Lưu trữ cho từ khóa: tắc ruột

Tắc ruột vì nuốt cam để chữa hóc xương

Chỉ vì muốn nuốt trôi cái xương cá bị hóc, anh Thái Minh T. (45 tuổi ở Đống Đa, Hà Nội) đã phải cấp cứu vì tắc ruột.

Tắc ruột nếu không được cấp cứu kịp thời có thể gây mất nước và điện giải do nôn, hạ huyết áp, trụy mạch… bệnh nhân dễ tử vong.

tac-ruot-vi-chua-hoc-xuong-bang-nuot-chung-cam
Bệnh nhân T. đang điều trị tại bệnh viện 354.

Đã 3 ngày cấp cứu nhưng anh Thái Minh T. vẫn chưa ăn uống được gì. Anh cho biết, tối ngày 11/12, anh ăn canh cá thì bị hóc xương. Anh đã làm mọi cách theo dân gian như nuốt cơm, dùng đũa… nhưng xương vẫn mắc. 9h tối anh lên mạng tra cách chữa hóc xương và thực hiện ăn cùi bưởi, sau đó chập 3 miếng cam làm một, nhai qua rồi nuốt chửng để cho xương trôi xuống.

Anh ăn hai miếng như vậy thì thấy hết vướng xương, nhưng sáng hôm sau anh bị đau bụng quằn qoại, phải đi cấp cứu và kết quả chụp CT có khối xơ tắc tại ruột non. Bác sĩ đang cố gắng cấp cứu điều trị bảo tồn, nếu không có kết quả anh sẽ phải phẫu thuật.

BS Trương Thanh Tùng, Khoa Ngoại chung, Bệnh viện 354 cho biết, tắc ruột do đọng bã thức ăn là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp, chiếm gần 20% các cấp cứu bụng. Đây là một bệnh nguy hiểm, nếu tắc ruột không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nặng như thủng ruột, giãn ruột, ruột hoại tử, viêm phúc mạc và xuất huyết.

Hầu hết, bệnh nhân thường phải phẫu thuật. Nếu nhẹ, u bã thức ăn đọng ở dạ dày có thể thực hiện bằng cách mổ nội soi, cắt nhỏ khối u và đưa ra. Khi bã thức ăn đọng ở ruột, đặc biệt là ruột non, phải phẫu thuật mở và rất khó khăn. Khoa vừa phẫu thuật cho một bệnh nhân bị tắc ruột do ăn măng và trường hợp của anh T. là đặc biệt, tắc ruột không phải do ăn uống mà do dùng mẹo chữa hóc.

BSCK II Vũ Đức Chung, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 354 cảnh báo, đã có không ít ca gặp tai biến nguy hiểm hoặc tử vong do cách chữa hóc xương bằng mẹo. Bệnh nhân bị hóc xương đa phần thường do lơ đãng khi ăn uống. Dị vật xương cứng, sắc nên dễ làm bệnh nhân bị viêm niêm mạc hoặc thủng thực quản; trường hợp phát hiện trễ, quá trình viêm loét có thể làm thủng các mạch máu lớn nằm cạnh thực quản dẫn đến tử vong.

Nguy hiểm là có rất nhiều bệnh nhân khi bị hóc xương thường đi chữa mẹo như ăn nắm cơm thật to, thậm chí nuốt cọng tàu chuối, hay nuốt cam… để mong kéo xương ra. Tuy nhiên, nếu xương ra hoặc trôi vào chỉ là ăn may, còn hầu hết thì phải nhập viện trong tình trạng nặng hơn. Bởi các kinh nghiệm dân gian dễ gây thủng thực quản, tắc ruột nguy hiểm tới tính mạng.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, trong bất kỳ trường hợp hóc xương nào cần đến viện càng sớm càng tốt vì đa phần hóc xương, xương thường theo đường ăn hóc ở thực quản, người bệnh cố gắng khạc ra ngoài hay vì lý do nào đó, xương có thể từ thực quản chui ra ngoài. Khi đó, sẽ có nguy cơ xương cắm vào mạch máu, vì thực quản nằm sát với mạch máu lớn từ tim ra. Nếu xương làm thủng mạch máu, bệnh nhân rất dễ tử vong.

 (Theo Afamily)

Ăn nhiều măng khô có thể gây tắc ruột

 

Ông Nguyễn Văn K. (78 tuổi ở Hà Nội) có thói quen ăn nhiều chất xơ để tốt cho tiêu hóa, đặc biệt món khoái khẩu của ông là măng khô.

