Lưu trữ cho từ khóa: rối loạn giấc ngủ

7 Chứng rối loạn giấc ngủ nguy hiểm cho sức khỏe

Rối loạn giấc ngủ không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn có thể chính là nguyên nhân khiến bạn không thể tăng cân hoặc giảm cân.

Ai cũng cần được ngủ ngon giấc vào ban đêm thế nhưng có một số rắc rối trong khi ngủ lại có thể là những nguyên nhân khiến bạn có một giấc ngủ không chất lượng.

Nếu bạn thấy mình có những biểu hiện rối loạn giấc ngủ như dưới đây thì hãy tìm cách loại bỏ chúng càng sớm càng tốt nhé bởi chúng hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe của bạn chút nào.

1. Nghiến răng khi ngủ

Nguyên nhân thực sự của thói quen này vẫn chưa được làm sáng tỏ một cách rõ ràng nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng stress, căng thẳng, ức chế sự tức giận... đều có thể gây ra vấn đề này.

Nghiên răng khi ngủ mặc dù không nghiêm trọng, nhưng nếu diễn ra trong một thời gian dài thì nó có thể dẫn đến hủy hoại hàm răng và gây ra các bệnh răng miệng. Nếu gặp phải vấn đề này, bạn cần đi khám nha khoa sớm.

giac-ngu

2. Ngưng thở khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ là một tình trạng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng và là một dạng rối loạn giấc ngủ rất phổ biến. Hiện tượng này xảy ra là do sự tắc nghẽn đường hô hấp trên. Điều này có thể dẫn đến gián đoạn trong giấc ngủ của bạn, khiến bạn thức giấc mỗi giờ.

Nếu thường xuyên bị ngưng thở khi ngủ, bạn có thể bị kiệt sức, kích thích và làm giảm năng suất làm việc trong ngày. Các triệu chứng phổ biến của chứng ngưng thở khi ngủ là ngáy ngủ, tạm dừng trong hơi thở hoặc thở hổn hển trong khi ngủ và thức dậy mệt mỏi dù bạn đã ngủ rất lâu.

Kê cao gối khi ngủ là một biện pháp có thể giúp bạn hạn chế tình trạng ngưng thở khi ngủ.

3. Mộng du

Mộng du khá vô hại, nhưng nó có thể gây nguy hiểm cho bạn nếu bạn đi xe hoặc làm những việc ảnh hưởng đến tính mạng. Nhiều người mộng du nhưng lại không hề nhớ rằng mình đã đi lang thang. Mộng du khi ngủ thường do các vấn đề cơ bản sau đây gây ra: co giật, ngủ ngưng thở hoặc rối loạn nhịp tim.

Để tránh tình trạng này, tốt nhất bạn nên đi khám sức khỏe đều đặn.

4. Đi tiểu thường xuyên khi ngủ

Thức dậy giữa đêm để đi tiểu là tình trạng mà rất nhiều người gặp phải, nhất là với những người già. Khi chúng ta có tuổi, cơ thể chúng ta không có khả năng giữ chất lỏng trong thời gian dài, do đó thường xuyên phải dậy đi tiểu. Điều này khiến cho bạn thường xuyên mất ngủ.

Phương pháp tốt nhất để đối phó với vấn đề này là đi tiểu thường xuyên khi thức. Nếu bạn thức dậy khá thường xuyên thì hãy đến gặp bác sĩ vì đi tiểu thường xuyên có thể khiến bàng quang hoạt động quá mức hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu.

Bạn cũng có thể điều trị rối loạn giấc ngủ này bằng cách tránh uống nhiều chất lỏng trong ba giờ trước khi đi ngủ, giảm việc tiêu thụ trà và cà phê và tránh các thức ăn có nhiều nước như súp cho bữa ăn tối.

5. Ngáy ngủ

Ngáy ngủ có thể gây ra rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng cho người bệnh cũng như người ngủ bên cạnh. Ngáy là sự rung động của hệ thống hô hấp và âm thanh, đây là do khi hít thở trong khi ngủ, luồng không khí bị chặn dẫn tới ngáy. Trong một số trường hợp, tiếng ngáy có thể nhỏ nhưng nhiều trường hợp khác tiếng ngáy có thể rất to.

Ngáy trong khi ngủ có thể là một dấu hiệu, hoặc báo động đầu tiên của chứng ngưng thở khi ngủ (OSA). Cách duy nhất để giảm bớt vấn đề này là bạn cần giảm cân, thay đổi tư thế ngủ, tránh rượu và thuốc an thần khác.

6. Rối loạn hành vi tình dục khi ngủ

Rối loạn hành vi tình dục khi ngủ (sexsomnia) là một tình huống trong đó một người sẽ có các hành vi tình dục trong khi vẫn còn đang ngủ. Các triệu chứng của sexsomnia bao gồm âu yếm, giao hợp, thủ dâm và tình dục bằng miệng...

Những người bị rối loạn hành vi tình dục khi ngủ cũng thường không nhớ mình đã làm gì khi đã tỉnh dậy. Sexsomnia cũng là một triệu chứng xảy ra trong các rối loạn giấc ngủ khác như ngưng thở khi ngủ và sợ hãi về đêm. Kiểu rối loạn giấc ngủ này chủ yếu là do thể chất căng thẳng, uống quá nhiều rượu... Vì vậy, để giảm nguy cơ rối loạn giấc ngủ này, bạn nên tránh căng thẳng, không uống nhiều rượu trước khi ngủ và tránh để những chuyện tình dục ám ảnh mình quá nhiều.

7. Mất ngủ

Những người bị chứng mất ngủ hoặc có khó khăn trong việc bắt đầu giấc ngủ, thường cũng được coi là bị rối loạn giấc ngủ. Đây là một kiểu rối loạn giấc ngủ rất phổ biến và có thể gặp ở bất kì độ tuổi nào.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất ngủ, chẳng hạn như: rối loạn tâm trạng, nội tiết, căng thẳng, bị bệnh... Mất ngủ có thể tác động xấu đến sự chú ý, tâm trạng và tập trung của bạn. Thay đổi lối sống và các phương pháp điều trị tâm lý có thể giúp bạn điều trị tình trạng này.

(Theo TTVN)

Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ ở người già

Khi bị rối loạn giấc ngủ, NCT sẽ gặp nhiều điều bất lợi do tuổi cao, sức yếu và mọi chức năng sinh lý đều bị suy giảm.

Rối loạn giấc ngủ ở NCT có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, vì vậy mọi người nên tìm hiểu để có giải pháp khắc phục.

Mất ngủ do chức năng của cơ thể bị suy giảm

Ngủ không ngon, giấc ngủ chập chờn hoặc thời gian ngủ ngắn ở NCT có thể gọi là hiện tượng rối loạn giấc ngủ. Mất ngủ ở NCT là một rối loạn thường hay bắt gặp với rất nhiều nguyên nhân khác nhau.

Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ ở NCT có thể phân ra mấy loại sau đây: rối loạn giấc ngủ do tuổi cao bởi các chức năng của con người bình thường bị suy giảm một cách đáng kể, rối loạn giấc ngủ do bệnh lý và rối loạn giấc ngủ do ảnh hưởng xấu của môi trường hoặc thay đổi môi trường đang sinh sống một cách đột ngột (ví dụ chuyển nhà ở hoặc trong giai đoạn chuẩn bị chuyển nhà ở).

Nhiều NCT rối loạn giấc ngủ còn do chế độ sinh hoạt, ăn uống không điều độ hoặc do dùng một số thuốc để điều trị một bệnh nào đó. Các nguyên nhân rối loạn giấc ngủ có thể là đơn độc nhưng có thể là có sự kết hợp của hai hay nhiều nguyên nhân lại với nhau, trong đó nguyên nhân do tuổi tác có thể nói là rất khó tránh khỏi.

