Lưu trữ cho từ khóa: rang mieng

Những bí kíp giúp răng trắng sáng

Sử dụng bút hay miếng dán làm trắng răng, chọn lựa thực phẩm phù hợp... để giúp răng sáng đẹp.

Răng thường bị những vết bám nâu hay vàng làm lu mờ vẻ đẹp. Mảng bám trên răng gặp ở mọi lứa tuổi, thường là từ thức ăn, đồ uống và ngay cả nước súc miệng cũng là nguyên nhân gây ra những vết ố này.

Dưới đây là một số cách giúp bảo vệ hàm răng trắng khỏe, theo Webmd.

1.  Bút làm trắng răng

Bút làm trắng răng chứa Carbamide peroxide, một chất tẩy trắng có thể đánh bay cả những vết bám trên bề mặt cũng như sâu bên trong. Nếu răng bạn có các mảng bám màu cà phê thì bút chính là sự lựa chọn của bạn.

2. Miếng dán làm trắng răng

Những miếng dán này mỏng, được bao bọc bởi loại gel chứa chất peroxide. Bạn chỉ phải dùng nó vài phút mỗi ngày trong vòng ít nhất một tuần nhưng hiệu quả lại thấy rõ trong vài ngày sau đó và kéo dài ít nhất một năm. Kết quả không hoàn toàn như bút làm trắng răng nhưng ưu điểm của nó là rất dễ sử dụng.

rangsang
Có thể sử dụng miếng dán làm trắng răng. Ảnh: afa.net

3.  Kem đánh răng

Các loại kem đánh răng, gel, nước súc miệng được bày bán trên thị trường giúp tẩy đi các vết bám bề mặt. Không giống như các chất tẩy trắng, kem đánh răng không làm thay đổi màu răng tự nhiên.

4. Các thực phẩm tự nhiên giúp trắng răng

Một số người vẫn thích những phương cách cũ tại nhà để làm trắng răng. Trong số đó có một số loại thực phẩm được ưa chuộng như rau cần tây, táo, lê, cà rốt vì chúng giúp thúc đẩy cơ thể tiết nhiều nước bọt, tẩy trôi các mảng bám thức ăn trên răng. Nhai kẹo gum không đường cũng là một cách làm sạch răng cũng như tiết nhiều nước bọt. Thêm vào đó, nước bọt cũng giúp vô hiệu hóa loại axit gây sâu răng.

5. Tránh mảng bám răng

Theo thời gian, lớp men bên ngoài răng bị bong tróc đi. Lớp dưới, gọi là ngà răng, trở nên vàng hơn. Đó là lý do tại sao chúng ta cần tránh những vết bám trên răng, đặc biệt sau khi làm trắng. Nếu bạn dùng các thức ăn và đồ uống làm đổi màu răng thì thời gian kết quả làm trắng vẫn còn tác dụng dài nhất chỉ một năm. Tuy nhiên, làm trắng răng quá thường xuyên cũng có thể làm mờ màu răng, do đó, cần hạn chế các mảng bám tích tụ trên răng.

6.  Không hút thuốc lá

Không chỉ có hại cho cơ thể, thuốc lá còn là một trong những tác nhân gây ra các mảng bám trên răng. Thuốc lá gây các mảng bám màu nâu thâm nhập vào các khe rãnh giữa các răng và làm tróc men răng. Những vết bám từ thuốc là khó có thể bị quét sạch nếu chỉ đánh răng. Càng hút nhiều thì các vết bám càng tích tụ nhiều. Ngoài ra, hút thuốc lá còn gây hơi thở nặng mùi và viêm nướu răng cũng như gia tăng nguy cơ ung thư.

thuocla
Thuốc lá không những gây hại cho sức khỏe mà còn làm trầm trọng vấn đề răng miệng. Ảnh: theglobepress

7. Tránh các loại thức ăn, thức uống gây mảng bám

Một số loại thức ăn phổ biến có thể làm đổi màu răng vì các nha sĩ cho biết bất cứ thứ gì có thể bám vào áo quần thì cũng có thể bám vào răng. Các loại hoa quả có màu đậm tuy giàu chất dinh dưỡng như quả việt quất, quả mâm xôi hay cây củ cải đường lại là một nhân tố để lại màu trên răng bạn. Sau khi ăn những món trên, đánh răng và súc miệng với nước lọc để làm giảm nguy cơ gây ố răng.

Rượu vang đỏ, nước nam việt quất hay nho vốn nổi tiếng là các loại thức uống chứa chất chống oxy hóa chống lại bệnh tật, tuy nhiên chúng có thể dễ dàng bám vào răng bạn. Cà phê, nước giải khát có màu, trà, nước trái cây là những ví dụ điển hình cho loại thức uống nên tránh. Những mảng bám từ các loại đồ uống này tích tụ dần theo thời gian. Điều đó không có nghĩa là bạn phải từ bỏ những đồ uống này, nhưng nên súc miệng sau khi uống.

Các loại nước uống tăng lực, nước uống dành cho người chơi thể thao còn làm trầm trọng vấn đề hơn, theo nghiên cứu trên General Dentistry. Các nhà khoa học phát hiện những loại thức uống này mài mòn men răng qua thời gian làm răng mỏng hơn, đục và đổi màu. Do đó, không nên nhâm nhi những loại thức uống này trong một thời gian dài và nên súc miệng sau khi uống.

8. Thuốc tây

Các loại kháng sinh gây vàng răng cho trẻ em, nhóm đang phát triển răng. Nước súc miệng chống khuẩn chứa chlorhexidine or cetylpyridinium chloride cũng như một số thuốc dành cho người huyết áp cao có thể bám trên răng. Nếu thuốc tẩy trắng răng không hiệu quả thì nên đến nha sĩ để được hỗ trợ.

