Lưu trữ cho từ khóa: sinh non

Phụ nữ mang thai bị viêm lợi có nguy cơ sinh non

Nghiên cứu mới đây về mối liên quan giữa việc phụ nữ bị mắc bệnh viêm lợi với sức khỏe của thai nhi của các nhà khoa học thuộc Hiệp hội sức khỏe răng miệng Mỹ, vừa chỉ ra rằng: căn bệnh viêm lợi ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai có thể khiến cho tỷ lệ sinh non tăng lên rất nhiều lần.

phu-nu-mang-thai-bi-viem-loi-co-nguy-co-sinh-non

Ảnh minh họa – Internet

Trung bình cứ 4 phụ nữ bị mắc bệnh răng miệng trong quá trình mang thai, thì lại có một người sinh non trước 35 tuần mang thai. Hơn 1.000 thai phụ mang thai tuần từ 6-20 tuần đã tình nguyện tham gia vào nghiên cứu này. Trong số đó, có 160 người được chẩn đoán bị mắc chứng lợi trùm (periodontaldisease). Theo dõi những người này, các bác sĩ nhận thấy hơn 1/4 trong số họ sinh con trước 35 tuần tuổi.

TS. Carter – người trực tiếp tiến hành nghiên cứu – cũng cho biết: trong quá trình mang thai, tình trạng hormon trong cơ thể người phụ nữ có sự thay đổi, xáo trộn. Chính điều này làm gia tăng tỷ lệ bị viêm, nhiễm, bị mắc các bệnh về răng, nướu nếu không được chú ý giữ gìn vệ sinh tốt. Do đó, phụ nữ khi mang thai, không chỉ cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, chăm sóc cho thai nhi, mà còn cần chú ý giữ vệ sinh răng miệng cho thật tốt để bảo đảm sức khỏe cho cả mẹ và con.

Theo Suckhoedoisong.vn

Mùa hè bà bầu dễ sinh non

Nhiệt độ cao và tình trạng cơ thể mất nước sẽ khiến bà bầu trong mùa hè đối mặt với nguy cơ tử cung co bóp và dễ sinh non.

Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học tại trường đại học Montreal đã phát hiện ra rằng nguy cơ sinh non tăng vọt đến 27% khi nhiệt độ ở mức cao trên 32 độ C trong khoảng 4-7 ngày liền.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu từ 300.000 ca sinh nở tại Montreal từ năm 1981 đến 2010 trong mùa hè. Xét một cách tổng thể, nhiệt độ lên mức cao không làm tăng nhiều số lượng trẻ sinh non (dưới 37 tuần). Tuy nhiên, với những sản phụ từ 37 tuần trở lên, thì nguy cơ sinh sớm là rõ rằng. Khoảng 17% số ca đã sinh trước 1-2 tuần khi nhiệt độ tăng lên 32độ C trong 3 ngày liền. Nghiên cứu cũng cho thấy, nếu nhiệt độ kéo dài từ 4-7 ngày thì nguy cơ này tăng đến 27%.

Những trẻ được sinh ra từ 37-38 tuần tuy đã được gọi là đủ tháng nhưng vẫn dễ gặp các vấn đề về đường hô hấp so với trẻ 40 tuần, các nhà nghiên cứu cho biết thêm.

Mùa hè bà bầu dễ sinh non

Tiến sĩ Nathalie Auger – tác giả chính của nhóm nghiên cứu, thuộc trường đại học Montreal cho biết: “Nguyên nhân của hiện tượng sinh non này là do khi nhiệt độ quá nóng sẽ làm tăng các cơn co bóp tử cung. Chúng tôi cũng nghi ngờ rằng tình trạng mất nước trong cơ thể khi trời nóng cũng làm giảm sự cung cấp máu cho tử cung và làm hormone tuyến yên tăng lên, gây ra những cơn đau chuyển dạ.”

Tiến sĩ Auger lo ngại rằng việc tăng nguy cơ sinh non do nhiệt độ cao có thể dẫn đến sự tăng tỷ lệ số trẻ sơ sinh mắc bệnh.

Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Epidemiology mới đây.

Theo Eva.vn

Trường hợp ối vỡ sớm có nguy hại gì?

