Lưu trữ cho từ khóa: sơ cứu

Cách sơ cứu cho nạn nhân bị tai nạn giao thông

Có một tỷ lệ không nhỏ nạn nhân bị tai nạn giao thông tử vong do không được sơ cứu, hoặc sơ cứu không đúng cách và không được đưa đến cơ sở y tế kịp thời. Do đó chúng ta cần trang bị những kiến thức cơ bản về sơ cứu tai nạn rất thường gặp này.

Khi sơ cứu trong hầu hết trường hợp, việc đầu tiên là cần phải kiểm soát được đường hô hấp cho bệnh nhân, làm đường thở thông thoáng. Nếu đường thở bị tắc nghẽn do đất, cát, răng giả, đờm dãi… phải dùng tay móc ngay ra.

- Với người bị nhẹ (hoàn toàn tỉnh táo, không chảy máu, thậm chí đứng dậy được), cần cho nằm nghỉ ngơi, sau đó đến cơ sở y tế kiểm tra.

- Nếu nạn nhân bị chảy máu thì phải cầm máu tại chỗ bằng cách lấy ngón tay, nắm tay, khăn hay một cục bông đè mạnh vào vết thương. Đây là động tác rất đơn giản nhưng cầm máu hiệu quả.

- Với người có tổn thương chi như gãy xương, tay, chân, phải cố định chi gãy. Gãy chi trên thì lấy khăn làm máng treo tay, nếu là chi dưới thì phải nẹp rồi mới đưa đi bệnh viện.

- Với người bị nặng (trong tình trạng hôn mê), nên tiến hành sơ cứu theo 3 bước: Thông đường thở: làm bệnh nhân thở được (hà hơi, hồi sức); Kiểm tra tim, xoa bóp tim và lồng ngực nếu cần thiết: Chuyển ngay đến cơ sở y tế. Lưu ý, cần từ 2-3 người nhấc người bệnh lên chứ không bế xốc bổng hay bế gập người lại, đưa đến chỗ an toàn và gọi xe cứu thương đến hoặc chuyển ngay đến bệnh viện.

cach-so-cuu-cho-nan-nhan-bi-tai-nan-giao-thong

Đội tình nguyện sơ cấp cứu tại nạn giao thông ở Quảng Ninh thực hành băng bó vết thương cho người bị nạn. Ảnh: Hà Điểm

Cần tránh

- Không đặt người bị nạn nằm ngửa.

- Không lấy bỏ bất cứ một dị vật nào ở da đầu và xương sọ. Nếu bị vật gì nhọn đâm vào cơ thể, nhất là ngực, bụng, tuyệt đối không được rút vật nhọn đó ra, vì lúc này nó có tác dụng bịt mạch máu. Nếu rút ra, máu sẽ phun mạnh, nạn nhân mất máu nhiều, có thể bị tử vong.

- Không dùng tay nâng đầu lên cao làm gập cổ người bị nạn, có thể gây tổn thương cột sống cổ.

- Không di chuyển người bị nạn khỏi hiện trường khi chưa cố định.

- Không di chuyển người bị nạn bằng xe đạp, xe gắn máy vì có nhiều trường hợp gãy cột sống cổ do chở đi bị xóc đã tử vong trước khi vào viện do liệt hô hấp.

- Không đưa bất cứ một vật lạ, nước vào miệng người bị nạn, có thể gây tử vong do sặc, ngạt thở.

Bác sĩ Vũ Minh

Theo Suckhoedoisong.vn

Cách sơ cứu khi trẻ bị ngộ độc

Trẻ uống nhầm dầu hỏa, nước rửa bát, ăn phải rau có thuốc trừ sâu…những lúc như vậy mẹ cần biết cách xử lý.

Dạo quanh các trang báo mạng quen thuộc, tôi giật mình khi trang nào cũng đăng bài về ngộ độc xảy ra trong gia đình. Nơi thì ngộ độc vì chồng tưởng nhầm thuốc chống muỗi là bột canh nên đã tra vào nồi canh, nơi thì bé uống nhầm dầu luyn vì bố mẹ đựng trong chai nước ngọt. Hậu quả thật đáng tiếc, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe trước mắt mà còn có thể để lại di chứng lâu dài.