9. Đánh răng mỗi ngày

Đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày hoặc tốt hơn nên đánh răng ngày sau các bữa ăn. Đánh răng giúp ngăn ngừa các mảng bám và vàng răng.

10. Gặp nha sĩ

Gặp nha sĩ thường xuyên để có được các phương pháp làm trắng an toàn.

(Theo Vnexpress)

Nên vệ sinh răng miệng cho bé từ 3-4 tháng tuổi

Theo Bác sĩ Lee Jae-cheoun, khi trẻ được khoảng 3 đến 4 tháng nên bắt đầu vệ sinh răng miệng.

Mẹ của Hye-bin mong rằng, cô ấy có thể quay ngược thời gian. Sau khi đến nha sĩ, mẹ của Hye-bin phát hiện ra rằng, cô con gái 3 tuổi đã bị sâu chiếc răng cửa vì Hye-bin có thói quen ngủ khi mút sữa bình, dư lượng sữa là nguyên nhân gây ra sâu răng.

“Vị trí tốt nhất để đánh răng cho trẻ cũng như để người mẹ có thể dễ dàng nhìn vào trong miệng của chúng là đặt chúng nằm giữa 2 chân của họ”- ông Lee đề nghị.

Theo Bác sĩ Lee Jae-cheoun, Giám đốc Trung tâm Nha khoa Trẻ em Seoul (CDC) ở Cheongdamdong, phía Nam Seoul, một số bà mẹ không chú ý vệ sinh răng miệng cho trẻ sơ sinh vì sau này răng sữa sẽ được thay thế (bằng răng vĩnh viễn). Tuy nhiên, răng sữa lại quyết định đến sức khỏe răng miệng trong phần đời còn lại của một người.

tre-em

“Bệnh sâu răng ở trẻ em phát triển rất nhanh. Chúng thường bị thối sau một tháng nếu không chăm sóc cẩn thận. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, nhiễm trùng răng sữa ảnh hưởng tới răng vĩnh viễn ở bên dưới. Bệnh sâu răng cũng có thể gây ra những vấn đề về tâm lý ở trẻ vì chúng sẽ cảm thấy buồn về vẻ ngoài của mình”, ông Lee nói.

Cũng theo ông Lee, khi trẻ được khoảng 3 đến 4 tháng thì nên bắt đầu vệ sinh răng miệng cho chúng, mặc dù phần lớn trẻ sơ sinh vẫn chưa mọc răng tại thời điểm đó. Đây là giai đoạn trẻ chuẩn bị nứt răng. Xoa bóp lợi sẽ giúp lưu thông máu cũng như loại bỏ cặn sữa. Điều này cũng sẽ giúp cho trẻ dễ dàng quen với việc đánh răng sau này, giảm bớt khó khăn cho cha mẹ”.

Ông Lee khuyên, cha mẹ có thể nhúng ướt miếng gạc sạch với nước ấm hoặc nước khoáng và đánh nhẹ bên trong miệng, lưỡi của trẻ để loại bỏ cặn sữa còn dính lại.

Thường thì trẻ sẽ mọc răng đầu tiên khi được 6 đến 8 tháng. Thời gian này, cha mẹ phải chú ý nhiều hơn. Ông Lee gợi ý, nên dùng bàn chải đánh răng nhỏ bằng ngón tay làm từ silicon vì chúng rất mềm. Dùng nước để đánh là đủ, nhưng cũng có thể sử dụng một lượng kem đánh răng dành cho trẻ em rất nhỏ, bằng một nửa hạt gạo.

Trong trường hợp này, nên đánh lại răng với gạc ướt, như vậy sẽ không còn cặn kem đánh răng trong miệng trẻ.

Khi trẻ được 1 đến 2 tuổi, chúng bắt đầu mọc răng cửa, răng nanh và răng hàm. Lúc này, họ nên dùng bàn chải đánh răng nhỏ. Ông Lee đề nghị hãy để cho trẻ chọn màu và kiểu dáng bàn chải của chúng. Bọn trẻ dường như thích thú hơn với những bàn chải có hình các nhân vật hoạt hình mà chúng yêu thích. Ông Lee nói: “Không hề dễ dàng để loại bỏ mảng bám. Bạn nên đánh răng hàng ngày, nếu không sẽ ngày càng khó loại bỏ mảng bám và cuối cùng sẽ dẫn đến sâu răng”.

Vì những đứa trẻ ở lứa tuổi này đều bắt đầu tự lập hơn nên nó sẽ muốn tự nó đánh răng. Tuy nhiên, ông Lee nói rằng, trẻ mẫu giáo không có khả năng đánh răng đúng cách. Vì vậy, các bà mẹ nên đánh răng cho chúng một vài lần dù chúng có thể làm theo sự hướng dẫn của cha mẹ. Ông Lee khuyến khích rằng, vị trí tốt nhất để đánh răng cho trẻ cũng như để người mẹ có thể dễ dàng nhìn vào trong miệng của chúng là đặt chúng nằm giữa 2 chân của họ.

3 tuổi, trẻ sẽ mọc được 20 cái răng. “Thời gian này, trẻ bắt đầu cuộc sống xã hội ở nhà trẻ và ăn nhiều đồ ngọt hơn”- ông Lee nói.

Về thực phẩm, ông Lee chỉ ra một số thực phẩm có lợi cho sức khỏe nhưng lại có hại cho răng. “Loại thức ăn dính, chua, ngọt và mềm còn lại trong miệng thời gian dài sẽ có hại cho răng”. Dù các bậc cha mẹ đều biết rằng, socola và kẹo không tốt cho răng, nhưng sự thật là họ không thể nào ngăn bọn trẻ ăn chúng. Ông khuyến khích cha mẹ chỉ nên cho bọn trẻ ăn đồ ngọt 1 lần/ngày và bắt chúng lập tức đánh răng ngay sau đó.

