Lưu trữ cho từ khóa: thai quá ngày

Chiến lược đối phó với thai quá ngày

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng thai quá ngày, song đa số là do người mẹ béo phì, gia đình có tiền sử người từng mang thai già ngày…

Đã có không ít bà bầu gặp phải sự cố vượt quá ngày dự sinh em bé của mình. Quá thời gian dự sinh hay còn gọi là thời gian mang thai kéo dài.

Dự kiến sinh được tính theo ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng. Đến ngày dự kiến sinh, người phụ nữ không có kinh trong khoảng 40 – 41 tuần. Như vậy tuổi thai là 40 – 41 tuần.

Bình thường, bác sĩ sản khoa quyết định ngày dự kiến sinh của một em bé bằng cách tính toán đủ 280 ngày kể từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng của người mẹ.

Trên thực tế không phải thai phụ nào cũng chuyển dạ đúng vào ngày dự kiến sinh. Nếu cuộc chuyển dạ xảy ra ở tuổi thai 38- 42 tuần được coi là thai đủ tháng. Thai nhi dưới 38 tuần được gọi là non tháng. Thai nhi trên 42 tuần được coi là thai già tháng.

Tuy nhiên, tính toán chỉ chuẩn nếu bạn có thời gian thường xuyên theo dõi và có thời điểm rụng trứng chuẩn vào giữa chu kỳ của bạn. Như chúng ta đều biết, thời điểm sinh là không đúng đối với tất cả mọi người. Nhiều phụ nữ có xu hướng sinh sớm hơn dự kiến, nhưng cũng có bà bầu lại sinh muộn hơn.

chien-luoc-doi-pho-voi-thai-qua-ngay

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng thai quá ngày, song đa số là do người mẹ béo phì, gia đình có tiền sử người từng mang thai già ngày… (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, bà bầu cần phải hiểu rằng, thai già tháng sẽ gặp nhiều rủi ro hơn thai sinh đủ tháng.

Lý do bác sĩ đưa ra đó là nếu không được can thiệp kịp thời, em bé có khả năng bị tử vong khi còn trong dạ con. Tới thời điểm này, chất dinh dưỡng để nuôi thai nhi trong người mẹ lại không còn nhiều nên rất dễ gây tổn thương đến em bé đồng thời thai quá ngày sẽ gây áp lực lên dây rốn.

Nguy cơ lớn nhất của thai quá ngày là tình trạng suy thai, biểu hiện em bé bị thiếu dinh dưỡng, thiếu ôxy do máu đến nuôi thai kém, trao đổi chất kém vì bánh nhau thoái hóa. Tình huống xấu nhất có thể xảy ra khi suy thai là em bé tử vong ngay trong bụng mẹ.

Tỷ lệ này cụ thể là 1-2 bé trên 1000 trẻ sơ sinh sinh giữa khoảng 41 – 43 tuần của thai kỳ.

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, song đa số là do người mẹ béo phì, gia đình có tiền sử người từng mang thai già ngày…

Chiến lược đối phó sau 40 tuần – thai quá ngày

Thông báo với bác sĩ

Sau 40 tuần, bạn cần thông báo rõ để bác sĩ hoặc y tá của bạn được biết. Họ sẽ kiểm tra bụng của bạn để xem vị trí và kích thước của em bé, và với sự cho phép của sức khỏe, cơ thể bạn, họ sẽ tiến hành việc kiểm tra xem cổ tử cung của bạn đã sẵn sàng cho việc sinh nở hay chưa. Nếu có nghĩa là nó mềm mại, co giãn.

Sau đó, bác sĩ hoặc y tá sẽ thảo luận với bạn nên làm gì vào lúc này, làm gì để tốt hơn cả cho hai mẹ con, nên chờ đợi hay đẻ luôn. Bạn sẽ cần được theo dõi thường xuyên hơn, khoảng 2 -3 hôm bạn nên tới bệnh viện để kiểm tra một lần.

Bạn cần lên kế hoạch cho mỗi ngày

Không nên suốt ngày rầu rĩ ở nhà, đi đi lại lại và tự hỏi “Bao giờ con ra đây?”. Bạn có thể ra khỏi nhà để thay đổi không khí, hít hà khí tời. Nhưng tuyệt đối không nên đi quá xa nhé. Đây không phải là lúc thích hợp để bạn lên lịch đi nghỉ mát đâu.

