Lưu trữ cho từ khóa: thiên ma

Hy vọng cho người bệnh run chân tay

Run là một vận động cơ không chủ ý của một hay nhiều phần cơ thể xảy ra khi không bị tác động của môi trường, cảm xúc được coi là bệnh và cần điều trị sớm để phục hồi khả năng vận động bình thường của cơ thể.

Nguyên nhân chính gây run là sự suy giảm chức năng (tiếp nhận, xử lý, dẫn truyền thông tin) của hệ thần kinh vận động – điều tiết hoạt động của cơ xương trong các bệnh Parkinson (thoái hóa tế bào nhân xám); hội chứng Parkinson (tổn thương tế bào thần kinh do chấn thương, đột quỵ não, viêm não, thuốc và một số bệnh); rối loạn thần kinh thực vật; run vô căn hoặc lão hóa, thoái hóa não ở người cao tuổi.

Việc điều trị chứng run hiện gặp nhiều khó khăn do khó chẩn đoán chính xác nguyên nhân, đồng thời không có thuốc đặc hiệu cho mọi chứng run. Có một số ít thuốc từ hóa dược đáp ứng với điều trị như các chất dẫn truyền thần kinh trong điều trị run do bệnh Parkinson, hội chứng Parkinson. Tuy nhiên, người bệnh phải sử dụng thuốc suốt đời và việc điều trị mới dừng ở triệu chứng. Nhiều nghiên cứu cho thấy acid alpha –lipoic, l-carnitin, magiê được sử dụng trong điều trị giúp tăng cường sự nuôi dưỡng, bảo vệ tế bào thần kinh sẽ giảm quá trình thoái hóa, lão hóa và tăng cường chất lượng hoạt động của hệ thần kinh, cho kết quả khả quan.

Quan điểm của y học cổ truyền về nguyên nhân gây nên chứng run là do ảnh hưởng của tuổi tác, do can huyết và thận âm bị suy yếu. Từ đó làm cho huyết kém không nuôi dưỡng được các khớp và các mạch máu gây nên co rút, co cứng, run giật. Vì thế các bài thuốc đông y sử dụng cho chứng run, rung giật không thể thiếu câu đằng, thiên ma để trị triệu chứng. Đồng thời sự có mặt của một số vị dược liệu như hà thủ ô đỏ, câu kì tử, đinh lăng, mẫu lệ, xà sàng tử, nhục thung dung giúp bồi bổ khí huyết, tăng cường sự nuôi dưỡng hệ thần kinh, để tác động vào một phần vào nguyên nhân sinh bệnh. Kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị chứng run để tận dụng tối đa lợi thế của hai phương pháp là xu hướng được nhiều thầy thuốc và người bệnh lựa chọn.

Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc điều trị (Ảnh do nhãn hàng Vương Lão Kiện cung cấp)

Thực phẩm chức năng Vương Lão Kiện chứa các thảo dược câu đằng, thiên ma, hà thủ ô đỏ, câu kì tử, đinh lăng, mẫu lệ, xà sàng tử, nhục thung dung và các hoạt chất acid alpha -lipoic, l-carnitin, magiê. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa y học cổ truyền và y học hiện đại với ưu điểm nổi bật là giúp giảm dần các chứng run do mọi nguyên nhân như: run do bệnh Parkinson, hội chứng Parkinson, run sau tai biến mạch não, run ở người cao tuổi, rối loạn thần kinh thực vật,… đồng thời giúp tăng cường sức khỏe toàn trạng và phục hồi khả năng vận động bình thường của cơ thể. Sản phẩm an toàn, thích hợp để sử dụng lâu dài. Đây là hy vọng mới cho những người không may mắc bệnh cũng như những người có nguy cơ cao bị chứng run.

Ds. Lê Việt Ánh

Tư vấn: 0906.268.403 – 04.3775.9866

Website: dongtay.net.vn

Dược thiện trị mất ngủ

Mất ngủ là một chứng bệnh hay gặp chiếm khoảng 48% dân số, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, công việc hằng ngày. Mất ngủ do rất nhiều nguyên nhân gây ra, có thể do áp lực công việc, do mắc các bệnh mạn tính, hoặc các biểu hiện của rối loạn tâm thần, trầm cảm… Nữ bị mất ngủ nhiều hơn nam nhất là ở tuổi tiền mãn kinh, tuổi càng lớn càng dễ bị mất ngủ.

Theo y học cổ truyền, mất ngủ thuộc phạm vi các chứng “bất đắc miên”, “bất đắc ngọa”, “bất mị”; nguyên nhân do âm hư, huyết ứ, dinh vệ khí huyết bất hòa, âm dương thất điều, có liên quan đến các tạng tâm, tỳ, can, đởm, thận. Y học cổ truyền có nhiều biện pháp điều trị chứng mất ngủ bao gồm dược pháp, ẩm thực liệu pháp và phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, tâm lý liệu pháp, dưỡng sinh, xoa bóp, ấn huyệt… có hiệu quả, không gây tác dụng phụ cho gan, thận, đặc biệt không gây hiện tượng lệ thuộc thuốc. Dưới đây xin giới thiệu một số món ăn, nước uống chữa mất ngủ.

Canh thiên ma thịt gà.

Món ăn chữa mất ngủ

Bài 1: Canh tim lợn: tim lợn 1 cái, bổ đôi rửa sạch cho vào nồi đun cùng 15g toan táo nhân, 15g phục linh, 5g viễn chí. Đun to lửa đến khi sôi, vớt bỏ bọt rồi vặn nhỏ lửa đun tới khi chín là dùng được. Món ăn có tác dụng bổ huyết, dưỡng tâm, ích can, định thần, điều trị chứng tâm can huyết hư dẫn đến tâm quý, không yên, mất ngủ, ngủ mê nhiều, trí nhớ giảm sút…

Bài 2: Canh long nhãn, liên tử: long nhãn 20g, liên tử 30g, bột ngó sen 50g. Rửa sạch liên tử đun chín rồi thêm long nhãn đun nhỏ lửa cho tới khi liên tử chín nhuyễn thì cho bột ngó sen đã hòa với nước lạnh vào quấy đều cho tới sôi là được. Tác dụng: dưỡng tâm, kiện tỳ, ích khí huyết, an thần. Thích hợp với những bệnh nhân tâm tỳ hư, suy nhược thần kinh, ngày dùng 2 lần sáng, chiều.

