Lưu trữ cho từ khóa: sức khỏe bé

Những thói quen của bé mẹ không thể phớt lờ trong ngày Tết

(Webtretho) Trong những ngày nghỉ Tết, bé (và cả bố mẹ nữa) thường có xu hướng tự do và để mình thoải mái hơn. Tuy vậy, có những thói quen của con mà bố mẹ cần lưu ý để bảo đảm được vệ sinh, sức khỏe cho bé.

1. Ăn nhiều đạm
Thịt, cá, chả giò, bánh chưng, bánh tét… đều là những món ngon và luôn có trên các mâm cỗ ngày Tết. Trẻ sẽ phải đi cùng gia đình chúc Tết họ hàng, bạn bè của bố mẹ và tham dự những bữa tiệc sum họp. Chính vì thế không thể tránh được việc trẻ ăn quá nhiều đạm. Bạn cần chú ý bữa ăn trong ngày của con để hạn chế được lượng đạm mà bé tiêu thụ.

Bạn cần cân bằng lượng đạm trong ngày cho bé ( Theo Sức khỏe & Đời sống)

Tỷ lệ đạm trong một số thực phẩm chính (Theo Sức khỏe & Đời sống)

Nếu ăn quá nhiều đạm sẽ ảnh hưởng đến chức năng thận của bé và gây ra những bệnh lý khác như nóng trong người, khó tiêu, bị mất nước khiến mệt mỏi, nhức đầu, táo bón… Bạn cần chủ động lựa chọn thức ăn cho con những món ít đạm, cho bé ăn rau kèm thêm. Ngoài những bữa ăn chính, bạn cần cho con ăn thêm trái cây và uống nhiều nước để giúp bé cân bằng lại mức độ đạm trong cơ thể.

2. Không ăn rau quả
Đa số trẻ em không thích ăn nhiều rau và trái cây, nên trong Tết, bạn càng cần phải khích lệ bé nhiều hơn. Nhưng bằng cách nào?

- Con trẻ thường hảo đồ ngọt, vì thế hãy tập trung vào những trái cây có vị dịu ngọt, mát như dưa hấu, dâu tây, nho, cam, quýt… để trẻ ăn xế, ăn trong khi vui chơi.

Bé nên ăn nhiều rau quả trong dịp Tết (Ảnh: Internet)

- Thiết kế nhiều món rau xen kẽ trong bàn tiệc hay có thêm món canh rau sẽ giúp cả nhà và bé nhẹ nhàng hơn sau những món nhiều đạm như canh hẹ nấu đậu hũ, canh cải thảo…  Hoặc bạn kết hợp rau trái trong nhiều món như nấu súp gà với bắp, làm các món tráng miệng như yaourt trái cây, trái cây dằm ướp lạnh, các món sinh tố… Tất cả đều có thể giúp bạn cải thiện tình trạng “nóng trong người” cho bé trong những ngày Tết.

4. Ngủ trễ và mải chơi quên đánh răng buổi tối
Với những trẻ lém lỉnh, dịp Tết mải vui chơi sẽ là cơ hội cho bé “trốn” việc đánh răng trước khi ngủ và lên giường đúng giờ.

- Với việc đánh răng buổi tối, bạn cần kiên trì hướng dẫn và cùng bé thực hành hàng ngày, có như thế bé sẽ không “vui xuân mới mà quên nhiệm vụ” được. Đôi khi bạn cũng cần hù bé một chút rằng khi không đánh răng buổi tối, mấy con sâu sẽ ra phá hàm răng xinh đẹp và bé sẽ không thể ăn được những món ngon trong ngày Tết nữa đâu.

- Trường hợp có nhiều bé ngủ lại cùng một nhà, bạn nên tổ chức một cuộc thi đánh răng nho nhỏ xem ai sẽ là người đánh sạch và lên giường ngủ sớm nhất, với phần thưởng là những món quà nho nhỏ. Các bé sẽ hào hứng tham gia làm sạch răng miệng trước khi đi ngủ cho xem.

    Mời bạn tham khảo thêm: Mẹo để bé thích đánh răng

- Về việc để bé ngủ đúng giờ, bạn có thể du di cho con hai ba ngày để bé có thể hưởng trọn niềm vui bên gia đình và bạn bè trong dịp Tết quây quần này, nhưng sau đó hãy nhớ đảm bảo được giấc ngủ khỏe mạnh cho bé nhé:

Vui Tết nhưng trẻ vẫn cần ngủ đủ giấc (Ảnh: Getty Images)

