Lưu trữ cho từ khóa: thời tiết nóng bức

Ăn uống mùa hạ

Việc dưỡng sinh ăn uống trong mùa hạ, Đông y có một quan điểm hết sức độc đáo, đó là 'hạ dưỡng dương'...

Mùa có dương khí vượng nhất

Mùa hạ là mùa có dương khí vượng nhất trong năm, thời tiết nóng bức và ẩm thấp, là thời điểm mà quá trình trao đổi chất trong cơ thể con người diễn ra mạnh mẽ, dương khí phát ra ngoài, âm khí tiềm phục ở trong. Các lỗ chân lông giãn rộng, mồ hôi tiết ra nhiều để điều hòa thân nhiệt, nhưng cũng vì thế mà tà khí dễ xâm nhập vào trong cơ thể. Hệ thống mao mạch ngoại vi cũng giãn ra, khí huyết lưu thông nhanh và mạnh hơn. Công năng của tỳ vị có xu hướng suy giảm vì nóng bức uống nhiều làm cho dịch vị bị pha loãng, quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn dễ bị rối loạn.

Tiết trời mùa hạ nóng ẩm cũng là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật phát triển mạnh (Đông y gọi là tà khí) khiến cho thực phẩm dễ bị ôi thiu, biến chất càng làm cho nguy cơ ngộ độc thức ăn tăng cao.

Đông y cho rằng, thử (nắng nóng) là chủ khí mùa hạ, là dương tà, tính thăng tán dễ làm hao tổn khí và tân dịch của cơ thể. Thử tà xâm nhập vào cơ thể làm ra nhiều mồ hôi, làm tổn thương tân dịch (biểu hiện ra bên ngoài bằng các triệu chứng như: mệt lả, khó thở, có khi đột nhiên ngã lăn bất tỉnh vì say nắng, nếu không kịp thời bù đắp có thể làm hao tổn nguyên khí, hơn nữa, thử thường kiêm với thấp (độ ẩm), thấp là âm tà dễ làm tổn thương dương khí. Đặc điểm của thấp tà là nặng trệ, kết dính, dễ gây thương tổn tỳ dương (biểu hiện trên lâm sàng bằng các triệu chứng như chân tay tê mỏi, cơ thể, đầu nặng như đeo đá, không muốn ăn, hay đầy bụng, dễ đi lỏng, thậm chí có thể phù nhẹ hai chân)...

Dinh dưỡng mùa hạ

Vì những điều phân tích trên, mùa hạ nên ăn những thức ăn thanh đạm, hạn chế đồ béo ngậy, chiên xào, ăn sống, lạnh, rượu... để giảm bớt gánh nặng cho tỳ vị. Trong mùa hạ, Đông y khuyên nên chú trọng dùng nhiều đồ ăn thức uống có tác dụng thanh nhiệt, giải thử, lợi niệu trừ thấp như: dưa hấu, mướp đắng, dưa chuột, bí đao, đậu xanh, đậu đen, cháo ngũ đậu, cháo ý dĩ, cháo đậu xanh, cháo biển đậu, cháo lá sen, trà nhân trần, trà hoa cúc, trà nụ, trà atiso, trà khổ qua... Những ngày quá nóng bức có thể dùng một chút nước ướp lạnh hoặc nước đá để giúp cơ thể giải nhiệt, nhưng không được dùng nhiều để tránh làm thương tổn tỳ vị tạo điều kiện cho thấp tà gây bệnh bên trong. Khi mồ hôi ra nhiều phải chú ý bổ sung đủ lượng nước đã mất bằng đường ăn uống.

Nên chú ý dùng thêm các đồ ăn thức uống có vị chua ngọt, cay thơm để nhằm mục đích khai vị. Để bảo vệ nguyên khí cổ nhân khuyên 'Bảy mươi hai ngày mùa hạ nên bớt vị đắng, tăng vị cay để dưỡng phế khí'.    

Sau cùng, trong vấn đề dưỡng sinh ăn uống mùa hạ, Đông y còn có một quan điểm hết sức độc đáo, đó là 'hạ dưỡng dương'. Mùa hạ nóng nực tuy phải dùng nhiều đồ ăn thức uống có tác dụng thanh nhiệt, giải thử, nhưng vẫn cần lấy ôn ấm làm chính để trợ giúp khí dương. Bởi vì, các nhà dưỡng sinh Đông y cho rằng, mùa hạ tuy dương khí vượng thịnh bên ngoài, nhưng khí âm lại tiềm ẩn bên trong cơ thể, nếu không biết giữ gìn dương khí trong mùa hạ thì đến mùa đông dễ mắc nhiều thứ bệnh.

