Lưu trữ cho từ khóa: thể lực

Hoạt động thể lực – Đơn thuốc phòng chữa bệnh

 

Ai cũng biết tập thể dục có lợi cho sức khỏe nhưng hoạt động thể lực được coi như một đơn thuốc để phòng và chữa bệnh vẫn là điều khá mới mẻ với nhiều người.

Bà Trần Thị Thục, 72 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng - Hà Nội, mắc bệnh tim mạch từ nhiều năm nay nên sức khỏe rất yếu. Vì cho rằng vận động sẽ khiến mệt mỏi và bệnh nặng thêm nên bản thân bà cũng rất ít khi tập thể dục.

Gần 1 năm qua, trong đơn thuốc của bà, ngoài những loại thuốc điều trị tim mạch, các bác sĩ Bệnh viện Lão khoa Trung ương còn kê thời gian và cách tập thể dục sao cho phù hợp với bệnh tình và sức khỏe. Trong lần tái khám gần đây, bà Thục cho biết từ ngày được kê đơn và hướng dẫn luyện tập thể lực với 30 phút đi bộ buổi sáng và 30 phút đi bộ buổi chiều, sức khỏe của bà tốt hơn hẳn.

Tăng tuổi thọ 6-9 năm

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Huyền, Chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường Bệnh viện Lão khoa Trung ương, nhiều bệnh nhân điều trị tại đây sau một thời gian vận động, tập thể dục theo hướng dẫn của thầy thuốc, các chỉ số về tim mạch, huyết áp… được cải thiện rõ rệt.

Các đánh giá tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho thấy hoạt động thể lực đã có những tác dụng nhất định trong việc giảm nhẹ các triệu chứng một số bệnh không lây nhiễm như béo phì, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, loãng xương, đau lưng, đau khớp…


Kỹ thuật viên hướng dẫn bệnh nhân luyện tập thể lực

- Ảnh: chụp tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương

TS Trần Thanh Hương, giảng viên Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết tại nhiều quốc gia trên thế giới, hoạt động thể lực được coi như một “phương thuốc” và cũng được kê đơn như các thuốc chữa bệnh khác. Mỗi bệnh nhân sẽ được bác sĩ cung cấp một đơn gồm những bài tập thể lực được cá nhân hóa cho chính họ hoặc cho một nhóm để phục vụ việc điều trị.

Hoạt động này đã được chứng minh là phát huy tác dụng dự phòng và giảm nhẹ triệu chứng trong một số bệnh như đái tháo đường, béo phì, hội chứng chuyển, bệnh lý tim mạch, loãng xương, đau lưng, đau khớp, rối loạn lo âu và trầm cảm. Việc tập luyện 10 phút mỗi ngày còn làm giảm nguy mắc bệnh ung thư vú, ung thư đại tràng…

“Các nghiên cứu gần đây cho thấy hoạt động thể lực sẽ giúp tăng tuổi thọ lên 6-9 năm”- TS Hương nhấn mạnh.

Kê đơn tập thể dục

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện 75% trường hợp tử vong là do các bệnh không lây nhiễm và lười hoạt động thể lực là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm. Tuy vậy, tại Việt Nam, khái niệm kê đơn hoạt động thể lực còn rất mới mẻ với cộng đồng và ngay cả với giới chuyên môn y tế.

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Tường, Trường ĐH Y Hà Nội, các hoạt động luyện tập và kê đơn hoạt động thể lực tại nước ta hiện còn mang tính đơn lẻ, tự phát. Trong bối cảnh các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng, việc xây dựng hệ thống các bài tập thể lực phù hợp với lứa tuổi, giới, nghề nghiệp và loại bệnh là rất cần thiết.

PGS-TS Tường cho rằng mọi người đều có thể  giảm chi phí điều trị bằng cách thay đổi lối sống, luyện tập thể lực. Đơn giản nhất là đi bộ với cường độ nhẹ 5 ngày/tuần, thời lượng tăng dần từ 5-10 phút lên 20-30 phút/ngày. Đôi khi là đi bộ thay vì đi thang máy. Hay như ứng dụng “bài thuốc” vận động giảm nguy cơ rối loạn chuyển hóa tim mạch ở người thừa cân là: giảm 2 giờ ngồi 1 chỗ mỗi ngày, đi bộ nhanh khoảng 1.500 bước trong 2 giờ rưỡi, chia làm 3 lần/tuần…. “Tuy vậy, tập luyện cũng phải vừa sức, phù hợp và thích nghi dần với thể lực từng người. Khi người tập thấy đổ mồ hôi, mệt, thở dốc và đạt đến ngưỡng nhịp tim theo yêu cầu, chứng tỏ hoạt động thể lực  đã đủ” - PGS-TS Tường tư vấn.

GS Carl Johan Sundberg, Viện ĐH Karolinska - Thụy Điển, cho biết kê đơn hoạt động thể lực là phương thức điều trị bệnh không lây nhiễm không cần dùng thuốc, được sử dụng lần đầu tại Thụy Sĩ và cách đây 2 năm được áp dụng tại Thụy Điển. “Chỉ gia tăng nhỏ trong hoạt động thể lực cũng có liên quan tới sự cải thiện tình trạng sức khỏe. Vận động nhiều tốt hơn vận động ít và vận động ít tốt hơn là không làm gì”- GS Carl Johan Sundberg nhấn mạnh.

Bộ Y tế cho biết sẽ nghiên cứu, xây dựng hành lang pháp lý để đưa hoạt động thể lực như một đơn thuốc trong phòng và điều trị các bệnh không lây nhiễm.

Rất ít phản ứng phụ

Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cho biết không một loại thuốc nào có thể đặc trị được 10 bệnh cùng lúc. Tuy nhiên, hoạt động thể lực có thể giúp cải thiện nhiều yếu tố như giảm huyết áp, giảm lipid máu, đường huyết, người bệnh năng động hơn và tạo sức bật trong cuộc sống. Bất cứ loại thuốc nào cũng có tác dụng phụ, dù ít hay nhiều nhưng hoạt động thể lực rất ít có phản ứng phụ. “Tuy nhiên, vì được kê như một đơn thuốc chữa bệnh nên hoạt động thể lực cũng cần có chỉ định và chống chỉ định trong những trường hợp cụ thể đối với từng người” - bác sĩ Thanh lưu ý.