Bài 3: Cơm canh thiên ma: thiên ma 5g, thịt gà 25g, măng tây, cà rốt 50g, nấm hương, khoai sọ, gia vị vừa đủ. Ngâm thiên ma khoảng 1 giờ cho mềm, thái nhỏ ninh nhừ, thêm thịt gà băm nhỏ, cà rốt, măng tây, nấm hương, khoai sọ thái con chì cho vào ninh chín thêm gia vị là được, ăn cùng cơm ngày 1 lần. Món ăn có tác dụng: kiện não, cường thân, trấn kinh, an thần, phù hợp với các chứng hay đau đầu, hoa mắt, ngủ ít, hay mê, hay quên.

Bài 4: Long nhãn 30g, liên tử 50g, thịt nạc 200g, gia vị vừa đủ nấu canh ăn.

Các loại nước uống tốt cho người bị mất ngủ

- Trà tam thất: hoa tam thất pha trà uống có tác dụng trấn kinh, an thần, phù hợp với bệnh nhân tăng huyết áp gây đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, đặc biệt ở phụ nữ tiền mãn kinh.

- Trà tây dương sâm, linh chi: linh chi 15g, tây dương sâm 3g pha trà uống.

- Long nhãn, táo nhân mỗi thứ 10g, ngũ vị tử 5g, đại táo 10 quả, sắc lấy nước uống.

- Lộc giác phiến 1g, tây dương sâm 3g, ngũ vị tử 5g, sắc nước uống.

- Ngũ vị tử, linh chi 10g, tây dương sâm 5g, đại táo 5 quả, sắc nước uống

- Ngũ vị tử 10g, long nhãn 10g, hợp hoan bì 5g, toan táo nhân 5g, sắc nước uống.

- Long nhãn 200g, đào nhân 100g, tây dương sâm 10g, đại táo nhục 200g, mật ong 10g. Tất cả sắc đặc nấu cao, mỗi ngày dùng 1 - 2 thìa canh.

- Bách hợp 30g, long nhãn 15g, tây dương sâm 5g, đại táo 10 quả; sắc nước uống ngày 2 lần.

- Liên tử 50g, bách hợp 10g, toan táo nhân 5g, sắc nước uống.

Người bị mất ngủ nên lưu ý:

- Thiết lập tính tự tin, không nên quá căng thẳng, quá kích động trước các vấn đề.

- Thư giãn, vứt bỏ mọi ưu phiền, buồn bực trước khi đi ngủ.

- Tự tìm các phương pháp phù hợp chiến thắng sự mất ngủ như: đếm số, ngâm chân nước nóng trước khi đi ngủ.

- Hãy cho rằng mất ngủ không phải là bệnh nghiêm trọng, một ngày hay vài ngày ngủ vài tiếng không có gì đáng ngại.

- Thông thường sau khi điều trị được căn nguyên, tâm lý và cơ thể được thư giãn thì chứng mất ngủ cũng sẽ hồi phục.

TS. Nguyễn Thị Tâm Thuận

Meo.vn (Theo SK&ĐS)

Trà dược cho người tăng huyết áp

Tăng huyết áp là bệnh phổ biến nhất trong các bệnh tim mạch. Ðối tượng mắc bệnh và lứa tuổi mắc ngày càng mở rộng. Nhiều loại trà dược của y học cổ truyền  có tác dụng chữa bệnh rất hiệu quả.

Tăng huyết áp là một bệnh phổ biến nhất trong các bệnh tim mạch. Theo quan niệm của y học cổ truyền, tăng huyết áp là hội chứng thuộc phạm vi các chứng huyễn vựng (chóng mặt, hoa mắt), đầu thống (nhức đầu), thất miên (mất ngủ)... do các tạng can, thận, tỳ, bị mất điều hoà mà gây ra bệnh. Ngoài ra còn yếu tố đàm thấp hay gặp ở những người bệnh tạng béo và cholesterol  máu cao.

Gọi là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) lớn hơn 140mmHg và  huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu) lớn  hơn 90 mmHg.

Trà tâm sen chữa tăng huyết áp, tim đập nhanh, mất ngủ.

Biểu hiện thường gặp: Người bệnh tăng huyết áp thường có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, ù tai và thường bị mất ngủ, tính tình hay cáu gắt. Phép chữa của y học cổ truyền là dùng thuốc bình can tiềm dương, thanh can tả hỏa, hóa đờm tiêu trễ, trong đó trà dược tỏ ra hiệu quả đối với những bệnh nhân tăng huyết áp nhẹ và vừa (huyết áp tối đa dưới 175mmHg và huyết áp tối thiếu dưới 110mmHg), được nhiều người sử dụng.

Trà chi tử: chè búp non 30g, chi tử 30g. Hai vị trên cho vào nồi, đổ 800 – 1000ml nước đun còn 400 – 500ml. Ngày uống 1 thang, chia 2 lần sáng chiều, uống nóng. Công dụng: tả hỏa thanh can, mát máu hạ huyết áp. Chữa tăng huyết áp, đau đầu chóng mặt.

Trà cúc hòe: hoa cúc, hoa hòe, chè xanh mỗi thứ 3g. Cho cả 3 vị vào cốc, đổ nước sôi đậy nắp ngâm 5 phút. Ngày uống 1 thang, uống dần. Công dụng: bình can trừ phong, thanh hỏa hạ huyết áp. Chữa tăng huyết áp, đau đầu chóng mặt.

Trà thiên ma: thiên ma 6g, chè xanh 3g, mật ong vừa đủ. Cho thiên ma vào nồi, đổ một bát to nước đun sôi 20 phút sau đó cho chè vào, đun thêm mấy phút nữa là được, lọc lấy nước cho mật ong vào uống. Ngày uống 1 thang, chia 2 lần, uống nóng, có thể ăn thiên ma. Công dụng: bình can tiềm dương, thư phong trừ thống. Chữa tăng huyết áp, đau đầu.

Trà đỗ trọng: lá đỗ trọng, chè búp xanh loại tốt, lượng bằng nhau. Hai thứ tán bột, trộn đều, đóng thành từng túi nhỏ bằng giấy lọc, mỗi túi 6g, cất giữ nơi khô ráo. Ngày 1 – 2 lần, mỗi lần 1 túi pha nước sôi 10 phút uống nóng. Hoặc lấy 10g lá đỗ trọng, 3g chè pha nước sôi 10 phút hoặc đổ nước đun sôi kỹ, ngày uống một thang, uống nóng. Công dụng: bổ gan thận,  cường gân cốt. Chữa tăng huyết áp kèm bệnh tim và đau lưng sườn.