Điều đáng tiếc hơn cả là những chuyện này hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu người lớn chúng ta cẩn thận, hiểu biết. Là người đóng vai trò quan trọng nhất trong việc bảo vệ sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, tôi xin chia sẻ lên đây một số kinh nghiệm và kiến thức phòng tránh cũng như cách xử lý ngộ độc trong gia đình. Hi vọng những kinh nghiệm này sẽ hữu ích cho các mẹ, nhất là những mẹ có con nhỏ.

cach-so-cuu-khi-tre-bi-ngo-doc

Trẻ em rất dễ bị ngộ độc (Ảnh minh họa)

Phòng tránh ngộ độc thuốc

Công dụng của thuốc là giúp con khỏe lại những lúc con sốt, con ho. Tuy nhiên, nếu mẹ không biết bảo quản và cho con dùng đúng cách, thuốc rất dễ trở thành “con dao hai lưỡi” hại lại con. Để phòng tránh ngộ độc thuốc cho con, các mẹ nên làm theo những lời khuyên dưới đây.

Không “mò mẫm” pha hay cho con uống thuốc khi phòng tối om

Nửa đêm sờ thấy trán con nóng, mẹ vội vàng dậy lấy thuốc hạ sốt cho con uống nhưng không bật điện vì sợ cả nhà tỉnh giấc. Khi ấy, mẹ rất dễ lấy nhầm thuốc hoặc pha nhầm liều lượng cho con khiến con bị ngộ độc. Tốt nhất, mẹ nên bật điện sáng và thật cẩn thận khi cho con uống thuốc vào ban đêm.

Không gọi thuốc là kẹo

Theo phản xạ, cứ nói đến thuốc, bé nghĩ ngay đến vị đắng và không chịu uống. Rất nhiều mẹ đã dùng chiêu “dương đông kích tây”, nói dối thuốc là kẹo để bé chịu uống. Trước mắt mẹ có thể thở phào vì con đã chịu uống thuốc, tuy nhiên mẹ đã vô tình khiến con không biết phân biệt đâu là thuốc, đâu là kẹo. Rất có thể vô tình con thấy thuốc trong túi xách của mẹ mà tưởng đó là kẹo rồi ăn ngon lành.

Lưu trữ thuốc đúng cách

Thuốc trị cảm, ho, sốt là những loại thuốc phổ biến mà mẹ nào cũng trữ trong nhà đề phòng lúc đêm hôm cần dùng đến. Để tránh không cho con tự ý tiếp xúc với thuốc, mẹ cần cất kỹ thuốc trong tủ có khóa và đảm bảo tủ được treo cao trên tầm với của con.

Không chỉ thuốc, kể cả những loại dung dịch tưởng chừng vô hại như nước xúc miệng cũng có thể gây nguy hiểm cho con khi con uống với lượng lớn. Do đó, mẹ không nên chỉ vì ngại mở tủ ra hàng ngày mà để những loại dung dịch này ở bên ngoài.

cach-so-cuu-khi-tre-bi-ngo-doc

Thuốc – con dao hai lưỡi có thể khiến con bị ngộ độc (Ảnh minh họa)

Phòng tránh ngộ độc hóa chất tẩy rửa

Có thể nói so với ngộ độc thuốc thì ngộ độc hóa chất tẩy rửa còn nguy hiểm và xảy ra thường xuyên hơn gấp nhiều lần. Nhiều mẹ cứ nghĩ đóng kín cửa nhà tắm là có thể ngăn ngừa được các nguy cơ ngộ độc hóa chất tẩy rửa cho con. Tuy nhiên, những bé đã biết đi hoàn toàn có thể mở được cửa, thêm vào đó không phải lúc nào mẹ cũng để ý được 24/7 rằng cửa nhà tắm đã khóa. Để “triệt tiêu” nguy cơ ngộ độc này, ngoài việc khóa cửa nhà tắm, các mẹ nên đảm bảo những điều sau.

Để xa tầm tay trẻ em

Trên bất kỳ sản phẩm, hóa chất tẩy rửa nào mẹ cũng đều thấy ghi “Để xa tầm tay trẻ em”. Nếu đảm bảo được điều này, các mẹ đã giảm được phần lớn nguy cơ ngộ độc hóa chất cho con. Có rất nhiều cách mẹ có thể áp dụng để giúp con tránh xa những loại hóa chất này. Ví dụ, trong nhà tắm mẹ nên nhờ bố thiết kế cho một chiếc giá sắt treo tường để đựng toàn bộ những đồ như bột giặt, dầu gội, nước javen…

Vỏ nào ruột nấy

Khi san sẻ các loại hóa chất dạng lỏng, rất nhiều mẹ thường tận dụng những chai nước ngọt đã dùng trước đó. Điều này rất dễ khiến con “tưởng” những lọ hóa chất là đồ có thể uống và cho lên miệng tu ừng ực.

Trường hợp ngộ độc dầu luyn xảy ra với em bé 13 tháng tuổi ở Tuyên Quang chính là một ví dụ điển hình cho nguy cơ này. Tốt nhất, các mẹ không nên đổi vỏ các loại hóa chất, hoặc có đổi thì phải dán nhãn cẩn thận để người lớn trong nhà biết và để ở nơi trẻ không tiếp xúc được.