Theo Thanh Niên

Món ăn chữa chứng nhiều mồ hôi

Chứng ra mồ hôi quá nhiều có thể giảm bớt nhờ những món ăn rất ngon miệng mà không khó nấu như cháo lươn, thịt trai hầm với hẹ, tim lợn hầm đương quy, dạ dày lợn hầm gạo nếp...

Bệnh hay hiện tượng thông thường?

Trong những ngày thời tiết nóng bức hoặc khi mặc quá nhiều quần áo, ăn uống vội vàng, vận động quá mạnh, da tiết nhiều mồ hôi là hiện tượng bình thường.

Nếu như ngay trong lúc ngồi yên, nhiệt độ không khí bình thường mà mồ hôi vẫn tiết xuất nhiều một cách dị thường thì đó là hiện tượng bệnh lý, Đông y gọi là 'hãn chứng'. Bệnh gồm 4 loại chính:

- Ra mồ hôi lúc nằm ngủ, thức dậy thì hết, gọi là 'đạo hãn' (mồ hôi trộm).

- Ra mồ hôi lúc thức, không phải do lao động nặng nhọc hoặc thời tiết nóng, gọi là 'tự hãn' (tự ra mồ hôi).

- Ra mồ hôi ở một khu vực nhất định như đầu, trán, ngực, nách, nửa người bên trái hoặc bên phải, ở chân, tay... gọi là 'cục bộ hãn'. Trong đó, ngũ tâm hãn xuất (mồ hôi ra nhiều ở lòng bàn chân, bàn tay và trước ngực) là loại hay gặp nhất.

- Mồ hôi dị thường như đặc quánh tựa dầu, màu vàng (hoàng hãn), màu đỏ (hồng hãn), có mùi khai hoặc hôi.

Theo Đông y, nguyên nhân dẫn đến hãn chứng chủ yếu do âm hư hoặc dương hư.

Biểu hiện âm hư:

Mồ hôi vã ra chủ yếu khi nằm ngủ (đạo hãn). Sắc mặt thường bừng đỏ từng hồi nhất là hai gò má; chất lưỡi đỏ ít rêu; họng khô rát hoặc ho khan ít đờm; lòng bàn chân bàn tay và trước ngực thường hâm hấp nóng, hay sốt nhẹ về chiều.

Biểu hiện dương hư:

Mồ hôi tiết ra chủ yếu về ban ngày, lúc thức, nhưng đôi khi cả lúc nằm ngủ. Kèm theo các triệu chứng như: sắc diện không tươi hoặc trắng nhợt, lưỡi trắng nhợt; hơi gắng sức về đầu óc hoặc thể lực một chút là đã thấy mệt mỏi, hoặc thở hổn hển, bồn chồn, trống ngực. Người 'dương hư' còn chịu lạnh kém và có 2 đặc điểm nổi bật là: đầu ngón chân thường hơi lạnh, chỉ vận động một chút là mồ hôi vã ra đầm đìa.

Món ăn – Bài thuốc

Để chữa trị, về phương diện ăn uống, người dương hư cần tránh ăn những món ăn cay nóng kích thích tiết mồ hôi và các món sống lạnh tổn hại dương khí. Người âm hư cần tránh ăn quá nhiều các món xào rán béo ngậy để tránh 'hỏa' tích tụ ở bên trong, khiến bệnh thêm nặng. Mặt khác, tùy theo điều kiện và triệu chứng cụ thể, có thể lựa chọn một số món ăn sau đây để chữa:

Canh lươn:

Lươn 150-200g. Dùng nước nóng rửa lươn cho hết nhớt; mổ bụng bỏ nội tạng, thái nhỏ, rán với chút dầu ăn hoặc mỡ cho vàng thẫm; thêm nước vào nấu canh ăn mỗi ngày một lần, liên tục 3 ngày. Tác dụng: Chữa mồ hôi trộm do âm hư.

Cháo lươn:

Thịt lươn 50-60g, gạo tẻ nhiều ít tùy theo sức ăn. Nấu thành cháo chia ra ăn buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ. Tác dụng: Chữa mồ hôi trộm do cơ thể suy yếu sau khi bị bệnh.

Thịt trai hầm với hẹ:

Dùng thịt trai (hoặc thịt hến, thịt hàu) 30g, rau hẹ 60g. Thịt trai ngâm nước ấm một lúc, cho hẹ đã cắt ngắn vào, hầm chín, ăn trong các bữa cơm. Tác dụng: Tư âm tráng dương, dùng chữa mồ hôi trộm do cơ thể suy yếu.

Ô mai đại táo thang:

Dùng ô mai, táo Tàu mỗi thứ 10 quả; sắc hai nước, hợp lại chia ra uống trong ngày; liên tục 10 ngày. Tác dụng: Dùng chữa ra mồ hôi quá nhiều do âm hư.

