Lưu trữ cho từ khóa: rối loạn thần kinh thực vật

Chữa trị rối loạn tiền đình theo Đông y

Đây là bệnh chứng thường gặp ở những người từ lứa tuổi trung niên hay người già. Bệnh xảy ra thường không có dấu hiệu báo trước.

Dấu hiệu thường xuất hiện vào buổi sáng sớm sau khi tỉnh dậy, người bệnh đột ngột choáng váng mọi vật chao đảo, kèm theo rối loạn thần kinh thực vật làm cho toàn thân vã mồ hôi hoặc có thể da mặt bị tím tái, tim đập nhanh, buồn nôn hay nôn mửa liên tục…

Theo Đông y thường thấy biểu hiện bởi hai thể loại đó là “thực chứng” và “hư chứng”.

Đối với thực chứng:

Đột nhiên ù tai rồi chóng mặt, hoa mắt, nhà cửa cảm thấy như đảo lộn, nghiêng ngửa buộc người bệnh phải luôn nhắm nghiền mắt và nằm xuống không sẽ bị ngã. Đây là trường hợp theo Đông y là do can hỏa hóa phong rồi bốc lên mà sinh bệnh là chủ yếu. Cũng có thể do đờm thấp đình trệ, mà làm khí thanh dương không đưa lên được khiến phát ra bệnh.Trong trường hợp thực chứng này người ta sử dụng phương “Thiên ma câu đằng ẩm” trích trong Tạp bệnh chứng trị tân nghĩa.

Phương gồm các vị: Câu đằng 12g, ích mẫu 12g, ngưu tất 12g, phục thần 12g, sơn chi 12g, tang ký sinh 12g, dạ giao đằng 10g, đỗ trọng 10g, hoàng cầm 10g, thạch quyết minh sống 20g, thiên ma 8g, hà thủ ô trắng 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 – 3 lần trong ngày. Uống 3 – 5 thang liền.

Phương “Nhị căn thang” (Phúc kiến Trung y dược). Tác dụng hoạt huyết hóa ứ, lợi thấp, khử đờm, trị rối loạn tiền đình, gồm: Cát căn 20g, hải đới căn 30g, xuyên khung 12g, bán hạ 10g, thạch xương bồ 16g, đại giả thạch 16g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần trong ngày. Cần uống 3 – 6 thang liền.

Đối với hư chứng:

Triệu chứng cũng xảy ra đột ngột bị ù tai rồi chóng mặt, hoa mắt, cơn chóng mặt cũng có thể xảy ra trong chốc lát hay mấy tiếng đồng hồ hoặc vài ngày. Đây là bệnh chứng xảy ra chủ yếu do can, thận, tâm, tỳ suy, thận kém nên không nuôi dưỡng được can huyết mà làm cho can dương vượng lên khiến phát sinh bệnh.

Với bệnh chứng này người ta thường sử dụng phương “Kỷ cúc địa hoàng hoàn” trích trong Y cấp. Gồm các vị: Bạch cúc hoa 120g, câu kỷ tử 120g, đơn bì 120g, phục linh 120g, trạch tả 120g, sơn dược 160g, sơn thù 160g, thục địa 320g. Tất cả tán bột làm hoàn. Ngày uống 8 – 16g, chiêu với nước muối nhạt.

Định huyễn thang (trích trong Trung Quốc Trung y bí phương đại hoàn). Tác dụng hóa đờm tức phong, kiện tỳ khử thấp, trị rối loạn tiền đình, gồm: Bạch tật lê 20g, trạch tả 20g, thiên ma 16g, bán hạ 16g, đạm trúc diệp 12g, phục thần 12g, cát nhân 12g, long cốt 30g (sắc trước). Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần trong ngày. Cần uống 5 – 10 thang liền. Rất hiệu nghiệm.

Chỉ huyễn trừ vựng thang (trong Trung Quốc Trung y bí phương đại toàn). Tác dụng hóa đờm, lợi thấp, khử ứ, trị rối loạn tiền đình, gồm bán hạ 12g, ngưu tất 12g, sinh khương 12g, xa tiền tử 30g, trạch lan 16g, quế chi 16g, bạch truật 20g, hổ phách 6g, đan sâm 24g, phục linh 24g, mẫu lệ 40g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần trong ngày. Cần uống 5 – 7 thang liền sẽ hiệu nghiệm.

Lương y Khương Sinh

Sao tôi hay bị hồi hộp?

Tôi 28 tuổi, nhịp tim của tôi thường nhanh, trong một lần khám sức khỏe mới đây là 110 lần/phút, huyết áp thì bình thường. Trong cuộc sống, tôi thường cảm thấy hồi hộp, tim đập thình thịch, đặc biệt là những khi lo lắng, suy nghĩ nhiều, làm việc căng thẳng. Xin hỏi tôi bị bệnh gì và chữa trị ra sao? Xin chân thành cảm ơn! (Windy)

Bạn windy thân mến, trong điều kiện bình thường, nhịp tim của một người khỏe mạnh dao động trong khoảng từ 60-80 lần trong một phút. Tuy nhiên, nhịp tim có thể tăng lên đến 90-100 lần khi chúng ta làm việc, tập thể dục hay trong trạng thái xúc động... Chính vì vậy, khi đi khám bệnh hay khám sức khỏe, không nên đo huyết áp và đếm nhịp tim ngay khi vừa mới vào phòng khám, bao giờ cũng để cho bệnh nhân ngồi hay nằm nghỉ khoảng 10-15 phút, rồi mới thực hiện đo, lúc đó những kết quả thu được mới thật sự là chính xác.