Trà sơn tra hà diệp: sơn tra 15g, lá sen 12g. Hai thứ thái nhỏ, đổ nước vừa đủ đun sôi hoặc pha nước sôi uống. Ngày uống 1 thang. Công dụng: tiêu mỡ hóa trễ, hạ áp giảm mỡ. Chữa tăng huyết áp, mỡ trong máu cao, giảm béo.

Trà nhị diệp sơn tra: lá hồng 10g, sơn tra 12g, chè 3g. Cho ba thứ vào ấm, đổ nước sôi hãm 15 phút. Ngày uống 1 thang, uống dần trong ngày. Công dụng: hoạt huyết hóa ứ, hạ áp giảm mỡ. Chữa tăng huyết áp, mỡ trong máu cao.

Trà quyết minh la bố ma: hạt quyết minh sao 12g, la bố ma 10g. Cho hai thứ vào ấm, đổ nước sôi hãm 15 phút. Ngày 1 thang, uống dần. Công dụng: thanh nhiệt bình can, lợi tiểu. Chữa tăng huyết áp, đau đầu chóng mặt bồn chồn bất an, giảm mỡ trong máu.

Trà tâm sen: tâm sen 3g cho vào  cốc, đổ nước sôi ngâm 5 – 10 phút. Ngày uống 1 – 2 lần. Công dụng: thanh tâm, hạ huyết áp, tỉnh táo, cầm máu. Chữa tăng huyết áp, đau đầu, tim đập mạnh, mất ngủ.

Nước cây lạc: toàn bộ cây lạc khô 50g. Cắt cây lạc  thành từng đoạn nhỏ, ngâm rửa sạch, cho vào nồi đổ nước nấu uống thay chè. Ngày 1 thang, uống lúc nào cũng được. Chữa tăng huyết áp, mỡ trong máu cao.

Lương y  Thái Hòe

Hai thể bệnh rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình là rối loạn khả năng cảm nhận thăng bằng, biểu hiện thông thường là chóng mặt, buồn nôn, nhức đầu. Nặng thì chỉ nằm được ở một tư thế, không ngồi dậy được và vẫn buồn nôn hoặc nôn dữ dội.

Theo Đông y, bệnh thường biểu hiện bởi hai thể loại là "thực chứng" và "hư chứng".

Thực chứng: Đột nhiên ù tai rồi chóng mặt, hoa mắt, nhà cửa cảm thấy như đảo lộn, nghiêng ngửa buộc người bệnh phải luôn nhắm nghiền mắt và nằm xuống không sẽ bị ngã. Kèm theo buồn nôn hay nôn thốc tháo nhiều lần, mặt nhợt nhạt, mồ hôi toát ra toàn thân. Cơn choáng chóng mặt quay cuồng này có khi xảy ra chốc lát hay kéo dài vài tiếng hoặc vài ba ngày. Người bệnh thấy nóng, khát nước, táo bón, tiểu nước vàng, mạch thực.

http://suckhoe365.net/wp-content/uploads/2010/09/chong-mat.jpg
Rối loạn tiền đình là rối loạn khả năng cảm nhận thăng bằng, biểu hiện thông thường là chóng mặt, buồn nôn, nhức đầu.
Điều trị: Câu đằng 12g, ích mẫu 12g, ngưu tất 12g, phục thần 12g, sơn chi 12g, tang ký sinh 12g, dạ giao đằng 10g, đỗ trọng 10g, hoàng cầm 10g, thạch quyết minh sống 20g, thiên ma 8g, hà thủ ô trắng 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 - 3 lần trong ngày. Uống 3 - 5 thang liền.

Hư chứng: Triệu chứng cũng xảy ra đột ngột bị ù tai rồi chóng mặt, hoa mắt, nhà cửa quay cuồng nên người bệnh cũng phải nằm nhắm mắt không sẽ bị ngã và kèm buồn nôn hay nôn mửa nhiều lần, toàn thân vã mồ hôi, mặt nhợt nhạt. Cơn chóng mặt cũng có thể xảy ra trong chốc lát hay mấy tiếng đồng hồ hoặc vài ngày. Kết hợp có nóng, khát nước và táo bón, tiểu vàng, đặc biệt khi làm việc lại hoa mắt, chóng mặt càng tăng, ăn ngủ kém, sắc mặt xanh, mạch hư, không lực.

Điều trị: Bạch cúc hoa 120g, câu kỷ tử 120g, đơn bì 120g, phục linh 120g, trạch tả 120g, sơn dược 160g, sơn thù 160g, thục địa 320g. Tất cả tán bột làm hoàn. Ngày uống 8 - 16g, chiêu với nước muối nhạt.

Meo.vn (Theo Bee)

Đông y chữa bệnh đau đầu

Đầu là nơi hội tụ của mọi phần dương, là nơi của não bộ, khí huyết của ngũ tạng lục phủ đều hội tụ ở đó nên ngoại cảm thời tà, nội thương tạng phủ đều có thể gây đau đầu. Bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, nhưng không ngoài ngoại nhân (lục dâm): phong, hàn, thấp, nhiệt… và nội nhân (do thất tình) gây ra.

Nguyên nhân

Do ngoại nhân (lục dâm): Chủ yếu do phong nhưng phong đều kết hợp với nguyên nhân khác (hàn-thấp-nhiệt).

- Nếu phong kết hợp với hàn dẫn tới phong hàn làm khí huyết ngưng trệ mạch không thông, huyết uất trệ từ đó gây đau đầu.

- Nếu phong kết hợp với nhiệt làm phong nhiệt dồn lên (nhiễu lên) đầu làm kinh mạch khí huyết rối loạn gây đau đầu.

- Nếu phong kết hợp với thấp làm phong thấp dồn lên (nhiễu lên) che mờ phủ tình minh, vít lấp các thanh khiếu làm cho dương khí trên đầu không thăng phát được gây đau đầu.

Do nội nhân (thất tình):

- Nếu can uất làm cho mất điều đạt dẫn đến tình trí không điều hoà làm cho can hoả bốc lên (vì uất làm hoá hỏa) dấn tới can âm suy, lâu ngày có thể kéo theo cả thận âm suy khiến can hoả càng bốc lên, dồn khí huyết ở đầu dẫn đến đau đầu.