(Theo Thanhnien)

 

4 sai lầm thường gặp ở phòng tập thể dục

Bạn luyện thể lực rất thường xuyên nhưng vẫn kết quả vẫn không tiến triển mấy? Sau đây có thể là một vài lý do phổ biến.

1. Luôn luôn tập cùng một bài tập

"Mọi người thường hay chọn tập chạy máy chạy bộ trong 30 phút cho mỗi lần họ tập workout", Rachel Cosgrove, quản lý của Results Fitness tại Santa Clarita, California cho biết. "Ban đầu có thể rất hiệu quả, nhưng sau đó cơ thể bạn bắt đầu điều chỉnh thói quen và bạn đốt cháy lượng calo ít hơn".

Để có kết quả tốt nhất, hãy thay đổi một yếu tố trong tập luyện ví dụ như thay đổi cường độ, thời gian mỗi chuyến đi đến phòng gym, sau đó cứ mỗi 3-4 tuần lại chuyển đổi hoàn toàn hoạt động của bạn.

2. Mất tập trung

Nếu bạn có thể vừa xem TV vừa tập thì chắc chắn độ tập trung của bạn chưa đủ. Bạn muốn thư giãn khi đang tập chạy, hãy thử chế độ luyện tập ngắt quãng.

Sau năm đến sáu phút làm ấm trên máy tập, tập với cường độ cao trong một phút, sau đó làm giảm cường độ lại trong hai phút. Cứ luân phiên như thế trong năm hiệp tập, tăng số lượng quãng tập ngắt quãng cho mỗi lần.


3. Không tận dụng độ nghiêng

Điều chỉnh máy chạy bộ với độ nghiêng giúp làm tăng hoạt động của cơ mông và gân kheo, do đó chúng được cải thiện mạnh mẽ hơn và đốt cháy nhiều calo. Tùy thuộc vào mức độ thể lực của bạn, chỉnh độ nghiêng từ 6% đến 10%.

4.Nạp nhiên liệu quá độ

Bạn không cần cứ mỗi buổi chiều phải nhâm nhi đồ uống thể thao, sau đó ăn một thanh thực phẩm năng lượng tại phòng tập thể dục, và sau đó thêm thức uống shake sau buổi tập. Thay vì vậy, giới hạn mình ở khoảng 300 calo, bằng với số calo đốt cháy trong một buổi workout trung bình 30 phút. Lượng calo nạp vào nhiều hơn sẽ không thể làm bạn ốm đi được.

Meo.vn (Theo Thegioidanong)

3 yếu tố phát triển chiều cao

Nhiều người lầm tưởng cha mẹ cao lớn, ắt con sinh ra cũng có dáng vóc to cao. Tuy nhiên, yếu tố di truyền chỉ đóng góp một phần, còn lại là do những yếu tố khác như: Dinh dưỡng, môi trường và luyện tập…

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với phát triển chiều cao của trẻ.

1.Yếu tố về dinh dưỡng

Vai trò của Protein (chất đạm): Chất đạm đóng vai trò thiết yếu trong cấu trúc cơ thể, đặc biệt là các chất đạm từ động vật với đầy đủ các axit amin cần thiết.

Vai trò của Canxi: Canxi là chất dinh dưỡng chính tham gia vào cấu trúc hệ xương, thiếu canxi sẽ ảnh hưởng đến sức lớn và sự vững chắc của xương. Vai trò của Lipid (chất béo): Chất béo rất quan trọng trong sự phát triển các xương dài của trẻ khi còn nhỏ. Đồng thời, chất béo còn giúp tăng cường hấp thu tốt các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D... giúp hệ xương phát triển tốt.

Vai trò của vi chất dinh dưỡng: Các nghiên cứu tiến hành gần đây cho thấy ảnh hưởng thiếu vi chất dinh dưỡng đến suy dinh dưỡng thể thấp còi, đặc biệt đáng chú ý là ảnh hưởng do thiếu kẽm, sắt, vitamin A và thiếu i-ốt.


2. Yếu tố về môi trường - xã hội

Yếu tố môi trường và xã hội có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển thể lực trẻ em, đặc biệt là phát triển chiều cao. Trẻ dễ bị suy dinh dưỡng thấp còi khi sống trong điều kiện kinh tế - xã hội kém phát triển, môi trường thiếu vệ sinh, không đủ nước sạch, thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh và chất lượng chăm sóc kém.

3. Luyện tập thể dục thể thao

Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao có tác dụng rất tốt tới sự phát triển thể lực và tăng cường các phản xạ nhanh nhẹn, bền bỉ, dẻo dai. Nhiều môn thể thao hỗ trợ tốt cho phát triển chiều cao như: Bơi, nhảy cao, chạy...

Như vậy, mọi can thiệp nhằm cải thiện chiều cao của con người cần phải thực hiện sớm, càng sớm càng tốt ngay từ những tuần đầu tiên của thai nhi. Quá trình chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe cần được tiếp tục thực hiện đồng bộ trong suốt quá trình tiếp theo, từ khi trẻ ra đời, thời kỳ bú mẹ, tuổi nhà trẻ mẫu giáo, tuổi học sinh, tuổi vị thành niên.

Gần đây người ta đã thừa nhận cách tiếp cận mới là cần thực hiện chăm sóc dinh dưỡng sớm cho các bé gái từ học sinh, từ tuổi vị thành niên cho đến trước khi có thai. Đồng thời trong quá trình chăm sóc nuôi dưỡng trẻ cần đặc biệt quan tâm đến những giai đoạn trọng điểm của phát triển chiều cao, đó là thời kỳ bào thai, năm đầu tiên của cuộc đời và thời kỳ tiền dậy thì. Trong những giai đoạn này, tác động của yếu tố dinh dưỡng có ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển chiều cao.

