Lưu trữ cho từ khóa: thai lưu

Nguyên nhân gây thai lưu là do mẹ hay thai nhi?

Em bị thai lưu 2 lần. Khi thai được 7 tuần em đi siêu âm thì đã có tim thai, nhưng đến 8 tuần 6 ngày siêu âm lại thì thai đã bị lưu.

Em muốn hỏi nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là tại em hay tại thai nhi? - (Dương Lam)

nguyen-nhan-gay-thai-luu-la-do-me-hay-thai-nhi

Ảnh minh họa

Trả lời:

Chào bạn,

Thai chết lưu là tình trạng thai không phát triển, bị chết và lưu lại trong tử cung. Thai lưu có thể do mẹ, và cũng có thể do bào thai. Nếu nguyên nhân từ phía bào thai thường thuộc nhóm khó xác định và không khắc phục được như thai có dị tật, yếu, có bất thường về nhiễm sắc thể…

Nguyên nhân từ mẹ khá đa dạng: có bệnh lý ảnh hưởng đến sự tuần hoàn mẹ – con như suy dinh dưỡng, các bệnh nhiễm, bệnh lý ác tính (nhất là ung thư), bệnh lý toàn thân (như Lupus); có bệnh lý trong vùng tử cung khiến thai không thể làm tổ như các khối u trong cơ quan sinh dục; nhiễm virus và siêu vi; sức khỏe trong quá trình mang thai không được bảo đảm do quá lao lực, làm việc trong môi trường hóa chất…

Thông thường, nếu bị thai lưu lần đầu thì rất có thể do thai yếu, không phát triển thêm được. Trường hợp bị thai lưu lần thứ hai, nếu bạn đã loại trừ các nguyên nhân khác (như bị bệnh, nhiễm virus, môi trường làm việc độc hại…) thì rất có thể do vấn đề nội tiết của mẹ.

Vì thế, sau lần thai lưu thứ hai này, sau khi đã lấy thai ra khỏi từ cung, việc đầu tiên cần làm là theo dõi xem bản thân bạn có bị các viêm nhiễm phần phụ không, nếu có cần chữa trị dứt điểm. Ngoài ra, bạn nên đi khám, siêu âm cơ quan sinh sản xem niêm mạc tử cung dày hay mỏng, đồng thời theo dõi chu kỳ kinh nguyệt xem có đều không. Thông tin này giúp bác sĩ xác định nguyên nhân thai dễ bị lưu và có hướng giúp bạn khắc phục. Bạn nên cố gắng thư giãn, không nên nghĩ ngợi quá nhiều, có thể sử dụng thuốc điều hòa khí huyết cho cơ thể khỏe mạnh hoàn toàn mới nên tiếp tục thụ thai.

Lương y Phó Hữu Đức

– Chủ tịch Hội đông y Cầu Giấy

Theo Kienthucgiadinh.com.vn

Nguyên nhân gây thai lưu

Tình trạng thai lưu thường ít gặp lại ở những lần mang thai sau nhưng nếu bị lặp lại thì đó là một dấu hiệu bệnh lý ở thai phụ rất đáng lưu tâm
Thai chết lưu có lẽ là tình huống xấu nhất có thể xảy ra trong thai kỳ mà hầu hết các cặp vợ chồng đều lo lắng, nhất là trong lần mang thai đầu tiên.

Tin liên quan:

  • Dấu hiệu thai chết lưu ở bà bầu
  • Bà bầu bị hen suyễn bỏ thuốc, thai dễ chết lưu
  • Vì sao lại bị thai lưu nhiều lần?

