Lưu trữ cho từ khóa: rễ cỏ tranh

Rễ cỏ tranh lợi tiểu, mát gan

Rễ cỏ tranh là bộ phận dùng làm thuốc từ cây cỏ tranh. Cây cỏ tranh là loại cỏ sống lâu năm. Lá mọc thẳng đứng, phiến lá xanh. Cụm hoa hình chùy, có nhiều bông nhỏ, phủ đầy lông mềm và dài màu trắng. Quả thóc nằm trong các mày như vỏ trấu. Cây mọc hoang khắp nơi trong cả nước. Rễ cỏ tranh mặt ngoài màu trắng ngà hay vàng nhạt, có nhiều nếp nhăn dọc và nhiều đốt mang các lá vẩy và rễ con. Khi làm thuốc, đào lấy thân rễ, cắt bỏ phần trên cổ rễ, rửa sạch đất cát, tuốt bỏ sạch bẹ, lá và rễ con, thái nhỏ.

Trong Đông y thuốc từ rễ cỏ tranh có tên gọi là mao căn. Tùy mục đích chữa bệnh, mao căn được bào chế và có tên gọi khác nhau, cụ thể: Bạch mao căn: (rửa sạch, tẩm nước cho hơi mềm rồi cắt thành đoạn, phơi khô, sàng bỏ chất vụn) mao căn thán: Lấy những đoạn bạch mao căn, cho vào nồi sao tới màu nâu đen, phơi khô; Sinh mao căn: rễ cỏ tranh tươi rửa sạch, thái nhỏ.

Rễ cỏ tranh có vị ngọt tính hàn, đi vào các kinh tâm, phế, tỳ, vị và bàng quang. Có công năng lương huyết, chỉ huyết, thanh nhiệt, tiêu ứ huyết, lợi tiểu tiện, thanh phế vị nhiệt. Chủ trị các chứng như chảy máu cam, tiểu ra máu, bí tiểu, hỗ trợ điều trị viêm thận cấp…

Cỏ tranh.

Bài thuốc chữa bệnh có sử dụng mao căn

Lợi tiểu: Bạch mao căn 30g, râu ngô 40g, xa tiền tử 25g, hoa cúc 5g, tất cả trộn đều, mỗi lần lấy 50g hãm với 0,75ml nước sôi và uống trong ngày. Dùng trong 10 ngày.

Hoặc: Sinh mao căn 50g, lá sen cạn 15g, râu ngô 10g, rau má 10g, rau diếp cá 8g. Sắc uống ngày 1 thang, chia làm 3 lần trong ngày. Dùng trong 3-5 ngày.

Hỗ trợ điều trị viêm thận cấp: Bạch mao căn 200g, nước 500ml, sắc nhỏ lửa còn lại 100 – 150ml, chia 2 – 3 lần uống, ngày 1 thang. Dùng liên tục trong 1 tháng.

Hoặc: Sinh mao căn, mã đề, kim ngân hoa, cam thảo nam, kim anh tử, đậu đen, hoàng đằng, kinh giới, cỏ mần trầu, mỗi vị 10g. Đổ 3 bát nước, sắc còn 1 bát, uống trong ngày sau bữa ăn. Dùng trong 15 ngày.

Hỗ trợ điều trị tiểu ra máu do nhiễm trùng đường tiết niệu: Mao căn thán, gừng (đã sao cháy). Sắc với 400ml nước còn 100ml, uống trong ngày và khi thuốc còn ấm, nên uống trước bữa ăn tối. Dùng trong 7-10 ngày.

Bạch mao căn.

Mát gan:

Sinh mao căn (cạo sạch vỏ) 150g, bạch anh tươi 50g, thịt lợn nạc (thái lát mỏng) 150g, gia vị vừa đủ. Các vị thuốc trên cho vào nồi đun nhừ, nêm gia vị vừa đủ, Ngày ăn 1 lần. Mỗi liệu trình điều trị 10-15 ngày.

Hoặc: Sinh mao căn 200g, sắc với 700ml nước, đun to lửa cho sôi sau đó đun nhỏ lửa 7-10 phút, lọc lấy nước uống thay chè, uống trong ngày. Mỗi liệu trình điều trị 10-15 ngày.