Một lần tự dưng ông bị đau bụng, nôn, bí trung đại tiện… đi cấp cứu bác sĩ chẩn đoán tắc ruột phải mổ khẩn cấp. Khi mổ các bác sĩ đã lấy ra được một lượng lớn chất xơ bị tắc lại, trong đó có nhiều miếng măng khô chưa được tiêu hóa.


Ảnh minh họa.

Lời bàn: Bổ sung chất xơ rất cần thiết không chỉ người già mà ngay cả người trẻ. Tuy nhiên, người già chức năng tiêu hóa kém, răng yếu nên cần lựa chọn những chất xơ dễ tiêu như rau quả.

Măng nhất là măng khô có nhiều đoạn già hóa gỗ rất khó tiêu hóa nên người già không nên ăn nhiều. Khi ăn người già nên lựa chọn các thực phẩm dễ tiêu hóa, cắt nhỏ hoặc nấu mềm, tránh ăn các chất xơ dai, già như măng kẻo dẫn tới rối loạn tiêu hóa, thậm chí tắc ruột như trường hợp của ông K.

(Theo Kiến Thức)

 

3 điều cấm kỵ với người đau bụng cấp

Đau bụng cấp chủ yếu liên quan tới bất thường ở các bộ phận trong khoang bụng, vì vậy cần tránh cho bệnh nhân ăn uống. Nếu không, dạ dày và ruột không hoàn thành được nhiệm vụ tiêu hóa sẽ làm gia tăng chứng viêm; thất thoát dịch thể; thậm chí gây nôn mửa nặng; ách tắc hoặc chướng khí sau khi mổ.

Các nguyên nhân chính dẫn tới đau bụng cấp gồm: viêm ruột thừa, viêm dạ dày hoặc viêm tụy cấp, tắc ruột, viêm túi mật cấp, xuất huyết đường tiêu hóa… Việc chẩn đoán chậm hoặc xử lý không đúng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng của người bệnh. Sau đây là 3 điều cấm kỵ khác đối với các bệnh nhân thuộc nhóm này:

1. Không dùng thuốc giảm đau

Khi chưa có chẩn đoán rõ ràng, tuyệt đối không cho người bệnh dùng thuốc giảm đau. Triệu chứng bệnh bị lu mờ sẽ khiến bác sĩ khó phát hiện bệnh hoặc đưa ra chẩn đoán sai, làm mất cơ hội cứu sống người bệnh.

2. Không dùng các thuốc tẩy

Những thuốc này kích thích trực tiếp vào thành ruột, gây tăng nhu động ruột. Kết quả là áp lực ở khoang ruột tăng cao, có thể gây vỡ ruột hoặc làm tình trạng viêm lan rộng, dẫn tới viêm màng bụng cấp.

3. Không chườm nóng

Chườm nóng có thể giúp giảm cơn đau nhưng lại khiến việc chẩn đoán trở nên khó khăn. Hơn nữa, với những bệnh nhân xuất huyết nội tạng, chườm nóng rất nguy hiểm vì có thể gây giãn mạch, làm gia tăng tình trạng xuất huyết.

Nông Nghiệp Việt Nam

Lật tẩy thuốc hen gia truyền

Mua 318 viên thuốc trị giá 50.000 đồng, chị N hy vọng mình sẽ khỏi bệnh hen suyễn vì được nghe giới thiệu đây là phương thuốc gia truyền. Chị đâu ngờ chỉ trong tích tắc chị suýt gõ cửa thần chết.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Kinh hoàng những viên thuốc da cam

Chúng tôi gặp chị N khi chị xuất viện được một tháng. Hiện chị vẫn điều trị tại nhà của người bác ở đường Kim Đồng (phường Phương Mai, Hà Nội) bằng thuốc viên. Giai đoạn này chị đang hoàn tất thủ tục chuẩn bị trở lại Đài Loan lao động lần thứ hai.

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về vụ ngộ độc của chị, chị nhiệt tình ra đón từ đầu ngõ. Gói thuốc uống dở, những viên thuốc nhỏ bằng hạt đỗ, màu cam, mùi hăng hắc, vẫn được gia đình cất giữ. Chị cho biết vẫn chưa hoàn hồn sau khi nhớ lại, trong vòng 7 ngày, chị đưa vào cơ thể 200 viên thuốc như thế.