Tuổi tác càng cao thì mọi chức năng của cơ thể đều bị suy giảm, trong đó chức năng của hệ thần kinh trung ương là nhạy cảm nhất. Tế bào thần kinh trung ương của con người kể từ lúc phôi thai phát triển cho đến khoảng tuổi 25 là hoàn chỉnh. Nhưng sau lứa tuổi này thì mỗi ngày có khoảng 3.000 tế bào nơron thần kinh bị hủy hoại và như vậy ngoài ảnh hưởng đến các chức năng khác thì giấc ngủ của NCT cũng không thể không bị ảnh hưởng.

Có rất nhiều loại bệnh làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của NCT, nhưng hay gặp nhất là đau nhức xương, khớp (thoái hóa khớp, bệnh gút…). Bệnh đau nhức xương, khớp có ở cả ngày lẫn đêm nhưng hay gặp nhất vẫn là ban đêm làm cho giấc ngủ không sâu, chập chờn và nhiều khi đau nhức không thể ngủ được, nhất là khi thay đổi thời tiết.

Các loại bệnh về tim mạch cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến giấc ngủ của NCT nhưng hay gặp nhất là bệnh tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim (thiểu năng mạch vành) làm cho NCT hay bị đau tức ngực, khó chịu và nhiều khi còn tỏ ra lo lắng làm ảnh hưởng rất nhiều đến giấc ngủ.

Rối loạn giấc ngủ ở NCT cũng liên quan đến các bệnh về đường hô hấp, nhất là bệnh giãn phế quản, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)… gây ho nhiều, càng ho nhiều thì không thể nào ngủ được. Các bệnh đường hô hấp thường xuất hiện nặng về ban đêm nhất là lúc có áp thấp nhiệt đới, gió mùa đông bắc, ẩm ướt... Đặc biệt, bệnh hen suyễn là một bệnh gây khó thở dữ dội làm cho thiếu oxy trầm trọng và liên tục gây mất ngủ cho NCT nhiều đêm liền ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.

Các bệnh về đường tiêu hóa gây ảnh hưởng nhiều nhất đến giấc ngủ là bệnh về dạ dày và bệnh viêm đại tràng mạn tính do bị đau hoặc bụng ậm ạch và gây rối loạn tiêu hóa suốt đêm không thể nào chợp mắt được. Đây là một vòng luẩn quẩn: đau không ngủ được và không ngủ được thì càng đau.

Các bệnh về tiết niệu, tiền liệt tuyến, đái tháo đường cũng làm cho NCT bị rối loạn giấc ngủ. Các bệnh về đường tiết niệu hay gặp ở NCT là u xơ tiền liệt tuyến, đái tháo đường hoặc có thể sỏi đường tiết niệu (sỏi thận, bàng quang, niệu quản, niệu đạo). Các loại bệnh này thường làm cho NCT phải đi tiểu đêm do đó ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ.

Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng môi trường sống có ảnh hưởng rất lớn đến giấc ngủ. Nhà ở chật chội, đông người, nhiều tiếng ồn ào, mất vệ sinh thì sẽ làm cho NCT rất khó ngủ.

Rối loạn giấc ngủ ở NCT còn phụ thuộc khá nhiều vào chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng. NCT nếu ăn, uống điều độ thì ngoài việc đảm bảo cho sức khỏe tốt còn có tác dụng rất hữu ích trong giấc ngủ làm cho giấc ngủ ngon, sâu vì vậy tinh thần luôn được sảng khoái, hồ hởi, phấn chấn và sống một cuộc sống lạc quan hơn. Nếu ăn uống quá no, uống nhiều nước trước khi đi ngủ hoặc uống nhiều bia, rượu, ăn nhiều chất kích thích (ớt, hạt tiêu, bồ tạt...) thì ảnh hưởng xấu không nhỏ đến giấc ngủ, đặc biệt là những NCT có bệnh mạn tính như cao huyết áp, thiểu năng mạch vành, u xơ tiền liệt tuyến, đái tháo đường, bệnh về đường tiêu hóa...

Nên làm gì để ngủ tốt?

Giấc ngủ có liên quan đến nhiều yếu tố, đặc biệt là giấc ngủ cho NCT. Vì vậy, NCT và gia đình cần tùy theo từng hoàn cảnh của từng cá thể mà tự điều chỉnh một cách hài hòa, hợp lý để làm sao cho giấc ngủ tốt của NCT luôn luôn được tốt đẹp là điều lý tưởng nhất.

Hầu hết NCT đều có sổ khám bệnh, vì vậy nên đi khám bệnh định kỳ để biết được tình trạng sức khỏe của mình. Qua việc khám bệnh, bác sĩ sẽ cho biết tình trạng sức khỏe hiện tại và có nhiều lời khuyên bổ ích. Khi phát hiện có bệnh, đặc biệt là bệnh mạn tính phải tuyệt đối tuân theo chỉ định và tư vấn của bác sĩ không tự tiện mua thuốc hoặc nghe theo lời mách bảo của bạn bè để tự điều trị, bởi vì thuốc ngoài tác dụng chính còn vô số tác dụng phụ, trong đó có nhiều loại ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nên ăn uống điều độ và không nên kiêng khem quá mức và tất nhiên không nên quá lạm dụng trong khâu ăn, uống.

Một số nước giải khát có cồn cũng làm ảnh hưởng rất lớn đều giấc ngủ của NCT, vì vậy không nên uống cà phê, trà đặc vào buổi tối hoặc không nên uống quá nhiều rượu, bia trước khi đi ngủ.

NCT nên có thói quen tập thể dục nhẹ nhàng trước khi đi ngủ và nên tập thể dục hàng ngày một cách bài bản. Phòng ngủ của NCT nên luôn luôn sạch sẽ, thoáng mát, hạn chế người qua lại và ít tiếng ồn.

PGS.TS Bùi Khắc Hậu

(Theo Sức khỏe & Đời sống)

Buồn ngủ nhưng không ngủ được là bệnh gì?

Ban đêm, dù rất buồn ngủ nhưng tôi chỉ ngủ được 1-2 tiếng, thức dậy thấy tỉnh táo và không thể ngủ tiếp được nữa.

Tôi thường xuyên thức đêm để làm việc và ngủ bù vào sáng hôm sau. Lúc ngủ trưa, dù đã cố gắng hết sức để dậy nhưng không sao dậy nổi và cứ thế, tôi ngủ đến tối. Ban đêm, dù rất buồn ngủ nhưng tôi chỉ ngủ được 1-2 tiếng, thức dậy thấy tỉnh táo và không thể ngủ tiếp được nữa. Tôi bị bệnh gì vậy BS?(Nguyen Van Hien – ĐN)

Trả lời:

Bạn Hien thân mến!

Theo như bạn mô tả có thể bạn bị suy nhược vì rối loạn giấc ngủ là chứng mất ngủ do áp lực công việc, lúc đầu chỉ là khó ngủ do chưa thích nghi với giờ giấc bị thay đổi. Lâu dần do không được điều trị kết hợp người bệnh lo lắng nhiều làm cho bệnh nặng hơn dẫn đến mất ngủ kéo dài.

Trước đây bạn có thời gian dài thức khuya làm việc và ngủ bù vào giấc trưa nên giờ giấc sinh hoạt của bạn cũng thay đổi theo. Muốn điều chỉnh lại giấc ngủ bình thường bạn cần kiên trì nhiều ngày và phải có sự trợ giúp của bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

(Theo BS chuyên khoa của AloBacsi)

Rối loạn giấc ngủ: căn bệnh thời đại

Ăn được ngủ được là tiên, nhưng rối loạn giấc ngủ đang được cảnh báo là căn bệnh thời đại, với số người mất ngủ, ngủ không ngon giấc… ngày càng nhiều hơn, trẻ hơn và bệnh trạng kéo dài cũng lâu hơn.

