Lưu trữ cho từ khóa: suy thận

Vì sao người suy thận lại dễ bị gãy xương?

Mẹ tôi bị suy thận, phải chạy thận nhân tạo hàng tuần. Gia đình tôi nghe nhiều người nói người suy thận dễ bị gãy xương nên rất lo lắng cho mẹ.

Bác sĩ có thể cho biết vì sao người suy thận lại dễ gãy xương như vậy? Có phòng tránh được không? – (Nguyễn Thị Miền, [email protected]
/* */
)

vi-sao-nguoi-suy-than-lai-de-bi-gay-xuong

Ảnh minh họa – Internet

Chào bạn,

Ở người bị suy thận, dễ gãy xương là do xương ngày càng mảnh yếu vì bị mất canxi. Nguyên nhân của sự mất canxi là do có sự rối loạn cân bằng các chất khoáng canxi và phốt pho gây hậu quả thiếu hụt canxi trong xương. Thận suy không thải trừ được lượng phốt pho dư thừa trong máu ra ngoài, nên phốtpho tăng cao trong máu gây mất cân bằng canxi – phốt pho dẫn đến thiếu hụt canxi ở xương.

Mặt khác các tuyến cận giáp trạng có chức năng điều hòa canxi trong cơ thể hoạt động quá mức do lượng canxi trong máu giảm, hậu quả là canxi trong xương cũng bị mất dần đi. Do cơ thể thiếu hụt vitamin D: suy thận làm cho chức năng thận bị mất trong đó thận không thể biến đổi được vitamin D từ thức ăn sang dạng hoạt động.

Có thể phòng tránh gãy xương do suy thận bằng cách: không ăn các loại thức ăn chứa nhiều phốtpho để giảm lượng phốt pho trong máu; dùng thuốc thấm phốt pho; bổ sung vitamin D và canxi. Bác sĩ điều trị có thể thay đổi một số thông số trị liệu trong lọc máu để giảm phốt pho. Ngoài ra bệnh nhân nên tập thể dục đều đặn vừa sức để tăng cường dinh dưỡng cho hệ xương, cơ.

BS. Trần Thị Hiền Trang

Theo Suckhoedoisong.vn

Uống 2 lon nước ngọt mỗi ngày có thể bị suy thận

Mới đây, trong một hội nghị quốc tế về thận được tổ chức tại thành phố Atlanta, bang Georgia, Mỹ với sự tham dự của gần 2.000 bác sĩ đến từ 96 nước trên thế giới, các nhà khoa học thuộc Đại học Y khoa Osaka, Nhật Bản và Đại học Case Western Reserve ở Cleveland, Mỹ đã khiến những người tham dự phải giật mình khi họ đưa ra báo cáo rằng, nếu thường xuyên uống mỗi ngày 2 lon nước ngọt, sẽ làm gia tăng lượng muối trong máu đồng thời tăng protein trong nước tiểu – mà y học gọi là protein niệu, dẫn đến suy thận.

Để có được báo cáo này, Đại học Y khoa Osaka và Đại học Case Western Reserve đã tiến hành thực nghiệm với hơn 12.000 người – là nhân viên và sinh viên của họ. Trong hơn 12.000 người ấy, họ chia thành 3 nhóm. Nhóm đầu tiên gồm 1/3 chỉ uống nước trắng, nhóm thứ hai cũng gồm 1/3 được cho uống mỗi ngày 1 lon nước ngọt và 1/3 còn lại uống 2 lon nước ngọt mỗi ngày.

uong-2-lon-nuoc-ngot-moi-ngay-co-the-bi-suy-than

Sau 3 ngày, 10,7% số người thuộc nhóm thứ 3 xuất hiện protein hàm lượng cao trong nước tiểu, còn nhóm thứ 2 là 8,9%. Riêng với nhóm thứ nhất, tỉ lệ này là 6,8% (nghĩa là nằm trong giới hạn bình thường).

Bình thường, nồng độ protein trong nước tiểu là từ 0,1 đến 1g/l, và 1/3 trong đó là albumin và globulin. Nếu tiểu ra protein nhiều, kéo dài, sẽ làm giảm protein trong máu. Nếu hàm lượng protein trong nước tiểu vượt quá 3g/l thì đó là triệu chứng báo hiệu tổn thương chủ yếu là ở thận, chẳng hạn như viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mạn, viêm ống thận cấp, thận nhiễm mỡ…, và cuối cùng là suy thận.

Tiến sĩ Ryhei Yamamoto nói: “Trong nước ngọt đóng lon, các nhà sản xuất dùng đường fructose – hay còn gọi là đường trái cây để tạo vị ngọt. Tuy nhiên, fructose làm gia tăng sự nhạy cảm của thận với angiotensin II, một protein điều chỉnh sự cân bằng muối”. Điều này có nghĩa là muối được tái hấp thu vào thận, dẫn đến bệnh tiểu đường, béo phì, suy thận, cao huyết áp.

