Lưu trữ cho từ khóa: suy giảm miễn dịch

Biếng ăn, suy giảm miễn dịch do thiếu kẽm và selen

Tình trạng thiếu Kẽm và Selen ở trẻ em đang là vấn đề sức khỏe cộng đồng ở nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Con số điều tra đáng báo động tại Việt Nam cho thấy có trên 50% trẻ từ 6 tháng đến 7 tuổi thiếu Kẽm huyết thanh và Selen tương đối, trong đó nhóm gặp nguy cơ cao nhất là nhóm trẻ từ 6 tháng đến 17 tháng tuổi và nhóm trẻ gặp vấn đề về suy dinh dưỡng và tiêu chảy. Một số nghiên cứu khác cũng cho ra những con số báo động khi hàm lượng Selen huyết thanh thấp ở học sinh THCS là 15,9%, học sinh tiểu học là 75,6%, và trẻ mẫu giáo, mầm non là 62,3%.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng:

-          26,5% trẻ từ 11-17 tuổi thiếu thiếu kẽm

-          50%-90% trẻ bị suy dinh dưỡng kéo dài thiếu kẽm

-          51,9% trẻ từ 6 tháng đến 75 tháng tuổi thiếu kẽm

-          15,9% trẻ em từ 11-17 tuổi thiếu selen

-          75,6% trẻ em cấp 1 thiếu selen

-          62,3% trẻ em từ 12-72 tháng tuổi ở nông thôn thiếu selen

Kẽm và Selen đối với tăng trưởng và miễn dịch

Đối với tăng trưởng

Kẽm giúp duy trì và bảo vệ các tế bào vị giác và khứu giác, vì thế thiếu kẽm sẽ gây biếng ăn do rối loạn vị giác, làm suy thoái quá trình phát triển và tăng trưởng bình thường ở trẻ. Kẽm tham gia vào thành phần của trên 300 enzym kim loại; kẽm là chất xúc tác không thể thiếu được của ARN-polymeraza, có vai trò quan trọng trong quá trình nhân đôi AND, tổng hợp protein, thúc đẩy quá trình sinh tổng hợp và điều hòa chức năng của trục hormone dưới đồi như GH (Growth hormone), IGF-I là những hormone tăng trưởng và kích thích tăng trưởng.

Selen cần cho chuyển hóa i-ốt và có chức năng như một loại enzyme trong quá trình tạo hormone tuyến giáp nhằm kích thích đầu vào năng lượng, cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển và duy trì.

Đối với miễn dịch

Thiếu kẽm làm tổn thương chức năng miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, từ đó làm giảm tăng trưởng, phát triển của trẻ, làm tăng nguy cơ bị suy dinh dưỡng và tử vong ở trẻ. Trong một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy bổ sung kẽm cho trẻ giúp làm giảm 18% trường hợp tiêu chảy, 41% trường hợp viêm phổi và làm giảm tỷ lệ tử vong trên 50%.

Thiếu Selen gây ức chế khả năng đề kháng chống nhiễm trùng, hậu quả của suy giảm chức năng bạch cầu và tuyến ức bởi Selen đóng vai trò thiết yếu trong men Glutathione peroxidase ảnh hưởng tới mọi thành phần của hệ miễn dịch, không loại trừ sự phát triển và hoạt động của bạch cầu.  

Dấu hiệu của thiếu Kẽm và Selen

Thiếu kẽm, dấu hiệu thường thấy là ăn không ngon, vị giác bất thường, rụng tóc, tiêu chảy kéo dài, thương tổn ở da và mắt, chậm lớn, cơ quan sinh dục chậm trưởng thành, sụt cân, thiếu máu, chậm lành vết thương và kém minh mẫn.

Thiếu selen ở mức trầm trọng có liên quan đến bệnh Keshan – một bệnh rối loạn ở tim và tổn thương cơ tim nặng nề, xuất hiện chủ yếu ở trẻ em và phụ nữ trong tuổi sinh đẻ. Thiếu selen mức độ nhẹ thường khó thấy các triệu chứng đặc biệt, tuy nhiên nó góp phần làm xuất hiện các tổn hại tế bào quan trọng cũng như thúc đẩy quá trình lão hóa và nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa. Thiếu selen trong chế độ ăn lâu dài dẫn đến nguy cơ ung thư, bệnh tim và suy giảm miễn dịch.

Nhu cầu Kẽm và Selen khuyến nghị cho trẻ em Việt Nam

Nhu cầu kẽm ở trẻ dưới 1 tuổi vào khoảng 5mg/ngày, ở trẻ 1-10 tuổi khoảng 10mg/ngày, thanh thiếu niên và người trưởng thành khoảng 15mg/ngày đối với nam và 12mg/ngày đối với nữ.

Nhu cầu selen ở trẻ 0-6 tháng là 6 mcg/ngày, trẻ 7-12 tháng là 10 mcg/ngày, trẻ 1-3 tuổi là 17 mcg/ngày, trẻ 4-9 tuổi khoảng 20 mcg/ngày, đối với thanh thiếu niên 10-18 tuổi nhu cầu là 26 mcg/ngày ở nữ và 32 mcg/ngày ở nam (Nguồn: FAO/WHO 2002 và 2004)

(Ảnh do Biolife cung cấp)

Nguồn cung cấp Kẽm và Selen cho cơ thể

Thức ăn nhiều kẽm là tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng…). Với trẻ nhũ nhi, để có đủ kẽm, nên cố gắng cho bú mẹ vì kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn nhiều so với sữa bò. Lượng kẽm trong sữa mẹ ở tháng đầu tiên là cao nhất (2-3 mg/lít), sau 3 tháng thì giảm dần còn 0,9mg/l. Lượng kẽm mà người mẹ mất qua sữa trong 3 tháng đầu ước tính khoảng 1,4 mg/ngày. Do đó, người mẹ cần ăn nhiều thực phẩm giàu kẽm để có đủ cho cả hai mẹ con.

Hàm lượng Selen cao trong cá, hải sản (20,8 – 40,5 đến mcg/100g) và trứng (40,2 mcg đến 14,9 mcg/100g), vừa phải ở thịt gia cầm, đậu hạt và thấp ở sữa bò, ngũ cốc, rau và hoa quả.