  • Đừng để trẻ mải vui mà để bụng đói hay ăn quá no khi đi ngủ.
  • Không nên để bé vui đùa, la hét nhiều trước giờ đi ngủ.
  • Rủ con lên giường ngủ và cùng con kể về chuyến đi dạo phố Tết sáng nay.
  • Thường trẻ không thích ngủ sớm vì phải dừng cuộc chơi, bạn vẫn có thể để con vui với những trò chơi nhẹ nhàng như “Đố vui ngày Tết” về những món truyền thống con đã ăn hôm nay; tại sao lại trưng hoa mai, đào trong nhà; hay bàn kế hoạch thăm ông bà vào ngày mai.
  • Nếu trẻ khó bảo, bạn cần nghiêm khắc và ra “tối hậu thư” cho ngày mai nếu trẻ không ngủ đúng giờ.
  • Lưu ý các món ăn trong ngày không khó tiêu, gây khó ngủ cho bé.
  • Đi ngủ cùng con cũng là một cách giúp bé ngủ đúng giờ hơn.

Bạn cần biết thời lượng ngủ của bé để giúp bé ngủ đủ giấc

5. Chơi game và xem TV suốt ngày
Những ngày nghỉ Tết, sẽ có những trẻ chỉ ở nhà ôm lấy TV hay ngồi chơi game suốt cả ngày. Đây là điều không hề tốt chút nào cho sức khỏe cũng như tinh thần cho trẻ nhỏ. Lưu ý, không để trẻ dưới 2 tuổi xem tivi, trẻ lớn hơn thì bạn có thể để con chơi game hay xem tivi 1 – 2 tiếng/ ngày. Việc ngồi quá lâu sẽ ảnh hưởng đến cột sống và mắt cho kỳ học sau Tết, và dẫn đến những bệnh béo phì, tim mạch của trẻ sau  này. Bạn cần tránh để con chơi game hay xem những bộ phim bạo lực, có nội dung không phù hợp với lứa tuổi của con. Cũng cần nghiêm khắc về giờ giấc xem tivi và chơi game của con để đảm bảo bé ăn uống đầy đủ và tham gia các hoạt động khác cùng gia đình.

Hãy hướng bé ra những hoạt động ngoài trời cùng bạn bè, vận động tay chân, nô đùa với gia đình bằng những trò chơi dân gian trong ngày Tết; khuyến khích bé “giao lưu”, thăm Tết với các bạn quanh hàng xóm… Điều này sẽ giúp bé phát triển cơ thể tốt hơn, tạo tính năng động, không ù lì, hiểu hơn về những tập quán quê hương.

Tham khảo thêm: Để bé vui hơn với trò chơi dân gian

6. Giải thích ý nghĩa tiền lì xì và quản lý tiền mừng cho con
Trong dịp Tết, bé sẽ nhận được tiền lì xì, bạn nên giải thích cho con hiểu ý nghĩa của phong tục này là cách người lớn mừng tuổi cho trẻ nhỏ, và số tiền trong đó thể hiện thành ý của người lớn. Bé không nên quan trọng giá trị số tiền có trong bao lì xì, và luôn cần biết cám ơn và chúc Tết người lớn.

Hãy giúp bé hiểu ý nghĩa món quà lì xì và biết tiết kiệm (Ảnh: Internet)

Khi con bạn có nhận thức được giá trị của đồng tiền, ngoài việc hướng dẫn bé những điều cơ bản về cách dùng tiền nhưng cũng vẫn cần giúp con quản lý tiền lì xì nhằm tránh mất mát, hoang phí. Với một số trẻ khá “nhạy cảm” về chuyện này và có thể phản đối bằng cách: “Đây là tiền của con sao bố mẹ lại giữ?” Bạn có thể giải thích rằng con còn nhỏ có nhiều tiền không an toàn, bố mẹ giữ hộ và khi nào cần gì bố mẹ sẽ gửi lại; hoặc bằng cách mở “ngân hàng” quản tiền lì xì của con ngay tại nhà, như thế trẻ sẽ cảm thấy công bằng và tin tưởng hơn.

>> Mời bạn tham khảo một số cách dạy cho con hiểu về giá trị của đồng tiền và cách dùng tiền hợp lý.

Bí quyết giúp đẩy lùi những bệnh thường gặp ở trẻ

Trẻ nhỏ rất dễ bị mắc bệnh trong vòng 1 năm đầu đời. Hãy tham khảo một số bí quyết dưới đây để đẩy lùi những bệnh thường gặp ở trẻ.

Bí quyết giúp đẩy lùi những bệnh thường gặp ở trẻ

Đau bụng

Đau bụng có thể xuất hiện ở trẻ trong vòng từ 1-3 tuần sau khi sinh và có thể kéo dài tới 4 tháng. Để đối phó với vấn đề này trước hết bạn hãy xoa nhẹ nhàng quanh bụng bé, sau đó bế bé lên và áp nhẹ vào bụng bạn. Hơi ấm bé cảm nhận được từ bạn sẽ giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn.