Nhiều người vì quá khổ sở với tình trạng này đã vung tiền mua loại thuốc này, thực phẩm chức năng nọ, áp dụng phương pháp trị bệnh kia… nhưng bạc tiền không thể mua được giấc ngủ ngon, nếu bản thân mỗi người không biết tổ chức cho mình một giấc ngủ đúng cách.

Mổ xẻ giấc ngủ

Ngủ là một nhu cầu sống còn. Giấc ngủ chiếm 1/3 thời gian đời người. Trong khi ngủ cơ thể chúng ta tiết ra những hormone quan trọng cho quá trình chuyển hoá, tích luỹ năng lượng cần thiết cho hoạt động trong ngày và quá trình tăng trưởng cơ thể, giúp não bộ sắp xếp lại thông tin một cách hệ thống, thiết lập và củng cố khả năng ghi nhớ dài hạn của não bộ.

Ở người trưởng thành, trung bình mỗi ngày cần ngủ 7 – 8 giờ. Một giấc ngủ bình thường gồm bốn đến năm chu kỳ mỗi đêm, mỗi chu kỳ từ 90 – 120 phút, bao gồm năm giai đoạn:

Giai đoạn một: chiếm khoảng 5% thời gian, còn gọi là giai đoạn ru giấc ngủ. Giai đoạn này rất ngắn, chỉ kéo dài vài phút, được xem như giai đoạn chuyển tiếp từ trạng thái thức sang trạng thái ngủ. Những kích thích ở giai đoạn này sẽ làm thức giấc ngay lập tức.

Giai đoạn hai: chiếm khoảng 50% thời gian, còn gọi là giai đoạn ngủ nông.

Giai đoạn ba: chiếm khoảng 5% thời gian, còn gọi là giai đoạn ngủ sâu. Ở giai đoạn này, các dấu hiện sinh tồn đều giảm như thân nhiệt, nhịp tim, nhịp thở, huyết áp. Hệ thống cơ xương khớp cũng giãn ra, chùng xuống.

Giai đoạn bốn: chiếm khoảng 25% thời gian, còn gọi là giai đoạn ngủ rất sâu. Các dấu hiệu sinh tồn đạt mức thấp nhất. Tỉnh dậy lúc này là rất khó. Miên hành (mộng du) có thể xuất hiện ở giai đoạn này. Ở trẻ em, giai đoạn ba và bốn chiếm khoảng 50%, nhưng ở người lớn và nhất là người lớn tuổi chỉ chiếm 15 – 25%, cũng có thể mất và thay vào đó là giai đoạn ngủ nông.

Giai đoạn năm: chiếm 20 – 25% thời gian, còn gọi là giấc ngủ nghịch thường. Sau khoảng 90 phút từ khi xuất hiện giai đoạn một, giai đoạn này người ngủ vẫn còn trong giấc ngủ sâu nhưng thân nhiệt, nhịp tim, nhịp thở, huyết áp đều tăng, ngược lại nhu động dạ dày và ruột thì giảm, trương lực cơ hoàn toàn mất. Sở dĩ có tên giấc ngủ nghịch thường do ở giai đoạn này điện não đồ xuất hiện sóng alpha giống như giai đoạn thức nhưng người ngủ thì vẫn ngủ rất sâu. Trong giai đoạn này những giấc mơ xuất hiện. Kế tiếp giai đoạn giấc ngủ nghịch thường, người ngủ sẽ thức dậy trong khoảng thời gian rất ngắn một vài phút rồi lại tiếp tục chu kỳ mới cho tới sáng.

Như thế nếu một đêm ta ngủ tám giờ thì giai đoạn một, hai chiếm khoảng bốn giờ, giai đoạn ba, bốn chiếm hai giờ, giai đoạn ngủ nghịch thường cũng hai giờ. Ở những chu kỳ đầu bao giờ cũng ngủ sâu hơn, ở những chu kỳ sau càng về sáng giấc ngủ nghịch thường càng dài hơn.

Không ngủ trưa quá nhiều

Một giấc ngủ trưa nhẹ nhàng 15 – 30 phút giúp hồi phục sức khoẻ thể chất và tinh thần, làm tăng hiệu quả làm việc vào buổi chiều, không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ buổi tối. Nhưng nếu ngủ nhiều vào buổi trưa thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến giấc tối.

Để có giấc ngủ ngon

Thiếu ngủ sẽ dẫn đến một số biểu hiện: mệt mỏi, uể oải trong ngày; bồn chồn, dễ nóng giận; không thể tập trung vào công việc; tăng tính bị ám thị, dễ bị ảnh hưởng bởi người khác; có thể có ảo giác nghĩa là nhìn thấy những hình ảnh không có thực. Những dấu hiệu này nặng hay nhẹ tuỳ thuộc tình trạng mất ngủ nhiều hay ít.

Vậy cần phải làm gì để có giấc ngủ ngon? Một giấc ngủ ngon và chất lượng là một giấc ngủ đáp ứng những yếu tố sau: đủ về số lượng, có nghĩa là đảm bảo thời gian ngủ 7 – 8 giờ theo sinh lý bình thường; đảm bảo về chất lượng nghĩa là sau khi ngủ dậy cơ thể cảm thấy tỉnh táo, sảng khoái, không còn cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ nữa, năng suất làm việc cao và không có những cơn ác mộng.

Trước hết cần đi ngủ và thức dậy đúng giờ. Không nên nằm nướng trên giường vào buổi sáng, dậy ngay khi thức giấc. Đi ngủ ngay khi có những dấu hiệu buồn ngủ như ngáp, mắt lim dim. Không cố gắng cưỡng lại cơn buồn ngủ. Không đọc những cuốn sách quá lôi cuốn, hấp dẫn vào buổi tối cũng như không xem tivi trên giường ngủ. Tránh những cãi cọ hay tranh luận căng thẳng, tạm quên đi những lo toan, bận tâm trong ngày. Không dùng những chất kích thích như trà, thuốc lá, càphê, sôcôla, vitaman C vào buổi tối. Ăn tối không trễ quá, nên ăn nhẹ nhàng, không quá no và nên uống một ly sữa. Không nên chơi những môn thể thao nặng vào buổi tối, trước khi ngủ có thể tắm nước ấm, mátxa nhẹ nhàng tạo cảm giác thư giãn. Phòng ngủ nên bố trí thoáng mát, yên tĩnh, giường gối êm ái, ánh sáng dịu nhẹ. Tránh lạm dụng thuốc ngủ, chỉ dùng khi cần thiết và tham khảo ý kiến thầy thuốc. Cuối cùng, đừng quên rằng tình cảm gia đình, quan hệ vợ chồng hoà thuận thăng hoa cũng là liều thuốc tự nhiên vô cùng quý giá giúp ngủ ngon.

(Theo SGTT)

Dấu hiệu của chứng ngừng thở khi ngủ

Ngừng thở khi ngủ là một rối loạn có thể rất nghiêm trọng với biểu hiện là nhịp thở bị ngừng nhiều lần trong giấc ngủ.

Nếu người thân của bạn nói rằng khi ngủ bạn thường ngáy to; mỗi sáng ngủ dậy, bạn thấy nhức đầu; ban ngày, bạn luôn luôn buồn ngủ, như thế có thể bạn bị chứng ngừng thở khi ngủ.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Hai dạng ngừng thở khi ngủ

Ngừng thở khi ngủ có 2 dạng: ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn và do thần kinh trung ương. Ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn là dạng hay gặp hơn, xảy ra khi cơ ở thành sau họng bị giãn. Các cơ này nâng đỡ vòm miệng mềm, lưỡi gà, amiđan và lưỡi. Do cơ giãn, đường thở bị hẹp hoặc tắc nghẽn, khi đó, hô hấp bị gián đoạn trong chốc lát. Vì ngừng thở làm giảm nồng độ oxy trong máu, não cảm nhận được tình trạng giảm oxy và đánh thức bạn khỏi giấc ngủ để bạn có thể mở lại đường thở. Tuy nhiên, sự tỉnh giấc này thường ngắn tới mức bạn không thể nhớ được. Bạn có thể tỉnh giấc với sự khó thở thoáng qua, rồi hết đi nhanh chóng sau một hai nhịp thở sâu.