Hàm lượng Kẽm và Selen từ hạt đậu xanh nảy mầm tự nhiên(Ảnh do Biolife cung cấp)

Hạt đậu xanh nảy mầm tự nhiên với công nghệ Bio-Enrich (Ảnh do Biolife cung cấp)

 

Các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu thành công công nghệ Bioenrich tăng hàng nghìn lần hàm lượng khoáng vi lượng như Kẽm, Selen, Sắt… trong mầm các loại đỗ. Với các thành tựu của khoa học và công nghệ, con người ngày càng chủ động hơn với các nguồn bổ sung khoáng vi lượng tự nhiên cần thiết hàng ngày. Gần đây nhất, công ty CP Biolife đã cho ra đời sản phẩm UpKid từ công nghệ Bioenrich (www.biolife.vn) điều khiển quá trình nảy mầm của hạt đỗ xanh, giúp chuyển hóa với hiệu suất tối đa khoáng chất vi lượng Kẽm và Selen vô cơ sang cấu trúc hữu cơ tự nhiên thân thiện với cơ thể của trẻ nhỏ, tăng khả năng hấp thu hoàn toàn tới 90%, không để lại dư thừa trong cơ thể. 

Lưu ý khi dùng ketoconazol chống nấm

Ketoconazol là thuốc chống nấm có hoạt phổ rộng và có nhiều dạng dùng như viên nén, hỗn dịch, kem bôi ngoài, thậm chí là có trong xà phòng gội đầu.

Thuốc hấp thu nhanh ở đường tiêu hóa. Ảnh hưởng của thức ăn đối với tốc độ và mức độ hấp thu thuốc ở dạ dày còn chưa được xác định rõ, tuy nhiên, nhà sản xuất cho rằng, dùng ketoconazol với thức ăn sẽ làm tăng mức độ hấp thu thuốc và làm cho nồng độ thuốc trong huyết tương đậm đặc hơn, đó là do thức ăn làm tăng tốc độ và mức độ hòa tan của thuốc.

Đối với dạng thuốc dùng để uống (có tác dụng toàn thân) được dùng trong các bệnh nấm toàn thân, bệnh nấm tại chỗ (sau khi điều trị tại chỗ không kết quả) như nấm Candida ở da, niêm mạc nặng; Nấm nặng đường tiêu hóa, nấm Candida âm đạo mạn tính.


Nhiễm khuẩn ở da và móng tay (trừ móng chân) và dự phòng bệnh nấm ở người suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS). Dạng dùng tại chỗ (bôi ngoài) chủ yếu dùng cho các bệnh nấm ở da và niêm mạc.

Tuy nhiên, khi dùng cần chú ý tới sự tương tác của thuốc cùng với các thuốc điều trị khác. Ví dụ, với các thuốc ảnh hưởng đến độ acid ở dạ dày, do độ acid ở dạ dày cần thiết để hòa tan và hấp thu ketoconazol, nếu dùng cùng với các thuốc làm giảm độ acid hoặc làm tăng pH ở dạ dày (như các chất kháng acid, cimetidin, ranitidin, các chất kháng muscarin) có thể làm giảm sự hấp thu của thuốc chống nấm.

Hấp thu ketoconazol cũng bị giảm khoảng 20% khi dùng cùng với sucralfat (nhưng không phải do làm tăng pH dạ dày). Nếu cần thiết phải sử dụng các thuốc có ảnh hưởng đến độ acid của dạ dày hoặc sucralfat cho người bệnh đang điều trị ketoconazol thì các thuốc này phải cho dùng sau khi uống ketoconazol ít nhất là 2 giờ.

Hoặc do ketoconazol có độc tính cao với gan nên khi người bệnh dùng thuốc chống nấm đồng thời với các thuốc khác (gây độc cho gan) cũng có khả năng gây độc cho gan, thì phải theo dõi cẩn thận, nhất là đối với những người cần điều trị kéo dài hoặc đã có tiền sử bị bệnh gan. Dùng đồng thời ketoconazol với rifampicin hoặc isoniazid (thuốc chống lao) sẽ làm giảm nồng độ ketoconazol trong huyết thanh, do đó không nên dùng đồng thời...

Ngoài ra, một số tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra như buồn nôn, nôn (khoảng 3 - 10% người bệnh), đau bụng, táo bón, đầy hơi, chảy máu đường tiêu hóa, tiêu chảy. Các tác dụng này có liên quan đến liều dùng và có thể giảm thiểu nếu dùng thuốc cùng với thức ăn.

Theo DS. Hoàng Thu Thủy

Meo.vn (Theo Suckhoedoisong)

Liệt mặt – Ai dễ mắc?

Bệnh tê liệt thần kinh mặt hay còn gọi là Bell’s Palsy là bệnh ít nguy hiểm đến tính mạng nhưng làm cho bệnh nhân đau khổ trong một thời gian dài.

Bệnh xảy ra khi dây thần kinh điều khiển các cơ mặt bị viêm và bị chèn ép. Tuy mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, nhưng ít gặp ở người dưới 15 và trên 60 tuổi.

Dấu hiệu phát hiện bệnh?

Thường sau một đêm ngủ, người bệnh thức dậy, cảm thấy một bên mặt hơi cứng khác thường.

Nếu soi gương bệnh nhân sẽ thấy một bên mặt bị xệ xuống và miệng bị méo sang một bên. Một bên mắt cũng không thể nhắm kín và thường có nước mắt chảy ra.

Với các triệu chứng đó, người ta thường nghĩ đến một tai biến mạch máu não. Song bình tĩnh lại, nếu bạn thấy các triệu chứng chỉ giới hạn ở mặt, thì phần nhiều đây là bệnh liệt dây thần kinh mặt.

Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp bệnh xảy ra ban ngày, bệnh nhân đột ngột bị tê liệt hay yếu hẳn một bên mặt khiến khó cười khó nói, khó nhắm mắt, khó cử động da mặt bên bị bệnh; bị đau trong tai phía bên bệnh; nghe âm thanh to hơn phía tai bệnh; nhức đầu; mất vị giác; lượng nước mắt và nước miếng tiết ra nhiều hơn bình thường.

Bệnh sẽ giảm trong vòng vài tuần và khỏi hoàn toàn trong vòng từ 3- 6 tháng. Trong đó khoảng 8 - 10 % bị tái phát, đôi khi ở phía mặt bên lành trước đây. Một số ít bệnh nhân bị vài triệu chứng bệnh suốt đời.

