Lưu trữ cho từ khóa: sau sinh

Bài tập trị đau vùng lưng và khớp cổ cho bà mẹ sau sinh

Sau sinh cơ thể bạn yếu đi rất nhiều, cộng với việc phải chăm sóc con sẽ khiến người mẹ luôn mệt mỏi.

Sau sinh, việc chăm sóc và vui chơi cùng bé cả ngày sẽ khiến nhiều bà mẹ bị đau (mỏi) vùng lưng và khớp cổ. Những bài tập nhỏ sau sẽ giúp bạn cải thiện được tình hình.

1. Duỗi thẳng lưng

- Bạn nằm sấp xuống sàn theo tư thế người tập chống đẩy. Tiếp đến, bạn từ từ hạ vùng xuơng chậu và chân sau chạm xuống sàn. Chống hai tay đồng thời bạn nâng, hạ phần thân trước thật nhịp nhàng. Chú ý giữ cho cằm thẳng về phía tường nhà trong quá trình luyện tập.

bai-tap-tri-dau-vung-lung-va-khop-co-cho-ba-me-sau-sinh

2. Tựa lưng vào tường

- Bạn tựa lưng vững chắc vào tường, hai tay tì song song lên hai bắp đùi và chuyển động lên xuống bằng cách nâng vùng xương chậu dưới sự trợ giúp của khớp gối (gập thành một góc 45 độ). Giữ động tác này trong vòng 5-10 giây rồi tiếp tục nhấc cơ thể lên.

- Hoặc bạn đứng thẳng, lần lượt nhấc chân trái rồi đến chân phải lên (hai tay dang rộng sang hai bên) theo từng nhịp.

bai-tap-tri-dau-vung-lung-va-khop-co-cho-ba-me-sau-sinh

3. Chống tay vào tường

- Bạn giữ thăng bằng với những đầu ngón chân, chống hai tay vào tường. Giữ cho chân và lưng bạn thật thẳng.

- Bạn gập hai khuỷu tay rồi từ từ duỗi ra như người tập chống đẩy.

bai-tap-tri-dau-vung-lung-va-khop-co-cho-ba-me-sau-sinh

4. Bài tập cho khung xương chậu

- Bạn nằm áp lưng (nằm ngửa) trên sàn nhà. Gập đầu gối đồng thời bạn cố định hai lòng bàn chân xuống sàn nhà.

- Bạn thóp bụng, nhấc dần vùng xương chậu lên, giữ trong vài giây trước khi hạ xuống.

bai-tap-tri-dau-vung-lung-va-khop-co-cho-ba-me-sau-sinh

Theo TTVN.vn

Những hiện tượng nguy hiểm sau sinh

Sau sinh nếu bạn bị choáng ngất, ra máu nhiều, vết mổ sưng đau rỉ máu bất thường  thì cần báo ngay cho bác sĩ biết.

Sau sinh những hiện tượng nguy hiểm dưới đây bạn nên thông báo hoặc tới ngay bệnh viện để xử lý kịp thời.

Nước tiểu dầm dề:

Có thể do thành trước âm đạo bị rách sau khi dùng foóc xép hay giác hút để kéo thai ra. Trong trường hợp này, phải mổ khâu lại lỗ dò. Một nguyên nhân khác là cổ bàng quang bị tổn thương, cơ thắt ở cổ bàng quang không hoạt động được tốt sau khi sinh. Tổn thương này thường không kéo dài, dễ điều trị.

nhung-hien-tuong-nguy-hiem-sau-sinh

Xước hoặc nứt đầu vú

(thường do nấm): Bôi xước bằng glycerin, thuốc mỡ corticoid tổng hợp hoặc nystatin. Nên vắt sữa vì nếu để trẻ bú thì người mẹ sẽ rất đau. Không rửa bú bằng xà phòng và không bôi cồn.

Đau vùng tầng sinh môn:

Vùng này dễ bị chấn thương hoặc cắt nới khi đẻ nhưng lại dễ liền do được tưới máu dồi dào nên. Tầng sinh môn rất dễ bị nhiễm khuẩn. Khi thấy đau tức, có cảm giác bị cắn rứt, phù nề hoặc có mủ, phải báo ngay cho bác sĩ để được cắt chỉ sớm, rửa bằng thuốc sát khuẩn (polividine) tại chỗ và băng sạch. Nếu viêm nhiễm rộng hoặc nặng thì nên đi bệnh viện ngay.

Đau bụng dưới:

Sau sinh, tử cung co lại chỉ còn như quả bưởi, sờ thấy đáy tử cung ở rốn. Chỉ một tuần sau, kích thước của nó chỉ còn một nửa, 2 tuần thì không còn sờ thấy tử cung ở trên bụng nữa. Sản phụ thường không cảm thấy đau. Nếu thấy đau thì phải khám xem có viêm nhiễm không. Các chứng nhiễm trùng ở tử cung, phần phụ, ruột thừa, đại tràng đều có thể gây đau bụng dưới.

Nếu tử cung co chậm

, sản dịch hôi và sốt, phải nghĩ tới chứng viêm tử cung, thường do sót rau, cần đến bác sĩ ngay. Nếu không, bệnh sẽ rất nhanh chóng chuyển biến thành thể nặng.

nhung-hien-tuong-nguy-hiem-sau-sinh

Chảy máu muộn

(vào ngày thứ 2-3 sau sinh hoặc muộn hơn): Nguyên nhân chính là vùng cổ tử cung ở vùng rau bám co hồi kém, hoặc sót rau. Phải đến bác sĩ ngay để được dùng thuốc co tử cung mạnh, xoa bóp tử cung để cầm máu.

Sau sinh nếu sản phụ bị ngất

, bất tỉnh là một dấu hiệu bất thường của cơ thể.

Sản phụ ra máu nhiều

, máu dạng đỏ tươi kèm theo cục đông máu, máu và dịch tiết âm đạo có mùi hôi, đau bụng dữ dội, bị nôn ói, tiêu chảy cũng cần tới bác sĩ ngay.

Vết mổ sưng đau, rỉ máu…

Người mệt mỏi, da xám, mặt nhợt nhạt… Sản phụ phát hiện có nước tiểu, phân chảy từ âm đạo… đều là những dấu hiệu nguy hiểm cần tới bệnh viện ngay.