Mụn sữa

Nếu như những trẻ ở độ tuổi dậy thì thường bị mụn trứng cá thì trẻ nhỏ lại thường bị mụn sữa. Nếu bé yêu của bạn bị mụn sữa thì hãy vệ sinh sạch sẽ cho bé bằng nước ấm. Bạn không cần dùng thuốc và cũng không phải quá lo lắng vì mụn sữa sẽ tự hết sau vài tuần.

Khô da

Bé đã quen với môi trường nước trong nhiều tháng vì vậy chúng có thể bị tróc da sau khi sinh. Tình trạng khô da có thể xảy ra ở toàn cơ thể. Song đừng bóc những vảy đó vì chúng sẽ tự bong. Dùng khăn và nhẹ nhàng lau lên da bé hàng ngày và sử dụng kem dưỡng ẩm tự nhiên không mùi.

Cặn sữa

Cặn sữa có thể tích tụ ở lưỡi bé và trông như lớp váng sữa dày. Sử dụng dụng cụ tưa lưỡi hoặc khăn xô mỏng để vệ sinh lưỡi cho trẻ bằng nước ấm.

Cứt trâu

Chúng trông giống như những mảng gàu dày bám vào da đầu bé. Để đối phó tình trạng này bạn có thể xoa nhẹ lên đầu bé một chút dầu ôliu trước khi tắm cho bé. Nó sẽ có tác dụng làm mềm lớp gàu. Sau đó bạn gội đầu cho bé bằng xà phòng riêng và dùng lược mềm dành cho trẻ em chải nhẹ lên đầu bé. Hãy kiên trì thực hiện hàng ngày vì có thể phải mất thời gian để điều trị dứt điểm hiện tượng cứt trâu.

Hăm tã

Hăm tã sẽ khiến bé cảm thấy rất khó chịu vì vậy luôn lưu ý giữ cho phần dưới của bé được thoáng mát. Nếu có thể hãy để bé nằm trên một chiếc đệm không thấm nước, cởi bỏ tã để bé bớt khó chịu. Bạn cũng nên vệ sinh cho bé 3 lần/ngày bằng nước ấm và lau khô bằng khăn cotton sau đó sử dụng kem chống hăm.

Chàm

Nếu bé nhà bạn bị chàm thì bạn nên cho bé khám bác sĩ vì có nhiều nguyên nhân có thể khiến bé bị chàm. Cần lưu ý rằng chàm có thể là do xà phòng bạn dùng để giặt quần áo cho bé hoặc do nước hoa. Vì vậy tránh dùng xà phòng có hương thơm để giặt quần áo cho bé.

BACSI.com (Theo Dantri)

Sữa chua – liệu pháp giản đơn bảo vệ sức khỏe bé

Sữa chua (yaourt) là sản phẩm dạng sệt lên men từ sữa, chủ yếu là sữa bò, chứa các chủng vi khuẩn có lợi cho đường ruột. Đây là món ăn có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe được nhiều bé yêu thích...

Về công dụng của sữa chua đối với trẻ em, PGS-TS Nguyễn Thị Lâm cho biết: Đối với trẻ không dung nạp được men lactose trong sữa tươi, khi uống vào trẻ rất dễ bị đi ngoài, khó chịu. Nhưng nhờ quá trình lên men của sữa chua, đường lactose trở nên dễ hấp thu hơn, giúp trẻ tránh được tiêu chảy, đồng thời giúp cơ thể trẻ dễ dàng hấp thu một số khoáng chất và canxi để trẻ phát triển chiều cao tối ưu.


Sữa chua ăn còn cung cấp một lượng lớn các lợi khuẩn để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Nhờ các lợi khuẩn này nên sữa chua rất có lợi cho đường ruột, giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn để hấp thu tốt hơn. Ở trẻ kén ăn, sữa chua còn có tác dụng kích thích sự thèm ăn ở trẻ.

Có nhiều tác dụng như vậy, nhưng nhiều bà mẹ vẫn cho rằng không dùng sữa chua cũng không ảnh hưởng gì. Vậy có nên cắt giảm khẩu phần sữa chua của bé trong thời buổi giá cả tăng cao không, thưa bà?

- Chúng ta không nên cắt giảm, vì sức khỏe của bé là quan trọng nhất. 70% hệ miễn dịch của cơ thể nằm trong đường ruột. Probiotics trong sữa chua cung cấp vào đường ruột hàng tỷ lợi khuẩn, đánh bại các hại khuẩn giúp hệ tiêu hóa mạnh khỏe và tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể.

Sử dụng sữa chua đều đặn giúp trẻ nhỏ cải thiện được bệnh tiêu chảy nhờ vào sự cân bằng hệ vi khuẩn trong ruột. Ngoài ra, sữa chua rất dễ tiêu hóa nên phù hợp cho trẻ biếng ăn. Vì vậy đối với trẻ nhỏ, nó càng thiết thực hơn.

