Bố tôi năm nay 68 tuổi, mặc dù bố tôi ăn uống bình thường, ăn nhiều trái cây nhưng vẫn hay bị táo bón. Nhiều khi vừa táo bón vừa tiêu chảy rồi lại táo bón. Xin hỏi nên làm gì để khắc phục tận gốc chứng táo bón này?
Nghiêm Thanh Trúc(Nam Định)
Táo bón là tình trạng quá 3 ngày chưa đi ngoài hoặc đi ngoài dưới 3 lần/tuần, phân rắn. Người trên 65 tuổi thường bị táo bón hơn những người khác. Nguyên nhân do rất nhiều yếu tố gây nên, có thể do suy giảm chức năng sinh lý ở người cao tuổi, do uống không đủ nước, ăn không đủ chất xơ, ít hoạt động, không có thói quen đi tiêu nhưng cũng có thể do các nguyên nhân khác như do hệ thống thần kinh trung ương (gây ra tai biến mạch máu não, bệnh Parkinson, trầm cảm, sa sút trí tuệ đều ảnh hưởng đến biểu hiện táo bón); những bệnh ở cột sống thắt lưng có thể làm cho đại tràng bất động như chấn thương cột sống, ung thư cột sống, teo cột sống…; dùng thuốc hoặc do bệnh tại đường tiêu hóa như những bệnh về hậu môn và trực tràng, ung thư đại tràng…
Khi bị táo bón, phân khô cứng lại có thể gây tắc nghẽn ruột, cũng có thể gây tiêu chảy do khi bị táo bón, đại tràng phản ứng lại bằng cách tiết ra nhiều chất nhờn và nước. Lúc này, nếu sử dụng thuốc cầm tiêu chảy sẽ làm cho bệnh càng trầm trọng hơn dẫn đến vòng luẩn quẩn táo bón rồi tiêu chảy, sau tiêu chảy lại táo bón. Táo bón cũng làm cho người cao tuổi bị bí tiểu, nhiễm độc, phình đại tràng, xoắn đại tràng hình chữ Z…
Để tránh táo bón, người cao tuổi nên uống nước các loại (1,5 lít nước/ngày), ăn nhiều chất xơ, các loại rau thích hợp như rau mồng tơi, khoai lang, rau muống, rau dền… hay ăn các loại quả như quýt, chuối, đu đủ…; thể dục thường xuyên (chỉ cần làm động tác thể dục hay đi bộ 30 phút/ngày), luyện tập thói quen đi tiêu. Nếu bị táo bón thường xuyên, bạn phải đưa bố tới cơ sở y tế và nói rõ về bệnh của bố mình để có được những lời khuyên, cách thức điều trị cho phù hợp. Đặc biệt không được tự ý thụt, tháo khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.
Theo suckhoedoisong