Lưu trữ cho từ khóa: răng đau

Bí kíp chữa đau răng

Nguyên nhân gây đau răng thường từ những chiếc lỗ sâu răng bé xíu. Khi trên răng xuất hiện những lỗ sâu, vi khuẩn có cơ hội phát triển nhanh chóng trong khoang miệng do thức ăn, đường và tinh bột bị mắc kẹt lại.

Những vi khuẩn này sản xuất ra axít gây hại cho răng. Khi phần hư hỏng ở răng chạm đến dây thần kinh nằm bên trong, bạn sẽ rơi vào thảm cảnh “nằm ôm miệng mà khóc”. Một số nguyên nhân khác cũng khiến bạn phải chịu đựng các cơn đau như răng bị mất miếng trám, bị gãy, mẻ, tình trạng áp-xe răng (xảy ra khi sự viêm nhiễm đã ăn sâu vào lợi) hoặc viêm xoang mũi. Bất kỳ sự viêm nhiễm nào xảy ra ở phần chân răng đều sẽ gây ra các cơn đau.

Nếu chưa thể sắp xếp được thời gian đến nha sĩ, bạn hãy thử áp dụng một số phương pháp giảm đau răng tại nhà sau đây:

- Chấm một ít tinh dầu của nụ hoa đinh hương trực tiếp vào răng bị sâu. Loại tinh dầu này có khả năng diệt khuẩn khá hiệu quả. Chúng còn có tác dụng gây tê nên từ lâu đã được xem là một phương thuốc dân gian chữa đau răng. Ngày nay, người ta đã chứng minh được rằng trong nụ hoa đinh hương có chứa eugenul, hoạt động như một chất anesthetic. Khi mới thoa, tinh dầu hoa đinh hương làm bạn có cảm giác ngứa như ong đốt, nhưng chắc chắn cơn đau răng sẽ giảm liền ngay sau đó.

- Hỗn hợp bột gừng và ớt sừng đỏ cũng cho tác dụng giảm đau răng. Cho hai loại bột này vào một cái chén, nhỏ thêm vài giọt nước để tạo thành một hỗn hợp đặc sệt. Dùng một miếng bông gòn nhỏ thấm hỗn hợp bột gừng và ớt rồi đặt chúng vào khu vực đang bị đau. Cần chú ý đặt miếng bông lên trên răng để tránh gây kích ứng cho lợi. Trong trường hợp không có hai loại gia vị cùng lúc, bạn có thể dùng riêng từng loại. Cả gừng và ớt đều có tác dụng làm giảm các cơn đau răng.

- Trà bạc hà vừa có mùi vị thơm ngon vừa có công dụng gây tê. Cho một muỗng lá bạc hà khô vào một ly nước sôi và ngâm khoảng 20 phút. Sau khi trà nguội, dùng chúng để súc miệng, có thể uống luôn sau khi súc miệng xong. Lặp lại thường xuyên khi thấy cần thiết.

- Khuấy một muỗng canh muối vào ly nước ấm và súc miệng trong vòng 30 giây rồi nhổ bỏ. Nước muối sẽ làm sạch khu vực quanh răng và rút bớt chất lỏng là nguyên nhân gây sưng lợi. Có thể áp dụng phương pháp này thường xuyên nếu thấy cần thiết.

- Cho một cục đá nhỏ vào túi ny-lông, dùng chiếc khăn mỏng bọc chúng lại và đặt lên chỗ miệng bị sưng đau trong vòng 15 phút nhằm làm tê dây thần kinh. Ngoài ra, có thể đặt túi đá lên cổ, phía trên của chỗ bị đau răng.

- Một túi trà ấm, còn ướt cũng  là mẹo hay để chữa đau răngg. Trong trà đen chứa chất làm se là tannin. Chúng có khả năng làm giảm sưng và giảm đau tạm thời.

- Nếu gặp rắc rối do chứng co rút ở lợi, bạn có thể phải chịu đựng rất nhiều cơn đau khi dùng những thức ăn, đồ uống nóng hoặc quá lạnh. Khi lợi co rút lại, phần ngà răng nằm phía dưới bề mặt men răng sẽ bị lộ ra ngoài, khiến răng trở nên cực kỳ nhạy cảm. Trong trường hợp này, bạn nên sử dụng loại kem đánh răng dành cho răng nhạy cảm.

- Thay đổi bàn chải. Hãy chọn những chiếc bàn chải có lông mềm mại để bảo vệ các mô tế bào của lợi và chống co rút.

