Lưu trữ cho từ khóa: tấm lòng nhân ái

Niềm hy vọng cho bé Ái Trân

Cuối tháng 8/2012, báo đài đưa tin Bé Nguyễn Ái Trân – hiện ngụ tại Ấp 9, xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau mắc một căn bệnh lạ làm cho da bé chảy xệ và có nhiều nếp nhăn ở mũi, miệng, trán và nhiều vết chân chim; trên thân mình, da của bé đặc biệt dư, mất đàn hồi so với da của người bình thường.

niem-hy-vong-cho-be-ai-tran

Cháu Nguyễn Thị Ái Trân (Hình ảnh từ báo Thanhnien đăng ngày 28.8)

Căn bệnh của bé Trân không chỉ là nỗi bất hạnh của riêng bé mà còn là nỗi đau của gia đình, của người mẹ luôn cận kề bên con, người cha quanh năm làm thuê cuốc mướn. Bé Trân là con thứ ba của anh  Nguyễn Thanh Sắc và chị Trần Thị Trang. Sau khi sinh bé thứ hai, chị Trang kế hoạch đến 9 năm mới sinh bé Trân. Năm 2009, bé Trân chào đời với một cơ thể bình thường như bao bé khác, 2 tháng sau bé đột nhiên tăng cân rất nhiều mặc dù chỉ bú sữa mẹ – Chị Trang cho biết thêm, lúc đó chị cũng có rất ít sữa. Đến tháng thứ 4, bé Trân có dấu hiệu tiêu chảy và ho, da bé cũng bắt đầu nhăn nheo. Gia đình nghèo khó lại chỉ nghĩ đơn giản là do bé sụt cân nên da bị chảy xệ, mãi đến tháng thứ 8 chị Trang mới mang đến khám tại Bệnh viện Đa Khoa Cà Mau, tại đây các bác sĩ chuẩn đoán bé mắc bệnh lão hóa da. Vợ chồng chị Trang, anh Sắc lại khăn gói cùng con đến khám tại bệnh viện Nhi Đồng 1, tại đây bé cũng được chẩn đoán là bệnh lão hóa da.

P1140341

Từ lúc phát hiện bệnh đến nay, bé Trân lớn lên trong sự mặc cảm, mặc dù chỉ hơn 3 tuổi nhưng bé ý thức được rằng mọi người xung quanh dòm ngó và hầu như rất sợ ra ngoài, nếu có ra ngoài bé cũng sẽ đeo khẩu trang kín mặt. Gia đình anh Sắc, chị Trang hiện phải dựa vào số tiền ít ỏi hàng tháng anh Sắc làm thuê cuốc mướn để trang trải cho 5 miệng ăn và nuôi hai con gái đi học, bé lớn Quỳnh Như học lớp 7, bé nhỏ Huyền Trân học lớp sáu.

Biết được bé Trân mắc căn bệnh lạ và cuộc sống khó khăn của gia đình bé, phòng khám chuyên khoa da STAMFORD gồm các BS.Tom Cường, BS.Mark Siefring, BS.Doanh Lữ, BS.Thanh Giang đã có cuộc gặp gỡ đầu tiên với bé, sau đó tiến hành thăm khám và làm các kiểm tra cận lâm sàng vào ngày 10.09.2012. Bé được chẩn đoán nghi ngờ mắc bệnh Cutis Laxa, là một căn bệnh hiếm gặp và hiện tại chỉ có hơn 90 ca trên thế giới. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ tại phòng khám Stamford  tiến hành hợp tác với các chuyên khoa thuộc trường Đại Học Pittsburgh, Hoa Kỳ- là nơi đang nghiên cứu căn bệnh lạ này – với hi vọng sẽ tìm ra được hướng điều trị cho bé. Trường Đại Học Pittsburgh, Hoa Kỳ đồng ý tiếp nhận ca bệnh này để nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân là do di truyền hay tự phát, phòng khám chuyên khoa da STAMFORD sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí thăm khám, các kiểm tra cận lâm sàng (xét nghiệm máu, X-quang, sinh thiết da…), chi phí vận chuyển và xét nghiệm chuyên sâu tại trường Đại học Pittsburgh, Hoa Kỳ….