Chủ động thông báo tình hình với bạn bè

Trong quãng thời gian này bạn đã đủ lo lắng hồi hộp rồi. Chắc chắn bạn sẽ nhận được tới tấp những lời hỏi thăm: “Sao rồi, sinh chưa? Bao giờ”. Khi bắt máy, bạn hãy thoải mái và chủ động thông báo với họ tình hình, việc này sẽ giúp bạn trấn tĩnh, bạn đỡ phải sốt ruột thêm.

Nghỉ ngơi

Nếu bạn đang gặp khó khăn để ngủ vào ban đêm, một giấc ngủ ngắn trong ngày sẽ hoàn toàn là một cách rất hay ho đấy.

Bạn có thể tự thưởng cho mình một bản nhạc du dương, khe khẽ để ru mình vào giấc ngủ. Bạn có thể kê gối, gác chân lên cao, chắc chắn giấc ngủ của bạn sẽ được ngon hơn, sâu hơn.

Tập thể dục nhẹ nhàng

Có rất nhiều cách để kích thích sinh nở tự nhiên, và một trong những cách đó là tập thể dục nhẹ nhàng. Bạn có thể đi bộ hoặc tập những động tác đơn giản – điều này sẽ giúp bạn sẵn sàng đón nhận việc sinh nở sắp diễn ra. Nếu có thể, trong những lần đi khám cận kề, bạn hãy hỏi bác sĩ về việc luyện tập này với bạn có phù hợp hay không.

Lắng nghe cơ thể, lắng nghe em bé

Nếu bạn thấy trong mình có dấu hiệu là lạ (hơi đau bụng, âm đạo chảy nước, tử cung co thắt,…), hãy đừng chần chừ mà thông báo ngay cho nữ hộ sinh hoặc bác sĩ của mình. Có lẽ đây chính là thời điểm em bé đòi chào đời đấy.

BACSI.com (Theo Trithuctre)

Bà bầu làm gì khi bị thiểu nước ối ?

Một thai phụ lo lắng: ‘Tôi đang mang thai tuần thứ 24. Lần siêu âm gần đây, bác sĩ cho biết, do nước ối ít nên tôi phải tăng cường uống nước. Có phải tôi cứ uống nước thường xuyên là sẽ đủ nước ối?’

Việc bác sĩ khuyên bạn nên uống thêm nước để hỗ trợ quá trình tái tạo nước ối là hợp lý. Một nghiên cứu mới đây chứng minh, nhóm thai phụ uống khoảng 1,5-2l nước lọc mỗi ngày thì thể tích nước ối sẽ tăng lên.Ngoài ra, uống nước đều đặn có tác dụng giảm thiểu khả năng người mẹ phải mổ đẻ vì suy thai.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ý kiến "nguyên nhân thiểu ối là do thai phụ không uống đủ nước" là không hoàn toàn chính xác. Bệnh cạnh đó, uống nhiều nước cũng không phải là cách để điều trị thiểu ối.  

Nguyên nhân gây thiểu ối

- Do rỉ màng ối ở người mẹ.

- Hệ tiết niệu của thai có dấu hiệu bất thường: bào thai nuốt nước ối vào nhưng lại không thải ra được. Kết quả, quá trình tái tạo nước ối bị gián đoạn.

- Tình trạng thai quá ngày cũng khiến nước ối bị hao hụt. Theo thống kê, khoảng 8 thai phụ bị quá ngày sinh 2 tuần thì có 1 người ở trong tình trạng thiểu ối.

- Người mẹ mắc các chứng bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, lupus…

Điều trị

- Tình trạng thiểu ối ở phụ nữ mang thai được chẩn đoán qua siêu âm. Bác sĩ có thể chỉ định cho thai phụ được truyền dịch vào túi nước ối để duy trì đủ lượng nước ối cần thiết cho sự phát triển của thai.

- Một cách khác trong điều trị thiểu ối là bác sĩ truyền dung dịch vào tĩnh mạch cho thai phụ.

Phòng tránh

Lượng nước ối có thể lên – xuống thường xuyên tùy thuộc vào tuổi thai; cho nên, người mẹ cần đi khám thai đều đặn và tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ.