-  Để chặn ngay các cơn đau, bạn có thể thử áp dụng kỹ thuật ấn huyệt. Dùng ngón tay cái ấn mạnh vào điểm giao nhau nằm giữa ngón cái và ngón trỏ của bề mặt bàn tay còn lại. Ấn mạnh và giữ chặt trong khoảng 2 phút. Biện pháp này kích thích sự giải phóng endorphin, một hóc môn giúp tinh thần cảm thấy phấn chấn hơn do não tiết ra. Tuy nhiên, không được áp dụng kỹ thuật này đối với những phụ nữ đang mang thai.

Lưu ý: Dù có áp dụng cách chữa đau răng nào thì việc hẹn gặp nha sĩ vẫn là điều quan trọng và cần thiết nhất. Những biện pháp chữa trị tại nhà chỉ có tác dụng giảm đau tạm thời. Trong khi đó, nha sĩ cần kiểm tra chiếc răng đau của bạn thật tỉ mỉ và tìm ra nguyên nhân gây đau răng. Nếu không xác định đúng nguyên nhân, tình hình sẽ càng trầm trọng hơn.

Việt Báo

Tẩy trắng răng, “con dao hai lưỡi”

Không hài lòng với hàm răng ố vàng của mình, anh Trung tìm đến trung tâm nha khoa để tẩy trắng. Sau cả tháng ê buốt không ăn được gì mà thấy răng bắt đầu lung lay, Trung tá hỏa đi khám, bác sĩ cho biết anh bị triệu chứng tuột lợi rất khó chữa.

“Bỏ cả triệu bạc làm đẹp ai ngờ lại ra thế này, đã vậy mình còn phải nghỉ việc để điều trị liên tục mới mong phục hồi lại như hồi đầu, biết vậy thà để như cũ còn hơn ”, anh Trung (Đồng Nai) xót xa kể khi đang ngồi chờ tới lượt tái khám ở Bệnh viện Răng Hàm mặt TP HCM.

Còn chị Trương Thị Lan (Bình Dương) mặc dù sở hữu hàm răng không đến nỗi xấu, song kể từ ngày mê phim Hàn Quốc với các diễn viên hay cười khoe hàm răng trắng như tuyết, Lan hạ quyết tâm đi tẩy trắng răng để tự tin lấy chồng.

Nghe bạn bè mách bảo tẩy răng bằng công nghệ chiếu tia plasma rất nhanh và hiệu quả, Lan cũng làm nhưng thấy răng vẫn chưa trắng. Khi chị thắc mắc, bác sĩ cho biết do lớp men răng của chị dày nên phải dùng máng ngậm ở nhà cả tuần để chất tẩy trắng có thời gian ngấm sâu vào lớp men răng mới mong trắng được.

"Đã quyết tâm rồi thì phải theo đến cùng, mình cũng đồng ý dùng cách ngậm máng nhựa nhưng sau 2 ngày thấy hàm răng đau buốt, nướu cũng sưng đỏ lên, cảm giác bỏng rát. Mình sợ quá tháo ra và từ đó không dám tiếp tục ngậm nữa", chị Lan nói.

Với suy nghĩ "cái răng cái tóc là góc con người", ngày nay nhiều người không ngại bỏ ra vài triệu đồng để tẩy răng, nhuộm trắng với hy vọng sở hữu nụ cười duyên dáng hơn, làm cho mình đẹp hơn. Nắm bắt được trào lưu này nên các cơ sở phòng nha với dịch vụ tẩy trắng răng mọc lên như nấm kèm theo những lời mời chào hấp dẫn như: "tẩy trắng răng chỉ sau một giờ", "tẩy trắng bằng công nghệ hàng đầu Nhật Bản", "tẩy răng siêu trắng"...

Thêm vào đó là sự xuất hiện của hàng trăm loại thuốc đánh bóng, tẩy trắng với nhiều mẫu mã, chủng loại, xuất xứ được bày bán khắp nơi từ chợ trời, nhà thuốc đến bệnh viện với giá dao động từ 50.000 đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên chất lượng của các loại thuốc này thì không ai có thể đảm bảo và nhiều người vì cả tin mua về sử dụng đã vô tình chuốc họa vào thân.

