Lưu trữ cho từ khóa: sai lầm của cha mẹ

Gần 2/3 bà mẹ không biết cách cho con ăn dặm

Từ tháng thứ 6 trở đi, trẻ cần được cho ăn bổ sung, tuy nhiên tại Việt Nam chỉ có 53% trẻ được nuôi bổ sung đúng, đủ, nhiều trẻ được ăn quá sớm, quá muộn hoặc không đủ chất.

Đây là kết quả nghiên cứu thực hành về nuôi dưỡng trẻ nhỏ ở Việt Nam được đưa ra tại buổi hội thảo về nuôi dưỡng trẻ nhỏ tổ chức tại Hà Nội ngày 22/1.

Nghiên cứu này dựa trên số liệu khảo sát năm 2012, có sự tham gia của 1.200 bà mẹ, tuổi 18-40, có con 0-4 tuổi, tại 8 tỉnh, thành là Hà Nội, Thái Bình, Đà Nẵng, TP HCM, Nghệ An, Đồng Nai, Cần Thơ và Tiền Giang.

Sữa mẹ là thức ăn đầu tiên và tốt nhất cho trẻ nhỏ, nhưng sau 6 tháng trẻ phát triển nhanh, nhu cầu dinh dưỡng đòi hỏi cao hơn, vì vậy cần được cho ăn bổ sung. Tuy nhiên, vấn đề nay ở Việt Nam còn nhiều bất cập.

Cụ thể, theo nghiên cứu trên chỉ có gần 35% các bà mẹ cho trẻ ăn bổ sung theo đúng thời điểm được khuyến nghị, tức là kể từ 6 tháng tuổi. Thời điểm cho trẻ ăn dặm sớm (trước 5 tháng tuổi) của các bà mẹ ở thành thị cao hơn so với ở nông thôn. Thức ăn bổ sung sớm của trẻ thường là nhóm tinh bột như cơm, cháo, mì. Ngược lại, vẫn còn 4% đến tháng thứ 10 mới bắt đầu cho con ăn dặm.

cho-tre-an-dam
Ngoài cho trẻ ăn đủ số lượng, cha mẹ cần chú ý đảm bảo sự cân đối trong
4 nhóm thực phẩm. Ảnh: P.N.

Trong khi đó, thông thường từ 6 tháng tuổi hệ tiêu hoá của trẻ mới phát triển hoàn thiện, tiêu hoá được thức ăn đặc. Vì thế, nếu ăn sớm quá trẻ dễ bị rối loạn tiêu hoá. Ngược lại cho ăn bổ sung muộn quá thì trẻ thường bị thiếu chất, chậm lớn, tăng nguy cơ mắc bệnh.

Cũng theo nghiên cứu thì khẩu phần ăn bổ sung cho trẻ cũng chưa đảm bảo sự đa dạng và tính cân đối. Chế độ ăn dặm của bé cần 4 nhóm chất là: bột đường (cơm, cháo, mì), đạm (thịt, cá, gà, tôm, cua, hải sản), chất xơ (đậu phụ, các loại hạt đậu hoặc sữa có đậu nành), vitamin và khoáng chất (trái cây, rau củ hoặc uống nước ép).

Tuy nhiên, chỉ có gần 1/3 số bà mẹ cho ăn đúng cách (đủ 4 nhóm thực phẩm này), trong đó ở thành thị lại kém hơn nông thôn. Phó giáo sư Nguyễn Hữu Minh, Giám đốc Viện Gia đình và Giới, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam lý giải có thể là ở thành phố các bà mẹ chú trọng nhiều vào sữa công thức hơn, thức ăn không sẵn có như ở nông thôn.

Ngoài ra, việc sử dụng thuốc và sản phẩm bổ sung vi chất ở nuớc ta không đáng kể. Loại được sử dụng cao nhất là canxi cũng chỉ đạt 17%, hay như sắt, một thành phần rất quan trọng với sự phát triển của trẻ tỷ lệ bổ sung chỉ là 9%. Điểm đáng chú ý là có đến một nửa trong số các bà mẹ từng sử dụng thuốc bổ cho con không hề hỏi ý kiến bác sĩ.

Một khảo sát khác của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội năm 2012 cũng cho thấy tình trạng thiếu các vi chất như vitamin A, C và sắt của trẻ khá cao, chỉ đạt 30-50% nhu cầu. Trong khi khẩu phần canxi trung bình chỉ đáp ứng được 49% nhu cầu.

Theo các chuyên gia, việc cho trẻ ăn bổ sung đúng cách cũng chưa được chú trọng tại Việt Nam. Thông tin về các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung được dẫn dắt bởi các quan niệm và thói quen truyền thống, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Nguồn thông tin cung cấp từ y tế rất ít.