Theo ông, cha mẹ thường hay bỏ qua hoa quả. Những loại hoa quả hay dính vào răng như chuối hoặc có lượng acid cao như cam có thể gây sâu răng. Trong khi đó, quả hồng và lê lại rất tốt cho răng. Ông Lee cũng khuyến cáo rằng, họ nên dùng chỉ nha khoa để ngăn ngừa sâu răng giữa răng hàm. Kem đánh răng có chứa fluorine rất tốt, nhưng chỉ được sử dụng khi trẻ biết cách xúc miệng, đánh răng./.

(Theo VOV)

10 Thói quen nhỏ “phá hoại” răng của trẻ

 Một số thói quen chỉ gây ra những xáo trộn rất nhỏ (như răng sắp xếp không hợp lý) nhưng cũng có thói quen ảnh hưởng tới thẩm mỹ gương mặt trẻ cũng như sự phát triển bình thường của răng.

Vì thế, cha mẹ cần biết cách chăm sóc sức khỏe răng miệng cho con mình. Muốn giúp trẻ có một hàm răng khỏe mạnh, ngoài việc tuân thủ những nguyên tắc chăm sóc răng miệng nhất định, cha mẹ cần lưu ý những thói quen xấu sau đây để kịp thời điều chỉnh khi trẻ mới mắc phải.

1. Ăn quà vặt và những thức ăn nhiều đường

Cha mẹ không nên khuyến khích bé ăn những thức ăn có quá nhiều đường như kẹo mút, kẹo cứng… và tránh xa các loại thức ăn mềm có tính dính cao như kẹo dẻo, chocolate… Vì những loại thức ăn này làm cho vi khuẩn hoạt động mạnh, tiết ra nhiều axit có hại cho răng, khiến trẻ dễ bị sâu răng nếu như không súc miệng hoặc chải răng sạch sẽ.

Ăn quà vặt cũng là một nguy cơ sâu răng vì nó khiến độ axit trong miệng lên cao nhiều lần trong ngày. Do đó, cha mẹ nên hạn chế số lần trẻ ăn vặt để giảm lượng axit có hại cho răng.

2. Tránh những thói quen ăn uống xấu

Một số trẻ có thói quen ăn ngậm, bất kể bữa chính hay bữa phụ. Đây là một thói quen rất xấu vì khi ngậm thức ăn lâu trong miệng, men tiêu hoá thức ăn ở tuyến nước bọt đã chuyển hoá thức ăn thành đường tạo nên vị ngọt nên trẻ càng thích ngậm lâu hơn, nhất là ở những trẻ mải chơi, vừa chơi vừa ăn. Lượng đường có trong các loại thức ăn sẽ bám vào răng trong một khoảng thời gian dài, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn xâm nhập và gây sâu răng.

Khi trẻ không chịu nhai, men tiêu hoá không được kích thích bài tiết đủ cũng là lý do khiến trẻ chán ăn, hay ngậm.

Cha mẹ cần lưu ý phải luôn vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho trẻ sau mỗi lần ăn, để phòng nguy cơ sâu răng bằng cách cho bé uống nước để tráng miệng và có thể dùng gạc thấm nước để lau sạch răng cho trẻ sau khi ăn.

tre-em
Ảnh minh họa.

3. Đi ngủ với một loại đồ uống

Không nên để cho trẻ có thói quen bú bình, ngậm bình sữa hoặc nước hoa quả… trong miệng những lúc trẻ đi ngủ, nhất là ban đêm. Việc làm này gây hậu quả là trẻ dễ bị sâu răng do bú bình.

Do đó trước khi ngủ, không nên cho trẻ ngậm bình sữa, vì có thể bé không nuốt hết, sữa đọng trong miệng suốt đêm sẽ bị các vi khuẩn làm lên men biến đổi thành axit lactic, làm tăng nguy cơ sâu răng rất nhiều lần, gây hại hàm răng của trẻ.

4. Mút ngón tay

Mút ngón tay là thói quen xấu nhưng lại rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Nó có ảnh hưởng đến quá trình mọc răng, thẩm mỹ của răng và cung hàm.

Mặc dù hầu hết các trẻ đều mút tay nhưng nếu thói quen này kéo dài thì có thể dẫn đến lệch lạc răng. Mút tay trong thời kỳ răng sữa ít gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu thói quen mút tay kéo dài sau khi răng vĩnh viễn mọc lên sẽ dễ dẫn đến lệch lạc răng, sai khớp cắn và làm hẹp cung hàm.

Những trẻ mút tay nhiều trong khoảng thời gian dài có thể sẽ tạo ra những vết chai tay rất xấu. Không chỉ vậy, nó còn gây mất vệ sinh và tăng nguy cơ nhiễm giun sán.

5. Ngậm núm vú giả

Cha mẹ thường cho trẻ ngậm núm vú giả vì nghĩ đơn giản rằng, trẻ sẽ đỡ quấy khóc, không mút tay, đỡ mất vệ sinh. Nhưng ít người biết rằng, nếu trẻ ngậm núm vú giả trong thời gian dài sẽ gây nên các vấn đề về răng miệng, làm hàm răng của trẻ bị biến dạng, rất dễ bị những phát triển bất thường về hàm, cơ mặt, cung răng và lưỡi.

Hiệp hội Sức khỏe bà mẹ trẻ em Hoa Kỳ khuyên các bà mẹ chỉ nên cho con mình dùng núm vú giả khi trẻ được trên 1 tháng tuổi, tức là sau khi việc bú mẹ đã trở nên ổn định.

6. Đẩy lưỡi

Đẩy lưỡi là một trong những thói quen xấu gây ảnh hưởng đến tình trạng răng miệng của trẻ.

Tật đẩy lưỡi ra trước sẽ làm các răng bị xô lệch ra phía trước và thưa nhau. Hậu quả có thể làm trẻ bị hô răng trên.