Cẩn trọng trong lúc sử dụng

Mặc dù đã rất cẩn thận trong việc lưu trữ nhưng chỉ vì một chút sơ sẩy lúc sử dụng, mẹ cũng có thể khiến con bị ngộ độc. Khi đang dùng hóa chất, các mẹ nên đưa con đến một phòng khác hoặc nhờ người trông giữ cẩn thận. Tránh tình trạng mẹ lau nhà ở tầng 3 lại để nguyên chai nước lau sàn ở chân giường tầng 2 trong khi bé đang chơi đùa ở đó.

cach-so-cuu-khi-tre-bi-ngo-doc

Luôn nhớ “Vỏ nào ruột nấy” các mẹ nhé! (Ảnh minh họa)

Phòng tránh những nguy cơ ngộc độc khác

Làm đẹp cho mẹ, ngộ độc cho con

Nước hoa, mỹ phẩm là những đồ mà mẹ nào cũng có. Tuy nhiên, các mẹ thường hay để mỹ phẩm ngay trên mặt bàn sau khi trang điểm với suy nghĩ dùng lần sau cho “tiện”. Tuy nhiên, chính cái “tiện” ấy lại vô tình khiến con bị ngộ độc.

Nhìn thấy lọ nước hoa hồng đẹp mắt, bé rất có thể cho lên miệng uống khi trong đầu nghĩ đến lọ siro ngọt lịm. Do đó, mỗi lần dùng xong, mẹ nên cất hết những đồ này vào ngăn kéo hoặc tủ có khóa.

Đồ chơi cũng gây ngộ độc

Hiện nay, khi đồ chơi Trung Quốc tràn ngập thị trường với nhiều kiểu dáng, loại hình khác nhau, việc chọn mua cho con những loại đồ chơi vừa giúp tăng cường trí tuệ, vừa bảo vệ sức khỏe khiến không ít mẹ đau đầu.

Với những đồ chơi được sơn màu, các mẹ nên cẩn thận bởi hầu hết các loại sơn trang trí hiện nay đều có hóa chất nhuộm màu độc hại chứa chì, rất có hại cho cơ thể trẻ nhỏ. Ngoài ra, mẹ tuyệt đối không nên mua những loại đồ chơi có chứa chất lỏng bên trong bởi khi bị vỡ, chất lỏng bên trong rất dễ bắn vào mắt, vào miệng con. Tóm lại, thay vì chọn các sản phẩm đồ chơi Trung Quốc, các mẹ nên quan tâm hơn đến những đồ chơi chất lượng và an toàn của Việt Nam.

cach-so-cuu-khi-tre-bi-ngo-doc

Hạt nở là một trong những loại đồ chơi nguy hiểm cho bé (Ảnh minh họa)

Cách xử trí khi con bị ngộ độc

Ngộ độc là điều mà không mẹ nào mong muốn xảy ra với con mình. Tuy nhiên, khi chuyện không may này xảy ra, sức khỏe và tính mạng của con phụ thuộc hoàn toàn vào sự nhanh nhẹn và hiểu biết của mẹ.

Khi thấy con có dấu hiệu ngộ độc, các mẹ cần gọi ngay người thân để cùng đưa bé đi cấp cứu, không cố cho bé nôn ra.

Nếu hóa chất dính vào da, mắt bé, mẹ nên rửa sạch với nước trong vòng ít nhất 15 phút sau đó đưa bé đi kiểm tra.

Nếu bé nuốt phải hóa chất, bạn nên cho bé uống nước hoặc sữa ngoại trừ trường hợp bé có các biểu hiện như nôn mửa, mất tỉnh táo, hôn mê.

Trong trường hợp bé bị ngộ độc hít phải hóa chất (ví dụ như khí CO từ bếp than tổ ong), mẹ nên đưa bé ra chỗ thoáng khí trong lúc chờ cấp cứu đến.

Ngoài những cách xử lý trên đây, mỗi mẹ cũng nên tự trang bị cho mình kiến thức về những kỹ thuật sơ cấp cứu cơ bản như kỹ thuật hồi sức tim phổi (CPR) và kỹ thuật đẩy bụng (Heimlich maneuver).

Trên đây là những chia sẻ của tôi về cách phòng ngừa cũng như xử lý ngộ độc xảy ra trong gia đình có con nhỏ. Chúc các bé khỏe mạnh, chúc các mẹ đuổi xa được những nguy cơ sức khỏe có thể xảy đến với tổ ấm của mình.