- Nếu tỳ kém vận hoá làm đàm thấp ứ đọng ảnh hưởng đến công năng vận chuyển của tỳ, không sinh được khí huyết, đờm tự sinh và trở ngại thanh dương, thanh không thăng, trọc không giáng dẫn tới đau đầu. Hoặc do ăn uống kém, lao động quá sức, ốm lâu, ra máu, băng huyết dẫn tới khí huyết kém không nuôi được não gây đau đầu.
Biện chứng luận trị

Đau đầu do phong hàn

- Triệu chứng: xảy ra sau khi cảm giác lạnh. Bệnh nhân phát nóng ghê lạnh, đau đầu, đau vai, gáy, cổ, xoa bóp thì dễ chịu. Thích trùm kín đầu. Không khát nước, rêu lưỡi trắng, mạch phù.

- Phép chữa: Sơ phong tán hàn.

- Bài thuốc:

+ Khung chỉ thang: xuyên khung 12g, bạch chỉ 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

+ Khung trà điều: xuyên khung 12g, phòng phong 6g, bạch chỉ 12g, bạc hà 8g, kinh giới 12g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Có thể thêm khương hoạt 12g hoặc tế tân 5g. Nếu thấp nhiệt gia bạc hà 10g.

Nếu hàn tà xâm phạm kinh quyết âm, đau đầu dữ dội, buồn nôn, chảy dãi, nặng, chân tay lạnh.

Phép điều trị: ôn kinh tán hàn ở quyết âm.

Bài thuốc: Dùng bài Ngô thù thang: ngô thù 6g, nhân sâm 12g, sinh khương 6g, đại táo 12g. Nếu bỏ nhân sâm, đại táo thì gia bán hạ chế, xuyên khung. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Đau đầu do phong nhiệt

- Triệu chứng: Sốt cao, sợ gió, đau nhức đầu như cắn xé, mặt và mắt đỏ, khát nước, nước tiểu vàng, đại tiện táo, rêu lưỡi vàng, mạch sác.

- Phép chữa: Sơ phong thanh nhiệt.

- Bài thuốc: Dùng bài Khung chỉ thạch cao thang: xuyên khung 12g, thạch cao 16g, bạch chỉ 12g, cúc hoa 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Nếu chủ yếu sơ tán phong tà, thanh nhiệt ở kinh dương minh gia thêm bạc hà, chi tử, hoàng cầm, vị thuốc sơ giải (về cay mát). Nếu đại tiện bí gia đại hoàng để thông phủ tả nhiệt.

Đau đầu do phong thấp

- Triệu chứng: Đau đầu có cảm giác như bó chặt, trùm kín lại, đau như dùi, người ê ẩm nặng nề, đầy bụng,chán ăn, lưỡi nhợt nhạt, mạch nhu, miệng nhạt.

- Phép chữa: khu phong thắng thấp.

- Bài thuốc: dùng bài Khương hoạt thắng thấp thang (nhiều vị cay ấm để đi lên): khương hoạt 12g, mạn kinh tử 12g, độc hoạt 12g, cam thảo 6g, xuyên khung 12g, phòng phong 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Nếu thấp nặng gia thương truật 10g, chỉ xác 8g, trần bì 8g.

Nếu đau đầu gia bạch chỉ 8g, xuyên khung 8g, kinh giới 8g, độc hoạt 12g.

Nếu bệnh phát về mùa hè, người nóng có mồ hôi, khát, buồn bực là thử thấp giao trung. Phép chữa: thanh thử hoá thấp. Dùng bài Hoàng liên hương nhu ẩm: bỏ biển đậu gia hoắc hương 8g, thạch hộc 8g, mạn kinh 8g, lá sen 8g, hoàng liên 8g, hương nhu 8g, hậu phác 8g, biển đậu 8g). Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Đau đầu do đàm trọc

- Triệu chứng: đau căng, lợm giọng buồn nôn, chảy dãi, nôn mửa, thường nôn ra nhiều đờm bọt, bụng ngực ấm ách, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch hoạt (thuộc thấp đờm), nếu rêu chuyển sang vàng, mạch hoạt sác là thấp đờm hoá hoả.

- Phép chữa: Hoá đờm giáng nghịch.

- Bài thuốc: dùng bài Bán hạ bạch truật thiên ma thang gia giảm: bán hạ 12g, trần bì 8g, phục linh 12g, can khương 4g, trạch tả 12g, thiên ma 12g, đảng sâm 12g, hoàng kỳ 12g, thương truật 12g, bạch truật 12g, thần khúc 8g, mạch nha 12g, hoàng bá 8g. Gia vị nhị trần: trần bì  8g, bán hạ 8g, bạch linh 12g, cam thảo 4g. Gia mạn kinh tử 12g, xuyên khung 12g, thiên ma 12g, bạch truật 12g, có khi gia thêm hậu phác 8g, tật lê 8g, câu đằng 20g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

theo suckhoedoisong

Đông y trị chứng đau đầu ở phụ nữ

Mỗi khi đến kỳ hành kinh hoặc trước hoặc sau khi hành kinh đều thấy đau đầu, đó gọi là chứng bệnh đau đầu khi hành kinh. Cơ lý phát bệnh là khí huyết không đủ, tinh khí hư suy thiếu hụt, hoặc khí trệ đàm che, thanh khí mất dinh dưỡng. Chứng bệnh đau đầu khi hành kinh theo Đông y có 4 nguyên nhân: do huyết hư mất dinh dưỡng, can dương lên quá cao, đàm thấp tích tụ, huyết ứ gây trở ngại đến lạc mạch. Tùy nguyên nhân mà biểu hiện trên lâm sàng có những đặc điểm riêng, từ đó có các bài thuốc thích hợp.

Thể huyết hư mất dinh dưỡng

Cơ thể vốn hư nhược, hoặc tỳ hư, các chất dinh dưỡng ăn vào không được chuyển hóa đầy đủ, hoặc do mất máu tổn thương tinh lực, tinh khí hư suy thiếu hụt, khi hành kinh âm huyết hạ chú xuống bào cung, não mất dinh dưỡng gây nên đau đầu.

Biểu hiện: Mỗi khi hành kinh hoặc mỗi lần hành kinh thấy đau đầu, chóng mặt, màu kinh huyết đỏ nhạt, lượng kinh huyết càng nhiều thì càng đau đầu, chất lưỡi trắng nhạt, mạch tế nhược.

Phép trị: Bổ ích khí huyết, dưỡng âm trấn thống.