Nên cho bé ăn sữa chua từ độ tuổi nào và ăn như thế nào, thưa bà?

- Nên ăn sau bữa ăn, khi đó độ pH trong dạ dày tăng cao, là môi trường tuyệt vời để các vi khuẩn có lợi trong sữa chua hoạt động tốt. Không nên ăn sữa chua trước bữa ăn vì khi đói độ pH trong dạ dày chỉ bằng 2, các vi khuẩn có lợi sẽ bị tiêu diệt. Chưa nên cho trẻ dưới 6 tháng tuổi ăn sữa chua.

Meo.vn (Theo Danviet)

Có nhiều sai sót trong chế biến thức ăn cho bé

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy hiện đang công tác tại Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho rằng, trong thực tế, các bà mẹ có nhiều quan niệm sai lầm trong việc chế biến món ăn và việc đó đã gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ.

Ngày nào cũng tốn thời gian hầm xương với khoai tây, cà rốt để nấu cháo cho trẻ mà trẻ vẫn ngày càng ốm đi, trong khi mẹ thì ngày càng mập hơn vì gặm thịt trong cục xương hầm.

Có nhiều sai sót trong chế biến thức ăn cho bé

Chất bổ không có trong nước hầm

Rất nhiều bà mẹ đến gặp bác sĩ bức xúc tại sao mình bỏ nhiều công sức chăm con kỹ vậy mà con vẫn bị suy dinh dưỡng. Ngày nào cũng tốn thời gian hầm xương với khoai tây, cà rốt để nấu cháo cho trẻ mà trẻ vẫn ngày càng ốm đi, trong khi mẹ thì ngày càng mập hơn vì cứ phải gặm thịt trong cục xương hầm.

Các bà mẹ không biết rằng trẻ không thể ăn canh xúp này liên tục trong một tuần. Trẻ nhỏ nhưng cũng đã biết thưởng thức mùi vị, ăn mãi một món rất dễ thấy ngán. Và không phải món ngon của mẹ luôn là món ngon của con. Cho bé ăn uống đa dạng, đổi món thường xuyên là cách tốt nhất để bé nhận được nhiều loại chất dinh dưỡng mà không bị ngán.

Nhiều người quan niệm nước hầm là một thức ăn đặc biệt bổ dưỡng vì họ nghĩ rằng sau khi hầm nhừ một loại thực phẩm nào đó, tất cả những chất bổ tinh túy nhất của thực phẩm đã tan vào trong nước, “phần cái” còn lại chỉ là “xác”.

Tuy nhiên, các phân tích thành phần dinh dưỡng đã cho thấy chất đạm (thịt, cá, tôm…) có nấu trong bao lâu thì vẫn chỉ có ở phần xác mà không tan được vào trong nước, chất xơ trong rau củ cũng vậy. Vì vậy muốn nhận đủ các chất dinh dưỡng, phải cho trẻ ăn cả phần cái (xác) của thực phẩm bằng cách băm nhuyễn, cắt nhỏ, nấu mềm… Phần nước hầm có một vị ngọt rất ngon nhưng lại không có giá trị dinh dưỡng bao nhiêu.

Hâm đi hâm lại

Do quá bận rộn, một số bà mẹ đã phải làm cách này vì thời gian hầm một nồi cháo khá lâu, mà bé lại ăn mỗi bữa không nhiều. Khi hâm lại lần 1 rồi lần 2, lượng vitamin trong rau sẽ mất đi gần hết và có mùi vị khó ăn. Trẻ lại bị ngán vì ăn 3 bữa chỉ có một mùi vị.

Nên hầm một nồi cháo trắng khoảng 3 chén, sau đó múc ra một chén cháo để nấu riêng với thịt heo, rau mồng tơi, dầu nêm nước mắm để ăn sáng, để phần cháo trắng còn lại vô tủ lạnh, rồi trưa múc ra một chén để nấu với thịt bò, rau lang, dầu ăn nêm nước tương, chén cháo còn lại ăn tối với đậu hũ, bí đỏ, dầu ăn nêm đường ngọt.

Lưu ý sau khi băm nhuyễn thịt, cá sống, nên đánh tan phần đạm này trong một ít nước lã trước khi bỏ vào nồi nấu chín thì thịt sẽ không bị vón cục lại. Phần rau củ cũng nên băm nhỏ để trẻ nhận được đủ chất dinh dưỡng và chỉ nên nấu rau một lần.

“Lạm dụng” máy xay sinh tố

Có nhiều trẻ 3-4 tuổi, răng mọc đầy đủ rồi mà vẫn còn phải ăn bằng máy xay sinh tố, vì cứ ăn lợn cợn là bị ói. Điều này thường xảy ra ở những đứa trẻ “con cưng” mà bà mẹ thì quá sợ việc trẻ nhợn ói.