Bệnh liệt thần kinh mặt nhẹ sẽ khỏi hoàn toàn, nhưng bệnh nặng các dây thần kinh có thể bị tổn thương vĩnh viễn.


Sơ đồ cấu tạo các dây thần kinh mặt

Vì sao bị liệt thần kinh mặt?

Từ trong não đi ra, trên đường đi tới mặt, dây thần kinh điều khiển các cơ mặt phải đi qua một khe hẹp là một hốc xương nhỏ.

Vì vậy khi bị nhiễm vi khuẩn, các dây thần kinh này sưng lên, bị kẹt trong hốc xương hẹp.

Do bị chèn ép các dây thần kinh bị tổn thương lớp màng bọc bên ngoài khiến tín hiệu thần kinh bị cản trở, gây ra tê liệt và yếu các cơ mặt.

Nhiều nghiên cứu cho thấy các đối tượng sau đây dễ bị liệt dây thần kinh mặt là: phụ nữ có thai, bệnh nhân tiểu đường, người đang bị cảm cúm, người bị suy giảm miễn dịch như đang điều trị tia xạ, dùng thuốc corticosteroid, nhiễm HIV…

Nên làm gì để chữa và phòng bệnh?

Để giúp bệnh mau bình phục người ta có thể dùng thuốc steroid chống viêm. Trường hợp các dây thần kinh mặt bị viêm thì dùng thuốc này có thể làm giảm viêm, giảm sưng giúp cho các dây thần kinh giảm hẳn bị chèn ép trong hốc xương.

Nếu dây bị nhiễm virut, việc dùng các thuốc kháng virut có thể làm ngưng bệnh nhanh chóng. Phương pháp vật lý trị liệu nên dùng bởi vì những bắp thịt bị liệt có thể rút ngắn lại gây co thắt mạn tính. Khi đó dùng xoa nắn và vận động những bắp thịt ở mặt có thể giúp chống co thắt.

Dùng phương pháp chườm nóng cũng có tác dụng làm giảm đau, giảm co thắt bắp cơ. Bạn cũng nên học cách thư giãn, sử dụng phương pháp châm cứu, uống bổ sung các loại vitamin, nhất là B12, B6 và kẽm cũng rất có ích trong việc phục hồi và phòng bệnh.

Bạn cần biết các cách tự chăm sóc: khi mắt bạn không nhắm kín được, bạn cần giữ cho mắt khỏi khô bằng cách nhỏ thuốc mỗi giờ vào ban ngày và tra thuốc mỡ vào mắt ban đêm, như vậy để tránh mắt bị quá khô, màng kết mạc của mắt có thể bị tổn thương dẫn đến mất thị giác.

Việc đeo kính ban ngày và đeo miếng che mắt ban đêm để tránh cho mắt khỏi bị chấn thương hay bị trầy xước.

Việc phòng bệnh cần phối hợp nhiều biện pháp tránh bị nhiễm lạnh, nhất là khi ngủ ban đêm.

Phòng chống nhiễm vi khuẩn bằng cách nâng cao sức đề kháng của cơ thể: tập thể dục thường xuyên điều độ; ăn uống đủ chất, tăng cường ăn rau xanh, trái cây chín, uống nước cam, nước chanh hoặc uống bổ sung vitamin C tổng hợp.

Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường hoặc đến những nơi công cộng như bến tàu xe, siêu thị, chợ… để tránh bị lây nhiễm các bệnh do vi khuẩn gây ra. Không lạm dụng thuốc corticosteroid trong điều trị các bệnh cơ xương khớp.

Theo ThS Phạm Phú Vinh

Meo.vn (Theo Suckhoedoisong)

Phòng và điều trị bệnh giãn phế quản

Giãn phế quản là một bệnh bẩm sinh hay mắc phải, tổn thương gây giãn thường xuyên không hồi phục của một hay nhiều phế quản lớn, có hủy hoại thành phế quản. Bệnh có thể ảnh hưởng nặng nề đến tim, phổi, gan, thận nên cần phải phát hiện và điều trị sớm mới có thể tránh các biến chứng nặng hoặc tử vong.

Vì sao bị giãn phế quản?

Bệnh giãn phế quản do bẩm sinh hoặc mắc phải, nam giới mắc bệnh nhiều gấp 4 lần nữ giới. Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh giãn phế quản: với thể bệnh khu trú, nguyên nhân gây bệnh là khối u lành hay ác tính, dị vật, bị bệnh lao sơ nhiễm tiến triển hay trên di chứng canxi hóa, áp-xe phổi…; Thể bệnh lan tỏa, di chứng của các bệnh phế quản phổi cấp nặng lúc nhỏ, trong đó sởi và ho gà là 2 bệnh thường gặp nhất, nhiễm siêu vi nặng do arbovirus là những nguyên nhân gây giãn phế quản. Nguyên nhân bẩm sinh: bệnh đa kén phổi hay phối hợp với đa kén thận, tụy và gan; suy giảm miễn dịch dịch thể và suy giảm miễn dịch tế bào.

Ngón tay hình dùi trống và ho khạc nhiều – Chớ chủ quan!