Màng ối là những màng mỏng bọc lót mặt trong tử cung và bánh nhau làm thành một cái túi kín bên trong chứa thai, nước ối và dây nhau.

Con tôi còn nửa tháng nữa mới đến ngày sinh nhưng cháu đã thấy nước tràn ra ở âm đạo, đi khám được kết luận ối vỡ non và tiến hành mổ đẻ. Xin hỏi, thế nào là ối vỡ non, vỡ sớm. Trường hợp ối vỡ sớm có nguy hại gì? - Đỗ Thị Thảo (Đống Đa, Hà Nội).

truong-hop-oi-vo-som-co-nguy-hai-gi

Ảnh minh họa.

BS Phó Đức Nhuận

, Bệnh viện Phụ sản T.Ư:

Màng ối là những màng mỏng bọc lót mặt trong tử cung và bánh nhau làm thành một cái túi kín bên trong chứa thai, nước ối và dây nhau. Ở cực dưới của túi ối, khi chuyển dạ các màng ối sẽ giãn dần ra, nước ối dồn xuống tạo nên đầu ối. Đầu ối có tác dụng bảo vệ, ngăn cản không cho vi trùng xâm nhập vào trong nó cũng góp phần làm cho tử cung giãn nở mở đường cho thai ra.

Vì vậy, khi cổ tử cung mở gần hết, nghĩa là đến lúc đẻ ối mới vỡ ra là tốt nhất. Nếu đầu ối vỡ trong khi chuyển dạ mà tử cung chưa mở hết, người ta gọi là ối vỡ sớm. Khi chưa chuyển dạ màng ối đã bị rách để nước ối chảy ra ngoài gọi là vỡ ối non. Ối vỡ non và sớm gây nhiều nguy cơ cho thai nghén và cuộc đẻ: Ối vỡ sớm sẽ gây đẻ non (khi thai chưa đủ tháng) làm thai bị suy, làm cho thai ở tư thế không thuận, có thể làm dây rau tuột theo ra (sa dây nhau) và nguy hiểm nhất là gây nhiễm trùng cho thai và cho bà mẹ.

Vì thế, ở bà mẹ mang thai, dù đã chuyển dạ hay chưa, nếu thấy ra nước bất thường ở âm đạo thì phải nghĩ đến bị vỡ ối và nên đến cơ sở y tế khám ngay để được xác định và xử trí đúng, kịp thời.

Theo Kienthuc.net.vn

Phụ nữ uống rượu làm gia tăng nguy cơ sinh non

Phụ nữ uống rượu trước khi thụ thai hoặc trong ba tháng đầu của thai kỳ có thể làm gia tăng nguy cơ sinh non hoặc trẻ nhẹ cân hơn so với những phụ nữ không uống rượu.

phu-nu-uong-ruou-lam-gia-tang-nguy-co-sinh-non

Rượu, thuốc lá ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe thai nhi (ảnh internet)

Kết quả trên được rút ra từ cuộc nghiên cứu hơn 1.200 thai phụ ở Anh, dựa trên thông tin được cung cấp về thói quen uống rượu của họ ngay trước và trong khi mang thai.

Các nhà khoa học tại Trường ĐH Leeds (Anh) cho biết, 53% số phụ nữ tham gia nghiên cứu uống rượu nhiều hơn mức cho phép là hai đơn vị hàng tuần (1 đơn vị 30ml, rượu 40 độ), trong ba tháng đầu của thai kỳ. Và gần 40% uống rượu nhiều hơn 10 đơn vị một tuần ngay trước khi thụ thai.

Kết quả vừa được công bố trên Tạp chí Journal of Epidemiology and Community Health (của Hiệp hội Y khoa Anh) cho thấy, khoảng 13% trẻ sinh ra từ những phụ nữ trong nghiên cứu này bị nhẹ cân, 4,4% nhỏ hơn bình thường và 4,3% sinh non. Trong đó, những phụ nữ uống nhiều hơn hai đơn vị rượu mỗi tuần trong ba tháng đầu của thai kỳ, tăng gấp đôi nguy cơ trẻ sinh non hoặc nhẹ cân hơn so với những phụ nữ không uống rượu.