Nước ối có chức năng bảo vệ bào thai khỏi chấn thương; đồng thời, nó cũng tạo thành một không gian để thai phát triển khỏe mạnh.

Nguy cơ khi thiểu ối:

- Quý I của thai kỳ, thiểu ối có thể gây khuyết tật ở phổi và chân, tay cho bé.

- Nửa sau quý III, thiểu ối có liên quan đến sự chậm phát triển của thai.

- Thiểu ối cũng làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non và thai chết lưu.

Theo Mẹ và bé

Chửa trâu để lâu càng khổ

LTS: Dân gian thường dùng khái niệm 'chửa trâu' để nói đến những thai phụ quá ngày dự sinh mà chưa chuyển dạ. Trong y học, thai loại này được gọi là 'già tháng' hay 'quá ngày'. Theo nhận định của một số chuyên gia, tần suất thai quá ngày chiếm khoảng 5% các thai kỳ, tức trong một trăm sản phụ thì độ chừng năm người xảy ra chửa trâu.

Có người coi hiện tượng này bình thường, thậm chí còn hy vọng sinh được con trọng lượng lớn nhưng cũng có người thấy lo sẽ đẻ khó, dễ gặp nguy hiểm. Hai trạng thái tâm lý này có cơ sở tới đâu?

Thai kỳ bình thường kéo dài trong 280 ngày, tức 40 tuần, được tính từ ngày kinh cuối cùng. Tuy nhiên, thai đã đủ trưởng thành, sống tốt khi ra khỏi bụng mẹ được tính từ mốc 37 tuần. Từ 37 – 41 tuần là thời gian chờ đợi để có cuộc chuyển dạ tự nhiên. Khi đã quá 41 tuần mà chưa chuyển dạ tự nhiên thì xem là thai quá ngày, còn nếu hơn 42 tuần thì gọi là thai già tháng.

Ai dễ chửa trâu?

Thai quá ngày, già tháng có thể do nhiều lý do: cách tính ngày dự sinh không đúng, do tự nhiên, di truyền, cũng có khi vì thai có bệnh lý không gây ra cuộc chuyển dạ. Đã có quan sát cho thấy ở một số phụ nữ có lần sinh trước quá ngày thì lần sau cũng rất dễ lặp lại. Ngoài ra, thai có bất thường như vô sọ, thiểu sản tuyến thượng thận thường sẽ kéo dài ngày, có lẽ do thiếu hụt về thần kinh – nội tiết. Từ những năm 70, đã thấy có bằng chứng tỷ lệ chết chu sinh (ngay sau đẻ) của trẻ sinh già tháng có tăng hơn so với trẻ đủ tháng.

Cách phòng ngừa thai quá ngày tốt nhất là khám thai định kỳ và siêu âm trong khoảng ba tháng đầu. Đây là cơ sở giúp xác định tuổi thai chính xác để can thiệp sớm, tránh xảy ra đáng tiếc.

Nằm lâu trong bụng mẹ, thai có thể chết

Khi thai già tháng, bánh nhau sẽ không còn hoạt động tốt, có thể do chất lượng bánh nhau, chất lượng mạch máu, những vùng xơ hoá hay hoại tử ở bánh nhau. Nước ối cũng sụt giảm nhanh từ sau 40 tuần, làm cho hoạt động mạch máu trong dây rốn gặp khó khăn, từ đó ảnh hưởng đến dinh dưỡng của thai. Nước ối giảm số lượng nhưng chất lượng có thể ngày càng sệt do gia tăng phóng thích phân su vào nước ối. Do đó, tình trạng hít ối phân su rất dễ xảy ra khi thai vào chuyển dạ, làm ảnh hưởng hô hấp của trẻ ra đời. Một số trường hợp thai già tháng vẫn tiếp tục phát triển tốt về trọng lượng, đưa đến một em bé quá khổ có nhiều khả năng phải sinh mổ. Hầu hết trẻ sinh già tháng thường có làn da nhăn nheo, hơi xanh, trọng lượng có thể quá mức nhưng thường gặp cơ thể dài, có vẻ gầy, tóc – móng mọc dài, có vẻ trưởng thành quá mức về thần kinh vận động như mắt mở to, lo lắng kích động. Càng già tháng, trẻ sẽ sụt giảm cân.