Khi phát hiện con mình có thói quen đẩy lưỡi về phía trước, cha mẹ cần hướng dẫn cho trẻ đặt lưỡi đúng vị trí, hoặc đưa đến bác sỹ nha khoa để được hướng dẫn cách khắc phục.

7. Thở bằng miệng

Trẻ thở bằng đường miệng có thể do đường mũi bị cản trở. Thường gặp ở những trẻ có vấn đề về đường hô hấp trên, gây khó thở, như viêm mũi, sưng amiđan, polip, vẹo vách mũi.

Thở bằng miệng sẽ làm khô niêm mạc miệng dễ gây sâu răng, làm lệch lạc răng và hàm trẻ sẽ bị hô. Ngoài ra, tật thở bằng miệng làm hệ thống xương mặt phát triển không cân đối và cũng dễ dẫn đến những rối loạn về khớp cắn.

Nếu trẻ thở bằng miệng mà nguyên nhân do các bệnh về mũi thì phải cho trẻ đi khám ngay để điều trị. Nếu nguyên nhân về mũi không còn mà trẻ vẫn có thói quen thở bằng miệng thì cần đưa trẻ đến bác sỹ răng hàm mặt để được hướng dẫn điều trị.

8. Nghiến răng

Tình trạng nghiến răng kéo dài có thể đưa đến những hậu quả xấu ảnh hưởng tới các hệ thống nhai như răng, cơ, hàm và khớp thái dương hàm. Một số trẻ nghiến siết các răng mạnh đến nỗi làm vỡ men bờ cắn của các răng sữa hoặc gây mòn nhiều răng.

Nghiến răng nhiều có thể làm nướu và hàm răng thay đổi, gây đau và rối loạn khớp thái dương hàm, nhiều khi làm nhai khó và há miệng khó. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến biến đổi hình dạng khuôn mặt tạo ra vẻ mặt mất cân xứng.

Nếu con bạn có tật nghiến răng thì bạn nên đưa con tới bác sỹ chuyên khoa răng hàm mặt để kiểm tra tình trạng về các khớp cắn, tình trạng viêm nhiễm vùng răng , nướu… Bác sĩ chỉnh hình răng hàm mặt đôi khi phải làm khí cụ cho trẻ đeo mới có thể bỏ được các tật xấu này.

9. Tật chống cằm và mút môi trên

Tật chống cằm, cắn môi… thường xảy ra khi trẻ đã lớn hơn. Thói quen này không gây xô lệch răng một cách đáng kể và nếu kéo dài có thể gây hô hàm dưới (tức là hàm dưới đưa ra hàm trên thụt vào) khiến trẻ bị móm.

Cha mẹ có thể đặt ra một mức phạt thích hợp hay áp dụng những biện pháp nghiêm khắc nếu trẻ còn tái diễn.

10. Dùng tăm xỉa răng sau bữa ăn

Tránh dùng tăm xỉa răng với động tác xỉa quá mạnh, đặc biệt là chọc xuyên tăm qua kẽ răng vì nếu dùng các vật nhọn xỉa răng thường xuyên, có thể làm trẻ bị mòn răng, nhiễm trùng nướu.

Để loại sạch mảng bám, mẹ nên khuyến khích trẻ chải răng bằng bàn chải, làm sạch kẽ răng bằng chỉ tơ nha khoa. Chỉ cho trẻ xỉa răng khi thật cần thiết như khi bị thịt, thức ăn mắc vào răng. Khi đó, nên cho trẻ dùng tăm xỉa răng đầu nhỏ vừa với kẽ răng và tương đối mềm để không gây tổn thương nướu.

(Theo Afamily)

Răng miệng thường bị “phớt lờ”

 Một cuộc khảo sát tại Anh cho thấy phần lớn giới trẻ chi tiền vào việc chăm chút cho dáng vẻ hơn là chăm sóc sức khỏe răng miệng, theo trang tin Totally Living.

Denplan, tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc nha khoa hàng đầu tại Anh vừa thực hiện một cuộc khảo sát với 2.000 người, nhằm tìm hiểu thói quen chăm sóc răng miệng của những người từ 18 - 24 tuổi.


Cần quan tâm chăm sóc răng miệng vì sức khỏe của chính mình
- Ảnh: Shutterstock

Kết quả, 57% thừa nhận họ đầu tư vào việc chăm sóc dáng vẻ bên ngoài nhiều hơn là chăm sóc răng miệng. 38% cho biết họ chủ yếu chi tiền vào việc mua sắm quần áo đắt tiền và chăm sóc mái tóc hơn là tìm đến nha sĩ.

Theo ông Roger Matthews, chuyên gia cấp cao tại Denplan, thật đáng lo ngại khi giới trẻ không quan tâm nhiều đến việc chăm sóc răng miệng. Điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của họ trong tương lai.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy mối quan hệ giữa sức khỏe răng miệng và sức khỏe tổng quát của con người.

Sức khỏe răng miệng yếu kém có liên quan đến việc mắc những bệnh như tiểu đường, ung thư miệng và đặc biệt là chứng loãng xương.

(Theo Thanhnien)

Thói quen đánh bật mùi hôi miệng

 

 Hôi miệng và hơi thở có mùi hôi vốn được xem là vấn đề tế nhị, khó nói. Nó không chỉ khiến bạn mất tự tin trong giao tiếp mà còn là dấu hiệu cảnh báo về vấn đề sức khỏe của bạn. Có nhiều phương pháp trị hôi miệng, đôi khi đơn giản chỉ là chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách.