Theo Khampha.vn

Bỏng mắt và cách sơ cứu

Bỏng mắt là một tai nạn đặc biệt trong nhãn khoa do con người sơ xuất trong sinh hoạt hoặc khi đang làm việc dẫn đến: bỏng mỡ, bỏng lửa, bỏng hóa chất…

Trong nhiều trường hợp, do người bị nạn không được sơ cứu kịp thời dẫn đến các biến chứng ảnh hưởng đến thị lực của mắt hoặc hỏng mắt…Vì vậy, sơ cứu ngay khi bỏng mắt là việc làm rất cần thiết để đề phòng những biến chứng cho mắt sau này.

Với bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc có những kỹ năng cần thiết để sơ cứu khi khi bị bỏng mắt và những lưu ý đề phòng loại tai nạn nguy hiểm này.

Các tai nạn bỏng mắt thường gặp

+ Bỏng mắt trong khi chế biến thức ăn: do bị dầu, mỡ bắn vào mắt gây bỏng giác mạc.

+ Do sử dụng bếp gas không đúng cách (nhất là bình gas mini) hoặc tận dụng bình gas cũ đã gỉ có thể gây cháy nổ.

+ Do sử dụng bật lửa gas (để lửa quá to) dẫn đến bỏng mắt hoặc vô ý cầm điếu thuốc đang cháy gây bỏng cho trẻ nhỏ.

+ Do để lẫn lộn thuốc nhỏ mắt, dầu nóng….cùng một chỗ dẫn đến tra nhầm thuốc.

+ Do xà bông, các chất tẩy rửa khi đang tắm hoặc vệ sinh nhà bếp bắn vào mắt.

+ Do bị bỏng vôi, xi măng.

+ Do sơ xuất khi thực hiện các thí nghiệm phản ứng hóa học.

+ Do không đeo kính bảo hộ khi đang hàn, xì…

Cách sơ cứu khi bị bỏng mắt

Bỏng do hóa chất, dầu mỡ

+ Khi bị bỏng do hóa chất, dầu mỡ, việc đầu tiên cần làm là rửa mắt ngay bằng nước muối sinh lý NaCl 0,9% (hóa chất ở lâu trong mắt gây nhiều tổn thương cho mắt).

+ Nếu không có dung dịch rửa mắt thì dùng nước máy thông thường hoặc nước đun sôi để nguội để rửa mắt ít nhất trong 10 phút.

+ Cần cố gắng mở to mắt để hóa chất được đẩy ra ngoài. Nếu bỏng nặng, cần tiếp tục rửa cho đến khi bệnh nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Bỏng do nhiệt, hàn điện

+ Các trường hợp bỏng mắt do nhiệt, hàn điện người nhà cần băng mắt người bị nạn rồi chuyển đến chuyên khoa mắt gần nhất để xử lý.

+ Đối với trường hợp này do đặc tính riêng nên việc sơ cứu đơn thuần không thực hiện được, vì vậy người nhà tuyệt đối không tự ý sơ cứu theo chủ quan của mình.

Những lưu ý đề phòng bỏng mắt

+ Tuyên truyền rộng rãi cách tự sơ cứu khi bị bỏng mắt trước khi đến cơ sở y tế.

+ Trong các nhà máy, xí nghiệp, các phòng thí nghiệm sử dụng hóa chất, phải đeo kính bảo vệ mắt hoặc mang mặt nạ dày ở trong các lò đúc kim loại nóng chảy.

+ Có phương tiện cấp cứu đầy đủ để rửa mắt ở các xí nghiệp, nhà máy và gia đình.

so-cuu-bong-mat

Đeo kính bảo vệ mắt khi sử dụng hóa chất hoặc thực hiện các thí nghiệm về hóa chất.

+ Giữ các hóa chất độc hại xa trẻ em, phân tích cho trẻ thấy tác hại khi ném vôi vào nhau khi chơi đùa.

+ Không để lẫn lộn thuốc nhỏ mắt với các loại thuốc nước khác, trước khi nhỏ thuốc vào mắt phải xem nhãn thuốc cẩn thận, tránh nhầm lẫn.

+ Cẩn thận với lửa, dầu ăn khi chiên, xào.

