Lưu trữ cho từ khóa: sa sút trí tuệ

Nhận biết chứng sa sút trí tuệ ở người già

Ở người già, các cơ quan đều bị suy giảm chức năng.

Dù do nguyên nhân nào thì người mắc bệnh này cũng sẽ trải qua sự suy giảm không thay đổi được cả về chức năng và trí tuệ, kéo dài từ 2 đến 10 năm. Cuối cùng, bệnh nhân trở thành người lệ thuộc hoàn toàn và thường tử vong do các bệnh nhiễm trùng.

nhan-biet-chung-sa-sut-tri-tue-o-nguoi-gia

Ảnh minh họa – Internet

Sa sút trí tuệ là sự suy giảm chức năng trí tuệ và những lĩnh vực khác về nhận thức, dẫn đến giảm khả năng hoạt động sống hàng ngày. Đây là một trong những rối loạn ảnh hưởng trầm trọng nhất đến người cao tuổi.

Đặc trưng của bệnh là sự suy giảm nhận thức xảy ra trong tình trạng ý thức vẫn bình thường. Đó không phải là loại rối loạn nhận thức có thể hồi phục như mê sảng hay trầm cảm.

Tần suất mắc bệnh sa sút trí tuệ tăng nhanh theo tuổi. Ở tuổi sau 60, tỷ lệ này tăng gấp đôi mỗi 5 năm. Ở tuổi 60-64, chỉ có 1% bị sa sút trí tuệ, nhưng đến tuổi trên 85 thì tỷ lệ này là 30-50%.

Cần phân biệt sa sút trí tuệ và quên lành tính do tuổi. Quên lành tính do tuổi là tình trạng giảm trí nhớ do tuổi cao, là kết quả của tiến trình hoạt động thần kinh chậm dần do tuổi tác.

Khởi đầu của quên lành tính là tình trạng khó nhớ thông tin mới và chậm nhớ lại thông tin cũ do suy giảm khả năng tập trung và chú ý. Tuy nhiên, khi cho bệnh nhân thời gian và có biện pháp động viên thì việc sinh hoạt hằng ngày của họ vẫn bình thường

Biểu hiện thường gặp nhất của sa sút trí tuệ giai đoạn sớm là giảm trí nhớ gần. Bệnh nhân có thể quên điều mình vừa nói và lặp đi lặp lại câu này nhiều lần trong vài phút. Họ thường xuyên quên nơi để những vật dụng cá nhân. Tình trạng quên kéo dài và dẫn đến tâm lý hoang tưởng là bị mất trộm.

Trong giai đoạn sớm này, bệnh nhân cũng gặp khó khăn khi tìm từ diễn đạt ý mình muốn nói hoặc giải thích một điều gì đó. Họ thường phải nói vòng vo, chẳng hạn như không nhớ từ cà vạt nên phải mô tả nó là một vật quấn quanh cổ áo.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể quên hay khó khăn trong việc sử dụng hoặc làm những công việc hằng ngày như lái xe, giữ tiền, nấu ăn…

Những biểu hiện khác của sa sút trí tuệ giai đoạn sớm là thay đổi cá tính, rối loạn cảm xúc và giảm sự phán đoán. Người bệnh có những hành động không giống như họ đã từng làm, chẳng hạn như một người keo kiệt đột nhiên tặng cho hội từ thiện vài chục triệu đồng. Những thay đổi tính khí khác như trầm cảm hay hoang tưởng cũng thường xảy ra.

Cần lưu ý trong giai đoạn sớm này, hoạt động xã hội của người sa sút trí tuệ vẫn không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, họ thường có những thay đổi về tính khí như cáu gắt, tàn nhẫn, kích động…

Sự ổn định trí tuệ của bệnh nhân cũng khá mỏng manh. Trong những tình huống khó khăn hay bức xúc thì sự suy giảm trí tuệ có thể biểu lộ rõ rệt, chẳng hạn như khi phải đi một quãng đường xa để thăm con cháu thì họ có thể đi lạc hay mất định hướng, đi vòng vo.

Ở mức độ trung bình, bệnh nhân bị giảm khả năng thực hiện các công việc thường ngày như tắm rửa, mặc đồ, vệ sinh cá nhân. Họ không thể nhớ được thông tin mới, mất định hướng về không gian và thời gia, có thể quên những sự vật xung quanh mình như quên nhà vệ sinh, phòng ngủ ở đâu.

Người bệnh cũng dễ bị ngã hoặc có tai biến do sự nhầm lẫn và giảm phán đoán. Những rối loạn hành vi có từ giai đoạn sớm vẫn kéo dài đến giai đoạn trung bình và nặng. Hoang tưởng và ảo giác xuất hiện ở khoảng 25% bệnh nhân.

Ví dụ: Khi bệnh nhân mất khả năng nhận ra chính bản thân mình trong gương thì họ lại nghi ngờ là có người lạ vào nhà. Sự lệch lạc này có thể ngày càng nặng và kéo dài. Bệnh nhân cũng có những biểu hiện rối loạn hành vi và trở nên kích động.

Ở giai đoạn nặng, bệnh nhân không thể thực hiện những sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, vệ sinh cá nhân, đi lại và lệ thuộc hoàn toàn vào người thân. Trí nhớ ngắn hạn, dài hạn bị mất hoàn toàn.

Bệnh nhân không nhận biết được kể cả những người rất thân của mình, mất đi những khả năng vận động phản xạ khác như nuốt (nên dễ bị rối loạn dinh dưỡng và sặc thức ăn). Kết hợp với tình trạng kém dinh dưỡng và ít vận động, nằm liệt giường, bệnh nhân có thể bị loét da.

