Lưu trữ cho từ khóa: quy bản

Trị sỏi thận bằng bài thuốc nam

Tôi xin hỏi về cách trị bệnh sỏi thận bằng các bài thuốc đông y?

Câu hỏi của bạn không cung cấp cho tôi những thông tin cụ thể về bệnh trạng. Đành cung cấp cho bạn những thông tin chung nhất.

Sỏi đường tiết niệu nói chung, sỏi thận nói riêng là căn bệnh không hiếm gặp ở nước ta. Một trong những nguyên nhân là thói quen uống ít nước, hay nhịn tiểu, bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu… Sỏi nhỏ có thể tự bị đào thải theo nước tiểu.

Bệnh này khi biến chứng khá nguy hiểm vì dễ dẫn đến suy thận mãn tính. Có nhiều loại sỏi thận phụ thuộc vào thành phần hóa học có hoặc không có can xi và sỏi thận nằm ở nhiều vụ trí khác nhau như đài thận, bể thận, niệu quản hay bàng quang.

Triệu chứng của bệnh này là đau, tức vùng thắt lưng, cơn đau quặn thận, tiểu ra máu, tiểu buốt, tiểu rắt, nước tiểu đục…

Theo đông y, sỏi thận được chia làm các thể và chữa tùy theo từng thể bệnh.

Thể thấp nhiệt: biểu hiện người trì trệ, nước tiểu vàng hoặc đỏ, tiểu đục có cặn, đau nhiều, tức vùng thắt lưng.

Có hai bài thuốc là: 1. Kim tiền thảo 30g, quả dành dành 20g, vỏ núc nác 16g, hoa, lá mã đề 20g, xương bồ 8g, mộc thông 12g, tỳ giải 30g, cam thảo đất 16g, ý dĩ nhân 20g, quế chi 4g.

Cách dùng: Nếu tươi, tất cả rửa sạch, thái nhỏ, sao vàng, hạ thổ; nếu đã khô thì để nguyên, cho vào ấm đất với 4 bát nước, đun nhỏ lửa, còn 2 bát, chắt ra, cho nước sắc tiếp, mỗi lần lấy 1,5 bát, trộn chung cả 3 lần, chia uống nhiều lần trong ngày.

Uống liên tục 2 - 3 tháng. 2. Mộc thông 12g, biển súc 12g, sa tiền tử 12g, hoạt thạch 12g, cù mạch 12g, sơn chi tử 12g, đại hoàng 8g, cam thảo 6g. Cách dùng: cũng giống như bài 1.

Thể thận hư: ngoài các biểu hiện như thể thấp nhiệt thì người bệnh còn mệt mỏi, đau lưng, mỏi gối, ù tai, ngại vận động. Người bệnh là nam giới có thể di tinh, mộng tinh. Còn là nữ thì hay rối loạn kinh nguyệt.

Người ta thường dùng bài thuốc Tơ hồng (sao vàng) 30g, tỳ giải 30g, thổ phục linh 20g, mã đề 16g, hoài sơn (sao vàng) 30g, liên nhục 20g, thạch vĩ 12g, quy bản 10g. Cách dùng: tương tự như hai bài thuốc trên.

Điều quan trọng là phải phòng bệnh tái phát bằng cách uống nhiều nước, ăn nhiều rau, hoa quả tươi, tập thể dục đều đặn, tránh các loại đồ ăn có thể gây đọng can xi. Nếu có biểu hiện bệnh thì cần đi khám sớm để điều trị kịp thời.

Meo.vn (Theo Tienphong)

Trị chứng tinh loãng bằng Đông y

Tinh loãng là cách gọi trong dân gian chỉ hiện tượng: trong tinh dịch không có tinh trùng; số lượng tinh trùng ít, mật độ tinh trùng giảm; chất lượng tinh trùng kém.