Ngoài là vị thuốc lợi tiểu, mát gan… mao căn còn chữa chảy máu cam, hen suyễn…

Chữa chảy máu cam: Bạch mao căn 36g, chi tử 18g. Sắc với 400ml nước còn 100ml, uống nóng sau ăn hoặc trước khi ngủ. Hoặc: Sinh mao căn 80g, sắc nước uống hàng ngày, uống khi nguội sau bữa ăn. Dùng trong 7-10 ngày.

Chữa hen suyễn: Sinh mao căn 20g. Sắc uống hàng ngày, uống khi thuốc còn ấm, sau bữa ăn tối. Dùng liên tục trong 8 ngày.

Lưu ý: Người hư hỏa, phụ nữ mang thai không nên dùng.

Theo suckhoedoisong

Thanh nhiệt, trừ phong nhiệt độc từ khế

Theo Ðông y, quả khế vị chua ngọt, tính bình, tươi hơi mát có tác dụng sinh tân dịch giải khát, lợi tiểu, trị phong nhiệt giải độc.

Cây khế tên chữ Hán là ngũ liễu tử, ngũ lăng tử. Theo Ðông y, quả khế vị chua ngọt, tính bình, tươi hơi mát, chín thì ôn có tác dụng sinh tân dịch giải khát, lợi tiểu, trị phong nhiệt giải độc. Trong dân gian khế được dùng chữa một số chứng bệnh như sau:


Dị ứng do tiếp xúc sơn ta: Khế thái miếng hoặc dùng lá vò đắp xát trực tiếp lên da tổn thương hoặc uống. Thường chọn lá khế tươi già, lấy nước cốt uống, quả để rửa vết thương lở loét.

Nước ăn chân: quả khế chín lùi trong tro nóng áp lên chỗ tổn thương.

Bí đái: lấy một quả khế, một củ tỏi giã nhuyễn đắp lên rốn.

Cảm cúm: sốt, đau mình, hắt hơi sổ mũi, ho, dùng ba quả khế nướng vắt nước cốt hòa 50 ml rượu để uống.

Phong nhiệt mẩn ngứa mề đay: Vỏ cây khế cạo bỏ lớp ngoài sắc uống.

Trẻ em bị sởi: Thúc sởi mọc bằng cách lấy lá và vỏ nước nấu cho trẻ tắm.

Ðái dắt, đái buốt, đái ra máu do viêm bàng quang, âm đạo: Lá cây khế 100g, rễ cỏ tranh 40g, sắc uống một tháng.

Viêm họng: Lá khế 40g, thêm vài hạt muối giã nhỏ, vắt nước cốt ngậm.

Cảm nắng, sốt, khát nước, nhức đầu: 100g lá khế tươi, 40g lá chanh, giã vắt lấy nước uống hoặc quả khế tươi nướng qua vắt lấy nước uống.

Ho khan hoặc có đờm: Hoa khế, tẩm nước gừng sao qua lửa, sắc lấy nước uống, có thể thêm cam thảo nam.

Sơ cứu ngộ độc mã tiền: Ép quả khế lấy nước uống thật nhiều. Tuy nhiên cần thận trọng vì mã tiền rất độc có thể dẫn đến tử vong, vì thế nên đưa người bệnh đi bệnh viện ngay sau khi sơ cứu.

Ðặc biệt khế có thể dùng để thanh nhiệt, giải độc khi bị nhiễm phóng xạ và hóa chất, khi điều trị ung thư bằng cách rửa sạch khế gói trong vải khô vắt lấy nước, thêm nước đường nấu sôi. Sau đó cho thêm táo tây gọt vỏ thái miếng, cùng chuối, cam múi, nho thái nhỏ, nấu sôi cho bột rồi múc ra bát uống.

Meo.vn (Theo Nhandan)

Mướp hương hỗ trợ trị bệnh thấp khớp

Đông y gọi mướp hương là ty qua. Mướp có vị ngọt, tính bình, không độc. Không chỉ là món ăn với các món thông dụng như xào, nấu, nhồi thịt, từ quả đến lá, rễ mướp hương đều là vị thuốc rất hữu nghiệm.

Chữa băng huyết: Mướp hương 1 - 2 quả, huyết dụ 2 - 3 lá, rễ cỏ tranh 20g, rễ cỏ giày 20g, thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống ngày 2 lần.

