Lưu trữ cho từ khóa: sinh tân dịch

Thanh nhiệt, trừ phong nhiệt độc từ khế

Theo Ðông y, quả khế vị chua ngọt, tính bình, tươi hơi mát có tác dụng sinh tân dịch giải khát, lợi tiểu, trị phong nhiệt giải độc.

Cây khế tên chữ Hán là ngũ liễu tử, ngũ lăng tử. Theo Ðông y, quả khế vị chua ngọt, tính bình, tươi hơi mát, chín thì ôn có tác dụng sinh tân dịch giải khát, lợi tiểu, trị phong nhiệt giải độc. Trong dân gian khế được dùng chữa một số chứng bệnh như sau:


Dị ứng do tiếp xúc sơn ta: Khế thái miếng hoặc dùng lá vò đắp xát trực tiếp lên da tổn thương hoặc uống. Thường chọn lá khế tươi già, lấy nước cốt uống, quả để rửa vết thương lở loét.

Nước ăn chân: quả khế chín lùi trong tro nóng áp lên chỗ tổn thương.

Bí đái: lấy một quả khế, một củ tỏi giã nhuyễn đắp lên rốn.

Cảm cúm: sốt, đau mình, hắt hơi sổ mũi, ho, dùng ba quả khế nướng vắt nước cốt hòa 50 ml rượu để uống.

Phong nhiệt mẩn ngứa mề đay: Vỏ cây khế cạo bỏ lớp ngoài sắc uống.

Trẻ em bị sởi: Thúc sởi mọc bằng cách lấy lá và vỏ nước nấu cho trẻ tắm.

Ðái dắt, đái buốt, đái ra máu do viêm bàng quang, âm đạo: Lá cây khế 100g, rễ cỏ tranh 40g, sắc uống một tháng.

Viêm họng: Lá khế 40g, thêm vài hạt muối giã nhỏ, vắt nước cốt ngậm.

Cảm nắng, sốt, khát nước, nhức đầu: 100g lá khế tươi, 40g lá chanh, giã vắt lấy nước uống hoặc quả khế tươi nướng qua vắt lấy nước uống.

Ho khan hoặc có đờm: Hoa khế, tẩm nước gừng sao qua lửa, sắc lấy nước uống, có thể thêm cam thảo nam.

Sơ cứu ngộ độc mã tiền: Ép quả khế lấy nước uống thật nhiều. Tuy nhiên cần thận trọng vì mã tiền rất độc có thể dẫn đến tử vong, vì thế nên đưa người bệnh đi bệnh viện ngay sau khi sơ cứu.

Ðặc biệt khế có thể dùng để thanh nhiệt, giải độc khi bị nhiễm phóng xạ và hóa chất, khi điều trị ung thư bằng cách rửa sạch khế gói trong vải khô vắt lấy nước, thêm nước đường nấu sôi. Sau đó cho thêm táo tây gọt vỏ thái miếng, cùng chuối, cam múi, nho thái nhỏ, nấu sôi cho bột rồi múc ra bát uống.

Meo.vn (Theo Nhandan)

Trị bệnh đường hô hấp mùa lạnh

Thời tiết lạnh, nếu việc phòng chống không chu đáo, các bệnh của đường hô hấp gia tăng, triệu chứng chung thường gặp là: Đau họng sưng họng, khô họng, hơi thở nóng, chảy nước mũi, ngứa mũi, ngứa họng, hắt hơi, nhiều khi bị tịt mũi gây khó thở. Đặc biệt bệnh nhân có đờm nhiều, khó thở, các cơ ở ngực bị co kéo, tiếng thở nghe khò khè…  Bệnh nhân không sốt hoặc sốt nhẹ, da khô ớn lạnh, mệt mỏi. Để điều trị Đông y có nhiều phương thuốc thích ứng cho từng  thể lâm sàng

Mơ ngâm muối.

Khô họng, đau họng, hơi thở nóng, da khô, cơ thể ớn lạnh, ngứa trong mũi kèm theo những tiếng hắt hơi…

Bài thuốc: ngân hoa 10g, liên kiều 12g, kinh giới 12g, xuyên khung 12g, bạch chỉ 10g, tế tân 10g, thiên niên kiện 10g, đương quy 12g, cát cánh 12g, phòng sâm 12g, tía tô 12g, xa tiền 10g, cam thảo 12g. Cho các vị vào ấm, đổ nước 900ml, sắc còn 300ml, chia 3 lần uống trong ngày (uống nóng).