Giáo sư Nguyễn Công Khanh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam cho rằng, các chính sách cần phải chú trọng đến tầm quan trọng của việc cho trẻ ăn bổ sung đủ dinh dưỡng, an toàn, đặc biệt trong giai đoạn 7-36 tháng tuổi. Đây là giai đoạn có tỷ lệ suy dinh dưỡng, thiếu dinh dưỡng cao nhất.

 (Theo Afamily)

Một số lỗi phổ biến khi cho trẻ ăn sáng

Bữa sáng không phù hợp với thói quen ăn uống cũng sẽ gây hại cho sức khỏe của trẻ. Có một số lỗi phổ biến mà cha mẹ dễ phạm phải dưới đây.

Cho bé ăn bữa sáng bằng thức ăn của ngày hôm trước

Nhiều mẹ có thói quen làm thức ăn tối nhiều hơn để làm cơm chiên cho buổi sáng hôm sau cho cả nhà và bé. Tuy nhiên, thức ăn còn sót lại đêm qua, đặc biệt là rau củ có thể sản sinh ra nitric (một chất gây ung thư) ăn uống vào có thể làm hại cho sức khỏe con người.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị tốt nhất là không nên tận dụng đồ ăn thừa, nhất là đồ ăn để qua đêm để chế biến bữa sáng cho bé. Nếu muốn tiết kiệm thì các mẹ cần đảm bảo chắc chắn là giữ cho thực phẩm khỏi bị hư hỏng trong tủ lạnh.

an-sang

Để trẻ ăn sáng bằng thức ăn nhanh

Thức ăn nhanh theo phong cách phương Tây như hamburger, cánh gà chiên, bánh mỳ kẹp thịt… đã trở thành món ăn yêu thích của rất nhiều người, trong đó có rất nhiều bà mẹ. Nhiều mẹ thích ăn những món ăn này đã dùng nó làm bữa ăn sáng cho trẻ. Tuy nhiên, trẻ em ăn những thức ăn dạng này không có lợi cho sức khỏe.

Theo các chuyên gia thì ăn bữa sáng bằng thức ăn nhanh có hàm lượng calo cao dễ bị béo phì. Hơn nữa, việc sử dụng lâu dài các loại thực phẩm chiên sẽ có hại cho cơ thể. Nếu thỉnh thoảng muốn thay đổi khẩu vị cho bé thì các mẹ có thể chọn một món ăn kiểu phương Tây.

Nhưng các mẹ lưu ý là cho trẻ ăn kèm với súp trái cây hay rau xanh để duy trì sự cân bằng dinh dưỡng và đảm bảo cung cấp cho cơ thể nguồn dinh dưỡng khác nhau.

Ăn sáng bằng thực phẩm chiên rán

Theo các chuyên gia, thực phẩm chiên rán có hàm lượng mỡ cao. Sau khi chiên, các chất dinh dưỡng trong thực phẩm bị phá hủy khá nhiều, hơn nữa còn sản sinh ra các chất gây ung thư.

Thêm vào đó, thực phẩm qua nhiệt độ cao, ngấm nhiều dầu rất khó tiêu hóa. Nếu uống kèm thêm với sữa có nhiều chất béo sẽ tạo thành bữa ăn sáng có hàm lượng chất béo cao quá mức. Ăn sáng bằng những thực phẩm này quá nhiều thực sự không tốt cho trẻ.

Ăn sáng bằng nhiều món ăn nhẹ

Nhiều cha mẹ dự trữ đồ ăn nhẹ ở nhà để dùng vào bữa sáng cho trẻ, nhất là trong những ngày mưa. Đơn giản vì thời gian buổi sáng không nhiều nên việc lựa chọn đồ ăn nhẹ vừa thuận tiện, nhanh chóng lại khá ngon miệng đối với nhiều trẻ.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bánh quy và các đồ ăn nhẹ khác cung cấp năng lượng trong một thời gian ngắn nhưng nhanh chóng tiêu hao khiến cơ thể các bé dễ bị đói. Càng gần đến trưa mức đường huyết của các bé càng giảm. Lâu dài sẽ dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng, làm suy giảm sức khỏe.

Mặt khác, thức ăn nhẹ chủ yếu là thực phẩm khô, buổi sáng cơ thể đang trong trạng thái mất nước nếu ăn thực phẩm dạng này không có lợi cho tiêu hóa và hấp thu.

Các chuyên gia khuyến nghị các mẹ cũng không nên sử dụng đồ ăn vặt thay cho bữa ăn sáng, đặc biệt là không ăn quá nhiều thực phẩm khô. Thực đơn ăn sáng nên bao gồm các thực phẩm chứa đủ nước.