Một khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Mỹ nhấn mạnh, với những người đàn ông trưởng thành, hằng ngày không nên dùng những loại thực phẩm mà lượng đường chứa trong đó vượt quá 9 muỗng cà phê. Với phụ nữ trưởng thành, con số này là 5 muỗng cà phê, còn trẻ em thì không quá 3 muỗng cà phê – trong khi đó 1 lon nước ngọt dung tích 350ml, có khoảng 7 muỗng cà phê đường.

Để ngăn chặn những nguy hại, ngành y tế Anh đã đề xuất tăng thuế nước ngọt đóng lon lên 20% với mục đích làm giảm khoảng 180.000 người béo phì mỗi năm. Thế nhưng, tăng thuế không phải là biện pháp hữu ích.

Ở thành phố New York, Mỹ, vào đầu tháng 3 năm nay, lệnh cấm nước ngọt đóng lon dung tích lớn do Thị trưởng Michael Bloomberg đề xuất đã gặp thất bại khi Hiệp hội Đồ uống Mỹ (ABA) cho rằng “đây là một sự can thiệp chưa từng có trước lựa chọn của người tiêu dùng”, và ABA đã yêu cầu tòa án phán quyết. Kết quả là… ABA thắng kiện.

Theo CAND.com.vn

Ăn nhiều bột nêm có thể gây suy tim, suy thận

Bột nêm, mỳ chính đang được nhiều người lạm dụng để tạo cho thức ăn có vị ngọt. Tuy nhiên, chính những loại gia vị này gây suy thận, cao huyết áp…

Gây nhiều bệnh mạn tính

ThS Đào Thanh Nga, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E cho biết, mỳ chính và đặc biệt là bột nêm đang được quảng cáo làm từ thịt thăn, nước hầm xương tạo cho thức ăn có vị ngọt và làm dịu bớt vị mặn của muối, mắm. Điều này rất nguy hại cho sức khoẻ, bởi trong mỳ chính, bột nêm đều chứa glutamate. Chất này khi vào cơ thể phân ly thành natri clorua (giống như trong muối ăn). Bình thường natri có trong thức ăn (thịt, cá, sữa…) đủ cho cơ thể hấp thu.

Khi chúng ta bổ sung mỳ chính, bột nêm vào thức ăn cho ngọt, ăn ngon miệng mà không thấy mặn nhưng thực tế là chúng ta đang tăng nhiều muối cho cơ thể. Muối được hấp thu qua ống thận vào máu. Bình thường, ở người tuổi dưới 50, khoẻ mạnh, cơ thể có thể đào thải được. Nhưng nếu ăn nhiều muối, khi đó hàm lượng natri trong máu sẽ gia tăng và thận phải làm việc “quá công suất” mới lọc máu được.

Khi lượng natri trong máu cao, thận không thể phát huy tối đa khả năng làm việc (nhất là sau 50 tuổi) sẽ gia tăng áp lực thẩm thấu trong lòng mạch. Hậu quả là nước sẽ di chuyển bên trong lòng mạch theo áp lực thẩm thấu gây tăng thể tích máu. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp và gánh nặng cho hoạt động tim mạch. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến suy tim, suy thận.

Để phòng ngừa các bệnh mạn tính nêu trên thì một người chỉ nên tiêu thụ 4 – 6g muối/ngày, với người tăng huyết áp thì chỉ nên dùng 2 – 4g/ngày. Trẻ em, người già, người bị suy thận và phụ nữ mang thai nên dùng ở tỷ lệ thấp hơn. Tốt nhất là nên dùng nước hầm xương, nước hầm củ quả để thay cho mỳ chính, bột nêm…

an-nhieu-bot-nem-co-the-gay-suy-tim-suy-than

Cho bột nêm vào thức ăn hiện là thói quen của nhiều phụ nữ nội trợ.

Gây tổn thương não

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Viện Tim mạch Hà Nội, có nhiều dạng khác nhau của muối mà người tiêu dùng không biết như natri bicarbonete (bột nở), bột nêm, mỳ chính… gây hại đến sức khoẻ. 15 -  25% những người sau khi ăn thức ăn có chứa mỳ chính, bột ngọt có các triệu chứng khó chịu, gọi là “hội chứng nhà hàng Trung Hoa” như hồi hộp, đổ mồ hôi, chóng mặt, đau đầu, khô miệng, tê lưỡi… Các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra rằng, amino axit chứa trong mỳ chính, bột nêm là glutamate có thể gây nguy hiểm cho não bộ khi hấp thu quá nhiều.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học & Công nghệ Thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, các kết quả thực nghiệm cho thấy, mỳ chính chỉ độc khi ăn với số lượng lớn. Cụ thể, khi thí nghiệm trên chuột, nếu con nào được dùng liều mỳ chính gấp nhiều lần trọng lượng, vào cùng một thời điểm thì mới nguy hiểm. Nhưng thực tế, với con người, không ai tự dưng ăn sống, ăn vã mỳ chính với lượng gấp nhiều lần trọng lượng cơ thể mình.

