Lưu trữ cho từ khóa: Sau khi sinh

Thai phụ mắc tiểu đường tăng gấp 3 lần nguy cơ bị nhiễm trùng

ANTĐ - Một nghiên cứu mới đây cho thấy phụ nữ mang thai mắc bệnh tiểu đường tăng gấp 3 lần nguy cơ bị các nhiễm trùng nguy hiểm so với thai phụ không mắc bệnh tiểu đường.

Dạng nhiễm trùng nguy hiểm có thể do MRSA (tụ cầu vàng kháng methicillin).

Nghiên cứu cho thấy tăng nguy cơ có liên quan với bệnh tiểu đường ảnh hưởng tới phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu thuộc đại học California, Los Angeles thì nguy cơ không xảy ra ở thai phụ không mắc bệnh tiểu đường.
Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Ảnh minh họa
Các kết quả này được đưa ra sau khi nhóm nghiên cứu phân tích dữ liệu gồm hơn 3,5 triệu phụ nữ tại một bệnh viện. Họ phát hiện 5% số bà mẹ bị tiểu đường trong thời gian mang thai và 1% bị tiểu đường trước khi mang thai. Có 600 ca nhiễm MRSA ở các bà mẹ sau khi sinh. Nguồn nhiễm hay gặp nhất là qua da, đường tiết niệu, cơ quan sinh dục, nhiễm trùng vết thương và nhiễm trùng máu.

Mặc dù nghiên cứu phát hiện ra mối liên quan giữa nguy cơ nhiễm MRSA ở thai phụ mắc bệnh tiểu đường song không chứng minh mối quan hệ nhân quả.

Linh Linh
Theo MM

Hiểu và vượt qua chứng trầm cảm sau sinh

(Webtretho) Những ngày sau khi sinh em bé, các bà mẹ bỗng trở nên vui, buồn bất chợt, dễ rơi nước mắt, tủi thân, hay lo âu, chán ăn, khó ngủ... đó chính là những biểu hiện của chứng trầm cảm sau sinh. 

Hiểu về trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh là bệnh mô tả một loạt những biểu hiện suy giảm về tinh thần lẫn thể chất, xảy ra với một số sản phụ trong thời kỳ hậu sản. Triệu chứng có thể xuất hiện vài ngày hoặc thậm chí vài tuần sau sinh, có thể xảy ra sau bất cứ lần sinh nào, không chỉ có ở đứa con đầu, có thể tự bớt trong một khoảng thời gian ngắn hoặc cũng có thể kéo dài.

Nếu sau khi sinh bé, mẹ cảm thấy suy sụp và bắt đầu có những ý nghĩ tiêu cực về bản thân và con, rất có thể mẹ đang ở trong tình trạng trầm cảm sau sinh. Ảnh: Inmagine.

Trầm cảm sau sinh có thể ở mức độ nhẹ qua những biểu hiện như tâm trạng đau buồn, suy sụp sau sinh, đánh giá thấp bản thân. Một số trường hợp biểu hiện ở mức độ nguy hiểm như có ý tưởng muốn tự sát hoặc những hành động làm chết chính con mình. Trầm cảm sau sinh dễ làm người phụ nữ mất khả năng chăm sóc trẻ an toàn, và nếu không điều trị, các triệu chứng có thể ngày càng xấu hơn và kéo dài thậm chí cả năm. Những bé có mẹ bị trầm cảm thường có nguy cơ phát triển không tốt về sức khỏe cũng như tâm lý về sau. 

Có vài yếu tố kết hợp làm tăng bệnh suất như: sinh con ở tuổi thành niên (dưới 20 tuổi), bà mẹ đơn thân hoặc sinh con ngoài ý muốn, mẹ hút thuốc lá hoặc có sử dụng thuốc gây nghiện trong thai kỳ. Trầm cảm sau sinh còn thường xuất hiện ở những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn về tài chính, thất nghiệp, không hài lòng với công việc, cô độc, không được giúp đỡ, có mối quan hệ không tốt với cha đứa trẻ hoặc người thân, hoặc gặp phải biến cố tâm lý lớn trong thời gian mang thai (như mất người thân)...

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy những yếu tố nguy cơ về tiền sử sản khoa đã đóng vai trò đáng kể trong việc hình thành những rối loạn trên như: tiền căn khi có thai, sẩy thai, tình trạng phát triển của một thai kỳ khó khăn từ các bệnh lý của mẹ và từ sự phát triển không bình thường của thai nhi như thai dị tật, thai suy dinh dưỡng, sanh con nhẹ cân.

Các triệu chứng điển hình của trầm cảm sau sinh

Triệu chứng của trầm cảm sau sinh cũng tương tự với triệu chứng của bệnh trầm cảm (rối loạn trầm cảm) gặp phải ở những thời điểm khác trong cuộc sống:

  • Khí sắc trầm cảm: Người bệnh hay than phiền rằng mình cảm thấy buồn, chán nản, trống rỗng, vô vọng hoặc "không còn tha thiết điều gì nữa".
  • Mất hứng thú với bất kỳ hình thức hoạt động nào mà trước đó họ rất thích như hoạt động tình dục, sở thích các công việc hàng ngày.
  • Ăn mất ngon: khoảng 70% có triệu chứng này và kèm theo sụt cân.
  • Rối loạn giấc ngủ: khoảng 80% bệnh nhân than phiền có một loại rối loạn nào đó của giấc ngủ.
  • Rối loạn tâm thần vận động: khoảng 50% bệnh nhân trở nên chậm chạp, trì trệ.
  • Mất sinh lực: hầu hết biểu hiện mệt mỏi mặc dù không làm gì nhiều, đa số bệnh nhân mô tả cảm giác cạn kiệt sức lực.

    Ngoài chán nản, cảm giác kiệt quệ dai dẳng là dấu hiệu thường gặp của chứng trầm cảm. Ảnh: Inmagine.

  • Mặc cảm, tự ti, thấy mình vô dụng và có lỗi: đánh giá thấp bản thân, thường tự trách mình và khuếch đại các lỗi lầm nhỏ nhặt của mình. Nặng hơn có thể đi đến hoang tưởng thậm chí có cả ảo giác.
  • Thiếu quyết đoán và giảm tập trung: 50% bệnh nhân than phiền suy nghĩ của mình quá chậm, tập trung kém và rất đãng trí. Ứng xử trở nên lúng túng do họ không thể đưa ra các quyết định.
  • Ý tưởng tự sát: nghĩ về cái chết, 1% bệnh nhân trầm cảm tự sát trong vòng 12 tháng kể từ khi phát bệnh; với các trường hợp tái diễn, 15% chết do tự sát.
  • Lo âu: căng thẳng nội tâm, lo sợ, đánh trống ngực, mạch nhanh, cồn cào bao tử. Các triệu chứng lo âu và trầm cảm đi kèm và đôi khi rất khó phân biệt.
  • Triệu chứng cơ thể: đau đầu, đau lưng, chuột rút, buồn nôn, táo bón, thở nhanh, thở sâu, đau ngực. Thường các triệu chứng này làm bệnh nhân trầm cảm đến với các cơ sở khám bệnh đa khoa thay vì tâm thần.
  • Các triệu chứng thường gặp như bồn chồn, khó chịu và dễ kích động, khó ngủ, mệt mỏi và những than phiền về cơ thể. Cảm xúc không ưa trẻ hay nghi ngờ trẻ cũng là những triệu chứng thường gặp và là triệu chứng phổ biến ở những phụ nữ bị trầm cảm.