Ăn sáng quá vội vàng

Buổi sáng thường ít thời gian nên nhiều cha mẹ tranh thủ giải quyết bữa sáng cho bé ngay trên đường. Đó có thể là cái bánh mỳ pate mua dọc đường, bánh ngọt hay thực phẩm chiên rán, thức ăn nhanh ở các quán ven đường... sau đó là để trẻ vừa đi vừa ăn.

Các chuyên gia cảnh báo thói quen ăn sáng quá vội vàng, lại tranh thủ vừa đi vừa ăn này vô cùng bất lợi cho tiêu hóa và hấp thu của trẻ. Chưa nói đến việc thức ăn đường phố còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho sức khỏe.

Lời khuyên trong trường hợp này là: Nếu các mẹ chọn thức ăn đường phố để làm bữa ăn sáng cho trẻ thì tốt nhất là nên mua ở gần nhà hay các nhãn hàng có uy tín để ăn. Cố gắng không để trẻ vừa đi vừa ăn trên đường. Đôi khi "nhờ vả" các thầy cô giáo cho trẻ ăn sáng ở lớp thì cũng không quá phiền đâu các mẹ ạ.

Bữa sáng thiếu dinh dưỡng

Có cha mẹ muốn con mình khỏe mạnh nhưng không nhất thiết phải mũm mĩm nên đã lựa chọn cho bé những thực phẩm chứa ít calo, chẳng hạn như trái cây, rau, sữa... Tuy nhiên, đó là những thực phẩm thiếu giá trị dinh dưỡng cao.

Cha mẹ đã nhầm lẫn tin rằng các thực phẩm chủ yếu chỉ cung cấp nhiệt mà quên mất rằng carbohydrate cũng thuộc phạm vi dinh dưỡng. Đối với cơ thể người, carbohydrate vô cùng quan trọng. Nếu không được bổ sung đầy đủ làm thiếu hụt nhiệt lượng, cơ thể sẽ phải tự động giải phóng nhiệt. Lâu dài sẽ gây ra suy dinh dưỡng và dẫn đến sự suy yếu của các chức năng khác nhau của cơ thể

Các mẹ cần bổ sung thêm bánh mì và các loại ngũ cốc khác vừa để đảm bảo cho bé được cung cấp đủ carbohydrate, vừa thuận lợi cho sự hấp thụ sữa.

(Theo Afamily)

6 Sai lầm phổ biến khi cho bé ngủ

 

Bạn đã tìm nhiều cách để cải thiện giấc ngủ cho bé nhưng có thể bạn đã mắc phải một trong 6 sai lầm dưới đây mà chưa biết.

Sai lầm 1: Để bé đi ngủ quá muộn

Bạn sẽ dành thời gian chơi đùa cùng con đến khi bé mệt mỏi thì cơn buồn ngủ sẽ tự đến và bạn sẽ không mất công dỗ bé ngủ nữa? Đây không phải là một ý tưởng hay, bởi khi quá mệt mỏi, trẻ tuy dễ ngủ nhưng rất khó để duy trì được giấc ngủ ngon và sâu, bé sẽ có xu hướng thức dậy sớm hơn bình thường và có thể sẽ quấy khóc.

Tốt hơn hết, cha mẹ nên tạo thói quen cho bé đi ngủ vào một giờ cố định. Đừng chờ đến khi bé ngáp và dụi mắt bạn mới dỗ bé ngủ.

Sai lầm 2: Dựa vào chuyển động nhẹ để ru bé ngủ

Bạn thấy bé thường dễ có những giấc ngủ ngắn lúc ngồi trên xe đẩy hoặc xích đu khi bạn đẩy nhẹ. Tuy nhiên, lợi dụng điều này quá thường xuyên sẽ tạo thành thói quen xấu cho bé trước khi đi ngủ. Bé sẽ không ngủ được hoặc không có được giấc ngủ “dài hơi” đúng nghĩa nếu thiếu những chuyển động nhẹ nhàng kia.

Sai lầm 3: Đặt nhiều đồ chơi quanh nơi bé ngủ

Bạn để những thứ đồ chơi phát ra âm thanh và ánh sáng quanh chỗ ngủ của bé vì nghĩ những món đồ này sẽ làm bé yên tâm và dễ ngủ hơn. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, chúng sẽ khiến bé tỉnh táo hơn và tập trung vào những món đồ chơi đó mà quên đi giấc ngủ.

Tốt nhất, cha mẹ hãy để ánh sáng vừa phải nơi bé ngủ, không nên tắt đèn tối om tránh để bé lo lắng, sợ hãi. Để bé ngủ xa những nơi có tiếng ồn hoặc đối với những bé lớn hơn, bạn không nên cho con xem ti vi trước khi ngủ vì nó có thể ảnh hưởng đến não và tâm trạng sau khi trẻ thức dậy.