Trong khi dùng thuốc uống, kết hợp cho bệnh nhân dùng món cháo như sau: Gạo tẻ 100g, đậu xanh 50g, gia vị: hành hoa, lá tía tô, gừng tươi, chanh ớt, nước mắm, mì chính… Gạo tẻ và đậu xanh nấu thành cháo, hành hoa và lá tía tô rửa sạch thái ngắn, gừng 2 lát giã nhỏ, khi nấu cháo chín kỹ cho gia vị vào trộn đều ăn nóng. Tác dụng: chống viêm giải biểu, trừ phong hàn, thông phế khí.

Viêm họng, ho nặng tiếng, cơ thể mỏi mệt, nhiều đờm, khám họng: niêm mạc, có biểu hiện huyết

Bài thuốc:

Bài 1: Xuyên khung 10g, bạch chỉ 10g, xương bồ 16g, xạ can 12g, huyền sâm 12g, ngân hoa 12g, liên kiều 12g, kinh giới 16g, hoàng kì 12g, mơ muối 12g, cát cánh 12g, cam thảo 12g, lá đinh lăng 20g. Đổ nước 900ml, sắc còn 300ml, chia 2-3 lần uống trong ngày. Công dụng: Chống viêm, giảm ho, tiêu đờm.

Bài 2: Phòng sâm 12g, bạch linh 10g, bạch truật 12g, cát cánh 12g, mạch môn 12g, kinh giới 16g, trần bì 12g, bán hạ chế 10g, hậu phác 12g, biển đậu (sao) 12g,  quy 12g, ngũ vị 12g, bạch thược 12g, đại táo 12g, cam thảo 12g, xương bồ 16g, tang diệp 16g. Đổ 900ml, sắc lấy 300ml, chia 2-3 lần uống trong ngày. Công dụng: Chống viêm, bổ phế, hạ khí, tiêu đờm.

Ho khan, ho liên tục, phế nhiệt, miệng khô họng ráo, rát họng

Bài thuốc:

Bài 1: Đan bì 10g, chi tử 10g, hoài sơn 12g, sơn thù 10g, mạch môn 16g, bạch thược 12g, thục địa 12g, cát cánh 16g, khiếm thực 12g, tang bạch bì 16g, rau má 20g, cam thảo 12g, lá xương sông 16g. Sắc uống ngày 1 thang. Công dụng: Bổ âm, bổ phế, sinh tân, chi khái.

Bài 2: Lá đinh lăng 20g, rau má 20g, mã đề thảo 20g, lá giấp cá 20g, bạch thược 12g, trần bì 12g, ngũ vị 12g, cát cánh 12g, thục địa 12g, trạch tả 12g, sơn thù 12g, hoài sơn 12g, cam thảo 12g, mơ muối 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Công dụng: Bổ phế âm, sinh tân dịch – thanh phế nhiệt.

Lương y Trịnh Văn Sỹ

Khi môi trường ô nhiễm – Ăn gì để phòng bệnh?

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mớiMộc nhĩ đen: Do có chứa nhiều loại men và những chất kiềm thực vật nên mộc nhĩ có thể tác động lên dị vật thâm nhập vào cơ thể gây bệnh, đặc biệt là ở bộ máy hô hấp (viêm mũi, họng, phế quản phổi) và bệnh tim mạch cho những người sống và lao động trong môi trường bụi (công trường xây dựng, mỏ than, nhà máy gạch, dệt bông vải sợi, len, thảm...).

Mộc nhĩ là món ăn đứng đầu bảng đã được các dân tộc phương Đông dùng từ lâu đời cho người dân vùng mỏ. Mộc nhĩ là món ăn thông dụng rẻ tiền cần được phổ biến công dụng phòng chống bụi gây bệnh. Mộc nhĩ có thể dùng được nhiều cách như xào, nấu thức ăn, cháo, chè, nhân bánh, giò xào...

Tuyết canh thang: Dùng 30g sứa, 150g mã thầy tươi. Nấu chín với nước. Có tác dụng đối với môi trường bụi gây khô, rát ngứa, họng, viêm họng, ho có đờm vàng.

Canh bách hợp, đảng sâm, phổi lợn: Phổi lợn bách hợp 15g, đảng sâm 20g. Nấu nhừ ăn chữa chứng ho ở người làm việc môi trường bụi bị chứng đoản hơi, chóng mệt, suy nhược.

Phòng chống độc do hóa chất

- Do chì: Chì có trong các ngành sơn, trang trí trong gốm sứ, trước đây có xăng pha chì, tác chế ắc quy...

Tỏi: Hằng ngày nên ăn mỗi bữa vài tép tỏi tái hoặc sống. Nên dùng tỏi giã nhuyễn ăn tươi, bảo quản tỏi để ăn hằng ngày cả tép hoặc thái lát ngâm trong giấm. Để khỏi mùi thì sau khi ăn xong, ăn kẹo hoặc nhai ít nhánh chè khô.