Vệ sinh răng miệng

Cách trị hôi miệng đơn giản nhất là chăm sóc răng miệng tốt. Sâu răng, bệnh nướu răng có thể là nguyên nhân gây mùi hôi. Vì vậy bạn nên đánh răng 2 lần một ngày và dùng chỉ tơ nha khoa ít nhất 1 lần một ngày để loại bỏ các mảng bám và vi khuẩn tích tụ trên răng và nướu đồng thời nên kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ.

Làm sạch lưỡi

Bề mặt lưỡi là nơi lý tưởng sản sinh ra vi khuẩn có hại và là một trong những nguyên nhân gây hôi miệng nhưng hầu hết chúng ta lại bỏ qua khu vực này khi đánh răng. Hãy dùng bàn chải lông mềm để chải sạch lưỡi hàng ngày hoặc có thể sử dụng dụng cụ cạo lưỡi để làm sạch hiệu quả hơn.

Nói không với đường

Nhai kẹo bạc hà hay kẹo cao su không phải là giải pháp chống hơi thở có mùi mà ngược lại nó lại là nguyên nhân gây nên mùi hôi ở miệng nếu kẹo có chứa đường. Đường trong miệng sẽ lên men dẫn đến mùi hôi rất khó chịu. Nếu bạn đang gặp rắc rối với hơi thở, cũng nên cắt giảm lượng đường trong chế độ ăn uống của mình.

Uống đủ nước

Nước bọt có chứa các enzyme quan trọng bảo vệ răng miệng, tiêu diệt những vi khuẩn gây mùi, do đó nếu miệng khô có thể góp phần vào tình trạng hôi miệng. Vì vậy uống đủ nước mỗi ngày (2l/ngày) sẽ kích thích các tuyến nước bọt và giữ ẩm cho miệng. Nếu bạn uống đủ nước mà vẫn khô miệng thì có thể do tác dụng phụ của thuốc kháng histamine, thuốc chống trầm cảm, hoặc thuốc cao huyết áp. Nếu bạn thường khô miệng vào buổi sáng có thể là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ hoặc viêm xoang do phải thở bằng miệng.

Ăn bánh mỳ

Một chế độ ăn lượng carbohydrat thấp, protein cao có thể là nguyên nhân gây ra hơi thở có mùi. Khi đốt cháy mỡ, hóa chất được gọi là xeton sẽ tích lũy trong cơ thể và gây hơi thở khó chịu. Nếu bạn đang ăn kiêng để giảm hàm lượng carbohydrat, hãy ăn một vài lát bánh mỳ. Trong bánh mỳ có lượng carb (tinh bột) giúp bạn cải thiện hơi thở rõ rệt.

Uống trà

Các nghiên cứu của Đại học Illinois tại Chicago cho thấy polyphenol, thành phần hóa học được tìm thấy trong trà đen và trà xanh, có thể ngăn chặn sự tăng trưởng của vi khuẩn khiến cho hơi thở có mùi cũng như sự sinh trưởng của vi khuẩn.

Nếu bạn chăm sóc răng miệng tốt và đã thử tất cả các biện pháp trên mà hơi thở vẫn có mùi có thể đó là triệu chứng của một loạt các vấn đề sức khỏe khác như tiểu đường, viêm xoang nặng, rối loạn tiêu hóa, hoặc các vấn đề về gan và thận. Và hãy đến bác sĩ khi bạn gặp những rắc rối này.

(Theo ANTD)

 

Nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh lợi

Bạn dễ mắc bệnh lợi nếu không vệ sinh răng miệng thường xuyên và đúng cách để loại bỏ các mảng bám.

Ngoài ra một số nguyên nhân sau cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh lợi:

  • Hút thuốc lá là một trong những nguy cơ cao nhất gây bệnh lợi. Hút thuốc lá làm giảm khả năng chống nhiễm trùng, cản trở quá trình tự phục hồi và khiến bạn dễ bị bệnh lợi nặng dẫn đến mất răng.
  • Nếu gia đình bạn mắc bệnh lợi thì nguy cơ bạn bị bệnh lợi cũng cao hơn so với bình thường.
  • Một số bệnh làm giảm khả năng chống nhiễm trùng như tiểu đường không được kiểm soát, AIDS hoặc bệnh bạch cầu.
  • Bạn bị stress khiến hệ miễn dịch suy yếu và dễ bị nhiễm trùng.
  • Chế độ ăn ít vitamin và khoáng chất, có thể làm suy yếu hệ miễn dịch hoặc các thực phẩm nhiều đường tạo thuận lợi cho các mảng bám phát triển.
  • Sử dụng một số loại thuốc như:
    1. Các thuốc kiểm soát động kinh như phenytoin.
    2. Chất chẹn kênh calci được sử dụng để kiểm soát huyết áp hoặc các vấn đề về tim.
    3. Cyclosporine, một thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng để chống thải ghép.
    4. Các thuốc tránh thai
    5. Hóa trị ung thư

BACSI.com (Theo ANTD)

 

Ngăn ngừa bệnh nha chu không khó

Bệnh nha chu (bệnh nướu răng) xảy ra khi các mô bảo vệ và ổn định răng bị nhiễm trùng.

Theo healthday.com, Hiệp hội Nha khoa Mỹ đưa ra một số gợi ý sau giúp ngừa bệnh nha chu:

Đánh răng thật kỹ ít nhất 2 lần/ngày

Dùng chỉ tơ nha khoa làm sạch răng hằng ngày

Nếu nha sĩ đồng ý, bạn có thể dùng nước súc miệng có chứa fluoride

Có chế độ ăn uống bổ dưỡng, cân bằng và lành mạnh

Đi khám răng và làm sạch răng ít nhất hai lần mỗi năm.

 
Ảnh: Shutterstock

(Theo Thanhnien)

Những thói quen “phá hoại” răng của bạn

Không phải chỉ có lười đánh răng và không dùng chỉ nha khoa sẽ làm cho răng miệng sinh bệnh, mà còn nhiều thói quen xấu khác cũng có thể làm hỏng răng của bạn.

