Lưu trữ cho từ khóa: tắc trách

Đình chỉ công tác điều dưỡng viên tiêm nhầm thuốc, bệnh nhi tử vong

 Liên quan đến vụ việc bệnh nhi Lê Nguyễn Phương Linh (6 ngày tuổi, con của anh Lê Thanh Phong và chị Nguyễn Thị Lài, ngụ xã Phúc Thọ, H.Nghi Lộc, Nghệ An) tử vong ngày 27.1 do tiêm nhầm thuốc, ngày 28.1, Bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An đã đình chỉ công tác điều dưỡng viên Phạm Đức Tuấn, người trực tiếp tiêm thuốc Chloramphenicol 1g cho bé Linh.

Ông Dương Công Hoạt, Giám đốc Bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An, cho biết đối với bác sĩ Trần Thị Kiều Anh (là giáo viên Trường ĐH Y Vinh), người kê đơn cho bé Linh, bệnh viện đang phối hợp với trường để có hướng xử lý.

Ông Bùi Đình Long, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cũng cho biết đang yêu cầu Bệnh viện Sản – Nhi báo cáo và trong ngày 28.1, Sở đã cử cán bộ đến bệnh viện để làm rõ vụ việc.

(Theo Thanhnien)

HCM: Bệnh nhân tử vong, người nhà “náo loạn” Sở Y tế

 Không đồng ý với kết luận, cách giải quyết của bệnh viện và Sở Y tế, sáng nay (25.1), người nhà của bệnh nhân Đ.V.T (nam, 49 tuổi, ngụ Tôn Đản, Q.4, TP.HCM) – người bị tử vong sau khi điều trị tại Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM), tiếp tục mang băng-rôn đến Sở Y tế TP.HCM khiếu nại.

Theo bà Đặng Thị Liên, vợ của bệnh nhân Đ.V.T, ông T. bị đau lưng, đi tiểu lắt nhắt nên đã vào khám tại Bệnh viện Bình Dân, được chẩn đoán ban đầu là đau quặn thận, thận phải ứ nước mức độ 1.

Sau đó, bệnh nhân được chẩn đoán là tắc mật, cơn đau quặn gan. Chẩn đoán trước mổ là sỏi ống mật chủ, sỏi gan. Đến ngày 3.8.2012, bệnh nhân được mổ ống mật chủ để lấy sỏi, dẫn lưu và làm sinh thiết.

Tuy nhiên, khi mổ ra, bác sĩ mới phát hiện bệnh nhân bị ung thư di căn và cho đặt ống kehr để dẫn lưu mật ra ngoài. Bệnh nhân sau đó được cho về nhà và tử vong.

Tại Sở Y tế, sáng nay, bà Liên bức xúc, tại sao tất cả các xét nghiệm về máu, nước tiểu và chụp MRI (được bác sĩ chỉ định làm và chụp MRI ở Trung tâm Y khoa Medic) của ông T. đều cho kết quả âm tính, riêng kết quả MRI kết luận “ống mật chủ không giãn, không sỏi” nhưng đến khi mổ ra bác sĩ lại nói “có cục bướu rất to” và kết luận ung thư. Mặt khác, bác sĩ chỉ định mổ lấy sỏi sao khi mổ ra lại không lấy được cục sỏi nào (?).

Phó giáo sư – Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết Sở Y tế đã kết luận bệnh viện sai. Trong thời gian phẫu thuật có phát hiện bất thường, nhận định có thêm bệnh lý so với chẩn đoán trước mổ nhưng bác sĩ phẫu thuật không kịp thời thông báo, tư vấn cho gia đình bệnh nhân.

Giám đốc Sở Y tế nhận trách nhiệm về thiếu sót trong thái độ phục vụ của nhân viên ngành y tế và xin lỗi gia đình bệnh nhân. Đồng thời, ông cũng cho biết sẽ có kiểm điểm những người có sai sót.

Về phía Bệnh viện Bình Dân, bệnh nhân và bệnh viện sẽ gặp gỡ để thỏa thuận bồi thường.