Bài thuốc: Xuyên khung 6g, đương quy 6g, cam thảo nướng 6g, thiên ma 6g, thục địa 12g, bạch thược 12g, đảng sâm 12g, hoàng kỳ 12g, bạch truật 12g, phục linh 12g, cẩu khởi 9g, câu đằng 9g, diên hồ 9g, khương táo, sắc uống ngày 1 thang.

Thể can dương lên quá cao

Can tàng huyết, do can âm hoặc thận âm bất túc, khi hành kinh âm huyết đổ vào huyết hải mà làm cho âm không dưỡng được dương, hoặc do can dương thao túng làm cho can dương lên cao, gây nên đau đầu.

Biểu hiện: Do thận âm bất túc, can dương lên cao, mỗi khi hành kinh thì đầu đau dữ dội như muốn vỡ tung ra, như dùi đâm, khó có thể chịu đựng nổi. Khi đau nhiều phải dùng khăn quấn chặt lấy đầu và trán mới cảm thấy dễ chịu đôi chút, đi đôi với đau thường có hiện tượng huyết áp tăng cao, tâm phiền, dễ bực tức, phần nhiều những triệu chứng trên phát ra có tính quy luật hàng tháng mỗi khi hành kinh. Chất lưỡi đỏ, mạch huyền tế sác.

Phép trị: Tư âm ích huyết, nhuận can tức phong.

Bài thuốc: Thiên ma 9g, câu đằng 9g, bạch thược 9g, khởi tử 9g, xuyên khung 6g, bạch tật lê 12g, hợp hoan bì (vỏ cây dạ hợp) 12g, thủ ô 12g, xuyên ngưu tất 12g, đỗ trọng 12g, tang ký sinh 12g, sinh thạch quyết 30g, cúc hoa 12g, sắc lấy nước uống ngày 1 thang.

Thể đàm thấp tích tụ

Do tỳ là nguồn gốc của sinh hóa, có chức năng điều khiển vận hóa trong cơ thể. Kinh nguyệt là do tỳ cốt sinh hóa mà thành, nếu tỳ hư không thể phân bổ các chất dinh dưỡng đi các nơi được mà tích tụ lại thành đàm thấp, làm cho thanh khiếu không thông.

Biểu hiện: Mỗi khi hành kinh đàm thấp lên quấy nhiễu, xuất hiện váng đầu, chóng mặt cảm thấy đầu nặng chình chịch, ngực tức khó chịu, ăn uống kém, rêu lưỡi trắng, mạch chậm.

Phép trị: Kiện tỳ táo thấp, hóa đàm giáng nghịch.

Bài thuốc: Pháp hạ 9g, bạch truật 9g, thiên ma 9g, phục linh 9g, mạn kinh tử 9g, trần bì 3g, cam thảo nướng 6g, gừng và táo tàu một ít, sắc lấy nước uống.

Thể ứ huyết trở lạc

Vào đúng kỳ hành kinh lại bị nhiễm hàn lạnh, hàn ngưng huyết rít không chảy thông thoát được, hoặc do bị ngã, chấn thương bên ngoài, huyết ứ nội trở, hành kinh không thông thoát, mạch lạc không thông suốt, khí huyết, thanh dương không thể ngược lên tới đầu được, do đó gây đau đầu.

Biểu hiện: Trước khi hành kinh và trong những ngày hành kinh bị đau đầu, đau như dùi đâm, đau không ở vị trí nhất định, hành kinh không thông thoát, lượng kinh huyết ít, màu tím thâm, hoặc có kèm theo cục ứ, bụng dưới đau, lưỡi tím thâm hoặc bên lưỡi có nốt ứ, mạch huyền sáp hoặc tế sáp.

Phép trị: Khai khiếu thông lạc, hoạt huyết hóa ứ.

Bài thuốc: Xích thược 4g, xuyên khung 4g, đào nhân 9g, hồng hoa 9g, sinh khương (gừng tươi) 9g, hành già 3 củ (thái nhỏ), xạ hương 0,8g, táo tàu 3 quả, sung úy tử (ích mẫu) 9g, tam thất 6g.

Cách uống: Rượu 250ml, đem sắc thuốc trước, chắt ra bát, để bã lại hòa xạ hương vào trong rượu cho vào sắc lần nữa, uống trước lúc sắp đi ngủ, ngày 1 thang. Xạ hương có thể nấu 3 lần để tận dụng.

Một số bài thuốc dân gian đơn giản hiệu nghiệm

Bài 1: Đương quy 6g, bạch thược 6g, xuyên khung 6g, địa hoàng khô 6g, kinh giới 6g, phòng phong 6g, mạn kinh tử 6g, khao bản (cọng rau khao) 6g, sài hồ 6g, sắc lấy nước uống, ngày 1 thang, điều trị chứng đau đầu mỗi khi hành kinh do huyết hư, kém dinh dưỡng.

Bài 2: Hạ khô thảo 30g, thảo quyết minh 30g, sắc lấy nước uống, điều trị chứng đau đầu mỗi khi hành kinh do can dương lên quá cao.

Bài 3: Xuyên khung 6g, xích thược 6g, ô dược 6g, sung úy tử 6g, tế tân 3g. Sắc lấy nước uống, điều trị chứng đau đầu mỗi khi hành kinh do huyết ứ trở lạc.

Theo Suckhoe&doisong

Lá sen chữa bệnh

Lá sen tính mát,vị cay, lợi về các kinh can, tỳ, vị. Ngoài ra, loại lá này còn giúp hạ nhiệt, làm tan những ứ tụ và cầm máu.

Lá sen được dùng trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian với tên thuốc là liên diệp hoặc hà diệp, được thu hái quanh năm, thường dùng lá non (hoặc lá còn cuộn lại chưa mở) và lá bánh tẻ, bỏ cuống.

Dùng tươi hoặc phơi, sấy khô, đôi khi sao thơm. Dược liệu là nguyên lá to, khô, màu lục, không bị sâu, không có vết thủng, có vị đắng, hơi chát, mùi thơm nhẹ, tính mát bình, không độc, vào ba kinh can, tỳ, thận, có tác dụng thanh nhiệt, cầm máu, tán ứ, an thần, lợi thấp. Sau đây là một số bài thuốc có dùng lá sen.

Chữa máu hôi không ra hết sau khi sinh: Lá sen sao thơm 30g tán nhỏ, uống với nước hoặc sắc với 200ml nước còn 50ml, uống làm một lần trong ngày.