Giúp phụ nữ lợi sữa: Phụ nữ khi sinh đẻ ít sữa có thể dùng quả mướp bánh tẻ nấu nhừ lên làm nước uống thay nước hằng ngày. Dùng khoảng 2 - 3 ngày sẽ có hiệu quả.
Chữa viêm họng: Lá mướp hương rửa sạch, giã nhỏ với ít muối, thêm nước, gạn uống làm một lần Hay giải nhiệt ngày hè hoặc nóng trong người: Bạn nấu một bát canh mướp hương với rau đay và cua.
Mướp hương hỗ trợ trị bệnh khớp
Mướp hương hỗ trợ trị bệnh khớp

Chữa ho, hen kéo dài: Lá mướp hương 15g nấu nước uống hoặc chế biến dưới dạng cao lỏng 1/1, mỗi lần uống 0,5ml.
Bồi bổ cơ thể sau ốm: 1 quả mướp hương; 100g thịt nạc xay. Thịt xay ướp với 1 chút hạt nêm, 1 thìa bột ngô và ít hành hoa, trộn đều. Mướp nạo vỏ, để nguyên quả cắt khúc khoảng 5cm. Dùng dao khoét 1 phần ruột trong từng miếng mướp. Thịt đã ngấm gia vị, dùng thìa nhồi thịt vào trong miếng mướp. Đun nóng dầu ăn, cho mướp nhồi thịt vào rán, để lửa nhỏ chủ yếu rán mặt thịt cho chín vàng. Gắp mướp nhồi thịt ra đĩa, dội phần nước còn lại trong chảo lên, ăn nóng.

Chữa đau lưng: Hạt mướp già 5 - 10g sao vàng, sắc nước uống.
Chữa bệnh thấp khớp: Xơ mướp 50g, rễ mướp 50g, mộc thông 10g, tỳ giải 8g, sắc lấy nước uống, ngày 3 lần.
Giúp nhuận tràng, giảm đau cho bệnh dạ dày: Dùng quả mướp nấu canh rau đay ăn hằng ngày có tác dụng nhuận tràng và làm dịu cơn đau dạ dày.

Chữa bệnh trĩ, lòi dom, đi ngoài ra máu: Dùng xơ mướp (khi quả mướp già, bỏ hạt lấy xơ mướp) đốt cháy 2 - 3g, cùng với 20g lá khổ sâm, sắc lấy nước uống, ngày 3 lần.

Meo.vn (Theo Bee)

Bài thuốc chữa sốt xuất huyết

Việc điều trị sốt xuất huyết có thể kết hợp giữa Đông và Tây y. Mùa mưa đang bắt đầu, và bệnh sốt xuất huyết cũng rục rịch gia tăng.

Bệnh do ôn tà

Sốt xuất huyết còn gọi là sốt xuất huyết Dengue là bệnh nhiễm cấp do virus Dengue gây ra. Virus Dengue thuộc họ Flavirus có 4 týp kháng nguyên D1, D2, D3, D4. Virus truyền bệnh từ người bệnh sang người lành qua muỗi Adres Aegypti là chính. Trong tự nhiên, virus này có ở khỉ. Bệnh tản phát, gây dịch quanh năm, cao điểm vào các tháng 6, 7, 8, 9, nhiều nhất là ở các tỉnh phía Nam.

Theo y học cổ truyền, sốt xuất huyết là bệnh do ôn tà xâm phạm vệ khí huyết, phần nhiều có tính chất nhiệt nên bắt huyết vọng hành gây chứng xuất huyết. Bệnh có ở cả người lớn và trẻ em, nhưng ở trẻ em thường nguy hiểm hơn và dễ gây thành dịch.

Triệu chứng và điều trị theo từng giai đoạn

Ở giai đoạn sốt cao xuất huyết (nhiệt độc vào phần vệ, phần khí) thường người bệnh có sốt cao li bì, mệt mỏi, miệng khô, khát nước, nhức mỏi các khớp xương, cột sống lưng, tiểu tiện ít, có khi đỏ, đại tiện táo, buồn nôn có thể nôn ra máu do xuất huyết đường tiêu hóa, trên da có nhiều nốt xuất huyết, sắc mặt đỏ, rêu lưỡi vàng. Phương pháp chữa lúc này là thanh nhiệt tả hỏa, lương huyết (chỉ huyết, giải độc). Tùy điều kiện, dùng một trong các bài thuốc sau: kim ngân 12g, cỏ nhọ nồi 18g, mã đề 10g, rau má 10g, lá tre (trúc diệp) 10g, cúc hoa 16g, rễ cỏ tranh 10g, sinh địa 10g, cây cối xay 10g, lá khế 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia làm 3 lần. Hoặc dùng bài thuốc gồm: lá tre 16g, gừng tươi 4g, cỏ nhọ nồi 26g, rau má 10g, rễ cỏ tranh 16g, trắc bá diệp 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia làm 3 lần. Hay bài: kim ngân hoa 12g, huyền sâm 10g, bột sừng trâu 10g, liên kiều 10g, xích thược 10g, thạch cao sống 20g, cam thảo 4g, đơn bì 12g, sinh địa 12g, gừng tươi 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia làm 3 lần.