Trẻ lớn nhanh lúc tiền dậy thì

Sau khi ra đời, trong năm đầu tiên chiều cao trẻ phát triển nhanh, khi trẻ 1 tuổi, trẻ sẽ có chiều cao gấp rưỡi lúc mới đẻ. Từ 1 tuổi đến 10 tuổi trẻ ở giai đoạn lớn đều mỗi năm tăng trung bình khoảng 5cm. Khi đến thời kỳ tiền dậy thì trẻ lớn rất nhanh. Hiện tuổi tiền dậy thì của trẻ em Việt Nam là 9 - 11 tuổi đối với nữ và 12 - 14 tuổi đối với nam. Lứa tuổi này, chiều cao của trẻ nữ tăng mỗi năm khoảng 6cm và trẻ nam là 7cm. Khi đến tuổi dậy thì, sức lớn chậm lại, mỗi năm tăng khoảng 2cm. Giai đoạn tiếp theo cho đến 25 tuổi thì sức lớn rất chậm, chỉ tăng 1-2cm hoặc hầu như không tăng. Cơ thể con người hết tuổi lớn với nữ là khoảng 23 tuổi và nam là 25 tuổi.

PGS.TS Đỗ Thị Kim Liên
Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Meo.vn (Theo Giadinh)

Chớ hoảng khi trẻ táy máy… “chỗ ấy”

Một số bà mẹ có khuynh hướng âu yếm, thậm chí hôn vào bộ phận sinh dục của trẻ… Hành vi này tạo sự nhạy cảm rất lớn nơi vùng sinh dục của trẻ, cần phải tránh.

Tại mục Hành trình làm cha mẹ tốt trên diễn đàn www.lamchame.com, nhiều bà mẹ lo lắng khi thấy con mới ba tuổi, năm tuổi thường táy máy, nghịch ngợm “chỗ ấy”. Thành viên zucchini chia sẻ: “Con gái tôi ba tuổi đã biết “thủ dâm”. Cháu cứ khép hai chân và sau đấy rơi vào cảm giác đê mê, không biết những chuyện xung quanh. Tình trạng của cháu rất nặng, “thủ dâm” gần như bất kỳ lúc nào có thể, khi chuẩn bị ngủ, lúc xem tivi, đọc sách…”.

Học tập sa sút

Thành viên zucchini chia sẻ tiếp: “Con gái tôi nay đã bảy tuổi nhưng vẫn táy máy “chỗ ấy” nên ảnh hưởng sức khỏe và học tập. Cháu ăn uống bình thường nhưng gầy gò, xanh xao. Không chỉ thế, đầu óc cháu càng mụ mị, học hành sa sút.
Do lúc nào cháu cũng nghĩ đến “chuyện kia” nên tôi lo lắng đến tuổi dậy thì cháu sẽ ra sao”.

Thành viên bomevacon kể lại câu chuyện của cô H., giáo viên trường mầm non: “Nhiều năm gắn bó với trẻ độ tuổi lên bốn, lên năm, cô H. từng chứng kiến trẻ thủ dâm ngay trong lớp học, cả trai lẫn gái. Có bé gái đến giờ đi ngủ là nằm sấp, cho tay vào “chỗ ấy”, còn bé trai suốt ngày táy máy “vòi voi”, gí gí xuống chiếu… Nghe cô giáo nhắc nhở thì các bé giật mình, ngượng ngùng, xấu hổ. Tuy vậy, các bé vẫn lén lút nghịch ngợm “chỗ ấy” khi vắng mặt cô giáo”.

Hudson, cũng là thành viên của diễn đàn www.lamchame.com, đã tâm sự: “Tôi hoảng hồn khi đọc bài viết của các chị. Cho dù thủ dâm là hiện tượng tâm sinh lý bình thường nhưng nếu sớm quá thì không tốt. Tôi có con gái chưa đầy năm tuổi nhưng thường xuyên nghịch ngợm “chỗ ấy”, la rầy hoài vẫn không bỏ”.

Tương tự, thành viên me_bach lo lắng: “Thằng nhóc nhà em mới hơn bảy tháng thôi nhưng thỉnh thoảng thò tay cấu “vòi voi”, người cứng đơ… Thủ dâm là chuyện bình thường nhưng ở tuổi nhỏ thì không ổn lắm, rất cần ý kiến của chuyên gia”.


Trẻ mới lớn thường có xu hướng muốn khám phá một số bộ phận cơ thể. Ảnh minh họa: HTD

Trẻ muốn khám phá bản thân

BS Phạm Ngọc Thanh, nguyên Trưởng Đơn vị Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), cho rằng hành vi táy máy, nghịch ngợm “chỗ ấy” của trẻ dưới năm tuổi không phải thủ dâm, mà là muốn khám phá bản thân. “Trẻ khám phá một số bộ phận cơ thể có khả năng tạo cảm giác cho trẻ. Chẳng hạn nhạy cảm ở da, hậu môn khi đi cầu, niệu và sinh dục khi tiểu tiện hoặc tắm rửa… Những lần đầu gây cảm giác thích thú ngẫu nhiên nhưng sau đó trẻ có khuynh hướng tìm kiếm hoặc tái tạo những cảm giác này. Hành vi đó hoàn toàn bình thường ở trẻ khi trẻ chưa có khái niệm ngượng ngùng hoặc cấm đoán. Vì thế trẻ không ngần ngại sờ mó hoặc phô trương bộ phận sinh dục trước mặt người khác” - BS Thanh nói.

Theo BS Thanh, hành vi khám phá bản thân của trẻ không kéo dài quá lâu nên người lớn đừng quan trọng hóa. Tuy nhiên, người lớn cần tránh gây kích thích nơi trẻ. “Một số bà mẹ có khuynh hướng âu yếm, thậm chí hôn vào bộ phận sinh dục của trẻ… Hành vi này tạo sự nhạy cảm rất lớn nơi vùng sinh dục của trẻ, cần phải tránh. Phim ảnh gợi dục cũng kích thích trẻ bắt chước, vì vậy người lớn cần thận trọng khi chọn lọc chương trình truyền hình cho trẻ” - BS Thanh nhắc nhở.