Rau quả: Do có nhiều sinh tố C như cam, chanh, quýt, bưởi...

Thức ăn động vật: Thịt, trứng, cá chuyển hóa chì thành photphat 3 dễ hòa tan để bài tiết ra ngoài.

Sữa bò: Protein của sữa kết hợp với chì thành chất không tan, hạn chế hấp thụ chì. Ngoài ra canxi có trong sữa ngăn cản chì vào xương để bài tiết ra ngoài.

Các thứ khác: Hải đới, mã thầy, cải các loại nhất là bắp cải, đậu các loại nhất là đậu xanh.

- Do benzen: Xăng chạy máy sau khi bỏ chì thì lại có benzen cũng là chất độc hại đối với ai tiếp xúc với xăng, sơn, chất dẻo, cao su, mực màu.

Đậu xanh 60g, táo đỏ (bỏ hột) 20g, cam thảo sống 6g (bọc trong vải). Nấu nhừ đậu táo rồi cho cam thảo vào ăn cả nước lẫn cái.

Hạt sen 20g, ý dĩ 20g, mật mía 50g. Nấu cô thành cao. Mỗi lần ăn lấy ra một thìa cà phê, pha nước uống.

Táo đỏ 30g, tri mẫu 10g, đun sôi uống hằng ngày.

Sâm 1,5g, táo đỏ 10g (bỏ hột), đun sôi nhừ ăn cả nước lẫn cái.

- Do thủy ngân: Đã có cảnh báo tình hình ô nhiễm thủy ngân đặc biệt ở những nơi đãi vàng. Công nhân trực tiếp sử dụng bị nhiễm. Ngoài ra thủy ngân còn có thể ô nhiễm ở những nơi như sản xuất pin, thuốc nhuộm, giấy gỗ, thuốc diệt nấm, thuốc trong nha khoa.

Thức ăn cho đối tượng này là các thực vật có nhiều pectin (chất keo) như cà rốt, cùi trong các loại quả như bưởi, quýt, cam, chanh...

Phòng chống phóng xạ

Thường phóng xạ gây nhiễm cho những người làm việc trong môi trường có bức xạ như nhà máy năng lượng hạt nhân, các phòng chiếu tia xạ trị, phòng chiếu chụp Xquang, làm việc với các máy phôtô...

Rong biển là chất kỵ các phóng xạ. Giúp cơ thể bài tiết ra ngoài. Ngoài ra còn có các loại rau củ như cải bắp, cà rốt. Uống nước trà xanh (trà tươi) hằng ngày.

Tác hại của xạ trị: Nếu rụng tóc, dùng hoa cải giã nhuyễn vắt nước nấu sôi thêm đường mía để uống. Ngoài ra đối tượng này còn được chỉ định dùng mật ong hằng ngày để bù lượng glucô bị giảm.

Đông y thường dùng các thuốc bổ âm, sinh tân dịch như rùa, ba ba, lươn, lê, mộc nhĩ.

Phòng chống tác hại của tiếng ồn

Dùng các chất bổ dưỡng như trứng, sữa, đậu, rau quả tươi. Lưu ý dùng những thứ có nhiều vitamin B1, magiê.

Thực phẩm phòng chống độc hại

Trong Đông y thường dùng một số thức ăn để phòng chống độc chưa được xếp vào nhóm đặc hiệu.

Đậu xanh: Theo kinh nghiệm dân gian đậu xanh giải độc tất cả các độc tố thâm nhập vào cơ thể. Mùa hè là mùa ô nhiễm nặng, nếu ăn cháo, canh nước, chè đậu xanh là rất thích hợp. Đậu xanh thường được dùng chữa ngộ độc thạch tín.

Cam thảo: Đó là vị thuốc quen biết cũng hay dùng làm thức ăn, uống. Nó còn có tác dụng giải những độc tố.

Dùng cam thảo bọc trong túi vải nấu với đậu nành nấu cho nhừ có thể thêm gia vị rồi ăn.

Không nên lạm dụng cam thảo, uống thường xuyên hằng ngày lâu dài vì có thể gây tình trạng phù do bị giữ nước và có thể bị suy giảm tình dục.

Chất kiềm: Chất kiềm có trong rau quả. Ngoài tác dụng dinh dưỡng chúng còn có tác dụng làm sạch môi trường bên trong cơ thể. Chúng giữ độ kiềm trong máu sẽ phân giải chất độc rồi bài tiết ra ngoài để giữ nội môi được trong sạch vô hại.

(Sức khoẻ và Đời sống)