Chữa mất ngủ: Lá sen loại bánh tẻ 30g rửa sạch,thái nhỏ, phơi khô sắc hoặc hãm uống.

Chữa sốt xuất huyết: Lá sen 40g, ngó sen hoặc cỏ nhọ nồi 40g, rau má 30g, hạt mã đề 20g, sắc uống ngày một thang. Nếu xuất huyết nhiều có thể tăng liều của lá và ngó sen lên 60g.

Chữa chảy máu não và các biến chứng kèm theo ở bệnh nhân tăng huyết áp: Lá sen 15g, cam thảo 15g, đỗ trọng 12g; sinh địa, mạch môn, tang ký sinh, bạch thược mỗi vị 10g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa băng huyết, chảy máu cam, tiêu chảy ra máu: Lá sen 40g để sống, rau má 12g sao vàng, thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.

Chữa di tinh: Lá sen nghiền bột mịn. Uống ngày 2 lần sớm, tối với nước sôi, mỗi lần 5g.

Lá sen có nhiều công dụng.

Chữa tăng huyết áp: Đẳng sâm 6g, bán hạ 10g, tuyền phúc hoa 10g, thiên ma 6g, lá sen 10g, trần bì 6g, thạch quyết minh 10g, uống ngày 1 thang chia hai lần sớm, tối. Dùng cho người cao huyết áp, mắt hoa tai ù, mơ nhiều mất ngủ.

Giảm béo:

Bài 1: Lá sen 10g, gạo lức 60g. Sắc lá sen làm thang, cho gạo lức vào nấu cháo, cháo được đánh thêm ít đường phèn cho ngọt, chia hai lần sớm, tối. Dùng để tiêu phù, giảm mỡ, giải nhiệt, khoan trung, tăng nước bọt, giảm khát, giảm béo.

Bài 2: Lá sen 60g, hạt ý dĩ 10g, sơn tra tươi 10g, vỏ quýt (trần bì) 5g. Nghiền chung thành bột, bỏ vào phích, rót nước sôi vào hãm, uống thay trà ngày 1 thang uống liền 100 ngày.

Bài 3: Để lý khí, hành thủy, giảm béo. Vỏ quất (trần bì) 10g, mạch nha 15g, lá sen 15g, sơn tra 10g.

Bài 4: Để bổ tỳ, tiêu ứ, giảm mỡ, giảm béo. Vỏ quất, lá sen thái sợi, cho nước vào sắc chung với mạch nha, sơn tra 30 phút, lọc lấy nước pha với đường trắng, uống nóng 1 thang.

Chữa chảy máu cam: Lá sen 15g, hoàng liên 2g, thanh hao 6g, lá tre 10g, mộc thông 10g, đan bì 10g, liên kiều 5g, hoàng cầm 3g, sơn chi 6g, rễ cỏ tranh 10g. Sắc uống ngày 1 thang. Dùng cho người bị đổ máu cam, lượng nhiều, máu đỏ tươi hoặc sẫm, mũi khịt khô, miệng hôi, đại tiện táo, tiểu dắt.

Chữa váng đầu: Hạch đào nhân 6g, lá sen 10g, đỗ trọng tươi 10g. Hạch đào nhân sao vàng giã nát, sắc chung với lá sen, đỗ trọng, bỏ bã lấy nước uống. Dùng cho người đầu váng, mắt hoa, tai ù, tai điếc.

Những cấm kỵ khi dùng thuốc: Vị thuốc này có công dụng thăng tán tiêu hao, người hư nhược kiêng dùng.

(suckhoe&doisong)

Món ăn trị chứng đau đầu

Chứng đau đầu không rõ nguyên nhân là tình trạng thường gặp ở nhiều người. Nhiều trường hợp cho kết quả xét nghiệm, X-quang bình thường nhưng cứ hay bị đau đầu. Đông y quan niệm ở trường hợp này là đau đầu do phong tà, thử tà, hàn tà.

Và món ăn bài thuốc sau (theo lương y Trần Duy Linh, TP.HCM) sẽ giúp cải thiện chứng đau đầu đó.

Óc heo hầm với thiên ma

+ Nguyên liệu: Một bộ óc heo (loại nhỏ); 10g vị thuốc thiên ma (có bán ở các hiệu thuốc đông y); 3 lát gừng tươi; 1 cốc rượu nhỏ (khoảng 50 ml).

+ Cách chế biến: Óc heo không được rửa (nước ngấm vào sẽ không hay), mà dùng loại giấy thấm, thấm cho khô, gỡ bỏ các gân màng bao bọc chung quanh. Cho óc heo, rượu, thiên ma, gừng vào thố, đậy nắp, đem chưng cách thủy trong khoảng 30 phút. Lấy óc heo ra chấm muối ăn, có thể dùng luôn cả nước hầm. Mỗi đợt dùng từ 5 - 7 cái, mỗi ngày 1 cái.

+ Công dụng: Món này chữa trị chứng đau đầu không rõ nguyên nhân rất hay. Đó là những trường hợp hay bị đau đầu, nhưng qua kiểm tra không có cao huyết áp, không bị viêm xoang, không mắc hội chứng tiền đình, không hẹp các động mạch đưa máu lên não... Trường hợp này đông y quan niệm đau đầu là do bị phong tà (gió), thử tà (nắng) và hàn tà (lạnh) khu trú ở vùng đầu, khiến người ta thường bị đau đầu.

Nấm tai mèo chưng với đường phèn

Đây là món ăn cũng có công dụng chữa trị chứng đau đầu nói trên theo kinh nghiệm dân gian.

+ Thành phần: Cho một lần dùng gồm 20g - 30g nấm tai mèo (lấy loại còn lớp phấn trắng mỏng bên ngoài), 10g đường phèn.

+ Cách chế biến: Nấm tai mèo cắt bỏ cuống, thái nhỏ. Cho đường phèn và nấm tai mèo vào chung thố, đem chưng cách thủy trong vòng 15 phút. Sau đó, mở nắp thố đem phơi sương qua một đêm, sáng dậy lấy vào ăn hết nấm, uống cả nước lúc bụng đang còn đói. Dùng mỗi đợt khoảng 7 ngày.

(Theo Thanh Niên)

Món ăn chữa đau đầu

Đau đầu, thiên đầu thống, rối loạn tiền đình là do ngoại tà phạm lên trên, hoặc do đàm ẩm, ứ huyết, âm hư, hoả vượng, tinh khí không đưa được lên não gây ra.