Bệnh nhân bị giãn phế quản thường có các biểu hiện sau: khạc đờm, 80% trường hợp giãn phế quản bệnh nhân có khạc đờm với đặc điểm: khạc nhiều nhất vào buổi sáng hoặc đều trong ngày, số lượng nhiều (khoảng từ 20 -100 ml/ngày), tăng lên trong đợt cấp, song có khi lại gặp bệnh nhân giãn phế quản ở thể khô, không khạc đờm, đờm có mùi thạch cao, có khi có mùi hôi, nếu để lắng sẽ có 4 lớp từ trên xuống dưới là: đờm bọt, đờm thành dịch nhầy trong, đờm mũi nhầy, đờm mủ đặc. Ho là triệu chứng kèm theo lúc khạc đờm. Ho ra máu gặp khoảng 8% trường hợp, tia máu màu đỏ khi đang có đợt viêm hay ho ra máu với số lượng nhiều, màu đỏ chói nếu bị biến chứng chảy máu. Khó thở là triệu chứng ít gặp. Tuy nhiên, một số bệnh nhân giãn phế quản được chẩn đoán ở giai đoạn suy hô hấp mạn. Viêm phế quản, phổi cấp tái phát nhiều lần với các triệu chứng sốt 38 – 38,5°C, vị trí nhiễm khuẩn cố định ở các đợt viêm, tổng trạng của bệnh nhân thường không thay đổi. Tràn dịch màng phổi. Nghe phổi có thể thấy ran ngáy, ran rít, ran ẩm to hạt. Nếu bội nhiễm có thể nghe được ran nổ khô hay ran nổ ướt nhỏ hạt hay hội chứng tràn dịch màng phổi. Bệnh nhân có ngón tay hình dùi trống. Hai biến chứng nặng là suy hô hấp mạn và tâm phế mạn. Xét nghiệm đờm thấy có nhiều tế bào biểu mô phế quản, nhiều bạch cầu đa nhân trung tính thoái hóa và chất nhầy, không có sợi đàn hồi. Xét nghiệm vi khuẩn hay gặp nhất là Hemophilus influenza và phế cầu, vi khuẩn gram âm: Pseudomonas aeruginosa, một số vi khuẩn kị khí, vi khuẩn lao. Chụp phổi thấy: hình mờ dạng lưới đi từ rốn đến cơ hoành, hình mờ ở thùy giữa và thùy dưới phổi, hình ảnh “hoa hồng nhỏ” giống như những kén khí chồng lên nhau, hình ảnh mức nước khí. Đo chức năng hô hấp thấy có sự kết hợp cả hai hội chứng hạn chế và tắc nghẽn.

Tiêu bản tổn thương giãn phế quản.

Biến chứng thường gặp

Bệnh nhân bị giãn phế quản nhẹ thì các đợt bội nhiễm xảy ra không thường xuyên, bệnh chỉ giới hạn một vùng, không lan ra chủ mô phổi, không bị suy hô hấp. Trái lại ở thể nặng, các đợt nhiễm khuẩn xảy ra thường xuyên, phải sử dụng kháng sinh điều trị, sau nhiều năm tiến triển sẽ xuất hiện suy hô hấp mạn và tâm phế mạn.

Biến chứng thường gặp là viêm phổi thùy, phế quản phế viêm, áp-xe phổi, tràn dịch màng phổi, lao phổi, áp-xe não, bệnh xương khớp phì đại do phổi, hay gặp biến chứng ho ra máu, có thể đờm dính máu hoặc nặng hơn là ho ra toàn máu, số lượng nhiều.

Phương pháp điều trị

Điều trị trong những đợt nhiễm khuẩn phế quản, phổi như phế viêm hay áp-xe phổi. Dẫn lưu tư thế là một thủ thuật rất cần thiết, quan trọng và bắt buộc phải làm để tháo mủ ra ngoài, thực hiện 3 lần/ngày, mỗi lần khoảng 10 phút cho bệnh nhân dễ thở. Hướng dẫn bệnh nhân vận động là rất cần thiết để giúp họ có thể khạc đờm ra càng nhiều càng tốt. Sử dụng thuốc kháng sinh điều trị: khi có điều kiện nên cấy đờm và làm kháng sinh đồ để chọn lựa kháng sinh thích hợp.

- Điều trị ho ra máu: nhẹ có thể điều trị bằng adrenoxyl, nếu vượt khả năng điều trị nội khoa thì phải phẫu thuật cầm máu.
- Điều trị ngoại khoa: thể khu trú một bên nên phẫu thuật là tốt nhất. Thể có tổn thương hai bên: mổ cắt một hoặc cắt hai bên.

Phòng bệnh cần điều trị triệt căn các ổ nhiễm khuẩn tai mũi họng bằng kháng sinh. Tiêm vaccin phòng ngừa cảm cúm. Khi bị cảm cúm, nhất là vào mùa thu đông thì phải dùng ngay kháng sinh. Vệ sinh răng miệng và tai mũi họng.

ThS.Phạm Thanh Tùng

Meo.vn (Theo Omron)

Chất khử vi trùng mới giúp ngăn chặn virus HIV

Các chuyên gia nghiên cứu đến từ trường Đại học Utah, Mỹ đã phát hiện ra một loại hợp chất mới, dính trên khắp bề mặt của virus được phủ một lớp carbonhydrate (đường) do cơ thể sản sinh và hạn chế nó từ các tế bào lây nhiễm.

Đây được coi là một bước tiến đột phá quan trọng, tiến gần hơn đến một phương pháp điều trị hiệu quả mới, giúp ngăn ngừa lây nhiễm virus qua đường tình dục.

Phát triển và thử nghiệm trong phòng thí nghiệm các chất khử vi trùng mới đầy tiềm năng để phòng ngừa lây nhiễm virus suy giảm miễn dịch của con người đã được trình bày trong một nghiên cứu công bố trực tuyến trên Tạp chí Molecular Pharmaceutics số ra ngày 26/9.

Mặc dù nhiều năm nghiên cứu, chỉ có một chất khử vi trùng có hiệu quả để phòng ngừa lây truyền của HIV, nguyên nhân gây bệnh AIDS, hay hội chứng suy giảm miễn dịch qua đường tình dục. Quá trình phát triển chất khử vi trùng đã tập trung vào các loại gel cũng như các phương pháp điều trị khác có khả năng diệt khuẩn âm đạo, làm giảm lây nhiễm HIV, đặc biệt là ở châu Phi và các nước đang phát triển khác.

Để thiết lập sự lây nhiễm, HIV đầu tiên sẽ phải xâm nhập vào các tế bào của một sinh vật chủ và sau đó kiểm soát máy móc thiết bị sao chép của tế bào để tạo ra các bản sao của chính nó. Những bản sao HIV lần lượt lây nhiễm tới các tế bào khác. Hai bước của chu kỳ cuộc sống của HIV, được gọi là sự xâm nhập và nhân lên của virus, mỗi quy trình cung cấp một mục tiêu tiềm năng cho các loại thuốc chống lại AIDS.

"Hầu hết các loại thuốc chống HIV trong các thử nghiệm lâm sàng đều nhằm mục tiêu vào các cơ chế liên quan đến việc nhân lên của virus", tác giả chính của nghiên cứu, Patrick F. Kiser, Giáo sư công nghệ sinh học và hóa học dược phẩm đến từ trường Đại học Utah cho biết.