Để mỳ chính gây ảnh hưởng đến sức khoẻ thì lượng đưa vào phải chiếm 10 – 20% trọng lượng khẩu phần ăn, liên tục trong 6 tháng, nếu dùng ít hơn sẽ không có vấn đề gì. Hiện một bộ phận nhỏ người dân có kích ứng khi sử dụng mỳ chính (như đau đầu, chóng mặt…), vì vậy cần tránh sử dụng.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh lưu ý người sử dụng là không nên nhầm bột nêm với các chế phẩm dinh dưỡng. Tức là, bột nêm không phải là sản phẩm chứa nhiều dinh dưỡng từ thịt, từ xương… Nó không thay thế được thịt mà đơn thuần chỉ là gia vị nêm nếm vào thức ăn để tạo độ ngon, ngọt, vị hơi mặn.

Theo Kienthuc.net.vn

Nguyên nhân dẫn tới suy thận cấp

Suy thận cấp là hội chứng suy sụp chức năng thận đột ngột, cấp tính của cả 2 thận do nhiều nguyên nhân gây nên. Khi bị suy thận cấp, bệnh nhân có biểu hiện tiểu ít, vô niệu, ure, creatinine… tăng dần, kèm theo rối loạn nước, điện giải và thăng bằng kiềm toan. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong, tuy nhiên, nếu được điều trị kịp thời và chính xác, nhiều trường hợp, chức năng thận có thể được hồi phục hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn.

Nguyên nhân dẫn tới suy thận cấp

Có rất nhiều nguyên nhân gây suy thận cấp. Tuy nhiên, các nguyên nhân này được chia làm 3 nhóm như sau:
Các nguyên nhân gây ra suy giảm dòng máu tới thận: làm giảm áp lực lọc cầu thận gây suy thận cấp chức năng. Thường gặp nhất là do sốc: sốc do chấn thương, do nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, nhiễm khuẩn huyết, sốc do nhồi máu cơ tim cấp hoặc sốc do tan máu cấp vì các bệnh lý khác nhau…
Các bệnh lý tổn thương tại thận: cũng do rất nhiều nguyên nhân, bao gồm: các bệnh lý cầu thận cấp, các nguyên nhân gây viêm ống thận cấp tính (hoại tử ống thận cấp), các nguyên nhân gây viêm kẽ thận cấp tính, bệnh lý mạch máu thận.
Các nguyên nhân khác có thể gặp như: tắc nghẽn trong và ngoài cơ quan thận – tiết niệu, liệt bàng quang do tổn thương thần kinh, thắt nhầm niệu quản khi mổ vùng chậu hông hoặc suy thận cấp sau cắt thận một bên.
nguyen-nhan-dan-toi-suy-than-cap
Hệ thống lọc của thận.

4 giai đoạn của suy thận cấp

Các triệu chứng lâm sàng biểu hiện khác nhau tùy theo giai đoạn của bệnh. Triệu chứng chủ yếu là thiểu niệu – vô niệu.
Giai đoạn khởi đầu: Là giai đoạn tấn công của tác nhân gây bệnh để dẫn đến suy thận cấp. Diễn biến của giai đoạn này dài ngắn khác nhau tùy theo từng loại nguyên nhân gây suy thận cấp. Ở bệnh nhân thận bị nhiễm độc vô niệu có thể xuất hiện trong 24 giờ đầu. Ở bệnh nhân sốc khi huyết áp tâm thu giảm xuống dưới 70 mmHg sẽ có thiểu niệu.
Giai đoạn thiểu niệu hoặc vô niệu: Là giai đoạn toàn phát của bệnh, kéo dài 10-14 ngày, có khi tới 4-8 tuần, nhưng cũng có thể chỉ 2-3 ngày. Triệu chứng chủ yếu của giai đoạn này là thiểu niệu, vô niệu. Trong lâm sàng coi là thiểu niệu khi nước tiểu từ 12-20ml trong 1 giờ (từ 300-500ml/24 giờ) và vô niệu khi nước tiểu < 12ml/giờ (< 300ml/24 giờ). Nước tiểu sẫm màu, có thể có máu, mủ, đôi khi có vi khuẩn.
Trong nhiều trường hợp thấy thận to và đau, đôi khi đau dữ dội, có phản ứng tăng cảm thành bụng và hố thắt lưng, điểm sườn thắt lưng đau, dấu hiệu vỗ hố thắt lưng dương tính. Các triệu chứng trên gợi ý có tắc nghẽn đường dẫn niệu.
Phù: có thể phù nhiều hoặc ít tùy theo lượng nước và muối đưa vào cơ thể, đôi khi gây ra phù phổi cấp.
Huyết áp thường thấp hoặc bình thường trong pha thiểu niệu hoặc vô niệu. Nếu vô niệu kéo dài thì huyết áp sẽ tăng dần, huyết áp tâm thu tăng nhiều hơn huyết áp tâm trương, đặc biệt là tình trạng quá tải natri. Nếu vô niệu kéo dài sẽ gây tăng kali máu dẫn tới làm biến đổi điện tim và có thể gây ngừng tim.
Nếu bệnh nhân có bệnh tim từ trước, có thể thấy có rối loạn nhịp, phù phổi cấp, trụy mạch. Viêm màng ngoài tim có thể gặp trong suy thận cấp với biểu hiện có tiếng cọ màng ngoài tim hoặc đau vùng trước tim.
Ngoài ra, tùy theo mức độ có thể gặp các biểu hiện khác như chuột rút, co giật, miệng khô, nôn, buồn nôn, chán ăn, có thể có tiêu chảy, cơn đau bụng cấp do viêm dạ dày ruột do tăng ure máu cấp tính, có thể có sốt. Nếu tăng kali máu nặng (trên 6,5mmol/l) có thể thấy yếu cơ, mất phản xạ gân xương, đôi khi bị liệt, dị cảm hay xuất hiện ở quanh miệng và chi dưới, nôn mửa, tiêu chảy, đôi khi bị liệt ruột.