Lương y Huyên Thảo (Hà Nội) cho biết: Theo Đông y nguyên nhân dẫn tới chứng tinh loãng có thể do bẩm sinh, cơ quan sinh dục không hoàn thiện, tinh hoàn có khuyết tật, sinh hoạt tình dục không tiết chế, thường thủ dâm, làm việc quá sức, ăn uống không đầy đủ. Chữa trị bệnh này theo Đông y có thể mang lại hiệu quả cao nhưng phải được sự hướng dẫn theo dõi sát sao của thầy thuốc giàu kinh nghiệm.

Bài 1: Ôn thận ích tinh thang

Thành phần: Ngũ vị tử 10g, thỏ ty tử 15g, câu kỷ tử 15g, thục địa 20g, sơn dược 20g, sơn thù nhục 10g, đẳng sâm 12g, bạch truật 10g, phục linh 12g, tiên linh tỳ 12g, ba kích 12g, nhục thung dung 12g, lộc giác giao 12g, phụ tử 10g, nhục quế 6g, chích cam thảo 6g.

Cách dùng: Sắc nước uống trong ngày. Liên tục 20 ngày (1 liệu trình), nghỉ 5 ngày rồi tiếp tục liệu trình khác.

Tác dụng: Bổ thận trợ dương, ích khí điền tinh. Dùng chữa cho nam giới vô sinh do tinh loãng, thể “Thận dương bất túc, tinh khí suy thiểu”. Những biểu hiện: Lượng tinh dịch ít, trong, loãng, lạnh hoặc trong tinh dịch có những cục đông đặc, ham muốn tình dục giảm, có thể kèm theo những triệu chứng toàn thân như ghét lạnh, ngón chân ngón tay lạnh, sắc mặt nhợt nhạt, tinh thần uể oải, ăn ít, tiêu hóa kém, lưng đau, gối mỏi, lưỡi bệu, chất lưỡi nhạt, mạch chìm nhỏ yếu.

Bài 2: Tư âm ích khí điền tinh thang

Thành phần: Thục địa 15g, sinh địa 15g, sơn dược 20g, sơn thù nhục 15g, đan bì 10g, đẳng sâm 12g, mạch môn 15g, thiên môn 15g, quy bản 15g, hà thủ ô chế 20g, hải cẩu thận 1 đôi, câu kỷ tử 15g.

Cách dùng: Sắc nước uống theo  từng liệu trình 20 ngày.

Tác dụng: Bổ âm, ích khí, tăng tinh dịch… Dùng chữa nam giới vô sinh do tinh loãng, thể: “Thận âm bất túc, tinh khí suy thiểu” với những biểu hiện chính: Lượång tinh dịch ít và đặc, ham muốn tình dục bình thường hoặc cao hơn bình thườâng nhưng lưng, gối đau mỏi, tinh thần uể oải, người mệt mỏi, khó tập trung tư tưởng, hay quên, có thể kèm theo chứng choáng đầu hoa mắt, miệng khô họng háo, buồn phiền mất ngủ, tóc rụng nhiều, răng lung lay, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít, mạch nhỏ, nhanh.

Bài 3: Hoạt huyết trục ứ thông tinh thang

Thành phần: Đương quy 12g, sinh địa 15g, đào nhân 10g, hồng hoa 10g, xuyên khung 10g, ngưu tất 20g, chỉ xác 10g, thỏ ty tử 15g, câu kỷ tử 15g, tiên mao 15g, tiên linh tỳ 15g, cam thảo 6g, tạo giác thích 6g.

Cách dùng: Sắc nước uống trong ngày, theo từng liệu trình 15 ngày.

Tác dụng: Hoạt huyết hóa ứ, kiêm bổ thận điền tinh, sơ thông tinh lô. Dùng chữa nam giới vô sinh do loãng tinh, thể: “Huyết ứ trở trệ, thận tinh bất thông”, với những biểu hiện chính: Tinh dịch đặc, lượng tinh trùng giảm nhiều; thường kèm theo triệu chứng như: tính tình trầm mặc, dễ nổi giận, vùng ngực có cảm giác đầy tức khó chịu, có lúc nhói đau hoặc có cảm giác lạnh ở dương vật hoặc tinh hoàn; chất lưỡi tối, có điểm ứ huyết, mạch chìm rít.