Ngoài dấu hiệu về thể chất nói trên, phụ nữ sau khi sinh còn thay đổi về cảm xúc, dễ xúc động, vui buồn thay đổi đột ngột, khóc vô cớ, dễ cáu giận, biếng ăn, mệt mỏi khó ngủ…

Những dấu hiệu về tinh thần được xem là nguy hiểm nếu như không mất mà có chiều hướng phát triển mạnh hơn, dẫn đến không thể chăm sóc được bản thân và con cái được, lo sợ bị cô đơn cùng con cái, có ý định quyên sinh hoặc gây tổn thương đến đứa trẻ thì cần đi khám và tư vấn bác sĩ càng sớm càng tốt.

Theo Kienthuc.net.vn

Phương pháp xoa bóp chữa bí tiểu cho sản phụ sau sinh

Sau khi sinh con, nhất là trong những ngày đầu, tuần đầu, không ít sản phụ lâm vào tình trạng bí tiểu, tiểu khó do nhiều căn nguyên khác nhau.

phuong-phap-xoa-bop-chua-bi-tieu-cho-san-phu-sau-sinh

Ảnh minh họa.

Muốn khắc phục triệt để chứng bệnh này, điều đầu tiên và hết sức cần thiết là người bệnh phải được khám một cách kỹ lưỡng nhằm xác định nguyên nhân bí tiểu do thực thể hay cơ năng. Nếu là thực thể, nhất thiết phải được xử lý bằng các biện pháp của Tây y, nếu là cơ năng thì có thể tiến hành xoa bóp, day bấm các huyệt vị châm cứu của Đông y theo quy trình dưới đây:

- Sản phụ nằm ngửa thoải mái trên giường, toàn thân thư giãn, ổn định tư tưởng, dùng dầu nóng xoa toàn bụng, đặc biệt là bụng dưới. Tiếp đó, đặt hai bàn tay chồng lên nhau xoa bụng dưới theo chiều kim đồng hồ cho đủ 50 vòng với một lực vừa phải sao cho tại chỗ nóng lên là được. Lại dùng ngón tay cái miết dọc đường trục giữa từ rốn xuống điểm giữa bờ trên xương mu 30 lần.

- Dùng ngón tay cái hoặc ngón tay giữa tiến hành day bấm các huyệt Khí hải, Quân nguyên và Thúc cốt, mỗi huyệt chừng nửa phút. Để tìm ba huyệt vị này chỉ cần vạch một đường từ rốn đến điểm giữ bờ trên xương mu, chia đường này làm 3 phần bằng nhau. Huyệt Thúc cốt nằm ở điểm chính giữa bờ trên xương mu, huyệt Quan nguyên nằm ở điểm nối 3/5 trên và 2/5 dưới của đoạn rốn – bờ trên xương mu, huyệt Khí hải nằm ở điểm nối 1,5/5 trên với 3,5/5 dưới của đoạn nối này. Điểm cần lưu ý là, khi day bấm huyệt Thúc cốt phải đạt được cảm giác tê buốt chạy xuống âm hộ.

- Dùng hai ngón tay cái hoặc ngón tay giữa day ấn đồng thời cả hai huyệt Túc tam lý trong 1 phút. Vị trí huyệt Túc tam lý: Sờ bờ trước xương ống chân (mào chày) từ dưới cổ chân ngược lên, đến gần khớp gối ngón tay bị mắc lại ở đâu thì đó là lồi củ trước xương chày, từ đây đo ngang ra ngoài 1 khoát ngón tay là vị trí của huyệt, ấn có cảm giác tê tức lan xuống bàn chân.

- Dùng hai ngón tay cái day ấn đồng thời cả hai huyệt Âm lăng tuyền trong nửa phút. Vị trí huyệt Âm lăng tuyền: Sờ bờ trước xương ống chân (mào chày) từ dưới cổ chân ngược lên, đến gần khớp gối ngón tay bị mắc lại ở đâu thì đó là lồi củ trước xương chày, từ đây kẻ một đường ngang, đường này cắt bờ sau trong đầu trên xương chày ở đâu thì đó là huyệt.

- Dùng hai ngón tay cái day ấn đồng thời cả hai huyệt Tam âm giao trong 1 phút. Vị trí huyệt Tam âm giao: Ở trên mắt cá chân trong 3 thốn, ngay sau bờ trong xương chày.

- Cho sản phụ nằm sấp, dùng lòng bàn tay xát mạnh vùng xương cùng cụt trong 1 phút sao cho tại chỗ nóng lên là được. Tiếp đó dùng ngón tay giữa day ấn huyệt Ủy dương trong nửa phút. Vị trí huyệt Ủy dương: Xác định điểm giữa nếp ngang giữa khoeo chân, từ đây đo ra ngoài 1 thốn.

ThS.BS Khánh Toàn

(Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

Theo Kienthuc.net.vn

Bí quyết giúp người mới làm mẹ cho con bú

Ngoài lợi ích sức khỏe cho trẻ, cho con bú còn giúp tử cung người mẹ trở lại kích thước trước khi mang thai, giảm chảy máu sau sinh, dễ giảm cân, giảm nguy cơ trầm cảm và ung thư vú, ung thư buồng trứng, trì hoãn kinh nguyệt xuất hiện trở lại, tiết kiệm tiền mua sữa công thức…

Sữa mẹ là tốt nhất cho sự phát triển của trẻ do sữa non cung cấp nguồn kháng thể quan trọng chống lại bệnh tật khi hệ miễn dịch của bé phát triển trong năm đầu tiên.

bi-quyet-giup-nguoi-moi-lam-me-cho-con-bu

Cho con bú khoa học và đúng cách là việc không dễ dàng. Ảnh: healthywomen

Dưới đây là một số bí quyết giúp người mới làm mẹ cho con bú tốt nhất:

– Cho bé bú trong 1 giờ đầu sau sinh. Việc này giúp tử cung co lại và cung cấp nguồn sữa non giàu dinh dưỡng.

– Yêu cầu sự giúp đỡ của y tá hoặc bác sĩ tư vấn để có cách cho con bú đúng đắn nhất.

– Chuẩn bị khi có sữa: Sữa bắt đầu tiết ra khoảng 3-4 ngày sau sinh. Bạn sẽ cảm thấy kích thước ngực to lên, vì vậy cần chuẩn bị áo ngực vừa vặn.

– Cho bé bú khoảng 8-12 lần mỗi ngày khi thấy bé có các dấu hiệu như tìm núm vụ mẹ, đặt tay vào miệng,…

– Cung cấp đủ nước cho cơ thể, ví dụ nhâm nhi một cốc nước khi cho bé bú để cơ thể tạo ra đủ sữa.

– Cho con bú trong môi trường yên tĩnh.