Vệ sinh răng miệng là việc rất quan trọng. Có hàm răng chắc và khỏe mạnh cũng chính là giúp bạn tự tin hơn mỗi khi cười.

1. Sử dụng răng như các công cụ: Nhiều người sử dụng răng của họ như là công cụ để mở chai hoặc một túi, cắn xé mác quần áo và có khi là để cắn dây. Răng của bạn không phải sinh ra là để thực hiện các chức năng đó. Điều này có thể có một ảnh hưởng chấn thương trên răng, dễ làm cho răng bị sứt, yếu đi hoặc vỡ.  Nó thậm chí còn có thể làm cho răng bị mòn và liên kết kém.

Vệ sinh răng miệng là việc rất quan trọng. Có hàm răng chắc và khỏe mạnh cũng chính là giúp bạn tự tin hơn mỗi khi cười.

2. Nhai đá: Nhiều người có thói quen nhai đá, đặc biệt là đá còn sót lại trong một món đồ uống nào đó. Độ cứng và nhiệt độ lạnh của đá thực sự có thể làm cho răng bị gãy, làm hỏng men răng và có khi còn làm lung lay răng. Các nha sĩ khuyên rằng nên chỉ cho đá tan chảy trong miệng như kẹo thay vì nhai rau ráu.

3. Nhai những vật cứng: Nhiều người có thói quen nhai bút chì, bút mực và các vật cứng khác. Răng là để nhai thức ăn chứ không phải để nhai những thứ đó. Cũng giống như nhai đá, nhai những vật cứng có thể làm cho răng bị gãy hoặc tổn thương khác.

4. Ngậm chanh: Nếu thường xuyên ăn chanh, axit citric trong chanh có thể làm tan các khoáng chất quan trọng ở răng và làm xói mòn bề mặt ngoài của răng, làm cho chúng nhạy cảm với thực phẩm và đồ uống lạnh, dẫn đến dễ bị sứt mẻ và nứt. Điều này không có nghĩa là bạn không nên ăn chanh hay uống nước chanh mà tốt nhất không nên giữ nó trong miệng quá lâu.

5. Đánh răng quá mạnh: Mọi người thường nghĩ rằng đánh răng thật mạnh bằng bàn chải lông cứng sẽ làm cho răng sáng bóng hơn. Đây hoàn toàn là một sai lầm nên tránh. Khi đánh răng quá mạnh hoặc sử dụng một bàn chải đánh răng có lông cứng có thể mòn lớp men bảo vệ răng. Nó cũng có thể dẫn đến tụt nướu và răng tăng độ nhạy cảm (cảm lạnh và cảm ứng) của răng. nên chọn một bàn chải mềm và cọ răng nhẹ nhàng, đúng cách để cho kết quả tốt nhất.

6. Cắn móng tay: Cắn móng tay không chỉ có hại cho móng tay mà còn có hại cho răng của bạn. Nó có thể gây vỡ hay sứt mẻ răng răng trước đó, và sau đó tạo cơ hội cho vi trùng và vi khuẩn từ bên dưới móng tay chuyển vào miệng và gây ra sâu răng hoặc nhiễm trùng nướu răng. Cắn móng tay thường là một thói quen tiềm thức, nó là một biểu hiện của sự lo lắng đã trở nên tồi tệ hơn và thời điểm căng thẳng.

7. Nghiến răng: Tật nghiến răng có thể dẫn đến một loạt các vấn đề về răng bao gồm hao mòn răng, sứt mẻ, nứt, gãy răng và lung lay. Nó cũng có thể gây đau ở các khớp xương hàm, nhức đầu và đau răng nghiêm trọng. Thói quen này thường xảy ra vào ban đêm khi ngủ như là một tiềm thức, thường là phản ứng cảm xúc của sự căng thẳng. Để hạn chế thiệt hại nó có thể gây ra, nha sĩ có thể đề nghị bạn nên đeo miếng bảo vệ răng vào ban đêm khi ngủ.

8. Uống rượu vang trắng: Nhiều người chọn rượu vang trắng vì nghĩ răng rượu vang đỏ có thể làm cho răng bị ố vàng sau này. Nhưng trên thực tế, rượu vang trắng có thể gây ra vấn đề lâu dài hơn bởi vì độ axit cao của nó. Loại axit này sẽ làm mòn men răng, để lộ ngà răng, làm cho răng xuất hiện màu vàng và có cảm giác như răng bẩn. Để bảo vệ răng miệng, nên súc miệng bằng nước sau khi bạn ăn pho mát hoặc uống rượu vang.

9. Uống quá nhiều nước giải khát: Tiêu thụ quá nhiều các thức uống ngọt có ga sẽ đóng góp vào một trong những nguyên nhân gây sâu răng. Loại đường trong thức uống này không tốt cho răng của bạn, hơn nữa, các axit trong thức uống này cũng góp phần vào sự hình thành sâu răng.

10. Mút ngón tay: Mút ngón tay là một trong những thói quen phổ biến nhất ở trẻ em, nó có thể làm cho răng cửa thấp hơn, làm cho hàm trên nhô ra ngoài  và hàm dưới đưa vào trong, trông như móm.

Đây chỉ là một vài ví dụ về thói quen gây hại có tác động đến răng miệng. Bạn bên biết để tránh nhé.

BACSI.com (Theo TTOL)

Thảo dược giúp bạn có hàm răng trắng sáng

Cùng trải nghiệm một số loại thảo dược dân gian để giúp hàm răng luôn trắng sáng, cho nụ cười tự tin hơn.


Lá trầu có tính sát trùng, làm chắc chân răng.

Răng bạn sẽ trở nên sậm màu vì một số nguyên nhân như: thời gian, thuốc lá, các loại thực phẩm và đồ uống (trà, cà phê, rượu vang đỏ….). Hãy cùng trải nghiệm một số loại thảo dược dân gian để giúp hàm răng luôn trắng sáng, cho nụ cười tự tin hơn.