Bạn có thể phát ra tiếng ngáy, tiếng nuốt hoặc tiếng thở hổn hển. Chu trình ngừng thở như vậy có thể lặp lại trên 10 lần/giờ trong suốt cả đêm. Do vậy, khả năng đạt được giấc ngủ sâu bị giảm đi nên ban ngày, bạn sẽ cảm thấy buồn ngủ suốt ngày. Nếu bạn bị ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn, có thể bạn không biết là giấc ngủ của mình bị gián đoạn. Vì thế, nhiều người bị dạng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn thường không biết mình bị chứng này và nghĩ là mình ngủ ngon giấc suốt đêm.

Ngừng thở khi ngủ do thần kinh trung ương ít gặp, xảy ra khi não không truyền được tín hiệu đến các cơ hô hấp. Bạn thường tỉnh giấc đột ngột do tăng nồng độ carbon dioxid trong máu và kèm theo giảm nồng độ oxy. Bạn có thể thức dậy với cảm giác khó thở. Khi bị ngừng thở thì nồng độ carbon dioxid trong máu tăng, kích thích lên não khiến bạn tỉnh dậy và thở trở lại. Vì thế, người bị ngừng thở khi ngủ do thần kinh trung ương dễ nhớ lại được những lần tỉnh giấc hơn những người ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn.

Dấu hiệu nhận biết

Muốn biết bản thân có bị chứng ngừng thở khi ngủ hay không, bạn cần dựa vào các dấu hiệu sau đây: bạn buồn ngủ nhiều vào ban ngày; người thân nói cho bạn biết là khi ngủ bạn thường ngáy to, tuy nhiên, cũng có người không ngáy mà vẫn bị ngừng thở khi ngủ; bạn tự cảm nhận được có những cơn ngừng thở trong khi ngủ; khi thức dậy, bạn thường thấy bị khô miệng và đau họng; buổi sáng khi ngủ dậy, bạn thấy đau đầu.

Ngừng thở khi ngủ làm giảm đột ngột nồng độ oxy trong máu, thường gây tăng huyết áp và rối loạn tim mạch. Người mắc chứng ngừng thở khi ngủ thường bị giảm trí nhớ, có cảm giác trầm uất, hay mắc chứng tiểu đêm và liệt dương. Trẻ mắc chứng bệnh này không được điều trị có thể rất hiếu động. Các nhà khoa học đã phát hiện một gen có liên quan đến bệnh Alzheimer cũng liên quan chặt chẽ với chứng ngừng thở khi ngủ. Trong một xét nghiệm gọi là đa miên đồ, bạn được theo dõi hoạt động của tim, phổi, não, các kiểu hô hấp, cử động chân tay, đo nồng độ oxy trong máu.

Làm gì khi mắc chứng ngừng thở khi ngủ?

Bạn hãy đi khám bệnh nếu bạn thấy các dấu hiệu: ngáy to đến mức làm mất giấc ngủ của người khác; phát hiện thấy thỉnh thoảng bạn bị ngừng thở trong khi ngủ; buồn ngủ nhiều vào ban ngày khiến bạn ngủ gật trong khi đang làm việc và nguy hiểm nhất là khi đang lái xe. Bác sĩ khám có thể cho bạn điều trị rối loạn giấc ngủ, được theo dõi nhịp thở suốt đêm và các chức năng khác của cơ thể trong giấc ngủ. Bạn cũng có thể được sử dụng các dụng cụ giúp mở đường hô hấp bị tắc nghẽn hoặc phẫu thuật chỉnh hình vùng hầu họng, cắt amiđan to hoặc nạo VA, phẫu thuật hàm dưới để đưa hàm dưới và lưỡi ra trước, mở khí quản nếu các biện pháp điều trị khác thất bại, bị ngừng thở khi ngủ nghiêm trọng đe dọa tính mạng.

Tự chăm sóc là biện pháp thích hợp nhất để đối phó với chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Bạn có thể thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả như: tập thói quen nằm nghiêng hoặc nằm sấp thay vì nằm ngửa khi ngủ vì nằm ngửa dễ làm cho lưỡi và vòm miệng mềm tụt ra sau làm tắc đường thở; giảm số cân thừa, nghiên cứu cho thấy chỉ giảm 10% cân nặng cũng giúp giảm nhẹ co thắt cổ họng và ngừng thở khi ngủ; tránh uống rượu bia và các thuốc an thần, thuốc ngủ gây giãn cơ hầu họng dẫn đến ngừng thở khi ngủ; giữ cho mũi thông vào ban đêm bằng cách sử dụng thuốc chống sung huyết mũi.

Ai dễ bị ngừng thở khi ngủ?

Ngừng thở khi ngủ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi từ trẻ em đến người già ở cả nam và nữ. Tuy nhiên những đối tượng sau đây dễ bị ngừng thở khi ngủ hơn: người béo phì, nhất là béo quanh cổ thường làm hẹp đường hô hấp ở họng. Bệnh nhân bị viêm amiđan gây sưng to dễ tắc đường hô hấp. Những người cổ họng hẹp tự nhiên do di truyền. Nam dễ bị chứng ngừng thở khi ngủ hơn nữ. Ðộ tuổi từ 40 trở lên cả nam lẫn nữ đều dễ bị ngừng thở khi ngủ. Trong gia đình có cha mẹ bị chứng ngừng thở khi ngủ thì con cũng dễ bị bệnh này. Người uống rượu, uống thuốc giảm đau, thuốc an thần gây giãn cơ vùng họng cũng dễ mắc chứng này.

BS. Ninh Thanh Tùng

(Theo Suckhoedoisong)

Rối loạn giấc ngủ khi trẻ ngáy

Các bậc cha mẹ thường nghĩ rằng, những đứa trẻ ngáy khi chúng ngủ rất say. Nhưng một nghiên cứu mới lại cho thấy rằng, việc ngáy khi ngủ là dấu hiệu của rối loạn giấc ngủ, từ đó có thể dự đoán những vấn đề mang tính lâu dài ảnh hưởng đến hành vi và cảm xúc của trẻ sau này.

Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Pediatrics, các nhà nghiên cứu cho biết, những em bé có những vấn đề về giấc ngủ từ lúc 6 tháng tuổi có khả năng từ 20% đến 100% mắc các vấn đề về hành vi như là hiếu động thái quá lúc lên 7 tuổi.

Các nghiên cứu này đã phân tích thói quen ngủ của hơn 11.000 trẻ em được sinh vào các năm 1991-1992 tại một số quận của vùng A-vôn, nước Anh. Cha mẹ của chúng được ghi danh và theo dõi trong suốt thời kỳ mang thai. Tiếp đó, có rất nhiều câu hỏi được cung cấp mỗi năm một lần, bắt đầu từ khi những đứa con của họ được 6 tháng tuổi. Những câu hỏi xoay quanh việc chúng có ngáy, thở qua miệng, hoặc ngưng thở trong một vài giây trong khi ngủ hay không.

Các bậc cha mẹ cũng đã hoàn thành một xét nghiệm sàng lọc cho những đứa con của họ ở độ tuổi 4 tuổi và 7 tuổi để đánh giá các dấu hiệu của cảm xúc và hành vi trong 5 lĩnh vực khác nhau như: Hiếu động thái quá, gặp các vấn đề về tình cảm (như lo lắng và trầm cảm), khó khăn để tạo lập một mối quan hệ tốt với bạn bè, rối loạn hành vi, trong việc chia sẻ và xu hướng hợp tác với người khác.