Triệu chứng thường gặp là đau đầu, cứng cổ gáy, đau mình mây hoặc đau một bên đầu, tinh thần không tỉnh táo, bụng đầy, ngực tức, hoa mắt, chóng mặt, đôi khi có tiếng ve kêu trong tai.

Chữa đau đầu do thiên đầu thống bằng món ăn, bài thuốc là cách chữa an toàn, hiệu quả.

Óc lợn, thiên ma: Lấy óc lợn 1 bộ, thiên ma 10 - 30g (thái lát) hầm nhỏ lửa thành dạng canh rồi bỏ bã, uống vài lần trong ngày. Cũng có thể lấy óc dê 1 bộ, rửa sạch huyết rồi hầm trong 30 phút, thêm gia vị ăn trong ngày.

Óc lợn hầm: Óc lợn 1 bộ, dùng nước sôi để nguội rửa sạch huyết, đem hầm kỹ trong 30 phút rồi ăn trong ngày, một liệu trình kéo dài 7 ngày.

Hoặc:

Óc lợn 100g, hành 20g, gừng tươi 10g, rượu vang 10g, dầu vừng 10g, tỏi 20g, xì dầu vừa đủ. Óc lợn rửa sạch, loại bỏ gân máu, hành thái nhỏ, gừng và tỏi giã nát. Đặt óc lợn lên một cái đĩa cùng gừng và hành, vay rượu vang lên trên rồi đem hấp cách thuỷ chừng 30 phút, sau đó chế thêm dầu vừng, tỏi, xì dầu, trộn đều, ăn trong ngày.

Tác dụng: Chữa phong huyễn não minh (Tây y gọi là thiểu năng tuần hoàn não, rối loạn tiền đình). Triệu trứng: Hoa mắt, chóng mặt, kèm theo có những âm thanh bất thường trong đầu như tiếng ve kêu, tiếng xay lúa.

Óc lợn, trứng gà: Óc lợn 1 bộ, trứng gà 1 - 2 quả, óc lợn rửa sạch huyết, loại bỏ gân máu, đánh đều với trứng gà rồi tráng chín ăn trong ngày.

Hoặc: óc lợn 1 bộ, nhục thung dung 12g, thỏ ty tử 12g, thục địa 12g, kỷ tử 15g, các vị thuốc sắc kỹ, bỏ bã, lấy nước rồi cho óc lợn vào đun chín, chế thêm gia vị, ăn trong ngày.

Tác dụng: Chữa hội chứng suy nhược thần kinh, đau đầu.

Óc lợn, thiên ma, kỷ tử: Óc lợn 1 bộ, thiên ma 9g (thái lát) kỷ tử 15g. Óc lợn rửa sạch huyết, loại bỏ gân máu, hấp cách thuỷ cùng thiên ma và kỷ tử, chế thêm gia vị ăn trong ngày. Hoặc óc lợn 1 bộ, thiên ma 10g, gạo tẻ 250g, đem gạo và thiên ma nấu thành cháo rồi cho óc lợn vào đun chín, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Tác dụng: Chữa di chứng chấn thương sọ não, đau đầu.

Óc lợn, mộc nhĩ đen: Óc lợn 1 bộ, mộc nhĩ đen 15g. Óc lợn rửa sạch huyết, loại bỏ gân máu. Mộc nhĩ ngâm nước lạnh 15 phút rồi rửa sạch, cho vào chảo xào trong 30 phút với 1 thìa dầu thực vật. Cho thêm một thìa rượu vang, muối, gia vị vừa đủ và một chút nước đun sôi. Sau đó cho óc lợn vào, chế thêm một bát nước nhỏ rồi đun nhỏ lửa trong 40 phút nữa. Khi ăn, có thể cho thêm hạt tiêu và các gia vị khác.

Tác dụng: Chữa rối loạn thần kinh chức năng gây đau đầu.

Óc lợn, đông trùng hạ thảo: Óc lợn 1 bộ, rửa sạch huyết, loại bỏ gân máu; đông trùng hạ thảo 10g rửa sạch, để ráo nước. Hai thứ đặt lên đĩa, cho thêm một thìa rượu vang, 2 thìa nước lạnh và một chút muối ăn rồi hấp cách thuỷ, ăn trong ngày.

Hoặc: Óc lợn 1 bộ, tiểu mạch 30g, đại táo 1 quả. Cho tiểu mạch vào 2 bát nước to, sắc kỹ tiểu mạch bằng lửa nhỏ trong nửa giờ rồi bỏ bã, lấy nước. Cho đại táo và óc lợn (đã ngâm kỹ bằng nước ấm) vào cùng với 2 thìa đường trắng, nửa thìa rượu vang, hầm kỹ trong 30 - 60 phút là được. Chia ăn 2 lần trong ngày.

Tác dụng: Chữa rối loạn tiền đình do tổn thương tai trong.

Óc dê, kỷ tử: Óc dê 1 bộ, kỷ tử 50g, óc dê rửa sạch, hấp cách thuỷ cùng kỷ tử rồi chế thêm gia vị ăn trong ngày.

Hoặc: Óc lợn 1 bộ rửa sạch huyết, loại bỏ gân máu, hoài sơn 15g, kỷ tử 15g. Tất cả đem hấp cách thuỷ rồi chế thêm gia vị, ăn trong ngày.

Lưu ý: Các loại óc động vật có tác dụng tương tự như nhau, tuỳ theo điều kiện có thể linh hoạt sử dụng. Tác dụng: Chữa chứng chậm phát triển trí tuệ của trẻ em, làm tăng trí nhớ và khả năng hoạt động của não bộ.

Theo Lương y Quốc Trung (Suckhoedoisong.vn)

Củ năng – Vị thuốc vạn năng

Củ năng (còn gọi là củ mã thầy) và nhiều tên khác: mã đề, địa lê, thông thiện thảo, tên khoa học: Eleocharis dulcis (Burmef) họ cói, được dùng làm thức ăn và thuốc từ lâu đời.