Một bà mẹ bị trầm cảm sau sinh cũng có thể có các triệu chứng và biểu hiện sau sau:

  • Không thể tự chăm sóc cho bản thân và chăm sóc cho em bé.
  • Sợ hãi khi ở một mình cùng con.
  • Có những cảm xúc và ý nghĩa tiêu cực về con, thậm chí có suy nghĩ đến việc làm tổn hại chính con mình. Tuy những xúc cảm này là đáng sợ nhưng hầu hết họ sẽ không thực hiện. Gia đình cần phát hiện sớm để người mẹ được điều trị tâm lý kịp thời.
  • Lo lắng quá nhiều về bé hoặc tỏ ra không đoái hoài gì đến bé.

Chẩn đoán và điều trị

Các lời khuyên hữu ích cho bà mẹ trầm cảm sau sinh:

  • Yêu cầu bạn đời, người thân và bạn bè giúp chăm sóc bé và làm việc nhà.
  • Đừng che giấu cảm xúc với những người thân yêu nhất.
  • Không thực hiện những thay đổi lớn trong thời gian mang thai và ngay sau sinh (như chuyển việc, chuyển nhà... )
  • Đừng cố làm quá nhiều và quá cầu toàn.
  • Dành thời gian riêng tư với bạn đời hoặc đi thăm người thân.
  • Nghỉ ngơi bất kỳ lúc nào có thể và hãy cố ngủ khi em bé ngủ.

Trầm cảm sau sinh có thể điều trị bằng thuốc và qua sự giúp đỡ, hướng dẫn, tư vấn về tâm lý từ thầy thuốc và những người thân. Nhiều bà mẹ thường biểu hiện những triệu chứng trầm cảm kéo dài nhiều tháng trước khi bắt đầu điều trị. Mặc dù những triệu chứng trầm cảm có thể tự khỏi, nhưng nhiều bà mẹ vẫn còn trầm cảm đến một năm sau khi sinh con.

Trầm cảm sau sinh không thể được chẩn đoán chỉ qua một xét nghiệm đơn giản, hơn nữa bệnh còn có các triệu chứng tương đồng với một số bệnh khác, do vậy, bệnh nhân cần được xét nghiệm để loại trừ các bệnh trước khi có thể chẩn đoán mắc trầm cảm. Cùng vì thế, trầm cảm sau sinh thường được chẩn đoán ở cơ sở y tế thông thường chứ không phải là trong một phòng khám chuyên khoa tâm thần. Bên cạnh việc đánh giá các biểu hiện đặc trưng của trầm cảm, bác sĩ cũng có thể cho bệnh nhân trả lời một bảng hỏi để kiểm tra về xúc cảm, suy nghĩ và tâm lý.

Nếu được chẩn đoán trầm cảm, bạn sẽ được theo dõi ít nhất 6 tháng. Với các bà mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ, bác sĩ sẽ lưu ý để kê đơn thuốc trầm cảm đặc biệt có thể áp dụng cho bà mẹ đang cho con bú. Y bác sĩ nơi bạn thăm khám cũng có thể cho bạn lời khuyên khi nào nên đi khám tâm thần và còn có thể giới thiệu địa chỉ khám phù hợp cho bạn. 

Để khỏi hoàn toàn rối loạn tính khí, bất chấp có yếu tố thúc đẩy, việc điều trị bằng thuốc và/ hoặc liệu pháp choáng điện và liệu pháp tâm lý là cần thiết.

Dinh dưỡng cho bà mẹ đang cho con bú

(Webtretho) Trong sáu tháng đầu đời, sữa mẹ là một trong những nhân tố đóng vai trò quyết định đến sự phát triển của bé; mà chất lượng của sữa mẹ lại chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chế độ ăn uống và sinh hoạt. Vậy nên đây không còn là vấn đề cá nhân nữa, các bà mẹ hãy lưu tâm hơn đến nguồn dinh dưỡng mà mình thu nhận vào, vì sức khỏe của những đứa con thơ.

Cũng giống như khi mang thai, sau khi sinh các bà mẹ nên duy trì chế độ ăn uống hoàn hảo. Vậy thế nào được coi là một chế độ ăn uống hoàn hảo đối với phụ nữ trong giai đoạn cho con bú?

Người mẹ cần được tẩm bổ một cách khoa học trong thời kỳ cho con bú. Ảnh: Inmagine

Chế độ dinh dưỡng hoàn hảo cho mẹ

Đó là chế độ ăn bao gồm nhiều loại vitamin, khoáng chất, các chất đạm cần thiết. Theo các chuyên gia, bà mẹ đang trong giai đoạn cho con bú nên bổ sung khoảng 2.700 đơn vị calo mỗi ngày (nhiều hơn 500 đơn vị calo so với những người bình thường). Quan trọng nhất, nhóm 3 chất carbohydrate, sắt, nước… tuyệt đối không thể vắng mặt trong thực đơn hàng ngày của các mẹ.

Nếu thiếu carbohydrate, chất có chức năng tiếp tế và cung cấp năng lượng cho cơ thể, các mẹ sẽ nhanh chóng có cảm giác hụt hơi, kiệt quệ ngay sau bữa ăn, hậu quả là tình trạng ngủ gật ngay khi đang cho con bú. Vậy nên bạn hãy sử dụng các loại thực phẩm giàu carbonhydrate như ngũ cốc, các loại đậu, hạt, trái cây sấy, tinh bột, bánh mì... Trứng và phô mai tuy được liệt vào nhóm thực phẩm nghèo carbonhydrate nhưng lại là nguồn cung cấp protein dồi dào, có tác dụng làm chậm và kéo dài quá trình tiêu tán carbohydrate trong mạch máu.

Thiếu sắt là triệu chứng phổ biến ở các bà mẹ trong thời kỳ mang thai và trong giai đoạn hậu sản, gây nên tình trạng mệt mỏi kéo dài. Thủ thuật để bổ sung chất sắt hiệu quả nhất là uống thêm nước trái cây. Các vitamin trong nước trái cây sẽ thúc đẩy quá trình hấp thụ chất sắt trong cơ thể diễn ra nhanh và mạnh hơn.

Tuy nhiên, các bà mẹ nên thận trọng khi bổ sung bơ đậu phộng vào khẩu phần. Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm trước nguy cơ bị dị ứng với các chất có trong bơ đậu phộng có thể truyền vào cơ thể bé thông qua sữa mẹ. Nguy cơ này đặc biệt cao khi gia đình bạn có tiền sử các bệnh dị ứng thực phẩm, hen suyễn, chàm bội nhiễm và sốt vào mùa hè. Có thể bạn nên kiêng hoàn toàn bơ đậu phộng cho đến khi ngừng cho bé bú .

Ích lợi cho bà mẹ cho con bú

Nuôi con bằng sữa mẹ đòi hỏi sự chăm sóc nhiều hơn, công phu hơn nhưng cũng sẽ đổi lại bằng những ích lợi khác như:

- Nuôi con bằng sữa mẹ là một trong những biện pháp giảm cân hiệu quả nhất. Mỗi ngày người mẹ có thể tiêu hao 500 calo sau khi cho con bú, tương đương với chạy bộ trên chặng đường dài 6,5-8km.

- Tử cung co lại kích thước bình thường nhanh hơn. Khi mẹ cho con bú, oxytocin sản sinh sẽ gây ra sự co bóp nhẹ, giúp tử cung co lại kích thước bình thường.

- Giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư. Các nghiên cứu chỉ ra rằng cứ mỗi năm cho con bú, người mẹ sẽ giảm nguy cơ bị ung thư vú tới 10%. Cho con bú còn làm giảm nguy cơ bị ung thư buồng trứng và tử cung.

Món ăn hoàn hảo cho mẹ

Là những món ăn giới hạn về lượng để mẹ có thể nhanh chóng lấy lại vóc dáng thon thả, trong khi vẫn dồi dào các chất dinh dưỡng cần thiết đảm bảo sức khỏe của mẹ và nguồn sữa cho bé.

Một chế độ dinh dưỡng hoàn hảo cho người mẹ đang cho con bú phải  bao gồm nhiều loại vitamin, khoáng chất, các chất đạm. Ảnh: Getty Images

1) Mì xào bò và bông cải xanh

Món ăn chứa nhiều chất đạm, sắt, selenium, kẽm, canxi, folate, vitamin A&B12... này có cách chế biến rất đơn giản nên ngay cả ông chồng chưa một lần vào bếp cũng có thể dễ dàng chế biến được cho vợ tẩm bổ.

Nguyên liệu

- Vài vắt mì trứng;

- 1 búp nhỏ bông cải xanh, rửa sạch, cắt miếng nhỏ vừa ăn;

- 225g thịt thăn bò, cắt thành các thanh dài, dày khoảng 1cm, ướp với một chút nước tương cho thấm mà thịt vẫn mềm (đừng ướp thịt bằng nước mắm, thịt sẽ bị dai);

- Vài tép tỏi bằm, ½ muỗng cà phê gừng bằm;

- Nước tương, dầu hào, dầu mè, dầu hạt hướng dương, đường (gia giảm gia vị theo khẩu vị của bà mẹ).

- 1 muỗng súp hạt mè rang.

Thời gian chuẩn bị: 20 phút

Cách làm:

- Luộc chín mì, xả qua bằng nước lạnh cho sợi mì săn lại rồi để ráo, trộn mì với 1 muỗng cà phê dầu hạt hướng dương và 1 muỗng dầu mè.

- Cho tỏi, gừng băm vào chảo dầu nóng xào cho thơm, tiếp đến là bông cải, thịt bò, sợi mỳ (cho vào lúc trong chảo vẫn còn một ít nước tiết ra từ rau và thịt).

- Cuối cùng, nêm nếm vừa miệng với nước tương, đường, dầu hào, tiếp tục đảo đều tay thêm khoảng 2 phút cho sợi mì thấm gia vị và rắc mặt bằng mè rang cho thơm.

2) Cá hồi nướng túi giấy

Món ăn này cung cấp chất đạm, các axit béo omega-3, sắt, selenium, beta-carotene, và vitamin E cần thiết cho sức khỏe của cả bà mẹ và trẻ em. Có thể chuẩn bị sẵn các nguyên liệu trong túi giấy, bảo quản trong tủ lạnh và nhờ bố hâm nóng khi mẹ muốn ăn.

Cá hồi nướng túi giấy là món bồi bổ đặc biệt cho các mẹ đang cho con bú. Ảnh: Inmagine

Nguyên liệu

- 1 miếng cá hồi khoảng 175g;

- ¼ quả ớt chuông đỏ, bỏ phần ruột, cắt sợi,

- 1 tai nấm hương tươi hoặc nấm bào ngư, bỏ chân, cắt lát;

- 1 cọng hành lá, cắt nhỏ hoặc tước sợi;

- 1/2 muỗng cà phê gừng băm;

- 1 muỗng cà phê nước tương;

- 1/4 muỗng cà phê đường.

- 1 muỗng cà phê rượu mirin (có thể thay bằng rượu nếp, nhưng phải đảm bảo mẹ không cho con bú trong vòng 3 tiếng sau bữa ăn);

- 1 tờ giấy bạc khổ 40x30cm, 1 tờ giấy nến* khổ 40x30cm

Chú thích:

- Mirin là một loại rượu gạo của Nhật, được trộn với đường glucose và mạch nha nên có vị ngọt thanh. Bạn có thể tìm thấy rượu mirin trong các cửa hàng Nhật Bản hiện đã có mặt ở toàn quốc (ở thành phố Hồ Chị Minh, các cửa hàng này tập trung ở đường Lê Thánh Tôn, quận 1, hoặc hệ thống siêu thị Daiso).

- Giấy nến (còn được gọi là giấy không thấm dầu) được bán tại các siêu thị lớn, phổ biến tại Việt Nam là nhãn hiệu Good Bake, giá từ 13.000-14.000/cuộn, khổ A3.

Cách làm

- Làm nóng lò nướng ở mức 200°C.

- Trộn gừng, nước tương, rượu mirin, đường thành hỗn hợp gia vị.

- Xếp tờ giấy nến lên trên tờ giấy bạc; lót nấm và ớt chuông ở giữa tờ giấy, cho lát cá lên trên, rải mặt cá bằng một lớp hành lá rồi từ từ rưới nước gia vị lên khắp miếng cá. Gấp 2 mép giấy lại để gói miếng cá vào trong rồi xoắn 2 đầu hở của "cuốn cá" lại như xoắn vỏ kẹo.

- Cho túi cá vào lò nướng khoảng 15 phút là đã có một món cá ngon lành, đầy dưỡng chất.

Tuy nhiên, khi ăn cá, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ dinh dưỡng về các loại cá an toàn, không bị nhiễm bẩn hoặc nhiễm độc thủy ngân vì một số loại cá có nguy cơ làm mẹ mất sữa.

Chứng bệnh còi xương ở trẻ em

Trẻ em bị còi xương là do cơ thể bị thiếu hụt vitamin D làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu và chuyển hóa canxi và phospho.

Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu ánh sáng mặt trời, do kiêng khem quá mức và chế độ ăn nghèo canxi - phospho; những trẻ không được bú mẹ dễ bị còi xương hơn trẻ bú mẹ.


Bệnh còi xương sẽ làm cho bộ xương bị biến dạng. Ảnh minh họa

Những dấu hiệu chứng tỏ trẻ bị còi xương

- Trẻ hay quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình, ra nhiều mồ hôi khi ngủ.

- Xuất hiện rụng tóc vùng sau gáy tạo thành hình vành khăn.

- Các biểu hiện ở xương: thóp rộng, bờ thóp mềm, thóp lâu kín, có các bướu đỉnh, bướu trán (trán dô), đầu bẹp cá trê.

- Các trường hợp còi xương nặng có di chứng: chuỗi hạt sườn, dô ức gà, vòng cổ chân, cổ tay, chân cong hình chữ X, chữ O.

- Răng mọc chậm, trương lực cơ nhẽo, táo bón.

- Chậm phát triển vận động: chậm biết lẫy, biết bò, đi, đứng…

- Trong trường hợp còi xương cấp tính: trẻ có thể bị co giật do hạ can xi máu.

Những trẻ dễ có nguy cơ bị còi xương

- Trẻ sinh non, đẻ sinh đôi.

- Trẻ nuôi bằng sữa bò.

- Trẻ quá bụ bẫm.

- Trẻ sinh vào mùa đông.

Phân biệt còi xương và bệnh còi cọc

Trẻ còi cọc: trẻ bị suy dinh dưỡng, có số đo về cân nặng và chiều cao đều thấp hơn trẻ bình thường, cũng có thể kèm còi xương hoặc không.