Từ Đài Loan về nước trước Tết Nguyên đán khoảng một tháng, sức khỏe của chị hoàn toàn bình thường, trừ bệnh ho mắc phải từ lâu. Bố mẹ chị quanh năm quen với ruộng đồng.

Ông bà được một người quen giới thiệu cho một bà lang ở ngay cùng huyện Xuân Trường (Nam Định). Nghe đâu bà lang này có phương thuốc gia truyền chữa hen rất hiệu nghiệm và nhiều người được bà chữa khỏi. Không cần bệnh nhân đi cùng, bà lang đưa cho mẹ chị một gói thuốc ghi liều lượng rõ ràng sau khi nghe kể triệu chứng. Bà lang nói thuốc tốt. Mẹ chị mua liền một lúc gần 400 viên khi chị đang ở nhà bác trên Hà Nội.

Sau 4 ngày dùng thuốc, chị thấy có dấu hiệu mệt mỏi khác thường. Thoạt đầu chỉ hơi đau lưng, đau bụng, mỏi cơ. Gia đình nghĩ chị bị đau thông thường nên cho dùng thuốc giảm đau.  

Bước sang ngày thứ bảy, chị N đau bụng dữ dội, tắc ruột và không đi ngoài được. Chị vào Khoa Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Bác sỹ Phạm Duệ cho biết: Nếu chậm một ngày, chị có thể hôn mê và tử vong. Phim chụp cho thấy hình ảnh những vật lạ trong cơ thể, những viên thuốc màu cam trị hen mà chị đang uống. Bác sỹ gắp chúng ra nguyên dạng rắn ban đầu do không tiêu hóa được.

Những viên thuốc này được chuyển đến Viện Khoa học&Công nghệ Việt Nam xét nghiệm. Kết quả cho thấy, không dưới 1/10, thậm chí 1/3 lượng thuốc (0,101g) là chì. Trong khi đó theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng chì tối đa được đưa vào cơ thể là 60 microgam/kg/tuần.

Đi tìm bà lang chân đất

GS.TSKH Nguyễn Năng An, Chủ tịch Hội Hen dị ứng miễn dịch lâm sàng Việt Nam và là người có trên 100 công trình khoa học nghiên cứu về hen - nói: 'Thuốc Đông y không chữa được bệnh hen. Sau khi đỗ tiến sĩ về nước, tôi cùng GS Nguyễn Tài Thu dành 10 năm nghiên cứu chữa bệnh hen bằng đông dược nhưng chưa tìm ra'.

GS An cũng cho biết, người ta có thể dùng kim ngân hoa, cá đầu ngựa, nọc ong... cùng với phương pháp châm cứu vào huyệt thiên đột, khí xá, tâm du, phế du. Nhưng cũng chỉ cắt được các cơn hen nhẹ.

Được chị N cung cấp địa chỉ, chúng tôi cũng tìm đến nhà bà Trịnh Thị Quế (xóm 2, Xuân Thành, Xuân Trường, Nam Định).

Người dân cho biết vùng này có mấy bà Quế và không bà nào là danh y cả. Chỉ khi chúng tôi nói bà Quế chữa bệnh hen, mọi người mới trỏ chỗ cụ thể.

Chúng tôi đến đầu ngõ thì gặp bà. Nét nông dân in hằn trên dáng vẻ của người phụ nữ 50 tuổi - quần xắn quá đầu gối, tay chân lấm bùn, trên đầu vẫn đội cái rổ chuẩn bị ra đồng làm cỏ. Bà xởi lởi tiếp chúng tôi ngay.

Biết chúng tôi đến chữa hen, bà hồ hởi: 'Nếu bị hen thì tôi chữa được. Nhà tôi cho đến nay cũng chỉ chữa được mỗi chứng bệnh này'. Bà quảng cáo tiếp: 'Cũng  nhiều người uống thuốc của tôi và đã khỏi'.

Khi chúng tôi hỏi có cần vào nhà để khám hay bắt mạch gì không, bà cười xòa: 'Cần gì bắt mạch, kê đơn. Nếu cô có nhu cầu thì chiều mai quay lại đây. Tôi còn phải ra hiệu thuốc bắc lấy nguyên liệu về làm'. Chúng tôi tỏ vẻ lo ngại liệu thuốc có thể gây dị ứng hay ngộ độc, bà khua tay: 'Không sao đâu, thuốc này làm theo công thức có sẵn, toàn từ những vị lành tính. Mấy chục năm nay nhà tôi chữa cho bao nhiêu người, có xảy ra vấn đề gì đâu'.