Hoàng kỳ hầm táo thang:

Dùng hoàng kỳ 15g; táo Tàu 20 quả. Sắc với nước, đun nhỏ lửa trong khoảng 1 giờ; chia 2-3 lần uống nước thuốc và ăn táo; liên tục 15 ngày. Tác dụng: Chữa ra mồ hôi quá nhiều do dương hư.

Tim lợn hầm đương quy:

Tim lợn 1 cái, đẳng sâm 10g, đương quy 6g. Tất cả đem hầm chín, thêm gia vị, ăn tim lợn và uống nước canh. Tác dụng: Chữa mồ hôi ra quá nhiều do cơ thể suy nhược. Còn có tác dụng chữa trẻ nhỏ mất ngủ, khóc đêm.

Dạ dày hầm gạo nếp:

Dùng dạ dày dê (hoặc dạ dày lợn) 1 cái, gạo nếp 60g, táo Tàu 15 quả (bỏ hạt). Dạ dày làm sạch, gạo nếp ngâm nước một lúc cho mềm, cùng với táo nhồi vào dạ dày, dùng dây buộc kín lại, cho vào nồi gốm nấu cách thủy cho chín nhừ; thái nhỏ chia ra ăn trong các bữa cơm. Tác dụng: Bổ khí huyết, tăng cường tiêu hóa, chữa cả đạo hãn và tự hãn.

Nước sắc hạt sen, rễ lúa nếp:

Dùng rễ lúa nếp 30g, hạt sen 30g. Rễ lúa nếp rửa sạch, hạt sen bóc vỏ lụa và tâm sen; sắc nhỏ lửa cho đến khi hạt sen chín nhừ. Ăn hạt sen và uống nước thuốc. Tác dụng: Chữa mồ hôi ra quá nhiều do cơ thể chưa hồi phục sau khi bị bệnh.

Nước sắc táo Tàu, rễ lúa nếp:

Dùng rễ lúa nếp 30-60 , táo Tàu 6-7 quả; sắc nước uống trong ngày. Tác dụng: Chữa cả tự hãn và đạo hãn.

Hắc đậu viên nhục đại táo thang:

Dùng đậu đen 30g, long nhãn 10g, táo Tàu 30g. Tất cả rửa sạch, cho vào nồi đất, sắc nhỏ lửa khoảng một giờ, chia hai lần uống trong ngày; liên tục 15 ngày. Tác dụng: Chữa ra nhiều mồ hôi do cơ thể suy yếu.

Theo Lương y Nguyễn Thanh Hùng

Sức khỏe & Đời sống

Một số điều cần kiêng kỵ trong ăn uống hàng ngày

Bên cạnh việc kiêng ăn chung kinh giới với cá diếc, hồng với nước chè… để đảm bảo sức khoẻ tốt, chúng ta cũng nên kiêng kỵ theo thể chất, theo lứa tuổi, theo giới...

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Kiêng kỵ theo mùa

Mùa hạ dương khí vượng thịnh, thời tiết nóng bức nên kiêng các thức ăn có tính nhiệt như thịt chó, thịt dê, ớt, hạt tiêu, gừng, quế, hồi...

Mùa đông lạnh lẽo nên kiêng các thức ăn có tính lạnh như cua, ốc, dưa hấu, dưa chuột, trai, hến...

Kiêng kỵ theo thể chất

Người có thể chất  thiên nhiệt nên kiêng các thức ăn quá cay nóng.

Người có thể chất thiên hàn nên kiêng ăn các thức ăn quá lạnh.

Người đàm trệ nên kiêng đồ ăn thức uống quá béo bổ...

Kiêng kỵ theo tuổi

Trẻ em nên kiêng đồ ăn thức uống sống lạnh vì dễ gây thương tổn tỳ vị.

Người già nên kiêng ăn thức ăn quá béo, quá ngọt hoặc quá mặn...

Kiêng kỵ theo giới

Phụ nữ có thai nên kiêng các thức ăn có tính chất quá cay nóng, dễ kích thích hoặc quá sống lạnh.

Phụ nữ sau khi sinh con nên kiêng các thức ăn có tính lạnh...

Kiêng kỵ theo bệnh

Người bị viêm loét dạ dày tá tràng và viêm đại tràng mạn tính thể tỳ vị hư hàn kiêng ăn đồ sống lạnh.

Người bị liệt dương thể âm hư nên kiêng ăn các thực phẩm có tính cay nóng như thịt chó, thịt dê, gừng, tỏi, rượu trắng..., người hay bị mụn nhọt cũng nên kiêng ăn các loại thức ăn này.  