Giai đoạn đái trở lại:

Giai đoạn đái trở lại có thể rất sớm vào ngày thứ 2-3 sau vô niệu nhưng cũng có thể rất muộn vào ngày thứ 20 hoặc hơn. Lượng nước tiểu tăng dần tới 1-2 lít/24h và có thể đa niệu tới 5-6 lít/24h. Ở giai đoạn này, khả năng tái hấp thu của ống thận vẫn giảm nghiêm trọng. Mặc dù bệnh nhân đái trở lại nhưng urê máu vẫn tăng trong vài ngày tiếp theo. Giai đoạn này, bệnh nhân vẫn có thể bị tử vong, thường do các biến chứng.

Giai đoạn hồi phục:

Giai đoạn hồi phục bắt đầu từ khi urê máu giảm và tiến triển dần về bình thường. Cân bằng nội môi sẽ trở lại sau vài ngày hoặc vài tuần. Urê niệu vẫn còn thấp một thời gian vài tuần, nhưng hệ số thanh thải urê tăng dần về bình thường; chức năng thận (mức lọc cầu thận và nhất là chức năng ống thận) bình phục chậm sau nhiều tháng tiếp theo.
nguyen-nhan-dan-toi-suy-than-cap

Điều trị và dự phòng

Tùy theo nguyên nhân và từng giai đoạn mà có phương thức xử trí khác nhau:

Giai đoạn khởi đầu:

Nhanh chóng loại bỏ nguyên nhân gây suy thận. Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể biến suy thận cấp thể vô niệu thành suy thận cấp thể bảo tồn nước tiểu. Điều trị nguyên nhân nếu có. Điều trị triệu chứng bằng cách bù máu, bù dịch, nâng huyết áp.

Giai đoạn toàn phát:

Điều chỉnh cân bằng nước: thường duy trì lượng nước vào = 500ml + lượng nước tiểu trong 24 giờ.
Hạn chế tăng kali máu: không dùng các thuốc, dịch truyền, thức ăn có nhiều kali; loại bỏ các ổ hoại tử, các ổ nhiễm khuẩn. Nếu kali máu từ 6-6,5mmol/l thì phải dùng thuốc để làm giảm nồng độ kali máu.
Hạn chế tăng ure, creatinin: ăn đủ calo từ 35-40kcalo/kg/ngày bằng glucose và lipit, hạn chế protid, có thể dùng thêm các thuốc tăng đồng hóa đạm.
Chỉ dùng lợi tiểu khi không có dấu hiệu mất nước, huyết áp tâm thu trên ít nhất là 80mmHg. Tốt nhất là dùng furosemid.
Cần đặt thông bàng quang để theo dõi nước tiểu.
Chống nhiễm khuẩn, chống loét nhưng cần chú ý tránh dùng các kháng sinh độc cho thận.

Giai đoạn đái trở lại và hồi phục:

Giai đoạn này chủ yếu là bù nước – điện giải bằng truyền tĩnh mạch các dung dịch đẳng trương: glucoza 5%, natri clorua 0,9%, ringer lactat.
Hạn chế tăng kali máu và tăng urê máu bằng chế độ ăn và thuốc.
Khi nồng độ urê máu trở về bình thường thì phải cho bệnh nhân ăn đủ đạm và vitamin.

Tiến hành lọc máu khi bệnh nhân có 1 trong các triệu chứng sau:

- Kali máu > 6,5 mmol/l.
- Urê máu > 30 mmol/l.
- pH máu < 7,2.
- Quá tải thể tích tuần hoàn đe dọa phù phổi cấp.