Ngoài ra, bạn cần biết những vấn đề thường gặp khi cho con bú và cách phòng tránh: Đau và nứt núm vú; kiểm tra vị trí khi bé ngậm núm vú; thoa Lanolin lên núm vú sau khi cho bú; để núm vú tự khô sau mỗi lần cho bú; cho bé bú đổi bên.

Khi bé bú tạo ra tiếng mút nghĩa là vị trí của bé không đúng. Vì vậy, cần đặt bé sát người bạn hơn, giữ đầu để miệng bé ngậm được phần quầng vú nhiều nhất mức có thể.

Ngực căng do đầy sữa hoặc đường dẫn sữa bị tắc: Để gạc ấm hoặc nước ấm chảy lên lực khi tắm, đắp lá bắp cải lên ngực để giúp giảm bớt áp lực.

Nhiễm trùng vú: Nếu bạn cảm thấy như bị cảm, một bên bầu ngực đỏ, nóng và đau thì có thể bạn đã bị nhiễm trùng vú. Lúc này bạn cần một loại kháng sinh trị nhiễm trùng. Để ngăn nhiễm trùng vú, hãy nhớ làm sạch ngực đều đặn. Nếu uống kháng sinh, nhớ sử dụng thêm chất bổ sung Probiotic có trong sữa chua để ngăn ngừa bệnh tưa miệng ở trẻ.

bi-quyet-giup-nguoi-moi-lam-me-cho-con-bu

Cho con bú giúp mẹ giảm nguy cơ trầm cảm và ung thư vú, ung thư buồng trứng

Bệnh tưa miệng ở trẻ: Tưa miệng là bệnh nhiễm trùng nấm hình thành trên ngực và lây truyền giữa ngực và miệng bé. Ngực thừa độ ẩm, núm vú đau nứt, chế độ ăn nhiều đường và đồ ăn lên men hoặc uống thuốc kháng sinh, thuốc ngừa thai, steroids đều có thể gây ra bệnh tưa miệng.

Triệu chứng gồm có núm vú đau, ngực đau nhức, tróc vảy, ngứa hoặc bị nứt. Trẻ có thể có các đốm trắng nhỏ trong miệng hoặc phát ban tã không lành. Khi gặp vấn đề này, bạn cần điều trị cho cả ngực bạn và miệng của bé bằng thuốc kháng nấm hoặc thuốc tím tinh thể. Để ngăn ngừa tưa miệng, hãy giữ núm vú khô, dùng miếng đệm núm vú trong áo ngực, thay áo ngực sạch hàng ngày, giảm các sản phẩm đường và men trong chế độ ăn.

Theo Trần Trâm/nld.com.vn

Những thay đổi thường gặp sau khi sinh

Cơ thể bạn sẽ thay đổi thế nào sau khi em bé chào đời? Dưới đây, là những thay đổi sau sinh thường gặp nhất trên cơ thể của mẹ bầu.

Rụng tóc

Một vài tuần sau khi sinh, bạn có thể bắt đầu mất đi một lượng lớn tóc. Người bình thường mất 100 sợi tóc mỗi ngày, nhưng trong quá trình mang thai, bạn rụng đi ít tóc hơn. Giờ khi không còn mang thai, cơ thể bạn sẽ phải bù lại và bị rụng tóc thêm trong sáu tháng đầu sau sinh. Nhưng đừng lo lắng với sự thay đổi sau sinh này – mái tóc của bạn sẽ sớm trở lại chu kỳ tăng trưởng bình thường của nó.

nhung-thay-doi-thuong-gap-sau-khi-sinh

Đổi màu da

Một vài phụ nữ xuất hiện hiện tượng có tên gọi “mặt nạ của thai kỳ”. Đó là vùng da bị thâm xung quanh mắt của bạn sẽ bắt đầu mờ dần. Những phụ nữ bị mụn trứng cá trong thai kỳ sẽ thấy làn da của họ bắt đầu sáng dần. Tuy nhiên, những phụ nữ khác lại bắt đầu bị nổi mẩn đỏ quanh miệng và cằm hoặc da bị khô hơn. Mọi tình trạng sau sinh trên sẽ hết trong vòng vài tuần.

Ngực thay đổi

Ngực của bạn có thể sẽ trở nên đỏ ửng, sưng, đau và căng sữa trong một hoặc hai ngày sau khi sinh. Một khi sưng đau giảm dần, trong khoảng 3-4 ngày (hoặc cho đến khi bạn ngừng cho con bú), ngực của bạn sẽ có thể bắt đầu chảy xệ như một kết quả của việc da bị căng kéo dài.

nhung-thay-doi-thuong-gap-sau-khi-sinh

Bụng thay đổi

Ngay khi em bé chào đời, tử cung của bạn vẫn còn cứng và tròn. Trong khoảng sáu tuần, nó sẽ chỉ nặng gần 60g và không còn cảm nhận được bằng cách nhấn vào bụng. Đường nâu bí ẩn mà bạn có ở giữa vùng bụng dưới trong thời gian mang bầu sẽ biến mất. Nhưng, thật tiếc khi những vết rạn da đang phát triển trên da bạn sẽ không biến mất trong tương lai gần.

Vết rạn da thường có màu đỏ sáng trong một thời gian ngắn, rồi chúng sẽ trở thành màu bạc và bắt đầu “hoàn tan” với màu da của bạn. Ngoài ra, ngay cả những bà mẹ giữ dáng chặt chẽ nhất cũng sẽ gặp vấn đề da nhẽo ở khu vực bụng trên sau sinh. Nếu vậy, bạn hãy đứng lên ngồi xuống, tập vài tư thế yoga nhất định, cùng các bài tập bụng khác để giúp bụng phẳng như trước đây.

Đau lưng

Bởi bạn sẽ mất một thời gian để các cơ bụng bị kéo căng trở lại khỏe mạnh, cơ thể của bạn sẽ tạo thêm trọng lượng vào các cơ lưng của bạn. Điều này có thể dẫn đến đau lưng cho đến khi các cơ bụng thắt chặt lại. Một bà mẹ mới sinh cũng có thể bị gây đau lưng do tư thế không đúng khi mang thai. Nói chung, những rắc rối này cần được xử lý trong sáu tuần đầu tiên sau sinh. Nếu không, bạn sẽ phải gặp một bác sĩ chỉnh hình xương khớp…

nhung-thay-doi-thuong-gap-sau-khi-sinh

Không tự chủ được việc đi tiểu

Nếu không có em bé ép lên bàng quang của bạn nữa, bạn sẽ không đi tiểu thường xuyên. Nhưng áp lực lên niệu đạo trong lúc sinh nở có thể làm cho việc đi tiểu sau sinh của bạn gặp khó khăn. Các bà mẹ mới sinh cũng có thể gặp vấn đề đi tiểu không tự chủ hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu, mà có thể gây ra cảm giác bỏng rát khi đi tiểu.