Các nhà nghiên cứu cho biết thêm, ngay cả những phụ nữ uống ít hơn hai đơn vị rượu mỗi tuần trong ba tháng đầu của thai kỳ cũng có nhiều khả năng sinh non so với những người không uống rượu. Và những phụ nữ uống rượu ngay trước thời điểm thụ thai cũng có nhiều khả năng sinh con nhẹ cân hơn mức bình thường.

Bộ Y tế Anh và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ khuyến cáo, phụ nữ mang thai và những chị em đang chuẩn bị mang thai không nên uống rượu, hoặc chỉ nên uống rượu trong phạm vi từ một đến hai đơn vị (Cục quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ (WHO) đưa ra một đơn vị rượu chuẩn chứa 10 gam cồn, tương đương với 1 chén rượu mạnh (40 độ, 30 ml)) một tuần.

Theo đánh giá của WHO, nồng độ cồn trong mỗi loại thức uống thường khác nhau. Nhìn chung, một ly rượu lớn có thể chứa nhiều hơn ba đơn vị cồn – nhiều hơn giới hạn hàng tuần cho phép.

Các nhà nghiên cứu khuyến cáo, qua kết quả nghiên cứu trên cho thấy rằng tình trạng người mẹ uống rượu trong ba tháng đầu của thai kỳ có ảnh hưởng rất lớn đến thể trạng của trẻ sơ sinh. Vì thế, chị em phụ nữ cần nhận thức được nguy cơ của việc uống rượu trước và trong khi mang thai nhằm bảo đảm sức khỏe cho những đứa con của họ sinh ra sau này.

Theo Phunuonline.com.vn

4 câu hỏi về sinh non thai phụ cần phải hỏi bác sĩ

Không người mẹ nào muốn “vượt cạn” sớm nhưng nhiều người bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ sinh non hoặc không trao đổi với bác sĩ về chuyện này.

Dưới đây là bốn câu hỏi về sinh non mỗi thai phụ cần phải hỏi bác sĩ:

1. Chiều dài của cổ tử cung là bao nhiêu?

Chiều dài của cổ tử cung ở 14-24 tuần mang thai là chỉ tiêu đánh giá nguy cơ sinh non. Hầu hết các bác sĩ đưa ra lịch trình siêu âm ở giai đoạn khoảng 19-20 tuần. Hãy hỏi bác sĩ siêu âm để ghi lại chiều dài cổ tử cung của bạn tại thời điểm đó và viết vào nhật ký mang thai.

Nếu chiều dài cổ tử cung ngắn hơn 4cm, nên yêu cầu bác sĩ siêu âm cho một phép đo chính xác hơn. Nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu sinh non nào trong những tuần tiếp theo, có thể đề nghị bác sĩ siêu âm thêm để so sánh thay đổi ở độ dài cổ tử cung.

4-cau-hoi-du-doan-sinh-non-me-bau-can-hoi-bac-si

Độ dài cổ tử cung là một trong những tỉ lệ vàng trong hệ sinh sản của phụ nữ. (Ảnh minh họa)

2. Tôi có cần dùng phương pháp 17P?

Nếu bạn đã sinh non hoặc có cổ tử cung ngắn, hãy hỏi bác sĩ về những lợi ích của phương pháp 17P (17-alpha-hydroxyprogesterone caproate) – cách tiêm bổ sung progesterone hàng tuần trong giai đoạn 16-36 tuần của thai kỳ.

3. Tôi có nên kiểm tra FFN?

Thử nghiệm fibronectin bào thai ((FFN) là công cụ hiệu quả để xác định chuyển dạ có thể xảy ra sớm (Fibronectin là một protein giữ màng thai nhi dính vào tử cung của mẹ khi mang thai. Protein này thường được phát hiện trước 22 tuần và sau 35 tuần khi nó bắt đầu phân hủy tự nhiên).

Xét nghiệm cho thấy, fibronectin hiện diện trước các dấu hiệu khác của sinh non. Kết quả âm tính chứng tỏ hơn 99% bạn không sinh non trong vòng hai tuần tới.