Đồng quan điểm trên, BS Thái Thanh Thủy, Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM), cho biết thêm trẻ từ ba đến sáu tuổi đang trong giai đoạn phát triển tâm lý. Trẻ bắt đầu tìm hiểu và phân biệt giới tính. Việc tìm hiểu giới tính cũng như tự khám phá cơ thể đem lại cho trẻ cảm giác thích thú, trẻ có thể lặp đi lặp lại hành vi này. “Hành vi này không kéo dài quá lâu, không làm xáo trộn đời sống của trẻ. Tinh nghịch, táy máy “chỗ ấy” chỉ ảnh hưởng sức khỏe và học tập của trẻ khi kéo dài quá tuổi cho phép” - BS Thủy lưu ý.

BS Thủy khuyên người lớn không nên la mắng khi thấy trẻ nghịch ngợm “chỗ ấy”. Cần hướng trẻ tham gia những hoạt động thể lực khác. Dạy trẻ không nên táy máy “chỗ ấy” nơi công cộng, đông người. “Có thể có nguyên nhân bất thường nếu trẻ đã trên ba tuổi và hành vi trên thường xuyên lặp lại kéo dài trong một tháng. Cha mẹ đừng ngần ngại mang trẻ đến khám tâm lý khi có những biểu hiện bất thường để được hướng dẫn cụ thể cho từng trường hợp” - BS Thủy lưu ý.

Người lớn cần chú ý nếu trẻ có hành vi muốn khám phá bản thân quá nhiều, kèm sự thay đổi đáng kể về hành vi như buồn bã, thu mình, hung bạo, học tập sa sút, phô trương hoặc bẽn lẽn quá mức… Trẻ có thể là nạn nhân của việc lạm dụng tình dục hoặc bị rối loạn do thấy cảnh âu yếm.

BS Phạm Ngọc Thanh, nguyên Trưởng Đơn vị Tâm lý
Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM)

 

Meo.vn (Theo Pháp Luật TPHCM)

Ăn lê giảm nguy cơ thoái hóa võng mạc

Đỏ, xanh hay vàng, lê luôn là loại trái cây ôn đới có tính giải khát tốt và có lợi cho sức khỏe.

Với hơn 2.000 chủng loại, lê (Pirus Communis) từng là trái cây ưa thích của vua Louis XIV. Lê được thu hoạch quanh năm, chín ngọt đậm đà hơn sau khi hái xuống khỏi cây vài ngày. Cây lê hoang dã có thể cao đến 12m và sống hàng thế kỷ do rễ ăn rất sâu.

Thành phần và tính năng

Trái lê ít calori (58 Kcal/100g), nhiều chất xơ, rất giàu vitamin A, vitamin nhóm B, E và C, đường, tanin, sắt, vôi, sorbitol, phosphor, potassium và magiê, nên ngoài tính năng giải khát còn có tác dụng nhuận trường, thanh lọc, bổ dưỡng và kháng oxy hóa.

Tanin và muối potassium trong lê làm tan acid uric, nguyên nhân gây bệnh gút, xoa dịu các cơn đau do phong thấp, thấp khớp dạng thấp.

Ảnh: Shutterstock

Có nghiên cứu cho thấy ăn lê thường xuyên có thể giúp: bảo vệ cơ thể khỏi bệnh ung thư vú sau mãn kinh; giảm nguy cơ thoái hóa võng mạc, nguyên nhân chính dẫn đến mất thị lực ở người lớn tuổi; hạ huyết áp và giảm nguy cơ tai biến mạch máu não; cải thiện sức khỏe tá tràng; phục hồi thể lực nhanh và củng cố hệ miễn dịch; xoa dịu các cơn đau do viêm từ nguyên nhân khác nhau; giảm nguy cơ loãng xương vì thành phần bore trong lê giúp giữ canxi.

Lá cây lê làm nước hãm (100g lá non/1 lít nước) dùng để uống thay nước có thể giúp thải độc tố và lợi tiểu, còn nước ép lê thì được sử dụng để hạ sốt cho trẻ con.

Trái lê được các bác sĩ khuyên dùng kết hợp trong các điều trị chứng tiểu són, bệnh về bàng quang hay tuyến tiền liệt. Trái lê cũng được đánh giá là loại trái cây hiền, không gây dị ứng.
Chọn mua và bảo quản

Khi mua, chọn những trái không vết thâm, nhẵn, chắc tay. Trái chưa chín có vỏ bóng và sáng, còn những trái chín lớp vỏ xỉn màu hơn. Đối với lê không nên rửa trước mà ăn trái nào thì rửa trái nấy để không bị thâm. Lê có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng từ 2-3 ngày để cho hương vị đạt được mức tối đa.

Meo.vn (Theo Thanhnien)

“Yêu” lúc nào sẽ tốt cho sức khỏe?

Chu kỳ “ham muốn” của đàn ông và phụ nữ rất khác biệt, nhưng không thể xác định thời điểm nào thích hợp nhất và thuận tiện nhất cho cả hai bên, phần lớn tùy thuộc rất nhiều vào cảm hứng yêu của hai người. Chỉ cần lưu ý duy trì sức khỏe dẻo dai để cuộc yêu trọn vẹn cho cả hai bên.

Nên yêu lúc nào?

- Yêu vào buổi sáng sẽ dễ lên đỉnh: Sau một đêm ngủ dậy, cơ thể chúng ta vừa trải qua giai đoạn được nghĩ ngơi và tích tụ năng lượng, người đàn ông lúc này rất dồi dào sinh lực do mức độ testosteron trong máu tăng lên cao. Họ sẵn sàng cho một cuộc yêu đầy hứng khởi. Tuy nhiên, phụ nữ lại thường cảm thấy không thoải mái khi chưa được vệ sinh cá nhân và lo nghĩ đến một ngày đầy bận rộn. Cách khắc phục đó là hãy tận dụng những buổi sáng  cuối tuần để lên đỉnh cùng chàng nhé!

Buổi sáng là lúc chàng tràn trề sinh lực nhất. Ảnh minh họa

- "Yêu" sau bữa tối 2 giờ:

Lúc này cơ thể đã được cung cấp đầy đủ năng lượng, bạn đang đầy sinh lực cho chuyện "yêu". "Yêu" vào thời điểm này cũng giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa và đây cũng là loại thần dược giúp bạn ngủ ngon hơn. Nhưng trong trường hợp bạn đã mất quá nhiều năng lượng cho một ngày làm việc vất vả thì hãy dành thời gian nghĩ ngơi. Nếu cố "chiều" đối tác trong tình trạng cơ thể suy nhược bạn cũng làm sẽ làm suy giảm "chất lượng cuộc yêu". 

