Lưu trữ cho từ khóa: rau luộc

Mẹo hay với trứng chiên, rau luộc

Làm trứng chiên hay luộc rau là cách chế biến món ăn rất đơn giản. Tuy nhiên, để trứng chiên xốp, mềm hay rau luộc xanh mướt... thì không phải ai cũng biết. Đầu bếp Thanh Nga sẽ chia sẻ với bạn một vài bí quyết rất hữu ích để có món trứng chiên, rau luộc thơm ngon.

Với món trứng chiên:

- Dầu ăn: Khi đập trứng vào bát, sau khi cho các gia vị, bạn nhớ thêm một muỗng canh dầu ăn vào rồi đánh đều tay. Dầu ăn sẽ làm cho món trứng chiên của bạn có màu vàng mượt đẹp mắt, mềm và không bị khô khi để nguội.

trung-chien-1373859039_500x0.jpg
Trứng chiên là món rất dễ chế biến và thích hợp với nhiều người. Ảnh: N.S.

- Có nhiều người thích ăn lớp trứng chiên xốp mà không muốn sử dụng bột nở, cách đơn giản nhất là để dầu thật sôi rồi mới cho trứng vào chiên, trong quá trình chiên, nhớ luôn giữ lửa lớn.

- Sử dụng rượu trắng khi làm trứng chiên. Một vài giọt rượu trắng cùng với các gia vị khác sẽ làm món trứng chiên của bạn thơm ngon và không có mùi tanh.

Với rau muống luộc:

- Điều quan trọng nhất khi luộc rau muống là thời gian. Bạn không nên luộc rau quá lâu sẽ làm rau bị nhũn và mất màu xanh. Thời gian luộc rau lâu nhất là dưới 7 phút.

- Sử dụng xoong có kích thước lớn, đổ nhiều nước sẽ giúp bạn rút ngắn quá trình luộc rau và giúp rau xanh hơn. Khi vớt rau ra, nước luộc rau cũng nhanh nguội nên không bị đen đi.

rau-muong-1-1373859039_500x0.jpg
Rau sau khi luộc cho vào nước đá lạnh sẽ giúp rau xanh và giòn hơn. Ảnh: N.S.

- Nếu lượng rau luộc quá nhiều mà bạn cho vào cùng một lúc, rau sẽ lâu chín, dễ bị thâm đen. Cách tốt nhất trong trường hợp này là bạn nên chia thành nhiều đợt để luộc.

- Để rau luộc xanh và giòn, trong khi luộc nên cho một ít muối vào nước luộc. Ngoài ra, bạn cũng có thể cho vào nồi nước luộc một thìa dầu ăn, rau sẽ xanh và bóng hơn.

- Khi vớt rau ra, nên để rau vào một chiếc rổ lớn, không nên để rau chồng lên nhau, rau sẽ lâu nguội nên dễ bị đen. Bên cạnh đó, bạn có thể cho rau vừa vớt ra vào thau nước lọc có ít đá lạnh, điều này sẽ giúp rau giòn và giữ được màu xanh.

- Nếu muốn sử dụng nước luộc, sau khi nêm gia vị, bạn hãy để nước nguội trước khi vắt chanh vào để tránh vị đắng.

Khánh Hòa

Cách dùng nước chấm cho từng loại thức ăn

Trong ẩm thực Việt Nam, nước chấm là một thành phần không thể thiếu, đem lại sự tròn vị cho món ăn. Tuy nhiên, nước chấm cũng có năm bảy loại, tùy từng món ăn mà có các loại phù hợp đi kèm. Dưới đây là một vài bí quyết sử dụng nước chấm đúng với từng loại thức ăn dành cho bạn. 

Nước mắm sống

canh-chua-ca-1-jpg_1368504672[1332088530
Ăn canh chua cá thì không thể thiếu chén mắm sống bên cạnh. Ảnh: Khánh Hòa.

Thông thường thì nước mắm sống được dọn chung với rau luộc, thịt luộc… Miền Nam dùng cá trong món canh chua cá lóc với chén nước mắm sống dằm ớt tươi. Miền Trung ăn nước mắm ớt với rau luộc, làm gia vịt nêm cho món bún bò, đặc biệt còn dọn nước mắm tiêu với thịt đầu heo luộc, phèo non luộc,… Miền Bắc cũng dùng nước mắm sống với các loại thịt luộc hoặc rau luộc, có khi thêm ớt và vắt thêm chanh hay quất.

Nước mắm pha chua ngọt

Nước chấm loại này rất phổ biến nhất, có thể dùng trong bữa cơm gia đình với các loại rau sống, rau luộc, các món cuốn hay dùng với chả giò, bún, bánh cuốn, bánh xèo, cơm tấm… Nước mắm pha chua ngọt thường được pha chế bằng nước mắm, chanh hoặc giấm và đường, tỏi, ớt. Tùy từng món ăn thì các vị mặn, chua hay ngọt trong loại nước chấm này cũng được gia giảm khác nhau.