Nhục thung dung, hà thủ ô – Ảnh: lương y Huyên Thảo cung cấp

Bài 4: Hóa đàm thông tinh thang

Thành phần: Quất hạch 12g, lệ chí hạch 12g, hải tảo 12g, côn bố 12g, xuyên luyện tử 12g, chỉ xác 10g, mẫu lệ 30g, miếp giáp 30g, quy bản 20g, ngưu tất 15g, hà thủ ô 30g, sài hồ 10g.

Cách dùng: Sắc nước uống trong ngày. Dùng theo từng liệu trình 15 ngày.

Tác dụng: Hóa đàm nhuyễn kiên, bổ thận thông tinh. Dùng chữa nam giới vô sinh do tinh loãng, thể: “Đàm trọc ngưng trệ, tinh lạc bất thông”, với những biểu hiện: Lượng tinh dịch ít, tinh trùng ít, kèm theo đau tức ở hai bên bụng dưới; người uể oải, chân tay nặng nề, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng nhớt mạch chìm, trơn, có trường hợp tinh hoàn sưng đau.

Theo Thanh Niên

Khôi phục sự mãnh liệt chốn phòng the

Dù muốn hay không, đến một độ tuổi nào đó khó ai có thể tránh khỏi tình trạng suy giảm tình dục. Lúc này, ta trở nên dửng dưng với chuyện 'chăn gối', sự khoái cảm cũng không còn mãnh liệt như thời trai trẻ.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Nhiều khi cơ thể còn xuất hiện kèm theo các triệu chứng xuống sức một cách vô cớ, lưng đau gối mỏi, đầu choáng mắt hoa, tai ù tai điếc, tay chân lạnh lẽo, sức làm việc giảm sút...

Trong y học cổ truyền, trạng thái này được chia làm nhiều thể bệnh khác nhau nhưng chủ yếu là thuộc phạm vi Thận dương hư nhược với phương pháp điều trị là phải làm ôn ấm tạng thận bằng các thuốc có tác dụng bổ khí, bổ dương, trong đó không thể thiếu vai trò của nhân sâm.

Nhưng cách dùng vị thuốc quý giá này như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất thì không phải ai cũng tường tận.

Cách 1: Nhân sâm, nhung hươu, nhục quế mỗi vị 6g; kỳ tử, thục địa, sơn thù nhục, ba kích, dương khởi thạch mỗi vị 10g; hoàng kỳ 30g, dâm dương hoắc 15g, cam thảo (sao) 3g. Nhân sâm và nhung hươu sấy khô tán bột, chia uống 2 lần sáng chiều với nước ấm; các vị thuốc khác cho vào sắc kĩ lấy nước cốt, chia uống 2 lần trong ngày.

Đây là một nghiệm phương cận đại, có công dụng bổ thận ích tinh, thích hợp cho những người suy giảm tình dục kèm theo triệu chứng như tai ù, sức nghe giảm, hay hoa mắt chóng mặt, dễ mệt mỏi, sắc mặt nhợt, lưng đau gối mỏi...

Cách 2: Nhân sâm, nhục quế, bạch dược, cam thảo sao, hoàng kỳ, đương quy, xuyên khung, bạch truật, bạch linh, thục địa, liều lượng mỗi vị bằng nhau. Tất cả đem sấy khô tán bột, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày uống 15g, chia làm hai lần khi bụng đói với nước sắc của 2 quả đại táo và 3 lát gừng tươi.

Đây là một cổ phương có công dụng ích khí dưỡng huyết, ôn dương bổ tinh, dùng thích hợp cho người bị suy giảm tình dục có các triệu chứng như mất sức, sắc mặt nhợt nhạt, hay có cảm giác khó thở, hoa mắt chóng mặt, dễ hồi hộp, ăn kém, đại tiện lỏng loãng...