- Chọn ngày yêu vào giữa tuần:

Ngày thứ tư trong tuần là thời điểm dễ chịu dành cho cuộc chăn gối cho các hai phái, đó là nghiên cứu của các nhà khoa học Anh. Lúc này hàm lượng testosteron ở nam giới và estrogen ở nữ giới tăng gần 5 lần so với các thời điểm khác, khiến cả hai bên cùng ở trong tình trang ham muốn cao độ. Nếu "yêu" vào tảng sáng ngày thứ tư thì dễ đạt được khoái cảm cao nhất và cũng rất tốt cho sức khỏe. 

- Sau bữa ăn trưa khoảng 2 giờ:

Đây cũng là thời điểm rất thích hợp cho chuyện yêu vì thời gian này, cơ thể của nàng đã sẵn sàng cho việc thụ thai, còn cơ thể của chàng lúc này cũng sản xuất lượng tinh dịch lớn và có chất lượng. Đây là thời điểm phù hợp nhất để thụ thai. 

Tránh yêu lúc nào?

- Không thể lao vào yêu ngay sau bữa ăn với một cái bụng thật no. Chắc chắn cả hai đều khó cảm thấy thoải mái lắm. Hơn nữa, việc yêu ngay sau bữa ăn cũng khiến bạn dễ mắc những cơn đau dạ dày và mệt mỏi. Hơn thế nữa, bạn sẽ tiêu hao nhiều năng lượng vào cuộc yêu sau bữa trưa và sau đó khó lòng hoàn thành tốt công việc vào buổi chiều.

Không nên gượng ép "yêu" khi cơ thể đang mệt mỏi. Ảnh minh họa

- Cũng không nên yêu với một cái bụng quá đói. Năng lượng trong người bạn đang giảm nghiêm trọng thì thể lực của bạn cũng đang cạn kiệt, tinh lực không dồi dào và khó lòng đạt được sự sung mãn. Lúc này, bạn bị phân tâm bởi cái bụng đang ra sức kêu gào hẵn sẽ khó toàn vẹn  cho chuyện "yêu". Nhiều người còn cho rằng nếu khi quan hệ trong khi bụng trống rỗng thì đứa trẻ sinh ra sẽ còi cọc. 

- Tránh yêu vào ngày thứ hai vì sau những ngày cuối tuần bận rộn với gia đình, cơ thể bạn cũng đang mệt mỏi, cộng thêm công việc ngập đầu cho một tuần mới, nếu yêu vào lúc này, bạn sẽ khó lòng đến chỗ làm với toàn thân ê ẩm và uể oải. 

- Đối với nam giới, cần tránh yêu khi cơ thể suy yếu, cảm giác căng thẳng thần kinh, hoặc mới uống rượu. Nếu không, bạn sẽ dễ bị chứng Thượng mã phong – đây là tình trạng chết đột tử trong khi giao hợp, một trong những nguyên nhân thường gặp trên người bệnh nhân có sẵn bệnh về tim - mạch.  Trong quá trình giao hợp thần kinh thực vật bị kích thích quá mức, dẫn đến trụy tim mạch do nhồi máu cơ tim cấp, xuất huyết não, tim - phổi bị chèn ép, thuyên tắc động mạch phổi, bệnh lý mạch vành, hạ huyết áp đột ngột…. Việc "yêu" lúc say rượu cũng dễ sinh ra những đứa con không khỏe. 

- Không nên yêu khi trên cơ thể bạn đang mắc những chứng bệnh lây qua đường quan hệ tình dục. Bạn hãy chủ động điều trị cho dứt điểm trước khi nhập cuộc để bảo vệ cho sức khỏe của cả hai vợ chồng.

Meo.vn (Theo Sucsongmoi)

Đau trì cột sống sau khi sinh

Ảnh: Internet

Hỏi:

“Tôi 31tuổi, vừa sinh con được 6 tháng. Sau khi sinh khoảng hơn 1 tháng, cột sống của tôi luôn có cảm giác bị chằn nặng, hơi đau, tê”.

Tôi thấy lo lắng vì không biết mình có bị đau trì cột sống sau khi sinh? Bàn tay, ngón tay của tôi luôn bị tê, cứng, không biết đó có phải là biểu hiện của bệnh này không? Nhiều người nói có lẽ do tôi không biết ủ ấm trong thời kì hậu sản nên mới bị vậy. Tôi băn khoăn không biết mình có nên đi khám hay trị liệu không? Tôi cũng không biết mình nên đi khám ở chuyên khoa nào”.

Bác sĩ Thái Thị Hồng Ánh, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau kiểu nặng trì, cảm giác tê cột sống và bàn tay, ngón tay bị tê...

Sau sinh 1 tháng, tình trạng đau có cảm giác kiểu nặng trì và tê cột sống (thường thấy ở vùng thắt lưng – ngang eo trở xuống) của sản phụ được bác sĩ Ánh phân tích: thông thường khi có thai, cột sống thắt lưng sẽ chịu đựng thêm một trọng lượng tương đương 5-10 kg bao gồm em bé, nước ối, nhau thai, v.v… Vì vậy, thường xảy ra tình trạng tăng ưỡn của cột sống (hyperlordosis) và gây đau lưng. Sau khi sinh, cột sống của sản phụ chưa thích nghi với tình trạng mới (không còn tải nặng) cộng thêm việc chăm sóc bé đòi hỏi phải thường xuyên khom lưng… Do đó, sản phụ có thể sẽ đau thắt lưng. Chuyên gia nội cơ xương khớp cũng nói thêm, một vài nguyên nhân khác như nhiễm trùng đường tiểu cũng hay gây ra triệu chứng đau vùng thắt lưng. Vì vậy, ở những người bị tình trạng trên nên nghỉ ngơi và có hoạt động thể lực hợp lý như nằm nghỉ khi đau, có thể massage nhẹ nhàng vùng thắt lưng, hạn chế các động tác khom lưng, uống nước nhiều và sắp xếp thời gian tập thể dục nhẹ nhàng. Nếu tình trạng đau kéo dài trên một tháng sau khi đã áp dụng những biện pháp này, người bệnh nên đến các cơ sở y tế có khoa nội cơ xương khớp để khám và được tư vấn.