Ngáy, một biểu hiện rối loạn giấc ngủ của trẻ. Ảnh: babycare

Bà Ka-ren Bô-núc, tác giả chính của nghiên cứu cho biết, nhóm nghiên cứu đã tổng hợp tất cả 15 yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc ngáy hoặc ngưng thở của trẻ. Đó là sự dạy dỗ của người mẹ, nghịch cảnh của gia đình, việc hút thuốc lá hoặc uống rượu của người mẹ trong lúc mang thai, các công việc của người cha… Trong số các yếu tố này thì không có yếu tố nào ảnh hưởng đến mối quan hệ chặt chẽ giữa vấn đề rối loạn giấc ngủ và các vấn đề hành vi sau này.

Giấc ngủ là một khoảng thời gian để hồi phục các tế bào thần kinh và cân bằng nội môi của não bộ. Khi giấc ngủ bị rối loạn, não bộ nhận được ít oxy hơn nó cần và có thể nhận được lượng khí carbon dioxide nhiều hơn mức cần thiết. Điều đó có thể dẫn đến sự gián đoạn quá trình phát triển trong vỏ não. Trong khi đó, vỏ não lại là nơi quy định các chức năng cấp cao của não bộ như lập kế hoạch và tổ chức thực hiện.

Bị gián đoạn khí oxy ở độ tuổi sơ sinh thậm chí có thể còn gây hại hơn ở các độ tuổi sau này. Bà Bô-núc cho biết, kể cả khi ngủ, não vẫn phát triển và hình thành các kết nối thần kinh để thiết lập các hành vi phức tạp như quy định cảm xúc và hành vi xã hội.

Không có phương pháp rõ ràng nào về việc cha mẹ có thể tác động vào chứng ngủ ngáy hay ngưng thở trong khi ngủ của con mình. Tuy nhiên, bà Bô-núc đã đề nghị rằng, các bậc cha mẹ quan tâm đến chứng ngủ ngáy của con mình thì nên trao đổi với các bác sĩ nhi khoa để tìm phương án chữa trị tốt nhất. Việc điều trị có thể giúp làm giảm các vấn đề xã hội và vấn đề tình cảm sau này của con trẻ. Để con bạn có một giấc ngủ đêm yên tĩnh hơn. Còn đối với các trẻ sơ sinh nhỏ tuổi nhất thì các can thiệp có thể không cần thiết.

BACSI.com (Theo QDND)

Chứng rối loạn thở khi ngủ ở trẻ là gì?

Trẻ con bị chứng rối loạn thở trong lúc ngủ (SDB) nhiều khả năng sẽ gặp vấn đề về hành vi, cũng như khó khăn trong việc kiềm chế cảm xúc và kết bạn.

Các chuyên gia của Đại học Yeshiva (Mỹ) đã rút ra kết luận trên sau khi thực hiện cuộc nghiên cứu lớn nhất và tổng quát nhất về SDB đối với hơn 11.000 trẻ em trong suốt 6 năm. Theo trưởng nhóm Karen Bonuck, đây là chứng cứ rõ ràng nhất tính đến thời điểm này cho thấy tình trạng ngáy, thở bằng miệng và tắc nghẽn đường thở trong lúc ngủ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sự phát triển hành vi và xúc cảm xã hội. “Cha mẹ và các bác sĩ nhi nên lưu tâm đến những tình trạng rối loạn giấc ngủ ở trẻ nhỏ, có thể sớm nhất là vào năm đầu đời của trẻ,” theo tiến sĩ Bonuck.

Ảnh minh họa – Ảnh: Shutterstock

Rối loạn thở khi ngủ là thuật ngữ chung chỉ những tình trạng thở bất thường diễn ra trong lúc ngủ. Các triệu chứng chính bao gồm ngáy và tắc nghẽn đường thở. Rối loạn có khuynh hướng lên đến đỉnh điểm ở trẻ từ 2-6 tuổi, nhưng vẫn có thể xuất hiện ở trẻ nhỏ hơn. Khoảng 10% số trẻ em ngáy thường xuyên, và từ 2-4% trẻ bị chứng tắc nghẽn đường thở khi ngủ, theo Viện Sức khỏe tai mũi họng và Giải phẫu cổ Mỹ (AAO-HNS). “Cho đến mới đây, chúng ta thật sự không có chứng cứ rõ ràng cho thấy SDB tác động đến sự hình thành những hành vi như hiếu động thái quá,” theo Ronald D.Chervin, đồng tác giả cuộc nghiên cứu và là giáo sư của Đại học Michigan.

Nhóm chuyên gia đã tiến hành đánh giá tác động kết hợp của chứng ngáy, tắc nghẽn đường thở khi ngủ và thở bằng miệng đối với thái độ sau này của trẻ nhỏ tại Anh. Theo đó, các bé hiển thị triệu chứng SDB sớm, lúc 6 hoặc 18 tháng, đối diện với nguy cơ cao lần lượt gấp 40% và 50% bị rối loạn hành vi ở tuổi lên 7 so với trẻ thở bình thường khi ngủ. Trẻ có vấn đề về hành vi nghiêm trọng nhất thường trải qua những triệu chứng SDB trong suốt giai đoạn đánh giá và những triệu chứng này tồi tệ nhất vào lúc trẻ được 30 tháng.

Các chuyên gia lý giải sự liên quan giữa SDB và rối loạn hành vi trẻ nhỏ theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn SDB làm giảm lượng O2 và tăng lượng CO2 ở phần vỏ não trước trán; làm gián đoạn quá trình phục hồi khi ngủ; và phá vỡ sự cân bằng của vô số chức năng hoạt động tế bào và hóa học trong cơ thể. Hậu quả là trẻ khó tập trung hoặc tổ chức, sắp xếp các kế hoạch; không kìm nén được hành vi và không tự điều chỉnh được cảm xúc.

Dù ngáy và tắc nghẽn đường thở khi ngủ thường diễn ra ở trẻ con, bác sĩ nhi và người thân gia đình không thường xuyên kiểm tra những triệu chứng này ở trẻ, theo nhóm chuyên gia. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ chỉ thường hỏi những câu đơn giản đại loại như: “Con cái ông/bà ngủ như thế nào?”. Thay vào đó, y bác sĩ nên hỏi liệu trẻ trải qua một trong những triệu chứng cụ thể như ngáy, thở bằng miệng hoặc tắc nghẽn đường thở khi ngủ. Còn về phần phụ huynh, khi trẻ gặp bất cứ vấn đề nào trong lúc ngủ, nên tham vấn ngay bác sĩ để có sự điều chỉnh thích hợp. Nghiên cứu trên được đăng tải trên chuyên san Pediatrics.

(Theo Thanh niên)

Mất ngủ ở người già và cách khắc phục

Đây là một rối loạn thường gặp ở người cao tuổi, do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Để tìm lại giấc ngủ ngon, người bệnh và thầy thuốc cần tìm hiểu và điều trị các nguyên nhân trực tiếp gây mất ngủ. Điều quan trọng nhất là phải tạo được môi trường dễ chịu và phù hợp cho giấc ngủ.


mat_ngu_o_nguoi_gia_va_cach_khac_phuc


Các yếu tố gây mất ngủ ở người cao tuổi bao gồm: giảm hoạt động thể lực, ít tiếp xúc với ánh sáng, giảm ngưỡng bị đánh thức (dễ bị thức giấc hơn), thay đổi nhịp sinh học, giảm khả năng hồi phục các chức năng khi cơ thể bị lão hóa, các bệnh lý (sa sút trí tuệ, tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp, đau xương khớp, trầm cảm...). Nhìn chung, các nguyên nhân chính gây mất ngủ ở người cao tuổi được chia thành 4 nhóm:

- Các bệnh gây rối loạn giấc ngủ tiên phát: Phổ biến nhất là chứng ngừng thở lúc ngủ (hay gặp ở những người béo phì) hoặc các hiện tượng chân tay tự cử động về đêm, gây thức giấc.