Ngày xưa, ông bà ta có tục lệ ăn trầu, và truyền miệng rằng ăn trầu sẽ làm chắc răng. Thật vậy, lá trầu không có vị cay nồng, tiêu viêm, có tính sát trùng làm chắc chân răng không bị viêm sưng. Dùng miếng cau bổ tư chà kĩ những vết ố trên răng, chất chát của cau làm sạch các mảng bám và duy trì cho hàm răng luôn trắng bóng.

Một cách khác, có thể dùng bột lá khô của cây nguyệt quế cùng với vỏ chanh khô  chà xát lên răng, sẽ giúp men răng chắc khỏe và sáng hơn.

Thường xuyên ăn những loại rau quả như: táo, cà rốt, rau cải, cần tây,…. Lượng axit tự nhiên trong các những loại thực vật cùng với sự giàu chất xơ của táo lấy đi những mảng bám, cho hàm răng trắng sáng mỗi ngày.

Giải pháp khác giúp một số người không biết ăn rau, để có hàm răng luôn trắng, thì mía là sự lựa chọn tốt nhất, ngoài tác dụng bổ dưỡng mía còn làm răng trắng sạch vì mỗi khi nhai xơ mía chà đi chà lại trên răng nên sau khi ăn mía hàm răng luôn sạch và trắng.

Thảo dược làm trắng răng - 1
Hình ảnh minh họa

Tuy nhiên, những liệu pháp trên khi điều trị tại nhà đối với răng đã bị nhiễm màu nặng, răng quá vàng, thì kết quả chỉ được một phần nào. Để loại bỏ hoàn toàn, bạn nên thường xuyên đi khám nha khoa, vì ở đó các Bác sĩ sẽ giúp bạn lấy đi các vết vàng ố do thức ăn hoặc thuốc lá gây ra, bạn không thể tự mình tẩy sạch răng mình, vì những mảng bám ở sâu trong chân răng chỉ có Bác sĩ mới giúp bạn tẩy sạch đi những vết bám này.

Tại nha khoa, răng đã bị nhiễm màu lâu ngày để giúp răng trắng sáng trở lại, Bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng phương pháp tẩy trắng răng và được lựa chọn một giải pháp tẩy trắng an toàn đem đến kết quả điều trị tốt nhất.

Hiện nay, với phương pháp tẩy trắng răng được thực hiện trong 1 giờ bằng kỹ thuật LED được nhiều người lựa chọn nhất. Vì kỹ thuật LED không tạo ra ánh sáng bằng cách đốt nóng dây tóc kim loại như các kỹ thuật khác,mà ánh sáng được tạo ra bởi hiệu ứng cơ lượng tử nên lượng nhiệt tỏa ra là tối thiểu rất an toàn cho bệnh nhân.

Cùng Với công nghệ LED, BleachBright là thuốc tẩy trắng thế hệ mới hoàn toàn không hại cho răng hay làm yếu răng, bản chất của nó là sử dụng phản ứng oxy hóa khử, phóng thích oxy nguyên chất thấm vào cắt đứt chuỗi protein màu trong răng làm cho chúng ta không còn nhìn thấy màu dưới ánh sáng tự nhiên. BleachBright có PH = 7 trung tín nên không gây hại bề mặt men răng như bạn thường nghĩ, quá trình tẩy trắng chỉ làm thay đổi màu răng, không làm thay đổi cấu trúc răng, đồng thời tiến trình thực hiện cũng không gây đau hay ê buốt, trừ trường hợp răng bạn quá nhạy cảm, tuy nhiên cảm giác này chỉ xuất hiện trong vòng một ngày,b ạn có thể dễ dàng chịu được.

Thảo dược làm trắng răng - 2
Công nghệ tẩy trắng răng LED

Trường hợp người bị nhiễm tetracycline với màu sậm nhẹ ta có thể dùng phương pháp tẩy trắng răng thế hệ mới với: kỹ thuật LED, Toàn bộ tiến trình tẩy trắng diễn ra chỉ trong vòng 30 – 45’ được thực hiện ngay tại phòng khám, răng ở hàm trên và hàm dưới sẽ được tẩy trắng cùng một lúc.

Kết quả sau khi tẩy trắng răng có thể duy trì trong nhiều năm, nhưng tùy thuộc vào thói quen ăn uống và vệ sinh chăm sóc răng miệng hàng ngày, ở nhà bạn có thể thực hiện theo cách hướng dẫn trên để duy trì độ trắng sáng của răng. Vì vậy tẩy trắng răng là một thủ thuật đơn giản chi phí thấp, đem lại cho bạn màu răng trắng sáng hơn mà lại bảo toàn mô răng tự nhiên quý giá của mình.

(Theo Xaluan)

Nghiến răng khi ngủ khiến bạn nhanh già hơn

Chỉ sau một tuần trăng mật, chị Hảo đã muốn quay lại cái thời… chỉ ngủ một mình chứ không phải chịu đựng tiếng nghiến răng ken két của chồng hàng đêm như bây giờ.

Nghiến răng khi ngủ: "thủ phạm" khiến bạn nhanh già hơn
ảnh minh họa

Mong chờ lắm mới đến ngày được “quy về một mối” thành vợ thành chồng như ngày hôm nay, nhưng chỉ sau một tuần trăng mật, chị Hảo đã muốn quay lại cái thời… xa xưa ấy của mình, khi mà chị chỉ ngủ có một mình chứ không phải chịu đựng tiếng nghiến răng ken két của chồng hàng đêm như bây giờ.