P1140348

Chương trình nghiên cứu về căn bệnh này sẽ diễn ra trong vòng 5 năm, và mỗi năm, Đại học Pittsburgh sẽ liên hệ với gia đình bé 1 lần thông qua phòng STAMFORD để thu thập các mẫu xét nghiệm và trình trạng bệnh tình của bé. Bệnh cạnh đó, các bệnh nhân, khách hàng của phòng khám Stamford khi biết được bệnh tình của bé cũng đã ủng hộ để giúp đỡ gia đình chi phí đi lại, vận chuyển các mẫu xét nghiệm đến Hoa Kỳ.

Ngày 14/01/2013, gia đình bé Trân đã có mặt tại phòng khám STAMFORD để nghe các bác sĩ nói về chương trình và lấy các mẫu máu của cha mẹ, 2 chị gái của bé, đồng thời lấy thêm mẫu da của bé để gửi về trường Đại học Pittsburgh, Hoa Kỳ. Bác sĩ Tom Cường –phòng khám STAMFORD cho biết: “Theo dự đoán của chúng tôi, cháu Trân bị mắc căn bệnh Cutis Laxa tự phát vì dòng họ cháu chưa ai mắc bệnh này. Căn bệnh này tạm thời không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng về sau có thể ảnh hưởng đến tim, phổi của bé. Nếu tìm ra được nguyên nhân thì chúng ta có khắc phục được những biến chứng sau này.” Với mục đích tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị, chương trình nghiên cứu của đại học Pittsburgh hi vọng có thể không chỉ giúp cho bé Trân mà còn cho những bệnh nhân khác trên thế giới thoát khỏi căn bệnh này.

P1140351

Bé Trân hồn nhiên trong vòng tay mẹ và các chị, một bé Trân hiếu động đã bật khóc khi nhìn thấy mẹ khóc. Tin chắc rằng ai nhìn thấy cũng sẽ không kiềm được nước mắt. Để nụ cười của bé mãi tỏa sáng, để bé có thể tự tin cắp sách đến trường, phòng khám STAMFORD rất mong nhận sự đồng hành để cùng giúp bé trong chương trình nghiên cứu, đặc biệt là chi phí đi lại của già đình bé từ Cà Mau lên TPHCM, vận chuyển các mẫu xét nghiệm sang Hoa Kỳ.

Mọi đóng góp xin liên hệ Ms. Hiền hoặc Ms. Quỳnh – 08.3932 1090 hoặc 0908 453 338, hoặc liên hệ trực tiếp anh Sắc – 0942 883 922 (bố bé Trân). Toàn bộ số tiền ủng hộ thu được tại phòng khám Stamford sẽ được gửi trực tiếp đến gia đình bé Nguyễn Ái Trân.

PHÒNG KHÁM STAMFORD 

Địa chỉ: 254 Điện Biên Phủ, Phường 7, Quận 3, TP.HCM, Việt Nam

ĐT: (08) 3932 1090

Email: [email protected]
/* */

Người đàn ông chờ chết vì không có tiền mổ tim

Bán hết ruộng vườn để lo cho vợ bị suy thận, bà xã vừa qua đời, ông Phùng Sanh lại nhập viện vì bệnh tim kéo dài hơn 6 năm. Số tiền hơn 90 triệu đồng dự kiến phẫu thuật là không tưởng với người đàn ông 57 tuổi.

Chiều 14/5, cơn đau lại ập đến khiến bệnh nhân quê ở Diên Bình, Diên Khánh, Khánh Hòa, nằm như bất động, mắt trừng trừng nhìn lên trần nhà. Dưới gối, tờ giấy chỉ định phẫu thuật tim của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã có sẵn, nhưng ông chỉ biết thở dài vì số tiền phẫu thuật vượt ngoài khả năng.

Người đàn ông chờ chết vì không có tiền mổ tim
Ông Sanh đang nằm viện. Ảnh: Thiên Chương.