Theo hẹn, hôm sau chúng tôi quay lại. Gian dưới, bà Quế đang bào chế thuốc. Là bí kíp gia truyền nên chúng tôi không được tiếp cận.

Chừng tiếng sau, bà Quế đưa cho chúng tôi một gói bọc giấy báo. Tay bà vẫn bám đầy bột màu cam. Thấy tôi nhăn nhó, bà bảo: 'Muốn khỏi bệnh thì phải chịu khó mới được'. Giá là 50.000 đồng cho 300 viên thuốc.

Những viên thuốc màu cam này lại được chúng tôi đưa đến Viện Khoa học&Công nghệ Việt Nam làm xét nghiệm. TS Vũ Đức Lợi, người trực tiếp xét nghiệm, khẳng định: 'Hàm lượng chì mẫu thuốc này cao như mẫu thuốc mà chị N đã uống, chiếm 10-30% tức là 100.000 - 300.000 mg/kg thể trọng'.

Sau ngày lấy thuốc một tuần, chúng tôi gọi điện về cho bà Quế. Hỏi về trường hợp ngộ độc của chị N, bà vẫn cứng giọng: 'Chúng nó bịa đấy. Không sao cả đâu cứ an tâm mà uống thuốc'.

Theo Mai Hương - Thu Hương

Tiền phong

Nội soi qua lỗ rốn để cắt túi mật

Đây là kỹ thuật mổ không sẹo, có giá trị thẩm mỹ cao, an toàn và hiệu quả... cho các giai đoạn bệnh lý viêm túi mật.

Viêm túi mật là bệnh lý thường gặp ở tuổi 40 - 60, ngày càng có xu hướng tăng cao và trẻ hóa vì chỉ số BMI ngày càng cao do chế độ dinh dưỡng cũng làm gia tăng tần số mắc bệnh. Đây là một bệnh lý cấp cứu về đường tiêu hóa, nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời dễ gây biến chứng nặng như viêm hoại tử túi mật, viêm phúc mạc hoặc viêm tuỵ cấp... có thể dẫn tới tử vong do nhiêm trùng và suy đa tạng.

Trước đây, để cắt túi mật thường phải mổ mở gây nhiều đau đớn, kéo dài thời gian bình phục của bệnh nhân, tỷ lệ biến chứng và di chứng cao. Sau một thời gian dài, tiến hành kỹ thuật nội soi 3 lỗ có kết quả tốt, khoa Ngoại nhân dân B15, Bệnh viện TƯ quân đội 108 đã tiến hành phẫu thuật nội soi một lỗ làm giảm thiểu tối đa sự can thiệp trên cơ thể người bệnh, phương pháp an toàn, giúp người bệnh hồi phục nhanh, giảm đau sau mổ, ít biến chứng và đạt độ thẩm mỹ toàn vẹn cho bệnh nhân.

Rạch một vết khoảng 1 - 2cm qua rốn
Rạch một vết khoảng 1 - 2cm qua rốn

Bệnh nhân viêm túi mật có chỉ định mổ nội soi được gây mê nội khí quản, đặt tư thế 2 chân dạng, nghiêng trái 15 - 30o, đầu cao. Phẫu thuật viên rạch 1 dường nhỏ dài 1,5 - 2cm ở rốn bệnh nhân để đặt triport và bơm khí CO2 duy trì với áp lực 12mmHg vào ổ bụng. Dưới hình ảnh nội soi, phẫu thuật viên tiến hành khảo sát ổ bụng, đánh giá thương tổn, xác định và tiên lượng khả năng phẫu thuật rồi tiến hành phẫu tích cắt bỏ túi mật,  lau rửa, cầm máu... Túi mật được cho vào bao nilon và lấy ra ngoài qua lỗ rốn.  Khâu tạo hình lỗ rốn. Thời gian phẫu thuật chỉ trong vòng 10 - 15 phút và khoảng 20 phút sau bệnh nhân đã tỉnh, hôm sau có thể ăn uống và tự phục vụ.