Táo bón

Nếu bạn bị táo bón trong thời kỳ thai nghén, bạn vẫn có thể gặp rắc rối với táo bón, ngay cả sau khi bạn sinh con. Thủ thuật cắt tầng sinh môn có thể làm cho việc di chuyển của ruột bị đau. Vì thế, một chế độ ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước, sữa, cùng nước trái cây có thể giúp giảm đau.

Đau âm đạo và tiết dịch

Âm đạo của bạn có thể trở nên căng và đau sau sinh. Nếu bạn đã cắt tầng sinh môn, sử dụng túi lạnh ngay sau khi sinh có thể giúp giảm bớt sự khó chịu. Một thời gian ngắn sau khi vượt cạn, bạn sẽ bắt đầu thấy chất dịch âm đạo tiết ra, chủ yếu là máu, đó những gì còn lại của nội mạc tử cung sau khi sinh con. Chất này được gọi là sản dịch và tình trạng này có thể kéo dài trong vài tuần. Nếu bạn đang cho con bú vào thời điểm đó, bạn có thể gặp tình trạng khô âm đạo. Hãy tìm một chất bôi trơn âm đạo hòa tan trong nước để giảm đau.

Đổ mồ hôi

Sau khi em bé chào đời, bạn có thể bắt đầu thấy mồ hôi tiết ra quá nhiều vào ban đêm. Điều này là do cơ thể bạn đang loại tất cả các chất lỏng nó tích lũy được trong quá trình mang thai của bạn.

Tràn đầy năng lượng

Bên cạnh những thay đổi sau sinh gây khó chịu cho mẹ bầu thì cũng có cả những thay đổi tích cực. Một số bà mẹ mới sinh nói rằng họ cảm thấy tràn đầy năng lượng hơn so với trước khi mang bầu. Trên thực tế, khả năng luyện tập aerobic của một người phụ nữ có thể tăng lên đến 20 % trong 6 tuần đầu tiên sau sinh. Trong khi những người phụ nữ khác nói rằng do kiệt sức vì sinh nở, chăm sóc con, và trọng lượng cơ thể dư thừa làm cho họ cảm thấy chậm chạp và buồn rầu.

Theo Ngọc Dung/Afamily.vn

9 phản xạ đầu tiên của bé khi ‘da tiếp da’ với mẹ sau sinh

‘Skin to skin’ không chỉ giúp các mẹ truyền tình yêu thương, lòng tin tới con mà còn giúp các bé phát huy tốt phản xạ sinh tồn ngay khi chào đời.

Những giờ đầu tiên sau khi sinh là một trong những giai đoạn quan trọng đánh dấu mốc về sự phát triển riêng biệt cả thể chất cũng như tâm lý của từng trẻ ngay sau khi chào đời. Skin to skin là phương pháp mẹ ấp con da – tiếp – da sớm sau khi sinh bằng cách đặt em bé sơ sinh ở trần lên ngực trần của mẹ ngay sau khi sinh hoặc sớm nhất có thể sau khi sinh.

Cở sở của phương pháp da tiếp da bắt nguồn từ những nhiên cứu của Alberts năm 1994 trên một số loài vật về những bản năng sơ sinh cần thiết cho sự sinh tồn. Việc duy trì “môi trường cơ thể mẹ” ngay sau khi sinh là điều kiền cần để kích hoạt những hành vi bẩm sinh, dẫn đến việc bú mẹ thành công và nhờ đó đảm bảo sự sinh tồn. Có 9 giai đoạn sơ sinh xảy ra cụ thể khi một em bé được da tiếp da với mẹ trong giờ đầu sau sinh:

Giai đoạn 1: Tiếng khóc đầu tiên

Giai đoạn đầu tiên là tiếng khóc sau khi sinh. Tiếng khóc đặc biệt này xảy ra ngay lập tức sau khi sinh giúp phổi của bé mở rộng.

Giai đoạn 2: Thư giãn

Trong giai đoạn thư giãn, trẻ sơ sinh không cử động miệng và tay chân bé để thoải mái. Giai đoạn này thường bắt đầu khi tiếng khóc sinh đã dừng lại. (Các em áp dụng phương pháo skin to skin sẽ được phủ bởi một lớp chăn ấm hoặc khăn khô).

Giai đoạn 3: Thức giấc

Khoảng 3 phút sau khi sinh, trẻ sẽ có các cử động ở đầu, vai.

Giai đoạn 4: Hoạt động

Trong giai đoạn này, trẻ sơ sinh bắt đầu có chuyện động miệng và các phản xạ khác cũng rõ ràng hơn. Giai đoạn này thường bắt đầu khoảng 8 phút sau khi sinh.

Giai đoạn 5: Nghỉ ngơi

Tại bất kỳ điểm nào, các em bé có thể nghỉ ngơi. Các em bé có thể có thời gian nghỉ ngơi giữa các giai đoạn hoạt động trong suốt những giờ đầu tiên hoặc lâu hơn sau khi sinh.

9-phan-xa-dau-tien-cua-be-khi-da-tiep-da-voi-me-sau-sinh

Ảnh minh họa.

Giai đoạn 6: Di chuyển

Hay còn gọi là giai đoạn “thu thập dữ liệu”. Các bé sẽ dần tiếp cận bầu sữa mẹ với việc trườn bò hoặc sử dụng miệng để tìm kiếm. Giai đoạn này thường bắt đầu khoảng 35 phút sau khi sinh.

Giai đoạn 7: Làm quen

Trong giai đoạn này, trẻ sơ sinh làm quen với các mẹ bằng cách liếm núm vú. Giai đoạn này thường bắt đầu khoảng 45 phút sau khi sinh và có thể kéo dài trong 20 phút hoặc nhiều hơn.

Giai đoạn 8: Đòi ăn

Trẻ sơ sinh bắt đầu tìm được núm vú và đòi ăn. Giai đoạn này bắt đầu khoảng một giờ sau khi sinh. Với những người mẹ có dùng thuốc giảm đau hoặc gây mê khi sinh sẽ mất nhiều thời gian hơn để áp dụng phương pháp da tiếp da cũng như hoàn thành các giai đoạn cho bé.

Giai đoạn 9: Ngủ

Các bé, thậm chí là cả các mẹ sẽ cảm thấy mệt mỏi và cùng có một giấc ngủ ngon ngay sau khi sinh. Các bé thường ngủ khoảng 1,5 đến 2 giờ sau khi chào đời.