BS. Nguyễn Minh Khuê

Theo Suckhoedoisong.vn
The post Nguyên nhân dẫn tới suy thận cấp appeared first on Tin Sức Khỏe.

Bị bệnh tiểu đường, gút và suy thận có nên dùng nấm lim xanh?

Vợ tôi bị bệnh tiểu đường, gút và suy thận. Tôi nghe nói nấm lim xanh rất tốt. Vậy vợ tôi uống có sao không? – Trần Bảo An (Lâm Đồng).

bi-benh-tieu-duong-gut-va-suy-than-co-nen-dung-nam-lim-xanh

TSKH Trần Công Khánh

, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền:

Nấm lim thuộc chi Ganoderma, có rất nhiều loài, mọc tự nhiên trên thân cây gỗ mục trong rừng ở Việt Nam. Thông thường, nấm lim mọc trên thân cây lim xanh thì gọi là “nấm lim xanh”, còn tên khoa học của loài thì phải do các nhà khoa học xác định.

Trong số nấm lim ở Việt Nam có loài độc, vì vậy, cần thận trọng khi sử dụng. Vợ ông bị các bệnh tiểu đường, gút và suy thận thì nên đến bệnh viện khám để các thầy thuốc điều trị. Không nên tự chữa bệnh theo cách “mách bảo” trong dân gian rất nguy hiểm, vì dùng nhầm thuốc thì bệnh không khỏi mà có khi tác dụng còn ngược lại.

Theo Kienthuc.net.vn

Dấu hiệu trẻ bị suy thận

Nhiều người cứ nghĩ là chỉ người lớn mới bị suy thận, nhưng thực tế bệnh suy thận xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ sơ sinh.

ThS.BS Hoàng Thị Diễm Thúy, Trưởng Khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM cho biết, suy thận là do cấu trúc ở thận bị tổn thương do nguyên nhân bẩm sinh mắc phải. Vì vậy, tuổi nào cũng có thể bị suy thận. Có 2 loại suy thận là suy thận cấp tính và suy thận mạn tính.

dau-hieu-tre-bi-suy-than

Nguyên nhân suy thận ở trẻ em thường không giống ở người lớn, 40% do dị tật bẩm sinh, 60% còn lại do các bệnh mắc phải trong thời kỳ niên thiếu. Tuổi suy thận mạn thường gặp nhất từ 8 - 10 tuổi. Còn suy thận cấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả sơ sinh. Mỗi năm Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận khoảng 20 ca suy thận mạn trong đó hơn 50% bị suy thân giai đoạn cuối cần ghép thận hay lọc máu.

ThS.BS Hoàng Thị Diễm Thúy cho biết thêm, suy thận cấp có thể điều trị khỏi nếu điều trị phù hợp và kịp thời, tuy nhiên cũng cần theo dõi lâu dài để tìm di chứng như cao huyết áp... Suy thận mạn giai đoạn cuối chỉ có thể điều trị bảo tồn bằng lọc thận (chạy thận nhân tạo hoặc thẩm phân phúc mạc). Phương pháp điều trị triệt để là ghép thận. Đối với trẻ bị suy thận thì chế độ dinh dưỡng thay đổi theo mỗi loại bệnh lí gây suy thận và theo cân nặng của trẻ. Về chế độ đinh dưỡng cho trẻ bị suy thận, thì nhìn chung, đó là chế độ ăn giảm đạm, giảm muối, giảm phosphore và kali, hạn chế nước nếu có tiểu ít. Sữa có nhiều phosphore và đạm nên cũng cần hạn chế sữa trong khẩu phần của trẻ.

Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng ngừa bệnh suy thận ở trẻ em thì việc phát hiện sớm một trẻ mắc bệnh thận sẽ giúp giảm biến chứng và di chứng, làm chậm hoặc ngăn ngừa biến chứng suy thận, từ đó giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Các triệu chứng gợi ý trẻ có bệnh thận để phụ huynh phát hiện sớm đưa bé đi khám ngay là khi thấy trẻ bị phù, thay đổi số lượng nước tiểu, thay đổi màu sắc nước tiểu, chậm tăng cân, xanh xao, cao huyết áp, tiểu khó, tiểu đau, tiền căn gia đình có người bệnh thận. Khi trẻ bị suy thận, phụ huynh cần tuân thủ chặt chẽ chế độ ăn uống và dùng thuốc, tham vấn của bác sĩ chuyên khoa thận trẻ em.

Hiện nay, chi phí điều trị suy thận cho trẻ em được BHYT thanh toán 80% chi phí lọc thận và 50% chi phí ghép thận.

(Theo Kienthuc)

HCM: Phát hiện chuột cống mang virus gây suy thận cấp

 

25 con chuột được Viện Pasteur TP HCM mang đi xét nghiệm, có 3 mẫu dương tính với virus Hata gây suy thận cấp. Cả 3 đều là chuột cống.