Để tránh điều này, nên tập cho trẻ ăn những thức ăn phù hợp trong từng thời điểm của trẻ. Khi trẻ 6 tháng tuổi, tập ăn bột loãng rồi sệt dần, 7-8 tháng ăn cháo nhuyễn hoặc bột đặc, 12 tháng thì tập quen với cháo nấu còn hột và các thức ăn mềm như phở, bún, nui…, trẻ 2 tuổi mọc đủ răng hàm thì ăn cơm.

Mỗi khi chuyển tiếp chế độ ăn, những bữa đầu mới tập có thể trẻ sẽ nhợn ói, nhưng sau đó trẻ sẽ quen dần. Nên chuyển đổi dần dần để trẻ dễ thích nghi. “Cai máy xay sinh tố” bằng cách xay thô dần (thời gian xay ngắn lại), sau đó ăn cháo nấu đánh qua rây inox có lỗ hơi to, chuyển dần với cháo hột, cháo đặc, cơm nhão chan canh, rồi cơm hột…

Nêm vừa ăn

Trẻ nhỏ có cảm giác vị giác tốt hơn người lớn rất nhiều, vì con người càng lớn thì lưỡi càng bị “chai đi” và nhiều người già bị mất cả cảm giác này. Vì vậy khi nêm nếm thức ăn cho trẻ, cần nêm nhạt hơn “lưỡi” của bạn một chút. Nếu người mẹ nêm vừa miệng mình thì có lẽ là quá mặn hoặc quá ngọt so với trẻ.

theo meyeucon.org

7 lầm tưởng về sức khỏe bé bạn nên tránh

Khi trẻ bị ốm các bà mẹ thường dùng một số kinh nghiệm được truyền lại. Tuy nhiên, trong số những kinh nghiệm đó cũng có rất nhiều điều không đúng. Sau đây là một số sai lầm cần tránh.

1. Cho ăn khi bị cảm lạnh, để đói khi bị sốt

Sự thật: Tất cả trẻ bị ốm (cũng như người trưởng thành), cho dù bị cảm lạnh hay sốt đều cần có đầy đủ dinh dưỡng để hồi phục, Leigh Ann Greavu, một chuyên gia về dinh dưỡng ở St. Paul, Minnesota nói: 'Nếu trẻ không cảm thấy thích những món ăn rắn, hãy cho trẻ thử một chút súp gà, nước hoa quả và thậm chí kem cũng là thứ thay thế bổ ích'.

2. Dịch nhầy xanh chứng tỏ trẻ bị bệnh nặng hơn so với cảm lạnh thường

Sự thật: Không chỉ dịch nhầy trong, mà cả dịch nhầy xanh hay vàng cũng có thể là triệu chứng của cảm lạnh. Tuy nhiên, những dịch nhầy đổi màu này kèm thêm một cơn sốt kéo dài, ăn không ngon miệng, ho, hoặc tắc mũi có thể là dấu hiệu của nhiễm khuẩn, điều này không phải do cảm lạnh mà ra, và uống kháng sinh là điều cần thiết. Nếu bạn thấy trẻ thường có nước nhầy xanh hoặc vàng, đó có thể là một vấn đề gây ra do tái nhiễm khuẩn. Trong trường hợp đó, hãy để bác sỹ nhi khoa khám cho trẻ.

3. Cảm lạnh và cúm dễ lây nhiễm nhất trước khi xuất hiện triệu chứng

Sự thật: Cúm và cảm lạnh lây lan nhanh nhất khi các triệu chứng của nó trở nên tồi tệ nhất. Đó là vì việc lây lan thường xảy ra qua những lúc hắt xì và ho, hoặc qua tiếp xúc tay - tay. Khả năng bị lây hay truyền nhiễm cao nhất có thể khi là lúc trẻ yếu nhất, khả năng nhiễm bệnh là ngay khi virus xâm nhập vào cơ thể trẻ. Vì thế, ngay cả khi con bạn đã khỏi bệnh, hãy nên lưu ý những người khác để tránh những lần bị cảm khác.