“Có lẽ tôi phải về quê chứ không còn cách nào khác. Các con nghèo quá, đất ruộng đã bán hết, nợ ngân hàng còn mấy chục triệu chưa trả xong. Giờ có bán căn nhà nhỏ thì cũng không đủ trang trải mà lại không có chỗ dung thân. Đành buông xuôi sống được ngày nào hay ngày ấy”, ông Sanh nghẹn ngào.

Nói được vài câu, ông Sanh vẫn phải nằm xuống giường để thở khiến những người nuôi bệnh tại căn phòng thuộc khoa Hồi sức phẫu thuật tim Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM xúm lại. Thấy ông mệt mà không có thân nhân, người lấy quạt quạt, người lấy khăn lau. Gần nửa giờ sau, sắc diện ông Sanh mới khá trở lại.

“Cách đây 3 tháng thấy tôi có hoàn cảnh khó khăn, thay vì mổ để thay van tim, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và đoàn bác sĩ Nhật đã chỉnh sửa lại van tim cho tôi. Tuy nhiên không được bao lâu thì tôi mệt trở lại, lần này thậm chí còn mệt hơn”, ông Sanh nói.

Theo lời ông Sanh, kể từ cuối năm 2006, ngoài chuyện lo cái ăn thì gia đình ông bắt đầu tốn một thứ chi phí khác, đó là tiền thuốc, khi mà bệnh tim của ông bắt đầu xuất hiện.

“Ban đầu bị sốt và khó thở, tưởng cảm thường, tôi tự mua thuốc uống thế nhưng uống hoài không khỏi. Đến bệnh viện đa khoa Khánh Hòa khám, cầm kết quả siêu âm bị suy tim, chân tôi không đứng vững nữa bởi nhà thì nghèo mà thuốc men phải uống thường xuyên”, ông Sanh nói

Anh Phùng Bá Vinh, con trai ông Sanh cho biết, cảnh túng thiếu thực sự đến với gia đình anh khi không lâu sau khi bố phát hiện bị bệnh tim thì mẹ anh cũng đồng nhập viện vì suy thận mãn.

“Hai người chị có chồng buôn bán nhỏ, bản thân tôi làm công nhân lương tháng ngoài 2 triệu đồng. Đã hơn 6 năm nay, 3 anh chị em cố làm việc để gom tiền chữa trị cho bố mẹ và cả ruộng vườn của gia đình cũng phải ra đi nhưng vẫn không đủ”, anh Vinh nói.

Theo bác sĩ Trần Minh Hải, khoa khoa Hồi sức phẫu thuật tim Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM, ông Phùng Sanh bị hở van tim kèm bệnh lý mạch máu trong tim. Cách đây 3 tháng, bệnh viện đã chỉnh sửa van tim cho bệnh nhân nhưng bệnh lý mạch máu đã khiến van tim tiếp tục hở. “Nếu không có tiền chữa trị, ông Sanh chỉ còn cách uống thuốc cầm chừng và phải luôn đối diện với nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào”, bác sĩ Hải cho biết.

Kỹ sư Lê Minh Hiển, Trưởng đơn vị Y xã hội của bệnh viện cho biết, vừa qua biết gia đình ông Sanh khó khăn, chính quyền xã Diên Bình đã xét cấp bảo hiểm hộ cận nghèo cho bệnh nhân. Tuy nhiên trong phẫu thuật, số tiền được hưởng từ bảo hiểm cũng chỉ khoảng 30% tiền của ca mổ.

“Dự kiến tiền thay van tim và điều trị bệnh lý mạch máu trong tim của bệnh nhân từ 90 đến 100 triệu đồng”, ông Hiển cho biết.

Độc giả quan tâm vui lòng liên hệ Đơn vị Y xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy theo số điện thoại: 083.8552486. Hoặc gửi tiền giúp đỡ về Kho bạc quận 5, số tài khoản 945010500002 của Bệnh viện Chợ Rẫy (ghi rõ họ tên bệnh nhân muốn giúp đỡ để bệnh viện sử dụng tiền chữa trị đúng người).

(Theo Dantri)