Ưu điểm nổi bật của phương pháp này là thiết bị được đưa qua đường tự nhiên (lỗ rốn) nên giấu được sẹo, giảm tối đa nhiễm trùng, giảm biến chứng do tắc ruột và hạn chế thấp nhất những tổn thương tạng xung quanh do quá trình phẫu thuật. Bệnh nhân sớm bình phục, có thể xuất viện sau 3 - 4 ngày, thay vì 7 - 10 ngày nếu phải mổ mở. Đặc biệt, bệnh nhân không gặp phải biến chứng nguy hiểm và tử vong.

Đại tá PGS.TS Triệu Triều Dương (Chủ nhiệm khoa Ngoại nhân dân B15, Bệnh viện TƯ quân đội 108)

Dù chật chội, vẫn chọn bệnh viện công cho… an toàn!

Việc quá tải bệnh viện ở các tuyến tỉnh và trung ương đã trở thành vấn đề nóng của Bộ Y tế và được đưa vào vấn đề nghị trường.

Trong khi các cơ quan quản lý đang cố tìm mọi cách để giải quyết điều này thì người dân lại chấp nhận sống chung với quá tải bệnh viện, chỉ cần bác sĩ giỏi và bệnh viện lớn.

Ăn ở tạm bợ nhưng lại được bác sĩ “xịn” khám

Trung tâm Y học Hạt nhân và U bướu, Bệnh viện Bạch Mai luôn trong tình trạng quá tải, bệnh nhân 2 - 3 người/giường và nhiều bệnh nhân phải nằm ra cả hành lang ngủ.

Khi được hỏi có cảm thấy khó chịu hay không trước tình trạng quá tải của bệnh viện thì bà Lại Thị Yến (65 tuổi,Thái Bình) đang điều trị tại đây còn hồ hởi bảo: “Tôi và con gái mua hai chiếc giường gấp mang ra một góc hành lang trước phòng bảo vệ xin được kê giường ngủ. Có chỗ vừa kín gió, vừa yên tĩnh để ngủ là may mắn lắm rồi đấy!”

Nằm sát “giường” bà Yến là bác Ngoan từ Hải Dương lên cũng nhận phần một góc hành lang. Chị Vân, con gái bác Ngoan cho biết: “Dù chỉ ăn ở tạm bợ, đổi lại được bác sĩ chăm sóc tận tình, và không phải băn khoăn về chuyên môn là tốt rồi”.

 Khoa Ung bướu Bệnh viện Nhi hầu hết đều 2,3 bệnh nhi /giường
Khoa Ung bướu Bệnh viện Nhi hầu hết đều 2,3 bệnh nhi/ giường

Tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Nhi Trung ương, hầu hết các phòng cũng đều có 2 – 3 bệnh nhi/giường.
Anh Công (Ý Yên, Nam Định) chăm con gái 3 tuổi vừa phẫu thuật u ở bụng cho biết, bác sĩ kết luận cháu bị u ác tính, đã phẫu thuật và đang hồi phục dần: “Nhiều khi định đưa con về quê cho bé được hít thở không khí trong lành, nhưng nhỡ có chuyện gì thì không xử lí kịp, đành nằm viện điều trị cho dứt điểm đã”.

Còn chị Lã Thị Nga (Yên Sở, Hà Nội) cũng chấp nhận cảnh chen chân tại một phòng khám đa khoa của Bệnh viện Nhi TƯ để được đích thân ông trưởng khoa khám. “Nhiều người cũng nói đến bệnh viện tư, phòng khám tư nhưng tôi ngại ra đó vì cho rằng chất lượng khám không tốt”.

Lần trước cháu bị trớ thức ăn, chị đưa ra một phòng khám tại Phố Huế, bác sĩ kết luận đó là hiện tượng trào ngược thức ăn, sau đó uống thuốc vẫn không khỏi. Khi vào đây thì bác sĩ cho biết cháu bị tắc ruột và điều trị vài hôm là khỏi.

Dù quá tải nhưng khám bệnh tuyến trên vẫn yên tâm hơn. Ảnh Bee
Dù quá tải nhưng khám bệnh tuyến trên vẫn yên tâm hơn. Ảnh Bee

Cứ khám ở viện tư rồi lại được giới thiệu vào viện công thôi!

Ở Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, tình trạng quá tải xảy ra ở tất các khoa phòng, trung tâm nhưng bệnh nhân vẫn chấp nhận, đơn giản vì đây là tuyến trung ương.