Sai lầm 4: Bỏ qua thói quen trước khi đi ngủ

Bạn cho rằng đọc một câu truyện nhỏ hay hát ru trẻ trước khi ngủ là không cần thiết. Tuy nhiên, chính những việc đơn giản này lại làm bé cảm thấy “hài lòng” và dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.

Sai lầm 5: Không thống nhất

Bạn cho trẻ ngủ một cách không thống nhất, khi thì bạn ôm trẻ ngủ cùng, khi thì bạn lại bắt trẻ phải ngủ một mình. Hãy tránh tình trạng này, nếu đã để bé ngủ riêng thì nên duy trì thói quen đó, nếu lo lắng cho bé, bạn có thể ngồi cạnh bé một lúc trước khi con chìm sâu vào giấc ngủ, nhưng nhớ cũng chỉ nên làm việc này một vài ngày, nếu kéo dài trẻ sẽ ỷ lại chờ có bạn ngồi cạnh thì mới ngủ.

Sai lầm 6: Cho bé ngủ một giường lớn quá sớm

Trước 3 tuổi, con của bạn chưa đủ hiểu biết và tầm “kiểm soát” trong ranh giới tưởng tượng của một chiếc giường. Đừng di chuyển trẻ một cách đột ngột, từ cũi hoặc một chiếc giường nhỏ hơn sang một chiếc giường lớn hơn.

Thay vào đó, hãy cho trẻ làm quen dần, nếu sau một tuần trẻ không quen bạn nên cho trẻ về chiếc giường cũ của bé. Khi cảm thấy thoải mái với chỗ nằm ngủ của mình thì trẻ mới có thể có được một giấc ngủ ngon.

(Theo Afamily)

 

Công thức trị biếng ăn cho bé bằng khoai tây, đúng hay sai?

 

Hiện nay, trên một số diễn đàn, nhiều chị em đang xôn xao về phương pháp trị biếng ăn cho trẻ bằng công thức chứa bột khoai lang. Người thì tin "sái cổ", người lại tỏ ý nghi ngờ, vậy đâu là thông tin chuẩn?

Tràn lan các công thức tự chế

Mẹ bé Bin, một trong những thành viên trung thành của các diễn đàn này chia sẻ: “Món này cu nhà mình ăn hoài à, tháng trước đi cân Bin đã tăng được 2kg nhờ ăn khoai lang đấy. Khoai lang dễ nấu lắm, có thể nấu chung với cháo trắng, thành món hỗn hợp khi nấu vẫn cho thịt, cá, dầu ăn, khiến trẻ đủ dinh dưỡng, mà khoai lang lại nhiều chất pectin giúp bé dễ tiêu hóa”.

Chị Hằng, mẹ bé Su Su 20 tháng tuổi ở Hoàng Hoa Thám, Hà Nội cũng chia sẻ: “Bé nhà tôi thuộc diện biếng ăn, nên tôi tìm mọi cách để cháu ăn nhiều hơn. Nhưng càng cố ép, bé càng nôn trớ, nên tôi đành chịu. Hôm trước, tôi đọc được thông tin cho bé ăn khoai lang, đặc biệt là khoai lang vàng sẽ giúp trị chứng biếng ăn, nhưng thực hư thế nào cũng chưa nắm được nên tôi vẫn hoang mang chưa dám cho con ăn thử”.

Chưa có minh chứng khoa học

Trước những thông tin trên, BS. Bùi Quang Sáng, Chủ nhiệm khoa Dinh Dưỡng, BV Quân Y 354 Hà Nội cho biết: Khoai lang chứa nhiều chất xơ, protein, các vitamin A, C, B6, E, sắt, calci… thuộc hàng cao nhất so với các loại rau củ khác, trên cả khoai tây.

Tuy nhiên, việc cho trẻ ăn khoai lang để trị biếng ăn chỉ là thông tin truyền miệng, cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh về điều đó. Ngoài ra, việc các mẹ cho trẻ ăn quá nhiều khoai lang có thể gây tới những tác động tiêu cực với hệ tiêu hóa của trẻ, vì khoai lang có lượng xơ rất cao, nếu ăn thay lương thực cho đủ calorie tương ứng thì lượng xơ cao sẽ khiến bé dễ bị đầy hơi, trướng bụng…

BS. Bùi Quang Sáng khuyến cáo: Khoai lang có nhiều loại như ruột vàng, ruột đỏ, ruột trắng… Nếu các bà mẹ muốn bổ sung thêm khoai lang cho trẻ để tạo cảm giác lạ miệng, dễ ăn thì nên chọn loại vỏ đỏ ruột vàng, nếu để giải cảm và chữa táo bón thì dùng khoai vỏ trắng, ruột trắng.