Theo Sức khỏe & Đời sống

Những tin tức liên quan

‘Chuyện ấy’ mùa đông: 3 hiểu lầm nên tránh

Mùa hè, mỗi lần 'yêu' là mồ hôi lại đầy mình. Đây là lý do khiến một số cặp, đặc biệt là vợ chồng trẻ nghiễm nhiên cho rằng 'yêu' sẽ làm mùa đông bớt lạnh lẽo hơn.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Ấm áp nhờ 'yêu'

Mồ hôi túa ra sau 'giao ban' khi thời tiết nóng bức đã khiến nhiều cặp vợ chồng cho rằng: 'yêu' vào mùa đông sẽ giúp cơ thể sản sinh nhiệt lượng, giúp giữ ấm cơ thể, bớt cảm giác lạnh giá. Vì thế, họ chăm 'yêu' hơn với hi vọng thông qua đó để 'gặt hái' chút ấm áp.  

Nhưng trên thực tế, càng lạnh cơ thể càng cần nhiều nhiệt lượng. Trong khi, 'chuyện ấy' lại làm tiêu hao rất nhiều nhiệt lượng, làm sao có thể giữ ấm cơ thể được. Vì thế, cổ nhân thường khuyên nên hạn chế chuyện ấy trong mùa đông nếu muốn giữ gìn sức khỏe.  

Và khi 'yêu', nên chú ý giữ ấm cho cơ thể, nếu quá 'phóng khoáng', đắm chìm trong 'lửa yêu' thì sau lúc 'lên đỉnh' sẽ rất mệt mỏi và rất dễ bị cảm lạnh.

Cấm cửa 'chuyện ấy'  

Ngược lại, một số cặp vợ chồng vì hiểu rõ 'đạo' dưỡng sinh 4 mùa nên cứ sang đông là 'cấm cửa' chuyện 'yêu'. Kết quả là đang từ 1 - 2 lần/tuần, đột nhiên thành 1 tháng/lần, thời gian 'yêu' cũng rút ngắn đi. Thực ra đây cũng là một sai lầm.  

Điều kiện sinh hoạt ngày nay tốt hơn nhiều so với cổ nhân, dinh dưỡng cũng phong phú, hoàn thiện hơn, sức khoẻ cũng tốt hơn, nhu cầu về 'chuyện ấy' cũng mãnh liệt hơn. Vậy nên không cần 'tiết chế' quá mức 'chuyện ấy' vào mùa đông.  

Tiêu chuẩn cụ thể và thích hợp là do từng cặp vợ chồng căn cứ vào tình hình sức khoẻ của mình. Nhưng kinh nghiệm chung là: Ngày tiếp theo sau khi 'yêu', vợ chồng đều cảm thấy tâm trạng thoải mái, tinh thần đồi dào thì số lần và thời gian của 'chuyện ấy' là phù hợp. Còn nếu cả hai đều thấy đau đầu, hoa mắt, cơ thể mệt mỏi, sợ khí lạnh và luôn cảm thấy rùng mình thì nên cân nhắc giảm số lần và thời gian 'yêu'.

Rượu giúp ích cho 'chuyện ấy'

Mùa đông nhiệt độ trong phòng rất thấp, một số cặp vợ chồng thường uống rượu và cho rằng rượu vừa có thể chống lạnh vừa có thể giúp ích cho 'chuyện ấy'.  

Thực ra uống rượu chống lạnh chỉ là hiện tượng 'ấm nóng' tạm thời. Sau khi rượu vào dạ dày, khuếch trương huyết quản, tăng lưu lượng máu, làm cho cơ thể có cảm giác 'nóng nóng ấm ấm' nhưng đó không phải là nguồn nhiệt lượng.  

Còn tác động của rượu với 'chuyện ấy' thì lại càng có tính chất tạm thời. Và người xưa cũng 'kiêng kỵ' 'chuyện ấy' sau khi uống rượu. Còn ngày nay, khoa học hiện đại chứng minh, rượu là một chất độc, uống quá nhiều rượu sẽ làm cho tuyến giới tính trúng độc, dễ dẫn tới liệt dương hoặc vô sinh.

Nếu một bên không uống rượu, thường là nữ, mà phải 'đáp ứng' bên kia trong hơi men nồng nặng thì rất dễ tạo ấn tượng xấu. Vì thế một người chồng thực sự yêu vợ thì không bao giờ mượn rượu để 'yêu'.

Theo Dân Trí

Mùa đông giữ gót hồng xinh

Trong thời tiết giao mùa này, gót chân rất dễ nứt nẻ. Vậy tại sao lại không dành ít phút để F5 cho gót hồng của bạn thêm đẹp xinh và khoẻ mạnh nhỉ?

'Nguyên tắc' bảo vệ đôi chân  

1. Đôi chân phải nâng đỡ cả một cơ thể nên điều quan trọng là bạn cần đứng sao cho đúng tư thế, cân bằng cả hai chân để cân nặng của cơ thể được dàn đều.

Nếu bạn có đi đế cao hoặc dép cao gót thì không nên đi trong thời gian dài để tránh dồn trọng lượng cơ thể xuống các đầu ngón chân, dễ gây mỏi và đau nhức chân.