Như trường hợp của chị Trương Thị Hoa, vì hấp dẫn với lời quảng cáo "đảm bảo hiệu quả100%", chị mua về một gói kem lột trắng răng tại một tiệm thuốc. Ngày đầu tiên sử dụng Hoa thấy toàn miệng tê buốt. Tuy nhiên khi được hỏi, chủ tiệm cho biết đấy là thuốc có tác dụng, "nó đang ngấm vào răng diệt khuẩn rồi mới lột men. Em cứ chờ đi rồi sẽ trắng như ý thôi".

Sau một thời gian kiên nhẫn chờ đợi, chị Hoa cho biết đúng là lột men răng xong thì răng có trắng và bóng hơn. Tuy nhiên cũng từ đó chị không thể ăn được đồ ăn, thức uống có vị chua, mỗi lần cho chúng vào miệng là răng chị như bị dị ứng ê ẩm đến rợn người. Thời gian này kéo dài 3 tháng thì răng chị trở lại xỉn màu như cũ, càng về sau càng thâm hơn.

Nha sĩ Trần Ngọc Đỉnh, nguyên Phó Giám đốc bệnh viện Răng Hàm Mặt Trần Hưng Đạo, TP HCM, cho biết, tẩy trắng răng thực ra là dùng axit cho thấm qua lớp men để làm biến đổi màu của lớp ngà bên trong.

Vì lớp ngà này có cảm giác nên bệnh nhân sẽ thấy ê buốt trong suốt quá trình tẩy trắng kéo dài ít nhất 5 ngày 5 đêm. Hơn nữa không phải ai tẩy răng cũng trắng mà chỉ cải thiện độ sáng lên chừng 2 nấc trong bảng màu, còn với một số người răng vàng là do nhiễm tetra thì không thể làm trắng được. Cho nên thường bác sĩ không thể cam kết hiệu quả với bệnh nhân.

Ông cũng cho biết, việc tẩy trắng răng đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề chuyên môn cao, hiểu rõ các loại thuốc, khám kỹ tình trạng răng của bệnh nhân để tiến hành các bước kỹ thuật cẩn thận.

Nếu sơ xuất chỉ cần bôi thuốc không đúng hoặc thiết kế kích thước máng ngậm to hơn hay nhỏ hơn sẽ làm bỏng lợi gây sưng, nhiễm trùng lợi, hoại tử lợi khiến bệnh nhân đau buốt răng suốt thời gian lâu dài... Nguy hiểm hơn, nhiều bệnh nhân tự mua thuốc tẩy bán sẵn tại các siêu thị, nhà thuốc để tẩy thì nguy cơ bị các tai nạn như trên là rất dễ xảy ra.

Nha sĩ Đỉnh (đang công tác tại một trung tâm nha khoa trên đường Điện Biên Phủ TP HCM) nhìn nhận, việc tẩy trắng răng cũng giống như nhuộm tóc hay tẩy trắng da, có thể đẹp lúc đó nhưng hậu họa về sau rất lớn. "Bởi axít trong thuốc tẩy có hại cho men răng, bào mòn bớt độ bóng của răng làm cho màu men không tươi bóng như cũ, hơn nữa răng chỉ trắng được một thời gian từ 6 đến 12 tháng sẽ trở lại bình thường nên đòi hỏi phải tẩy lại thường xuyên", ông khẳng định.

Do vậy, để làm đẹp “góc con người” của mình một cách an toàn và đơn giản, nha sĩ Đỉnh khuyên, tốt nhất bạn nên có chế độ chăm sóc nha định kỳ, vệ sinh răng miệng đúng cách (đánh răng một ngày 2-3 lần trước khi đi ngủ và sau các bữa ăn và dùng chải mềm).

Quan trọng nhất là lấy cao men răng định kỳ 6 tháng một lần để làm sạch mảng bám gây ra bệnh nha chu. Bên cạnh đó không nên dùng các thức ăn, thức uống có nhiều chất kích thích dễ bám màu như ăn trầu, uống trà, cà phê, thuốc lá, rượu... là nguyên nhân xỉn, đổi màu răng.

Một phương pháp khác cũng giúp răng trắng tự nhiên an toàn là dùng vỏ chuối chín. Sau mỗi lần đánh răng bình thường với kem thì dùng mặt trong của vỏ chuối (vỏ chuối chín chứa hàm lượng cao chất potassium) chà nhẹ nhàng vào răng khoảng 2 phút.