Theo bà Lê Thị Tịnh (TP Phủ Lý, Hà Nam) - người đang chăm con dâu sinh con đầu lòng tại khoa Đẻ của bệnh viện này - vì là sinh con đầu lòng nên phải lên tận Hà Nội, vào bệnh viện TƯ cho yên tâm. Từ khi con dâu sắp sinh, nghe nhiều chuyện bác sĩ tại các bệnh viện tuyến dưới lơ là dẫn đến hậu quả xấu, nên khi con bắt đầu chuyển dạ, gia đình tự lái xe đưa lên Hà Nội.

”Thế sao bác không chọn bệnh viện tư cho nó rộng rãi?”. Nghe PV nói về việc đông người, quá tải, bác phẩy tay bảo: “Chỗ nào tốt nhất người ta mới đến đông, như quán cơm vậy, quán nào ngon thì họ vào ăn nhiều. Ra bệnh viện tư thì biết chỗ nào tốt chứ?”

Còn bác Nguyễn Thị Thìn (Việt Trì, Phú Thọ) bị sỏi thận, chìa cho chúng tôi xem hồ sơ khám bệnh trước đó tại một bệnh viện tư và bảo: “Bác bác sĩ ở đó bảo không có vấn đề gì nhưng tôi vẫn không yên tâm, phải đi khám lại ở BV Bạch Mai”.

Bác vui mừng cho biết, kết quả vẫn thế nhưng ở Bệnh viện Bạch Mai cho kết quả chi tiết kích thước của viên sỏi hơn so với bệnh viện tư.

Bác Thìn còn cho biết, trước đây, cháu bác bị sốt xuất huyết, đưa vào Bệnh viện Đa khoa Tràng An khám thì ở đó chỉ khám qua rồi viết giấy chuyển Bệnh viện Xanh Pôn vì lí do: “Hiện bệnh viện không có khoa nhiễm khuẩn nên không áp dụng điều trị cho bệnh nhân bị mắc các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tiêu chảy…”.

“Thế nên, lần sau đi khám, tôi cứ đến thẳng bệnh viện công cho nó tiện, cô ạ!”.

Anh Nguyễn Thanh Sơn , đang chăm sóc vợ chuyển dạ tại BV Phụ Sản Hà Nội bảo: Ở bệnh viện tư không có dịch vụ sản khoa mà chỉ thăm khám, siêu âm như các phòng khám tư khác, nên tôi phải chọn bệnh viện công, tuy hơi chật, nhưng không mất công đi lại.

Đừng lạm dụng chất chua

Một số phụ nữ cho rằng nếu ăn nhiều đồ chua sẽ giúp giảm cân nhanh và hiệu quả, nhưng theo các chuyên gia dinh dưỡng, ăn chua nhiều không giảm cân mà còn có hại cho sức khỏe.

Trong các món ăn hằng ngày chúng ta thường sử dụng nhiều vị chua, chẳng hạn như canh chua, nước rau muống vắt chanh, gỏi bóp chanh… Nhưng nếu lạm dụng các thức ăn có vị chua như giấm, chanh, sấu, khế chua... có thể gây bất lợi cho người ăn.

Bác sĩ Thái Huy Phong, phòng khám đa khoa Tân Định cho biết: Trong các quả chua, thì quả chanh có chất citrat với đặc tính dễ kết hợp với canxi trong máu, khiến cho máu không đông trong ống nghiệm. Nếu ăn nhiều chanh trong khi khẩu phần thức ăn lại thiếu cân đối, không đủ những nguyên liệu cấu tạo nên huyết tương và các huyết cầu thì có thể bị thiếu máu.

Chị Mai Trang, nhân viên văn phòng luôn tự ti vì mình mập nên chị đã chọn cách ăn chua thật nhiều với hy vọng giảm béo. Sau thời gian ăn chua quá nhiều, chị thấy liên tục bị đầy hơi, ợ chua, ăn khó tiêu. Lúc chị bị đau bụng dữ dội và được gia đình đưa đến bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán là chị bị tắc ruột phải phẫu thuật gấp nếu không sẽ ảnh hưởng tính mạng.

Bảo Thủy, sinh viên năm hai trường Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM từng đi cấp cứu vì ăn đồ chua thay cơm. Hằng ngày, Trang đến trường với bữa ăn là một quả xoài, liên tục thay đổi theo ngày là khế, chanh và me. Đến lúc đi cấp cứu mới biết mình bị bào mòn dạ dày.