Trong sự việc này, trước đó, kết luận của hội đồng chuyên môn của Sở Y tế ngày 9.11 là: bệnh nhân bị ung thư di căn gan (có khả năng tiên phát từ đường mật), kèm sỏi đường mật; không sai sót về phẫu thuật; bác sĩ có thiếu sót là không tư vấn cho thân nhân bệnh nhân quá trình phẫu thuật khi phát hiện bất thường so với chẩn đoán trước mổ.

Ngày 26.12, gia đình bệnh nhân cũng từng đến khiếu nại Sở Y tế vì cảm thấy giải thích từ phía cơ quan y tế là chưa thỏa đáng.

Đến ngày 15.1.2013, Sở Y tế TP.HCM tiếp tục có văn bản trả lời thắc mắc của gia đình bệnh nhân: “Quy trình chụp MRI gan mật tụy của Trung tâm Y khoa Medic được thực hiện đúng quy trình nhưng trong trường hợp này do khối u đường mật không bắt thuốc tương phản nên không thể hiện hình ảnh khối u đường mật trên kết quả MRI”.

Đồng thời, trả lời của Sở Y tế khẳng định việc dẫn lưu ống mật chủ bằng ống Kehr xuyên bướu trong trường hợp của bệnh nhân là phù hợp, không làm nặng thêm tình trạng của bệnh nhân.

(Theo Thanhnien)

Cà Mau: Bệnh nhân tử vong do bác sĩ tắc trách?

Ngày 31.8, tiếp xúc với chúng tôi chị Thạch Trang Bảo Ngọc (ngụ P.4, TP.Cà Mau, Cà Mau) khẳng định nguyên nhân dẫn đến cái chết của mẹ chị (bà Trang Thị Thùy Trinh, 54 tuổi) là do bác sĩ tắc trách, không cấp cứu kịp thời.

Chị Bảo Ngọc cho biết khoảng 6 giờ 30 phút ngày 30.8, mẹ chị lên cơn mệt nên được người nhà đưa vào Bệnh viện đa khoa Cà Mau cấp cứu. Đến khoảng hơn 8 giờ thì mẹ chị được chỉ định chuyển xuống khoa Lao.

“Dù mẹ tôi đang phải thở bằng oxy nhưng trong quá trình chuyển đi, mẹ tôi không được hỗ trợ oxy. Do chuyển mẹ tôi bằng xe lăn nên đến cầu thang, người điều dưỡng bắt mẹ tôi đi cầu thang lên lầu. Mẹ tôi mệt đi không được, nên họ mới lấy băng ca chuyển mẹ tôi lên lầu. Đến nơi, mẹ tôi mệt dữ dội hơn nhưng không được bác sĩ thăm khám, mà kêu gia đình đi mua mặt nạ hô hấp”, chị Ngọc cho biết.

“Khi mua được mặt nạ, thì tìm không ra người để gắn vì các nhân viên y tế không có mặt tại đó. Người nhà của bệnh nhân ở giường bên cạnh thấy vậy liền đến gắn hộ nhưng khi gắn xong thì mẹ tôi ngất xỉu và tử vong. Lúc này, bác sĩ mới đến cấp cứu, nhưng mọi chuyện đã muộn”, chị Ngọc bức xúc.

Chị Ngọc cũng như gia đình cho rằng, nếu các y bác sĩ có trách nhiệm thì mẹ chị đã không chết. Đến khi gia đình thắc mắc đề nghị lãnh đạo bệnh viện giải thích nguyên nhân cái chết của người thân dù còn giờ hành chính buổi sáng nhưng họ bắt người nhà ngồi chờ đến đầu giờ chiều.

“Đến giờ hẹn cũng không thấy ai, khi gia đình phản ứng mạnh họ mới xuất hiện giải thích với kiểu cho có”, chị Ngọc nói.

Trao đổi với chúng tôi, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Cà Mau Trần Thị Chính cho biết: “Từ khoa Cấp cứu chuyển lên khoa Lao chỉ có khoảng 5 phút, bệnh nhân sẽ không sao. Trong khi đó, khoa Lao cũng có bác sĩ trực, có phòng bệnh nặng rồi nên không có vấn đề gì. Nhưng chúng tôi sẽ xem xét lại vụ việc rồi thông tin sau”.