Kết quả dương tính không khẳng định sinh non sẽ xảy ra, nhưng nó cho phép bạn và bác sĩ vạch kế hoạch giúp ngăn ngừa sinh non.

4-cau-hoi-du-doan-sinh-non-me-bau-can-hoi-bac-si

4. Điều tôi nên làm khi có cảm giác bất ổn?

Trực giác của người mẹ là điều không nên bỏ qua. Bạn phải là người hiểu cơ thể mình nhất và khi bạn cảm thấy có cái gì đó bất ổn, hãy đi khám ngay, thay vì chờ cho đến khi quá muộn.

Theo Afamily.vn

Bà bầu làm việc bán thời gian có nguy cơ sinh non

Những phụ nữ làm công việc bán thời gian có nguy cơ sinh non cao gấp 2,5 lần so với những người làm việc toàn thời gian hoặc làm nội trợ.

Kết luận trên được đưa ra sau khi một nhóm nghiên cứu thuộc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản theo dõi hơn 1.300 thai phụ trong giai đoạn 2008 – 2010, theo báo Asahi Shimbun ngày 9.5.

ba-bau-lam-viec-ban-thoi-gian-co-nguy-co-sinh-non

Thai phụ làm việc liên tục nhiều giờ hoặc phải đứng trong lúc làm việc cũng có nguy cơ sinh non cao – Ảnh: Internet.

Trong số những người tham gia có 573 người làm nội trợ, 560 người làm việc chính thức cho công ty và 192 người làm việc bán thời gian.

Tuy nghiên cứu không phân tích sự khác biệt về các loại công việc bán thời gian, các nhà khoa học nhấn mạnh điều kiện làm việc bán thời gian khiến thai phụ khó có ngày nghỉ, thậm chí khi có dấu hiệu sinh non.

Giáo sư Shigeru Saito, người chịu trách nhiệm nghiên cứu nói trên, còn lưu ý những nghiên cứu trước đây về quan hệ giữa công việc và sinh non cho thấy, những thai phụ làm việc liên tục nhiều giờ hoặc phải đứng trong lúc làm việc có nguy cơ sinh non cao.

BACSI.com (Theo Thanhnien)

Dầu cá giúp phòng ngừa sinh non cho thai phụ

Một nghiên cứu của Australia đã ghi nhận thêm một lợi ích sức khỏe của dầu cá.

Nghiên cứu này được thực hiện bởi chuyên gia dinh dưỡng Maria Makrides, Giáo sư Khoa Dinh dưỡng thuộc ĐH Adelaide. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng việc bổ sung axit béo omega-3 làm cho thai kỳ dài hơn, phòng ngừa việc trẻ được sinh quá sớm.

dau-ca-giup-phong-ngua-sinh-non-cho-thai-phu

Theo hãng tin Australian Associated Press, nghiên cứu này được tiến hành với sự tham gia của 2.400 phụ nữ tại 5 bệnh viện phụ sản của Australia nhằm hỗ trợ nghiên cứu quốc tế về vấn đề sinh non.

Bà Susan Carlson, Giáo sư Khoa Chế độ ăn uống và Dinh dưỡng thuộc ĐH Kansas (Mỹ) đã xem xét các kết quả nghiên cứu của GS Makrides.

Bà cho biết những phụ nữ bổ sung axít béo omega-3 có xu hướng sinh những đứa trẻ lớn hơn và nặng hơn một chút, đồng thời sinh muộn hơn một vài ngày so với những phụ nữ dùng giả dược.

Tại Đại hội thường niên của Hội Chu sinh Australia và New Zealand diễn ra ở Adelaide (Australia) vào ngày 17/4, GS Carlson phát biểu rằng: “Chúng tôi có bằng chứng mới cho thấy rằng việc bổ sung axit béo omega-3 chuỗi dài làm giảm tỷ lệ sinh non từ rất sớm”.

Trong tự nhiên, axit béo omega-3 chuỗi dài có nhiều trong loại cá nhiều dầu như cá ngừ và cá hồi.

(Theo Dantri)

Sinh non có phải do cổ tử cung ngắn?

Xin chào bác sĩ,

Em mang thai ở tuần 22. Hôm nay đi siêu âm, BS bảo cổ tử cung ngắn, đo được là 2,9cm. BS đã kê cho em thuốc phitabel, manacare chỉ định uống.