2. Tìm chọn một đôi giầy phù hợp là điều cần thiết cho sức khoẻ của gót hồng.  

Đôi giầy không nên quá chật và ôm sát các ngón chân, chúng phải có không gian để các ngón chân được chuyển động một cách thoải mái.  

Nếu sở thích của bạn là đi dép cao gót hoặc buộc phải đi do chiều cao hạn chế thì cũng không nên đi dép quá cao. Nếu có thể thì tốt nhất chỉ nên đi vào những dịp đặc biệt. Vì đi giày dép có gót cao còn gây cả áp lực cho cột sống và xương mắt cá chân.

3. Khi thời tiết nóng bức thì điều tốt nhất cho đôi chân của bạn lúc này là nên đi dép cho thoáng khí. Điều này cũng tránh để chân ra mồ hôi quá nhiều, ngăn chặn nấm và vi khuẩn viêm nhiễm phát triển.

Chế độ chăm sóc đôi chân

1. Chăm sóc đôi chân hai tuần một lần bằng việc ngâm chân nước nóng có pha một chút dầu gội và tinh dầu từ thực vật. Ngâm trong khoảng 10 đến 15 phút, trước khi chà xát hai bàn chân lại với nhau (khi xoa hai chân thì nên chú ý phần gót chân). Đây là thời gian giúp chân bạn thư giãn đồng thời làm sạch móng chân giúp móng sáng khoẻ hơn.

2. Tập thể dục thường xuyên cho đôi chân. Gập các ngón chân như thể bạn đang cố gắng gắp một vật gì đó bằng các ngón chân của mình thay vì dùng tay. Làm cách này 10 phút mỗi ngày sẽ giúp các cơ ở chân khoẻ mạnh, giảm bớt tình trạng đau chân.

3. Mát xa chân hai tuần một lần bằng cách xoay khớp bàn chân và xoa bóp để lưu thông máu, làm giãn các cơ ở chân.

Một cách khác để lưu thông máu và giảm đau chân là ngâm chân vào nước nóng và lạnh. Bạn cần chuẩn bị hai chậu nước, một cái đựng nước nóng ấm được pha thêm một ít tinh dầu mù tạt (khoảng 20ml) và một chậu đựng nước lạnh. Sau đó ngâm chân vào chậu nước ấm khoảng 3 - 4 phút rồi chuyển sang ngâm ở chậu nước lạnh. Thực hiện khoảng 5 - 7 lần như vậy rồi lau khô chân vào khăn khô. Nếu có điều kiện thì bạn nên bôi kem dưỡng ẩm sau khi chân đã khô để giữ ẩm cho da nhé.

Chăm sóc chân bằng thảo dược

1. Để chân trở nên mềm mại hơn thì bạn cần có chế độ chăm sóc chân mỗi tối trước khi đi ngủ và làm trong 2 tuần liền, bạn sẽ thấy hiệu quả ngay.

Ngâm chân vào nước ấm pha một ít dầu gội và một thìa bột nở. Ngâm khoảng 10 đến 15 phút sau đó lau khô và bôi kem dưỡng ẩm.

2. Để chân không bị khô và nứt nẻ vào mùa đông này thì bạn nên dùng thảo dược tự nhiên bằng cách chuẩn bị một lượng tương đương nhau: glycerin, kem tươi và mật ong. Trộn đều chúng lại sau đó bôi nhẹ nhàng hỗn hợp này vào chân, đặc biệt chỗ nứt gót chân và để như thế trong khoảng 15 phút. Rửa sạch lại bằng nước ấm và làm mỗi ngày trước khi đi ngủ.

3. Một cách đơn giản khác mà rất hiệu quả là bạn cho một ít giấm vào trong sữa chua và trộn chúng lên. Sau đó xoa bóp hỗn hợp đó vào chân, mắt cá chân, gót chân và lòng bàn chân, đặc biệt là giữa các ngón chân. Để khoảng 10 phút thì rửa sạch bằng nước ấm. Cách này sẽ giúp trẻ hoá làn da chân, tẩy các tế bào chết và kích thích sự lưu thông máu.

4. Nếu chân thường xuyên bị nứt nẻ ở gót chân thậm chí gây đau thì bạn càng phải chăm sóc gót hồng một cách kỹ càng hơn. Ngâm chân vào nước ấm có chứa 10ml nước chanh và 20 ml tinh dầu dừa. Dùng bàn chải cọ rửa chỗ gót chân sau đó lau khô và bôi kem dưỡng ẩm. Bạn sẽ thấy da chân trở nên mềm mại hơn rất nhiều.  