Ở giai đoạn muộn của sa sút trí tuệ, bệnh nhân sẽ bị tăng tần suất các tai biến; chẳng hạn như biến chứng của việc mất nước, kém dinh dưỡng, viêm phổi hít, loét da. Sự lệ thuộc hoàn toàn vào người khác có khi đưa bệnh nhân đến tình huống phải vào nhà dưỡng lão. Nếu tiếp tục ở tại nhà, người chăm sóc và bệnh nhân phải được trang bị những thiết bị cần thiết khác.

Khi nghi ngờ người thân bị sa sút trí tuệ, bạn hãy đưa họ đến khám tại các phòng khám chuyên khoa tâm thần, thần kinh hoặc lão khoa.

Theo Suckhoedoisong.vn

Phụ nữ mắc bệnh tim dễ bị sa sút trí tuệ

Theo một nghiên cứu mới đây, phụ nữ lớn tuổi bị bệnh tim có thể tăng nguy cơ bị sa sút trí tuệ.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi gần 6.500 phụ nữ Mỹ tuổi từ 65-79 có chức năng não bộ khỏe mạnh khi bắt đầu nghiên cứu. Họ thấy rằng những người bị bệnh tim dễ bị sa sút trí tuệ hơn 29% so với những người không bị bệnh tim.

phu-nu-mac-benh-tim-de-bi-sa-sut-tri-tue

Ảnh minh họa

Nguy cơ sa sút trí tuệ cũng cao gấp khoảng 2 lần ở phụ nữ bị đau tim so với phụ nữ không bị đau tim. Phụ nữ phải phẫu thuật bắc cầu tim hoặc bị bệnh động mạch ngoại biên cũng tăng nguy cơ bị sa sút trí tuệ.

Các yếu tố nguy cơ bệnh tim như cao huyết áp và tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ bị sa sút trí tuệ, tuy nhiên béo phì không làm tăng đáng kể nguy cơ.

Nhóm nghiên cứu nói mặc dù nghiên cứu này phát hiện ra mối liên quan giữa bệnh tim và tăng nguy cơ sa sút trí tuệ song không chứng minh mối quan hệ nhân quả. Cần nghiên cứu thêm để tìm hiểu cách mà phòng ngừa bệnh tim có thể giảm nguy cơ sa sút trí tuệ.

Nghiên cứu được đăng ngày 18/12 trên tạp chí Journal of the American Heart Association.

Theo Anninhthudo.vn

Người lớn tuổi bị thiếu máu tăng nguy cơ sa sút trí tuệ

Một nghiên cứu mới đây cho thấy người lớn tuổi bị thiếu máu có thể tăng nguy cơ sa sút trí tuệ.

nguoi-lon-tuoi-bi-thieu-mau-tang-nguy-co-sa-sut-tri-tue

Ảnh minh họa

“Chúng tôi phát hiện ra rằng nguy cơ sa sút trí tuệ tăng 60% do thiếu máu. Sau khi hiệu chỉnh các yếu tố khác thì nguy cơ vẫn tăng 40-50%”, tác giả chính của nghiên cứu tiến sĩ Kristine Yaffe, giáo sư về tâm thần học, thần kinh và dịch tễ học thuộc Đại học California, San Francisco, cho biết.

Nhóm nghiên cứu nêu rằng thiếu máu có thể chỉ báo sức khỏe tổng thể kém. Nguyên nhân gây thiếu máu có thể do thiếu sắt và mất máu. Ung thư, suy thận và một số bệnh mạn tính cũng có thể dẫn tới thiếu máu.

Một chuyên gia nói nghiên cứu này nhắc nhở các bác sĩ rằng rất nhiều tình trạng dẫn tới thiếu máu, và điều trị thiếu máu có thể tránh được nguy cơ suy giảm tâm thần.

Được đăng trên tạp chí Neurology ngày 31/7, các tác giả cho rằng cần nghiên cứu thêm để xác nhận mối liên quan này trước khi đưa ra các khuyến cáo về phòng ngừa sa sút trí tuệ.

Theo Anninhthudo.vn

6 bí quyết sống ngăn ngừa sa sút trí tuệ

 Thói quen sống là yếu tố quan trọng nhất giúp xác định có hay không việc phát triển chứng sa sút trí tuệ của một người. Dưới đây là 6 bí quyết sống giúp ngăn ngừa bệnh này, theo ANI.

Ăn cá. Axit béo omega-3 có thể giúp ngăn ngừa bệnh sa sút trí tuệ. Những nghiên cứu gần đầy cho thấy tại Nhật Bản, quốc gia có chế độ ăn nhiều cá, những người sống thọ có tỷ lệ mắc bệnh sa sút trí tuệ rất thấp.

6-bi-quyet-song-ngan-ngua-sa-sut-tri-tue
Kiểm soát căng thẳng cũng là thói quen tốt cho não bộ - Ảnh: Shutterstock

Lạc quan. Nếu bạn tự kiểm soát được căng thẳng thì sẽ rất có ích cho sức khỏe trong tương lai. Một nghiên cứu năm 2010 về 1.500 phụ nữ Thụy Điển cho thấy những người có căng thẳng ở tuổi trung niên đã phát bệnh sa sút trí tuệ sau đó trong đời.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu còn cho thấy trầm cảm cũng dẫn đến chứng sa sút trí tuệ.