Cách 3: Nhân sâm, bạch linh, bạch nhược, nhục quế, bạch truật, ngũ gia bì mỗi vị 30g, cam thảo sao 15g, bào khương 6g. Tất cả sấy khô tán bột, dựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g khi bụng đói với nước sắc đại táo 3 quả và gừng tươi 2 lát. Đây là cổ phương được ghi trong sách Thái bình thánh huệ phương.

Công dụng: Ích khí ôn trung, dùng thích hợp cho những người bị suy giảm tình dục có kèm theo các triệu chứng mệt mỏi do lao lực quá độ, lưng gối đau mỏi, tứ chi gầy yếu, hay đau bụng dưới, ngủ kém, hay mê mộng...

Cách 4: Nhân sâm, nhung hươu, ba kích, phúc bồn tử, dâm dương hoắc mỗi vị 50g. Tất cả sấy khô tán bột, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g với nước muối nhạt.

Công dụng: Bổ thận trợ dương, dùng cho người bị suy giảm tình dục có kèm theo các triệu chứng lưng gối đau mỏi, đầu choáng mắt hoa, tinh thần bạc nhược, sắc mặt trắng nhợt, sợ lạnh, chân tay lạnh lẽo, ăn kém, đại tiện lỏng loãng...

Cách 5: Nhân sâm 30g, viễn chí, sinh toan táo nhân, đương quy, bạch thược mỗi vị 60g, bạch linh, thỏ ty tử mỗi vị 120g; thạch xương bồ 50g; bạch truật, hoài sơn, thần khúc mỗi vị 90g; quất hồng 40g; sa nhân 75g, sài hồ 15g, cam thảo sao 10g. Tất cả sấy khô tán bột, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày uống hai lần, mỗi lần 10g với nước ấm khi bụng đói.

Đây là một cổ phương được ghi trong sách Biện chứng lục, có công dụng dưỡng tâm tiện kỳ, bổ ích khí huyết, cố thận khí, dùng thích hợp cho người bị suy giảm tình dục có kèm theo các triệu chứng như tảo tiết hoặc di tinh, đầu choáng mắt hoa, mệt như mất sức, hay hồi hộp trống ngực, có cảm giác khó thở, ăn kém, mất ngủ...

Cách 6: Nhân sâm, nhung hươu mỗi vị 50g; thục địa quy bản mỗi vị 300g; hà thủ ô chế, đỗ trọng mỗi vị 200g, tử hà xa 250g, dâm dương hoắc 100g. Tất cả sấy khô tán bột, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 5g khi bụng đói với nước sôi để nguội.

Công dụng: Tráng dương tư thận, bổ khí dưỡng huyết, dùng thích hợp cho người bị suy giảm tình dục cho người có kèm theo các triệu trứng lưng đau gối mỏi, tinh dịch loãng, đầu choáng mắt hoa, tinh thần mỏi mệt, di tinh, liệt dương...

Cách 7: Nhân sâm 3g, chim sẻ 2 con, phúc bồn tử, thỏ ty tử, kỳ tử mỗi vị 10g; ngũ vị tử 5g, gạo tẻ 100g, gừng tươi và gia vị vừa đủ. Chim sẻ làm thịt bỏ lông và nội tạng, đem nấu với gạo và gừng tươi thành cháo; các vị thuốc khác sấy khô tán thành bột rồi hoà với cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Đây là một bài thuốc dân gian có công dụng tráng dương bổ thận, trong đó có chim sẻ có công năng tráng dương và nâng cao năng lực tình dục; nhân sâm, phúc bồn tử, thỏ ty tử, ngũ vị tử và kỳ tử có tác dụng bổ thận ích tinh. Công thức này rất thích hợp cho những người bị suy giảm tình dục có kèm theo các triệu chứng mệt mỏi nhiều, lưng gối đau mỏi, đầu choáng mắt hoa, xuất tinh sớm...