Giai đoạn thanh nhiệt, giải nhiệt - nếu nhiệt vào lạc có thể gây xuất huyết dưới da, nếu vào mạch gây chảy máu trong (nôn máu, ỉa máu). Phép chữa là hanh nhiệt, giải độc, lương huyết, chỉ huyết. Có thể dùng một trong các bài thuốc sau: cỏ nhọ nồi tươi 16g, hạ khô thảo 10g, cối xay sao vàng 8g, rễ cỏ tranh 16g, sài đất 16g, hòe hoa sao vàng 10g, kim ngân hoa 10g, gừng tươi 3 lát.

Giai đoạn chính khí chưa suy vong, khí âm bị tổn thương gây nhiệt quyết. Người nóng, chân tay lạnh, vật vã (sốt có huyết áp kẹt), thường có táo bón, dùng bài gồm: sinh thạch cao 40g, cam thảo 8g, tri mẫu 12g, nhân sâm 8g, ngạnh mễ 12g, xương bồ 8g. Nếu có táo kết, phải thông tiết nhiệt dùng bài gồm: đại hoàng 3g, chỉ xác 2g, cam thảo 1g, đem tán bột uống hoặc sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

Giai đoạn mất máu nhiều gây khí thoát, hoặc chính khí và âm khí đều kiệt gây vong dương, chân tay quyết lạnh, mạch vi muốn tuyệt gọi là hàn quyết thì cho dùng 1 trong 2 bài thuốc sau: nhân sâm 4-6g (sắc uống 1 lần). Hoặc đương quy 8g sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

Ở giai đoạn bệnh hồi phục - hết xuất huyết, người mệt mỏi ăn uống kém, hâm hấp sốt về chiều, đại tiện táo, nước tiểu vàng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch nhỏ. Nếu có các triệu chứng mệt mỏi, tay chân lạnh, chán ăn, ra mồ hôi, nước tiểu trong, đại tiện lỏng thì dùng bài thuốc gồm: đảng sâm 12g, trần bì 6g, bạch biển đậu 12g, ý dĩ 10g, nhục đậu khấu 8g, liên nhục 12g, hoài sơn 12g, mạch nha 8g, kê nội kim 8g. Sắc uống ngày 1 thang. Nếu có các triệu chứng chán ăn, miệng khát, môi khô, tiểu tiện ít, táo bón, chất lưỡi đỏ... thì dùng bài thuốc gồm: nhân sâm 10g, ngũ vị tử 8g, mạch môn 12g, thạch hộc 12g, sa sâm 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Lo ngại trước tình hình bệnh sốt xuất huyết gia tăng khi mùa mưa đến, Sở Y tế (TP.HCM) cũng vừa lập kế hoạch phòng chống bệnh trên toàn thành phố. Hiện mỗi ngày Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) tiếp nhận hơn 30 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Còn cả phía Nam tính từ đầu năm đến đầu tháng 5, tổng số ca mắc sốt xuất huyết tại 20 tỉnh thành phía Nam đã hơn 9 ngàn người (trong đó có 5 ca tử vong). TP.HCM nằm trong số những địa phương nóng của bệnh này.