Các lợi ích của phương pháp skin to skin:

– Duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định của trẻ sơ sinh

– Điều hòa hơi thở, nhịp tim

– Giúp phát triển về lượng đường và cân nặng của trẻ

– Giúp các bé ngủ sâu

– Kích thích mạnh mẽ các phản xạ sinh tồn của bé, trong đó có phản xạ tìm núm vú và mút vú được phát huy tối đa.

Theo Hà Lê/Ngoisao.net

3 bộ phận cần quan tâm chăm sóc sau khi sinh

Bầu ngực, vùng kín và mái tóc là những bộ phận cần được quan tâm đặc biệt sau sinh nở.

Sau sinh nở, các mẹ thường có tâm lý dành nhiều thời gian cho con mà quên mất một việc quan trọng là chăm sóc chính bản thân mình. Có những bộ phận cần nhận được sự quan tâm đặc biệt bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mẹ và cả của em bé như vùng kín hay bầu ngực.

Như đối với vùng kín, sau ca sinh nở, đây là bộ phận bị tổn thương nhiều nhất. Vì vậy nếu không được chăm sóc, vệ sinh sạch sẽ rất dễ có nguy cơ nhiễm trùng. Hay đối với bầu ngực, là bộ phận trực tiếp tiết ra sữa mẹ để cho con tu ti, vì vậy bộ phận này đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Dưới đây là những hướng dẫn về cách chăm sóc sức khỏe sau sinh, mẹ nên tham khảo:

Bầu ngực

Để đảm bảo việc nuôi con bằng sữa mẹ, người mẹ phải chú ý giữ vệ sinh và chăm sóc bầu ngực. Trước và sau khi cho con bú phải làm vệ sinh nhũ hoa sạch sẽ. Do sữa và mồ hôi tiết ra, có lúc trên đầu ti sẽ có cáu bẩn tích lại, nên dùng nước ấm rửa nhẹ nhàng cho đến khi sạch. Mẹ cho con bú phải mặc áo lót phù hợp để tránh không bị xệ ngực, bảo đảm lưu thông tuần hoàn máu.

3-bo-phan-can-quan-tam-cham-soc-sau-khi-sinh

Việc chăm sóc ngực rất quan trọng cho hành trình nuôi con bằng sữa mẹ. (ảnh minh họa)

Chị em cũng cần phải đề phòng đầu ti bị nứt hay nhiễm khuẩn. Da trên đầu ti, quầng ti của người mới sinh con rất mềm và mỏng, dễ bị nứt. Khi cho con bú phải cho cả đầu ti và quầng ti vào miệng con, không nên cho con ngậm đầu ngực trong miệng quá lâu. Nếu đầu ti bị nứt cần phải điều trị kịp thời để tránh bị nhiễm khuẩn, đồng thời tạm dừng cho trẻ bú cho đến khi vết nứt lành hẳn.

Mẹ có thể mát-xa bầu ngực trong thời kỳ sau sinh để thúc đẩy tuần hoàn máu và cung cấp dinh dưỡng cho bầu ngực, giảm bớt hoặc loại trừ nguy cơ bị tắc tia sữa. Phương pháp mát-xa cụ thể như sau: rửa sạch hai tay, dùng khăn mặt đã được khử khuẩn (bằng cách hấp) và vẫn còn hơi nóng đắp lên toàn bộ bầu ngực, xoa bóp và ấn nhẹ nhàng vào bầu ngực theo hướng từ ngoài vào trong để cho sữa tiết ra, cũng có thể phối hợp dùng dụng cụ hút sữa. Có thể tự mình làm hoặc nhờ người thân làm giúp, tuy nhiên mẹ phải chú ý không được dùng lực quá mạnh.

Vùng kín

Sau khi sinh con, tầng sinh môn của phần lớn các bà mẹ bị rách và phải khâu. Do tầng sinh môn ở khá gần niệu đạo và hậu môn nên rất dễ bị nhiễm khuẩn, vì vậy, chăm sóc giữ gìn tầng sinh môn sạch sẽ là một việc làm rất quan trọng.

Cách giữ vệ sinh như sau: mỗi ngày phải dùng dung dịch phụ nữ hoặc nếu không có thì dùng nước ấm pha chút muối loãng rửa tầng sinh môn hai lần, chăm chỉ thay băng vệ sinh, sau khi đại tiện phải rửa sạch bên ngoài bằng xà phòng và nước ấm. Cách rửa cũng rất quan trọng để tránh bị nhiễm trùng, trước tiên là rửa âm hộ và hai âm môi, sau đó mới đến hậu môn. Không nên rửa từ hậu môn rồi mới đến âm hộ để tránh đưa những chất bẩn từ hậu môn sang âm hộ. Trong vòng 6-8 tuần sau khi sinh cần tránh không sinh hoạt vợ chồng.

3-bo-phan-can-quan-tam-cham-soc-sau-khi-sinh

Tóc rụng sau sinh là hiện tượng bình thường. (ảnh minh họa)

Tóc

Sau sinh, lượng hóc-môn trong cơ thể người phụ nữ dần dần trở lại trạng thái bình thường, nên trong thời gian 2 – 7 tháng sau sinh, tóc rụng hàng loạt trong thời gian ngắn ảnh hưởng đến tâm lý sản phụ. Áp lực tinh thần tác dụng lên chức năng sinh lý làm cho rụng tóc càng nghiêm trọng.

Không cần phải điều trị khi có hiện tượng rụng tóc sau sinh. Tóc sẽ ngừng rụng trong một thời gian ngắn, tóc mới sẽ mọc lên. Tuy nhiên cần áp dụng một số trị liệu đối với những tổn thương về mặt tinh thần do rụng tóc gây ra:

– Cần tâm lý thoải mái

– Chăm sóc tốt cho tóc.

– Chú ý gội đầu cần lựa chọn dầu gội trung tính, dùng ngón tay massage da đầu, giúp tuần hoàn máu tốt hơn để nhanh mọc tóc.

– Không dùng lược cứng để chải đầu, không nên làm kiểu đầu quá phức tạp hoặc sử dụng hóa chất.

– Giữ gìn trong sinh hoạt.

– Cần nghỉ ngơi, tăng cường dinh dưỡng, hạn chế thực phẩm nhiều mỡ, uống nhiều nước, vitamin liều lượng thích hợp.

Theo Chi Chi/Eva.vn

The post 3 bộ phận cần quan tâm chăm sóc sau khi sinh appeared first on Tin Sức Khỏe.