Đa dạng nguyên nhân

“Theo định nghĩa y khoa, “thai lưu” là thai chết trong tử cung từ 22 tuần tuổi trở lên, không bị sẩy thai mà vẫn nằm lưu trong tử cung. Tuy nhiên, hiện nay từ “thai lưu” thường được dùng cho cả những bào thai bị chết ở tuần thai nhỏ hơn. Những thai nhỏ này thông thường sẽ sẩy dù sớm hay muộn nhưng để an toàn hơn cho thai phụ, bác sĩ (BS) thường chỉ định dùng thuốc phá thai hoặc hút thai ra sau khi phát hiện thai đã chết” – BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, cho biết.
Theo BS chuyên khoa II Trần Ngọc Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch – Tổng hợp Bệnh viện Từ Dũ, thai lưu có thể có do mẹ và cũng có thể do bào thai. Trong đó, nguyên nhân từ phía bào thai thường thuộc nhóm khó xác định và không khắc phục được: thai có dị tật, nhất là những dị tật về tim mạch, có bất thường về gien – nhiễm sắc thể, thiếu một số men nội tiết… Những bất thường này không phải lúc nào cũng có thể quan sát và xác định chính xác được.
Nguyên nhân từ mẹ khá đa dạng: Có bệnh lý ảnh hưởng đến sự tuần hoàn mẹ – con như suy dinh dưỡng, các bệnh nhiễm, bệnh lý ác tính (nhất là ung thư), bệnh lý toàn thân (như Lupus); có bệnh lý trong vùng tử cung khiến thai không thể làm tổ như các khối u trong cơ quan sinh dục; nhiễm virus và siêu vi; sức khỏe trong quá trình mang thai không được bảo đảm do quá lao lực; các tác nhân vật lý, hóa chất như chấn động, tia X, phóng xạ, ảnh hưởng bởi thuốc men nhất là các loại thuốc đặc trị…
“Các bất thường ở phần phụ của thai cũng có thể dẫn đến hiện tượng thai chết lưu: bất thường ở bánh nhau khiến sự tuần hoàn, trao đổi chất giữa mẹ – con bị ngăn cản; bất thường ở dây rốn (bị thắt nút, dây rốn quấn cổ), bất thường ở ối (thiểu ối)” – BS Thông cho biết thêm.
nguyen-nhan-gay-thai-luu
Ảnh minh họa – Internet

Cần lấy ra sớm

BS Thông cảnh báo: “Thai ngưng phát triển nếu không được sớm đưa ra khỏi cơ thể người mẹ sẽ gây ra một số phản ứng sinh hóa, huyết học làm giảm lượng sinh sợi huyết trong máu, gây ra rối loạn đông máu. Thai càng lớn thì nguy cơ rối loạn đông máu càng cao. Khi thai bị sẩy hay khi làm thủ thuật lấy thai ra, rối loạn đông máu dễ dẫn đến băng huyết – một tai biến rất nguy hiểm có thể làm thai phụ tử vong”. Ông cũng khuyên các thai phụ đừng quá lo lắng khi thai lưu bởi điều đó rất hiếm khi lặp lại ở các lần mang thai sau. Tuy nhiên, nếu thai lưu trên 3 lần thì thai phụ nên tiến hành các kiểm tra, xét nghiệm chuyên sâu hơn vì có thể có một nguyên nhân đáng lo ngại nào đó chưa được loại trừ. Tốt nhất khi có thai lần nữa, thai phụ nên tìm đến các bệnh viện tuyến trên để được theo dõi thai chặt chẽ hơn và nên thông báo tình trạng thai lưu lần trước cho BS.
BS Hải khuyến cáo: Để tránh tình huống đáng buồn này, thai phụ nên sắp xếp công việc hợp lý, có thời gian nghỉ ngơi để sự tuần hoàn mẹ – con được tốt; ăn uống đầy đủ để bảo đảm khối lượng tuần hoàn nhưng cũng không nên ăn quá mức vì cơ thể tăng cân quá nhanh, bị giữ nước cũng khiến nước trong lòng mạch bị thoát ra, không đầy đủ khiến khối lượng tuần hoàn không những không tăng mà còn giảm. Nên khám thai thường xuyên để sớm phát hiện và loại trừ các nguyên nhân có thể khắc phục được. Phụ nữ đã bị thai lưu được khuyến cáo không nên mang thai trở lại ngay mà phải đợi sau 3-4 chu kỳ kinh, tùy vào tuổi thai bị lưu.
BS Thông cũng khuyên các cặp vợ chồng nên lưu ý độ tuổi sinh đẻ, bởi tuổi trên 40 chất lượng trứng, tinh trùng không còn tốt. Các thai phụ trên 40 tuổi có nguy cơ sẩy thai, thai lưu cao hơn hẳn những người trẻ hơn.