Bệnh còi xương: có thể gặp ở cả những đứa trẻ rất bụ bẫm, do nhu cầu về canxi, phospho cao hơn trẻ bình thường.

Làm gì khi trẻ bị còi xương?

- Cho trẻ tắm nắng hàng ngày: để chân, tay, lưng, bụng trẻ lộ ra ngoài từ 10 -15 phút lúc buổi sáng (trước 9 giờ). Về mùa đông không có ánh nắng cho trẻ đi tắm điện ở khoa vật lý liệu pháp tại các bệnh viện. Dưới da có sẵn các tiền vitamin D là 7 dehydrocholesterol, dưới tác dụng của tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời các tiền vitamin sẽ bị hoạt hóa chuyển thành vitamin D. Vitamin D có tác dụng điều hòa chuyển hóa và hấp thu canxi, phospho, ánh nắng mặt trời phải được chiếu trực tiếp trên da mới có tác dụng, nếu qua lần vải thì sẽ còn rất ít tác dụng.

- Cho trẻ uống vitamin D 4000 UI/ngày trong 4 - 8 tuần, trong trường hợp trẻ bị viêm phổi, tiêu chảy cần tăng liều 5.000 - 10.000 UI/ngày trong 1 tháng, hoặc cho trẻ tiêm vitamin D 200.000 UI/uống, 3 tháng tiêm nhắc lại một lần trong năm đầu tiên.

- Cho trẻ uống thêm các chế phẩm có canxi như: canxi B1 - B2 - B6: 1 – 2 ống/ngày, trẻ lớn có thể ăn cốm canxi 1 - 2 thìa cà phê/ngày.

- Cho trẻ bú mẹ; ăn bổ sung các loại thực phẩm có chứa nhiều canxi: sữa, cua, tôm, cá trong các bữa ăn hàng ngày (cần xóa bỏ quan niệm cho trẻ ăn xương ống, xương chân gà sẽ chống được còi xương); cho dầu mỡ vào bữa ăn hàng ngày của trẻ: vì vitamin D là loại tan trong dầu, nếu chế độ ăn thiếu dầu mỡ thì dù có được uống vitamin D trẻ cũng không hấp thu được nên vẫn bị còi xương.

Phòng bệnh còi xương cho trẻ

- Khi có thai các bà mẹ phải làm việc nghỉ ngơi hợp lý để tránh bị đẻ non, có thể uống vitamin D khi thai được 7 tháng: 600.000UI/3 tuần, mỗi tuần 200.000UI.

- Sau khi sinh cả mẹ và con không nên ở trong phòng tối và kín, phòng ở thoáng mát và đầy đủ ánh sáng.

- Sau khi sinh 2 tuần cho trẻ ra tắm nắng 15 - 20 phút/ngày vào buổi sáng (trước 9 giờ).

- Cho trẻ uống vitamin D 400UI/ ngày trong suốt năm đầu tiên nhất là về mùa đông.

- Khi trẻ ăn bổ sung: cho trẻ ăn các loại thực phẩm có chứa nhiều canxi như: sữa, trứng, tôm, cua, cá, rau xanh và dầu mỡ

ThS.BS. LÊ THỊ HẢI

Meo.vn (Theo SK&ĐS)

Sinh em bé xong có nên ăn nghệ tươi?

Nhiều chị em kháo nhau rằng, chăm chỉ bôi nghệ tươi, uống nghệ tươi sau khi sinh nở sẽ loại trừ được viêm nhiễm và làm cho da dẻ trắng hồng, mịn màng hơn. Sự thực như nào?

Trên nhiều diễn đàn, có rất nhiều các mẹ đã chia sẻ về một bí quyết làm đẹp hữu hiệu sau sinh nở, đó là thoa và uống nghệ tươi trong những ngày ở cữ.

Lướt qua một loạt các diễn đàn, bạn có thể thấy những mẹ thậm chí có hướng dẫn rất là tỉ mỉ. Chẳng hạn như nick name Eagle1919 chia sẻ: Sau khi sinh xong ở viện về bạn nên giã nghệ tươi thoa lên cơ thể, không chừa chỗ nào nha. Bạn cứ bôi như vậy trong vòng 1 tháng.

Lúc đầu bạn sẽ không quen vì đi đâu cũng vàng khè, dính hết cả ra quần áo... nhưng nếu kiên trì thì sẽ rất tốt cho da của bạn sau này đó. Sẽ không bị tàn nhang, da căng đẹp, mịn màng và đặc biệt là không bị mụn trứng cá. Hoặc nếu có thì cũng phải lâu lắm nó mới mọc. Hãy kiên trì vì làn da mịn màng và tươi sáng bạn nhé!

Một mẹ khác có nick name là Mẹcuncun có vẻ cẩn thận hơn khi nhắn nhủ các mẹ khác: Mình nghĩ mẹ nào dị ứng với nghệ thì cũng phải cẩn thận nhé. Ban đầu chỉ bôi một ít thôi, nếu thấy không sao thì mới bôi tiếp!

Hoặc một mẹ khác chia sẻ: Các mẹ nên mua loại nghệ tốt, vì mình biết nghệ tươi cũng có nhiều loại lắm. Sau đó các mẹ nhớ mang về rửa sạch rồi cất sẵn trong tủ lạnh. Bản thân mình được mẹ chồng lấy nghệ ép lấy nước pha với mật ong uống. Còn lấy xác nghệ bỏ vào khăn sữa nhỏ rồi chà lên mặt vừa chà vừa hơ than, kết quả bây giờ da mình trắng và hồng hơn xưa, mụn thì lâu lâu mới thấy.

Vậy, câu hỏi đặt ra là: Sinh em bé xong có nên bôi nghệ tươi không? Đây là câu hỏi của rất nhiều chị em, nhất là những chị em đã, đang và sắp ở cữ đấy.

Nghệ sẽ giúp bạn làm đẹp vùng da bụng bị rạn, nhanh liền vết thương (google image)

Theo nhiều nghiên cứu thì thực chất nghệ cũng được coi là một loại thuốc tự nhiên có thành phần hoạt chất được gọi là chất curcumin. Hợp chất này có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm cao. Vì thế, trong nhiều thế kỷ nay nhiều phụ nữ thường sử dụng nghệ như là một chất khử trùng cho các vết thương, vết bỏng, vết bầm tím và là một liều thuốc làm đẹp da.

Thậm chí, nhiều người còn sử dụng uống nước nghệ tươi như một phương thuốc truyền thống để chữa các bệnh như dạ dày và bệnh suyễn. Nó cũng là loại thuốc tự nhiên cho phụ nữ sau khi sinh đẻ sử dụng bằng cách thoa ở bụng, thoa ở phần âm đạo để chữa lành các vết thương trong quá trình sinh nở. Thậm chí một số phụ nữ còn uống nước hoặc ăn củ nghệ tươi sau khi sinh, giúp làm đẹp da, làm lành vết thương.

Sau khi sinh, phụ nữ cũng phải đối diện với tình trạng viêm nhiễm và rạn da. Mà nghệ thì được coi là liều thuốc giúp giảm viêm hữu hiệu. Nó cũng giúp bảo vệ vùng da rạn sau sau khi sinh, bảo vệ gan, tim và được  điều trị các rối loạn đường ruột, các rối loạn tiêu hóa khác.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm của những phụ nữ đã sử dụng chúng, họ tin rằng một trong những lợi ích của củ nghệ là giúp tăng cường hệ thống miễn dịch chống lại một số loại bệnh tim. Nó giúp ngăn ngừa cục máu đông và thậm chí tiêu diệt các gốc tự do có thể gây ra một số bệnh ung thư.

