là rối loạn tình dục trong giấc ngủ. Gần đây, các nhà nghiên cứu thống nhất rằng đây là một dạng đặc biệt của mộng du.

Bệnh nhân thức dậy đột ngột khi đang ngủ, có các hành vi phức tạp như mặc quần áo, đi lại, nói vài câu, lái xe, đánh nhau... và có thể quan hệ tình dục. Sau đó bệnh nhân có thể trở về giường, ngủ tiếp và quên hết những gì đã diễn ra.

Thật ra, rối loạn này phổ biến hơn chúng ta vẫn tưởng. Bệnh nhân bị ức chế cảm xúc, gây khó chịu cho cả bản thân và bạn tình. Hành vi này có thể làm bệnh nhân xấu hổ, cảm giác tội lỗi và hay bị trầm cảm. Vì cảm giác này mà họ và bạn tình thường chịu đựng một thời gian dài, không đi khám. Người bệnh thường giấu kín rối loạn của mình vì xấu hổ.

Những người bị rối loạn tình dục trong giấc ngủ có đặc điểm phổ biến là muốn làm tình và có các hoạt động tình dục tự động (cương cứng dương vật, tiết dịch âm đạo, xuất tinh và khoái cảm trong giấc mơ). Đây là rối loạn giấc ngủ liên quan đến hành vi tình dục bất thường.

Bệnh gặp ở cả nam và nữ, nhưng hầu hết bệnh nhân đến tư vấn là nam giới. Họ thường đến gặp bác sĩ khi bệnh đã xảy ra trong nhiều năm. Hầu hết những người này đều có tiền sử rối loạn cận giấc ngủ và tiền sử gia đình có mộng du.

'Yêu' trong vô cảm

Hành vi tình dục trong giấc ngủ rất đa dạng, từ kích thích tình dục, thủ dâm bạo lực đến hành vi giao phối hoàn chỉnh vào trực tràng, miệng và âm đạo.

Bệnh nhân giao hợp trong tình trạng vô cảm, nghĩa là không bộc lộ cảm xúc gì trong lúc quan hệ tình dục. Một số người có hoảng hốt trong giấc ngủ kết hợp. Ở một số ít người, rối loạn này có liên quan đến việc dùng một thuốc nào đó.

Qua nghiên cứu nhiều trường hợp rối loạn tình dục trong đêm, các bác sĩ đã rút ra những đặc trưng sau ở bệnh nhân:

- Sợ hãi và không có cảm xúc.

- Cảm giác tội lỗi.

- Từ chối quan hệ tình dục.

- Xấu hổ.

- Khó chịu và nghi ngờ.

- Lúng túng và có cảm giác mình đã phạm tội.

Trong hầu hết các trường hợp, việc điều trị bằng clonazepam cho kết quả tốt. Một số trường hợp cần sử dụng thêm thuốc chống trầm cảm và thuốc chống động kinh.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)