Củ năng vị ngọt, tính hàn (có sách ghi tính bình). Do tính lạnh nên kỵ tỳ thận hư hàn, trẻ em đái dầm. Củ năng có công dụng ích khí, an trung, khai vị tiêu thực, giải thực nhiệt trong ngực, sinh tân chỉ khát, trị 5 loại nghẹn ngạt ở cơ hoành, chữa tiêu khát, tăng huyết áp, ung thư, vàng da, phân hủy kim loại (đồng). Sách Bản thảo cầu chân nói: "Mã thầy phá tích trệ, cầm máu, chữa lỵ, trị nhọt, lên đậu, giải độc, làm trong giọng, chữa say rượu". Sau đây xin giới thiệu với bạn đọc một số món ăn - thuốc từ củ năng:

Chữa sởi, thủy đậu: Củ năng tươi, sinh tân chữa khát cho trẻ em, cho nhai nhỏ, nếu non nhai nuốt cả nước lẫn cái. Hoặc mài bột pha nước uống và làm bánh ăn còn giúp tiêu hóa tốt, chữa tích trệ ở trẻ em, nhiều đờm dãi.

- Nước uống: Củ năng 60g, cà rốt 60g, hành tây 30g, nước vừa đủ. Nấu kỹ uống thay trà.

- Củ năng tươi 10 củ nghiền mịn, cơm rượu nếp 100g. Nấu chín ăn ngày 2 lần, ăn trong 7 ngày. Thích hợp với sởi, thủy đậu thời kỳ cuối và ngoại cảm phong nhiệt.

- Củ năng tươi 10 củ, nước củ cải trắng 500ml, ít đường. Nấu sôi uống nóng 20ml, uống trong vài ngày. Thích hợp sởi thời kỳ cuối và trường hợp ho khát nước.

Thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu: Củ năng 100g, đới tử, đường phèn 30g, 2.000ml. Đun nước sôi để nhỏ lửa 20 phút.

Thanh nhiệt, lợi thủy: Củ năng 60g, củ cải trắng 150g, gạo 200g, nấu cháo. Rau năng 100g, củ năng 100g, nấm hương 50g. Dầu vừng gia vị tùy ý, xào qua rồi cho nước đun sôi mới cho rau năng rồi cho bột vào sền sệt là được.

Bổ phế thận: Củ năng 100g, bầu dục lợn 2 cái, cắt đôi, đường phèn 30g đập nát, 2.000ml nước. Làm sạch đun sôi 25 phút.

Khử mỡ, hạ áp, tiêu thũng, thanh nhiệt: Củ năng 100g, thịt heo nạc 300g, rau cần 200g, dầu, hành, đường xào chín.

Thanh nhiệt tiêu thũng: Củ năng 100g, vịt nước thịt 500g, đường phèn 30g.

- Củ năng 60g, cá diếc 300g, hành, giấm, đường 20g.

Còn có nhiều món khác: củ năng xào các loại thịt, củ năng xào ngó sen...

Thanh nhiệt trừ đờm, hạ huyết áp, chữa táo bón: Củ năng với da sứa, mỗi thứ 60g, nấu thành Tuyết canh thang (một cổ phương nổi tiếng lâu đời).

- Tuyết canh thang chữa tràng nhạc bọc mủ sưng to: Củ năng 150g, da sứa 90g, củ năng bỏ vỏ, da sứa ngâm rửa sạch. Hấp chín chia 2 lần ăn hết trong ngày, ăn liền 10 ngày.

- Củ năng 500g, sứa biển 500g. Sắc nước đặc rồi cho bột khoai môn 500g vào trộn đều làm viên nhỏ. Ngày uống 15g, chia 2 lần trong 30 ngày.

Thanh nhiệt ở phế - vị, sinh tân dịch, đỡ khô khát, chữa ho nhiệt, táo bón, đau mắt sưng đỏ, kéo màng mộng: củ năng ép lấy nước, hòa nước rễ cỏ tranh tươi, nước ép lê, nước ngó sen để uống.

Lợi thủy, tiêu thũng dùng mầm củ năng sắc uống.

Chữa chứng đái ra máu: Củ năng 150g, rau câu, râu ngô mỗi thứ 30g, sắc uống.

Chữa chứng mụn nước: Củ năng 6 củ, rửa sạch giã nát, lòng trắng trứng 1 quả, trộn đều bôi lên.

Chữa chứng đầu vú nứt nẻ: Củ năng 6 củ giã nát ép lấy nước, thêm một ít băng phiến bôi lên.

Chữa ho gà: Mật ong 50g, màng mề gà 10g sao vàng tán bột, tỏi 10 tép ép lấy nước. Củ năng 500g ép lấy nước. Cho vào một lượng nước vừa phải đun sôi. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 3 thìa con.

Trẻ em viêm niêm mạc miệng: Củ năng 6 củ thái nhỏ sao tồn tính, tán bột trộn dầu vừng bôi.

Chảy máu cam do vị nhiệt: Củ năng 500g, ngó sen tươi 500g, củ cải trắng 500g, sắc uống ngày 1 thang trong 3 ngày.

Chân răng sưng đau chảy máu: Củ năng tươi 125g, lê 2 quả, ngó sen 250g, sinh địa 15g, đường. Nấu nước uống ngày 1 thang trong 3 - 4 ngày liền.

Phụ nữ băng huyết: Củ năng loại 1 tuổi 1 củ, đốt tồn tính tán thành bột, uống với ít rượu gạo nhẹ.

Trĩ chảy máu: Củ năng 500g giã nhỏ, địa du 30g, đường đỏ 150g sắc trong 1 giờ. Ngày uống 2 lần, uống trong 3 ngày.

Phòng và hỗ trợ điều trị ung thư vì có tính nhuyễn kiên, tiêu tích.

- K thực quản

Củ năng 30g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Củ năng 20g, hậu phác 6g, trần bì 6g, bạch đậu khấu 6g, cát căn 20g, mật ong 60g, đường phèn, đường trắng, rượu vừa đủ. Ngâm 5 - 10 ngày. Uống mỗi lần 10 - 15ml x 2 lần/ngày.

- K thực quản, họng, phổi: Nước củ năng 10g, nước lê 10g, nước ngó sen 10g, nước mạch môn 10g, nước lô căn 10g. Trộn đều uống hằng ngày.

- K thực quản, phổi, vú, ruột: Củ năng tươi 60g, hải triết bì 30g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

- K não: Củ năng 40g, tam thất 10g, bán chi liên 30g, bạch hoa xà thiệt thảo 30g, thạch quyết minh 30g, bán hạ 10g, bạch truật 15g, cương tàm 10g, thiên ma 10g, toàn yết 3g, trọng lâu 15g. Sắc uống ngày 1 thang.

Thời kỳ hồi phục nên ăn thường xuyên củ năng.

Theo BS. Phó Thuần Hương (Sức khoẻ và đời sống)