Theo Thanh Niên

Cây huyết dụ: Truyền thuyết và công dụng

Huyết dụ (Cordyline terminalis Kunth var.ferrea Bak.) thuộc họ huyết dụ (Dracaenaceae), có tên khác là huyết dụ lá đỏ, thiết thụ, phất dũ, người Tày gọi là chổng đeng, tên Thái là co trướng lậu, tên Dao là quyền diên ái.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Huyết dụ là cây cảnh được nhập trồng từ lâu đời. Tên gọi của nó bắt nguồn từ một truyền thuyết xa xưa như sau: Ngày xưa, có một người chuyên nghề giết lợn. Nhà anh ta ở cạnh một ngôi chùa. Hằng ngày, cứ mờ sáng, hễ nghe tiếng chuông chùa là anh ta thức dậy mổ lợn. Một hôm, sư cụ lên chùa nằm mộng thấy một người đàn bà dắt 5 đứa con đến xin cứu mạng và xin sư cụ đánh chuông vào sáng hôm sau chậm hơn ngày thường. Sư cụ thực hiện đúng lời thỉnh cầu, nên người đồ tể ngủ quên, dậy muộn quá, không kịp thịt lợn nữa. Liền sau đó, anh ta thấy con lợn mình mua chiều qua định giết thịt sáng nay đẻ được 5 lợn con. Anh ta đi qua chùa được nghe sư cụ kể chuyện về giấc mộng, hối hận vì lâu nay bàn tay mình vấy máu, liền chạy về nhà cầm con dao bầu rồi sang giữa sân chùa, cắm dao thề rằng xin giải nghệ từ nay. Về sau, con dao hóa thành một loại cây có lá màu đỏ như máu, nhọn như lưỡi dao bầu và được người đời đặt tên là cây huyết dụ.

Theo kinh nghiệm dân gian, lá huyết dụ được dùng làm thuốc cầm máu chữa rong huyết, băng huyết (không được dùng trước khi đẻ hoặc đẻ rồi còn sót rau), xích bạch đới, thổ huyết, lỵ ra máu, đái ra máu, ho ra máu, sốt xuất huyết. Liều dùng hằng ngày: 16-30g lá tươi hoặc 8-16g lá phơi khô dưới dạng thuốc sắc. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác trong những trường hợp sau:

Chữa rong kinh, băng huyết: Lá huyết dụ 20g, rễ cỏ tranh 10g, đài tồn tại quả mướp 10g, rễ cỏ gừng 8g. Tất cả thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.

Hoặc lá huyết dụ 20g, cành tía tô 10g, hoa cau đực 10g, tóc một nhúm (đốt thành than). Trộn đều, thái nhỏ, sao vàng, sắc uống.

Chữa đái ra máu: Lá huyết dụ 20g, rễ cây ráng, lá lấu, lá cây muối, lá tiết dê, mỗi vị 10g. Tất cả rửa sạch, giã nát, thêm nước, gạn uống.

Chữa ho ra máu: Lá huyết dụ 10g, rễ rẻ quạt 8g, trắc bách diệp sao đen 4g, lá thài lài tía 4g, phơi khô, sắc uống làm hai lần trong ngày.

Chữa kiết lỵ ra máu: Lá huyết dụ 20g, cỏ nhọ nồi 12g, rau má 20g. Rửa sạch, giã nát, thêm nước, gạn uống. Dùng 2-3 ngày.

Chữa xuất huyết dưới da, sốt xuất huyết: Lá huyết dụ để tươi 30g, trắc bá sao đen 20g, cỏ nhọ nồi 20g. Sắc uống.

Chữa bạch đới, khí hư: Lá huyết dụ tươi 30g, lá thuốc bỏng 20g, bạch đồng nữ 20g. Sắc uống ngày 1 thang.  

DS. Đỗ Huy Bích (Theo Suckhoe&doisong)

Hoa quỳnh chữa sỏi thận

Ngoài việc chữa trị hiệu quả chứng sỏi ở đường tiết niệu, loài hoa đẹp này còn giúp điều trị ho, viêm họng, vết bầm tím...

Cách chữa sỏi thận, niệu quản, bàng quang theo kinh nghiệm dân gian: Hoa quỳnh thu hái lúc mới nở, để tươi hoặc phơi, thái nhỏ, tẩm mật, sao vàng. Hãm với nước sôi như pha trà hoặc sắc với 200 ml nước còn 50 ml, uống 1 lần trong ngày. Liều dùng hằng ngày: 20-30 g, dùng liền trong vài tuần.

Có thể phối hợp với các vị thuốc khác theo công thức sau: Hoa quỳnh 30 g, kim tiền thảo 20 g, diếp cá 20 g, rễ cỏ tranh 10 g, thái nhỏ, sắc lấy nước đặc chia 3 lần uống trong ngày.

Từ năm 1966 đến 1974, dược sĩ Phan Đức Bình đã nghiên cứu và khẳng định, dịch nhầy chiết từ hoa quỳnh tươi không những làm tan sỏi mà còn trị được chứng đái tháo đường. Cách dùng và liều lượng như trên.

Các công dụng khác:

Thuốc bổ mát, chữa ho có đờm, ho do lao và hen: Hoa quỳnh mới nở để tươi, thái nhỏ, hấp với mật ong hoặc nấu với trứng gà ăn nóng trong ngày. Người lớn 2 - 3 hoa, trẻ em 1- 2 hoa.