Có một điều các mẹ cũng cần chú ý, khi dùng khoai, nhất thiết phải rửa sạch vỏ, loại bỏ đi các phần hà, thối. Vỏ khoai lang chứa nhiều vitamin và khoáng chất, nên khi chế biến tránh gọt vỏ khoai quá dày sẽ làm mất đi lớp protein trong khoai vốn chỉ tồn tại ở sát vỏ. Khi làm bột cho trẻ, tốt nhất bạn nên luộc khoai cho chín, rồi bóc vỏ trước khi ăn.

Tuyệt đối không cho trẻ ăn những loại khoai lang đã lên mầm, vì mầm khoai có chứa chất acaloit khi ăn vào sẽ tích lũy trong cơ thể gây ngộ độc. Chất acaloit này tuy không gây ra những biểu hiện tức thời, nhưng về lâu dài sẽ khiến làn da trông xanh xao, nhợt nhạt, sức khỏe kém.

Đặc biệt, với trẻ nhỏ do đề kháng kém, nếu ăn nhiều vỏ khoai mọc mầm sẽ dẫn đến nhiễm độc mạn tính, làm giảm khả năng thải độc của cơ thể.

(Theo Afamily)

 

Những lỗi khó tha thứ của mẹ khi chăm bé sơ sinh

Băng kín rốn là 1 trong những lỗi khó tha thứ của mẹ khi chăm sóc “thiên thần” nhỏ.

Phải nói ngay rằng, việc chăm sóc trẻ sơ sinh, nhất là đối với những người lần đầu làm mẹ không hề đơn giản. Vì vậy, mắc lỗi là chuyện dễ hiểu.

Để giúp các mẹ ‘lão luyện’ hơn khi chăm bé, những chuyên gia Nhi khoa giàu kinh nghiệm nhất khuyên:

1. Mẹ “dại” khi nuôi bé trong môi trường “vô trùng”

Đảm bảo vệ sinh cho bé sơ sinh là việc làm cần thiết nhưng “thái quá” cũng không tốt. Nhiều bà mẹ trẻ, vì quá lo lắng nên thường nuôi bé ở chế độ “vô trùng” – cách ly bé với môi trường bên ngoài, hạn chế người thân hoặc bạn bè bế ẵm…

Theo khuyến cáo của các chuyên gia Nhi khoa, bé dưới 6 tháng tuổi có hệ hô hấp và miễn dịch chưa phát triển toàn diện nên việc tránh cho bé tiếp xúc với đám đông, người lạ là hiển nhiên. Tuy vậy, cũng không cần kiêng khem gắt gao và tuyệt đối không “nhốt” bé trong phòng 24/24 để bé bị cớm nắng (thiếu ánh sáng mặt trời).

2. Mẹ “dại” khi cho bé ăn bổ sung không đúng độ tuổi

Cho bé ăn bổ sung không đúng độ tuổi, gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe của bé. Cho trẻ ăn bột sớm quá (trước 4-6 tháng tuổi) hoặc quá nhiều so với tháng tuổi (mới 5-6 tháng đã cho ăn tới 4 bữa bột/ngày) là hoàn toàn không tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ.

Trẻ ăn không tiêu, sinh tướt, đi ngoài phân sống, dần dần bị viêm ruột già, đi tiểu ra máu, lâu dài sẽ sinh rối loạn tiêu hóa. Ngược lại, khi trẻ ngoài 4-6 tháng tuổi mà vẫn chưa được ăn thêm thì không chóng lớn.

3. Mẹ “dại” khi chọn quần áo cho bé theo sở thích của mình

Không ít ông bố, bà mẹ có thói quen chọn quần áo cho bé theo ‘gu’ thời trang của bản thân, khiến đồ mặc cho bé khi thì quá rộng, lúc lại quá chật.

Theo khuyến cáo, cơ thể bé còn non nớt, vì thế, nên chọn những loại quần áo mềm, thoát khí…

4. Mẹ “dại” khi để bé tiếp cận trò chơi nguy hiểm

Cho trẻ dùng đồ chơi không hợp với tuổi hoặc có chứa chất độc hại… nhất là khi trẻ nghịch và ngậm vào miệng, thậm chí có trường hợp nuốt vào bụng… là lỗi điển hình của rất nhiều phụ huynh.

Với bé, mẹ nên chọn những đồ chơi đơn giản, phù hợp độ tuổi và có tác dụng làm tăng IQ, loại bỏ đồ chơi có chứa chì và các hóa chất độc hại – ‘thủ phạm’ gây tổn thương não bộ và suy giảm trí nhớ ở trẻ em.