4. Tốt nhất không nên điều trị những cơn sốt nhẹ

Sự thật: Nó tuỳ thuộc vào trẻ cảm thấy thế nào. Sốt là quá trình cơ thể đấu tranh với nhiễm trùng bằng việc kích hoạt hệ miễn dịch và tiêu diệt vi khuẩn, những loại không thể tồn tại trong nhiệt độ cao hơn bình thường. Nhưng đó không phải lý do để trẻ phải cảm thấy mệt mỏi. Hãy thử giúp trẻ cảm thấy thoải mái và để cơ thể trẻ tự điều chỉnh. Tiến sỹ y khoa Daniel Levy, giáo sư nhi khoa Đại học Marylan và Y tế, Baltimore nói: 'Nếu trẻ sốt nhẹ, nhưng hay cáu kỉnh, ngủ li bì hoặc bị đau, hãy cho trẻ uống một liều acetaminophen hoặc ibuprofen, những dược phẩm này sẽ giúp trẻ cảm thấy tốt hơn, và ngủ được. Nếu trẻ vẫn hoạt bát và vui vẻ cho dù nhiệt độ thân nhiệt có là 102 độ đi nữa, bạn chỉ cần để ý đến trẻ (hãy đảm bảo trẻ uống đủ nước). Ngoại trừ: bất kỳ cơn sốt nào ở trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi đều phải gọi bác sỹ ngay lập tức.

5. Chế độ ăn chuối, gạo, sốt táo và bánh mì nướng là cách tốt nhất dành cho bệnh tiêu chảy

Sự thật: Một khẩu phần ăn gồm chuối, gạo, sốt táo và bánh mì nướng thường là tiêu chuẩn ăn dành cho người bị tiêu chảy. Chúng có thể hữu ích, nhưng không phải lúc nào cũng hấp dẫn với trẻ bị ốm. 'Trẻ sẽ cảm thấy hồi phục nhanh hơn nếu chúng được cho ăn những gì chúng thực sự muốn ăn.', Andrea McCoy, Tiến sỹ y khoa, phó giáo sư nhi khoa đại học Temple tại Philadelphia, Pennsylvania nói: 'Chỉ cần tránh đồ ăn cay, có mỡ, và tránh nước hoa quả'.

6. Không hôn con trẻ nếu bạn bị cảm lạnh

Sự thật: Một chiếc hôn vào môi có thể không gây đau đớn, Neil Schachter, tiến sỹ y khoa, tác giả cuốn sách 'Hướng dẫn của bác sỹ cho cảm lạnh và cúm' đã nói: 'Không như một cái hắt xì hay một cơn ho, có thể mang theo chất lỏng chứa nhiều virus, nước miếng dính ở môi bạn mang rất ít virus cảm lạnh, và thật đáng ngạc nhiên là khó có thể mang mầm bệnh thông qua nụ hôn. Cách tốt nhất để tránh cho trẻ bị lây cảm lạnh là hãy rửa tay bạn thường xuyên'.

7. Cảm lạnh gây nhiễm trùng tai

Sự thật: Tất cả các bệnh cảm lạnh đều do virus, trong khi 90% ca nhiễm trùng tai là do vi khuẩn. Vậy thì tại sao trẻ thường bị viêm tai khi bị cảm lạnh? 'Cảm lạnh tạo ra dịch nhầy và chất dư sinh ra trong ống tai là một môi trường tốt cho viêm tai phát triển – thúc đẩy vi khuẩn phát triển', Ari Brown, tiến sỹ y khoa, đồng tác giả với cuốn sách 'Những câu trả lời rõ ràng và lời khuyên tốt nhất cho trẻ' cho biết.

Theo aFamily

U ác tính bằng quả cam ở đùi bé 2 tháng tuổi

Khoa Bỏng – Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM hôm 29/12 cho biết, khoa vừa phẫu thuật thành công cho một trẻ nhũ nhi có u máu ác tính hiếm gặp ở ngay đùi phải.

Chị Phan Thị Thuận, mẹ của bé Nguyễn Hữu Đ. (SN 17/10/2010, ở xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) cho biết, khi mới sinh ra bé đã có một cái bớt mỏng màu đỏ hơn, sần như vỏ cảm ở đùi phải với diện tích nhỏ 1x2x1 cm, đi khám các bác sĩ cho bé về nhà điều trị nội khoa và hẹn tháng sau tái khám.

Khối u máu của bệnh nhi Nguyễn Hữu Đ.trước phẫu thuật
Khối u máu của bệnh nhi Nguyễn Hữu Đ.trước phẫu thuật

Sau 2 tuần bôi thuốc, vết đỏ ở đùi cháu lan rộng và to lên khiến gia đình phải đưa cháu xuống Bệnh viện Nhi Đồng 2 khám. Tại đây, các bác sĩ cho biết, cháu phải nhập viện vì thiếu máu trầm trọng.

BS Nguyễn Quang Anh, khoa Bỏng - Chấn thương Chỉnh hình cho biết, khi nhập viện, khối u ở đùi phải của bé Đ. to rất nhanh, lan gần hết đùi phải, to như quả cam sành to (ảnh), hồng cầu và tiểu cầu giảm mạnh, giảm liên tục do khối u ác tính nên nó hút hết các hồng cầu, tiểu cầu gây ra tình trạng thiếu máu.

