(Webtretho) Để giờ ăn của con không trở thành một cuộc chiến tranh, bạn hãy tham khảo 5 quy tắc vàng sau:
Quy tắc 1: Thời gian là tất cả
- Ảnh: Parenting
Thời gian cho mỗi bữa ăn của trẻ quan trọng hơn bạn nghĩ. Bạn thường cho rằng khoảng thời gian giữa các bữa ăn càng dài, bé sẽ càng thèm ăn hơn; nhưng thực tế là khoảng thời gian này không nên quá dài như với người lớn, hoặc bị kéo dài một cách không nhất quán. Bạn hãy cố gắng cho con ăn đúng giờ, cứ sau mỗi hai đến ba giờ thì cho ăn lại.
Chẳng hạn nếu con bạn ăn sáng lúc 6 giờ sáng, uống sữa lúc 9 giờ sáng, ăn trưa vào lúc 11h30, uống sữa lúc 2 giờ chiều thì sẽ cần ăn tối vào khoảng 4 rưỡi hoặc 5 giờ chiều. Nếu bạn để bữa tối của con đến tận 6 rưỡi tối, khi tất cả mọi người trong nhà cùng ngồi vào bàn ăn, thì việc này hầu như sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp đâu vì lúc này cảm giác ngon miệng của trẻ đã qua lâu rồi, và sự mệt mỏi đã hiện diện trong tâm trí trẻ.
Mẹo nhỏ cho bạn: một số cha mẹ cho biết, họ đã thành công khi cho con ăn bữa chính vào thời điểm của cữ sữa chiều, khi bé đang đói và thực sự muốn được ăn.
Quy tắc 2: Ngồi vào bàn và không phiền nhiễu
Bữa ăn của con nên diễn ra tại bàn ăn, và không có bất kỳ món đồ chơi nào được bày ra, không xem TV, để bé có thể tập trung vào “công việc” của mình. Nếu bạn để con vừa ăn vừa xem TV thì bé sẽ không biết mình đang ăn những gì và sẽ bỏ lỡ việc tìm hiểu về các loại thực phẩm mà mình đang thưởng thức; không chỉ vậy, khi bị xao lãng, bé cũng sẽ không chú ý tới những tín hiệu của cơ thể về đói hay no nữa. Việc vừa ăn uống vừa chạy chơi, và mẹ phải chạy theo bón từng thìa cũng sẽ tạo nên thói quen ăn uống xấu và làm con bạn ngày càng có nguy cơ bị thiếu hụt dinh dưỡng cũng như thiếu hợp tác, ỷ lại vào mỗi bữa ăn.
Do vậy: hãy cho con ngồi ngay ngắn tại bàn ăn, vào đúng giờ mỗi ngày để tạo cho bé thói quen tốt nhé bạn!
- Ảnh: Getty images
Quy tắc 3: Hãy thử một cái gì đó mới
Một số đứa trẻ sẽ “bỏ chạy” khi lần đầu nhìn thấy một loại thực phẩm mới, một số bé thì lại rất lo lắng. Và để giúp con vượt qua sự căng thẳng này để thử một món mới, bạn hãy thử các bước đơn giản sau:
1. Để con chạm vào và cảm nhận thực phẩm;
2. Khuyến khích con ngửi mùi hoặc liếm thức ăn;
3. Cắt một miếng nhỏ xíu và cho bé ăn thử trước;
4. Khuyến khích trẻ bốc và cắn thử món ăn.
Các bước trên được thực hiện trong một vài bữa ăn hoặc vài ngày sẽ giúp làm giảm sự lo lắng khi trẻ nhìn thấy một cái gì đó mới. Con của bạn sẽ quen thuộc với các loại thực phẩm và tự tin để cố gắng hơn.
Quy tắc 4: Không nên ép ăn
Dạ dày của trẻ nhỏ có kích thước chỉ bằng khoảng nắm tay của mình nên sẽ đầy lên một cách nhanh chóng. Đây là lý do tại sao đồ ăn nhẹ giữa các bữa ăn chính cần lành mạnh, dễ tiêu để vừa cung cấp một chế độ ăn uống cân bằng, vừa giúp dạ dày bé nhanh trống chỗ để nạp tiếp món mới vào bữa chính. Và cũng vì lý do kích thước đó mà việc bạn luôn muốn con phải ăn hết khẩu phần rồi mới được kết thúc bữa ăn không phải là một chiến thuật tuyệt vời.
Nếu con bạn thường xuyên tìm cách tránh ăn tối thì bạn cũng cần suy nghĩ, tính toán lại khẩu phần bữa tối phù hợp cho con. Nếu con bạn mới ăn có nửa khẩu phần thôi nhưng đã tỏ ra no rồi, bạn hãy hỏi xem bé có thể ăn thêm một miếng cuối cùng nữa không và sau đó tốt nhất cho bé kết thúc bữa ăn. Nếu con còn quá no vì những thứ đã ăn quá gần bữa ăn tối, quá mệt, hoặc chỉ đơn giản là từ chối ăn bữa ăn, bạn hãy đồng ý cho trẻ ngừng ăn, cũng có thể giải thích thêm một chút về bữa ăn mới với các món ngon hấp dẫn. Nếu trẻ quyết định thử một lần nữa, bạn hãy chỉ lấy một nửa phần ăn đó và hâm nóng lại.
Khẩu vị có thể liên quan đến sự tăng trưởng, vì thế, nếu bé ngon miệng thì dù chỉ ăn được ít thôi cũng giúp việc hấp thu dinh dưỡng diễn ra tốt hơn.
Quy tắc 5: Đừng hối lộ bằng thực phẩm
- Ảnh: Parenting
Bạn nên lưu ý để không rơi vào cái bẫy: “Nếu ăn xong chén cơm/cháo này, con sẽ được ăn kem!” Việc làm này có nghĩa là con bạn sẽ mong đợi một món ngọt sau bữa ăn, và bé ăn chỉ để được ăn kem mà thôi. Không chỉ thế, cách nói của bạn còn vô tình làm cho món kem kia trở nên hấp dẫn hơn nhiều so với bữa ăn của bé, bé sẽ trở nên gắn bó với những thứ đồ ngọt này và dần dà sẽ nghiện đồ ngọt.
Nếu con bạn còn bé, hãy dùng chính các loại thực phẩm trên đĩa / chén của chúng để diễn giải cùng những trò chơi với màu sắc; nếu bé lớn hơn, bạn có thể nói nhanh về vấn đề con sẽ chạy nhanh hơn hoặc sẽ cao lớn ra sao khi ăn các món ăn này. Và sau đó, như một phần thưởng, bạn có thể hứa sẽ cùng con chơi một trò chơi thú vị vào buổi tối hoặc đọc câu chuyện yêu thích của bé.