+ Không nhìn trực tiếp vào mặt trời…

Lời kết

Bỏng mắt là tai nạn thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày. Có nhiều nguyên nhân gây bỏng mắt như bỏng do nhiệt, hóa chất, dầu, mỡ… Để bảo vệ mắt, tránh những hệ quả do bỏng mắt gây ra, người nhà hoặc bệnh nhân có thể sử dụng các biện pháp sơ cứu tạm thời cho mắt như dùng nước muối sinh lý NaCl 0,9% để rửa mắt càng sớm càng tốt để loại bỏ hóa chất, dầu mỡ… Trong trường hợp không có nước muối sinh lý, có thể sử dụng nước sôi để nguội hoặc nước máy để rửa mắt…

Ngoài ra, để tránh các tai nạn về bỏng mắt, người dân cần đeo kính bảo hộ khi hàn, xì hoặc thực hiện các thí nghiệm khoa học, giữ các hóa chất độc hại xa tầm tay của trẻ em, không để lẫn lộn thuốc nhỏ mắt với các loại thuốc khác, cẩn thận với lửa, dầu ăn khi chiên, xào…

Theo Benh.vn

Hướng dẫn cách sơ cứu các vết thương trên mặt

Có những hướng dẫn sơ cứu tuy đơn giản nhưng rất cần thiết để ổn định tình trạng cho người bệnh, đặc biệt là các vết thương trên mặt.

Dưới đây là cách xử lý một số vết thương trên mặt:

Vết thương ở mắt:

Mắt có cấu trúc mỏng manh, vì thế các thương tổn của mắt rất nghiêm trọng. Nếu xử trí không đúng, có thể dẫn đến tình trạng mù lòa.

Các nguyên nhân thông thường:

Các dị vật, hóa chất và bụi thổi vào hoặc bị ma sát với mắt có thể làm trầy xước bề mặt của mắt.

Các dấu hiệu và triệu chứng

- Thấy được dị vật trong mắt.

- Các dấu hiệu và triệu chứng khác bao gồm: đỏ mắt, cảm giác nóng rát, đau, nhức đầu và chảy nước mắt.

Cách sơ cứu vết thương mắt:

- Thật cẩn thận và nhẹ nhàng khi sờ chạm vào mắt.

- Rửa tay nếu có thể trước khi chăm sóc vết thương ở mắt.

huong-dan-cach-so-cuu-cac-vet-thuong-tren-mat

Nếu không thể làm trôi dị vật ra khỏi bề mặt của mắt hoặc mí mắt, hãy băng lỏng xung quanh cả hai mắt.

- Đối với các trường hợp bỏng hóa chất, hãy rửa sạch mắt bị tổn thương liên tục dưới vòi nước, hướng từ mũi ra phía ngoài.

- Nếu không thể làm trôi dị vật ra khỏi bề mặt của mắt hoặc mí mắt, hãy băng lỏng xung quanh cả hai mắt hoặc dùng băng vết thương băng lên hai mắt. Cần băng cả hai mắt lại vì sự chuyển động của một bên mắt ảnh hưởng đến bên mắt còn lại.

- Nếu bị một vật ghim vào hoặc nằm trong nhãn cầu, không nên cố lấy ra. Úp một ly giấy lên vết thương mắt. Sau đó băng hai mắt lại.

huong-dan-cach-so-cuu-cac-vet-thuong-tren-mat

Nếu bị một vật ghim vào hoặc nằm trong nhãn cầu, không nên cố lấy ra. Úp một ly giấy lên vết thương mắt. Sau đó băng hai mắt lại.

- Hãy trấn an nạn nhân vì nạn nhân sẽ sợ hãi khi bị băng hai mắt lại.

- Gọi điện nhờ trợ giúp y tế.

- Nếu nạn nhân bị bất tỉnh, hãy khép 2 mi mắt lại để giữ cho nhãn cầu (tròng mắt) tránh bị khô.

Vết thương mũi:

Các nguyên nhân gây chảy máu mũi bao gồm: tổn thương liên quan đến vùng đầu, cổ hoặc lưng, tình trạng tăng huyết áp vận động thể lực mạnh, cảm lạnh, thay đổi vĩ tuyến (độ cao) và các thay đổi về thời tiết.

Tình trạng chảy máu mũi (chảy máu cam) nghiêm trọng có thể làm nạn nhân sợ hãi.

Sơ cứu vết thương mũi:

- Nếu nghi ngờ đầu, cổ hoặc lưng bị chấn thương, đừng cố gắng cầm chảy máu mũi, vì điều này chỉ làm tăng thêm áp suất lên các thương tổn của mô mềm. Thay vào đó, giữ yên nạn nhân như khi bạn phát hiện và cố định đầu và cổ nạn nhân.

- Nếu không nghi ngờ có chấn thương ở đầu cổ hoặc lưng, hãy cố gắng cầm máu. Giúp nạn nhân ngồi xuống và hơi cúi đầu về phía trước, cằm hướng về phía lồng ngực. Sau đó kẹp kín mũi lại.

Các vấn đề về mũi và tai:

Trẻ con thường nhét đồ vật vào tai và mũi. Bạn có thể cố gắng làm côn trùng nổi lên, đẩy chúng ra khỏi tai bằng nước ấm. Nếu dị vật không di chuyển, đừng cố đẩy nó lên, hãy đưa trẻ đi bác sĩ khám. Và không bao giờ dùng các dụng cụ sắc nhọn cố gắp dị vật ra khỏi tai hoặc mũi.