(Theo Thanhnien)

 

Bác sĩ đỡ sinh nhận sai sót vụ “siêu âm song thai”

Chiều qua, gia đình sản phụ Hiên nói, sẽ ở lại Bệnh viện đa khoa khu vực (BVĐKKV) Thủ Đức, TP.HCM cho đến khi nào BV đưa ra một đứa con nữa mới về.

Chuyện chưa từng có trong ngành sản khoa vừa xảy ra ở BVĐKKV Thủ Đức, TP.HCM: một thai phụ được nhiều bác sĩ (BS) siêu âm (SA) qua nhiều lần đều khẳng định có hai con, thế nhưng khi sinh ra chỉ có một bé.

Ngược chiều

Ngày 21.7, trao đổi với Thanh Niên về trường hợp sản phụ Trần Thị Kim Hiên (28 tuổi, tạm trú Q.9, TP.HCM) - trường hợp song thai, nhưng sinh ra chỉ một bé tại BVĐKKV Thủ Đức (Thanh Niên đã thông tin), BS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc BV nói: “Đúng là trước đó, nhiều kết quả SA cho chị Hiên có hai thai. Tuy nhiên, khi chị Hiên vào BV ngày 15.7, BS của BV có SA lại thì kết quả chỉ có một thai. Khi BS thông báo như thế, thì chị Hiên không đồng ý, mà nói: “Em SA rất nhiều lần trước đó đều có hai thai”. “Thấy lạ, nên BS BV cho kiểm tra lại SA, cộng với khám lâm sàng, thì cũng ra… một thai”. “Nếu kết quả SA có sự trái ngược, và thai phụ thắc mắc như thế thì tại sao BS không giải thích thật rõ, thậm chí bảo thai phụ đi kiểm tra lại ở một nơi khác” - chúng tôi thắc mắc, thì BS Hưng nói: “Vì lúc đó thai phụ đã được đưa vào phòng, chuẩn bị sinh. Tôi khẳng định chắc chắn chỉ có một thai nhi mà thôi”.

 
Sản phụ Hiên và đứa con duy nhất được sinh ra

Thế nhưng, chị Hiên và chồng  - anh Trần Võ Chí Tâm, cùng mẹ chồng là bà Võ Thị Bé Năm đều khẳng định trái ngược hoàn toàn lời BS Hưng. Cả ba đều kể lại rất giống nhau: Ngoài những kết quả SA trước đó, thì khi vào BV, chính BS Vũ Thị Thu, Khoa Sản BVĐKKV Thủ Đức, người đã nhiều lần SA cũng như thông báo song thai cho chị Hiên ở phòng khám (PK) mà BS làm thêm, và cả ở phòng mạch tư (BS Thu cũng là người đỡ sinh cho chị Hiên - PV) cũng khẳng định việc song thai.

Bà Bé Năm nói: “Chính tôi là người cùng con dâu vào BV. Lúc mới vào, BV có làm SA lần nữa và kết quả cũng là hai thai. Chính BS Thu cũng trao đổi với tôi trước sinh lúc 12 giờ ngày 15.7 là: “Có hai thai, một trai, một gái; một thai có thể sinh thường được, còn một thai phải sinh mổ, vậy người nhà tính sao?”. Tôi nói, vậy BS cho sinh mổ luôn, BS Thu đồng ý. Hơn 12 giờ bắt đầu sinh, mấy chục phút sau, BS Thu ra thông báo, sinh ra chỉ có một bé gái và nói: “Trường hợp như thế này tôi chưa gặp, tôi rất hoang mang…”. “Chiều đó, BS Thu có bảo tôi ký vào giấy cam kết là chỉ có một bé gái. Tôi đâu biết gì, cũng ký”, mẹ chồng sản phụ Hiên nói.

Bác sĩ thú nhận chẩn đoán sai

Đến cuối ngày hôm qua, chúng tôi có trong tay lá thư của BS Thu gửi cho chị Hiên và gia đình vào ngày 20.7, trong đó có đoạn: “Tôi rất buồn vì để xảy ra sự việc chẩn đoán lầm lẫn như thế này. Chẩn đoán trước sinh là song thai, nhưng khi sinh chỉ có một bé gái. Sự thật là như thế, tôi không thể nói sai sự thật… Khi sinh ra tôi đã nói liền với Hiên, trong ê kíp mổ còn có những người khác. Em và gia đình đừng nghĩ tôi làm gì với con em… Tôi rất mong em và gia đình thông cảm…”.