Stress cũng làm sẩy thai

ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần TP HCM, cho biết theo các nghiên cứu trên thế giới, một số dạng stress và rối loạn tâm thần cũng có thể gây ra hiện tượng sẩy thai, thai chết lưu. “Ví dụ rối loạn stress cấp và trường diễn sẽ khiến thai phụ dễ giận dữ, mạch nhanh, co thắt cơ, đối với nhóm cơ vùng chậu và tử cung sẽ gây ra cơn gò khiến dễ sẩy thai ở 3 tháng đầu và sinh non ở 3 tháng cuối; rối loạn stress sau sang chấn làm tăng nguy cơ thai lạc chỗ, nôn ói nhiều, dễ sẩy thai hoặc chuyển dạ sớm; rối loạn ăn uống làm tăng gấp đôi khả năng sẩy thai, thai nhẹ ký hoặc đái tháo đường thai kỳ; trầm cảm cũng làm tăng nguy cơ sẩy thai, chảy máu trong thai kỳ và cuộc sinh…” – BS Quang phân tích. Những hiện tượng này có thể được lý giải bởi sự tác động tâm lý lên vùng dưới đồi của vỏ não, làm tác động dây chuyền đến tuyến yên, hệ nội tiết, hệ thống miễn dịch, hệ thống dẫn truyền mạch máu… gây nên nhiều rối loạn trong cơ thể thai phụ.
Theo nld.com.vn
The post Nguyên nhân gây thai lưu appeared first on Tin Sức Khỏe.

Vì sao lại bị thai lưu nhiều lần?

Hiện tượng thai lưu cần được phát hiện và can thiệp sớm để tống xuất ra ngoài trong vòng 2 ngày kể từ khi xác định thai đã chết.

Tôi năm nay 28 tuổi, kết hôn được 4 năm. Trong 4 năm đó, tôi thụ thai 2 lần theo cách tự nhiên nhưng đều bị thai lưu và cho đến giờ vẫn chưa thụ thai trở lại được.

Sau 2 lần thai lưu, em cảm thấy rất lo sợ, không biết mình có khả năng làm mẹ hay không. Bác sĩ cho em hỏi vì sao em lại bị thai lưu nhiều lần như vậy, có phải do tử cung em có vấn đề gì bất thường nên không thể nuôi thai? Em cũng mong bác sĩ tư vấn giúp em cách nào điều trị hiệu quả để nhanh có thai trở lại. Em xin cảm ơn bác sĩ!(Phương Hoa)

vi-sao-lai-bi-thai-luu-nhieu-lan

Ảnh minh họa

BS. Hoa Hồng tư vấn:

Bạn Phương Hoa thân mến,

Thai lưu là tình trạng trứng trứng đã thụ tinh và làm tổ được trong tử cung tạo thành bào thai, nhưng bị chết và lưu lại trong tử cung. Đa phần thai khi thai chết lưu, sản phụ sẽ có những cảm giác như: giảm và mất hết cảm giác nghén, bụng nặng và hơi tức, ngực mềm đi, không còn căng tức như ban đầu nữa, tự nhiên tiết sữa non, tâm trạng bồn chồn, bất thường, hay lo lắng, ra máu đen ở âm đạo, tim thai ngừng đập, thử máu thấy sinh sợi huyết giảm… Những triệu chứng này rất dễ nhầm với chửa ngoài dạ con, đặc biệt là chửa trứng nên chỉ có đi khám, siêu âm mới có thể kết luận chính xác được.

Có nhiều nguyên nhân gây thai lưu. Thai phụ mắc bệnh mãn tính (Viêm thận, suy gan, thiếu máu, lao phổi, bệnh tim, huyết áp cao…), bệnh nội tiết (Basedow, thiểu năng giáp trạng, tiểu đường, một số bệnh lý về thận…), nhiễm độc thai nghén… đều có nguy cơ bị thai lưu cao.

Một số lý do xuất phát từ thai nhi dẫn đến thai lưu bao gồm: Rối loạn nhiễm sắc thể, thai dị dạng, bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con, thai già tháng, đa thai…

Ngoài ra, những nguyên nhân từ phần phụ, tử cung như bất thường ở dây rốn, bất thường ở bánh rau, nước ối… cũng có thể gây ra thai lưu.

Điều nguy hiểm nhất đối với người bị thai chết lưu là ối bị vỡ sớm khi chưa có dấu hiệu sẩy hay chuyển dạ, vì qua nơi màng ối rách, vi khuẩn sẽ vào buồng ối và dạ con gây nhiễm khuẩn trầm trọng, lúc này có thể nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ. Điều nguy hiểm thứ hai là khi thai lưu lại quá lâu trong dạ con (3-4 tuần trở lên) có thể gây ra tình trạng rối loạn đông máu dẫn đến băng huyết nặng ở người mẹ sau sẩy hoặc đẻ.