Ngủ ngon. Ngủ ngon cũng có ích cho sức khỏe não bộ. Rối loạn giấc ngủ vào tuổi trung niên có thể ảnh hưởng các mảng amyloid beta - loại protein độc hại đối với não bộ.

Bỏ rượu và thuốc lá. Rượu và thuốc lá làm tăng rủi ro phát triển bệnh, bởi thói quen này có thể gây hại cho tế bào não.

Năng động. Duy trì cuộc sống năng động có thể giúp trì hoãn việc phát bệnh sa sút trí tuệ.

Tập thể dục cho não. Tập thể dục tinh thần sẽ tăng cường sức khỏe não bộ. Hoạt động tinh thần thường xuyên tạo cầu nối giữa các tế bào thần kinh trong não, giúp chống lại sự sa sút tinh thần. Đọc một cuốn sách hay cũng là bài tập cho não bộ.

(Theo Thanhnien)

Ngăn ngừa bệnh suy giảm trí nhớ bằng thuốc

Suy giảm trí nhớ hay sa sút trí tuệ thường gọi là lẫn hay đãng trí, là hiện tượng kém dần của trí nhớ và nhận thức do suy thoái không ngừng của não bộ.

Người mắc phải chứng lẫn lúc đầu thường quên những việc mới xảy ra nhưng về sau, khi bệnh trầm trọng, người bệnh gặp phải những khó khăn trong giải quyết các vấn đề cần suy nghĩ có tính chất trừu tượng như tính toán, lập kế hoạch, tính hoá đơn, hiểu những gì mình đã đọc, tổ chức công việc thường ngày… Người bệnh có thể dễ kích động, tranh cãi vô cớ, ăn mặc không phù hợp với hoàn cảnh. Ở giai đoạn nặng, người bệnh có thể mất định hướng, lẫn lộn, không nhớ ngày tháng, không nhớ nơi mình ở, không nhớ những nơi mình đã đi qua, không thể kiểm soát được việc vệ sinh cá nhân, không tự chăm sóc được bản thân…

Sa sút trí tuệ cần được phân biệt với tình trạng giảm trí nhớ sinh lý của người lớn tuổi (quên lành tính của tuổi già) vốn là hệ quả của sự lão hoá, trong đó các quá trình thần kinh bị chậm đi. Sa sút trí tuệ do nhiều nguyên nhân gây ra, thường gặp là do nguyên nhân mạch máu, do bệnh Alzheimer. Những thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh suy giảm trí nhớ gồm:

Ngăn ngừa bệnh suy giảm trí nhớ bằng thuốc
Não bộ và hệ thần kinh.

Nhóm thuốc ức chế cholinestarase:

Nhóm này được sử dụng vì có tình trạng suy giảm thụ thể acetylcholin và nicotin trong hệ thần kinh trung ương ở các bệnh nhân sa sút trí tuệ do bệnh Alzheimer và chính sự khiếm khuyết này gây suy giảm nhận thức và suy giảm trí nhớ. Cho tới nay, thuốc kháng men cholinesterase được xem là nhóm thuốc chính trong điều trị bệnh Alzheimer và các bệnh sa sút trí tuệ khác. Nhóm thuốc này đã được chứng minh là có hiệu quả hơn placebo trong việc điều trị các triệu chứng của bệnh Alzheimer và các bệnh sa sút trí tuệ khác khi được sử dụng ở giai đoạn bệnh nhẹ hay trung bình. Tuy nhiên, các thuốc này không làm ngăn chặn được diễn tiến tự nhiên của bệnh.

Tacrine: Là thuốc kháng men cholinesterase được sử dụng đầu tiên, thuốc được chứng minh làm giảm tình trạng suy giảm nhận thức trên bệnh nhân Alzheimer và làm chậm thời gian bệnh nhân phải có người chăm sóc. Tuy nhiên hiện nay, thuốc ít được sử dụng do độc tính của thuốc trên chức năng gan.

Tỷ lệ mắc bệnh sa sút trí tuệ tăng nhanh theo sự gia tăng tuổi tác, được nhân lên gấp đôi sau mỗi 5 năm trong quần thể người từ 60 tuổi trở lên. Số liệu thống kê dịch tễ học của y văn thế giới cho thấy, bệnh chiếm 1% quần thể người từ 60 - 64 tuổi, nhưng bằng 30 - 50% trong quần thể người trên 85 tuổi. Tỷ lệ mắc sa sút trí tuệ trong các viện dưỡng lão từ 60 - 80%.

Donepezil: Dung nạp tốt vì ít tác dụng phụ, donepezil không có độc tính trên chức năng gan và rất ít tương tác với các thuốc khác. Thuốc dùng một liều vào buổi tối, sau 4-6 tuần có thể tăng liều. Tác dụng phụ thường gặp là rối loạn tiêu hoá và rối loạn giấc ngủ.

Rivastigmine: Thuốc có tác dụng chọn lọc trên vùng vỏ não hồi hải mã và vùng vỏ não mới (neocortex), là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất trên bệnh nhân Alzheimer. Rivastigmine được chứng minh có hiệu quả trong các trường hợp Alzheimer mức độ nhẹ hoặc trung bình.

Galantamine: Galantamine ngoài cơ chế ức chế men cholinesterase còn có tác dụng điều hoà thụ thể nicotin, thuốc có hiệu quả trong các trường hợp bệnh Alzheimer mức độ nhẹ và trung bình.