Nước mắm pha chua ngọt có khi còn được thêm vào ít củ kiệu chua xắt nhuyễn, có khi là hành tây và cà rốt xắt nhuyễn. Thường thấy trong nước chấm món bánh xèo, bánh khọt hoặc cơm tấm là đồ chua gồm củ cải trắng và cà rốt ngâm giấm đường. Nước mắm pha chua ngọt dọn ăn với các món chiên thì thường có vị hơi chua nhằm giảm độ ngấy của dầu, mỡ, dọn với món cơm tấm thì pha hơi ngọt, ít chua…

Nước mắm gừng

Phù hợp với các món cá trê nướng hoặc chiên giòn, thịt vịt luộc. Nước mắm gừng trong các món này là nước mắm nguyên chất, pha với đường, gừng giã nhuyễn và chút chanh, ớt. Nếu ăn với cá trê, thịt vịt cần pha thật đậm đà, không thêm nước, còn dùng chung với gỏi vịt hoặc để chấm với ốc, nghêu thì cần phải pha loãng với nước đun sôi để nguội, vị ngọt chua dịu.

nuoc-mam-gung-jpg[1332088530].jpg
Mắm gừng hơi ngọt, cay nồng vị gừng thích hợp với các món ốc luộc, thịt vịt... Trong ảnh là món ốc bươu nhồi thịt chấm mắm gừng. Ảnh: Khánh Hòa.

Nước mắm me

Đây là món nước chấm đặc trưng của miền Nam. Chuẩn bị me vừa chín, cho me vào nước sôi, khuấy đều, bỏ hạt và xơ. Sau đó cho tỏi, ớt, gừng băm nhuyễn vào nước me. Thêm đường và nước mắm vào và trộn đều. Nước mắm me được dùng với các món lươn như lươn chiên giòn, lươn om lá lốt hoặc các món cá kèo chiên giòn, món khô cá khoai nướng…

Muối tiêu chanh

Thức chấm thông dụng của miền Bắc, tuy vậy cũng khá phổ biến ở nhiều địa phương khác. Muối, tiêu chanh thường dùng với thịt gà luộc, món nướng hoặc các món hải sản.

Muối ớt

Là món nước chấm miền Nam, thường được dùng chung với món cà ri hoặc các món gà nướng, cá nướng. Muối ớt miền Nam có khi được vắt thêm chanh. Muối để làm món chấm này là loại muối hạt to, miền Nam gọi là muối cục.

Nước tương

Đây cũng là loại nước chấm thông dụng của người Việt do ảnh hưởng ẩm thực Trung Hoa. Nước tương thường được dùng chung với các món thịt heo quay, vịt quay hay trong các món súp…. với ớt tươi, giấm đỏ. Bên cạnh đó nước tương còn được sử dụng nhiều trong các món chay, dùng chấm với rau, đậu. Nước tương được pha chế loãng, có vị chua ngọt, gần giống cách pha nước mắm chua ngọt để dùng với các món mì xào chay, bún xào chay, hoặc món chả giò chay….

Chao

Ngoài việc sử dụng chao làm món ăn trong bữa chay, có thể sử dụng chao để chế biến thành nước chấm ăn kèm với các loại rau, đậu hoặc trong một số món mặn như món gỏi cá, món dê nướng, lẩu dê…. Đơn giản là dùng chao tán nhuyễn, trộn chung tỏi, ớt, đường băm nhuyễn, cũng có thể thêm sa tế hoặc sả băm, gừng tùy món ăn.

Mắm nêm pha thơm

nuoc-mam-nem-jpg[1332088530].jpg
Nước mắm nêm với hương vị thơm ngon đậm đà thích hợp với các món bò, cá nướng, cá hấp cuốn bánh tráng... Ảnh: Khánh Hòa.

Đây là món chấm đặc trưng miền Trung, thường dùng trong bò bảy món hoặc các món cá nướng, cá hấp cuốn bánh tráng. Thơm chín, sả, tỏi, ớt băm nhuyễn, trộn chung với đường và mắm nêm. Thêm một ít nước đun sôi để nguội. Khuấy tất cả cho đều, có thể thêm sả, tỏi phi vàng cho ngon.

Mắm tôm

Mắm tôm được vắt thêm chanh hoặc quất, đánh đều cho sủi bọt, thêm chút đường. Có người còn thích pha mắm tôm với chút rượu trắng để làm tăng hương vị món nước chấm độc đáo này. Mắm tôm có thể được dùng làm nước chấm trong các món ăn gia đình lẫn trong các món chơi như cà pháo, đậu rán, lòng luộc, thịt chó hoặc dùng trong món bún đậu. Mắm tôm còn được ăn với món bún riêu, bún ốc hoặc bún thang, khi đó món ăn không cần pha chế thêm.