Trong trường hợp thủng màng nhĩ, cần băng nhẹ tai lại nhằm tránh nhiễm trùng. Tránh bơi lội hoặc chơi các môn thể thao dưới nước cho đến khi màng nhĩ lành.

Một số sai lầm của các phụ huynh khi xử lý chảy máu cam cho trẻ là hay bảo trẻ ngửa mặt lên trần nhà để máu đừng chảy ra nhiều, nhét bông gòn hay khăn giấy vào mũi… Cách đúng là đừng ngửa mặt lên, cứ để máu chảy ra tự nhiên rồi sẽ tự ngưng (thông thường đối với trường hợp chảy máu cam thì máu sẽ không chảy nhiều lắm). Vì khi ngửa mặt lên thì máu sẽ chảy xuống bụng… nếu trẻ không tiêu được thì sẽ nôn ói ra máu, lúc này thì bác sĩ thăm khám sẽ gặp khó khăn vì khó xác định nguyên nhân là do chảy máu cam hay xuất huyết bên trong vùng bụng (!) và có thể sẽ cần đến nội soi để tìm nguyên nhân chính xác. Như vậy sẽ làm việc chẩn đoán của bác sĩ thêm phức tạp.

ThS.BS. Nguyễn Thế Sơn

Theo Afamily.vn

Cách phát hiện bị trật khớp và xử lý thế nào?

Tôi bị ngã xe, chống tay xuống đất nên bị đau ở cổ tay và ngón tay cái bên phải. Tôi lo lắng sợ bị trật khớp. Xin hỏi bác sĩ, cách phát hiện bị trật khớp và xử lý thế nào?

Nguyễn Thị Tin ([email protected]
/* */
)

cach-phat-hien-bi-trat-khop-va-xu-ly-the-nao

Ảnh minh họa – Internet

Trật khớp là tổn thương làm cho đầu xương bị đẩy lệch khỏi vị trí bình thường trong ổ khớp. Bệnh thường xảy ra sau một chấn thương như ngã hay vận động mạnh, đột ngột. Trật khớp thường gặp ở khớp háng, khớp gối, khớp khuỷu, khớp vai, hay các khớp nhỏ như khớp ngón chân, ngón tay. Phát hiện trật khớp dựa vào các triệu chứng: sưng, đau, phù nề tại khớp, khó hoặc không thể cử động được khớp, biến dạng khớp.

Cách xử lý khi bị trật khớp: Không nên cố gắng cử động khớp, vì có thể gây tổn thương khớp và phần mềm, các dây chằng, mạch máu, thần kinh của khớp. Dùng nẹp hay băng cố định tạm thời khớp bị trật ở tư thế hiện tại. Cách thông dụng nhất là nếu trật khớp tay có thể cố định bằng cách cột tay vào thân người; trật khớp ở chân thì có thể cột hai chân lại với nhau, dùng chân lành làm nẹp cố định cho chân bị thương. Không nên cố gắng nắn khớp. Có thể dùng đá lạnh chườm lên  vùng khớp tổn thương trong 10 – 15 phút để làm giảm phù nề quanh khớp tổn thương. Chuyển người bị thương đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị.

BS. Nguyễn Minh Hạnh

Theo Suckhoedoisong.vn

Cách xử trí khi bị xước giác mạc

Giác mạc mỏng là phần dễ bị tổn thương nhất ở vùng mắt. Chỉ cần tiếp xúc với bụi, đất, cát thậm chí mép một tờ giấy có thể gây trầy xước hoặc rách giác mạc. Trong một số trường hợp xước giác mạc bị nhiễm khuẩn và gây ra loét giác mạc rất nghiêm trọng nếu không sơ cứu, cấp cứu kịp thời.

Giác mạc có thể bị xước ngay trong các hoạt động thường nhật hàng ngày. Ví dụ như chơi thể thao, sửa chữa trong nhà, đi đường hay vô tình quờ tay vào giác mạc. Đôi khi giác mạc cũng bị tổn thương do hóa chất, chất tẩy rửa dùng trong gia đình bắn vào mắt…

cach-xu-tri-khi-bi-xuoc-giac-mac

Tránh dụi mắt sau khi bị chấn thương vì có thể làm nặng thêm tình trạng xước giác mạc.

Khi giác mạc bị trầy xước, nạn nhân cảm thấy như có cát trong mắt, nước mắt chảy, nhìn mờ, tăng sự nhạy cảm hoặc đỏ quanh mắt, đau nhức nhiều ở mắt, sợ ánh sáng. Khám giác mạc có thể phát hiện dị vật.