Memantine: Thuốc đối kháng thụ thể N-methyl D aspartate (NMDA) của hệ thống glutamate vì có hiện tượng tăng kích hoạt thụ thể NMDA làm tổn thương các nơron trong các bệnh lý thoái hoá thần kinh. Trong các bệnh lý thoái hoá thần kinh có hiện tượng tăng hoạt hoá các thụ thể glutamate, trong đó có thụ thể NMDA, memantine là thuốc đầu tiên có tác dụng bảo vệ tế bào chống lại sự gia tăng hoạt tính của hệ thống glutamate bằng cách ức chế thụ thể này. Memantine được sử dụng trong các trường hợp bệnh Alzheimer mức độ trung bình và nặng, tuy nhiên vì là thuốc mới nên chưa có khuyến cáo sử dụng chính thức.

Memantine cũng có tác dụng trong các trường hợp sa sút trí tuệ mạch máu hay bệnh lý sa sút trí tuệ hỗn hợp mạch máu và bệnh Alzheimer.

Thuốc dung nạp tốt hơn các thuốc kháng men cholinesterase, tác dụng phụ thường gặp là chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi, tiêu chảy. Memantine được sử dụng trên bệnh nhân Alzheimer khi không còn đáp ứng với các thuốc kháng men cholinesterase hoặc có thể sử dụng trong trường hợp bệnh ở mức độ nhẹ hay trung bình nhưng không dung nạp hay có chống chỉ định với thuốc kháng men cholinesterase (rối loạn nhịp tim).

Selegiline: Ức chế men MAO B có tính chất bảo vệ tế bào thần kinh.

Các loại thuốc khác:

Ginkgo biloba: Có một số nghiên cứu sử dụng ginkgo biloba trong điều trị bệnh Alzheimer, các phân tích tổng hợp cho thấy, thuốc có hiệu quả cao hơn placebo trong sự cải thiện các triệu chứng về nhận thức nhưng không hiệu quả bằng nhóm thuốc kháng men cholinesterase. Thuốc có thể được sử dụng trong sa sút trí tuệ hỗn hợp Alzheimer và mạch máu.

Vitamin E: Không có bằng chứng là việc sử dụng vitamin E phòng ngừa được tình trạng sa sút trí tuệ hay làm giảm triệu chứng rối loạn nhận thức trên bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer, tuy nhiên, một số khuyến cáo điều trị có chỉ định sử dụng vitamin E với hy vọng làm chậm diễn tiến của bệnh.

Nicotin có thể làm cải thiện một số triệu chứng về tâm thần kinh nhưng làm tăng tình trạng lo âu.

Cerebrolysin: Một nghiên cứu cho thấy, có cải thiện chức năng toàn thể và hoạt động hàng ngày của bệnh nhân Alzheimer.

Cho đến nay chưa có thuốc nào được công nhận điều trị hiệu quả bệnh sa sút trí tuệ. Phần lớn nhằm mục đích làm bệnh tiến triển chậm. Do vậy, cần phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh để có biện pháp phòng ngừa thích hợp. Có nhiều yếu tố nguy cơ gây sa sút trí tuệ. Trước tiên là các yếu tố nguy cơ về mạch máu, ví dụ như tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu, béo phì, bệnh mạch vành, mạch não… Thứ hai là các yếu tố tâm lý xã hội và lối sống như học vấn thấp, ít giao tiếp xã hội, ít vận động, chế độ ăn uống không hợp lý... Cuối cùng là các yếu tố nguy cơ ở mức phân tử. Nếu kiểm soát tốt các yếu tố kể trên, phối hợp với một lối sống lành mạnh, thường xuyên luyện tập trí óc, tăng cường giao tiếp và hoạt động thể lực thì có thể phòng tránh được phần nào nguy cơ mắc bệnh, ít nhất thì cũng làm chậm sự khởi phát và tiến triển của bệnh.

BS. Ngô Thanh Sơn (Khoa Thần kinh, Bệnh viện Thanh Nhàn)

Meo.vn

Rau xanh giúp tăng trí nhớ

Theo một nghiên cứu mới, vitamin B9 được tìm thấy đặc biệt trong các loại rau với lá xanh có tính năng giúp những người cao tuổi phòng ngừa chứng sa sút trí tuệ.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Vitamin B9, còn gọi là acid folic, đã được cô lập và tổng hợp từ năm 1945. Cơ thể không thể tự sản xuất chất này mà cần được bổ sung nhờ thực phẩm. Acid folic có mặt chủ yếu trong các lá cải, rau xanh, hạt như bắp, đậu, gan gà và bò…

Vitamin B9 giúp não hoạt động tốt, tham gia trong việc tổng hợp nhiều chất dẫn truyền thần kinh, chất hóa học cho phép các tế bào thần kinh truyền tin. Trí nhớ và các chức năng nhận thức khác sẽ có chất lượng tốt hơn nếu được cung cấp đầy đủ vitamin B9. Ở người cao tuổi, lượng acid folic bổ sung thường rất thấp.

Bà Katherine Tucker và các cộng sự thuộc Trung tâm nghiên cứu dinh dưỡng con người ở trường đại học Tufts (Mỹ) đã nghiên cứu trong suốt ba năm việc bổ sung vitamin B và khả năng trí tuệ của 321 người tuổi từ 50 đến 85. Những người tham gia đã trải qua một loạt thử nghiệm khi nghiên cứu mới bắt đầu và lặp lại các thử nghiệm này 3 năm sau.