Đại diện Viện Pasteur TP HCM cho biết, kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm được thực hiện sau khi một bệnh nhân bị chuột cắn gây sốt cao liên tục, sau đó có biểu hiện suy thận.

Cơ quan chức năng đã bắt ngẫu nhiên 25 con gồm chuột cống và chuột nhắt sống tại khu vực xung quanh nhà bệnh nhân này. Tất cả mẫu được kiểm tra các mầm bệnh có thể gây hại cho người. Kết quả là 3 mẫu chuột cống đã được phát hiện mang virus Hanta.


Chuột cống dễ mang mầm bệnh có hại cho người

Các bác sĩ cho biết, kết quả này đúng với thực tế, bởi so với chuột nhắt vốn sống trong nhà thì chuột cống cư ngụ dưới cống rãnh nên có nguy cơ truyền bệnh cho con người nhiều hơn.

Ngày 17/10, bệnh nhân 55 tuổi ngụ tại phường 9, quận 3, TP HCM, vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới trong tình trạng sốt cao kéo dài, nghi ngờ sốt xuất huyết. Một ngày sau nhập viện, bệnh nhân có dấu hiệu suy thận. Các xét nghiệm sau đó cho thấy ông mang virus Hanta có từ chuột. Bệnh nhân cho biết trước đó đã bị chuột cống cắn ở chân trong lúc ngủ.

Theo Tiến sĩ – Bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, Hanta virus truyền qua người bị chuột cắn hoặc tiếp xúc với nước tiểu chuột. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM thỉnh thoảng vẫn tiếp nhận bệnh nhân nhiễm loại virus này và tất cả đều có tiếp xúc với chuột cống.

Cũng theo bác sĩ Siêu, bệnh có thể khỏi sau 7-10 ngày. Nguy hiểm ở chỗ chưa có văcxin phòng bệnh, chưa có thuốc đặc trị và không ít trường hợp nhiễm Hanta tử vong rất nhanh do suy gan suy thận cấp. May mắn là không phải ai bị chuột cắn cũng nhiễm virus Hanta và không phải chuột cống nào cũng mang virus này.

Từ kết quả xét nghiệm cho thấy có mẫu chuột dương tính với Hanta virus, các bác sĩ Viện Pasteur TP HCM khuyên người dân nên cẩn trọng hơn, tránh bị chuột cắn bằng cách ngủ mùng. Người dân sống ở những khu vực gần chợ, nhà ga cần tăng cường các biện pháp diệt chuột, không nên để rác trong nhà thu hút chuột vào tìm thức ăn.

(Theo VnExpress)

 

Trẻ béo phì có nguy cơ bị suy thận ở tuổi trung niên

Một nghiên cứu cho thấy, những người vào tuổi “teen” bị thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ bị suy thận ở tuổi trung niên.

Nghiên cứu này đã chỉ ra một hậu quả khác của “đại dịch béo phì” ở trẻ tuổi “teen” hiện nay, vì nó có thể làm gia tăng số lượng những người lớn sẽ cần chạy thận hoặc cấy ghép do bị suy thận sau này.

“Chúng ta không nên đánh giá thấp những tác hại bệnh béo phì có thể gây ra ở lứa tuổi thanh thiếu niên đối với giai đoạn sau này”, bác sĩ Halima Janjua, Bệnh viện Trẻ em Cleveland, ở Ohio, Mỹ, cho biết.

Trong cuộc nghiên cứu, các nhà khoa học đã theo dõi hơn 1,2 triệu thiếu niên Israel, có độ tuổi là 17 – những người được kiểm tra y tế kỹ lưỡng trước khi bắt đầu thời gian thi hành nghĩa vụ quân sự tại nước này.

Khoảng 25 năm sau, những thanh thiếu niên bị thừa cân hoặc béo phì tăng khoảng 3-7 lần khả năng được chạy thận nhân tạo để điều trị bệnh thận giai đoạn cuối so với những trẻ cùng tuổi có thể trọng bình thường trước đó.

Các bác sĩ cho biết, mối liên quan giữa béo phì và suy thận có thể giải thích rằng, tình trạng béo phì làm tăng nguy cơ của cả hai bệnh tiểu đường và cao huyết áp, hai căn bệnh được biết đến góp phần gây tổn hại thận.

Bác sĩ Kirsten L. Johansen, Trung tâm Y tế Cựu chiến binh tại San Francisco, Mỹ, người không tham gia vào nghiên cứu này, cho biết: “Thông thường những người béo phì thường bị cao huyết áp và điều đó chắc chắn góp phần vào quá trình làm tiến triển bệnh thận – một căn bệnh gây tốn kém và phức tạp. Đây là một lý do nữa để chúng ta quan tâm hơn đến vấn đề thừa cân và béo phì ở trẻ em hiện nay”.

(Theo Phụ nữ online)

Uống nhiều nước có gây suy thận không?

Nếu đúng thì uống tối đa là bao nhiêu để không bị suy thận mà vẫn tốt cho sức khỏe, giảm nguy cơ sỏi thận?