- Các bệnh lý gây rối loạn giấc ngủ thứ phát: Nổi bật nhất là chứng đau do các bệnh cơ xương khớp (thoái hóa khớp, loãng xương...). Đau tăng lên lúc nửa đêm về sáng, khiến bệnh nhân bị tỉnh giấc và sau đó rất khó ngủ tiếp. Một số bệnh lý khác cũng gây mất ngủ như thiếu máu cơ tim gây đau ngực, tiểu đêm (do u xơ tiền liệt tuyến, tiểu đường), khó thở (do suy tim, viêm phế quản, hen).

- Các bệnh lý tâm thần kinh: Bệnh trầm cảm là yếu tố lớn nhất liên quan đến rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi. Bệnh nhân thường khó bắt đầu giấc ngủ hoặc hay bị thức giấc sớm, có hiện tượng ngủ ngày. Một số người có những thời điểm bị kích động nên rất khó ngủ. Theo ước tính, khoảng 30% người cao tuổi trong cộng đồng và 50% người cao tuổi trong các viện dưỡng lão có triệu chứng trầm cảm. Các rối loạn tâm thần khác có khả năng gây mất ngủ là lo âu quá mức (sợ mất uy tín, mất sự tín nhiệm khi nghỉ hưu, lo lắng về tai nạn của anh em, bạn bè hoặc về tài chính...), sa sút trí tuệ.

- Dược phẩm: Đó là thuốc loại corticoid, nội tiết tố tuyến giáp, thuốc điều trị bệnh thần kinh hoặc trầm cảm, các thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc hạ huyết áp Methyldopa... Một số dược phẩm được coi là thuốc ngủ như benzodiazepine (Seduxen) lại có tác dụng phụ là gây buồn ngủ, khiến người già ngủ nhiều hơn vào ban ngày và tỉnh táo vào ban đêm.

Cách điều trị mất ngủ tốt nhất là áp dụng các biện pháp không dùng thuốc (nhất là với trường hợp mất ngủ do rối loạn tâm lý kéo dài) nhằm xóa bỏ hoặc làm giảm các yếu tố gây mất ngủ. Cụ thể là:

- Hằng ngày nên tập thể dục đều đặn (nhưng không nên tập nhiều sau 6 giờ chiều), học cách thư giãn để có cảm giác thư thái cả về thể chất lẫn tinh thần. Không nên sử dụng đồ ăn thức uống hoặc các thuốc có chất kích thích. Không nên ngủ ngày nhiều. Nếu bạn buồn ngủ nhiều vào ban ngày, hãy tạo môi trường làm việc có đủ ánh sáng và sự kích thích để tránh cảm giác đó.

- Tạo một môi trường thư giãn và yên tĩnh khi đi ngủ, bao gồm các điều kiện tối ưu về ánh sáng, tiếng ồn, nhiệt độ... Phòng ngủ không nên dùng cho các công việc khác; khi đã vào phòng này thì không nên đọc sách hoặc xem tivi. Tránh tối đa hiện tượng môi trường phòng ngủ không thoải mái (vợ chồng cãi nhau, gọi điện thoại trao đổi công việc, thuyết phục khách hàng...).

- Tránh uống cà phê, rượu hoặc hút thuốc lá vào buổi chiều tối. Không nên ăn hoặc uống quá nhiều trong vòng 3 giờ trước khi đi ngủ. Ban đêm, không nên nhìn vào đồng hồ.

- Vào mỗi buổi tối, nên dành một khoảng thời gian để suy nghĩ, tìm cách giải quyết những vấn đề mình còn quan tâm, lo lắng. Tránh căng thẳng hoặc xúc cảm trước khi đi ngủ. Chỉ đi ngủ khi đã cảm thấy buồn ngủ và sẵn sàng cho việc này. Trước đó, nên tắm nước ấm để làm tăng nhiệt độ cơ thể, giúp giấc ngủ bắt đầu dễ dàng hơn.

- Cố gắng tạo thói quen về trình tự giờ giấc, các bước đi vào giấc ngủ. Không nên quá lo lắng nếu bị mất ngủ.

- Khi tỉnh dậy buổi sáng, không nên nằm nán lại trên giường quá lâu.

Người bị mất ngủ có thể phải dùng thuốc trong các trường hợp sau:

- Điều trị các bệnh là nguyên nhân gây mất ngủ: Ví dụ, những người bị mất ngủ do đau xương khớp được cho dùng thuốc chữa thoái hóa khớp hoặc thuốc giảm đau. Việc điều trị tốt sẽ giúp bệnh nhân có lại được giấc ngủ bình thường.

- Mất ngủ kéo dài không rõ nguyên nhân: Những người này được dùng thuốc gây ngủ. Nhóm thuốc benzodiazepine (Seduxen, Valium) có tác dụng phụ là gây buồn ngủ ban ngày, người cao tuổi dùng nó dễ bị ngã. Vì vậy, tốt nhất là dùng nhóm khác, chẳng hạn như zolpidem (Stilnox). Tốt nhất là kết hợp dùng thuốc và thực hiện các biện pháp không dùng thuốc đã nêu trên.

ThS Nguyễn Quang Bảy

Meo.vn (Theo Giadinh)

Phòng bệnh rối loạn tiêu hóa ở người cao tuổi

Rối loạn tiêu hóa ở người cao tuổi (NCT) có nhiều dạng khác nhau, trong đó dạng mạn tính hay gặp nhất, gây không ít phiền toái trong cuộc sống hàng ngày của họ. Các dạng rối loạn tiêu hóa Khi tuổi đã cao, sức đề kháng đã yếu thì nhiều loại bệnh có thể tấn công, trong đó các bệnh về đường tiêu hóa rất dễ gặp.

Nhiều NCT than phiền mệt mỏi, không thèm ăn, không muốn ăn. Nhiều người bệnh cho biết, họ không có cảm giác đói và cũng không có cảm giác thèm ăn như những năm về trước. Đây là một trong những nguyên nhân vì sự suy thoái dần dần của hệ tiêu hóa do tuổi tác nhất là sự giảm đáng kể bài tiết dịch vị (nước bọt, dịch vị, dịch ruột, dịch mật...).

Người cao tuổi nên dùng nhiều rau xanh và trái cây để hệ tiêu hóa hoạt động tốt

Có không ít NCT khi ăn bị nghẹn cho dù ăn và nhai rất chậm, không vội vàng gì. Có trường hợp để đề phòng nghẹn người ta cho canh vào cơm cho dễ nuốt nhưng cũng khó khắc phục được hơn nữa nếu làm như vậy thức ăn không được nhào trộn kỹ lại càng làm cho dễ nghẹn hơn. Lý do gây nghẹn ở NCT tuổi có thể do các loại cơ ở bộ phận tiêu hóa dần dần bị xơ teo theo năm tháng và vì vậy sự co bóp của đường tiêu hóa cũng sẽ bị giảm đi, nhất là các cơ ở thực quản.

Do cơ của hệ tiêu hóa suy giảm chức năng và các men tiêu hóa của hệ đường ruột cũng bị suy giảm một cách đáng kể cho nên NCT cũng rất dễ bị sôi bụng, đầy hơi, đi ngoài phân không thành khuôn (phân nát), nhất là mỗi lần ăn một số thức ăn nhiều mơ nhiều đạm. Đây cũng là một trong các lý do làm cho NCT ngại ăn, khi có các loại thức ăn bổ dưỡng như bữa cơm có thịt, có cá hoặc rất ngại uống sữa.