Em đang rất lo vì lần trước mang thai gần 7 tháng thì bị đẻ non, BS dặn lần sau mang thai khi được 12 tuần thì đi siêu âm xem cổ tử cung có phải khâu không.

Lần này khi thai 12 tuần em đi siêu âm. Bác sĩ bảo CTC của em là 3cm và không phải khâu. Nhưng đến tuần 22 CTC lại xuống 2,9cm. Em rất lo lắng không biết có sao không ạ?

Rất mong bác sĩ tư vấn giúp. Cảm ơn BS! - (Thông Nguyễn – Phú Thọ)

sinh-non-co-phai-do-co-tu-cung-ngan

BS Dương Thị Phương Thảo:

Chào bạn,

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sanh non, cổ tử cung ngắn là một trong những nguyên nhân đó. Cổ tử cung ngắn là chiều dài cổ tử cung chức năng < 25mm.

Trường hợp của bạn, cổ tử cung 29mm nằm trong giới hạn bình thường. Bạn cứ tiếp tục theo dõi thai kỳ và khám thai theo hẹn của bác sĩ hoặc khi có các dấu hiệu của dọa sanh non (đau bụng, ra huyết).

Bạn cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, không nên làm việc nặng và chú ý trong thai kỳ hay bị viêm âm đạo, đó là 1 nguyên nhân gây sanh non. Vì vậy khi có dấu hiệu viêm âm đạo (huyết trắng nhiều, ngứa, hôi) thì phải đi khám và điều trị. Nếu cần thiết bác sĩ sẽ cho siêu âm đo lại chiều dài cổ tử cung 2 tuần sau.

Thân mến!

(Theo Alobacsi)

Làm việc khi mang thai không làm tăng nguy cơ sinh non

Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy phụ nữ làm việc khi đang mang thai không làm tăng nguy cơ sinh non hay sinh trẻ nhẹ cân, theo Health24.

Các nhà khoa học xem xét dữ liệu của gần 1.600 phụ nữ sinh con trong năm 2005.

Một số phụ nữ làm việc toàn thời gian, một số khác làm việc bán thời gian, trong khi những người còn lại không làm việc khi đang mang thai.

lam-viec-khi-mang-thai-khong-lam-tang-nguy-co-sinh-non

Theo các nhà nghiên cứu Mỹ, làm việc khi đang mang thai không ảnh hưởng đến trẻ - Ảnh: Shutterstock

Họ nhận thấy không có sự khác biệt nào ở tỷ lệ sinh non hay sinh trẻ nhẹ cân ở các nhóm phụ nữ này.

Theo người đứng đầu cuộc nghiên cứu Katy Backes Kozhimannil, làm việc tại Bộ phận Quản lý và chính sách sức khỏe, Trường đại học Minnesota (Mỹ), điều cần quan tâm không phải là phụ nữ có làm việc hay không trong lúc mang thai, mà là tính chất công việc của phụ nữ.

Chẳng hạn như công việc có phải lao động vất vả không, giờ làm việc có dài không...

Từ đó, có thể xác định được những khó khăn trong công việc mà người nữ phải đối mặt trong thời gian mang thai, giúp xây dựng những chính sách lao động phù hợp hơn cho đối tượng lao động đặc biệt này, bà Katy Backes Kozhimannil chia sẻ.

Nghiên cứu được công bố trên Women’s Health Issues.

(Theo Thanhnien)

Nguy cơ sinh non nếu bị viêm âm đạo

Viêm âm đạo là bệnh phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và có chiều hướng gia tăng trong thời kỳ mang thai.

Bệnh tuy không khó điều trị nhưng nếu không đi khám sớm, không được điều trị triệt để thì sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của thai phụ và có nhiều nguy cơ sinh non, sẩy thai.

Các dạng viêm âm đạo

ThS-BS Đặng Lê Dung Hạnh, Trưởng khoa Khám bệnh A, Bệnh viện Hùng Vương cho biết, viêm âm đạo với những triệu chứng: khí hư ra nhiều và có mùi tanh, ngứa rát âm hộ – âm đạo, đặc biệt là sau khi giao hợp.