Thai quá ngày có thể dẫn đến chết trong bụng mẹ vì kém dinh dưỡng hoặc chết sau sinh do các biến chứng, trong đó đáng ngại nhất là hít ối có phân su như đã nói. Trong dân gian, khi thấy ai đã tới ngày sinh mà chưa sinh thường có lệ xin gạo hàng xóm, mỗi nhà một nắm rồi về nấu cơm cho bà bầu ăn, ý muốn giục em bé mau ra, nếu không thì mẹ phải xin gạo thiên hạ ăn. Cả suy nghĩ lẫn tập tục này đều không tốt cho thai nhi, thay vào đó cần can thiệp tích cực hơn khi thai quá ngày dự sinh.

Sinh thường hay mổ còn tuỳ sức thai

Trong dân gian, khi thấy ai đã tới ngày sinh mà chưa sinh thường có lệ xin gạo hàng xóm, mỗi nhà một nắm rồi về nấu cơm cho bà bầu ăn, ý muốn giục em bé mau ra, nếu không thì mẹ phải xin gạo thiên hạ ăn. Cả suy nghĩ lẫn tập tục này đều không tốt cho thai nhi.

Khi có tình trạng quá ngày dự sinh, điều cần làm đầu tiên là kiểm tra xem cách tính ngày dự sinh có gì sai sót. Thật ra, nếu bà bầu có theo dõi định kỳ tại một cơ sở y tế thì việc kiểm tra này gần như thực hiện trong mỗi lần khám thai, nhằm xác định chính xác tuổi thai để xem thai có phát triển tương ứng với tuổi không. Việc kế tiếp là tổng kiểm tra tình trạng thai xem có cần lấy thai ra ngay hay còn có thể đợi thêm vài ngày. Việc này nhằm chọn cách can thiệp tốt nhất cho mẹ và thai. Sau đó còn có các thử nghiệm đánh giá khả năng chịu đựng của thai, liệu xem thai có chịu nổi cuộc chuyển dạ như bình thường không, nhằm chọn cách sinh bình thường hay phải can thiệp sinh mổ.

Nếu xác định thai chịu nổi cuộc chuyển dạ sẽ dùng các thuốc làm mềm cổ tử cung và kích thích cơn gò. Trong trường hợp cổ tử cung bắt đầu hé mở, việc tách màng ối rời khỏi thành tử cung (khác với làm bể màng ối) cũng là cách kích thích chuyển dạ. Màng ối khi bị tách sẽ tăng tiết prostaglandine, là một hoạt chất gây mềm cổ tử cung và khởi phát cơn gò. Thuốc sử dụng làm khởi phát chuyển dạ thực chất cũng là một loại prostaglandine, có thể dùng đường uống, đặt hậu môn hay âm đạo, ngậm dưới lưỡi. Biện pháp kế đến là dùng oxytocin, một hoạt chất do não tiết ra gây nên cơn co tử cung đủ để chuyển dạ. Oxytocin có thể do cơ thể tiết ra khi cuộc chuyển dạ khởi phát, khi đầu vú được se liên tục lúc thai đã trưởng thành hay dùng oxytocin ngoại sinh truyền vào cơ thể. Cuộc chuyển dạ của thai quá ngày cần được theo dõi chặt chẽ hơn vì đa số đây là thai kỳ có nguy cơ hay phải can thiệp bằng thuốc.

ThS.BS Đặng Lê Dung Hạnh

Cách tính ngày dự sinh

Để biết thai non hay già, có thể dựa vào cách tính ngày dự sinh. Có nhiều cách, đơn giản nhất là theo ngày kinh, lấy ngày của kỳ kinh cuối cùng, sau đó ngày cộng 7, tháng trừ 3 là ra ngày dự sinh (ví dụ ngày kinh chót là 14.7, ngày dự sinh sẽ là 21.4 năm sau). Cách này có hiệu quả khi vòng kinh đều đặn và bà bầu nhớ rõ ngày của kỳ kinh cuối. Đã có một nghiên cứu tại Việt Nam tình cờ phát hiện cách tính này thường sai lệch khoảng hai tuần, có thể do vòng kinh không đều, nhớ ngày kinh không chính xác, quy đổi ngày kinh từ âm lịch sang dương lịch không đúng. Cách tính chính xác hơn là dựa vào kết quả siêu âm trong khoảng ba tháng đầu. Tính theo kiểu này có thể sai lệch khoảng 3 – 5 ngày. Siêu âm trong các tháng muộn hơn sẽ cho kết quả dự sinh sai nhiều hơn, từ 1–3 tuần. Cần biết, tính được ngày dự sinh dù bằng cách nào cũng không tính được ngày sinh chính xác, mà chỉ có thể dự đoán khoảng thời gian có thể sinh, từ đó sắp xếp mọi việc sao cho thuận tiện nhất.