Lưu ý: Tất cả các công thức này chỉ nên dùng cho người bị suy giảm tình dục thuộc thể Thận dương hư nhược, còn với thể Thận âm hư nhược biểu hiện bằng các triệu chứng như môi khô miệng khát, lòng bàn tay, bàn chân nóng, trong ngực bồn chồn không yên, đại tiện táo kiết, tiểu tiện vàng đỏ... thì không được dùng.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống

Đông y chữa bệnh gout (Thống phong)

Thống phong là bệnh xảy ra đột ngột, diễn ra nhanh, sưng hoặc đau hoặc sưng đau dữ dội, thường cố định ở một vài điểm tại cốt tiết, xương tủy. Bệnh thường phát sinh ở tứ chi làm bệnh nhân khó vận động, bệnh gặp ở nam giới nhiều, ít gặp ở nữ giới. Y học hiện đại gọi là bệnh gút.

Nếu đau nhiều, đốt xương sưng đau thì gọi là: “Lịch tiết phong” hoặc “Thống phong lịch tiết”.

Nếu đau dữ dội như bị cắn xé, nhức nhối, đau nhiều về đêm gọi là: “Bạch hổ thống phong”.

Nguyên nhân chủ yếu do thận âm và thận dương đều bị khuy tổn, cốt tủy không được nuôi dưỡng đầy đủ, công năng chủ thủy cũng bị ảnh hưởng, khả năng vận hành, điều tiết thủy dịch trong cơ thể bị suy giảm, đồng thời công năng khí hóa của thận và bàng quang không được thực hiện, dịch độc không được bài tiết ứ đọng lại trong cơ thể khi gặp ngoại tà mà gây ra bệnh. Thường gặp hai loại chứng trạng phối hợp sau:

Nguyên nhân do phần âm, phần huyết hư suy, huyết nhiệt, cốt tiết chứa thủy ẩm khi thời tiết thay đổi, ẩm thấp nhiều làm cho tà khí: phong, thấp xâm nhập nhân lúc chính khí hư yếu, tấu lý sơ hở, tà khí thừa cơ xâm nhập vào cốt tiết, lưu lại ở cơ, xương khớp làm cho khí huyết không vận hành được mà gây ra.

Nguyên nhân do đàm thấp ứ trệ khi thời tiết thay đổi, ẩm thấp nhiều làm cho tà khí: hàn, thấp nhân lúc chính khí hư yếu, tấu lý sơ hở, tà khí thừa cơ xâm nhập vào cốt tiết, lưu lại ở cơ, xương khớp làm cho khí huyết càng bị ứ trệ không vận hành được mà gây ra sưng, đau. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một số bài thuốc Đông y chữa chứng thống phong tùy theo từng thể bệnh để bạn đọc tham khảo:

Thể lịch tiết phong

Triệu chứng: Sưng đau nhiều khớp ở chân hoặc tay, đau cố định, đối xứng, sưng đau nhanh, đau dữ dội không đi, đứng được, người gầy, da nóng, rêu lưỡi vàng khô, mạch phù sác.

Phương pháp điều trị: Tư bổ can thận chỉ thống.

Bài thuốc: Quy bản 4 lạng, tri mẫu 1 lạng, thục địa 2 lạng, trần bì 2 lạng, bạch thược 2 lạng, tỏa dương 1,5 lạng, hoàng bá 50g, can khương 50g, hổ cốt 100g.

- Cách dùng: Hoàng bá tửu sao, quy bản tửu chích, tri mẫu sao, hổ cốt chích. Các vị trên (trừ thục địa) tán mịn, thục địa chưng, nghiền tinh trộn đều với bột thuốc, tửu hồ hoàn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 15-20g.

Châm cứu

- Tại chỗ: Châm các huyệt xung quanh vị trí đau (a thị huyệt).

- Toàn thân: Châm bổ các huyệt: thận du, can du, tam âm giao, mệnh môn, phong trì, huyết hải, túc tam lý.