5 điều cần tránh khi nuôi con bằng sữa mẹ

Trẻ được nuôi nấng bằng sữa mẹ là một điều hạnh phúc cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, các bà mẹ nên biết về 5 điều cần tránh khi nuôi con bằng sữa mẹ như ở dưới đây.

Tin liên quan:

  • Nên nuôi con bằng sữa mẹ
  • Nuôi con sinh đôi bằng sữa mẹ
  • 3 sự thật khi nuôi con bằng sữa mẹ

1. Bỏ qua sữa non

Sữa non là loại sữa mẹ tiết ra vào tuần đầu sau khi sinh. Nó có màu vàng sậm, sánh, rất giàu protein. Sữa non không chỉ chứa dưỡng chất cần thiết cho bé sơ sinh mà còn có một hàm lượng lớn các chất kháng thể và bạch cầu giúp bé chống lại các loại bệnh tật. Sữa non cũng chứa nhiều nguyên tố vi lượng không thể thiếu đối với trẻ sơ sinh như: sắt, đồng, kẽm. Theo các nghiên cứu thì tỉ lệ tử vong ở trẻ giảm một cách đáng kể nếu sau khi sinh vài giờ bé được bú loại sữa non quý giá này.
Một số bà mẹ thấy màu sắc sữa non có vẻ không đẹp nên đã bỏ đi không cho bé bú là một sai lầm lớn. Dù mẹ bé có ít sữa hay không có ý định nuôi bé bằng sữa mẹ thì lời khuyên của các chuyên gia vẫn là: nhất định phải cho bé được bú sữa non.

2. Cho ăn trước khi cho bú

Không ít bà mẹ lại cho bé bú sữa công thức hoặc uống nước đường trước khi cho bé bú mẹ. Hệ lụy đầu tiên của việc này là bé sẽ không thích ăn sữa mẹ. Đơn giản là vì sữa bột thường ngọt hơn so với sữa mẹ và núm vú của bình sữa thường dễ mút hơn so với ti mẹ. Hệ lụy tiếp theo là người mẹ sẽ bị tổn thương về tinh thần, mang áp lực trong tâm lý bởi ý nghĩ mình không đủ sữa nên con mới chê không bú. Ngoài ra khi bị “ế”, sữa mẹ dễ bị chua, mất chất và thậm chí có thể ứ đọng mà gây ra viêm tuyến vú ở mẹ.

Có rất nhiều điều cần tránh khi nuôi con bằng sữa mẹ.

3. Dễ dàng từ bỏ việc cho bé bú

Sữa mẹ vừa có tác dụng to lớn đối với sự phát triển của bé vừa là sợi dây bền chắc liên kết tình cảm giữa hai mẹ con, vậy mà nhiều bà mẹ lại dễ dàng từ bỏ việc cho con bú. Có thể khi mới bắt đầu cho bé bú các mẹ sẽ gặp không ít khó khăn, nhưng điều này chưa chắc là do mẹ thiếu sữa mà có thể do vài nguyên nhân khách quan gây nên. Các mẹ đừng dễ dàng từ bỏ công việc thiêng liêng này. Hãy tìm hiểu lý do bé từ chối sữa mẹ để khắc phục kịp thời.
Bé bị bệnh? Bé sơ sinh có thể mắc một số bệnh như: nôn trớ, đi ngoài, vàng da, co giật khiến bé không muốn bú mẹ. Mẹ nên mang bé đến viện để bác sĩ theo dõi và chữa trị kịp thời.
Khoang mũi hoặc khoang miệng có vấn đề? Khi bị cảm, bé sơ sinh có thể ngạt mũi hoặc bị tưa lưỡi, viêm miệng.Nếu bé ngạt mũi nên nhanh chóng làm thông khoang mũi cho bé. Bé bị tưa lưỡi, viêm miệng thì có thể dùng thuốc tím bôi vào khoang miệng cho bé mỗi ngày ba lần.
Khả năng mút sữa kém? Những trẻ sinh ra có thể trọng dưới 1800g có thể gặp khó khăn trong việc bú mẹ. Khi đó mẹ có thể vắt sữa ra, dùng thìa nhỏ bón sữa cho bé cho đến khi bé có thể bú mút dễ dàng.
Bé và mẹ đã từng bị xa cách? Sau một thời gian xa cách (do mẹ bị bệnh hoặc phải đi làm) có thể bé sẽ từ chối không bú mẹ. Mẹ hãy bằng tình yêu vô bờ của mình và tùy vào tính cách của bé để kiên nhẫn “dụ dỗ”, đánh thức khát vọng bú mẹ của bé.

4. Cho bé bú quá lâu

Thời gian bú mỗi bầu vú là khoảng 10 phút. Trong 10 phút đó, hai phút đầu tiên bé có thể bú được khoảng 50% tổng lượng sữa có trong bầu vú. Hai phút tiếp theo bé có thể bú được 80-90% tổng lượng sữa, còn sáu phút cuối hầu như bé không bú được bao nhiêu. Tuy nhiên sáu phút này cũng vô cùng cần thiết bởi việc bú mút sẽ kích thích tuyến sữa để làm tăng thêm lượng sữa tiết ra cho lần bú sau. Hơn nữa việc này có thể tăng thêm tình cảm mẹ con.

Những bất lợi khi cho bé bú quá lâu:

- Trong sữa mẹ khi bé mới bú có hàm lượng protein cao, hàm lượng chất béo thấp. Bé càng bú lâu thì lượng protein giảm dần trong khi lượng chất béo tăng cao nên dễ gây đau bụng đi ngoài cho bé.
- Bú quá lâu, bé sẽ hít vào khá nhiều không khí dễ gây ra đầy bụng, nôn trớ…
- Bé ngậm ti mẹ quá lâu sẽ khiến phần da ở đầu ti dễ bị viêm nhiễm.

Làm thế nào để bé tăng tốc khi bú?

Nếu bé vừa bú vừa ngủ hoặc chỉ ngậm ti mẹ chứ không bú mẹ có thể dùng ngón tay xoa xoa dái tai bé, nhẹ nhàng kéo ngón tay hoặc ngón chân bé, thử rút đầu ti ra khỏi miệng bé… để kích thích bé tăng nhanh tốc độ bú.