Chữa ho, viêm họng: Hoa quỳnh 30 g, lá xương sông 10 g rửa sạch, thái nhỏ, cho vào bát sạch cùng với mật ong 10 ml, đun cách thủy trong 15-30 phút. Để nguội, trộn đều, uống làm 2 lần trong ngày.

Chữa đau bụng, vết bầm tím sưng đau: Hoa quỳnh mới nở, cắt ngâm ngay vào rượu cho ngập trong 10-15 ngày, càng lâu càng tốt. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1-2 ml.

Theo tài liệu nước ngoài, có thể lấy hoa quỳnh 15-30 g thái nhỏ, nấu với thịt lợn nạc làm món ăn - vị thuốc chữa viêm phế quản, lao hạch, lao phổi.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

Bài thuốc nam trị bệnh thủy đậu

Thủy đậu còn gọi thủy hoa, dân gian hay gọi là bệnh trái rạ. Đây là loại bệnh truyền nhiễm thông thường, trẻ em hay mắc phải, thỉnh thoảng cũng gặp ở người lớn. Sau đây là cách phân loại bệnh và những vị thuốc nam dễ tìm để chữa trị căn bệnh này.

1. Loại nhẹ

* Triệu chứng: Sốt nhẹ hoặc không sốt, chảy nước mũi, ho ít, ăn uống bình thường, các nốt đậu mọc rải rác màu hồng nhạt, ngứa nhiều.

* Phép chữa: Sơ phong thanh nhiệt.

* Bài thuốc: Lá dâu tằm tươi 30 g rửa sạch, lá tre tươi 20 g, cỏ màn chầu tươi 20 g rửa sạch thái ngắn, cam thảo đất tươi 20 g thái ngắn. Nước 1.000 ml, sắc còn 300 ml, mỗi lần uống 30-50 ml, chia uống trong ngày.

Nếu người bệnh không sốt nóng, mụn đậu mọc thưa ít, ăn ngủ, tiêu tiểu bình thường, có thể không cần uống thuốc, nên dùng nước đun sôi để nguội tắm rửa, tránh gió và điều dưỡng tốt.

2. Loại nặng

* Triệu chứng: Sốt cao, buồn phiền, khát, thủy đậu mọc dày, sắc tím tối, mặt đỏ, miệng môi khô hồng, niêm mạc miệng có những nốt phỏng.

* Phép chữa: Thanh nhiệt giải độc là chủ yếu.

* Bài thuốc: Vỏ đậu xanh hoặc đậu xanh cả vỏ 20-30 g, rau om tươi 20 g rửa sạch, quả dành dành 16 g, kim ngân hoa 16 g, rễ cỏ tranh 12 g. Bài thuốc này nên sắc 2 lần. Lần đầu cách sắc như bài thuốc trên, lần sau đổ 600 ml nước sắc còn 200 ml, dồn lại với nước thứ nhất, cô lại còn 300 ml chia 2 lần uống trong ngày. Trẻ em tùy theo tuổi có thể dùng 1/2 liều. Dùng liên tục cho đến khi khỏi hẳn.

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa (Sài Gòn Giải Phóng)

Đông y trị chứng viêm bờ mi

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

 

Kinh giới - một vị thuốc trị chứng viêm bờ mi - Ảnh: Minh Ngọc

Lương y Huyên Thảo (Hà Nội) cho biết, bệnh  viêm bờ mi trong Đông y gọi là chứng 'kiểm huyền xích lạn' (bờ mi đỏ loét) hay' phong xích sang di' (tác nhân gây bệnh đỏ, viêm loét). Nguyên nhân chủ yếu do trong cơ thể vốn có thấp nhiệt ứ đọng ở 2 kinh tỳ vị, hoặc do tạng tâm vốn quá nóng lại bị cảm nhiễm phải từ môi trường bên ngoài mà gây bệnh. Người bệnh có thể sử dụng một trong những bài thuốc kinh nghiệm dân gian sau:

+ Dùng 15g mầm ngọn hoặc cành non của cây hoa cúc rửa sạch, thái nhỏ, thêm một ít muối, 60g gạo tẻ, nấu cháo, mỗi ngày ăn một lần vào sáng sớm.

+  15g thảo quyết minh (hạt muồng ngủ) sao cháy đen, hạ khô thảo 10g, sắc nước uống thay trà trong ngày.

