Đã bao giờ bạn rơi vào tình trạng liên tục bị đói cho dù vừa ăn xong chưa lâu? Nếu bạn đã từng như vậy thì chắc hẳn sẽ vô cùng lo lắng vì không biết mình đang gặp vấn đề gì. Nếu bạn đang trong quá trình giảm cân thì điều này thực sự nguy hiểm vì nó sẽ khiến bạn ăn uống mất kiểm soát, ăn liên tục và nạp quá nhiều calo vào người.
Dưới đây là 5 nguyên nhân tại sao bạn liên tục cảm thấy đói.
1. Do thời tiết
Sự sụt giảm nhiệt độ có thể sẽ kích hoạt hormone tâm trạng trong cơ thể bạn, gây ra sự thèm ăn và luôn cảm thấy đói. Đó là lý do tại sao bạn có xu hướng ăn nhiều hơn trong những tháng mùa đông.
Khi bạn đói, sự trao đổi chất trong cơ thể giảm xuống, sau khi ăn, nhiệt độ cơ thể bạn tăng lên và cơn đói bắt đầu tiêu tan. Chính vì vậy mà các nhà hàng thường giữ nhiệt độ phòng mát mẻ để kích tăng sự thèm ăn của khách hàng.
2. Mất nước
Nếu bạn không uống đủ nước trong ngày, cơ thể bạn dễ bị mất nước nhanh chóng. Và khi cơ thể bị mất nước, bạn sẽ liên tục cảm thấy đói vì ượng nước không đủ có thể khiến dạ dày của bạn cảm thấy trống rỗng. Và phản ứng tự nhiên là bạn sẽ tìm đến bánh quy hoặc một số đồ ăn khác để thoả mãn cơn thèm ăn trong khi tất cả những gì cơ thể của bạn thực sự cần có thể chỉ là nước.
Cơ thể thiếu nước còn khiến cho các cơ quan bên trong hoạt động không tốt. Vì vậy, cho dù vào mùa đông bạn cũng cần uống đủ nước hàng ngày. Uống nước không chỉ giúp loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể và máu của bạn mà còn giúp bạn giảm cân vì nó làm cho bạn cảm thấy no và không ăn nhiều.
3. Thiếu ngủ
Khi bạn không ngủ đủ giấc, cơ thể bạn sản xuất thêm Ghrelin – một loại hormone gây ra tình trạng đói. Ngoài ra, thiếu ngủ cũng có thể dẫn đến kết quả là lượng leptin được sản xuất trong cơ thể bạn ít đi mà leptin lại là loại hormone giúp ngăn chặn sự thèm ăn. Chính vì vậy, thiếu ngủ là một nguyên nhân lớn khiến bạn luôn trong tình trạng cảm thấy đói.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm có nguy cơ trở nên béo phì cao hơn những người ngủ trên 6 tiếng. Bạn nên ngủ 7-9 tiếng mỗi ngày nếu bạn muốn tốt cho sức khỏe cũng như không phải lo nguy cơ tăng cân do ăn nhiều.
4. Ăn quá nhanh
Bộ não của bạn cần khoảng 20 phút mới có thể bắt kịp với dạ dày. Điều này có nghĩa là, não của bạn không thể nhận được tín hiệu bạn đã no ngay sau khi dạ dày được lấp đầy thức ăn (và bạn đã kết thúc bữa ăn). Đặc biệt, nếu bạn ăn quá nhanh, sự chênh lệch về thời gian này càng tăng lên. Đó chính là lý do vì sao các chuyên gia sức khỏe luôn nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc ăn chậm. Bạn nên ăn mỗi bữa ăn trong khoảng 30 phút và nhai kĩ, chậm để não bộ có thể bắt kịp với mức độ no của dạ dày.
Nếu bạn vẫn còn đói sau khi ăn một bữa ăn quá nhiều đồ ăn, hãy dành một chút thời gian để nghỉ ngơi chứ không nên ăn tiếp. Ăn quá nhanh sẽ không tốt cho hệ tiêu hóa của bạn và dễ gây ra các vấn đề về dạ dày.
5. Căng thẳng hay chán nản
Căng thẳng và chán nản là hai trong số các chất xúc tác lớn nhất trong chuyện ăn uống mà theo đó, cảm giác đói là kết quả của sự lo lắng và căng thẳng. Đây là một phản ứng hóa học bình thường diễn ra trong cơ thể.
Lúc căng thẳng hay chán nản, bạn sẽ không thể kiểm soát được cảm xúc của mình, thậm chí không biết mình ăn những gì và ăn rất nhanh. Điều này sẽ gây khó khăn cho não trong việc tiếp nhận thông tin rằng bạn đã no hay chưa. Chính vì vậy mà trong lúc căng thẳng hay chán nản, có thể bạn đã ăn rất nhiều rồi nhưng vẫn không cảm thấy no, thậm chí còn luôn thấy đói.
Thực phẩm sẽ không giải quyết được sự căng thẳng hoặc các vấn đề của bạn. Nếu bạn đang chán, bạn có thể chọn một cách giải quyết khác, ví dụ như vận động hoặc gặp gỡ bạn bè… Những việc này không những giúp bạn giải tỏa tâm trạng mà còn có tác dụng giảm cân, tiêu hao calo nhanh chóng.
Theo Phaluatxahoi.vn