Một số trường hợp dù trong trạng thái bình thường, nhịp tim của bệnh nhân vẫn tăng trên 100 lần, bệnh nhân cảm thấy hồi hộp, tim đập mạnh..., cần phải kiểm tra xem bệnh nhân có bị rối loạn thần kinh thực vật dạng cường giao cảm hay không? Bệnh nhân có bị hội chứng cường giáp, các rối loạn về chuyển hóa (như bệnh tiểu đường), hay đang sốt cao...Việc điều trị phải dựa theo nguyên nhân được xác định chính xác theo sự thăm khám của bác sĩ và các kết quả xét nghiệm. Trong một số trường hợp bệnh nhân có thể luyện tập thêm yoga để ổn định hệ thống thần kinh thực vật.

PGS.TS Nguyễn Hoài Nam
(ĐH Y Dược TP.HCM)

Meo.vn (Theo Khoemoingay)

Rối loạn thần kinh thực vật: Không nguy hiểm nhưng phiền phức

Ra nhiều mồ hôi tay, tay hơi run... có thể là một trong những biểu hiện đầu tiên của rối loạn thần kinh thực vật. Bệnh không nguy hiểm nhưng gây phiền phức trong cuộc sống.

Nhiều nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây ra rối loạn thần kinh thực vật vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ, nhưng có thể bao gồm những nguyên nhân: mắc bệnh nhiễm trùng do virus, tổn thương ở não, yếu tố di truyền, những tư thế không tốt của cơ thể (ví dụ gây ra áp lực đối với những động mạch quan trọng hoặc tạo áp lực đối với những dây thần kinh quan trọng của cơ thể), tiếp xúc với những hóa chất độc hại...

Rối loạn thần kinh thực vật có thể gặp ở những người phụ nữ có thai, bệnh di truyền của tổ chức liên kết, đặc biệt là hội chứng Ehlers- Danlos, bệnh lý tự miễn, đặc biệt là bệnh đái tháo đường, những bệnh lý thoái hóa thần kinh (ví dụ như bệnh Parkinson), những bệnh lý chấn thương hoặc tổn thương làm tổn hại hệ thần kinh thực vật (ví dụ như chấn thương sọ não, chấn thương tủy sống).

Rối loạn thần kinh thực vật phong phú, đa dạng, thay đổi tùy theo từng người
Rối loạn thần kinh thực vật phong phú, đa dạng, thay đổi tùy theo từng người

Biểu hiện của rối loạn thần kinh thực vật phong phú, đa dạng, thay đổi tùy theo từng người. Có những người cảm thấy cuộc sống vẫn bình thường, nhưng có những người thì cảm thấy những rối loạn này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.

Những biểu hiện của rối loạn thần kinh thực vật bao gồm: đầu óc chếnh choáng hoặc hoa mắt, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ, thường là mất ngủ, hay đi đái rắt, ăn nhanh no, nhạy cảm với ánh sáng quá mức, không có khả năng cương cứng dương vật (đối với nam giới), rối loạn vận mạch ở da, da nổi vẩn đỏ, da dễ bị rám nắng, nhịp tim nhanh hoặc có khi nhịp chậm, hay đi tiểu tiện, thường có cảm giác buồn nôn, rối loạn cương cứng dương vật, ra mồ hôi quá nhiều, táo bón hoặc tiêu chảy, cảm thấy mệt mỏi quá mức, cảm giác lo âu, hoảng hốt sợ hãi, tụt huyết áp, đôi khi có thể dẫn đến ngã đột ngột, đau ngực, cảm giác khó thở, đau dây thần kinh, khô miệng.

Chỉ điều trị triệu chứng

Nếu tìm được nguyên nhân gây rối loạn thần kinh thực vật thì cần chữa theo nguyên nhân. Nhưng cho đến nay, những rối loạn thần kinh thực vật chưa tìm được căn nguyên thì không có cách để chữa hoặc điều trị triệt để. Hầu như người ta chỉ điều trị triệu chứng như: có thể dùng benzodiazepine để điều trị lo âu, hồi hộp, mất ngủ. Dùng những thuốc chống suy ngược cơ thể hoặc những biện pháp làm thích nghi dần với hạ huyết áp (nâng cao đầu giường, ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, chế độ ăn có nồng độ muối cao).

Khái niệm "Hệ thần kinh thực vật" là để chỉ những cơ quan hệ thống trong cơ thể chịu sự chi phối của những bộ phận thần kinh hoạt động có tính chất tự động không theo ý muốn của con người (ví dụ như  hoạt động của tim, của cơ quan hô hấp, hệ tiêu hóa...).

BS Trịnh Bích Huyền (Viện Sức khoẻ Tâm thần)