+ Thảo quyết minh, hoa cúc trắng - mỗi vị 15g, cho vào nồi đất sắc lấy nước, thêm 60g gạo tẻ nấu cháo, ngày ăn một lần.

+ Lòng đỏ trứng gà nướng cháy tiết ra chất dầu màu nâu thẫm, bôi ngày 2-3 lần.

+ Mỗi ngày hái 9-10 lá dâu tằm, sắc lấy nước rửa mắt ngày 4-5 lần.

Nếu sử dụng những bài thuốc nói trên mà bệnh không thuyên giảm cần căn cứ vào chứng trạng của người bệnh để có bài thuốc phù hợp. Cụ thể:

+ Nếu bờ mi đỏ tấy lở loét, ngứa, mủ có mùi tanh, mắt nhức dùng bài thuốc sau: kim ngân hoa 9g, dây kim ngân 12g, bồ công anh 15g, cành lá bọ mẩy 15g, vỏ núc nác 9g, sắc nước uống mỗi ngày một thang, liên tục 10 ngày, nghỉ 5 ngày lại tiếp tục đợt khác.

+ Nếu bờ mi bị sung huyết, lở loét nặng và bong nhiều vảy trắng,  dùng bài thuốc: kinh giới 12g, thương truật 9g, khổ sâm 12g, hoạt thạch 12g, xa tiền tử 12g. Sắc nước uống như bài thuốc trên.

+ Nếu bờ mi đỏ ửng, nhói đau và ngứa dùng bài thuốc: hoàng đằng 6g, kim ngân hoa 9g, sinh địa 12g, trúc diệp 15g, hạt mã đề 15g, rễ cỏ tranh 12g. Sắc và uống như bài thuốc trên.

+ Bờ mi đỏ ửng, chỉ hơi ngứa nhưng dai dẳng dùng bài thuốc: vỏ núc nác 6g, thương truật 6g, sắc nước uống thay trà trong ngày. Liệu trình như bài thuốc trên.

Theo Thanh Niên

Cỏ xước lưu thông huyết

Cây cỏ xước còn gọi là ngưu tất nam, thành phần trong cỏ xước chủ yếu là nước protide, glucide, xơ, tro... chứa acide oleanolic. Hạt có chứa hentriacontane và saponin...

Theo Đông y, cỏ xước có vị chua, đắng, tính bình (có tài liệu nói tính mát), tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, lợi tiểu, làm lưu thông huyết, còn có khả năng chống viên tốt ở giai đoạn mạn và cấp tính, tác dụng bổ gan thận, mạnh gân cốt, được sử dụng để chữa viêm khớp, phụ nữ sau sinh máu hôi không sạch làm giảm cholesterol trong máu, chữa tăng huyết áp, xơ vữa động mạch...

Liều dùng trung bình mỗi ngày cho dạng thuốc sắc là 3 - 9g.

Chữa chứng sổ mũi, sốt: Cỏ xước 30g, đơn buốt 30g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần.

Chữa quai bị: Lấy cỏ xước giã nhỏ chế thành nước súc miệng và uống trong; còn bên ngoài lấy lượng vừa đủ giã đắp vào nơi quai bị sưng đau.

Chống co giật (kể cả bại liệt, phong thấp teo cơ, xơ vữa mạch máu): rễ cỏ xước 40 – 60g sắc lấy nước thuốc uống nhiều lần trong ngày.

Chữa viêm gan, viêm thận (kể cả viêm bang quang, đái vàng thẫm, đái đỏ, đái ra sỏi): Cỏ xước 15g, cỏ tháp bút 15g, mộc thông 15g, mã đề (hay hạt lá bông) 15g, sinh địa 15g, rễ cỏ tranh 15g, sắc lấy nước uống với bột hoạt thạch 15g, chia ba lần.

Chữa trị viêm cầu thận (phù thũng, đái đỏ, đái són, viêm gan virus, đái vàng thẫm, da vàng, viêm bang quang, đái ra máu): Rễ cỏ xước 30g, rễ cỏ tranh 15g, mã đề 15g, mộc thông 15g, huyết dụ 15g, lá móng tay 15g, huyền sâm 15g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.

Chữa các chứng bốc hỏa

(nhức đầu, chóng mặt, đau mắt, ù tai, tăng huyết áp, rối loạn tiền đình, khó ngủ, đau nhức dây thần kinh, rút gân, co giật, táo bón): Rễ cỏ xước 30g, hạt muồng sao 20g, sắc uống mỗi ngày 1 thang chia 3 lần; thuốc có công hiệu an thần.