5. Mẹ “dại” khi đặt bé nằm ngủ sấp

Rất nhiều bà mẹ vô ý đặt bé nằm sấp khi ngủ, phía dưới kê đệm mềm. Đây là một sai lầm cần tránh vì nó là ‘hung thần’ gây Hội chứng đột tử (SIDS) ở trẻ sơ sinh.

6. Mẹ “dại” khi cung cấp thiếu nước cho bé

Khi trẻ không quấy khóc, mẹ có thói quen không cho trẻ uống nước vì cho rằng, trẻ không khóc nghĩa là ‘ok’ – không cần ăn, uống.

Sự thật, nên huấn luyện trẻ làm quen với việc ăn uống theo lịch và thường xuyên bổ sung nước cho trẻ. Học cách nhận biết khi nào trẻ no, ví như: nếu trong tuần đầu tiên tã ướt 6 lần/ngày thì được xem là bình thường, ngược lại, nếu ít hơn là có vấn đề, cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay.

7. Mẹ “dại” khi tự làm bác sĩ kê đơn cho con

Khi bé ốm, các mẹ dễ mất tinh thần, cho bé uống bất kỳ thứ thuốc nào được mách bảo (kể cả lời khuyên từ những người không có chuyên môn y khoa). Việc này thực tế có thể khiến bé bệnh nặng hơn.

Thuốc kháng sinh không phải là ‘thần dược’ với trẻ nhỏ, nhất là khi chỉ dùng riêng một loại thuốc này, nó không có tác dụng trị bệnh do virus gây ra. Ngoài ra, dùng kháng sinh cho trẻ sơ sinh còn gây hại, không khỏi bệnh mà còn tạo ra hiện tượng kháng thuốc. Khi trẻ ốm đau, nhất thiết phải nhờ tư vấn và dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

8. Mẹ “dại” khi cho bé uống nước cam thảo

Còn rất nhiều mẹ hiểu sai rằng, cho trẻ uống nước cam thảo giúp trẻ ọc sạch đờm nhớt. Sự thật, uống nước cam thảo sẽ làm tăng nguy cơ xuất huyết gây nguy hiểm tới tính mạng của trẻ

9. Mẹ “dại” khi băng kín rốn của bé

Nhiều người nghĩ rằng băng kín rốn giúp bảo vệ rốn. Nhưng trái lại. việc băng kín rốn sẽ tạo môi trường tốt cho vi trùng phát triển, gây nhiễm trùng rốn và chậm rụng rốn. Do đó, cha mẹ nên để hở rốn sau khi chăm sóc rốn, quấn tã dưới rốn và chỉ phủ lớp mỏng áo lên rốn để dễ quan sát. Việc làm này, giúp rốn mau khô, nhanh rụng, ít nhiễm trùng và ít tạo chồi rốn.

bACSI.com (Theo Afamily)

Sợ thuốc trừ sâu, mẹ “cai” rau cho bé

 

Sợ rau xanh phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích nên nhiều mẹ đã "cai" rau cho con mà thay thế bằng hoa quả và các loại củ. Điều này là hoàn toàn sai lầm.

“Hiện có xu hướng, người dân sợ các loại rau xanh có thuốc sâu, thuốc bảo vệ thực vật nên không dám ăn mà thay thế bằng các loại củ quả, trái cây. Trong khi nếu chỉ ăn củ quả, trái câu cơ thể chắc chắn sẽ thiếu các sinh tố”.

BS Hoàng Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm truyền thông (Viện Dinh dưỡng) cho biết tại buổi họp báo hướng ứng Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển tổ chức tại Hà Nội mới đây.

Điệp khúc su su, bí đao

Đến hơn hai tháng nay, nhà chị Vương (Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) chỉ ăn nguyên các loại củ, quả thay thế cho rau xanh. “Tôi vẫn nghe nói nông dân dùng thuốc phun kích thích rau lớn, rồi thì phun thuốc sâu hôm trước hôm sau đã hái bán nên đã cẩn thận mua máy sục rau. Vậy mà cách đây hơn hai tháng, đứa con gái 6 tuổi ăn rau xong bị đau bụng, đi ngoài cả một ngày trời, từ đó cả nhà đành “cai” rau xanh, chỉ ăn các loại củ quả.

Thôi thì su su, bí đao, mướp, bí đỏ… đổi loạn cả lên mà cũng được đến hai tháng rồi, giờ cả nhà đã ngao ngán quá. Nhất là mấy đứa nhỏ, đứa nào cũng bị táo bón, dù ép chúng ăn cả nửa đĩa su su luộc nhưng vẫn không ăn thua”, chị Vương buồn rầu nói.