Ông cũng cho biết thêm, phẫu thuật bệnh nhi nhỏ tuổi và thiếu máu này cũng rất khó khăn và sợ nhất là bị đứt động mạch đùi nên các BS đã phải khéo léo tách từng phần của bướu máu qua động mạch đùi, ca phẫu thuật kéo dài hơn 3 tiếng, các phẫu thuật viên đã lấy toàn bộ khối mô bệnh lý.

Hiện sức khỏe bé đã ổn định và được chăm sóc rất tốt tại khoa Bỏng-Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM.

Hội chứng Kasabach-Merrit là sự kết hợp giữa bướu máu phát triển nhanh và tình trạng tiêu thụ tiểu cầu dữ dội khiến bệnh nhân dễ xuất huyết, có thể tháo khớp háng hoặc nguy hiểm đến tính mạng nếu không được chẩn đoán chính xác và can thiệp kịp thời.

Vết khâu sau phẫu thuật
Vết khâu sau phẫu thuậ


Những ca bệnh kỳ lạ nhất năm 2010

Cô bé 12 năm không thể khép mắt, người phụ nữ có trái tim bên phải, bà già mang khối u to như cái thúng... là những ca bệnh hiếm gặp khiến các bác sĩ cũng phải ngạc nhiên.

 

Cô bé 12 năm không thể khép mắt

Từ khi chào đời đến nay, đôi mắt của bé Thảo (thôn Kim Đôi, xã Quảng Thành, uyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) lúc nào cũng mở, kể cả khi ngủ. Thỉnh thoảng, ở đuôi mắt em còn rỉ ra những vệt máu.
Bé Thảo 12 năm không thể nhắm mắt. Ảnh: MT.

Càng lớn, mắt Thảo càng lồi ra, nhìn mờ đi. Hai bên tròng mắt của em không thể di chuyển khiến Thảo chẳng thể nhìn lên, nhìn xuống hay nhìn sang hai bên được. Đôi mắt không bao giờ chịu khép lại rất hay bị bụi bẩn rơi vào, khiến em càng nhức nhối. Không chỉ bị căn bệnh lạ ở mắt, Thảo còn mắc bệnh bướu tim. Dù vậy, đến tuổi đi học Thảo rất thích đến trường và học rất giỏi.

Thấy vậy, dù hoàn cảnh rất khó khăn nhưng gia đình em vẫn quyết tâm chữa bệnh cho con. Tuy nhiên, chữa trị nhiều lần tại cả Huế và Sài Gòn, tình trạng bệnh của bé Thảo vẫn chưa cải thiện. Các bác sĩ ở Bệnh viện Mắt trung ương cũng như ở khoa Tạo hình, Bệnh viện Việt Đức đều khẳng định, cơ hội chữa khỏi mắt cho bé Thảo rất ít. Thảo đang chuẩn bị thủ tục để sang Mỹ chữa mắt theo diện từ thiện.

Khối u to như cái thúng trong bụng bà già

Cuối tháng 3/2010, các bác sĩ khoa Ngoại phụ khoa, Bệnh viện K đã phẫu thuật lấy ra khối u buồng trứng nặng 19kg cùng với 2,5 lít dịch trong bụng của một phụ nữ 57 tuổi là bà Mai Thị Kết, ở xã Nga Hải, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa.

3 năm trước, bà Kết thấy bụng tức, ăn vào càng khó chịu nên đã đi khám ở Bệnh viện huyện và được chẩn đoán là u nang buồng trứng. Sau ca phẫu thuật lấy khối u, bụng bà vẫn ngày càng to và hay bị đau.

Năm 2008, bà Kết được đưa lên Bệnh viện K khám và cũng được chẩn đoán là có khối u buồng trứng khá to, hẹn khám lại. Tuy nhiên, phần vì kinh tế khó khăn, lại nghĩ bệnh mình đã ở giai đoạn cuối nên bà không đến viện nữa. Trong thời gian đó, bụng mỗi ngày một to khiến bà Kết khó thở, khó ngủ, việc đi lại của bà cũng rất vất vả.

Mãi tới đầu năm 2010 bà mới vào viện và được bác sĩ đặt lịch mổ. Sau ca mổ, bà Kết dần bình phục.

Người phụ nữ chứa 16 lít nước trong bụng

Bụng tức, phình to, chị Thủy, 42 tuổi (Quảng Trị) vào Bệnh viện Trung ương Huế khám và được chẩn đoán là bị xơ gan. Tuy nhiên, sau khi đặt thông tiểu, các bác sĩ đã lấy ra 10 lít nước ở bàng quang và 6 lít từ đường tiết niệu của chị Thủy.

Tiến sĩ Phạm Như Hiệp, Phó giám đốc Bệnh viện Trung Ương Huế cho biết, đây là một trường hợp rất hy hữu bởi bình thường, chỉ cần ở bàng quang có 0,3-0,5 lít nước là người ta đã không chịu nổi, phải đi tiểu ngay. Nếu lượng nước tích quá nhiều sẽ khiến bàng quang bị giãn và có thể bục.