Nhiều chị em thường kháo nhau rằng dùng nghệ càng nhiều càng tốt mà không có liều lượng cụ thể nào. Tuy nhiên, dùng nghệ cũng chỉ có giới hạn thôi các chị em nhé. Bạn chỉ nên dùng nghệ khoảng từ 300-500 gram/ ngày.

Một lưu ý nữa là, nghệ tuy là liều thuốc khá an toàn để sử dụng tuy nhiên việc lạm dụng sử dụng chúng có thể gây đau bụng và tiêu chảy. Vì thế, nếu bạn có kế hoạch sử dụng nghệ nén hoặc nghệ viên như là một phương thuốc bổ sung cho sức khỏe thì nên dùng nó theo sự tư vấn của bác sĩ nhé!

Meo.vn (Theo Eva)

Đau trì cột sống sau khi sinh

Ảnh: Internet

Hỏi:

“Tôi 31tuổi, vừa sinh con được 6 tháng. Sau khi sinh khoảng hơn 1 tháng, cột sống của tôi luôn có cảm giác bị chằn nặng, hơi đau, tê”.

Tôi thấy lo lắng vì không biết mình có bị đau trì cột sống sau khi sinh? Bàn tay, ngón tay của tôi luôn bị tê, cứng, không biết đó có phải là biểu hiện của bệnh này không? Nhiều người nói có lẽ do tôi không biết ủ ấm trong thời kì hậu sản nên mới bị vậy. Tôi băn khoăn không biết mình có nên đi khám hay trị liệu không? Tôi cũng không biết mình nên đi khám ở chuyên khoa nào”.

Bác sĩ Thái Thị Hồng Ánh, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau kiểu nặng trì, cảm giác tê cột sống và bàn tay, ngón tay bị tê...

Sau sinh 1 tháng, tình trạng đau có cảm giác kiểu nặng trì và tê cột sống (thường thấy ở vùng thắt lưng – ngang eo trở xuống) của sản phụ được bác sĩ Ánh phân tích: thông thường khi có thai, cột sống thắt lưng sẽ chịu đựng thêm một trọng lượng tương đương 5-10 kg bao gồm em bé, nước ối, nhau thai, v.v… Vì vậy, thường xảy ra tình trạng tăng ưỡn của cột sống (hyperlordosis) và gây đau lưng. Sau khi sinh, cột sống của sản phụ chưa thích nghi với tình trạng mới (không còn tải nặng) cộng thêm việc chăm sóc bé đòi hỏi phải thường xuyên khom lưng… Do đó, sản phụ có thể sẽ đau thắt lưng. Chuyên gia nội cơ xương khớp cũng nói thêm, một vài nguyên nhân khác như nhiễm trùng đường tiểu cũng hay gây ra triệu chứng đau vùng thắt lưng. Vì vậy, ở những người bị tình trạng trên nên nghỉ ngơi và có hoạt động thể lực hợp lý như nằm nghỉ khi đau, có thể massage nhẹ nhàng vùng thắt lưng, hạn chế các động tác khom lưng, uống nước nhiều và sắp xếp thời gian tập thể dục nhẹ nhàng. Nếu tình trạng đau kéo dài trên một tháng sau khi đã áp dụng những biện pháp này, người bệnh nên đến các cơ sở y tế có khoa nội cơ xương khớp để khám và được tư vấn.

Riêng bàn tay, ngón tay bị tê có thể là biểu hiện của nhiều bệnh. Nhẹ nhất có thể do rối loạn điện giải như thiếu các chất khoáng (Calci, Kali, Magné…). Ngoài ra, cũng có thể là biểu hiện của hội chứng ống cổ tay. Đây là tình trạng bệnh lý do thần kinh phụ trách vùng ngón tay đó bị chèn ép tại khu vực ống cổ tay… Để xác định rõ hơn, người bệnh nên đi khám ở cơ sở y tế có khoa nội cơ xương khớp để được khám và tư vấn.

 

Meo.vn (Theo PNO)


Khi chồng ham muốn quá đà

Cứ đến ngày nghỉ chị lại lo ngay ngáy, bấm máy điện thoại liên tục, lúc thì hẹn bạn cấp 3, lúc bạn Đại học, khi thì mấy anh chị em họ hàng đi chơi cuối tuần để “trốn” yêu, mặc cho Quân, chồng Nhi khó chịu ra mặt.

Khi chàng ham muốn “quá đà”

Long và Quyên kết hôn được gần 1 năm. Nhìn vẻ ngoài gày gò không ai nghĩ ham muốn của Long lại “mãnh mẽ” như vậy. Quyên chia sẻ: “Chồng tôi có ham muốn rất mạnh dù vào ban ngày hay ban đêm. Có khi đang trưa anh gọi điện bắt  tôi về “phục vụ”. “Giao ban” giữa chúng tôi thường rất nhanh, mạnh, rất nhiều lần anh làm tôi đau.”

Cuộc sống tình dục khiến chị mệt mỏi đến mức, cứ nghe ai nói đến “chuyện vợ chồng” là chị lại thấy sởn da gà. Mặc dù chị rất yêu chồng, và chồng chị cũng luôn đối xử tử tế với vợ, nhưng chuyện chồng chị quá khỏe đã khiến không khí gia đình hết sức nặng nề, và vợ chồng thì chẳng mấy khi vui vẻ. Đến cơ quan, hôm nào mặt mũi chị cũng lờ đờ, mắt thâm quầng, làm việc không hiệu quả vì luôn buồn ngủ và căng thẳng. Chị đã phải dùng đến biện pháp là nhờ sếp của chồng thỉnh thoảng điều anh ta đi công tác. “Cứ khi nào chồng tôi đi công tác là hai mẹ con ở nhà vô cùng sung sướng. Tối đến, nằm thoải mái trên giường, giang tay giang chân mà không nơm nớp lo chồng lao vào” – chị Quỳnh kể, mắt ánh lên vẻ sung sướng, khiến người nghe cảm thấy thật xót xa cho thân phận một người vợ.

Cô bé khô hạn

Thúy Quỳnh, 26 tuổi, lập gia đình được 3 tháng nhưng chưa lần nào “on top”  dù hai vợ chồng vẫn hoàn thành kế hoạch 2-3 lần/tuần. Chồng Quỳnh luôn có khúc dạo đầu nhẹ nhàng và êm ái, nhưng cô vẫn mệt mỏi bởi cảm giác đau rát và “khô khốc” như sa mạc.

Nhiều đêm sau cuộc “yêu”,  Quỳnh bắt gặp sự thất vọng trong ánh mắt của chồng. Cô hiểu rằng mình đã không thể làm cho anh thỏa mãn hoàn toàn dù việc đến đích vẫn được duy trì. Chiều chồng, hàng ngày cô lên diễn đàn tìm tài liệu để đọc tìm hiểu nguyên nhân. Cũng theo một số người bảo, Quỳnh mua nước bôi trơn nhưng chẳng cải thiện mấy được tình hình.