Theo BS Hoàng Thị Kim Thanh, việc người dân sợ các loại rau xanh vì thuốc sâu, thuốc bảo vệ thực vật như trường hợp gia đình trên không phải cá biệt mà thực sự là một xu hướng. Thậm chí một số trường mầm non, tiểu học cũng lo ngại nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ các loại rau xanh nên trong thực đơn, các loại củ quả vẫn được ưu tiên.

“Nhiều người nghĩ rằng, đã là rau thì củ quả hay rau lá đều tốt như nhau, đều cung cấp chất xơ, các hàm lượng vitamin và khoáng chất. Thực tế không phải vậy, các thành phần này trong rau củ, hoa quả và rau xanh là hoàn toàn khác nhau”, BS Thanh nói.

“Trên thực tế, ăn củ quả chỉ đủ một số thành phần sinh tố và nếu chỉ ăn củ quả thay cho rau xanh, chắc chắn cơ thể sẽ thiếu sinh tố. Chúng tôi đã tra thành phần dinh dưỡng các loại củ quả, thì hàm lượng sinh tố, đặc biệt sinh tố C và sinh tố nhóm B rất thấp. Đặc biệt những loại như su su thì hàm lượng sinh tố không đáng kể”, BS Thanh cho biết.

Hay như hoa quả, dù rất quý, rất có ích cho cơ thể song cũng không nên ăn hoa quả thay cho rau xanh. Bởi hàm lượng vitamin và các chất khoáng trong rau xanh cao hơn trái cây, ví dụ làm lượng beta - caroten, các loại vitamin và chất khoáng trong rau dền cao gấp 2 - 6 lần trong cam, chanh. Các chất xơ trong rau còn có tác dụng chống táo bón.

Một số loại rau nhất là rau gia vị còn có tác dụng chữa nhiều bệnh và là nguồn kháng sinh thực vật quý giá như hành, cà rốt, tía tô, tỏi… Vì thế, bên cạnh ăn các loại rau củ, trái cây thì rau xanh là vô cùng quan trọng. Cả người lớn và trẻ em đều phải ăn rau xanh, không thể thay thế bằng các loại củ quả. Vấn đề là mua ở những nơi an toàn, nhặt sạch, rửa sạch sẽ đảm bảo an toàn thực phẩm. Càng ăn nhiều loại rau và hoa quả thì càng cung cấp đủ vitamin và chất khoáng cần thiết cho trẻ.

Trẻ ăn bao nhiêu rau là đủ?

Theo TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, rất nhiều phụ huynh nghĩ trẻ còn nhỏ nên lượng rau ăn ít hơn người lớn, mỗi bữa bé chỉ cần vài gắp rau là đủ. Hơn nữa, nhiều trẻ nhất quyết không chịu ăn rau và bố mẹ cũng tặc lưỡi cho qua, nghĩ con đã ăn được nhiều trái cây nên không ép con ăn thêm rau, đây là quan niệm sai lầm.

Thực tế, từ lớp 1 rồi dần lên lớp 4-5 đã có sự khác biệt rõ ràng về thể chất cũng như dinh dưỡng của trẻ. Bắt đầu lớp 1, trẻ là một trẻ thơ, nhưng hết cấp 1, nhiều bé đã dậy thì, trở thành thiếu nữ. Nếu lượng rau xanh vẫn chỉ vài gắp rau mỗi bữa thì sẽ không đủ bởi lúc này, lượng tiêu thụ rau xanh ở trẻ tương đương với người lớn. Bé hoàn toàn có thể (và nên) ăn khoảng 3 lạng rau/ngày.

Vậy làm thế nào để trẻ chịu ăn rau?. Nguyên nhân một phần là do ngay từ nhỏ, bố mẹ đã không chú ý cho con ăn rau. Nhiều phụ huynh chỉ chăm chăm tính một ngày con ăn cháo được 1 lạng thịt (tôm, cá, trứng) mà không quan tâm đến lượng rau, vì cho rằng rau nghèo dinh dưỡng, rồi rau không phải là chất bổ, ăn nhiều rau dễ tiêu chảy, phân xanh… nên trẻ không biết ăn rau. Do đó, cần cho trẻ ăn rau ngay khi bắt đầu thời kỳ ăn bổ sung.

Với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, cho trẻ ăn rau bằng cách băm, giã nhỏ lá rau xanh cho lẫn vào bột, cháo, tăng từ ít đến nhiều, ăn đa dạng các loại rau.