5. Nếu bạn không thích dùng kem dưỡng ẩm mua ở ngoài thì tự mình có thể tạo kem dưỡng ẩm riêng cho đôi chân. Cách chuẩn bị rất dễ là trộn nước hoa hồng và glycerin với một tỷ lệ tương đương nhau, có thể làm nhiều để dùng hàng ngày và sau một tháng thì nên thay hỗn hợp bằng cái mới.

Nếu bạn chăm sóc thường xuyên đồng thời vệ sinh và tập thể dục cho đôi chân đều đặn sẽ giúp gót hồng của bạn trở nên khoẻ mạnh và trông đẹp hơn rất nhiều.  

Theo Dân Trí

Mẹo nhỏ trang điểm ngày hè

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mớiKhông muốn trang điểm khi thời tiết nóng bức nhưng bạn cũng không thể đến công sở với vẻ mặt nhợt nhạt, nhàu nhĩ. Muốn vậy, bạn chỉ cần tuân theo những nguyên tắc và tiêu chí chăm sóc sắc đẹp dưới đây.

Chăm da

- Không nên dùng phấn trang điểm: Sở dĩ bạn không nên dùng phấn trang điểm là do mùa hè thời tiết rất nóng nực sẽ khiến da luôn bị 'bội thực' bởi mồ hôi, làm trôi tuột lớp phấn trang điểm. Hơn thế nữa, việc dùng phấn trang điểm sẽ làm nổi mụn do phấn trang điểm kích thích da tiết dầu nhiều hơn.

Hoặc nếu trong trường hợp bạn 'nhất thiết' phải sử dụng phấn trang điểm để che đi một số 'lỗi' trên khuôn mặt, bạn nên lựa chọn loại phấn không chứa tinh dầu. Và nên nhớ chỉ nên dùng ít phấn và trang điểm nhẹ nhàng.

- Dùng kem chống nắng để bảo vệ da khỏi các tia UVB và UVA độc hại từ phía mặt trời.

Lưu ý đến chỉ số SPF, ít nhất là 15 mới đem lại hiệu quả chống nắng và nên bôi trước khi ra nắng 30 phút. Đừng chỉ thoa kem chống nắng lên da mặt mà hãy thoa đều lên toàn bộ da như cổ, tay, chân, vai..

Luôn mang theo giấy thấm dầu như một 'vật bảo bối' để bất cứ khi nào da mặt trở nên nhờn bóng, nếu không có điều kiện để rửa mặt bạn nên dùng giấy thấm dầu để lau sạch và loại trừ dầu.

Làm đẹp mắt

Thay vì dùng các loại mascara thông thường, hãy sử dụng mascara nước cộng thêm với chì kẻ mắt có đầu chì mềm.

Ngoài ra nên chọn màu phấn mắt dịu mát như màu vàng xanh kết hợp cùng với mascara màu nâu hoặc đen. Một điều quan trọng nữa là hãy luôn bảo vệ đôi mắt mỗi khi ra nắng, bằng cách đeo kính râm có chỉ số SPF trên 30.

Đôi môi mọng đỏ

Vào những ngày hè, đôi môi không nhất thiết cần phải được chăm sóc cẩn thận như những ngày đông, bởi với mùa đông thời tiết hanh khô sẽ khiến cho môi dễ bị khô nẻ hơn.

Tuy nhiên, cũng không thể không chăm sóc tới nó. Theo các chuyên gia thẩm mỹ, bạn nên để 'mộc' đôi môi là tốt nhất, mà không hề phải lo lắng màu môi thâm hay xỉn như mùa đông. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng những loại son dưỡng nhẹ. Thêm vào đó, bạn có thể sử dụng chì viền môi để tạo nên điểm nhấn cho đôi môi.

Chăm sóc đôi bàn chân

Nên thoa kem dưỡng da chân trước khi đi dép xang đan để tránh tình trạng chân bị phồng giộp. Không nên đi những đôi dép chật và quá cao gót gây tổn thương cho đôi chân.

Hơn thế nữa, đôi bàn chân là điểm chú ý nhiều trong mùa hè, cho nên bạn hãy dùng nhũ móng có màu sáng và trang nhã, không nên dùng những màu quá chói với gam màu nóng. Ví như màu xanh nhạt hay màu hồng sáng sẽ rất thích hợp đối với bạn và cuối cùng nhớ là hãy nên chọn màu dép hợp với màu sơn móng.

Làm đẹp 'góc con người'

Vào mùa hè bạn không nên ép, là, hay sấy tóc bởi nó sẽ khiến cho tóc dễ bị khô, xơ và hư tổn hơn. Thay vào đó, nên dùng những cách chăm sóc mái tóc với những nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên như chanh, mật ong, dầu oliu...

Bạn có thể dùng nước cốt chanh thoa đều trên tóc sau khi đã gội xong, nó sẽ giúp cho mái tóc bạn mềm mại, mượt mà và có màu sáng đẹp tự nhiên.