Hòa hợp trong 'chuyện ấy' là mong muốn của mọi cặp vợ chồng (Ảnh minh họa)

“Chẳng lẽ mình bị lãnh cảm, 26 tuổi chưa con cái, mới lấy nhau, cả hai cùng khỏe mạnh, anh ấy lại đang “hăng hái” nên có thể bỏ qua cho mình nhưng về lâu về dài mà mãi thế này thì biết tính sao...?” Quỳnh lo lắng. Vẫn yêu chồng, chiều chồng nhưng không hiểu sao có mỗi cái khoản đó là cô lại "đầu hàng" với chính mình.

Tâm sinh lý thay đổi sau sinh

“Từ khi bắt đầu gần gũi nhau, chúng tôi rất hợp nhau và mãn nguyện trong chuyện đó. Sau khi sinh con đầu lòng thì tôi bắt đầu thay đổi. Tôi hoảng hốt thấy nhu cầu gần gũi chồng của mình giảm đi, nhiều lúc khiến chồng tôi cảm thấy như tôi bị ép buộc. Lúc đầu anh ngạc nhiên, rồi giận. Khi chưa có con, chúng tôi làm chuyện đó hàng ngày. Nếu là ngày nghỉ thì hầu như chúng tôi không đi đâu cả, chỉ ở nhà âu yếm nhau, gần gũi 3-4 lần trong ngày nghỉ là bình thường.” Đó là chia sẻ của chị Nhi (Hàng Bún, Hà Nội).

Cứ đến ngày nghỉ chị lại lo ngay ngáy, bấm máy điện thoại liên tục, lúc thì hẹn bạn cấp 3, lúc bạn Đại học, khi thì mấy anh chị em họ hàng đi chơi cuối tuần để “trốn” yêu, mặc cho Quân, chồng Nhi khó chịu ra mặt.

Vậy mà cũng có thoát được đâu, cuối tuần, chị hẹn cả nhà sẽ lên nhà bác chơi. Trong khi ăn trưa, ngồi cạnh chồng, Nhi liên tục “bị” chồng sờ soạng dưới gầm bàn. Rồi khi chỉ có anh chị ngồi phòng ngoài uống nước trong lúc mọi người không có mặt thì Quân vật ngửa bà xã để “hành động”.

Cho đến giờ, dường như cường độ của Quân không hề giảm. Anh đòi hỏi hàng ngày, ít có đêm nào anh "lơ là" bỏ qua. Nhi phải luôn nghĩ ra cớ để thoái thác, nhưng ít khi thoát được.  “Tôi sợ hãi mỗi lần ở riêng với anh, sợ đêm tối đến khi con đã ngủ. Tôi yêu anh, chiều anh, thấy anh bứt rứt là tôi không đành lòng. Tôi vẫn âu yếm và tỏ ra thỏa mãn để cảm giác của anh được đủ đầy. Nhiều lúc mệt, nhưng tôi tự an ủi, thôi thì lấy niềm vui của người mình yêu thương làm hạnh phúc của mình vậy.” Chị chia sẻ.

Có nhiều người phụ nữ không hạnh phúc vì chồng yếu sinh lý. Họ luôn phải sống trong sự khát khao đến héo hon. Trong khi có những đức lang quân lúc nào cũng trong trạng thái “trực chiến”. Đúng là kẻ ăn không hết người lần chẳng ra.

Nhiều chị em sau khi sinh không còn ham muốn (Ảnh minh họa)

Chia sẻ để cùng cảm nhận

Theo Women24 phân tích, cảm xúc tình dục nữ giống như một kho báu giấu kín trong hang động mà người nam cần phải học . Câu thần chú ở đây chính là khả năng nhận biết những nút bấm cảm giác trên cơ thể phụ nữ để đi vào thế giới cảm xúc của họ. Sự khác biệt cơ bản về khu vực cảm xúc tình dục giữa nam với nữ là ở nam thì tập trung còn ở nữ thì phân tán trên toàn bộ cơ thể

Giúp nàng mau đến cửa thiên đàng trong khi vẫn còn đầy năng lượng để tung tăng cùng nàng là việc đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Kinh nghiệm này cần góp nhặt qua thời gian và sự quan sát kỹ lưỡng từ những lần "leo núi" trước. Thường thì ai cũng có những "điểm nhạy cảm" riêng. Biết được điểm nhạy cảm của nàng và bật nó lên khi bắt đầu cuộc đua sẽ giúp nàng dễ dàng lên tới đỉnh. Tùy theo cơ địa mỗi người mà điểm nhạy cảm nằm ở những chỗ khác nhau, có thể là môi, tai, mí mắt, cổ... Có điều rất quan trọng là phải mở những nguồn năng lượng tiềm ẩn này bằng những nụ hôn ngọt ngào và đầy nhiệt huyết của bạn, chứ không phải bằng tay.

Khám phá để hòa hợp cả về mặt tâm hồn và tình dục là chuyện cần làm suốt đời của những cặp bạn tình có văn hóa, vì chẳng có gì bất biến trên đời, kể cả cảm xúc, tính tình, sở thích, sức khỏe, tình trạng thần kinh, nội tiết.

Với trường hợp những ông chồng quá “sung mãn”,  cần hạn chế bất kỳ cuộc nói chuyện hay sự vật mang màu sắc tình dục nào đều có thể trở thành nhân tố kích thích ham muốn của những người có nhu cầu tình dục cao, do vậy phải loại bỏ những thứ liên quan đến tình dục như truyền hình, sách, hình ảnh, âm thanh...

Về mặt chủ quan, bản thân người đó phải có nhận thức đúng đắn và người thân xung quanh nên tránh nói chuyện có liên quan đến dục vọng, cố gắng tập trung sự chú ý của họ về những vấn đề khác.

Hai vợ chồng cùng nhau lập một kế hoạch để có được một đời sống tình dục hài hòa, bao nhiêu ngày thì giao hợp một lần. Số lần yêu phải hợp lý, có sự đồng ý của hai bên, không quá nhiều hoặc quá ít.

Meo.vn (Theo Eva)

Có phải đàn ông là như thế?

Một câu hỏi vẫn luôn làm tôi day dứt: Chẳng lẽ, tất cả đàn ông đều xem tình dục là phần chủ yếu của cuộc sống vợ chồng nên một khi điều đó không được thỏa mãn thì họ sẵn sàng vứt bỏ vợ con?


Vị chuyên gia tư vấn nói với tôi rằng, đàn ông luôn ham muốn, luôn đòi hỏi...

15 năm chung sống. Hai đứa con lần lượt ra đời. Chúng đều xinh đẹp, ngoan ngoãn. Từ hai bàn tay trắng, giờ đây anh đã là giám đốc một công ty luật nổi tiếng. Tôi cũng có một của hàng kinh doanh thời trang. Công việc làm ăn đang gặp lúc thuận lợi. Thế mà bỗng dưng anh nói hết yêu, anh nói không thể tiếp tục sống chung, anh nói muốn chia tay...

Khi hiểu rằng, anh không nói đùa, tôi chỉ muốn chết. Tôi muốn chết vì sự nhục nhã của một người đàn bà nhan sắc, tài giỏi nhưng lại bị chồng bỏ. Tôi muốn chết để trút hết gánh nặng nuôi dạy con lên vai anh như một cách trả thù.

Thế nhưng tôi không thể làm được điều đó mỗi khi nghĩ đến con.

Cuối cùng thì tôi đã phải tìm đến chuyên gia tư vấn tâm lý. Và có lẽ, đó là điều duy nhất đúng đắn trong lúc này bởi suốt 1 tuần lễ qua, đêm nào tôi cũng phải dùng thuốc ngủ mới có thể chợp mắt được vài giờ. Nếu tình hình không được cải thiện, có lẽ tôi sẽ quẫn trí làm liều.