Xử trí đúng cách sau khi bị xước giác mạc

Sau khi bị xước giác mạc, cần nhanh chóng lấy nước sạch hoặc nước muối sinh lý đổ đầy cốc hoặc một chiếc ly sạch, nhỏ. Đặt rìa mép cốc tì vào xương nền hốc mắt. Sau đó chớp chớp mắt nhiều lần vào nước để dị vật trôi ra theo làn nước.

Nếu bị nạn ở nơi làm việc không có đầy đủ nước muối thì để cho vòi nước ấm chảy qua mắt hoặc bắn nước vào mắt. Rửa mắt có thể làm trôi đi dị vật gây khó chịu.

Thực hiện chớp mắt nhiều lần trong làn nước và cả bên ngoài. Động tác này có thể loại bỏ những hạt bụi hoặc cát nhỏ.

Kéo mi mắt trên qua mi mắt dưới. Lông mi của mi mắt dưới có thể chải đi dị vật nằm ở bề mặt trong của mi mắt trên

Tuyệt đối tránh dụi mắt sau khi bị thương. Tránh đụng chạm hoặc ấn vào mắt có thể làm xước giác mạc nặng thêm.

Nếu sau khi sơ cứu mắt đã đỡ cộm, đau thì tra ngay thuốc mỡ dành cho mắt sau đó băng kín mắt lại. Mục đích của việc dùng kháng sinh mỡ để làm liền vết xước giác mạc, thuốc không bị trôi đi. Nếu bị xước nhẹ, chỉ băng một đêm, sáng hôm sau mắt đã dễ chịu hơn.

Tuy nhiên nếu tra thuốc mỡ, băng mắt lại mà không thấy dịu hơn, mắt vẫn khó mở, đau xót, chảy nước mắt giàn giụa, sợ sáng, đau chói thì phải đến viện khám. Vì khi đó, thương tổn có thể không chỉ đơn giản là xước giác mạc mà còn có chấn thương sâu, nặng hơn.

Bác sĩ Kim Thanh

Theo Suckhoedoisong.vn

Có nên ga rô khi bị rắn cắn?

Tôi nghe nói khi bị rắn cắn thì phải ga rô chỗ rắn cắn lại để đề phòng nọc độc chạy vào tim nhưng có người lại bảo không nên làm như vậy. Xin quý báo tư vấn giúp.

Ngô Thị Ngọc (Gia Lai)

co-nen-ga-ro-khi-bi-ran-can

Khi bị rắn cắn, tuyệt đối không nên ga rô phía trên vết thương vì có thể gây hoại tử chi. Ngoài ra, bạn không nên rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc ra vì không hiệu quả mà gây chảy máu, nhiễm trùng và tăng hấp thu nọc độc.

Khi bị rắn độc cắn hoặc nghi ngờ rắn độc cắn, bạn cần thực hiện các biện pháp sơ cứu đúng cách:

- Cho nạn nhân nằm yên, bất động, trấn an họ.

- Đặt nơi bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc.

- Rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước.

- Phủ lên vết cắn bằng gạc mát để giảm đau, sưng.

- Nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để xác định loại rắn cắn và chích huyết thanh kháng nọc phù hợp.

Bác sĩ Đinh Minh

Theo Suckhoedoisong.vn

Cách sơ cứu khi có dấu hiệu đột quỵ

Mặc dù cơn đột quỵ thường xảy ra đột ngột với rất ít triệu chứng nhưng không có nghĩa là hoàn toàn không có dấu hiệu cảnh báo nào. Sau đây là những dấu hiệu cảnh báo bạn cần quan tâm:

cach-so-cuu-khi-co-dau-hieu-dot-quy

Mất thăng bằng

Yếu một tay, một chân hoặc cả tay và chân cùng bên làm người bệnh đi khó khăn, mất thăng bằng, ngã khuỵu. Rối loạn cảm giác kiểu kiến bò hoặc tê cứng một bên cơ thể.

Sơ cứu cần thiết: Đỡ người bệnh để tránh bị ngã, cho nằm hoặc ngồi ở chỗ thoáng mát, có không khí, rồi nhanh chóng đưa đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám.

Yếu một bên cơ mặt, miệng méo

Lúc này, bệnh nhân sẽ cảm thấy nói khó khăn hoặc hoàn toàn không nói được.

Sơ cứu cần thiết: Hãy cho người bệnh nói lại một câu đơn giản, nếu họ không thể nhắc lại tức là đột quỵ đã trở nên trầm trọng có thể dẫn đến méo mồm, liệt nửa người nên cần đưa đến viện ngay.