(SGTT)

‘Chửa trâu’: Nguy hiểm cho cả mẹ và con

Khi nào gọi là 'chửa trâu'?

Dân gian thường dùng khái niệm 'chửa trâu' để nói đến những thai phụ quá ngày dự sinh mà chưa chuyển dạ. Trong y học, thai loại này được gọi là 'già tháng' hay 'quá ngày'. Thai kỳ bình thường kéo dài trong 280 ngày, tức 40 tuần, được tính từ ngày kinh cuối cùng. Tuy nhiên, thai đã đủ trưởng thành, sống tốt khi ra khỏi bụng mẹ được tính từ mốc 37 tuần. Từ 37 - 41 tuần là thời gian chờ đợi để có cuộc chuyển dạ tự nhiên. Khi đã quá 41 tuần mà chưa chuyển dạ tự nhiên thì xem là thai quá ngày, còn nếu hơn 42 tuần thì gọi là thai già tháng hay còn gọi là 'chửa trâu'.

Thai quá ngày, già tháng có thể do nhiều lý do: cách tính ngày dự sinh không đúng, do di truyền, cũng có khi vì thai có bệnh lý không gây ra cuộc chuyển dạ. Ngoài ra, thai có bất thường như vô sọ, thiểu sản tuyến thượng thận thường sẽ kéo dài ngày, do thiếu hụt về thần kinh - nội tiết...

Nên khám thai định kỳ để dự kiến ngày sinh

Vì sao nguy hiểm cho cả mẹ và con?

Theo các chuyên gia y tế về sản khoa, tỷ lệ tử vong do 'chửa trâu' tăng dần theo thời gian có thai quá với thời gian bình thường: cao gấp hai lần bình thường khi thai trên 43 tuần; gấp ba lần khi thai trên 44 tuần. Thai từ tuần 42 tuần đến tuần 45 nguy cơ chết trong tử cung là trên 80%, trên 45 tuần là 100%. Nguyên nhân do nhau thai xơ hóa, không đưa dinh dưỡng vào được cho trẻ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng. Khi chửa già tháng, nước ối cạn rất nhanh, trao đổi ôxy và dinh dưỡng giữa mẹ và thai nhi bị giảm đi. Hơn nữa, khi thai già tháng nguy cơ tử vong cả mẹ và con cao do rối loạn đông máu của người mẹ.

Nên khám thai định kỳ để dự kiến ngày sinh

Cũng theo các chuyên gia y tế về sản khoa, cách phòng ngừa thai quá ngày tốt nhất là khám thai định kỳ và siêu âm trong khoảng ba tháng đầu tại các cơ sở y tế. Đây là cơ sở giúp xác định tuổi thai chính xác để can thiệp sớm, tránh xảy ra đáng tiếc. Để tính được dự kiến ngày sinh, cách đơn giản nhất dựa vào cách tính theo ngày kinh. Cụ thể: lấy ngày của kỳ kinh cuối cùng, sau đó ngày cộng 7, tháng trừ 3 là ra ngày dự sinh (ví dụ ngày kinh chót là 14.7, ngày dự sinh sẽ là 21.4 năm sau). Điều quan trọng khi mang thai các thai phụ nên nhớ chính xác ngày của kỳ kinh cuối để giúp các bác sĩ dự kiến được ngày sinh chính xác, nếu nghi 'chửa trâu' cần đến cơ sở y tế khám thai ngay để được theo dõi. Bởi thai già tháng sau khi sinh trẻ khó nuôi vì cơ thể của trẻ không được thoát ra ngoài tử cung đúng thời điểm, sức đề kháng kém, nuôi dưỡng một thời gian cuối trong bụng mẹ không tốt do xơ hóa nhau thai và dễ bị biến chứng sau sinh.