 

Chữa thấp khớp đang sưng: rễ cỏ xước 16g, nhọ nồi 16g, hy thiêm thảo 16g, phục linh 20g, ngải cứu 12g, thương nhĩ tử 12g, sao vàng sắc lấy ba lần nước thuốc, sau trộn chung cô sắc đặc chia 3 lần uống. Ngày uống 1 thang trong 7 – 10 ngày liền. Hoặc cỏ xước 40g, hy thiêm 30g, thổ phục linh 20g, cỏ mực 20g, ngải cứu 12g, quả ké đầu ngựa 12g, sắc lấy nước thuốc đặc uống trong ngày.

Viêm đa khớp dạng thấp: Rễ cỏ xước tẩm rượu sao 20g, độc hoạt 12g, tang ký sinh 16g, dây đau xương 16g, tục đoạn 12g, đương quy 12g, thục địa 12g, bạch thược 12g, đảng sâm 12g, tần giao 12g, quế chi 8g, xuyên khung 8g, cam thảo 6g, tế tân 6g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần, trong 10 ngày.

Chữa bệnh gút: Lá lốt 15g, rễ bưởi bung 15g, rễ cây vòi voi 15g, tất cả thái mỏng sao vàng, rồi sắc lấy nước đặc chia ba lần uống trong ngày. Ngày dùng 1 thang, trong 7 – 10 ngày liền.

Chữa kinh nguyệt không đều, huyết hư: Rễ cỏ xước  20g,  cỏ cú (tứ chế) 16g, ích mẫu 16g, nghệ xanh 16g, rễ gai (gai lá làm bánh) 30g, sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, uống 10 ngày. Không dùng cho người có thai.

Chữa suy thận, phù thũng, nặng chân, vàng da: Rễ cỏ xước sao 30g, mã đề cả cây 30g, cúc bách nhật cả cây 30g, cỏ mực 30g, sắc ngày uống 1 thang, chia 2 – 3 lần, uống liền trong  7 – 10 ngày.

Chữa trị mỡ máu cao (kể cả xơ vữa động mạch, huyết áp cao, nhức đầu chóng mặt, ù tai, mờ mắt): Cỏ xước 16g, hạt muồng sao vàng 12g, xuyên khung 12g, hy thiêm 12g, nấm mèo 10g, đương quy 16g, cỏ mực 20g, sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần, khi uống vớt bã nấm mèo ra ăn, nhai kỹ chiêu với nước thuốc. Cần uống liên tục 20 – 30  ngày.

BS. Hoàng Xuân Đại

Xương sông chữa ho, sốt

Không chỉ dùng làm món chả, lá xương sông còn giúp chữa nhiều chứng bệnh như ho, sốt, sởi, sưng vú...

Xương sông  (ảnh) là một loại rau gia vị thông thường trong bữa ăn hàng ngày của nhân dân. Lá xương song nấu canh với ốc, hến, lươn làm tăng ấm, bớt tanh và thích hợp với những người hay bị dị ứng với thức ăn tanh và lạnh.

Trong y học cổ truyền, xương sông có vị cay, mùi thơi, tính ẩm, không độc, tên thuốc là hoạt lộc, được dùng phối hợp với chua me đất, vỏ rễ dâu, địa cất bì, kinh giới (mỗi thứ 10 gr) sắc với 400 ml, uống để chữa ho, sốt, sởi. Lá xương sông giã nhỏ với lá thạch xương bồ, thêm ít nước nóng, gạn uống chữa trúng phong hàn, cấm khẩu.

Theo kinh nghiệm dân gian, lá xương sông dùng riêng hay phối hợp với lá bồ công anh (mỗi thứ 30 gr) dùng tươi, giã nhỏ, hơ nóng đắp chữa sưng vú.

Để chữa ho gà, lấy lá xương sông 8 gr, lá tía tô 6 gr, cành tía tô 4 gr, rau răm 4 gr, nghệ vàng 4 gr, trần bì 4 gr. Tất cả phơi khô, sao sắc uống ngày ba lần.

Rễ xương sông và quả sau sau sao vàng, sắc uống chữa ho ra máu, với rễ chỉ thiên và rễ cỏ tranh chữa viêm họng. Theo kinh nghiệm của Trung Quốc, lá xương sông sắc uống chữa sốt rét, cúm, phù thũng.