 
Kết quả siêu âm của BS Thu - Ảnh: Hà Minh

Tối hôm qua chúng tôi đã gọi cho BS Thu và được bà xác nhận lá thư trên là của mình. BS Thu nói: “Tôi khẳng định với chính lương tâm thầy thuốc là chị Hiên chỉ sinh một em bé. Tôi thừa nhận đã có sai sót trước sinh vì tôi không khám lâm sàng dẫn đến chẩn đoán sai. Quá trình SA lại có thể xuất hiện ảo ảnh, hay trùng khớp nào đó. Khi mổ ra, có rất nhiều người chứng kiến chứ không phải chỉ mình tôi đều khẳng định chỉ có một em bé. Đây là bài học sâu sắc đối với tôi…”. Tuy nhiên, vợ chồng chị Hiên không đồng ý với lý giải của BS Thu và của đại diện BV.

Quá tin vào kết quả siêu âm trước?

Chiều qua, chúng tôi tìm gặp những BS, PK đã chẩn đoán cho chị Hiên trước đó. BS Hà Thị Tuyết Nhung (PKĐK Phước Sơn, 262 Võ Văn Ngân, Q.Thủ Đức) nói: “Tôi siêu âm cho Hiên lúc thai trước 22 tuần tuổi. Tôi không hề khẳng định song thai một trai, một gái”. “Vậy tại sao trong kết quả SA, BS ghi hai thai sống?”, chúng tôi đưa ra kết quả này, thì BS Nhung ngập ngừng nói: “Tôi nghĩ, nhiều khi tôi bị sai trong SA. Máy SA của PK chỉ 2D (hai chiều), có thể không chính xác, có ảo ảnh. Hơn nữa, do chị Hiên nói kết quả SA 4D (4 chiều) trước đó song thai nên tôi… ghi vậy”. Chị Hiên còn SA ở Bảo sanh viện Phước Sơn (P.Bình Thọ, Q.Thủ Đức, cũng thuộc PKĐK Phước Sơn), với nhiều BS khác nhau và nhiều lần cũng cho kết quả song thai - gia đình còn lưu những kết quả này. Chúng tôi cũng tìm đến đây nhưng PK này chiều qua không làm việc.

Gia đình chị Hiên cho biết thêm: “Khi sinh ra một bé, mấy cô ở phòng SA của BV bảo, vì quá tin vào kết quả SA song thai của BS Thu trước đó. Còn BS Thu thì nói quá tin tưởng vào BS SA trước đó”. BS Thu cũng nói với chúng tôi: “Do thai phụ nói đã khám bên BS “đàn chị” trước đó (BS của PKĐK Phước Sơn - PV) nhiều lần đều là song thai, làm tôi cũng hơi xuôi”.

Như vậy, nếu đúng như BS Thu thú nhận, thì các BS tham gia khám, SA cho chị Hiên đã quá cẩu thả trong việc SA, khám lâm sàng. Còn không, thì vẫn có gì đó chưa rõ. Bởi theo các BS chuyên về SA sản khoa của một BV đầu ngành tại TP.HCM và các BS sản phụ khoa lâu năm của BV Từ Dũ thì: nếu kết quả SA chính xác trong nhiều lần, xuyên suốt ở nhiều tháng của thai kỳ (cả sau tháng thứ ba) là song thai như trường hợp chị Hiên, thì không thể có chuyện sinh ra một bé. Chỉ trừ trường hợp 3 tháng đầu SA song thai, nhưng vì có một thai chết đi, thì sau đó còn lại một thai. Còn trường hợp ngược lại, kết quả SA cho một thai, nhưng sinh ra lại hai bé thì có xảy ra trong thực tế.

Không thể có ảo ảnh trong siêu âm thai!

Các BS có chuyên môn sâu về SA sản khoa của TP khẳng định chắc chắn với PV Thanh Niên rằng: “Không hề có chuyện ảo ảnh trong SA thai!”. Như vậy, rõ ràng sự lý giải của các BS liên quan trong vụ sản phụ Hiên là trên nền kiến thức không nắm chắc về chuyên môn.

(Theo Thanhnien)