Bác sĩ  Nguyễn Ngọc Phượng

Xử trí khi thai quá ngày

Những năm gần đây, các bệnh viện phụ sản thường gặp nhiều trường hợp thai quá dự kiến sinh. Trước đây, vấn đề này ít và dễ bị bỏ qua. Nhưng nay, khi mặt bằng y tế cải thiện, dân trí nâng cao, các thai phụ đi khám thuận tiện và thường xuyên hơn. Các thầy thuốc sản khoa có cơ hội phát hiện sớm nhiều trường hợp nghi ngờ thai quá ngày sinh. Việc phát hiện và điều trị sớm đã làm giảm đáng kể chết thai cũng như sơ sinh. Nhưng do hiểu biết về thai quá ngày sinh còn hạn chế, nhiều thai phụ và gia đình vì quá lo lắng đã phải mang vết mổ không đáng có.

Cách tính tuổi thai

Có một vài từ mô tả hiện tượng này, ví như: thai già tháng, thai quá ngày sinh, thai quá dự kiến sinh… Các từ đều mô tả một hiện tượng, đó là thai nhi đã đến ngày sinh nhưng chưa chào đời. Tuy nhiên, giữa các từ này có sự khác biệt. Có thể hiểu như sau: thai già tháng là những thai quá dự kiến sinh. Sức sống của thai nhi trong bụng mẹ suy giảm, nên lấy thai ra bằng phẫu thuật. Thai quá dự kiến sinh và thai quá ngày sinh hiểu như nhau, là những thai quá chín tháng mười ngày như dân gian thường gọi, hay quá 41 tuần hoặc 280 ngày theo cách tính của y học.

Những ngày thấy kinh lần cuối hay kỳ kinh cuối cùng là một câu hỏi luôn được đặt ra khi khám thai. Căn cứ vào ngày đầu tiên của kỳ kinh này, thầy thuốc sẽ tính được tuổi thai. Cách tính tuổi thai dựa vào số tuần không có kinh của thai phụ. Ví dụ: nếu một phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt đều 28 ngày, kinh lần cuối thấy từ ngày 1 – 5 tháng 1 năm 2003. Người phụ nữ này đi khám sau khi chậm kinh 2 tuần. Tuổi thai sẽ được tính là: 4+2 = 6 tuần. Cách tính này nhiều người không đồng tình vì cho rằng đây không phải tuổi thai thật. Đúng như vậy, ngày thụ thai thật không phải là ngày có kinh đầu tiên mà là những ngày giữa của chu kỳ kinh. Tuy nhiên, cách tính này được chấp nhận vì không mấy ai biết chắc ngày mình có thai. Cách tính này khá thuận lợi khi thai phụ có chu kỳ kinh nguyệt đều.

Cũng căn cứ vào ngày đầu kỳ kinh cuối cùng mà thầy thuốc có thể đưa ra dự kiến ngày sinh. Cách tính như sau: tháng cộng thêm 9, ngày cộng thêm 7 (không phải 10, do có những tháng 31 ngày). Với cách tính này thì dự kiến sinh của thai phụ trên là: tháng 1 = 1 + 9 = 10, ngày 1 + 7 = 8. Ngày dự kiến sinh là 8 tháng 10 năm 2003. Đây không phải là ngày sinh thật mà chỉ là ngày dự kiến sinh. Với giới hạn này, nếu sau ngày dự kiến sinh chưa thấy chuyển dạ được gọi là thai quá ngày sinh hay đầy đủ gọi là thai quá dự kiến sinh. Những thai này sẽ được theo dõi với một chế độ khác và thời gian hẹn tái khám cũng sẽ gần hơn.

Dự kiến sinh được tính theo ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng. Đến ngày dự kiến sinh, người phụ nữ không có kinh khoảng 40-41 tuần. Như vậy tuổi thai là 40-41 tuần. Trên thực tế không phải thai phụ nào cũng chuyển dạ đúng vào ngày dự kiến sinh. Nếu cuộc chuyển dạ xảy ra ở tuổi thai 38- 42 tuần được coi là thai đủ tháng. Thai nhi dưới 38 tuần được coi là non tháng. Thai nhi trên 42 tuần sẽ được tính là thai già tháng.

