Theo trả lời của cơ quan y tế Pháp, sữa trẻ em Danlait được sản xuất bởi Liên hiệp sữa vùng Venise Verte, được liên minh châu Âu cấp giấy phép, chứ không phải từ Trung Quốc như lời đồn.
Trong bức thư gửi trả lời Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế Việt Nam, ông Jean Luc Angot – Trưởng Cơ quan điều phối Y tế Pháp nêu rõ: “Sữa dê dùng để sản xuất sữa trẻ em Danlait được thu hoạch và chế biến tại tỉnh Vendé bởi nhà máy thuộc Liên hiệp sữa vùng Venise Verte. Cơ sở này có giấy phép của Liên minh châu Âu đang còn hiệu lực, cho phép bán các sản phẩm của mình tại Pháp và khắp thị trường Liên minh châu Âu”.
Theo thư này, Công ty FIT của thành phố Rennes, đăng ký trong danh bạ với tư cách công ty bán buôn, kinh doanh liên doanh nghiệp các sản phẩm sữa, trứng, dầu ăn và các thực phẩm có chất béo. Do vậy, đó là một hoạt động thương mại không qua trung gian và không tác động gì tới các sản phẩm.
Như vậy, các sản phẩm Danlait được sản xuất bởi Liên hiệp sữa vùng Venise Verte, được vận chuyển trực tiếp sau quá trình sản xuất tại địa phương bởi tập đoàn FIT.
Ảnh: Ngọc Tuyên.
“Toàn bộ các thông tin này nằm trong giấy chứng nhận y tế có chữ ký của các đơn vị của tôi, đã được gửi kèm theo từng chuyến hàng tới các cơ quan chức năng Việt Nam. Tóm lại, mã số duy nhất FR 85-133-01 CE được in trên mỗi hộp sữa, xác nhận xuất xứ sản phẩm là từ Pháp, chứ không phải từ Trung Quốc như một số tin đồn ở Việt Nam”, ông Jean Luc Angot nhấn mạnh.
Cũng theo ông, nhà máy sữa này thường xuyên sản xuất sữa bột trẻ em từ sữa bò hoặc dê. Đó là những thực phẩm thuần túy và không phải là thực phẩm chức năng.
Về vấn đề tỷ lệ đạm trong sữa bột trẻ em có bắt buộc phải đạt 34% hay không, ông Lê Văn Giang, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia với các sản phẩm sữa dạng bột hiện hành, điều kiện hàm lượng đạm trong sữa ở mức 34%. Trong đó gồm sữa bột nguyên chất, sữa bột đã tách béo một phần và sữa bột gầy.
Những sữa đủ 34% độ đạm thì nó là nguyên chất, vì vậy trong đó có thành phần không dễ tiêu hóa cho nhiều người. Chẳng hạn như những người bị bệnh thận, bị bệnh gút thì không thể dùng sữa có độ đạm nhiều như vậy. Trẻ nhỏ cũng không thể sử dụng các sản phẩm sữa có độ đạm trên. Vì vậy, các nhà sản xuất phải giảm bớt thành phần đạm đi và bổ sung thêm những chất khoáng, vitamin tốt cho trẻ em như DHA, EPA, kẽm…, ông Giang cho biết.
Cũng theo ông, khi nhà sản xuất giảm độ đạm và bổ sung thêm các chất khác vào thì những sản phẩm đó áp theo quy định là thực phẩm bổ sung. Do vậy các sản phẩm dạng sữa bổ sung dinh dưỡng, sữa bột công thức dành cho trẻ em và nhiều đối tượng đặc biệt không thể áp dụng theo tiêu chuẩn 34% độ đạm.
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: “Về mặt khoa học, trong các loại sữa nguyên chất như sữa bò, hàm lượng đạm của chúng rất cao… Chúng ta cứ thử một phép tính. Con bò chỉ một năm thành bò trưởng thành, trong khi đó con người phải 18 năm mới trưởng thành. Sự trưởng thành của con người chậm là do lượng protein trong sữa thấp hơn so với con bò. Do đó con người không thể sử dụng sữa nguyên chất của con bò. Vì vậy các doanh nghiệp trong quá trình làm ra các sản phẩm từ sữa họ phải lược bớt thành phần đạm đi”.
Ông Dũng chiếu theo các tiêu chuẩn quốc tế, thành phần đạm trong các loại sữa công thức dành cho trẻ nhỏ hợp lý nằm trong khoảng 14-15%. Nếu trẻ nhỏ ăn sữa nhiều độ đạm cho phép sẽ dẫn tới tình trạng béo phì, có nhiều trường hợp còn bị suy dinh dưỡng.
“Nguyên nhân là trẻ nhỏ chưa thể tiêu hóa và hấp thụ được lượng đạm quá nhiều, dễ dẫn tới tình trạng rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy gây ra tình trạng suy dinh dưỡng. Có trẻ hấp thụ được thì lại gây ra tình trạng béo phì, thừa cân”, ông Dũng nhấn mạnh.
Mấy ngày qua, thông tin về sữa Danlait bị cơ quan chức năng thu giữ được dư luận quan tâm. Một trong những lý do khiến loại thực phẩm bổ sung này bị “tuýt còi”, theo một cán bộ quản lý thị trường, là do sản phẩm chỉ có độ đạm từ 11% đến 20%, trong khi theo quy chuẩn Việt Nam, sữa bột phải có hàm lượng đạm đạt từ 34% trở lên.
Việt Nam mới đây đã đưa ra quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm dinh dưỡng công thức với mục đích ăn bổ sung cho trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi, sẽ được áp dụng từ ngày 1/6 tới. Theo đó, hàm lượng đạm được quy định tối thiểu là 3g/100kcal và tối đa là 5,5g/100kcal (tương đương 18 -34%). |
(Theo Vnexpress)