Thưa bác sĩ,
 
Em có nghe là uống nhiều nước thì sẽ giảm nguy cơ sỏi thận nhưng mặt khác em cũng có nghe là nếu uống quá nhiều nước thì thận sẽ hoạt động nhiều hơn do phải lọc nhiều nước hơn dẫn đến suy thận.
 
Vậy cho em hỏi điều đó có đúng không ạ? Nếu đúng thì uống tối đa là bao nhiêu để không bị suy thận mà vẫn tốt cho sức khỏe giảm nguy cơ sỏi thận ạ? Em cảm ơn BS!(Vo Y – Huế)

Ảnh minh họa

Trả lời:

Chào bạn,

Nhu cầu nước trong cơ thể ở trường hợp bình thường là:

- Nước nhập vào: uống 1 lít, ăn (trong thức ăn) 800ml, nước do cơ thể sinh ra trong quá trình chuyển hóa tế bào: 0,3 lít.

- Nước xuất ra: qua nước tiểu1 lít, hô hấp và da: 0,8 lít, phân: 0,1 lít.

Như vậy trong một ngày lượng nước nhập và xuất của cơ thể cân bằng khoảng 2 lít nước/ ngày. Nếu nước nhập nhiều hơn, hoặc ít hơn (trong giới hạn cho phép) thì cơ thể sẽ có những cơ chế điều hòa để giữ sự cân bằng này.

Khi cơ thể không tự cân bằng được, ví dụ: mất nước nhiều do nôn ói, tiêu chảy, mất máu hoặc cơ thể giảm đào thải nước do suy thận giai đoạn cuối thì lúc này đòi hỏi phải truyền thêm nước điện giải, máu hoặc giảm lượng nước và muối nhập.

Sỏi thận không đơn giản do uống nhiều hay ít nước. Việc tạo sỏi do nhiều cơ chế hấp thu và đào thải phức tạp của cơ thể. Tuy nhiên khi đã bị sỏi thận thì cần uống nhiều nước khoảng 2,5-3 lít nước/ ngày.

Uống nhiều nước thì không dẫn đến suy thận nếu trên một thận bình thường. Bệnh nhân suy thận giai đoạn sau cần hạn chế lượng nước uống vì chức năng đào thải nước của thận đã suy yếu.

Như vậy người bình thường uống khoảng 1-1,5 lít nước/ ngày trong môi trường bình thường.

Thân ái chào bạn!

BS-CK1 Hoàng Bích Hồng

 (Theo Alobacsi)

 

Các thuốc có nguy cơ cao gây độc cho thận

Dùng thuốc chữa bệnh là việc “cực chẳng đã” phải đưa vào cơ thể người một lượng hoạt chất ngoại lai mà nhiều khi “mặt trái” của chúng rất nguy hại cho nội tạng...

Chính vì vậy, nếu dùng thuốc thiếu hiểu biết, lạm dụng thuốc thường xuyên sẽ dẫn đến những nguy cơ chết người do các cơ quan này bị nhiễm độc và mắc những căn bệnh trầm trọng.

Suy thận cấp do thuốc

Suy thận cấp do thuốc là hội chứng xuất hiện khi chức năng của thận bị suy sụp do dùng thuốc kéo dài, làm giảm hoặc mất hoàn toàn mức lọc cầu thận. Bệnh nhân có biểu hiện tiểu ít, vô niệu, rối loạn nước, điện giải… và sẽ chết do nguyên nhân kali máu tăng, phù phổi cấp, hội chứng urê máu cao… Suy thận cấp có nhiều nguyên nhân do bệnh tại thận hoặc do các yếu tố ngoại lai. Các nguyên nhân do ngộ độc thuốc kháng sinh, thuốc chống ung thư, thuốc giảm viêm, giảm đau, nghiện heroin, lạm dụng thuốc chống động kinh, uống mật cá trắm cũng gây suy thận cấp rất khó điều trị.

Các loại thuốc có thể gây độc trực tiếp trên thận bằng cách gây viêm hoặc phá hủy các cấu trúc giải phẫu của thận hoặc gây độc gián tiếp bằng cách làm thay đổi lưu lượng máu đến thận hoặc tạo ra các chất độc nội sinh đối với thận. Hiện nay, mặc dù đã có nhiều phương tiện hồi sức tích cực (như lọc máu ngoài thận), nhưng tỷ lệ tử vong do suy thận cấp vẫn còn rất cao. Tuy vậy, nếu được điều trị kịp thời và chính xác, nhiều trường hợp vẫn có thể phục hồi hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn chức năng thận, bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống bình thường.