Riêng bàn tay, ngón tay bị tê có thể là biểu hiện của nhiều bệnh. Nhẹ nhất có thể do rối loạn điện giải như thiếu các chất khoáng (Calci, Kali, Magné…). Ngoài ra, cũng có thể là biểu hiện của hội chứng ống cổ tay. Đây là tình trạng bệnh lý do thần kinh phụ trách vùng ngón tay đó bị chèn ép tại khu vực ống cổ tay… Để xác định rõ hơn, người bệnh nên đi khám ở cơ sở y tế có khoa nội cơ xương khớp để được khám và tư vấn.

 

Meo.vn (Theo PNO)


Cách rèn luyện sức khỏe hài hòa

Tập thể dục thể thao hay chỉ thực hiện những vận động thông thường như quay trái, quay phải… cũng phải đúng cách.

Có như vậy thì các hệ thống, cơ năng của cơ thể mới được vận hành - rèn luyện giao thoa, sức khỏe mới hài hòa.

Kết hợp thân thể và đầu óc

Người tập không chỉ vận động (VĐ) thể lực như đi bộ, chạy, chơi bóng, bơi, đánh xà,…, kể cả lao động chân tay có tác dụng dưỡng sinh, mà còn rèn luyện vui nhẹ tùy chọn về trí lực bằng chơi cờ, đánh đàn, làm thơ, câu đối, giải đố, viết chữ, đọc truyện vui, học thuộc ít từ ngoại ngữ, bài thơ ca… Tập đi bộ, chạy chậm dài có lợi cho giữ gìn tinh lực của người lao động trí óc.

Vận động tốt giúp tăng cường sức khỏe

Kết hợp động và tĩnh

Một mặt cần thường xuyên rèn luyện thể lực và trí lực. Mặt khác, mỗi ngày có thể dùng khoảng 30 phút để ngồi hay đứng hoặc nằm tĩnh tại,  thả lỏng cơ bắp, giải trừ các tạp niệm, tập trung ý niệm vào rốn để hồi phục, điều hòa hoạt động toàn thân. Sau khi làm việc lâu, lúc nghỉ nên có vận động linh hoạt. Đó còn thể hiện phần nào sự kết hợp giữa chi trên và chi dưới.

Kết hợp hai bên trái và phải

Nếu làm việc, tập nhiều bằng tay phải thì lúc nghỉ lại VĐ bằng tay trái nhằm khôi phục cân bằng tương đối, nghỉ ngơi tích cực. Tay, đặc biệt các ngón tay, rất nhạy cảm nên còn được gọi là “phần ngoài” quan trọng của não. Nếu chỉ sử dụng một bên tay sẽ bỏ phí cả một vùng rộng nửa vỏ não bên kia; không tạo điều kiện cho bên còn lại được “nghỉ ngơi”.

Kết hợp trước và sau

Đi về trước là định hướng VĐ thường xuyên của con người. Nhưng tập đi lùi (cả tập múa) lại góp phần làm khớp cổ chân thêm linh hoạt, đi lại vững vàng, tư duy minh mẫn, phòng chống đau eo lưng. Đương nhiên phải vừa sức, an toàn. Người yếu, cao tuổi, VĐ khó khăn không nên tập đi lùi.

Kết hợp trên và dưới

Từ khi con người biết đứng lên, đi đã bắt đầu hình thành sự phân công giữa tay và chân. Đó là bước tiến hóa quan trọng nhưng cũng có mặt tiêu cực. Một số kỹ năng tinh xác của hai chân cùng cơ chế điều khiển chúng trên vỏ não dần thoái hóa theo.

Vì vậy, ở mức cần thiết, cũng cần có VĐ chân nhất định để hạn chế sự thoái hóa đó. Đá cầu, đá bóng là cách hoàn thiện rất tốt. Có thể tập dùng bàn, ngón chân để đẩy, cặp chuyển hoặc cọ xát một vật nào đó. Thực nghiệm cho thấy, nếu tập thích hợp sẽ không chỉ thêm linh hoạt mà còn góp phần hạn chế một số bệnh về tai biến mạch máu não.

Phương pháp trên không nhằm phát triển đồng thời, dàn đều mà chỉ  tác động tương đối hài hòa để nghỉ ngơi tích cực, khắc phục sự lệch yếu, khôi phục sự cân bằng động tương đối của cơ thể, đảm bảo sức khỏe, làm tốt việc chính của từng người. Từng người nên căn cứ vào thực chất ý tưởng đó, đặc điểm sinh hoạt, nghề nghiệp, tình trạng sức khỏe cụ thể mà tự tìm ra cách tập phù hợp.

Theo PGS.TS Nguyễn Toán

Meo.vn (Theo Suckhoedoisong)

9 cách xoa bóp bấm huyệt giảm béo

Xoa xát mặt.

Béo là tình trạng trong cơ thể tích lũy quá nhiều mỡ, không những ảnh hưởng tới hình thể mà còn là nguy cơ gây nên bệnh tim mạch, tiểu đường và nhiều bệnh mạn tính khác. Để giảm béo, bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập luyện thể lực thì phương pháp bấm huyệt có thể làm tiêu đi mỡ thừa trong cơ thể, mặt khác còn thông qua sơ kinh thông lạc, vận tỳ hoá thấp, hoạt huyết hoá ứ, lợi khí tiêu trệ… từ đó điều tiết công năng của tạng phủ. Xin giới thiệu một số thao tác bấm huyệt để bạn đọc tham khảo và tự áp dụng.

- Định thần, chà xát bàn tay và ngón tay: đứng thẳng, thư giãn, ưỡn ngực, thẳng lưng; thở đều, giữ khí tại đan điền, hai bàn tay xoa vào nhau trong 1-2 phút cho nóng lên.

- Xát mũi, xoa trán, xoa mặt và vành tai: hai bàn tay đặt vào hai má, day tròn từ trong ra ngoài theo thứ tự: day miết mũi lên trán, tách ra hai bên đến thái dương, tai, đi xuống và gặp nhau tại má. Lặp lại thao tác này 10 - 15 lần.