“Chị hãy nhớ lại xem, trước đây, có lần nào anh ấy trái tính, trái nết không?”- vị chuyên gia tư vấn nhẹ nhàng hỏi. Trái tính, trái nết ư? Tất nhiên là có. “Hãy cố nhớ lại xem...”. Tôi bắt đầu lục lọi trong trí nhớ theo lời chuyên gia và bỗng nhớ rất rõ những lần “trái tính, trái nết” của chồng.

Đó là lần tôi sinh con đầu lòng. Lần đó, vừa đưa vợ vô bệnh viện, chồng tôi đã thông báo anh phải đi đàm phán hợp đồng ở Hà Nội 1 tuần lễ. Lúc ấy, tôi không để ý vì còn mãi ngất ngây với hạnh phúc làm mẹ. Khi anh trở về, tôi phát hiện trong va li của anh có một chiếc quần lót lạ. “Anh giải thích đi. Tại sao nó lại nằm trong hành lý của anh?”- tôi uất ức hỏi chồng. Mặt anh tái đi: “Chắc có đứa nào muốn chọc ghẹo anh nên lấy bỏ vào. Thật sự anh không biết. Anh thề với em đấy”. Anh đã thề sống, thề chết khiến tôi phải tin rằng, có kẻ nào đó muốn đùa để trêu mình vì biết tính tôi hay ghen.

“Trong thời gian chị có thai đứa thứ hai, chị thấy anh ấy có gì khác thường không?”- vị chuyên gia lại ân cần hỏi. Sau khi sinh con đầu lòng, tôi bị stress nên vợ chồng ít gần gũi. Vả lại, hồi đó, hình như tôi đã dồn hết tình yêu, sự quan tâm cho con nên chẳng còn ham muốn chuyện gối chăn; thậm chí nhiều lần anh tỏ vẻ ham muốn, tôi còn giận dữ trách hờn anh không biết quan tâm đến những vất vả của vợ mà còn đòi hỏi tầm thường...

Khi con gái được đầy năm thì tôi phát hiện mình có thai. Điều đó khiến tôi hốt hoảng. Tôi đã chì chiết anh: “Trời ơi! Sao lại như vầy? Hết đẻ tới chửa, làm sao mà mần ăn đây?”. Tôi cho rằng, mọi lỗi lầm của cái chuyện “bể kế hoạch” là do chồng mình. Thế là đay nghiến. Thế là sợ hãi. Thế là vợ chồng cắng đắng. Đến nỗi chồng tôi bực tức: “Nếu em thấy không thể sinh con thì bỏ đi”.

Nhưng tôi không bỏ cái thai vì tôi nghĩ, đó là một hành vi tội lỗi. Tôi đã sinh con. Một đứa con trai bụ bẫm, kháu khỉnh. Thằng bé lớn nhanh như thổi. Mới thôi nôi đã được gần 15 ký. Nhưng để bù trừ lại cái sự phát triển về cân nặng, thằng bé chẳng nói, chẳng rằng. Suốt ngày nó chỉ chơi với mấy con búp bê. Sợ quá, tôi ẵm con đi bác sĩ. Người ta nói nó bị bệnh tự kỷ.

Tiếp theo đó là những ngày tháng dài ra vô bệnh viện và ra nước ngoài điều trị cho con. Thằng bé dần dần khá lên nhưng mẹ nó thì bắt đầu một chứng bệnh khác. Bệnh sợ gần gũi đàn ông! À, tôi nhớ rồi, hồi sinh thằng nhỏ sau, chồng tôi cũng đi nước ngoài 1 tháng và nói rằng đi bảo vệ khách hàng trong một vụ kiện quốc tế phức tạp. Sau chuyến đi ấy, anh thay đổi hoàn toàn. “Thay đổi như thế nào?”- vị chuyên gia tư vấn vẫn kiên trì.

Tôi nhớ như in những ngày tháng đó. Trước mặt tôi không còn là người chồng nghiêm nghị, đạo mạo của mình. Anh vui vẻ, hoạt bát, hay nói, hay cười và nhất là luôn miệng huýt sáo, ca hát. Bạn tôi nói: “Mày coi chừng có đứa cuỗm mất chồng nghen. Không lo giữ, rồi có ngày chổng mông la làng”. Nhưng tôi không bận tâm bởi tôi biết mình có một lợi thế là được cả gia đình chồng yêu quý. Thậm chí, mẹ chồng còn bảo con trai: “Mày mà lộn xộn, má đập chết”. Điều đó cho tôi cảm giác, cái gia đình nhỏ của mình đã được che chắn bởi một bức tường thành bất khả xâm phạm.

Thế mà giờ đây, mọi thứ bỗng vỡ vụn. “Anh hãy nói thật lý do anh đòi ly hôn đi – tôi đã nói trong nước mắt - Em không tin là anh không cần con, không cần em”. Giọng anh thật nhẹ nhàng: “Anh cần con, anh cần vợ. Nhưng tiếc là rất lâu rồi anh không có vợ...”. Tôi gào lên: “Tại sao anh lại nói như vậy? Anh là đồ bội bạc mà...”. “Tại sao ư? Có bao giờ em tự hỏi mình đã làm tròn vai trò một người vợ chưa? Anh còn trẻ, còn tràn trề sinh lực. Vì vậy, anh muốn ôm trong tay mình một người vợ, một người bạn tình chứ không phải ôm một khúc gỗ”.

Kể đến đây, tôi không còn đủ sức để kể tiếp...

“Đàn ông, đôi khi họ như một đứa trẻ. Họ thích được yêu thương, cưng chìu; thích được âu yếm, vỗ về... Và còn một điều này nữa mà có lẽ thời gian qua chị đã quên. Đó là chuyện ân ái vợ chồng. Người đàn bà có thể không ham muốn, có thể bị tiết chế vì những lo toan đời thường. Nhưng đàn ông không thế. Họ luôn ham muốn, luôn đòi hỏi...”. Tôi ngẩn người ra nhìn vị chuyên gia tư vấn. Đúng là tôi đã không nghĩ đến điều này.

Tôi hiểu rồi, nhưng đã không còn kịp nữa. Nếu được làm lại từ đầu, tôi sẽ không mắc sai lầm như thế.

Nhưng một câu hỏi vẫn luôn làm tôi day dứt: Chẳng lẽ, tất cả đàn ông đều xem tình dục là phần chủ yếu của cuộc sống vợ chồng nên một khi điều đó không được thỏa mãn thì họ sẵn sàng vứt bỏ vợ con?

Meo.vn (Theo Nguoilaodong)

Mẹo hay cho mẹ bầu bị chửa ngực

Bạn đang ở thời gian đầu thai kỳ và bị “chửa ngực”: vòng một tăng lên nhanh chóng; bị đau, thâm và nổi gân quanh nhũ hoa. Để giải quyết những lo lắng băn khoăn về hiện tượng này, bạn hãy tham khảo một số mẹo hay của Eva nhé!

Chửa ngực là hiện tượng thường gặp ở thai phụ trong thời kỳ đầu bầu bí. Trong những tháng đầu thai kỳ, vòng 1 của bạn tăng lên nhanh chóng khiến bạn liên tục phải đổi áo ngực với các size lớn hơn. Một số trường hợp vòng ngực đã to vượt vòng bụng.