Các nhà nghiên cứu đã so sánh hai kết quả, phân tích đáp án của những người tham gia nghiên cứu trong bảng câu hỏi về chế độ ăn và cho họ xét nghiệm máu để đánh giá hàm lượng vitamin trong máu. Các bài trắc nghiệm về nhận thức nhắm vào trí nhớ, khả năng ăn nói lưu loát và định vị trong không gian.

Kết quả là những người đã dùng nhiều acid folic nhất ít bị sa sút trí tuệ nhất và đặc biệt là có khả năng diễn đạt lưu loát. Theo bà Tucker, nghiên cứu này tiết lộ tác động của vitamin B9 đối với chứng sa suát trí tuệ do tuổi già.

Theo Saigonnews

Sa sút trí tuệ có điều trị được không?

Bệnh mạch máu não thường liên quan tới sa sút trí tuệ trong đó kể cả Alzheimer. Đây là khái niệm quan trọng trong tiếp cận với trường hợp sa sút trí tuệ cho ý nghĩa tiềm tàng mà yếu tố mạch máu não được xác định (SSTTMM). Mặc dù hiệu quả của điều trị chuyên biệt SSTTMM còn chưa đạt được, nhưng nếu điều trị sớm và đầy đủ có thể hạn chế sự tiến triển của bệnh và tạo cho người bệnh một cuộc sống tốt hơn.

Kiểm soát được các yếu tố nguy cơ đột quỵ sẽ hạn chế SSTTMM

Dưới đây xin nhắc lại một số yếu tố nguy cơ đột quỵ:

1. Tăng huyết áp, duy trì huyết áp tâm thu dưới 140mmHg (< 160mmHg cho bệnh nhân trên 60 tuổi) và huyết áp tâm trương dưới 90mmHg.

2. Xơ vữa mạch, phải điều trị tăng lipid máu đúng theo khuyến cáo để làm giảm bệnh mạch vành.

3. Không hút thuốc lá.

4. Bệnh nhân đái tháo đường, duy trì đường máu ở mức 120-150mg/dl hay 6.99mmol/l.

5. Điều trị bệnh lý tim mạch thích hợp.

6. Không uống rượu.

7. Tránh stress.

8. Hoạt động thể lực thường xuyên.

Điều trị tích cực đột quỵ làm giảm triệu chứng suy giảm nhận thức và SSTTMM?

Mục tiêu cơ bản của việc điều trị đột quỵ giai đoạn cấp là nhằm hạn chế tổn thương do đột quỵ gây ra, và những biến chứng làm cho bệnh thêm trầm trọng như viêm phổi, suy hô hấp, bệnh tim mạch hoặc thuyên tắc tĩnh mạch sâu. Áp dụng các kỹ thuật chăm sóc tích cực như đơn vị đột quỵ, can thiệp phẫu thuật khi có chỉ định. Hiện nay, việc sử dụng thuốc kháng đông và kết tập tiểu cầu là những chỉ định cơ bản của thiếu máu não cấp, bên cạnh việc sử dụng các thuốc lý giải cục máu đông như rTPA…

Có thuốc điều trị đặc hiệu suy giảm nhận thức và SSTTMM?

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu suy giảm nhận thức và SSTTMM, nhưng có một số thuốc đã được sử dụng điều trị chứng suy giảm nhận thức và SSTTMM.

Nhóm ức chế cholinestarase

Từ sự thiếu hụt achetylcholine được phát hiện trên bệnh nhân Alzheimer và liên quan đến triệu chứng nhận thức (cognitive symptom) và trong SSTTMM. Nhiều công trình nghiên cứu cho rằng thuốc tác dụng trên nhận thức và trí tuệ do ức chế achetylcholine và tăng hoạt động dẫn truyền của hệ cholinergic. Hiệu quả của thuốc đã thể hiện qua các thử nghiệm lâm sàng như làm tăng điểm số hoạt động trí tuệ và hành vi ứng xử không phải trí tuệ khi so sánh với nhóm chứng. Thuốc được sử dụng khoảng 10 năm trước đây, hiện nay có một số thuốc ức chế Cholinesterase có mặt trên thị trường:

- Tacrine là một acrinide, thuốc có nhiều tác dụng phụ có thể gây độc cho gan, thận, hiện nay không còn sử dụng nhiều.

- Donepezil (Aricept) là một thuốc ức chế men acetylcholinesterase để điều trị triệu chứng sa sút trí tuệ nhẹ và vừa. Thuốc này làm chậm tiến triển các triệu chứng của sa sút trí tuệ.

- Rivastigmine là một carbamede cơ chế tác dụng gần giống prostigmine thuốc được sử dụng nhiều ở các nước Mỹ, Canada, Pháp, Úc…

- Galantamine (Reminyl) là một phenentrene alkaloide, thuốc được sử dụng rộng rãi ở Mỹ và các nước Bắc Âu.

Trong thử nghiệm, các thuốc trên thường được sử dụng 3-6 tháng và các phương pháp đánh giá gần giống nhau. Các thử nghiệm trên một năm là rất cần thiết để đánh giá tác dụng của thuốc.

Thuốc chống oxy hóa và loại bỏ gốc tự do

Càng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy lão hóa liên quan đến gốc tự do nội sinh song song với quá trình tạo ra gốc tự do và não bị tác động bởi quá trình thoái hóa Alzheimer và bệnh mạch máu não, hiện nay đã có nhiều bằng chứng hơn việc sử dụng các thuốc có thể tác dụng theo hướng này như:

- Vitamine E, tên chung cho nhóm tập hợp chất tocopherol và tocotrienol tự nhiên với hoạt tính sinh học, có thể ngăn chặn quá trình sản xuất hudrogen peroxide. Nó làm giảm beta-amyloid vùng hải mã. So sánh điều trị với nhóm chứng cho thấy nó cải thiện đáng kể nhận thức ở bệnh nhân sa sút trí tuệ.