Bên cạnh đó, bác sĩ Đào Thị Yến Thuỷ cho rằng: Ăn chua quá có thể hại răng vì độ pH hạ xuống trong nước bọt, tiếp xúc với men răng, dễ đưa tới sâu răng. Ngoài ra, ăn chua có nguy cơ kích thích dạ dày tiết ra nhiều dịch vị, nhất là lúc bụng đang đói, không tốt cho những người đã có bệnh viêm loét dạ dày.

Theo bác sĩ Thuỷ, ăn chua hợp lý sẽ kích thích tiêu hoá và ăn ngon miệng hơn. Để có đủ chất chua, một ngày nên dùng một hộp sữa chua không đường. Đối với trái cây có độ chua cao như xoài, khế, me dùng từ 1 - 2 lần/tuần.

Theo 24H

Nhận biết trẻ bị lồng ruột

Con trai tôi được 3 tháng tuổi, cháu rất háu ăn. Tôi nghe nói những trẻ trai, bụ bẫm rất dễ bị lồng ruột. Xin bác sĩ cho biết dấu hiệu trẻ bị lồng ruột.

Kim Ngọc Lan (Đà Nẵng)

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Lồng ruột là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ đang bú mẹ, trẻ bụ bẫm, trẻ có nhu động ruột mạnh. Lồng ruột là một trạng thái bệnh lý được tạo nên do một đoạn ruột chui vào lòng của đoạn ruột kế cận, gây nên một hội chứng tắc ruột cơ học làm cản trở lưu thông của đường tiêu hóa và cản trở tuần hoàn mạch máu ruột tạo thành một chuỗi biến chứng nguy kịch (hoại tử ruột và thủng, sốc nhiễm khuẩn) nếu không kịp thời chẩn đoán và xử trí. Độ tuổi trẻ hay bị lồng ruột là từ 4 - 9 tháng nhưng cũng có khi trẻ lớn cũng bị lồng ruột. Dấu hiệu dễ nhận là trẻ khóc thét, bỏ bú, quấy khóc, da tím tái. Khi khóc trẻ ưỡn người, nôn. Khoảng 6 - 12 tiếng sau, trẻ đi ngoài phân có máu tươi, mệt mỏi, da xanh nhợt, người lạnh. Đa phần các trường hợp lồng ruột đều tháo được bằng phương pháp bơm hơi tháo lồng. Những trường hợp lồng ruột tới trễ hoặc lồng quá chặt thì phải mổ để tháo lồng bằng tay. Khi thấy trẻ có dấu hiệu nghi ngờ, bạn hãy đưa trẻ tới bác sĩ chuyên khoa nhi để khám.

Theo ThS. Lê Hưng (suckhoedoisong.vn)

Mùa hè, đề phòng các bệnh đường tiêu hóa ở trẻ

Khi thời tiết trở nóng, khoa nhi của bệnh các bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trẻ bị mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Các bệnh này rất nguy hiểm, nếu không được ngăn chặn kịp thời.

Bệnh tắc ruột

Nếu bị tắc ruột, trẻ sẽ không đi tiêu được, không trung tiện được. Ở trẻ sơ sinh tắc ruột thường là do lồng ruột hoặc chứng thoát vị bẹn bị nghẹt. Trong những ngày đầu sau khi sinh, đường ống tiêu hóa của trẻ có thể có một vài dị tật, do không phát triển đầy đủ nên có chỗ bị xoắn. Triệu chứng đầu tiên của trẻ thường là nôn ói, có khi ra nước mật. Tất cả các trường hợp bị tắc ruột đều phải đưa đi cấp cứu ở khoa ngoại.

Bệnh sa trực tràng

Sa trực tràng là hiện tượng phần cuối ruột gắn với hậu môn (trực tràng) bị lòi ra ngoài một cách tự nhiên hoặc khi rặn mạnh, nhìn như một vòng tròn màu đỏ, khi trẻ ho hay khóc nhiều cũng có thể như vậy. Đoạn ruột này sau đó sẽ tự động co vào hoặc phải dùng tay để ấn. Nguyên nhân chính thường do trẻ bị đi táo hoặc tiêu chảy lâu ngày, nhưng đôi khi cũng có trẻ bị mắc chứng giãn dây chằng ruột hoặc do nhược cơ. Chứng này thường điều trị được bằng thuốc, rất ít khi phải phẫu thuật.