Các trường hợp không nhớ ngày kinh sẽ căn cứ vào siêu âm 3 tháng cuối để xác định tuổi thai và dự đoán ngày sinh. Chú ý một điều rằng, siêu âm 3 tháng cuối cho phép sai số 3 tuần. Như vậy, không nên lấy siêu âm 3 tháng cuối để dự kiến ngày sinh. Siêu âm, căn cứ vào các phép đo chiều dài xương để đánh giá tuổi thai, thông thường là đường kính lưỡng đỉnh (2 xương đỉnh), chiều dài xương đùi… Hai thai phụ sinh con đủ tháng, nhưng một người sinh 2.500g, một người sinh 4.000g, không thể nói tuổi thai 2.500g nhỏ hơn thai 4.000g.

Ảnh minh họa

Xử trí thai quá ngày

Thai già tháng sinh ra sẽ gặp nhiều rủi ro hơn thai đủ tháng. Sẽ không thể nói những thai này cứng cáp hơn được. Ta hình dung các thai này giống như người già yếu, không khỏe như những người trưởng thành. Trao đổi chất giữa mẹ và thai nhi ở những thai già tháng kém đi, cung cấp dinh dưỡng và oxy thiếu. Rất hay gặp hiện tượng chết thai trong tử cung. Khi ra đời, các thai già tháng hay gặp các bệnh về đường hô hấp, điều nhiệt… nguy cơ tử vong cũng cao. Nhưng không phải thai quá ngày sinh nào cũng sẽ là thai già tháng, sẽ yếu. Chúng ta có thể hiểu như không phải người cao tuổi nào cũng yếu. Siêu âm là một phương pháp để theo dõi thai quá dự kiến sinh. Lượng nước ối là căn cứ chính để theo dõi.

Nếu kết quả siêu âm trả lời lượng nước ối trung bình hay bình thường, các thai phụ sẽ được hẹn tái khám sau 24-48 giờ. Nếu lượng nước ối thấp, thai phụ nên vào bệnh viện theo dõi. Một vài trường hợp lượng nước ối quá ít, phải mổ lấy thai ngay, còn lại đa số sẽ được thực hiện một thử nghiệm (test). Cách thử như sau: thai phụ sẽ được kích thích tạo cơn co tử cung giống như chuyển dạ. Nếu thai nhi chịu đựng được, coi như thử nghiệm âm tính, thai phụ tiếp tục theo dõi chờ chuyển dạ và làm thử nghiệm này sau 24-48 giờ.

Các thai phụ này vẫn có thể sinh theo đường tự nhiên. Nếu thai nhi không chịu đựng được, biểu hiện bằng những thay đổi bất thường của nhịp tim thai, thử nghiệm có kết quả dương tính. Thai nhi sẽ được lấy ra bằng phẫu thuật.

Các trường hợp không nhớ kỳ kinh cuối, khi siêu âm nghi ngờ đủ tháng cũng nên vào bệnh viện theo dõi như vậy. Siêu âm màu ra đời cho phép đánh giá dòng máu chảy trong cuống rốn, tử cung… giúp cho chẩn đoán thai già tháng, thuận lợi hơn. Sự trao đổi chất giữa mẹ và thai nhi thông qua bánh nhau, dây rốn thay đổi, tiên lượng xấu cho thai, việc lấy thai sẽ đặt ra. Siêu âm màu ứng dụng rất hiệu quả trước các trường hợp nghi ngờ quá ngày sinh kết hợp suy dinh dưỡng trong tử cung. Siêu âm màu khác siêu âm 3 chiều, nhưng đây cũng là một loại máy siêu âm đắt tiền, không phải cơ sở y tế nào cũng có được. Ứng dụng siêu âm màu cho thai quá ngày sinh chưa rộng rãi.

Tóm lại, thai quá dự kiến sinh chưa hẳn đã là thai già tháng. Không nên lo lắng thái quá để rồi gây áp lực buộc nhân viên y tế phải phẫu thuật lấy thai. Việc theo dõi thai quá dự kiến sinh dựa trên bởi lâm sàng và siêu âm. Khi có những nghi ngờ về lượng nước ối nên vào nội trú bệnh viện. Các thử nghiệm (test) nếu âm tính, tức không suy thai cứ tiếp tục chờ chuyển dạ, hoặc bình tĩnh nếu được gây chuyển dạ. Số trường hợp gây chuyển dạ, sinh nở an toàn là không nhỏ.

Theo Sứckhoedoisong