- Day khoang mắt, ấn 4 góc khoé mắt:

Nhắm mắt, dùng bụng các ngón trỏ và giữa chà xát xung quanh vành mắt, tác động vào các huyệt: tình minh, ngư yêu, đồng tử liêu, thái dương. Lặp lại thao tác này 5 - 10 lần.

Nhắm mắt, dùng ngón tay cái ấn vào huyệt tình minh, ngư yêu, tứ bạch, đồng tử liêu, mỗi huyệt 5 - 10 lần.

- Day xoa dưới cằm và chà xát cổ gáy:

Mím môi, ngẩng đầu: dùng ngư tế và bụng các ngón trỏ, giữa chà xát từ dưới cằm ra hai bên, lên má - chỗ lõm trước tai - chỗ lồi sau tai, vừa đẩy vừa day 5 - 10 lần. Sau đó dùng bụng ngón trỏ, ngón giữa miết từ cằm sang hai bên 5 - 10 lần.

Hai bàn tay chà xát hai bên cổ và gáy, chỗ lồi sau tai. Lặp lại thao tác này 3 - 5 lần.

- Miết sống lưng, ấn kiên tỉnh:

Giơ tay, dùng ngón trỏ, giữa miết sống cổ gáy, lên rồi xuống, chắc và dịch chuyển chậm, làm 5 - 10 lần.

Giơ tay, dùng ngón trỏ, giữa thay nhau ấn huyệt kiên tỉnh, làm 3 - 5 lần.

- Day miết vai, cánh tay, vỗ hai tay:

Dùng ngón cái và 4 ngón kia day bóp hai bên trong ngoài lần lượt hai tay từ vai xuống đến bàn tay, các ngón tay (từ huyệt kiên tỉnh đến lao cung). Làm 3 - 5 lượt.

Dùng bàn tay chà xát bên trong và bên ngoài hai cánh tay từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, làm 3 - 5 lần.

Dùng lòng bàn tay vỗ vào cánh tay từ trên xuống dưới, lần lượt hai tay, làm 3 - 5 lần.

- Xoa day ngực và bụng:

Hai bàn tay xòe thẳng miết ngang từ giữa ngực ra hai bên sườn, làm 3 - 5 lần.

Hai bàn tay chồng lên nhau, dùng lòng bàn tay áp vào bụng rồi ấn nặng, nhẹ theo nhịp thở, làm 5 - 10 lần.

Hai bàn tay chồng lên nhau, áp vào phần rốn rồi day tròn theo chiều kim đồng hồ, làm trong 2 - 3 phút.


Xoa bóp ngực sườn và bụng.

Dùng cả hai bàn tay ấn nén hai bên bụng từ trên xuống dưới, ấn chắc và chậm, ấn nặng nhẹ theo nhịp thở, làm 3 - 5 lần.

- Chà xát sườn, vỗ lưng sườn:

Dùng hai bàn tay chà xát hai bên eo sườn từ trên xuống. Làm 15 - 20 lần.

Dùng nắm tay đấm vào hai bên lưng từ trên xuống: từ tỳ du đến bát liêu. Làm 3 - 5 lần.

- Day miết phần đùi, đấm miết hai chân: dùng hai bàn tay ấn bóp phần trong, ngoài của hai chân, từ đùi xuống đến bàn chân, chà xát lòng bàn chân (từ phục thỏ đến dũng tuyền). Làm xong chân nọ chuyển sang chân kia, làm 3 - 5 lần.

- Nắm hai bàn tay lại, đấm bờ trong và ngoài lần lượt hai chân từ trên xuống, làm 3 - 5 lần.

Dùng hai bàn tay xát rồi miết bờ trong và ngoài, lần lượt hai chân từ trên xuống, làm 3 - 5 lần.

Lưu ý: Tiến hành thủ pháp là kết hợp cương và nhu, lấy mềm mại là chính. Khi thao tác phần bụng, lưng làm phải êm, chậm, thuận; phần gáy, cổ, tứ chi thao tác trong cương có nhu. Căn cứ vào mức độ béo, thể lực, bệnh tình mà thao tác vừa sức, không làm vội vàng và quá mạnh gây tổn thương da.

Vị trí huyệt cần tác động:

- Thái dương: huyệt ở chỗ lõm, từ khóe mắt ngoài đo ra 1 tấc.

- Ðồng tử liêu: Cách góc mắt ngoài 1,5 tấc, chỗ lõm sát ngoài đường khớp mỏm ngoài ổ mắt.

- Ngư yêu: Chỗ lõm chính giữa lông mày.

- Tình minh: Trên góc khóe mắt trong 0,1 tấc.

- Tứ bạch: Ngay giữa mi mắt dưới thẳng xuống 1 tấc, chỗ lõm dưới hố mắt.

- Kiên tỉnh: điểm giữa đường nối từ đốt sống cổ 7 đến đỉnh vai, chỗ cao nhất của vai.

- Lao cung: Nắm bàn tay, đầu ngón tay giữa chạm vào nếp gấp giữa lòng bàn tay, ở đâu thì đó là huyệt.

- Tỳ du: Dưới mỏm gai đốt sống lưng 11 đo sang ngang 1,5 tấc.

- Bát liêu: Trong lỗ xương sườn cùng 1, 2, 3, 4 (gồm thương liêu, thứ liêu, trung liêu, hạ liêu).

- Phục thỏ: Mép ngoài phía trên xương bánh chè 6 tấc.

- Dũng tuyền: Chỗ nối tiếp 1/3 trước và 2/3 sau gan bàn chân (không tính ngón), chỗ lõm hiện ra khi co xương bàn chân.

Lương y Đình Thuấn

Meo.vn (Theo SK&ĐS)

Phát hiện sớm, ngăn ngừa và điều trị bệnh gù lưng ở trẻ

Gù lưng là một thể thoát vị đĩa đệm đặc biệt thường gặp ở trẻ em. Căn bệnh này tiến triển rất chậm, không gây đau đớn “cấp tính” ở cột sống nên khó phát hiện sớm.