Thể bạch hổ thống phong

Triệu chứng: Sưng to, nóng, đỏ, đau nhiều ở một hoặc 2 khớp chân hoặc tay có khi cả đầu gối, đau cố định, đối xứng, sưng đau tăng nhanh, đau dữ dội không đi, đứng được, người béo, rêu lưỡi trắng, mạch hoạt sác.

Phương pháp điều trị: Tiêu đàm, hóa thấp, tư bổ can thận chỉ thống.

Bài thuốc: Khương hoạt 3 tiền, uy linh tiên 3 tiền, quế chi 3 tiền, hồng hoa 2 tiền, thần khúc 1 lạng, xuyên khung 1 lạng, đào nhân 1 lạng, long đởm thảo 1 lạng, phòng kỷ 1 lạng, bạch chỉ 1 lạng, hoàng bá 2 lạng, thương truật 2 lạng, nam tinh 2 lạng.

- Cách dùng: Hoàng bá tửu sao, thương truật tẩm nước gạo, nam tinh chế gừng, thần khúc sao, đào nhân bỏ vỏ và đầu nhọn, uy linh tiên tẩm rượu. Tất cả các vị trên sao giòn tán mạt, di đường và hồ hoàn viên. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 15-20g.

Châm cứu

- Tại chỗ: Châm các huyệt xung quanh vị trí đau.

- Toàn thân: Châm bổ các huyệt: thận du, can du, huyết hải, mệnh môn, túc tam lý.

Cứu huyệt hoặc ôn châm các huyệt túc tam lý, tâm âm giao.

Phòng bệnh

Kiêng không ăn thịt: chó, trâu, bò, gà, ngan và các loại phủ tạng, không uống rượu, bia, không ăn những thứ cay nóng. Tránh bùn đất, gió lạnh và khi thời tiết thay đổi. Lao động nhẹ nhàng, nghỉ ngơi, luyện tập đều đặn.

Theo suckhoedoisong

Những phương thuốc bí truyền chữa bệnh tăng huyết áp

Theo quan niệm của y học cổ truyền (Đông y), tăng huyết áp là hội chứng thuộc phạm vi các chứng huyễn vựng (chóng mặt, hoa mắt), đầu thống (nhức đầu), thất miên (mất ngủ)...

Tăng huyết áp có thể do nhiều nguyên nhân như: xơ mỡ động mạch, bệnh thận, tiền mãn kinh,...

Những thể tăng huyết áp theo Đông y

Theo lương y Nguyễn Công Đức (khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM), Đông y quan niệm bệnh tăng huyết áp có những thể sau: thể can thận hư; thể âm hư hỏa vượng; thể tâm tỳ hư, thể đàm thấp.

Thể âm hư hỏa vượng thường gặp ở người trẻ và phụ nữ lúc 'giao thời' - thời điểm tiền mãn kinh. Triệu chứng biểu hiện thường là: hoa mắt, chóng mặt, ù tai, miệng khô, đắng, ít ngủ, mạch huyền sác (mạch nhanh, cứng) và hay cáu gắt...

Nếu trường hợp bệnh thiên về âm hư, thì những triệu chứng sẽ là: chóng mặt, hoa mắt, hồi hộp, mất ngủ, hay quên, lòng bàn tay bàn chân nóng, mạch huyền tế sác (mạch cứng, nhỏ, nhanh).

Còn nếu thiên về hỏa vượng, thì sẽ bị đau đầu dữ dội, mắt đỏ, táo bón, họng khô, đầu lưỡi đỏ, mạch huyền sác hữu lực (mạch nhanh, mạnh). Còn tăng huyết áp thể can thận hư hay gặp ở người lớn tuổi, bị xơ cứng động mạch, triệu chứng biểu hiện thường là: nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, ù tai, hoảng hốt, ít ngủ, hay mê, lưng đau, gối mỏi, miệng khô, mặt đỏ, mạch huyền tế sác (nếu bệnh thiên về âm hư).