Hoặc ngoài ra bạn có thể dùng dầu oliu để ủ tóc, sẽ cung cấp cho tóc độ ẩm, mềm mượt và giàu dưỡng chất.

Cũng xin nói thêm rằng, bạn vẫn có thể đi bơi trong những ngày nóng mà không sợ clo làm hỏng tóc, bằng cách đội mũ bơi khi bơi, sau khi bơi xong dùng nước máy thông thường để gội lại tóc với dầu gội dưỡng chất.

Theo Dân Trí

Giải nhiệt bằng thảo dược

Có thể giải nhiệt trong người vào mùa nóng bức bằng các loại thảo dược thiên nhiên dễ tìm, dễ sử dụng...

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Ăn dưa hấu cũng giúp giải nhiệt - Ảnh: N.C.T.

Nóng trong người là hiện tượng tưởng chừng rất bình thường nhưng mang những tác hại không lường, thường biểu hiện bằng các triệu chứng sau đây: người khô táo, khát nước nhiều, bứt rứt, khó ngủ; tiểu tiện khó khăn, tiểu ít; da khô nóng, môi khô nứt nẻ; trẻ em nổi ban đỏ; chảy máu cam, tiểu tiện ra máu; mặt đỏ, đổ nhiều mồ hôi; nổi mụn nhọt, mẩn ngứa, dễ bị dị ứng; có thể sốt hoặc không sốt, nhức đầu, choáng váng...

Nguyên nhân gây nóng trong người

Theo y học cổ truyền, nóng trong người (nội nhiệt) có thể do các nguyên nhân sau:

- Nội nhân: do chức năng hoạt động của các tạng phủ quá yếu không thể thải các chất độc sinh ra trong quá trình chuyển hóa; gan và thận suy yếu nên chức năng thanh lọc không đủ sức giải độc làm độc chất bị tích tụ lại, và chính những độc tố này tạo môi trường thuận lợi phát sinh mụn nhọt, mẩn ngứa, dị ứng.

- Ngoại nhân: do các yếu tố sau:

- Sử dụng nhiều loại hóa chất (uống thuốc trong giai đoạn điều trị bệnh).

- Uống nhiều bia rượu, hút nhiều thuốc lá (chất kích thích).

- Ăn uống không điều độ, ăn nhiều thức ăn cay, nóng, chất béo, chất đạm, thực phẩm quá ngọt là các chất quá nhiều năng lượng. Chính năng lượng thừa bị đốt cháy làm gia tăng chuyển hóa cơ bản nên sinh nhiệt trong cơ thể.

- Làm việc trong môi trường ô nhiễm và thời tiết nóng bức làm các tế bào hô hấp mạnh hơn nên sinh nhiệt trong người.

- Uống quá ít nước không đủ làm mát cơ thể và gây khô táo trong người.

Hậu quả của nóng trong người

- Nhiệt độc tích tụ lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch trong cơ thể, làm dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, nhất là nhiễm trùng đường tiết niệu, sinh dục, tiêu hóa.

- Nhiệt độc lâu ngày còn có nguy cơ thâm nhập phần huyết (gây chứng huyết nhiệt) có thể dẫn đến sốt cao, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, rối loạn thành mạch.

- Thiếu tân dịch, mất nước quá nhiều còn có thể dẫn đến tiểu ít, rối loạn chất điện giải, urê huyết cao gây co giật, hôn mê, nặng nhất là nhiễm độc thần kinh có thể gây tử vong.

Điều trị nóng trong người

- Sử dụng các thảo dược có vị đắng, tính mát (hoặc hàn) tác dụng thanh nhiệt, chống khô khát trong người, nhuận tràng, giải độc, mát gan như kim ngân, sài đất, cỏ mực, cúc hoa, sắn dây, huyền sâm, sinh địa, rau má, cỏ tranh, mã đề, râu bắp, râu mèo, rong biển...

Có thể phối hợp 5-6 vị thành một bài, liều lượng 10-12gr (khô) hoặc 30-50gr (tươi) cho mỗi loại, sắc lấy 300-500ml uống trong ngày.

- Dùng bài thuốc 'trà tang cúc ẩm' (tang diệp và cúc hoa mỗi loại 10gr) rửa sạch nấu với 300ml nước, lọc bỏ xác uống trong ngày giúp giải khát, làm mát cơ thể; nếu cảm nắng thì có thể cho thêm bạc hà, lá tre (mỗi loại 5gr) sắc chung với hai loại trên.

- Bài thuốc 'trà song hoa ẩm' gồm kim ngân hoa và cúc hoa mỗi loại 10gr, cũng sắc như trên, có thể hòa thêm một tí mật ong cho tăng tác dụng bổ phế tì.