Các khoáng chất có trong vỏ chuối sẽ thấm vào bề mặt răng và làm sáng bóng. Hoặc có thể làm ngược lại: chà răng bằng vỏ chuối trước rồi đánh lại với kem thông thường. Thực hiện như thế hai lần vào mỗi buổi sáng sau khi ăn điểm tâm và buổi tối trước giờ ngủ, bạn sẽ có một nụ cười rạng rỡ hơn.

Rau mùi để phòng chữa bệnh

Rau mùi là tên gọi miền Bắc, miền Nam gọi là ngò. Gọi mùi (ngò) ta để phân biệt với mùi (ngò) tàu (Có nơi gọi ngò tây, ngò gai). Tên Hán là Hồ Tuy. Bản thảo cương mục gọi là hương tuy. Tên khoa học là coriandrumsativum L. thuộc họ hoa tán apiaceae. Đó là một trong những loài cây được trồng lâu đời nhất trên thế giới, Mùi cũng đã trở thành cây rau, cây thuốc quen thuộc của người Việt Nam.

Đặc điểm của rau mùi

Toàn cây rau mùi có tinh dầu với thành phần chính là coriandrol (65 - 70%) được dùng làm nước hoa, nước gội đầu, làm rượu, ướp chè. Hạt tươi quả mùi hắc nhưng sấy lên thì mùi trở nên thơm dễ chịu. Tính năng công dụng của mùi trong Đông - Tây y tương tự các cây cỏ có tinh dầu như: gây hưng phấn thần kinh, kích dục, tăng trí nhớ, kích thích ăn ngon miệng, tiêu hóa tốt hơn, chữa nôn trướng bụng (gây đánh trung tiện), giảm đau răng đau thắt dạ dày ruột. Hàm lượng caroten (tiền vitamin A) trong lá gấp 10 lần cà chua, dưa chuột và đậu rán. Hàm lượng canxi, sắt cao hơn các rau khác. Trong 100g rau mùi chứa nhiệt lượng 11kcal, đạm 1,6g, đường 1,2g, canxi 285mg, sắt 4mg, photpho 33mg, kali 631mg, natri 284mg, đồng 0,21mg, magiê 33mg, kẽm 0,45mg, selen 0,53mg, vitamin 52mg, B1 0,14mg, B2 0,15mg, B6 0,01mg, B12 120mg, C 5mg, E 0,8mg, caroten 0,37mg, niacin 1mg, folatin 14mg, pantothenic acid 0,15mg.

Một số cách dùng rau mùi chữa bệnh

Làm cho sởi mọc nhanh và đều: trước mùa sởi, lấy cây mùi già rửa sạch, hong gió cho khô để nấu nước tắm, giặt quần áo cho trẻ 1 - 2 tuần một lần. Khi bị sởi, dùng lá hay hạt giã nhỏ, nhuyễn, với ít rượu trắng, cho vào gói vải xoa nhẹ lên người thứ tự từ trên xuống tay, chân (trừ mặt) hoặc phun bằng miệng (sau khi đã xúc sạch miệng) xong mặc áo kín, tránh giò lùa. Bên trong uống nước sắc rau mùi tươi.

Lợi sữa, chữa thiếu sữa, mất sữa:

- Lá rau mùi khô 50g, hạt mùi 20g, sắc đặc uống mỗi lần 1 chén, ngày 2 lần.

- Hạt mùi 12g, gạo nếp lức 30g, nấu cháo ăn.

- Hạt mùi 6g cho vào ấm cùng 100ml nước, đun sôi khoảng 15 phút lấy nước thuốc chia ra 2 phần uống hết trong ngày.

Làm đẹp da: lấy toàn cây mùi già (thân, cành, lá, hoa, quả, rễ) nấu nước tắm làm cho da trở nên mềm mại, sáng đẹp, thơm, dùng gội đầu thường xuyên tóc sẽ đen, dài. Nếu sắc đặc chữa tàn nhang, nốt ruồi trên mặt bằng cách xoa, đắp.

Chữa loét niêm mạc lưỡi: lá rau mùi 20g, lá rau húng chanh 12 lá, ngâm nước muối. Nhai kỹ, ngậm nuốt từ từ rất có hiệu quả.

Mặt mọc nốt ruồi đen: hạt mùi sắc nước rửa mặt thường xuyên. (Nam dược thần hiệu).

Chứng đau bụng lâm râm sau khi ăn, bụng hơi đầy chướng, không tiêu: rau mùi 1 nắm, vỏ quýt 8 - 10g, sắc uống khi nước sắc còn ấm.