Cũng trong tình cảnh mất ngủ hàng đêm như chị Hảo, anh Thăng ngày càng gầy rộc đi. Ai hỏi thăm thì anh chỉ bảo do mất ngủ hàng đêm. Mọi người không biết lại cứ trêu anh chị vợ chồng son nên “khỏe” quá, đêm nào cũng “làm việc” đến độ mất ngủ. Nhưng chỉ có anh Thăng mới biết, lý do thực là do tiếng nghiến răng khi ngủ của vợ.

Trước đây vợ anh không có tật nghiến răng này. Nhưng không hiểu sao sau một đợt quá căng thẳng do công việc chuyển đổi công ty, vợ anh thường xuyên thức khuya, làm việc bất kể giờ giấc để rồi hậu quả sau đó là cứ đêm ngủ là nghiến răng khiến anh Thăng rợn hết cả người và giấc ngủ cũng rất chập chờn.

Tật nghiến răng không hiếm gặp

Tật nghiến răng khi ngủ không phải là hiếm gặp. Khoảng 5-20% dân số có dấu hiệu và triệu chứng của bệnh này nhưng chỉ có 5-10% nhận biết được điều này mà thôi.

Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Anh, Đại học Y Dược TP HCM, đã từng cho biết về hiện tượng nghiến răng khi ngủ thì nghiến răng là sự nghiến hoặc siết chặt các răng một cách quá mức, thường diễn ra khi ngủ (không có ý thức). Do lực sử dụng trong động tác này lớn gấp nhiều lần lực phát sinh khi nhai nên tật nghiến răng tạo ra âm thanh khó chịu cho người xung quanh.

Vào ban ngày, những người bị tật nghiến răng khi ngủ cũng thường nhai răng kèn kẹt mỗi khi bị stress, chẳng hạn như khi lái xe, tham gia kỳ thi, hoặc tập trung vào một nhiệm vụ nào đó.

Stress là nguyên nhân chính gây ra nghiến răng

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tật nghiến răng khi ngủ, ví dụ như do stress hoặc khả năng kiểm soát cảm xúc, do áp lực công việc, do các rối loạn chức năng ở hệ thần kinh trung ương, suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ, suy kiệt ở người già, do hút nhiều thuốc lá, uống nhiều rượu hoặc do có dị tật trong cấu tạo răng (khớp cắn không bình thường, răng mất, răng mọc không đều…) và thậm chí có thể là do di truyền… Trong các nguyên nhân trên thì trong nhiều trường hợp, tình trạng căng thẳng thần kinh hoặc khả năng kiểm soát stress kém là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng nghiến răng.

Những yếu tố như viêm nha chu, sự co cứng các cơ hàm, viêm khớp hàm… có thể sẽ làm cho tình trạng nghiến răng tăng lên.

Nghiến răng có thể khiến bạn trông già hơn

Nhìn chung, tật nghiến răng là một dạng rối loạn giấc ngủ và có thể không làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên khoảng 5-10% trường hợp người bệnh nghiến răng mạnh đến mức có thể làm gãy răng, nhức đầu, đau mặt, rối loạn cơ và khớp thái dương hàm, gây khó khăn cho việc nhai hay nói chuyện,… Do các cơ hàm bị co thắt trong suốt thời gian nghiến, người bệnh có thể bị mỏi, đau các cơ, đau đầu, cổ. Các cơ hoạt động quá mức có thể bị phì đại, làm cho khuôn mặt bị mất cân xứng hoặc có dạng vuông (do phì đại cơ cắn ở cả hai bên), rối loạn khớp thái dương-hàm.

Về mặt thẩm mỹ, nghiến răng liên tục sẽ gây mòn răng, răng bị mòn sẽ làm giảm kích thước tầng dưới mặt làm cho người bệnh trông già hơn. Hơn nữa, với những người đã làm răng thì tình trạng nghiến răng kéo dài có thể làm gãy, sứt miếng hàn ở răng, làm gãy các hàm giả (kể cả loại có thể tháo lắp hoặc cố định).

Loại bỏ tật nghiến răng

Cho dù tật nghiến răng có thể không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng không có nghĩa là không cần chữa. Loại bỏ tật nghiến răng nhằm ngăn ngừa tổn thương răng miệng và giảm đau các cơ nhai và cơ vùng mặt. Tuy nhiên, cũng tùy theo từng loại nguyên nhân mà có cách điều trị phù hợp.

- Do stress: Nên điều trị chủ yếu bằng tâm lý liệu pháp và thư giãn (thể dục, thiền tâm,…). Có thể sử dụng thuốc gây giãn cơ để tạm thời giảm co thắt cơ hàm.

- Do bệnh lý thần kinh cơ hay tổn thương não: Chủ yếu là dùng các biện pháp bảo vệ răng và khớp cắn.

- Do thuốc: Một số thuốc chống trầm cảm có thể gây tác dụng phụ nghiến răng nhiều. Có thể ngưng thuốc hoặc dùng thêm thuốc khác để giảm nghiến răng.

- Nếu có những vấn đề về răng: Nên đi khám bệnh ở một bác sĩ răng hàm mặt, có thể sẽ phải làm chỉnh hình răng để cho khớp cắn tốt hơn, hoặc được bác sĩ tư vấn các dụng cụ có thể bảo vệ răng của bạn tránh tổn thương trong trường hợp nghiến răng quá nặng. Nếu do khớp cắn có vấn đề thì sẽ được các bác sĩ mài kĩ thuật để điều chỉnh…

- Do thiếu canxi: Đây là nguyên nhân gặp nhiều nhất ở trẻ bị nghiến răng ban đêm. Cơ thể thiếu canxi sẽ gây ra rối loạn thần kinh, nặng thì gây các cơn co giật, nhẹ thì gây ra chứng nghiến răng. Trong trường hợp này cần bổ sung liều lượng canxi và thuốc an thần theo hướng dẫn của bác sĩ.

(Theo Xaluan)