- Duxil (almitrine + raubsine) có tác dụng trên PaO2 + và PO2 + trên mức sử dụng oxy não do tăng áp suất riêng phần của oxy trong máu động mạch (PaO2) và tăng độ bão hòa oxy động mạch (SaO2). Vì thế duxil được sử dụng trên bệnh nhân suy giảm trí nhớ và suy giảm nhận thức trên người lớn tuổi kết hợp đột quỵ.

- Egb 761 (tanakan) và những chất chiết xuất từ lá cây Ginkgo biloba gồm các hoạt chất chính Flavonol, glycosides, và terpene lactone. Trên nghiên cứu (invivo) ở người nhận thấy một hoạt động mạnh mẽ đối kháng với gốc tự do và sự peroxyde hóa lipid các màng tế bào. Trong thực nghiệm lâm sàng thuốc cải thiện nhận thức trên bệnh nhân nhẹ và trung bình.

- Piracetam là thuốc tác dụng chống thoái hóa tế bào hay còn gọi là thuốc dinh dưỡng (nootropic). Thuốc có tác dụng làm giảm nhận thức bệnh nhân sa sút trí tuệ mạch máu. Bản thân thuốc được biết đến vai trò ảnh hưởng tốt đến quá trình học khả năng trí nhớ và nói. Thuốc còn được sử dụng sớm do giai đoạn đột quỵ cấp.

- Hướng điều trị yếu tố dinh dưỡng thần kinh (Neurotrophic Factor): Là những nghiên cứu yếu tố dinh dưỡng thần kinh đã được nhiều nhà nghiên cứu tại các trung tâm trên thế giới đã được tiếp cận trên nhiều khía cạnh khác nhau, từ vai trò sinh bệnh học cũng như tiếp cận điều trị. Yếu tố dinh dưỡng thần kinh hiện nay được biết đến với vai trò quan trọng trong cơ chế chống thoái hóa thần kinh hay chết tế bào tho chương trình (apotosis). Thuốc được sử dụng rộng rãi trong lâm sàng hiện nay trong đó có cerebrolysin. Thuốc được sử dụng trong điều trị đột quỵ giai đoạn cấp và phục hồi chức năng.

Điều trị

Chăm sóc bệnh nhân không phải chỉ có thăm khám lâm sàng, kê toa và phát thuốc mà cần một sự nhìn nhận toàn diện về trạng thái sức khỏe, cần theo dõi tìm hiểu tập tính, vợ chồng và người thân (người tiếp cận với bệnh nhân). Bệnh nhân sa sút trí tuệ sẽ phải ở mãi mãi với căn nhà của họ, một trại dưỡng lão hoặc một cơ sở y tế... Vì thế cần có một kế hoạch thích hợp cho bệnh nhân điều trị lâu dài.

(Theo Tuoitre)

Bệnh sa sút trí tuệ ở người già

Theo nghiên cứu mang tên Mối nguy hiểm của môi trường đối với sức khỏe người cao tuổi, do các chuyên gia ở Trung tâm Khoa học và Môi trường Boston Mỹ thực hiện mới đây cho thấy, do kinh tế phát triển, nạn ô nhiễm môi trường tăng cao mà tỉ lệ người mắc bệnh suy giảm trí nhớ ngày càng nhiều, nhất là bệnh An-giê-mơ và Pa-kin-sơn.

1. Yếu tố di truyền

Theo nghiên cứu nói trên thì di truyền có vai trò nhất định làm tăng bệnh An-giê-mơ và Pa-kin-sơn nhưng không đáng kể, mà yếu tố chính gây suy giảm thần kinh là phơi ra môi trường ô nhiễm, các độc tố này ảnh hưởng đến não, hệ thống thần kinh con người, thậm chí cả những đứa trẻ vẫn còn nằm trong bụng mẹ đã bị ảnh hưởng và tạo ra nhiều căn bệnh mạn tính nan y khác như tiểu đường, béo phì, tim mạch và hội chứng trao đổi chất.

2. Mức độ nguy hiểm của ô nhiễm môi trường

Những nguyên nhân gây bệnh An-giê-mơ và Pa-kin-sơn do môi trường gây ra phải kể đến các loại hóa chất sau :

- Chì: Nếu phơi ra môi trường ô nhiễm chì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy giảm trí nhớ và nhận thức. Cụ thể, những người cao tuổi nếu sống nhiều trong môi trường ô nhiễm chì thì mức suy giảm nhận thức già hơn tới 15 năm so với nhóm không tiếp xúc với hợp chất này và rủi ro mắc bệnh sa sút trí tuệ là rất lớn.