Thuốc gây hại đối với thận (thận phải bị tổn thương)

Các thuốc nguy cơ cao gây độc cho thận

Nhiễm độc thận do thuốc xảy ra rất phổ biến trên lâm sàng, đây là nguyên nhân của gần 20% các trường hợp suy thận cấp phải nhập viện theo nghiên cứu của ngành y tế. Rất nhiều loại thuốc khác nhau được biết có thể gây độc cho thận, thường gặp nhất là các loại kháng sinh, thuốc đông dược, thuốc cản quang, thuốc ức chế men chuyển và đặc biệt là các nhóm thuốc có tác dụng chống viêm giảm đau. Rất nhiều loại thuốc thông thường, bán không cần đơn, dùng để điều trị các triệu chứng viêm, đau đều có thể gây độc cho thận.

Một số loại thuốc như thuốc gây ngủ, thuốc hạ sốt cũng gây ra những nguy hiểm chết người do suy thận nếu sử dụng quá liều… Một nghiên cứu của Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai (Hà Nội) cho thấy, tình trạng ngộ độc thuốc paracetamol đứng hàng thứ hai (sau ngộ độc thuốc ngủ và thuốc an thần) trong số các trường hợp ngộ độc thuốc phải điều trị.

Thuốc hạ sốt paracetamol (còn có tên khác là acetaminophen) có trong rất nhiều tên thuốc khác nhau thường được người dân tự ý mua khi cảm sốt, đau đầu. Vì thiếu hiểu biết nên nhiều người đã vô tình dùng cùng lúc hai, ba loại thuốc đều có hoạt chất paracetamol hoặc tự ý tăng liều khi thấy chưa hạ sốt sẽ dẫn đến quá liều và ngộ độc thuốc.

Ngoài paracetamol, các thuốc chống viêm giảm đau khác cũng gây hại cho thận chiếm tỉ lệ khá cao trong các trường hợp tai biến do dùng thuốc. Các loại thuốc hạ sốt giảm đau như aspirin và ibuprofen đơn chất hoặc phối hợp với caffein, codein thường dùng cho người mắc các chứng đau mạn tính như đau đầu, đau khớp, đau lưng. Người trên 50 tuổi, sau một thời gian dài lạm dụng các loại thuốc này thường bị các bệnh về thận, thậm chí suy thận rất nguy hiểm.

Các thuốc chống viêm giảm đau không steroid (một số tài liệu viết tắt là nhóm thuốc NSAID) như indomethacin, meloxicam, diclofenac… đều có tác dụng phụ trên thận như gây suy thận cấp, hội chứng thận hư, tăng huyết áp, tăng kali máu, viêm thận kẽ hoặc bệnh thận mạn tính.

Nhóm ức chế chọn lọc men cyclooxygenase-2 (COX-2) như celecoxib, rofecoxib, nimesulid…cũng có nguy cơ cao đối với thận. Nhiễm độc thận do các thuốc này có thể xảy ra cấp tính ngay sau khi dùng thuốc hoặc mạn tính sau một quá trình dùng thuốc kéo dài hoặc lạm dụng thuốc.

Nhóm kháng sinh gây độc thận có khá nhiều loại. Một số kháng sinh rất độc với thận hiện nay ít dùng neomycin thường chỉ dùng dưới dạng phối hợp trong các dung dịch hay thuốc mỡ (nhỏ mắt, dùng ngoài). Streptomycin cũng có độc tính với thận nhưng chỉ dùng trong phác đồ điều trị lao ngắn ngày với liều, thời gian xác định. Thuốc kháng sinh hiện nay hay dùng là gentamycin có tới 70% bài tiết qua thận dưới dạng nguyên chất. Nó tích lũy lại ở thận có thể gây ra ngộ độc thận. Nguy cơ ngộ độc thận thường xảy ra hơn ở người huyết áp thấp hoặc người có bệnh về gan hoặc ở nữ giới.

Nhóm kháng sinh cephalosporin thế hệ 1 như cephalexin, cefalothin, cephazolin, cephadroxil… gây độc cho thận khi bài tiết qua đường thận dưới dạng không đổi. Cephalexin là kháng sinh dạng uống, dễ dùng nên thường bị lạm dụng nhiều và do đó cũng có nguy cơ cao gây độc cho thận.

Các sulfamid kết tủa trong ống thận gây tắc thận nhất là khi dùng liều cao và uống ít nước. Vì vậy, khi dùng thuốc như biseptol, cotrimoxazol nên uống nhiều nước để giúp hòa tan nhanh thuốc và thải trừ dễ dàng hơn, tránh kết tủa.

Hầu hết các dạng thuốc uống, thuốc tiêm sau khi vào cơ thể nếu có thải trừ qua thận dưới dạng biến đổi hay không biến đổi, ở liều bình thường và người có chức năng thận bình thường cũng đã có nguy cơ gây nhiễm độc cho thận. Nguy cơ này càng tăng cao ở những người mà khả năng thanh thải của thận giảm. Do đó khi dùng thuốc cần phải làm các xét nghiệm đo độ thanh thải creatinin để chọn và điều chỉnh liều thích hợp.

(Theo Sức khỏe & Đời sống)