Nhìn khó khăn

Mắt mờ, mù một bên, thậm chí cả hai mắt hoặc nhìn thấy hình đôi.

Sơ cứu cần thiết: Không tự ý cho uống hoặc nhỏ các loại thuốc mắt thông dụng vì nó có thể làm tình trạng bệnh nguy hiểm hơn. Cách tốt nhất là nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện.

Nhức đầu dữ dội

Hoặc nhức đầu dị thường kèm theo cứng cổ, nôn.

Sơ cứu cần thiết: Để người bệnh nằm xuống chỗ thoáng, nghiêng qua một bên nếu nôn ói, móc hết đàm nhớt cho bệnh nhân dễ thở rồi nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

Mất ý thức

Người bệnh sững sờ, không biết gì, khó đánh thức hoặc hôn mê đột ngột.

Sơ cứu cần thiết: Triệu chứng này cho thấy cơn đột quỵ rất nguy hiểm và việc duy nhất bạn cần làm là đưa người bệnh đến bệnh viện càng sớm càng tốt vì cấp cứu trước 2 giờ, tối thiểu trước 6 giờ thì khả năng cứu sống cao và ít để lại di chứng.

Theo Suckhoegiadinh.com.vn

Các bước sơ cứu khi gặp nạn nhân bị sốc phản vệ

Adrenaline (epinephrine) là thuốc thường dùng nhất để điều trị phản vệ. Thuốc thường được tiêm ngay khi xảy ra phản ứng.

Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể tiến hành hồi sức tim phổi, tiêm kháng histamin và cortison đường tĩnh mạch để giảm viêm đường hô hấp và làm bệnh nhân dễ thở hơn.

cac-buoc-so-cuu-khi-gap-nan-nhan-bi-soc-phan-ve

Ảnh minh họa – Internet

Các bước sơ cứu khi gặp nạn nhân bị sốc phản vệ

- Gọi cấp cứu ngay.

- Kiểm tra xem người bệnh có mang theo thuốc điều trị không. Nếu có hãy dùng thuốc cho bệnh nhân.

- Đặt bệnh nhân nằm ngửa. Kê chân cao hơn đầu để giúp cho máu chảy về  não giúp phòng ngừa choáng ngất. Giữ cho bệnh nhân không cử động nếu không cần thiết.

- Giữ cho bệnh nhân ấm và thoải mái. Nới lỏng quần áo và đắp chăn mỏng cho bệnh nhân. Không nên cho bệnh nhân uống bất kỳ thứ gì.

- Nếu bệnh nhân bị nôn hoặc chảy máu từ miệng, đặt bệnh nhân nằm nghiêng để đề phòng sặc.

- Nếu bệnh nhân không thở hoặc không bắt được mạch, tiến hành hô hấp nhân tạo.

Phòng bệnh

- Báo cho bác sĩ biết về tình trạng dị ứng của mình trước khi điều trị.

- Nếu bị dị ứng khi bị côn trùng đốt, cần thận trọng khi ở gần nơi có  côn trùng. Mặc quần áo dài tay, tránh những màu sắc sặc sỡ hoặc mùi nước hoa có thể thu hút côn trùng.

- Nếu bị dị ứng thực phẩm,  cần đọc kỹ nhãn về các thành phần có trong thực phẩm. Khi đi ăn ở ngoài, cần hỏi rõ về thành phần và cách chế biến món ăn.

Theo Suckhoe.24h.com.vn

Cách nhận biết và sơ cứu người bị đột quỵ thế nào?

Xin bác sỹ cho biết cách nhận biết người bị đột quỵ và cách sơ cứu ban đầu như thế nào? – (Nguyễn Minh Hằng, Long Biên, Hà Nội)

cach-nhan-biet-va-so-cuu-nguoi-bi-dot-quy-the-nao

Ảnh minh họa – Internet

Chào bạn!

Triệu chứng báo trước của đột quỵ thường biểu hiện như sau:

- Thấy choáng váng, đau đầu, chóng mặt

- Tự nhiên bị mờ hoặc mù đột ngột một hoặc cả 2 mắt.

- Nói ngọng, nói khó

- Méo miệng

- Tê, yếu một chân, một tay hoặc một nửa người

Khi phát hiện ra bị bệnh bạn nên dùng các cách sơ cứu ban đầu như sau:

- Không được đánh, cạo gió và cho uống bất cứ loại thuốc nào

- Cho bệnh nhân nằm cao đầu, quay mặt về một bên để tránh chất nôn trào ngược

- Nếu ngừng thở hoặc ngừng tim thì phải ép tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo.

- Nhanh chóng gọi cấp cứu để đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất.

PGS, TS Nguyễn Minh Hiện

Theo Kienthuc.net.vn