Với trẻ từ 3 tuổi trở lên, lúc đầu có thể thái rau nhỏ, nấu canh cho trẻ. Khi nấu cũng chọn loại rau thích hợp, nấu thành món canh ngon kích thích trẻ ăn như rau mồng tơi, rau đay nấu với cua, rau ngót nấu thịt, sườn, rau cải nấu với cá rô…

(Theo Afamily)

 

7 cách làm hư trẻ nhanh nhất

Cách ứng xử của người lớn sẽ tác động tới suy nghĩ và tâm lý của trẻ nhỏ. Bạn hãy xem những điều chúng ta tưởng là bình thường trong cuộc sống dạy cho trẻ điều gì nhé!

- Bạn đang phải chịu sức ép từ  công việc, về tới nhà, thấy con mình đang bày đồ chơi và hò hét ầm ĩ. Bạn thật sự cáu giận và đã hét lên rằng: “Đừng có kêu gào nữa, vào trong ngồi chơi. Ngay!”.

Bạn nghĩ rằng điều đó chẳng hề ảnh hưởng gì tới trẻ. Tuy nhiên, câu nói và thái độ của bạn lúc đó khiến đứa trẻ hiểu rằng nó không được tôn trọng.

Trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi và nếu điều đó kéo dài thì lớn lên, rất có có thể trẻ sẽ có xu hướng bạo lực, thích bắt người khác phải làm theo ý của mình. Bởi vậy, hãy để ý trong cách nói chuyện với con bởi bạn chính là tấm gương cho con.

- Kết hôn nhiều năm và bạn không quan tâm tới thái độ của bạn đời. Bạn có thể giận dữ với chồng khi anh ấy làm gì đó không vừa ý bạn ngay trước mặt con.

Tất cả sự giận giữ, giọng nói, vẻ mặt, thái độ của bạn lúc đó sẽ được trẻ chứng kiến. Trẻ sẽ nhớ và có suy nghĩ về sự đòi hỏi trong cuộc sống.

Hãy tránh những câu chửi thề hoặc ngôn ngữ “người lớn” trước mặt trẻ. Thay vào đó, bạn có thể bình tĩnh và nói bằng thái độ dịu dàng, mềm mỏng hơn. Trẻ sẽ học được cách lắng nghe và chia sẻ cảm xúc từ bố mẹ của chúng.

- Công việc vất vả, bạn phải khó khăn lắm mới trang trải được cuộc sống. Tuy nhiên, vì muốn con mình bằng bạn bằng bè, bạn mua cho con đủ thứ và lúc nào cũng tỏ ra mình là người hào phóng trước mặt con.

Cách làm này sẽ khiến trẻ nghĩ rằng chúng là vị trí số một và sẽ luôn chỉ biết nhận chứ không biết chia sẻ. Vì vậy, hãy yêu con một cách đúng đắn và tuyệt đối không nên chiều trẻ.

- Bạn hỏi trẻ câu hỏi: “Hôm nay ở trường con thế nào?” trong tình trạng đang đọc báo, dọn phòng hoặc chuẩn bị đồ ăn. Hành động này sẽ khiến trẻ có cảm giác bạn không quan tâm tới câu trả lời mà chỉ hỏi cho có lệ. Lúc đó, trẻ sẽ đáp lại rằng: “Không có gì ạ”, “Vẫn bình thường ạ”…

Bạn không hề để ý tới những câu trả lời đó và cho rằng con mình không có vấn đề gì cả. Tuy nhiên, những điều này sẽ khiến trẻ có suy nghĩ bố mẹ không quan tâm tới chúng.

- Con bạn tranh giành đồ chơi với đứa trẻ hàng xóm và xảy ra xô xát. Bạn thấy vậy liền cấm con mình không được chơi với đứa trẻ đó nữa chứ không hề giải thích rằng con không nên làm vậy.

Cách làm của bạn khiến đứa trẻ không phân biệt được sai trái và luôn có tâm lý muốn trả thù.

- Tivi nhà bạn bị hỏng, bạn gọi điện cho người thợ sửa tivi tới. Một lát sau, người thợ sửa tivi gọi lại và nói họ có việc đột xuất xin hẹn giờ đến muộn hơn. Bạn dập máy và trách móc người thợ ngay trước mặt con.

Đứa trẻ khi chứng kiến sự việc sẽ có tâm lý đổ lỗi cho người khác chứ không biết thông cảm.

- Bạn vào siêu thị cùng con và có chút va chạm với một người khác. Vì nghĩ đó không phải lỗi của mình nên bạn lớn tiếng và quát mắng người kia.

Hành động đó sẽ khiến trẻ nghĩ rằng chiến đấu và gây gổ là cách giải quyết mọi việc. Rất có thể sau ngày hôm đó, bạn sẽ thấy trẻ thường xuyên gây gổ và hiếu thắng với bạn bè.

(Theo AF)