5. Cho bé bú khi đang tức giận

Không nên cho bé bú khi mẹ đang tức giận vì việc mẹ cáu có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh giao cảm khiến một lượng lớn noradrenalin được phóng thích ra, đồng thời rất nhiều adrenaline cũng tiết ra. Khi hai loại chất này tiết ra quá nhiều, cơ thể mẹ sẽ xuất hiện một số hiện tượng như: tim đập nhanh, mạch máu bị thu nhỏ, huyết áp tăng cao ảnh hưởng đến chất lượng sữa.
Sau khi mẹ tức giận trong cơ thể mẹ có tiết ra một loại độc tố. Nếu bé thường xuyên bú loại sữa có chất độc hại này các chức năng của một số cơ quan nội tạng quan trọng như: tim, gan, thận, lá lách có thể bị ảnh hưởng khiến cho khả năng kháng bệnh của bé không tốt, chức năng tiêu hóa suy giảm, bé sẽ chậm phát triển.
Bởi vậy trong thời gian cho con bú người mẹ nên hạn chế tối đa việc nóng giận. Nếu mẹ tức giận hoặc vừa nguôi giận tốt nhất không nên cho bé bú ngay. Muốn cho bé bú, tốt nhất là nên để mẹ nguôi giận sau nửa ngày hoặc một ngày và khi cho bú hãy vắt bớt một phần sữa đầu tiên đi, sau đó dùng khăn sạch lau khô đầu ti rồi mới cho bé bú.
Theo Meyeucon
The post 5 điều cần tránh khi nuôi con bằng sữa mẹ appeared first on Tin Sức Khỏe.

Những triệu chứng sau sinh không nên coi thường

Sau khi mẹ tròn con vuông, nhiều phụ nữ không may có thể mắc một số bệnh lý sau sinh như són tiểu, đâu đầu, đau mỏi khớp…

Nhỏ to không biết kể cùng ai

Chị Nguyễn Thu Hằng (Quang Trung – Hà Đông) ở thời con gái chị rất khỏe. Nhưng chỉ sau khi sinh con được 4 tuần chị có bắt đầu dấu hiệu của bệnh đau đầu. Vì chị phải thức đêm chăm sóc con và ăn uống không đủ chất làm cơ thể mệt mỏi suy nhược sau khi sinh một tháng chị giảm tử 57kg xuống còn 54 kg và từ đó dấu hiệu của những cơn đau đầu triển miên cứ hành hạ. Không thể chịu nổi với những cơn đau đầu chị đi khám và bác sĩ cho biết chị và rất nhiều phụ nữ sau sinh khác do lần đầu tiên sinh nở, thiếu kinh nghiệm trong việc chăm sóc con dẫn đến thần kinh căng thẳng, ăn uống không đủ chất nên thiếu máu và lao động quá nặng nhọc là những nguyên nhân  dẫn tới đau đầu hoặc nặng đầu. Nếu ngủ đủ, ăn đủ chất, lao động phù hợp thì các triệu chứng có thể giảm nhẹ.

Với chị Nguyễn Hạnh (Cổ Nhuế – Từ Liêm) lại có những dấu hiệu khác của việc sau sinh vì trong quá trình mang thai, chị  lại mang thai đôi, các khớp của cơ thể giãn ra chống đỡ lấy thai nhi. Nên sau khi sinh chị  không kiêng cữ được và làm việc vất vả hơn so với các bà mẹ khác, dẫn đến các khớp tay, khớp chân của chị đau nhức nhất vào những hôm trời trở lạnh thì càng đau dữ dội. Đôi khi mẹ chồng chị không hiểu cho rằng chị rên rỉ để tránh làm việc nhà.

Khác với chị Hằng, chị Hạnh sau khi sinh con thứ hai, chị Nguyễn Hạnh (Thị trấn Núi Trúc – Chương Mỹ, Hà Nội, 29 làm công việc hành chính). Với công việc làm văn thư phòng một cửa chuyên trả hồ thủ tục hành chính nhiều khi đang phải trả hồ sơ chị phải cắt ngang đi tiểu đến mấy lần. Đi vệ sinh nhiều chị cũng thấy ngại với đồng nghiệp nhưng không thể nào “nhịn” được, “nhịn cố” lại thành ra “ướt quần”.

Nhiều khi mọi người nghĩ chị là “chảnh” cứ làm việc tí đứng lên như gây khó khăn cho người khác. Vậy là, rút kinh nghiệm, những ngày sau chị sử dụng tả giấy chuyên dùng cho trẻ sơ sinh. Đi đến đâu chị cũng phải mang tã vì không thể kiểm soát được tình trạng vệ sinh của mình. Sau thời gian, thấy tình trạng này cứ kéo dài gây cản trở cho công việc của chị và các lần đi tiểu lắt nhắt ngày càng nhiều hơn, chị đi khám và được bác sĩ cho biết chị mắc bệnh tiểu không tự chủ và  bác sĩ khuyên chị càng điều trị sớm càng tốt để tránh những hậu quả sau này.

nhung-trieu-chung-sau-sinh-khong-nen-coi-thuong

Ảnh minh họa

Chớ coi thường một vài triệu chứng sau sinh

Theo bác sĩ chuyên khoa sản Cao Phương Thảo – Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Hà Nội người phụ nữ trong lúc mang thai các cơ, khớp đều bị giãn ra để chống đỡ thai nhi. Sau sinh khoảng 2 tuần các cơ của người phụ nữ bắt đầu phục hồi, còn nếu phục hồi kém dẫn đến viêm khớp, đau khớp, khí huyết suy nhược, cơ thể nhiễm gió lạnh, gây tổn hại dây thần kinh và tạo nên sự xơ cứng.

Ngoài ra, thiếu vitamin B12 cũng dẫn đến cản trở dây thần kinh ngoại vi, gây ra tê, đau khớp. Hiện tượng này hoàn toàn có thể khắc phục được bằng cách nghỉ ngơi hợp lý, vận động thể thao phù hợp, ăn thức ăn có nhiều can xi và tránh hoạt động nặng nhọc.

Són tiểu, hay tiểu không tự chủ, vì khi mang thai tử cung giãn tối đa làm cho sản phụ són tiểu và đi tiểu nhiều, phản xạ này sẽ kéo dài cả sau khi sinh. Ngoài ra sau khi sinh, quá trình gắng sức để vượt cạn, các cơ xung quanh bàng quang và niệu đạo sản phụ trở nên yếu, từ đó khó kiểm soát được việc tiểu tiện. với những chị em mắc chứng khó kiểm soát tiểu tiện này thì ngay khi buồn tiểu, tức tức bụng nên đi tiểu luôn không nên cố nhịn sẽ rất nguy hiểm.

Đối với nhiều chị em cho rằng són tiểu không nguy hiểm đến sức khỏe nhưng nó ảnh hưởng đến công việc sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy chị em cần đến bác sĩ để có những biện pháp sử lý rất điểm cho căn bệnh này.