http://img.giadinh.net.vn/Images/Uploaded/Share/2009/05/25/bevame.jpg400.jpg

Bệnh tiêu chảy

Khi một trẻ đi tiêu ra phân lỏng như nước trên 3 lần một ngày thì được coi là bị tiêu chảy. Nguy cơ lớn nhất của bệnh này là gây ra tình trạng mất nước và phần lớn chất điện giải nên cơ thể sẽ bị suy kiệt và có thể tử vong. Theo thống kê, cứ 100 trẻ em bị tử vong do tiêu chảy thì khoảng 71 trẻ do mất nước. Các siêu vi trùng thường gây bệnh tiêu chảy là siêu vi rota và vi khuẩn E.coli, có mặt hầu hết ở các nơi dơ bẩn và trong thức ăn thiếu vệ sinh.

Bệnh kiết lị

Chủ yếu do ký sinh trùng amibe và trực khuẩn shigella gây ra, người bị kiết lị đi tiêu ra phân rất ít nhưng có kèm theo đàm và máu cùng với những triệu chứng sốt, đau bụng, luôn có cảm giác muốn đi cầu, cứ thế trẻ em lả dần, vật vã, hôn mê rồi tử vong. Nguy cơ chủ yếu của bệnh kiết lị là trở thành mạn tính, kéo dài. Ngoài ra, ký sinh trùng amibe có thể xâm nhập vào gan gây áp-xe gan. Loại shigella hay gây kiết lị ở trẻ em, loại này không gây mạn tính, không gây áp-xe gan nhưng khi biến chứng có thể gây tử vong trong 24 giờ.

Bệnh thương hàn

Cũng có nguy cơ phát triển trong mùa nóng. Triệu chứng chủ yếu là sốt kéo dài trong nhiều ngày, kèm theo những triệu chứng về tiêu hóa như: chậm tiêu, đau bụng, có khi tiêu chảy, có khi táo bón. Thủ phạm gây ra bệnh thương hàn là vi khuẩn salmonella có mang nhiều độc tố gây nên những biến chứng nguy hiểm như: xuất huyết ruột, thủng ruột có thể gây tử vong. Một biến chứng hay gặp nữa ở trẻ em là viêm não: lừ đừ, mệt mỏi, hôn mê rồi tử vong.

Bệnh tả

Trong thời gian gần đây đã xảy ra một số trường hợp. Đối với bệnh này phải hết sức cảnh giác vì tả vừa là một bệnh nguy hiểm, có thể làm tử vong nhanh chóng vừa dễ lây lan thành dịch. Ba triệu chứng chủ yếu khi mắc bệnh tả: tiêu chảy ra nước ồ ạt, nôn ói liên tục, đau bụng. Đáng sợ nhất là triệu chứng tiêu chảy, bệnh nhân đi ngoài liên tục, không cầm được, phân toàn nước màu trắng đục. Khi đó, bệnh nhân bị mất nước nhiều, kiệt sức và tử vong rất nhanh. Vi khuẩn hình phẩy (phẩy khuẩn tả) gây ra bệnh này.

Các loại vi khuẩn nói trên luôn luôn có ở những nơi dơ bẩn, nguồn nước kém vệ sinh, thức ăn bị ôi thiu, chưa nấu chín hay để ruồi nhặng đậu vào. Khi con em chúng ta ăn uống trong môi trường đó, các loại vi trùng nói trên sẽ theo thức ăn vào bộ máy tiêu hóa, chúng phát triển và bài tiết ra nhiều chất độc gây bệnh làm tử vong, gây thành dịch.

Để phòng ngừa, cần phải giữ vệ sinh ăn uống, tức là phải: uống sạch, nên dùng nước đun sôi để nguội, khi uống nước giải khát nên dùng các loại đã qua xử lý tiệt trùng đóng kín trong lon hoặc chai, không nên cho các em uống các loại nước vỉa hè bụi bặm. Ăn sạch, là ăn các loại thức ăn đã nấu chín không để quá 2 giờ, khi ăn rau sống phải rửa thật kỹ bằng nước muối. Tất cả thức ăn khi chưa dùng đều phải đậy kỹ, tập cho trẻ thói quen rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi tiêu.

Theo BS. Ngọc Lan

Sức khỏe và Đời sống (Trích giadinh.net.vn)