NCT cũng có thể mắc một số bệnh mạn tính từ trước do không được điều trị dứt điểm khi tuổi cao bệnh càng nặng thêm như bệnh về dạ dày – tá tràng (viêm, loét hoặc sa dạ dày).

Bệnh sa dạ dày ở NCT có thể xảy ra lúc tuổi đã cao mà lúc còn trai tráng hoặc trung niên không gặp phải, lý do cũng có thể là do các cơ của thành dạ dày bị yếu dần đi theo tuổi tác. Mặt khác do NCT ít vận động, cơ dạ dày và cơ thành bụng đã bị suy giảm đáng kể làm cho người bệnh lúc nào cũng thấy đầy bụng, chướng hơi, ăn không tiêu và chán ăn. Sa dạ dày ở NCT làm cho họ lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ (ngủ không ngon giấc, ngủ không sâu hoặc rất ít ngủ).

Các bệnh rối loạn tiêu hóa và rối loạn giấc ngủ ở NCT có liên quan mật thiết với nhau và thường trở thành một vòng luẩn quẩn, tức là rối loạn tiêu hóa làm cho giấc ngủ không tốt, giấc ngủ không tốt lại làm cho rối loạn tiêu hóa tăng lên.

Bệnh về gan mật cũng là một trong các bệnh thuộc hệ tiêu hóa, vì chức năng gan tốt và bài tiết dịch mật ổn định làm cho việc tiêu hóa thức ăn tốt. Khi hệ thống gan mật không tốt, ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu hóa. Một số NCT mắc một số bệnh về gan hoặc một số bệnh về mật cũng làm cho hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng, thậm chí ảnh hưởng rất lớn, ví dụ như bệnh viêm gan mạn tính, bệnh xơ gan, viêm đường mật mạn tính hoặc sỏi mật.

Táo bón là một bệnh gây nên nhiều hậu quả xấu, đặc biệt táo bón ở NCT và cũng rất được quan tâm. Người ta tổng kết thấy NCT bị bệnh táo bón cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây táo bón cho NCT nhưng có một số lý do thường gặp nhất là do chức năng và hệ men tiêu hóa của đường ruột giảm sút, do ít vận động và đặc biệt là do NCT trong các bữa ăn chính ăn ít rau, quả hoặc không ăn, thêm vào đó lại uống ít nước. Càng ăn ít rau, uống ít nước kèm theo ít vận động, hiện tượng táo bón càng dễ xảy ra và nếu để táo bón kéo dài thì gây nên nhiều biến chứng bất lợi cho NCT. Hay gặp nhất trong hậu quả của táo bón ở NCT là người lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi do các chất độc tố có trong phân, trong đó rất nhiều độc tố của vi khuẩn ngấm vào máu. Táo bón rất dễ gây nên bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn cho nên mỗi lần đi ngoài NCT rất sợ vì phải rặn mạnh mà rặn mạnh thì đau, chảy máu. Chính vì vậy, táo bón lại càng tăng lên, thỉnh thoảng lại xuất hiện cơn đau quặn bụng, nhất là đau bụng dưới mà hay gặp nhất là đau vùng hố chậu bên phải làm cho dễ nhầm với viêm ruột thừa. Lý do NCT ngại uống nước cũng làm cho táo bón tăng lên bởi vì uống nước sẽ phải đi tiểu nhiều lần nhất là tiểu đêm. Với những NCT có sức khỏe yếu, đi lại khó khăn và nhất là có sa sút trí tuệ thì đó là điều bất lợi.

Phòng bệnh rối loạn tiêu hóa như thế nào?

Phòng bệnh rối loạn tiêu hóa ở NCT là một vấn đề hết sức quan trọng, bởi vì một số bệnh gây rối loạn tiêu hóa ở NCT nhiều khi không cần dùng thuốc mà bệnh cũng có thể khỏi hoặc giảm. Điều quan trọng nhất để phòng bệnh rối loạn tiêu hóa cho NCT là có chế độ ăn hợp lý, kết hợp với vận động cơ thể và có đời sống tinh thần thoải mái.

Một số NCT chán ăn, không thèm ăn, người nhà cần động viên và nếu cần bón giúp trong các bữa ăn, nhất là khi NCT sức yếu, sa sút trí tuệ để làm sao làm cho họ không bỏ bữa. Nên động viên và tìm cách chế biến các loại rau hợp khẩu vị để cho NCT ăn được nhiều rau và các loại hoa quả có nhiều chất xơ. Những người đã bị táo bón thì nên cho ăn thêm củ khoai lang luộc, ăn canh rau mồng tơi, rau đay và cần uống đủ lượng nước hàng ngày (khoảng 2 lít trong một ngày đêm). Nếu bị bệnh về dạ dày thì nên đi khám bệnh định kỳ để được điều trị và tư vấn của bác sĩ làm sao cho bệnh chóng khỏi.

Trong các bệnh về rối loạn tiêu hóa ở NCT, vận động cơ thể là điều rất cần thiết. Vận động cơ thể ở NCT không có nghĩa là phải tập luyện các động tác mạnh mẽ, khó mà chỉ cần vận động nhẹ nhàng, ví dụ như xoa bóp vùng bụng, xoa bóp các cơ bắp hoặc đi bộ (nếu có thể). Nếu sức khỏe yếu có thể chỉ đi bộ trong nhà, trong sân nhưng khi sức khỏe còn tốt thì đi bộ xa hơn hoặc có thể chơi thể thao như cầu lông, bơi… Thời gian vận động cơ thể trong ngày cũng chỉ nên khoảng 60 phút là vừa và chia thành từ 2 - 3 lần tập. Ngoài vật chất và vận động cơ thể cũng nên có hoạt động về tinh thần như: đọc báo, xem vô tuyến, nghe đài… Nếu có câu lạc bộ cho NCT thì nên tham gia, nếu không có thể sinh hoạt theo nhóm.

PGS.TS. BÙI MAI HƯƠNG

Meo.vn (Theo SK & ĐS)


Nhịp điệu sinh học trong giấc ngủ trẻ thơ

Nhiều người có con nhỏ rất băn khoăn không biết làm thế nào để con mình ngủ ngon, đủ giấc vì bé cứ hay trăn trở, quấy khóc khi ngủ... Thực ra, đây không còn là vấn đề nan giải nếu họ nắm được nhịp sinh học trong giấc ngủ của bé.

Mọi hoạt động sống của sinh vật là một chuỗi những thay đổi định kỳ. Tất cả những biểu hiện đó được gọi là nhịp điệu sinh học. Điều thú vị là có rất nhiều nhịp điệu sống của sinh vật tương ứng với nhịp điệu vận động của thiên nhiên mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy. Chẳng hạn như nhịp thức - ngủ của con người, nhịp hoạt động ngày - đêm của các loài động vật và thời kỳ đâm hoa kết quả vào mỗi mùa xuân của cây cỏ...

Nhịp thức - ngủ của con người đã được hình thành từ rất lâu đời do sự tác động qua lại của cơ thể và môi trường. Vì vậy, nhịp điệu sinh học vừa mang tính nội tại (như khi các phi hành gia không gian bay vào vũ trụ hoặc khi ta đưa các sinh vật vào hang tối, chúng vẫn giữ được nhịp thức - ngủ như cũ), vừa mang tính ngoại cảnh (ví dụ công nhân làm ca đêm sẽ thích nghi bằng cách ngủ bù vào ban ngày, hoặc khi con người đi từ vĩ tuyến này sang vĩ tuyến khác, vẫn thích nghi được với mọi sinh hoạt ở hoàn cảnh mới).