Tương xay

Cùng là loại nước chấm làm từ đậu nành, tuy nhiên cách chế biến tương cũng như cách pha chế ở các địa phương có khác nhau. Miền Bắc thường sử dụng loại tương Bần, dùng chung với các món bê thui hoặc rau luộc. Miền Trung pha chế tương xay với gan heo bằm nhuyễn, thêm nếp xay nhằm tạo độ sánh dùng làm “nước lèo” cho món bánh khoái. Miền Nam cũng sử dụng tương xay pha với đường, nếp, đậu, nước cốt dừa…cho các món nem nướng, chạo tôm, hoặc chỉ pha loãng với đường, thêm đậu phộng rang, tỏi phi, ớt, đồ chua cho món bò bía…

Khánh Hòa tổng hợp

Chán món sang, thèm rau luộc chấm kho quẹt

Rau củ quả chấm kho quẹt là món ăn dân dã, ngon miệng, không cầu kỳ và rất dễ chế biến.

Món ăn dân dã, đậm chất và rất ngon.

Món ăn dân dã, đậm chất và rất ngon.

Có nhiều món ăn dân dã, đồng quê nhưng khó có món nào gợi nhớ nhiều kỷ niệm một thời nghèo khó, mộc mạc, chân chất như món kho quẹt. Giữa biết bao món ăn ngon và sang trọng khác ở nơi phố thị, mỗi khi trời mưa, bụng đói cồn cào, chợt thèm nồi kho quẹt chấm với rau luộc, để rồi tự dưng lòng chợt thêm nhớ quê da diết. Ở miệt sông nước miền Tây, từ xa xưa, món kho quẹt được người dân ví như là món ăn chính trong những bữa cơm của những người nghèo, hay những khi trời mưa rỉ rã, cũng bởi thành phần chính làm nên món ăn chỉ đơn giản có nước mắm.

Ở quê, hầu như nhà nào cũng có một cái nồi đất để dành kho cá hoặc kho quẹt. Người dân ở quê kho nước mắm trong một cái nồi đất đến khi quánh lại, sền sệt, dậy mùi thơm phức thì mới được xem là món ăn đã hoàn thành. Khi ăn, người ta sẽ không dùng đũa gắp, mà chỉ quệt cho dính ít mắm ở đầu đũa rồi đưa lên miệng ăn, nên được gọi là “kho quẹt”. Món này có vị mặn mặn nên được ăn kèm với cơm nóng hay nguội đều rất ngon.

Ngoài dùng kèm với cháo, cơm trắng, món kho quẹt đơn thuần sẽ không còn thú vị nếu thiếu vài món chấm kèm chung với nó. Ở thôn quê, những nguyên liệu rau củ rất dễ tìm vì đã có trồng sẵn sau vườn nhà ở mỗi gia đình. Màu xanh, tươi và ngọt của những loại rau củ quả vừa luộc chín, cùng với một thố đất kho quẹt bốc lên, dây mùi thơm phưng phức sẽ khó có thể cưỡng lại được “cơn thèm” ăn mỗi người.

Nhiều loại rau, củ, quả tươi ngon, bổ dưỡng dùng kèm với kho quẹt.

Nhiều loại rau, củ, quả tươi ngon, bổ dưỡng dùng kèm với kho quẹt.

Giờ đây, khi có điều kiện hơn, người ta có thể chọn nước mắm thật ngon để làm hương vị cho món ăn. Bởi chính nước mắm ngon sẽ giúp cho món ăn dậy mùi thơm quyến rũ khiến ai khi ngửi được cái hương vị ấy đều sẽ cảm thấy cồn cào ruột gan. Và ở thời nào cũng vậy, bí quyết để có món kho quẹt ngon, đậm đà chỉ khi nào nó được nấu trong một cái nồi làm bằng đất.

Nguyên liệu chính của món kho quẹt hiện đại mà người ta thường dùng đó là thịt ba rọi. Thịt được cắt mỏng, cho thịt vào chảo, xào cho đến khi thịt se lại và hơi vàng là được. Khi thịt teo lại, nước mỡ cũng sẽ tan chảy ra, vớt thịt ra ngoài. Sau đó, bạn đổ một ít đường vào chỗ mỡ còn lại, chỉ vài giây sau đường sẽ đổi thành màu vàng. Lưu ý, đường đổi thành màu vàng chỉ vừa thôi là đổ nước mắm ngon vào, vì để lâu sẽ có độ đắng làm cho món không còn ngon nữa.

Kế đến, bạn cho tôm khô loại ngon, rồi cho thịt vào, thêm đường, bột ngọt, một trái ớt cắt mỏng, và nếm sao cho vừa ăn. Đổ tất cả ra cái nồi đất rồi nấu lên cho sền sệt lại. Bạn nên cho tiêu sọ hay tiêu xanh vào để tạo thêm hương vị thơm ngon cho món ăn.

Nếu muốn tìm về với các món ăn dân dã, sẽ không quá khó để bạn có thể chọn cho mình một món ăn kho quẹt thật đậm đà tại một vài quán ăn. Với một phần ăn gồm đĩa rau củ quả luộc và một thố kho quẹt thơm phức, giá chỉ 50.000 đồng. Món ăn dùng kèm với cơm trắng nóng sẽ rất ngon.

BACSI.com (Theo Ngoisao)