"Có một khoảng cách về chi phí và hiệu quả trong các phương pháp điều trị HIV với việc sản xuất hàng loạt, giúp ức chế hoạt động của các virus trước khi nó có cơ hội tương tác với các tế bào mục tiêu khác", ông nhấn mạnh.

Patrick F. Kiser

Patrick F. Kiser

Kiser thực hiện nghiên cứu với Alamelu Mahalingham, một Giáo sư y dược và hóa học dược phẩm thuộc trường Đại học Utah và Anthony Geonnotti đến từ Trung tâm Y tế thuộc trường Đại học Duke ở Durham, NC; và Jan Balzarini từ trường Đại học Công giáo Leuven ở Bỉ.

Nghiên cứu được tài trợ bởi Viện Y tế Quốc gia, Quỹ Bill và Melinda Gates, Đại học Công giáo Leuven, Bỉ, và Quỹ Nghiên cứu khoa học, Bỉ.

Lectin là một nhóm các phân tử được tìm thấy trong tự nhiên có khả năng tương tác và liên kết với các loại đường cụ thể. HIV được phủ các phân tử đường có thể giúp giấu từ hệ thống miễn dịch. Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy rằng lectin có nguồn gốc từ thực vật và vi khuẩn ức chế sự xâm nhập của HIV vào tế bào bằng cách liên kết với các loại đường được tìm thấy trên bề mặt lớp phủ virus.

Tuy nhiên, chi phí sản xuất và tinh chế lectin tự nhiên là quá cao. Vì vậy, Kiser và các đồng nghiệp của ông đã phát triển và đánh giá các hoạt động chống HIV của lectin tổng hợp dựa trên cơ sở một hợp chất được gọi là benzoboroxole, hay BzB, gắn với đường trên màng vỏ bọc HIV.

Kiser và các đồng nghiệp của ông phát hiện ra rằng những lectin - BzB này có khả năng liên kết với dư lượng đường của HIV, nhưng sự liên kết là quá yếu để sử dụng. Để cải thiện khả năng kết dính, các nhà khoa học đã phát triển polyme của lectin tổng hợp. Polyme là các phân tử lớn hơn được tạo ra từ các tiểu đơn vị lặp đi lặp lại, trong đó có chứa nhiều liên kết BzB. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, việc tăng số lượng và mật độ của các liên kết BzB trên lectins tổng hợp đã tạo ra các chất có khả năng tốt hơn để liên kết với virus AIDS và do đó đã làm tăng hoạt tính kháng virus.

"Các polyme mà chúng tôi đã thực hiện thì rất tích cực chống lại HIV có thể hòa tan trọng lượng của một đường khối lập phương của các polymer benzoboroxole, đủ để ngăn chặn lây nhiễm HIV trong các tế bào", Kiser nói.

Tùy thuộc vào sự căng thẳng, HIV hiển thị sự thay đổi đáng kể trong phong bì virus, vì vậy điều quan trọng là đánh giá hiệu quả của bất kỳ điều trị mới tiềm năng chống lại nhiều chủng HIV khác nhau.

Các nhà khoa học cũng đã thử nghiệm tính năng chống HIV của lectin tổng hợp với sự hiện diện của fructose, loại đường có trong phần lỏng của tinh dịch, có khả năng làm ảnh hưởng tới hoạt động của thuốc. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng hoạt tính kháng virus của lectin tổng hợp vẫn hoạt động tốt và có hiệu quả mặc dù với sự hiện diện của fructose.

"Các đặc tính của một chất khử vi trùng chống HIV lý tưởng bao gồm tiềm năng, kháng sinh hoạt động trên phổ rộng, ức chế có chọn lọc, có khả năng sinh sản và tính tương hợp sinh học", Kiser giải thích. "Những lectin benzoboroxole tổng hợp nói trên dường như đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn nói trên, mở rộng tiềm năng để ngăn ngừa lây truyền HIV".

Kiser cho biết nghiên cứu trong tương lai sẽ tập trung vào đánh giá khả năng của lectin tổng hợp để ngăn chặn lây nhiễm HIV trong các mô được lấy từ cơ thể con người, sau đó thử nghiệm ở động vật linh trưởng. Kiser và các đồng nghiệp của ông cũng đang phát triển một dạng gel polymer, có thể được sử dụng như là một liệu pháp điều trị tại chỗ để ngăn ngừa lây nhiễm HIV qua đường tình dục.

Meo.vn (Theo Sciencedaily, Đất Việt)

Điều trị cương cứng dương vật

Cương cứng dương vật thường gây đau, do cương cứng kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ và ngay cả khi không sinh hoạt tình dục. Bệnh xảy ra khi máu ở dương vật bị tắc nghẽn và không thể lưu thông. Nếu không được chữa trị kịp thời có thể thường xuyên bị rối loạn cương cứng.

Thực tế đáng lo ngại

Khi cương dương vật, chỗ bị sưng lên có thể gây đau, nhưng vấn đề không quá nghiêm trọng. Cương cứng kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ làm giảm lượng máu đưa đến dương vật, dẫn đến xơ hóa dương vật. Máu bị nghẽn trong các khoang cương cứng, thường không rõ nguyên nhân ngay cả với đàn ông khỏe mạnh, nhưng có liên quan đến bệnh lý về hồng huyết cầu hình lưỡi liềm như bệnh sốt rét, ung thư máu… Trường hợp cương dương vật do lượng máu dư thừa hiếm khi xảy ra hơn và ít gây đau, do động mạch bị gián đoạn vì chấn thương dương vật hoặc đáy xương chậu, vùng giữa bìu dái và hậu môn, ngăn cản máu chảy về dương vật.