Theo bác sĩ Hiệp, có thể do chị Thủy cố nhịn tiểu, đến khi lượng nước tích quá nhiều gây phản xạ thắt bàng quang lại, gây bí tiểu và lượng nước lại tích tụ thêm. Ngoài ra, cũng có thể bàng quang của chị có bệnh lý mà chưa phát hiện ra...

Bé sơ sinh nhỏ nhất Việt Nam

Chào đời ở tuần thứ 25 khi mới được hơn 500g, bé Bùi Thị Gái (Bùi Thị Xuân, Hải Dương) là em bé có cân nặng thấp nhất được nuôi sống từ trước tới nay tại Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương cũng như ở Việt Nam.
Bé Gái khi đang được điều trị tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ảnh: MT.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hà, Trưởng khoa sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết, khi vừa chào đời, bé Gái được chuyển ngay lên khoa Sơ sinh trong tình trạng rất yếu, hơi thở thoi thóp, tím tái toàn thân. Các bác sĩ đã điều trị cấp cứu và cho cháu thở máy.

Sinh ra khi còn rất non tháng nên hệ hô hấp của cháu bé rất yếu. Các bác sĩ phải đặt em nằm trong khu chăm sóc đặc biệt, có màng lọc không khí, hạn chế người ra vào, đảm bảo vô trùng tuyệt đối để tránh nguy cơ nhiễm trùng, viêm phổi...

Hiện sức khỏe bé gái đã ổn định và em được bố mẹ đón về nuôi tại nhà.

Cô gái 17 năm luôn phải đóng bỉm

Cô gái tên Linh ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa, mắc một di tật bẩm sinh vô cùng hiếm gặp, lỗ niệu quản sinh đôi. Một ống đổ vào bàng quang (đúng sinh lý), nhưng ống kia lại đổ thẳng vào âm đạo khiến nước tiểu rỉ ra vùng kín.

Lúc nhỏ, bố mẹ em nghĩ con bị són tiểu hay mắc chứng đái dầm. Gia đình cũng từng đưa em đi khám nhưng ở tuyến dưới không chẩn đoán được nên lại về.

Bác sĩ Kiều Đức Vinh, khoa Tiết niệu, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết, đây là một bệnh dị tật bẩm sinh hiếm gặp. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật thắt ống niệu quản đổ nước tiểu sai chỗ. Hiện tượng nước tiểu rỉ ra ở âm đạo được khắc phục. Sức khỏe Linh đã hoàn toàn bình thường.

Người phụ nữ có trái tim bên phải

Chị Nguyễn Thị Yến Mỹ, hiện sống tại thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, Quảng Nam, có trái tim nằm nhầm chỗ. Khi đi siêu âm thai, bác sĩ mới phát hiện tim chị nằm bên phải, phủ tạng đảo ngược hoàn toàn so với người bình thường.

Theo các bác sĩ, ở trong nước và trên thế giới, tình trạng phủ tạng đảo ngược như chị Mỹ rất hiếm gặp. Tuy phủ tạng đảo ngược nhưng chức năng hoạt động cũng không thay đổi, không ảnh hưởng gì nhiều đến sức khỏe, sinh hoạt của chị.

Ba đời khốn khổ vì bệnh 'say say'

Trong căn nhà 457/44 khóm Bình Đức 4, phường Bình Đức, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, người đàn ông đi như ngã gió, bước chân nọ xọ chân kia, mặt đỏ gay như say mèm. Anh là Trần Thanh Tưởng, mắc chứng bệnh "say say".

Chứng bệnh kỳ lạ này di truyền từ bà nội đến cha, rồi nay hành hạ bòn rút sinh lực anh Tưởng. Năm nay mới 32 tuổi nhưng anh Tưởng đang đếm từng ngày đến thời điểm mãi mãi phải ra đi.

Năm 25 tuổi, anh Tưởng đang ngồi đột ngột ngã xuống. Ban đầu anh nghĩ do làm việc mệt mỏi kiệt sức nên không quan tâm. Nhưng sau đó ngày càng ngã nhiều, tay chân yếu đi, lòng anh dậy nỗi kinh hoàng.

Theo lời anh kể, cả cha, cô rồi bây giờ đến lượt anh, đều có biểu hiện bệnh lúc nào cũng có cảm giác như tê tê, say say, thường xuyên ngã, sức khỏe yếu dần đến kiệt sức mà chết. Đến bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán bệnh có liên quan đến thần kinh và mang yếu tố di tuyền. Song do gia cảnh khó khăn nên hầu như mọi người trong gia đình chỉ đi khám qua loa rồi phó mặc cuộc đời cho số mệnh.