- Bài nước sâm gồm thuốc giòi, mã đề, rễ cỏ tranh, râu bắp, mía lau, lá dứa cho thơm, mỗi loại 100-200gr, nấu sôi lược lấy nước (1-2 lít) uống cả ngày, có thể dùng cho nhiều người trong gia đình cùng uống.

- Dây lá sương sâm 100gr, khoảng 1 lít nước, hái lá già rửa sạch, vò nát trong nước chín, vắt lấy nước lát sau sẽ đông đặc thành sương sâm; có thể ăn không hoặc thêm tí đường, vừa thanh nhiệt giải độc, vừa nhuận trường.

- Nên ăn thêm các món canh như khổ qua, bí đao, bí đỏ, bầu, diếp cá, bồ ngót, mã đề, rau má, rau đay, mồng tơi.

- Trái cây như dưa hấu, dưa gang, cam, bưởi, thanh long.

- Uống đủ nước để thanh lọc cơ thể và làm trẻ hóa tế bào.

Tuy nhiên, cần chú ý khi người bệnh có sốt cao do nhiễm trùng, hoặc người tì vị yếu hay bị tiêu chảy, lạnh bụng, cảm lạnh, người già yếu không nên dùng các thuốc mát.

DS LÊ KIM PHỤNG

Ăn cay vào những ngày nắng nóng tốt cho sức khỏe

Bù nước

Theo lương y Vũ Quốc Trung, những lúc trời nắng nóng như thế này, cơ thể sẽ ra nhiều mồ hôi, mất đi muối, chất điện giải, vì vậy cần phải bổ sung lượng nước đã mất bằng việc ăn uống. Đông y quan niệm rằng: 'Hãn vi tâm dịch', ý nói mồ hôi là dịch của tâm, bởi thế khi mất mồ hôi tâm dịch bị hao tổn thì chúng ta cần phải ăn uống những món có công dụng thanh nhiệt, dưỡng âm như chè đậu đen, trà mạch môn, nước ép quả lê, nước ép ngó sen, nước mơ, nước mận, nước dâu, dưa hấu…

Ngoài việc thanh nhiệt giải thử, và dưỡng âm, ăn uống trong lúc tiết trời nắng nóng cần phải hết sức chú ý tránh làm thương tổn tỳ vị. Nên chú ý dùng thêm các đồ ăn thức uống có vị chua ngọt, cay thơm để nhằm mục đích khai vị, kích thích cảm giác thèm ăn như các loại canh chua nấu từ quả sấu, me, quả dọc, tai chua, và dùng xen kẽ với các loại nước cam, nước chanh, nước mơ…

Bảo vệ nguyên khí

Để bảo vệ nguyên khí, lương y Vũ Quốc Trung cho rằng, mùa nóng nên bớt vị đắng, tăng vị cay để dưỡng phế khí. Bởi vì đông y cho rằng, căn cứ vào quy luật ngũ hành thì tâm thuộc hỏa, phế thuộc kim, hỏa khắc kim, tâm hỏa quá thịnh sẽ khắc phạt phế kim, vị đắng vào tâm, vị cay vào phế, nếu ăn thêm một ít vị cay thì phế khí sẽ được trợ dương, nếu ăn bớt vị đắng thì tâm hỏa sẽ không quá vượng mà hại phế khí.

Theo đông y, còn một quan điểm hết sức độc đáo, đó là 'Xuân hạ dưỡng dương'. Mùa hạ (mùa nóng), thời tiết nóng nực tuy phải dùng nhiều đồ ăn thức uống có tác dụng thanh nhiệt giải thử (nắng), nhưng vẫn cần lấy ôn ấm làm chính để trợ giúp khí dương. Bởi vì mùa hạ tuy dương khí vương thịnh bên ngoài, nhưng khí âm lại tiềm ẩn bên trong cơ thể. Nếu không biết giữ gìn dương khí trong mùa hạ nắng nóng thì mùa đông sẽ mắc nhiều bệnh tật. Phải biết thuận ứng thiên thời để bồi bổ dương khí, trừ khử âm hàn, có như vậy mới là phòng bệnh triệt để.

Bởi vậy, trong lúc nắng nóng của tiết trời vào hạ, việc chọn dùng một số đồ ăn uống có tính ôn bổ cũng là rất cần thiết, đặc biệt đối với những người bệnh có bệnh mãn tính và thể chất vốn suy nhược do dương khí kém.
Cũng cần lưu ý, không vì thời tiết nóng bức mà nằm mình trần trên nền đất hoặc mặc quần áo ướt, điều này sẽ khiến chúng ta dễ mắc bệnh. Lương y Huỳnh Văn Quang thì khuyên, những ngày nắng nóng như vầy khiến nhiều người rất thích uống nước đá lạnh, tuy nhiên, cần phải hạn chế, vì dùng quá nhiều nước đá lạnh sẽ không tốt cho tỳ vị, và dễ bị cảm…

Theo ThanhNien