Theo chuyên gia y tế Daniel J.DeNoon thuộc tạp chí HealthNews: "Hơn 40% đàn ông mắc bệnh thiếu máu hồng huyết cầu hình lưỡi liềm bị chứng cương dương vật. Tình trạng này còn xảy ra ở đàn ông mắc bệnh tiểu đường và có thể gây phản ứng phụ do dùng thuốc chữa trị rối loạn cương cứng, đặc biệt khi dùng thuốc tiêm vào dương vật”. Có khoảng 42% nam giới trưởng thành mắc bệnh về hồng huyết cầu lưỡi liềm và phát triển thành cương cứng. Ngoài ra, còn do chấn thương tủy sống hoặc bộ phận sinh dục, ngộ độc carbon monoxyde, côn trùng đốt…

Vì thế, nếu bị cương cứng cần đến bác sĩ và nói rõ bạn bị cương cứng bao lâu và lâu như thế nào, nói rõ luôn loại thuốc đang sử dụng vì một số thuốc đặc biệt có liên quan đến các loại thảo dược gây cương cứng như Desyrel, thuốc chữa chứng suy nhược, Thorazine…

Lựa chọn giải pháp an toàn

Mục đích của chữa trị cương cứng là chấm dứt cương cứng và bảo tồn chức năng hoạt động của cương cứng. Có thể kể đến cách chườm nước đá lên dương vật và đáy xương chậu giúp giảm sưng; phẫu thuật trong trường hợp cần thiết khi động mạch bị tắc nghẽn bằng cách tháo động mạch gây cương cứng để phục hồi dòng chảy của máu; việc tiêm vào dương vật chỉ dùng trong trường hợp máu đến dương vật ít và bằng thuốc kích thích alpha thụ thể, còn thuốc uống loại này được dùng nếu bệnh ở mức độ nghiêm trọng; lồng ống kim và rút máu ra khỏi dương vật để giảm áp lực và sưng sau khi gây tê dương vật; phẫu thuật  lồng vào dương vật giúp lưu thông máu và tuần hoàn máu trở lại bình thường.

Giáo sư tiến sĩ y khoa Yang Xia thuộc trường ĐH Texas, Houston (Mỹ) nhận định: "Qua thử nghiệm trên chuột phát hiện ra, việc thay thế enzyme được tạo ra từ gien ADA, có liên quan đến sự thiếu hụt lượng adenosine deaminase của hệ miễn dịch cơ thể, không chỉ làm dịu chứng cương dương vật mà còn làm giảm chứng cương dương vật và không gây phản ứng phụ hay bất thường nào".

Tiến sĩ y khoa Harinder Juneja thuộc trường ĐH Texas, cho biết: "Một tin vui đối với bệnh nhân chẳng may mắc phải căn bệnh này đó là liệu pháp chữa trị PEG-ADA, hình thức vận chuyển của adenosine deaminase sử dụng để thay thế điều trị cho bệnh suy giảm miễn dịch kết hợp trầm trọng do thiếu hụt adenosine deaminase, cho phép sự phục hồi của một mức độ biến đổi của chức năng miễn dịch. Cách này an toàn đối với người và có tác dụng nhất thời theo từng giai đoạn chữa trị tuy giá thành khá đắt”.

Meo.vn (Theo WebMD và doctorksar)

Game thủ giải mã cấu trúc enzyme virus AIDS

Các game thủ đã giải mã được cấu trúc một loại enzyme của virus gây bệnh AIDS, loại enzyme này đã cản trở các nhà khoa học trong suốt 1 thập kỷ qua.

Phát hiện này được công bố ngày 18/9/2011 trong Tạp chí cấu trúc và phân tử sinh học. Cả 2 game thủ và các nhà nghiên cứu được vinh dự là đồng tác giả.

Mục tiêu của phát hiện này là tạo ra một lát cắt phân tử phức tạp của của một loại enzyme thuộc virus gây bệnh HIV.

Việc tìm ra cấu trúc của protein là rất quan trọng, cho biết những nguyên nhân của nhiều căn bệnh và các loại thuốc để ngăn chặn bệnh. Tuy nhiên, kính hiển vi chỉ cung cấp một hình ảnh phẳng một chiều. Song các nhà dược học lại cần một hình một hình ảnh 3-D "mở ra" phân tử và xoay vòng nó để tìm ra các loại thuốc có thể điều trị được.

Vào năm 2008, trường Đại học Washington đã mở ra một trò chơi video, trong đó các game thủ được chia thành các nhóm cạnh tranh với nhau để mở ra các chuỗi axit amin - xây dựng các protein bằng cách sử dụng một bộ công cụ trực tuyến.


Lần đầu tiên các game thủ giải mã cấu trúc enzyme virus gây bệnh AIDS (Ảnh: AFP)

Các nhà khoa học đã rất ngạc nhiên khi các game thủ tạo ra một mô hình chính xác của enzym này chỉ trong 3 tuần.

Làm rõ cấu trúc enzyme “cung cấp những hiểu biết mới cho việc sử dụng các loại thuốc kháng virus”, nghiên cứu thuốc chống lại virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) cho biết.

Đây là lần đầu tiên các game thủ đã giải quyết một vấn đề khoa học vướng mắc từ lâu.

“Chúng tôi muốn biết liệu khả năng trực giác của con người có thể thành công được không khi mà các phương pháp tự động đã thất bại. Sự khéo léo của game thủ là một lực lượng rất mạnh nếu được định hướng đúng đắn, có thể sẽ giải quyết một loạt các vấn đề khoa học”, Firas Khatib thuộc phòng thí nghiệm hóa sinh của trường đại học cho biết trong một thông cáo báo chí.

Một trong những người tạo ra hình ảnh cấu trúc enzyme này, Seth Cooper, giải thích lý do tại sao các game thủ đã thành công trong khi máy tính đã không thành công.

“Con người có những kỹ năng về không gian, mà máy tính không thực hiện tốt được. Trò chơi cung cấp một khuôn khổ với những thế mạnh của máy tính và con người. Kết quả trong tuần này cho thấy, chơi game, khoa học và máy tính có thể được kết hợp để tạo ra những tiến bộ mà trước đây chưa đạt được”, Cooper nói.

Meo.vn (Theo Đất Việt)

Hiểu đúng và đủ về tiêm ngừa

Tiêm ngừa là một trong những biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyên các bậc cha mẹ nên cho trẻ tiêm ngừa đầy đủ, đặc biệt là những mũi tiêm nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Thạc sĩ- bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc, khoa Khám bệnh, Viện Pasteur TP.HCM cung cấp cho bạn đọc PNO những thông tin cần thiết về chương trình tiêm chủng dành riêng cho trẻ.

Chuẩn bị trước tiêm ngừa

Khi tiêm ngừa, cần cho trẻ mặc trang phục đơn giản để giúp bác sĩ dễ thao tác trong quá trình khám, không mặc quần áo quá bó chặt (dễ ọc), ủ ấm quá nhiều (gây tăng thân nhiệt trẻ).