- Ô nhiễm không khí: Đây là tác nhân gây bệnh rất tiềm ẩn đối với não, phổi, tim, mũi và mạch máu. Bằng chứng, những người dân sống ở các thành phố có không khí ô nhiễm cao thường mắc các loại bệnh nói trên khi còn rất trẻ và viêm nhiễm chính là nguyên nhân làm cho trí nhớ suy giảm khi về già.

http://www.nguoicaotuoi.org.vn/Uploaded/baonguoicaotuoi/Nam%202009/Suc%20Khoe/sk571.jpg

Thuốc trừ sâu: Theo nghiên cứu do Hiệp hội An-giê-mơ của Mỹ thực hiện, nếu tiếp xúc với thuốc trừ sâu lâu dài kể cả hàm lượng thấp cũng rất dễ mắc các loại bệnh mạn tính, suy giảm trí nhớ, sự nhận thức và chú ý của con người. Một nghiên cứu khác do các chuyên gia người Pháp thực hiện mới đây cũng cho thấy những người mắc bệnh nghề nghiệp, tiếp xúc nhiều hóa chất này không chỉ làm tăng bệnh An-giê-mơ, Pa-kin-sơn mà còn mắc cả các loại bệnh nan y như tiểu đường và hội chứng trao đổi chất (MS)

- Các yếu tố về ăn uống: Ăn uống cân bằng khoa học có tác dụng rất tích cực đến sức khỏe con người, trong đó có sức khỏe của não, nhưng ngược lại nếu ăn uống thiếu khoa học sẽ để lại những hậu quả xấu. Ví dụ, những ai lạm dụng quá nhiều mỡ bão hòa, mỡ trans-fat (mỡ dùng đi dùng lại) có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ cao 2-3 lần so với nhóm người không ăn mỡ này. Kết luận trên được dựa vào nghiên cứu ở loài chuột, theo đó những con chuột được nuôi theo thực đơn mỡ bão hòa thì trí nhớ kém hơn vào cuối đời so với nhóm chuột ăn nhiều mỡ chưa bão hòa tổng hợp. Ngoài ra các nhà khoa học còn phát hiện, nếu dùng sữa đậu nành cho trẻ hoặc dùng loại mỡ có hàm lượng sắt cao cũng là nguyên nhân gia tăng bệnh An-giê-mơ và Pa-kin-sơn lúc cuối đời. Trong khi đó khẩu phần có hàm lượng các mỡ Ô-mê-ga cao lại giảm được nguy cơ mắc bệnh An-giê-mơ tới 70%. Thực đơn tăng cường trí não tốt phải kể đến cách ăn uống của người dân Địa Trung Hải, chú trọng rau xanh, hoa quả, ngũ cốc nguyên chất, cá, lạc, dầu ô liu. Thực phẩm này còn có tác dụng giảm các bệnh nan y khác như tiểu đường, tim mạch và hội chứng trao đổi chất.

- Lười vận động: Theo nhiều nghiên cứu thì lười vận động không chỉ làm gia tăng bệnh não, mà còn mắc nhiều bệnh khác. Riêng ở nhóm người trung cao tuổi nếu duy trì cuộc sống hoạt động, luyện tập thể thao ít nhất 2 lần/tuần có thể giảm được tới 50% nguy cơ mắc bệnh An-giê-mơ và Pa-kin-sơn vào cuối đời.

- Stress: Được xem là những nguyên nhân rất tiềm ẩn làm tăng bệnh viêm nhiễm và quá trình ôxi hóa của cơ thể. đây là những dấu hiệu ban đầu gia tăng bệnh thoái hóa hệ thần kinh và các bệnh tim mạch, tiểu đường, hội chứng trao đổi chất, rối loạn lipit, béo phì và ung thư.

3. Một số giải pháp tăng cường sức khỏe não, thần kinh

Do chưa tìm ra nguyên nhân chính xác nên hiệu quả điều trị chưa cao, bởi vậy việc phòng bệnh đóng một vai trò quan trọng, nhất là trong bối cảnh ô nhiễm môi trường đang trở nên bức xúc và tỉ lệ lão hóa dân số đang tăng nhanh như hiện nay.

- Ăn uống cân bằng, khoa học: ăn uống thông minh, đủ chất và tránh những thực phẩm không có lợi, chứa nhiều mỡ xấu, đường và muối.

- Tăng cường luyện tập thể thao, duy trì cuộc sống hoạt động, hạn chế cuộc sống tĩnh tại.

- Áp dụng các bài tập cho não thông qua các hoạt động hàng ngày. Ví dụ như đọc sách báo, chơi cờ, giao tiếp bạn bè, tham gia các hoạt động xã hội, các hoạt động phường hội, câu lạc bộ vv...

- Hạn chế tiếp xúc môi trường độc hại, nhất là độc hại không khí, hóa chất hay độc hại nguồn nước.

- Hạn chế, tránh xa các đồ gây nghiện, rượu, bia, thuốc lá.

- Duy trì cuộc sống vui vẻ, lạc quan, yêu đời, bỏ xa ý nghĩ hận thù, cay cú hay cực đoan. Sống khỏe, tích cực để làm gương cho con cháu, có lợi cho cả gia đình, cộng đồng và làm cho cuộc đời thêm ý nghĩa.

Khắc nam

(Theo Net/ SK- 6/2009)

Theo Nguoicaotuoi

Thuốc chứa cholin trị bệnh gì?

Cholin là nguyên liệu làm ra chất cấu tạo màng tế bào, tham gia tạo mật giúp chuyển hóa chất, là tiền chất tạo ra chất dẫn truyền thần kinh (acetylcholin). Các chất DHA, ARA, cholin giúp cho sự phát triển của não bộ, tăng cường khả năng miễn dịch nên được xem là các chất thiết yếu giúp cho trẻ hoàn thiện sự phát triển trí tuệ.