Nguyên nhân của việc ngực lớn quá cỡ là do mô mỡ phát triển quá nhanh hoặc các ống tuyến sữa tăng mạnh. Nếu trong lần mang thai đầu tiên, bạn bị “chửa ngực” thì trong những lần mang thai tiếp theo, bạn cũng sẽ gặp phải hiện tượng này.

Vòng ngực quá khổ gây ra những vết rạn thẩm mỹ, khiến thai phụ bị đau tức ngực, khó thở, đổ nhiều mồ hôi, rạn da, ngứa và nổi mẩn đỏ.... Nhiều mẹ bầu vẫn nghĩ rằng kích thước của ngực sẽ tỷ lệ thuận với lượng sữa mẹ cung cấp cho con sau khi sinh. Quan điểm này hoàn toàn sai lầm. Bầu ngực thai phụ to hay nhỏ không hề quyết định đến lượng sữa.

Để tránh những rắc rối do “chửa ngực” gây ra, thai phụ cần chú ý những điều sau:

- Mặc quần áo rộng rãi, vệ sinh cơ thể thường xuyên, đặc biệt là ngực của bạn.


Chị em bầu nên mặc quần áo rộng rãi, vệ sinh cơ thể thường xuyên, đặc biệt là ngực. (Ảnh minh họa)

- Lựa chọn áo ngực phù hợp: Bạn nên chọn áo ngực có chất liệu cotton, độ nâng tốt, không có gọng cứng hay quá chặt. Khi cảm thấy áo ngực chật, bạn cần thay áo với size lớn hơn. Nếu bạn bị ra mồ hôi và cảm thấy ẩm ướt thì cần thay áo để tránh bị nổi mẩn đỏ, ngứa, khó chịu. Khi ngực của bạn đã phát triển quá lớn, bạn nên mặc loại áo ngực thể thao mỏng nhẹ ngay cả khi ngủ nếu không ngực bạn sẽ làm giãn dây chằng và bị chảy xệ.

- Để tránh bị khó thở do “chửa ngực”, bạn nên đứng ngồi thẳng lưng, nằm nghiêng khi ngủ hoặc đặt gối nâng đầu và ngực lên cao.Tuy nhiên, nếu bị khó thở kéo dài, bạn nên đi khám cụ thể.

- Bạn có thể mát xa nhẹ nhàng vùng ngực giúp máu lưu thông tốt hơn và xoa dịu cảm giác căng tức ngực. Tuy nhiên, bạn cần tránh mát xa ngực trong những tháng đầu thai kỳ vì dễ gây hiện tượng co thắt tử cung. Khi ngực căng quá mức, gây rạn da, đầu vú bị nứt nẻ, chảy máu, bạn nên đến khám bác sĩ để được tư vấn, không tự ý dùng các thuốc bôi da thông thường.

- Bạn có thể chườm lạnh hoặc tắm vòi hoa sen nóng và lạnh để cải thiện lưu thông huyết mạch, giúp ngực bớt căng, đau. Bên cạnh đó, bạn có thể đắp lá bắp cải lạnh lên ngực khi thư giãn, nghỉ ngơi vì nó phù hợp với hình dáng ngực của phụ nữ.

- Bạn cần tránh các thức ăn mặn, nóng vì chúng làm ngực bạn càng căng và tức hơn. Mặt khác, mẹ bầu nên bổ sung vitamin D, E mỗi ngày.

Bạn cần nhớ rằng “chửa ngực” là biểu hiện thai kỳ mà không ai có thể tránh khỏi. Vì vậy, bạn hãy thực hiện một chế độ dinh dưỡng hợp lý, vệ sinh thường xuyên bầu ngực của mình và giữ tâm trạng thoải mái. Sau khi sinh và cho con bú, hiện tượng này sẽ biến mất, ngực của bạn sẽ dần khôi phục lại hình dáng tuy rằng khó có thể săn chắc như trước khi mang thai.

Meo.vn (Theo Eva)

Những điều cần biết về phẫu thuật thẩm mỹ

Có nên vừa lột da mặt vừa căng da mặt?

"Da mặt tôi hơi xấu, đi thẩm mỹ viện thì được khuyên nên lột da cho mỏng lại và căng cho da thẳng ra. Hai phương pháp này cùng áp dụng thì da sẽ mịn, trẻ ra rất nhiều. Nhưng tôi không biết có thể thực hiện cùng lúc lột da mặt và căng da mặt không? Nên lột da trước hay căng da trước?".

Đúng là lột da mặt và căng da mặt đều là hai cách làm cho trẻ lại. Lột da cho da mỏng đi, xóa bớt phần da dày, xấu, làm cho da non và trẻ ra. Căng da mặt làm cho da thẳng lại, xóa hết các chỗ da bị nhăn, xấu. Hai cách này cùng kết hợp thì da sẽ trẻ và đẹp nhiều.

Da được nuôi dưỡng nhờ các mạch máu ở dưới da. Phương pháp căng da mặt tách da ra khỏi nguồn nuôi dưỡng của chúng và đặt lại một chỗ mới. Ở chỗ này, mạch máu sẽ mọc lên và nuôi tiếp, thay thế mạch máu cũ bị mất đi. Thời gian máu nuôi mọc tốt là khoảng 2 đến 3 tháng. Do đó, nên căng da mặt trước vài tháng rồi lột da. Nếu lột da cùng lúc hoặc trước khi căng thì nơi mổ khó lành, có thể cho sẹo xấu. Lột da sớm quá khi da chưa bình thường thì có thể da lột bị thiếu máu nuôi, nhiễm trùng kéo dài và cho kết quả xấu hơn lúc chưa lột.


Sưng nề sau khi căng da mặt

"Tôi được phẫu thuật căng da mặt cách đây hai tháng. Hiện nay, nơi căng da còn sưng nề nhiều. Như vậy có cần phải phẫu thuật lại không?".

Căng da mặt có nhiều kỹ thuật. Các kỹ thuật này nhằm tách da mặt ra khỏi tổ chức bên dưới rồi căng cho thẳng lại. Sự khác nhau của các phẫu thuật là tách da mặt nông hay sâu. Một số kỹ thuật có làm thêm các thủ thuật khác nữa như kéo căng các tổ chức cơ của da mặt hay hút mỡ ở mặt và cổ.

Phẫu thuật căng da có thể làm sưng nề vùng mặt một thời gian (từ một đến nhiều tháng). Có một số ít trường hợp phải sau ba hay sáu tháng mới hết sưng. Do đó, trường hợp của cô nếu không bị sưng đỏ hay đau nhức (do nhiễm trùng nơi mổ) thì chắc không cần phẫu thuật lại.

Căng da bụng

"Trước đây da bụng tôi rất đẹp. Sau khi sinh cháu xong, tôi bị gầy đi nhiều, da bị nhăn, rất xấu. Có thể căng cho da bụng phẳng ra như căng da mặt được không? Căng da như vậy về sau có thai trở lại được không?".

Giống như da mặt, da bụng cũng có thể căng. Phẫu thuật căng da bụng phải bóc tách rộng, tốn nhiều thời gian hơn và sau khi căng phải băng chặt ít hôm. Tùy theo trường hợp, nếu sau khi căng, rốn bị kéo lệch nhiều thì quá phải thay đổi vị trí mới cho rốn, để nó cân đối với vùng da bụng mới.

Sau khi căng da bụng, bạn vẫn có thể mang bầu lại bình thường vì da sẽ giãn ra cho thích hợp với bụng khi mang thai.

 

Meo.vn (Theo ykhoa)