Vì sao trẻ lại bị gù lưng?

Bệnh gù lưng ở trẻ em là bệnh loạn sản sụn của đốt sống và đĩa đệm ở vùng cột sống ngực. Bệnh có gây ảnh hưởng đến cột sống thắt lưng và cần phân biệt với những bệnh lý khác của cột sống thắt lưng. Tổn thương bệnh lý thể hiện đốt sống vẹt ở phần trước, nhân nhầy thoát vị chui vào thân đốt sống ở phía dưới đĩa đệm, mặt trên và dưới của thân đốt sống cong lên chứ không lõm xuống, đĩa đệm hẹp, sụn đĩa đệm lồi lõm không đều. Những tổn thương trên thường xuất hiện ở vùng lưng, từ đốt sống ngực thứ 7 đến thứ 11. Bệnh thường gặp ở nam giới, đa số bệnh nhân bắt đầu ở lứa tuổi 13 – 17.


Ảnh minh họa

Trẻ bị loạn sản sụn có thể nhận biết dễ dàng không?

Gù lưng là biểu hiện điển hình của bệnh, cột sống lưng gù cong đều, không có đỉnh gù nhọn. Do gù ở cột sống nên cột sống cổ và thắt lưng uốn cong ra trước (ngược lại cột sống lưng) để bù trừ. Giảm sự giãn nở của lồng ngực khi thở, gây giảm dung tích sống của phổi.

Đau ở cột sống lưng, mức độ thường nhẹ, đau có thể lan lên vùng cột sống cổ và xuống cột sống thắt lưng, về chiều đau nhiều hơn buổi sáng. Cũng có những người bị bệnh này nhưng không đau đớn gì. Không có triệu chứng chèn ép tủy hoặc rễ thần kinh. Trên phim Xquang nếu thấy hình ảnh bệnh lý như mô tả ở trên có thể chẩn đoán xác định bệnh. Cần chú ý phân biệt với viêm cột sống dính khớp, lao cột sống, thoái hoá cột sống.


Ảnh minh họa

Cách điều trị bệnh là gì?

Bệnh nhân nên cố gắng đi lại, sinh hoạt bình thường. Khi đau nhiều thì dùng thuốc giảm đau, đeo đai đỡ cột sống, điều trị lý trị liệu.

Trong độ tuổi thiếu niên: nên hạn chế tăng độ gù lưng, bệnh nhân cần phải nằm trên giường cứng, không gối đầu; tránh các gắng sức thể lực và thể thao, riêng môn bơi có thể thực hiện ở mức có giới hạn; phải nằm nghỉ vào buổi trưa ở tư thế nằm ngửa; dùng kết hợp một số thuốc giảm đau thông thường nếu đau lưng nặng lên. Liệu trình này không được áp dụng kéo dài quá 6 đến 9 tháng. Tiếp sau cho tiến hành các biện pháp nắn chỉnh cột sống do các thầy thuốc chuyên khoa chỉnh hình hướng dẫn.

Trong độ tuổi trưởng thành: thường xuất hiện chứng đau lưng khi các tổn thương, hư khớp thứ phát phát triển, nhất là ở những người bệnh có trạng thái tâm lý lo âu, rối loạn thần kinh chức năng. Cần cho chụp Xquang cột sống để làm cơ sở cho việc chỉ định các biện pháp điều trị thích hợp. Bệnh nhân phải nằm nghỉ tại giường, tiến hành các biện pháp: xoa bóp, thể dục liệu pháp. Có thể kết hợp dùng các thuốc giảm đau thông thường aspirin, alaxan… Đôi khi phải cho thêm các thuốc trấn tĩnh thần kinh.


Ảnh minh họa

Phòng bệnh cho trẻ bằng cách nào?

Để phòng bệnh gù lưng cho trẻ, các bậc cha mẹ cần chú ý ngay từ những bước đi chập chững của trẻ. Cần lựa chọn thời điểm thích hợp dạy trẻ tập đi và thực hiện được theo đúng khả năng của mình, tránh nóng vội, muốn trẻ ngồi, đi, đứng quá sớm khiến cột sống non nớt của trẻ phải gánh đỡ sức nặng của đầu và thân mình, dễ khiến trẻ mắc các bệnh cột sống về sau.

Khi trẻ đã biết đi, cần dạy trẻ đi một cách tự nhiên, giữ đầu thẳng, hai vai cân đối, ngực hơi ưỡn ra phía trước. Đây là giai đoạn đầu tiên cũng là một trong những bước quan trọng nhất tránh cho trẻ bị gù hay cong vẹo cột sống sau này. Khi trẻ bước vào tuổi đến trường, cần tạo cho trẻ thói quen ngồi học đúng tư thế. Trẻ em tuổi mẫu giáo nếu phải ngồi học hay xem vô tuyến lâu, cột sống rất dễ bị gù, vẹo do hệ cơ bắp chưa đủ sức đỡ được trọng lượng cơ thể trong thời gian dài.

Đối với trẻ lớn hơn, cấp tiểu học hay trung học cơ sở, trẻ thường hay ngồi bò ra bàn, ép ngực vào thành bàn, nghiêng vẹo cổ để viết nên dễ bị biến dạng cột sống. Nhiều học sinh bị cong vẹo cột sống hay gù, vai bị lệch, vai cao vai thấp do cột sống bị xoay. Do đó, trẻ cần được tạo những điều kiện sinh hoạt, vui chơi, hoạt động thoải mái để trẻ có thể thay đổi tư thế cột sống thường xuyên, kết hợp các hoạt động thể lực và nghỉ ngơi một cách hài hòa, hợp lý. Mỗi học sinh cũng cần được sắp xếp một vị trí ngồi trong lớp hợp lý để có thể nhìn rõ bảng mà không phải ưỡn hay dướn, ngó nghiêng người dễ dẫn đến bị cong vẹo cột sống.

Ở gia đình, cha mẹ cũng cần luôn quan sát, nhắc nhở trẻ đi đứng, ngồi học đúng tư thế. Nếu trẻ có những dấu hiệu khác thường thì kịp thời chấn chỉnh, tránh để thành tật do tư thế không đúng.

Meo.vn (Theo Meyeucon)