Kiết lỵ: đau bụng mót rặn đi ngoài không được, hoặc ra tí chút kèm máu, mũi, 'lờ lờ máu cá'. Hạt mùi 1 vốc sao thơm tán nhỏ, mỗi lần uống khoảng 8g. Nếu lỵ ra máu uống với nước đường, nếu lý ra đờm uống với nước gừng. Ngày 2 lần.

Giun kim: hạt mùi tán nhỏ, lòng đỏ trứng gà luộc, ít dầu vừng nhào chung cho đều, nặn thành thỏi nhỏ nhét vào hậu môn của trẻ khi trẻ ngủ qua đêm. Làm 3 đêm liền. Có người bỏ trứng gà.

Chứng lòi dom, sa trực tràng: quả mùi đốt lên rồi tắt lửa cho khói lên để xông vào hậu môn.

Lưu ý :

- Phải chọn rau mùi tươi, mới thu hoạch để ăn và làm thuốc. Phải loại bỏ rau cũ nát vàng gây độc hại.

- Không dùng khi đang dùng các thuốc Đông y như: bạch truật, đan bì, đang bị loét dạ dày thì nên kiêng rau mùi

BS. PHÓ THU HƯƠNG

(suckhoe&doisong)

Tác dụng chữa bệnh của xoài

Theo y học cổ truyền, xoài có tác dụng cầm máu, lợi tiểu, được dùng để chữa ho ra máu, chảy máu đường ruột, đau răng, rong kinh, trừ giun sán. Tất cả các loại xoài ở Việt Nam đều có thể dùng làm thuốc.

Sau đây là một số bài thuốc từ xoài:

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

- Ho ra máu: Vỏ trái xoài chín nấu thành cao lỏng, mỗi lần dùng 10 g hòa với 120 ml nước, cách 1-2 giờ uống 1 thìa cà phê.

- Chảy máu đường ruột hoặc tử cung: Lấy vỏ quả xoài cát chín nấu thành cao lỏng. Khi dùng, lấy 10 g cao hòa với 120 ml nước sôi, cách 3 giờ uống 2 thìa cà phê.

- Đau răng, lở loét chân răng: Vạt lấy một miếng vỏ cây xoài bằng 2 bàn tay, thái nhỏ, đổ 3 bát nước, đun nhỏ lửa cho đến khi còn 1 bát. Mỗi ngày ngậm (thỉnh thoảng súc cho thuốc thấm vào chân răng) 3 lần, mỗi lần 10 phút.

Hoặc: Vỏ cây xoài sao khô 3 phần, bồ kết sao khô 1 phần, quả na sao khô 1 phần. Tất cả tán mịn, trộn đều, rắc vào chỗ răng đau hoặc xát vào lợi.

- Thổ tả: Lá xoài 100 g (sao vàng), lá chanh 100 g, đổ 2 bát nước vào sắc còn 1 bát, sau đó cho vào 10 ml rượu bạc hà (hoặc thêm 50 g lá bạc hà vào nấu chung), uống nóng, từng hớp một.

- Rong kinh và khí hư: Vỏ quả xoài chín 30 g, sắc uống hằng ngày.

- Đi ngoài ra máu, lỵ mạn tính: Vỏ quả xoài chín 50 g, phơi khô, sắc uống hằng ngày.

- Trừ giun đũa: Nhân hạt xoài 20 g, hạt chanh 15 g, 2 thứ giã nát, đổ 2 bát nước, sắc còn 1 bát, uống vào sáng sớm lúc còn đói, uống liền trong 2-3 ngày.

- Làm săn da: Lá xoài tươi 50 g, giã nát, đắp mặt trong 20 phút rồi rửa mặt thật sạch.

- Rửa vết thương: Lá xoài tươi 200 g, cho vào 1 lít nước, đun sôi 10 phút, dùng để rửa vết thương.

- Ho, viêm họng: Lá xoài tươi 200 g, cho vào 1 lít nước, đun nhỏ lửa cho sôi 15 phút, sau đó bắc xuống, dùng khăn trùm kín đầu để xông. Khi xông nhớ há miệng để đưa hơi vào cổ họng. Làm mỗi ngày 1 lần.

Lưu ý:

- Thịt quả xoài có tác dụng lợi tiểu, chữa hoại huyết, nhưng nếu ăn nhiều sẽ nóng.

- Mủ xoài có chất độc gây nôn mửa, tiêu chảy, viêm da.

BS Đỗ Văn Sơn, Sức Khỏe & Đời Sống