Không cho bé ăn, bú quá no trước khi tiêm ngừa (dễ ọc). Tuy nhiên, cũng không để trẻ đói để tránh tình trạng trẻ bị hạ đường huyết sau khi tiêm.

Vệ sinh thân thể bé sạch sẽ để hạn chế nhiễm trùng.

Chuẩn bị đủ hồ sơ sức khỏe của bé, đặc biệt là sổ tiêm ngừa trước đó.

Thông báo cho nhân viên y tế về tình trạng bệnh cấp của bé, nếu có.

Trường hợp hoãn tiêm

Đến thời điểm cần tiêm ngừa, nếu bé đang bệnh, đặc biệt là đang sốt thì hoãn tiêm.

Trẻ đang có tình trạng dị ứng.

Bé có phản ứng ở lần tiêm ngừa trước.

Trẻ có kích động, có vấn đề về não, thần kinh.

Những trẻ đang có suy giảm miễn dịch mắc phải (nhiễm HIV) hay bẩm sinh, tạm thời (đang uống thuốc ức chế miễn dịch: gamma globulin, corticoid... trong vòng 3 tháng).

Trẻ có truyền máu trong vòng một năm.

Trẻ đã tiêm vaccin trong vòng 4 tuần.

Để xác định rõ những trường hợp này, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám trước khi tiêm.

Những vaccine tiêm cho trẻ

Dưới đây là lịch tiêm chủng theo chương trình tiêm chủng quốc gia, khuyến cáo phụ huynh nên tuân thủ và đưa trẻ đi tiêm đầy đủ:

BCG (lao): ngay sau khi sinh

Viêm gan siêu vi B: ngay sau khi sinh - 2 tháng - 4 tháng

DTC - sabin (bạch hầu-uốn ván-ho gà-bại liệt): 2 tháng-3 tháng-4 tháng

Sởi: 9 tháng

Sắp đến, có thêm vaccine đối với hemophilus influenza type b (thường gây viêm màng não, viêm phổi, viêm tai giữa...) lúc 2 - 3 - 4 tháng.

Những vaccine khuyên nên sử dụng thêm (không bắt buộc):

Sởi-quai bị-rubella: tiêm lúc trẻ được 12-15 tháng. Nên tiêm nhắc lại sau 3 năm (2 mũi).

Viêm não Nhật Bản B: tiêm lúc 12 tháng (3 mũi)

Thủy đậu: tiêm lúc 12 tháng (có thể cần tiêm nhắc)

Cúm mùa (không phải cúm đại dịch H1N1): nên tiêm lúc 6 tháng (tiêm nhắc mỗi năm)

Bạch hầu-uốn ván-ho gà-bại liệt-viêm gan B nhắc lại lúc 16-18 tháng

Viêm gan siêu vi A: tiêm lúc 12 tháng; nhắc lại sau 6 tháng (2 mũi)

Phế cầu: thường tiêm cho những trẻ có nguy cơ cao: suyễn, cắt lách, chuẩn bị ghép tạng

Thương hàn: nên tiêm lúc trẻ 5 tuổi (lặp lại mỗi 3 năm)

Não mô cầu A+C: tiêm lúc 2 tuổi (lặp lại mỗi 3 năm)

Dại: nên tiêm ngừa khi bị chó cắn, mèo, côn trùng cắn

Vaccine dạng uống: rota virus thường gây bệnh tiêu chảy cấp nặng: lúc 2 tháng (lặp lại sau 1 tháng, thêm 1 liều)

Số lượng mũi tiêm trong 1 lần và phản ứng sau tiêm

Trong tiêm ngừa vaccine, 2 vaccine sống không nên tiêm gần quá 4 tuần (lao, sởi, thủy đậu...). Ngoài ra, không chống chỉ định tiêm các loại vaccine chung với nhau. Tuy nhiên, việc tiêm nhiều hơn 1 mũi vaccine ngoài việc tăng đau đớn cho trẻ, khi có tình trạng phản ứng xảy ra, rất khó theo dõi dị ứng là do vaccine nào. Vì vậy, tốt nhất nên tiêm 1 vaccine/ mỗi lần tiêm. Khi có những trường hợp đặc biệt: nhà xa, ghép tạng... sẽ có thể chỉ định dùng từ 2 vaccine phù hợp trở lên.

Phản ứng sau tiêm thường gặp: phản ứng toàn thân: sốt (thường trong 2 ngày), trẻ hơi quấy, biếng ăn tạm thời; phản ứng tại chỗ (đau, hơi sưng đỏ tại chỗ tiêm).

Phản ứng đặc hiệu riêng từng loại vaccine: BCG (vết loét tại chỗ tiêm sau 6-8 tuần, nổi hạch nách cùng bên tiêm), sởi (nổi vài dát hồng ban rải rác 1-3 ngày sau)...

Tất cả vaccine đều phải tiêm đúng thời gian quy định của Bộ Y tế và nhà sản xuất. Tuy nhiên, trong trường hợp cần hoãn tiêm, sau đó tiêm lại thì không cần bắt đầu lại mà tiếp tục tiêm theo lịch tiếp theo.

Những điều cần biết sau khi tiêm

Ngay sau tiêm: Nên ở lại và theo dõi tại cơ sở y tế tối thiểu 30 phút, theo dõi và báo cho nhân viên y tế ngay khi thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường.

Săn sóc tại nhà sau tiêm: chườm mát nơi tiêm (không chườm nóng), cho trẻ uống nhiều nước, bú mẹ nhiều hơn; mặc đồ thoáng, uống hạ sốt khi cần; quay lại cơ sở y tế ngay khi trẻ có phản ứng bất thường.

Không cần kiêng cữ ăn uống sau tiêm ngừa.

Meo.vn (Theo PNO)

Các kháng sinh nhạy cảm với vi khuẩn Mycoplasma

Mycoplasma là chủng vi khuẩn nhỏ nhất, không có thành tế bào bao bọc cho nên không có đáp ứng với thuốc nhuộm gram và không nhạy cảm với nhiều loại thuốc kháng khuẩn thường dùng, kể cả beta - lactam.