Viêm âm đạo do vi khuẩn có thể gây viêm màng ối, nhiễm khuẩn ối, dọa sinh non và xấu nhất là khiến thai phụ sinh non, sẩy thai. Việc điều trị viêm âm đạo do vi khuẩn khá đơn giản, bệnh có thể hết sau khoảng một-hai tuần dùng thuốc uống hoặc thuốc đặt tại chỗ mà không để lại biến chứng. Tuy nhiên, bệnh lại có khả năng tái phát khi có điều kiện thuận lợi.

Bên cạnh tác nhân vi khuẩn, trùng roi cũng gây viêm âm đạo. Đây là một loại ký sinh trùng có khả năng lây truyền qua quan hệ tình dục và gây viêm nhiễm cho cả nam lẫn nữ. Tương tự với viêm do vi khuẩn, viêm do nhiễm trùng roi cũng khiến thai phụ dễ bị sẩy thai, sinh non. Khí hư ra nhiều, lỏng, có bọt và mùi hôi là những triệu chứng của bệnh này. Người bệnh bị ngứa, rát nhiều ở vùng âm đạo, âm hộ; bị đau rát khi giao hợp hoặc đi tiểu.

Khi điều trị, điều quan trọng là cần có sự phối hợp của cả thai phụ và người chồng, vì bệnh có thể lây ngược lại nếu chỉ điều trị một phía. Trong thời gian điều trị, cần tuyệt đối không giao hợp để hạn chế tối đa cơ hội lây truyền.

Ngoài ra, viêm âm đạo còn có thể do nhiễm nấm. Bệnh có thể đã xuất hiện trước hoặc trong thời kỳ mang thai. Đặc biệt khi mang thai, điều kiện môi trường âm đạo thay đổi, dịch tiết ra nhiều, lượng đường trong máu biến đổi… là cơ hội để nấm phát triển. Bệnh tuy không gây nguy hiểm cho sức khỏe của thai nhi nhưng gây ngứa rát, khó chịu cho mẹ. Vì vậy, nếu thấy huyết trắng ra nhiều, ngứa rát vùng âm đạo, thai phụ nên đi khám để được điều trị sớm. Thông thường, nếu ở những tháng đầu của thai kỳ, bác sĩ sẽ cho thai phụ dùng thuốc đặt, sau đó có thể dùng thuốc uống. Bệnh này khó điều trị dứt hẳn, dễ bị tái phát khi môi trường âm đạo bị biến đổi hoặc điều kiện vệ sinh kém.

nguy-co-sinh-non-neu-bi-viem-am-dao

Vệ sinh đúng cách

Ngoài nguyên nhân từ việc thay đổi nội tiết trong cơ thể, viêm âm đạo do nấm, do vi khuẩn thường bắt nguồn từ những thói quen xấu của phụ nữ. Nhiều phụ nữ thường có xu hướng vệ sinh quá mức như thụt rửa sâu hay bơm dung dịch vệ sinh vào âm đạo. Điều này sẽ làm thay đổi môi trường âm đạo, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển. Thói quen sử dụng băng vệ sinh hàng ngày tưởng để giữ sạch vùng âm đạo, song vô tình lại khiến cho quần lót dày lên, kém khô thoáng và làm tăng khả năng viêm nhiễm âm đạo.

ThS-BS Dung Hạnh lưu ý, cách tốt nhất là nên vệ sinh thông thường, không thụt rửa, không lạm dụng dung dịch vệ sinh và băng vệ sinh hàng ngày; thường xuyên thay quần lót, mặc quần áo sạch, giữ cho “vùng kín” khô ráo. Phụ nữ có thai vẫn có thể tắm ngâm bồn nhưng phải dùng nước sạch. Không nên mặc quần chật, ẩm ướt và kém vệ sinh.

Nếu thấy khí hư ra nhiều cần đi khám chuyên khoa sớm. Uống hoặc đặt thuốc đúng liều theo chỉ định của bác sĩ. Không được tự ý mua thuốc theo toa cũ để uống hoặc mua thuốc theo truyền miệng.

(Theo PNO)