Cơ thể có thể tự tổng hợp được cholin nhưng vẫn cần  cung cấp thêm qua thực phẩm (sữa, lòng đỏ trứng, não, tủy, các loại đậu). Nếu thiếu cholin và các chất DHA, ARA (do chế độ dinh dưỡng không cân đối, do bệnh làm giảm sự hấp thu) thì sẽ bị khiếm khuyết về nhận thức, hành vi ứng xử trong nhiều năm. Cholin có trong sữa mẹ với hàm lượng 160mg/lít (nữ Bắc Mỹ). Ở Việt Nam, có tập quán ăn nhiều đậu đỗ, lượng cholin trong sữa mẹ có thể cao hơn. Các loại sữa động vật (bò, dê, trâu) không có hàm lượng như sữa mẹ, do đó, người ta bổ sung cholin vào sữa các động vật để chúng có hàm lượng bằng với hàm lượng trong sữa mẹ, chứ không phải loại sữa động vật quảng cáo có cholin là tốt hơn sữa mẹ.

Trong y học, cholin được dùng với mục đích:

- Góp phần điều trị xơ gan, viêm gan (dạng : muối cholin chlorid,  muối dihydrocitrat,  muối bitatrat) nhưng hiệu quả lâm sàng hạn chế, tuy nhiên vẫn dùng.

- Cholin là tiền chất tạo ra chất dẫn truyền (acetylcholin) và phospholipid của màng tế bào thần kinh nên về lý thuyết có thể dùng  chữa bệnh sa sút trí tuệ Alzheimer. Tuy nhiên trong thử nghiệm đã dùng với liều cholin 16gam/ ngày (hay với liều của tiền chất của nó là lecithin 25-100gam/ ngày) vẫn không cải thiện tình trạng bệnh. Tuy vậy, người ta vẫn dùng cholin alfocerat (gliatilin) để phục hồi trí nhớ, phòng ngừa các biến đổi thần kinh trong trường hợp thiểu năng tuần hoàn não  (hoa mắt, nhức đầu, chóng mặt, mất định hướng giảm vận động, hay quên do tuổi già), sau tai biến mạch máu não, sau chấn thương não, sa sút trí tuệ (Alzheimer)...

Trứng gà chứa nhiều cholin.

- Dùng trong một số dạng rối loạn ngoại thấp (do làm tăng chất dẫn truyền acetylcholin).

Theo báo cáo, công bố trên PASEP Journal: Cho chuột mới lớn ăn cholin, DHA, ARA (dạng thực phẩm) sẽ làm cho nhóm chuột  này vượt qua ma trận (các lối đi rắc rối) tốt hơn, có tế bào thần kinh phát triển hoàn thiện hơn nhóm chuột chứng không ăn các chất này. Sơ bộ nhận xét: Cholin, DHA, ARA làm cho tế bào thần kinh chuột phát triển tốt hơn, nhận thức khá hơn. Tuy nhiên chưa có thực nghiệm nào trên người. Cholin cùng với DHA, ARA giúp cho não bộ trẻ dưới 2 tuổi phát triển, hoàn thiện và qua đó  mà hoàn thiện hoạt động não bộ. Trẻ trên 2 tuổi, tế bào thần kinh đã phát triển hoàn chỉnh, chỉ cần cung cấp thức ăn để chúng có đủ lượng cholin cần thiết, giúp cho sự hoạt động bình thường, chứ không dùng thuốc chứa  cholin kích thích làm tăng trí nhớ, tăng sự thông minh.

Không được nhầm với cholin magie salycylat với cholin theophyllinat. Tuy có chữ đầu là cholin, nhưng chúng là các thuốc hoàn toàn khác: Cholin magie salycylat thuộc nhóm kháng viêm không steroid, chỉ dùng để làm giảm đau kháng viêm còn cholin theophyllinat là thuốc chỉ dùng chữa hen.

DS. Bùi Văn Uy

Thực phẩm giàu vitamin E tốt cho trí nhớ

Đó là kết quả nghiên cứu của Hà Lan được công bố trên tạp chí Archives of Neurology của Mỹ số ra tháng 7.

Các chuyên gia Trung tâm Y khoa Erasmus ở Rotterdam theo dõi sức khỏe và thực đơn của hơn 5.300 người trên 55 tuổi không bị suy giảm trí nhớ, trong đó tập trung vào tác dụng của 4 chất chống ôxy hóa chính: vitamin E, C, beta carotene (tiền vitamin A) và flavonoid. Sau gần 10 năm, 465 người phát triển chứng mất trí nhớ và 365 người được chẩn đoán mắc bệnh sa sút trí tuệ (bệnh Alzheimer). Sau khi loại trừ các yếu tố nguy cơ, các chuyên gia phát hiện những người tiêu thụ vitamin E nhiều nhất (bình quân 18 mg/ngày) giảm 25% nguy cơ mất trí nhớ so với những người tiêu thụ ít nhất (9 mg/ngày). Trong khi đó, hàm lượng vitamin C, beta carotene và flavonoid hấp thu hằng ngày qua thực phẩm không có liên quan gì đến chứng bệnh này.

'Vitamin E (có nhiều trong bơ thực vật, dầu hướng dương, dầu ăn, tinh dầu đậu nành và sốt mayonnaise) là chất chống ôxy hóa hòa tan trong chất béo có thể giúp ngăn chặn quá trình phát triển chứng suy giảm trí nhớ', nghiên cứu kết luận. Được biết, ngoài các nguồn vừa kể, vitamin E còn hiện diện nhiều trong dầu ô-liu, bắp, quả (hạt) khô, rau cải xanh nhiều lá, trái cây.

(Theo khoahoc.com.vn)