Vi khuẩn Mycoplasma thường có ở bề mặt niêm mạc, ngoài tế bào, trừ trường hợp bị suy giảm miễn dịch thì vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu và phát tán tới các cơ quan và mô trên khắp cơ thể. Có tới 17 chủng Mycoplasma đã được phân lập ở người nhưng chỉ có 4 týp vi khuẩn gây ra phần lớn các bệnh cảnh nhiễm khuẩn, đó là các chủng M.pneumoniae, M.hominis, M.genitalium, và M.ureaplasma.

Lựa chọn kháng sinh cho các trường hợp nhiễm Mycoplasma có sự can thiệp của nhiều yếu tố: độ nhạy cảm trên kháng sinh đồ - nhiễm khuẩn phối hợp – vị trí nhiễm khuẩn – cơ địa và những chống chỉ định có thể gặp.

Độ nhạy cảm với các kháng sinh dòng macrolide, lincosamide thay đổi theo từng chủng vi khuẩn mycoplasma. U.urealyticum thường nhạy cảm với dòng macrolide nhưng nhạy cảm hơn với dòng macrolide mới (clarithromycine) và kháng với lincosamides, với érythromycine chỉ nhạy cảm trung bình. M.hominis kháng với érythromycine và các thuốc cùng nhóm này, ngược lại nhạy cảm với josamycine nhưng cả hai mycoplasma nói trên đều nhạy cảm với pristinamycine. Các kháng sinh dòng fluoroquinolones có tác dụng thay đổi theo từng loại vi khuẩn, các thuốc càng mới càng có tác dụng hơn.

Vai trò của cơ địa cũng rất quan trọng trong việc lựa chọn kháng sinh. Tetracyclin hay được dùng cho phụ nữ trưởng thành ngoài thời kỳ mang thai. Trong trường hợp có chống chỉ định thì thay thế bằng dòng macrolide. Thời gian điều trị kháng sinh cũng phụ thuộc vào khu vực nhiễm khuẩn. Các kháng sinh có tác dụng với Mycoplasma nói chung chỉ là kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, do đó thời gian điều trị bằng kháng sinh phải đủ, nhất là khi có nhiễm khuẩn phối hợp Mycoplasma với Chlamydia.

Meo.vn (Theo SKĐS)

Cẩn thận bệnh hô hấp khi thời tiết thay đổi

Gần đây, thời tiết Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thay đổi trong ngày, gần sáng và tối lạnh, trưa nóng, kèm theo những cơn mưa bất chợt, khiến trẻ dễ bị sốt, ho, chảy nước mũi…. Tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai số trẻ đến khám tăng gấp rưỡi.

Gần một tuần nay, chị Linh (Giáp Bát, Hà Nội) quay như chong chóng vì hết cậu con trai 2 tuổi ho, sốt, sổ mũi lại đến cô chị 4 tuổi cũng sụt sịt, may mà không sốt. Chị cho biết, khởi đầu là ông xã, tự nhiên sáng thức dậy thấy hắt hơi ầm nhà lên.

http://vnexpress.net/Files/Subject/3b/a2/eb/2f/benhhohap11.jpg

Khá đông trẻ em đi khám về bệnh hô hấp ở Bệnh viện Bạch Mai, hôm 12/9. Ảnh: Nam Phương.

“Chồng mình bị viêm mũi dị ứng, người không khác gì cái máy dự báo thời tiết, nên cứ trở trời là y như rằng hắt hơi. Hai hôm sau thì đến lượt cậu con trai cũng ốm. Gia đình lo lắng vì uống thuốc lúc đầu thì đỡ, nhưng đến hôm sau lại sốt. May mà sau 3 ngày cháu không còn sốt, chỉ còn ho khan có đờm”, chị Linh cho biết.

Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, biên độ nhiệt trong ngày thay đổi cao, trẻ chưa thích ứng kịp nên số trẻ đến khám có tăng hơn bình thường. Đặc biệt trẻ dưới 6 tháng tuổi dễ diễn biến xấu nhanh, khó lường. Trẻ nhập viện trong thời gian này chủ yếu mắc các bệnh đường hô hấp, sốt virus, đa phần nhẹ, chỉ có một số ít trẻ nặng hơn, bị biến chứng viêm phổi.

Theo bác sĩ, nhiều người căn cứ vào dấu hiệu trẻ bị ho, sốt để cho con đi khám. Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh đây không phải là những dấu hiệu đặc hiệu. Có trẻ không sốt, ho những vẫn bị viêm phổi nặng. Với lứa tuổi này, nếu thấy bé bú ít hơn ngày thường, khóc khi bú hoặc thấy con thở nhanh, thấy rõ hai cánh mũi phập phồng… thì cha mẹ cần đưa con đi khám sớm vì có thể bệnh đã diễn biến nặng. Ngay cả khi trẻ ngủ nhiều hơn bình thường thì cũng có thể do trẻ bị bệnh.

Tiến sĩ Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung uơng cũng cho biết, trong những năm đầu đời, cấu trúc giải phẫu, hệ miễn dịch trẻ đang trong quá trình phát triển, chưa hoàn thiện. Vì thế, sức đề kháng của trẻ yếu, dễ mắc bệnh liên quan đến hô hấp. Trẻ có tiền sử sinh non, bệnh mãn tính, dị tật bẩm sinh, suy giảm miễn dịch bẩm sinh có nguy cơ mắc các bệnh hô hấp cao hơn.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, cha mẹ không cần quá lo lắng khi con mắc bệnh. Nếu thấy trẻ hắt hơi, sổ mũi nhiều thì cần chú ý làm sạch đường thở. Không nên lạm dụng các dụng cụ hút mũi, xông họng, đặc biệt không tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh. Khi trẻ sốt virus, không tự ý truyền dịch khi không có chỉ định của bác sĩ.

Trẻ sốt virus thường khỏi bệnh trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, nếu sốt cao, co giật thì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ. Đáng lưu ý là triệu chứng ban đầu của sốt virus cũng khá giống với sốt xuất huyết, viêm não, viêm não Nhật Bản… Do vậy, thấy trẻ sốt cao đột ngột và kéo dài phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Để phòng bệnh, cần chú ý giữ ấm cho trẻ, gần sáng và đêm thì nên mặc quần áo ấm, tăng cường dinh dưỡng. Ngoài ra, cha mẹ nên tắm cho con vào buổi trưa khi trời ấm, vì nếu tắm buổi tối, trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh.

Meo.vn (Theo VNE)