Các chị em cần lưu ý vệ sinh sạch sẽ, lao động nhẹ nhàng, ăn nhiều chất xơ, rau xanh để tránh táo bón, phục hồi cơ thể, các cơ, dây chằng đàn hồi tốt hơn…Tránh dùng các chất kích thích như bia, cà phê, các loại nước có chứa cồn vì có thể làm tăng hoạt động bàng quang và dẫn đến rò rỉ nước tiểu. Ngoài ra, hạn chế dùng sô cô la, thức ăn cay hoặc một số thực phẩm có tính axit như cà chua… vì có thể làm cho tình trạng mất kiểm soát khi đi tiểu trở nên tồi tệ hơn.

Bác sĩ Thảo cho biết thêm còn với những triệu chứng đau đầu ở phụ nữ sau sinh nó biểu hiện ở hai bên thái dương cắn nhức, nặng đầu, choáng váng, cơ thể hư nhược hoặc người bệnh vốn có chứng bệnh đầu thống sau đẻ lại càng đau tăng. Sau khi đẻ cần tránh gió, lạnh; không ăn các chất sống, lạnh. Tránh những chân động mạnh gây ảnh hưởng đến tâm lý. . Nếu có biểu hiện đau đầu keo dài theo từng cơn cần phải đi khám bác sĩ để có phương pháp điều trị tốt nhất.

Theo Afamily.vn

“Vùng kín” phụ nữ thay đổi thế nào sau sinh?

Sau khi sinh em bé, thay đổi ở “vùng kín” của người phụ nữ có thể là niêm mạc tử cung bong ra, tử cung co lại vị trí ban đầu hoặc rộng hơn bình thường…

Em mới sinh con được 1 tháng, hiện tại sức khỏe của 2 mẹ con đều tốt. Tuy nhiên, em có một rắc rối nhỏ mong được bác sĩ tư vấn như sau. Từ sau khi sinh đến nay, em vẫn chưa hết sản dịch nên em rất lo lắng. Hai hôm nay lại thấy ra máu đỏ và tươi hơn mấy hôm trước (mấy hôm trước thì thấy nhạt màu rồi, tưởng là sắp hết nên em chỉ dùng băng vệ sinh hàng ngày thôi). Em không biết mình có vấn đề gì không? Có phải do em vận động nhiều quá không hay là do âm đạo của em thay đổi, bị rộng quá sau khi sinh nên sản dịch mới ra nhiều như vậy? Bác sĩ cho em hỏi, sau khi sinh, có những thay đổi như thế nào ở “vùng kín” của người phụ nữ?

Em mong bác sĩ tư vấn giúp em để em yên tâm hơn vì em sợ ngày nào cũng lo lắng thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn sữa cho con. Em xin cảm ơn bác sĩ! - (Xuân Mai)

vung-kin-phu-nu-thay-doi-the-nao-sau-sinh

BS. Hoa Hồng tư vấn:

Bạn Xuân Mai thân mến,

Trước hết, chúng tôi khuyên bạn không nên quá lo lắng vì lo lắng sẽ ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của nhất, nhất là khi bạn mới sinh em bé.

Sau đó, bạn cần biết rằng sản dịch sau khi sinh là hoàn toàn bình thường ở phụ nữ sau sinh (kể cả sinh mổ và sinh thường). Đây là do một trong những thay đổi ở “vùng kín” của người phụ nữ sau khi sinh (niêm mạc tử cung bong ra). Quá trình này thường kéo dài từ 2- 6 tuần. Trong 3 ngày đầu, sản dịch ra nhiều có màu đỏ tươi. Sau đó màu máu nhạt dần, có màu hồng nhạt, giống như dịch loãng. Tiếp theo từ 7- 10 ngày sau sinh, trong máu sinh có mang một lượng tế bào, niêm mạc nên có màu vàng nhạt và màu trắng còn gọi là máu sinh trắng.

Trước khi sinh, tử cung cần được mở rộng để cho em bé chui ra ngoài dễ dàng. Do vậy sau khi sinh chính là lúc tử cung hoàn thành sứ mệnh và bắt đầu quá trình hồi phục.Tại thời điểm này niêm mạc tử cung sẽ hoại tử, bị xơ hóa mà bong ra lẫn với những cục máu đông nhỏ từ vết thương nơi nhau bám và chất nhầy tử cung thoát ra ngoài. Đó chính là máu sinh hay thường gọi là sản dịch.

Thông thường trong vòng 20 ngày thì sản dịch sẽ ra hết. Tuy nhiên một số ít sản phụ bị kéo dài đến 45 ngày, tùy điều kiện sức khỏe của mỗi người.

Nếu thời gian ra sản dịch kéo dài hơn 3 tuần, hoặc ngắn hơn, hoặc về khối lượng, màu sắc, tính chất, mùi của sản dịch có gì bất thường, thì gọi là sản dịch dị thường. Nếu điều này xảy ra, chứng tỏ là khung chậu và cơ quan sinh sản đã bị nhiễm trùng, cần phải được thăm khám kịp thời.

Đây cũng không hẳn là do thay đổi ở âm đạo sau khi sinh em bé.

Âm đạo là một cơ vòng hình ống có tính đàn hổi với chiều dài khoảng 10cm, đường kính 2cm 5, phần ngoài tạo thành âm hộ, phần trong tiếp giáp với cổ tử cung. Khi sinh nở ống âm đạo phình to ra gấp 2 đến 3 lần tạo nên một ống xối cho thai nhi chui ra, tuy nhiên, sau đó, nhờ khả năng đàn hồi mà nó tự co lại như kích thước ban đầu (hoặc gần bằng kích thước ban đầu). Trường hợp ống âm đạo nở rộng khiến cho việc co lại vị trí ban đầu gặp khó khăn thường xảy ra ở những phụ nữ lớn tuổi sau khi sinh nở nhiều lần và liên tiếp, hoạt động sinh sản này làm rách, đứt các sợi cơ vòng ống âm đạo trong lúc rặn đẻ,hay sai sót trong việc khâu vá tầng sinh môn, sa tử cung…

Vì vậy, bạn không phải quá hoảng sợ về trường hợp sản dịch của mình kéo dài đến 1 tháng chưa hết. Tốt nhất bạn nên nghỉ ngơi để lại sức sau một cuộc “vượt cạn” vất vả và giữ cho tâm trạng, tinh thần tốt. Điều này cũng rất quan trọng trong việc giúp cho sản dịch được đẩy ra ngoài nhanh hơn.

Chúc mẹ con bạn vui, khỏe!

Theo TTVN.vn