Nhiệm vụ của chúng ta là điều chỉnh sao cho nhịp điệu nội tại cơ thể và nhịp điệu của ngoại cảnh luôn hài hòa và hợp nhất, tránh những rối loạn gây bất lợi cho cơ thể. Đối với con người - đặc biệt là trẻ em, trong quá trình sống và phát triển, hoạt động luân phiên thức ngủ là một nhu cầu sinh lý tự nhiên không thể thiếu. Nhịp thức ngủ là “nhịp điệu chìa khóa”, tác động và chi phối mọi nhịp sống khác của cơ thể.

Thời gian ngủ có liên hệ với độ tuổi không?

Thời gian ngủ tùy thuộc vào tuổi tác và yêu cầu của từng cơ thể. Ở người lớn, cứ 1 giờ hoạt động phải được bù bằng nửa giờ ngủ. Ở trẻ em, nhu cầu ngủ rất cao, cứ 1 giờ hoạt động phải bù lại bằng 2 giờ ngủ, tức là gấp 4 lần người lớn. Tuổi càng nhỏ, nhu cầu ngủ càng cao (trẻ sơ sinh ngủ 20-22 tiếng mỗi ngày). Khi lớn lên, nhu cầu ngủ sẽ giảm dần, đến 1 tuổi chỉ còn 16 tiếng, 2 tuổi còn 14 tiếng, 3 tuổi còn 13 tiếng. Khi 16 tuổi, trẻ chỉ còn ngủ 8 tiếng giống như người lớn.

Thời gian ngủ chủ yếu vào ban đêm; riêng với trẻ em thời gian ngủ ban ngày cũng rất quan trọng. Mỗi cá thể đều có nhu cầu ngủ khác nhau. Chúng ta cần đảm bảo và duy trì đúng nhịp điệu tự nhiên của nó. Phân bố chế độ sinh hoạt và giờ giấc hợp lý theo từng giai đoạn tuổi và từng cơ thể riêng biệt là yếu tố quyết định.

Thế nào là giấc ngủ nhanh và giấc ngủ chậm?

Giấc ngủ được cấu tạo bằng nhiều chu kỳ với hai trạng thái khác nhau, mỗi chu kỳ chia làm 5 giai đoạn. Giấc ngủ chậm chiếm khoảng 80% thời gian ngủ ở trẻ em, biểu hiện bằng các sóng chậm trên điện não gồm 4 giai đoạn với độ sâu tăng dần. Ở các giai đoạn này, hoạt động sống của cơ thể như nhịp tim, nhịp thở, chuyển hóa cơ bản giảm dần đến mức thấp nhất. Giấc ngủ nhanh (hay giai đoạn 5 của chu kỳ) tiếp nối với giấc ngủ chậm, chiếm khoảng 20% thời gian còn lại. Giai đoạn này hoạt động điện não được biểu hiện bằng các sóng nhanh gần giống như lúc thức. Hai loại giấc ngủ này nối tiếp nhau trong đêm tạo thành nhiều chu kỳ liên tiếp, mỗi chu kỳ của trẻ em chiếm khoảng 90 phút, riêng trẻ sơ sinh là 50-60 phút, người lớn là 120 phút.

Người ta nhận thấy trong giấc ngủ chậm, tuyến tiền yên ở não sẽ tiết ra kích thích tố tăng trưởng (growth hormone, GH). Kích thích tố này đóng vai trò rất quan trọng trong việc hồi phục sức khỏe và thúc đẩy quá trình tăng trưởng của cơ thể trẻ. Khi trẻ hoạt động thể lực nhiều như chơi đùa, tập thể dục, thể thao, giấc ngủ chậm sẽ gia tăng làm trẻ dễ ngủ và ngủ sâu hơn.

Khác với giấc ngủ chậm, giấc ngủ nhanh sẽ giúp trẻ hồi phục nhanh hơn sự mệt mỏi về tâm thần (như làm việc, học tập, các chấn thương tâm lý) và tác động lên sự trưởng thành của hệ thần kinh. Nó có tác dụng củng cố trí nhớ, giúp trẻ nhớ lâu và nhớ vững chắc hơn những thông tin ghi nhận được. Giấc ngủ nhanh sẽ gia tăng khi trẻ được luyện tập một môn nào đó như múa, hát. Nếu ngăn cản hay đánh thức giai đoạn này, trẻ sẽ dễ quên, tinh thần căng thẳng, hay cáu gắt, khó chịu, quấy khóc, đầu óc không minh mẫn khi học tập.

Làm thế nào để giúp trẻ có giấc ngủ tốt?

Nên tập cho trẻ có thói quen ngủ sớm và đúng vào một giờ đã định, nhằm tạo cho trẻ có một phản xạ nghỉ ngơi, giúp trẻ ngủ dễ dàng trong bất kỳ điều kiện nào.

Giảm tối thiểu các kích thích của ngoại cảnh cũng như nội tại lên hệ thần kinh trẻ trong lúc ngủ. Điều quan trọng nhất là phải tránh tiếng ồn và ánh sáng vì chúng làm giấc ngủ trẻ không sâu và dễ thức giấc. Ngoài ra, các yếu tố khác như để trẻ đói hoặc ăn quá no, không vệ sinh thân thể, quần áo quá chật, nằm sai tư thế, nơi ngủ bẩn chật và không thông thoáng đều gây tác hại xấu đến giấc ngủ.

Cần hết sức tránh các chấn thương về tâm lý như làm cho trẻ bị ức chế trước khi ngủ (như dọa nạt, quát mắng, kể những chuyện gây sợ hãi, cho xem phim ảnh kinh dị...). Trường hợp trẻ có tiêu tiểu trong khi ngủ, nên nhẹ nhàng làm vệ sinh và cho ngủ lại, không la mắng.

Cho trẻ vui chơi, vận động cơ thể đầy đủ cũng góp phần giúp ngủ sâu hơn. Khi trẻ khó ngủ, có thể dùng lời nói êm dịu để gây ám thị như “con nhắm mắt lại ngủ ngoan đi, mẹ thương” hoặc: “nhắm mắt lại ngủ giỏi đi con”... để giúp trẻ dễ đi vào giấc ngủ.

Mỗi trẻ có một nhu cầu về thời gian ngủ, độ dài và độ sâu khác nhau. Cha mẹ cần tạo mọi điều kiện cho trẻ ngủ đầy đủ, không nên đánh thức sớm. Thông thường, khi ngủ đủ giấc, trẻ sẽ tự động thức dậy, không cần phải gọi.

Trong trường hợp trẻ có rối loạn giấc ngủ (như mất ngủ liên tiếp vài đêm), cần đưa đi khám bệnh, không nên dùng thuốc ngủ khi chưa có ý kiến bác sĩ. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn giấc ngủ. Ở trẻ em, cần lưu ý đến các rối loạn giấc ngủ có liên quan đến tình trạng thiếu dinh dưỡng, thường đi kèm với tình trạng chán ăn, giảm ăn, giảm bú, nôn ói, chậm lớn... Các biểu hiện rối loạn giấc ngủ thường gặp ở các trẻ này gồm ngủ ít, trằn trọc khó ngủ, thức giấc nhiều lần trong đêm, mơ, nói mớ, ác mộng, mộng du, cơn khiếp sợ trong khi ngủ. Những rối loạn này có thể liên quan đến tình trạng thiếu kẽm kèm thiếu đa chất do giảm ăn như magiê, canxi, acid amin, vitamin nhóm B. Có thể nhanh chóng chữa khỏi khi trẻ được bổ sung kẽm và các chất dinh dưỡng thiếu hụt kể trên.

Thời gian thức - ngủ luôn xen kẽ nhau, tạo nên một nhịp điệu hài hòa, tự nhiên. Đây là một nhịp điệu sinh học quan trọng nhất của cơ thể, đặc biệt là ở trẻ em, vì vậy việc chăm sóc giấc ngủ cần hết sức được chú ý và quan tâm đúng mức.

Meo.vn (Theo Sức khỏe & Đời sống)