Các trường hợp thai lưu sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người phụ nữ nếu như quá trình lấy thai ra gây ra những hậu quả như nhiễm trùng, thủng tử cung… Vì vậy, nếu bạn được xử lý thai lưu  tại các cơ sở y tế tin cậy, đảm bảo uy tín thì sẽ giảm được nguy cơ nhiễm trùng, viêm nhiễm… từ thủ thuật của bác sĩ, nguy cơ vô sinh cũng được giảm thiểu. Vì vậy, bạn không nên lo lắng quá.

Trong trường hợp của bạn, tốt nhất bạn nên đi khám để biết tình trạng sức khỏe hiện tại của mình ra sao, có rắc rối gì ở cơ quan sinh sản hay không. Tốt nhất, bạn nên đến các viện chuyên sản khoa để được khám và tư vấn điều trị hiếm muộn và tăng khả năng thụ thai thành công.

Chúc vợ chồng bạn sớm có tin vui!

Theo Afamily.vn

Bị thai lưu 2 lần có bị vô sinh không?

Có khoảng 75% trường hợp thai lưu liên tiếp có thể tìm thấy nguyên nhân, còn hơn 25% trường hợp vẫn không tìm được nguyên nhân.

Em 23 tuổi, chồng em 30 tuổi, lập gia đình được 2 năm. Em bị thai lưu 2 lần cách nhau 7 tháng, đều không có tim thai ở tuần thứ 7. Em cảm thấy rất lo sợ, không biết mình có khả năng làm mẹ hay không. Mong bác sĩ tư vấn giúp là em phải khám và xét nghiệm những gì? - Cung Thị Tuyết Anh (quận 4, TPHCM).

bi-thai-luu-2-lan-co-bi-vo-sinh-khong

Ảnh minh họa.

TS.BS Lê Thị Thu Hà, Phó khoa Sản A, Bệnh viện Từ Dũ TP HCM:

Có khoảng 75% trường hợp thai lưu liên tiếp có thể tìm thấy nguyên nhân, còn hơn 25% trường hợp vẫn không tìm được nguyên nhân.

Thai lưu liên tiếp có thể do 1 số nguyên nhân như rối loạn nhiễm sắc thể, bệnh lý nội tiết (tuyến giáp, tiểu đường), bệnh mạn tính (bệnh thận, cao huyết áp, lupus…), nhiễm trùng, nhiễm siêu vi, ảnh hưởng bởi chất độc (hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc nhuộm, thuốc điều trị bệnh ung thư, chất phóng xạ…).

Hai vợ chồng bạn cần khám tổng quát và khám phụ khoa cũng như xét nghiệm di truyền để tìm nguyên nhân nếu có bạn nhé. Chi phí tùy vào các xét nghiệm cần thực hiện.

Theo Kienthuc.net.vn

Trục trặc khi mang thai

Tôi 34 tuổi, ở An Giang, đã có một con 10 tuổi. Do kinh tế gia đình ổn định nên tôi muốn sinh thêm, nhưng không biết sức khỏe của tôi gặp vấn đề gì mà khi có thai lần 2 thì bị thai lưu; tôi để hơn 1 năm sau có thai lại, được 2 tháng thì tim thai yếu. Xin hỏi bác sĩ là tôi còn khả năng sinh con được nữa hay không?

(kimtho@…)

Thông thường những trường hợp sẩy thai, thai lưu, hoặc thai có sức khỏe kém trong khoảng 3 tháng đầu thai kỳ chủ yếu là do các nguyên nhân từ con, có thể do trứng không tốt, hoặc trong quá trình phát triển của thai có vấn đề làm cho thai không tốt. Với tuổi của bạn, thật ra chưa phải là giai đoạn khó mang thai và sinh con.

Tuy nhiên, để đảm bảo, bạn nên kiểm tra sức khỏe tổng quát để tìm xem có mắc bệnh nội ngoại khoa nào cần điều trị không. Bạn cũng cần xem lại tình trạng dinh dưỡng, cân nặng, vì thiếu cân hay béo phì đều không tốt khi mang thai. Để phòng ngừa bệnh lý thai, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để tư vấn về việc dùng thêm vi chất, hoặc tiêm ngừa một số bệnh cần thiết

Bác sĩ  Đặng Lê Dung Hạnh

BACSI.com (Theo Thanhnien)