Nếu bệnh thiên về dương hư, sẽ có những triệu chứng: sắc mặt trắng, lưng, chân, gối yếu mềm, đi tiểu nhiều, liệt dương, di mộng tinh, mạch trầm tế (mạch chìm, nhỏ). Tăng huyết áp thể tâm tỳ hư hay gặp ở người già có kèm theo bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng mãn tính. Triệu chứng biểu hiện thường thấy: sắc mặt trắng, da khô, mệt mỏi, ít ngủ, ăn uống kém, thường đi tiêu phân lỏng, đầu choáng, mắt hoa, rêu lưỡi nhợt... Nếu mắc bệnh ở thể đàm thấp (thể này thường gặp ở những người béo phệ, nghiện thuốc lá, uống rượu nhiều, cholesterol máu cao...), triệu chứng biểu hiện: ngực tức, tim đập mạnh, khó thở, hồi hộp, chân, tay tê, đầu nhức căng, chóng mặt, hoa mắt, ăn ngủ kém...

Cổ phương và bí phương chữa trị

Theo lương y Nguyễn Công Đức, để chữa các thể bệnh tăng huyết áp, Đông y có những phương thuốc cổ phương, bí truyền (bí phương), hay thuốc nam, hoặc kết hợp châm cứu... Nếu bệnh ở thể âm hư hỏa vượng, thì phép chữa sẽ là tư âm tiềm dương. Bài thuốc cổ phương cho trường hợp này có tên Thiên ma câu đằng ẩm, gồm các vị thuốc: thiên ma, chi tử (mỗi vị 8gr), bạch linh, đỗ trọng, ngưu tất, hoàng cầm (mỗi loại 12gr), câu đằng, tang ký sinh, dạ giao đằng, ích mẫu (mỗi thứ 16gr) và 20gr thạch thuyết minh (vỏ bào ngư). Tất cả đem sắc uống mỗi ngày một thang. Tùy trường hợp, nếu nhức đầu nhiều thì thêm vào vị thuốc cúc hoa 12gr. Nếu khó ngủ thì thêm táo nhân 20gr và bá tử nhân 12gr. Nếu bệnh thể âm hư hỏa vượng mà thiên về âm hư, thì bài thuốc dùng thích hợp gồm những vị: trạch tả, bạch linh, đơn bì (mỗi vị 12gr), sơn thù, hoài sơn (mỗi vị 16gr), kỷ tử, cúc hoa (20gr mỗi vị) và 32gr thục địa. Đem sắc uống mỗi ngày một thang. Đặc biệt ở bệnh tăng huyết áp thể âm hư hỏa vượng, Đông y còn có bí phương hiệu nghiệm đó là bài Kỷ cúc địa hoàng gia giảm, gồm các vị thuốc: kỷ tử, cúc hoa, sơn thù, đơn bì (mỗi loại 10gr), hoài sơn, quy bản (mỗi loại 16gr), thục địa, đơn sâm (mỗi loại 20gr) và 30gr mẫu lệ. Tất cả đem sắc uống mỗi ngày một thang.

Nếu tăng huyết áp thể can thận hư, phép chữa bổ can thận âm (nếu âm hư) và ôn dưỡng can thận (nếu dương hư). Phương thuốc cổ phương chữa trị trong trường hợp can thận âm hư là dùng bài thuốc: thục địa 32gr, hoài sơn, sơn thù (16gr mỗi loại), bạch linh, trạch tả, đơn bì (mỗi loại 12gr), đương quy, bạch thược (mỗi loại 8gr). Nếu là can thận dương hư, thì cũng với bài thuốc như trên, nhưng gia thêm các vị, ba kích, ích trí nhân, thỏ ty tử (mỗi thứ 12gr) và 16gr đỗ trọng. Và bí phương ở thể này gồm có bài Nhất quán tiên gia giảm, với những vị thuốc: sa sâm, huyền sâm, sinh địa, câu đằng, hạ khô thảo, hạn liên thảo, thạch thuyết minh, táo nhân (mỗi vị 16gr), đương quy, mạch môn, kỷ tử, cúc hoa, trần bì, nữ trinh tử (mỗi vị 10gr) và 6gr xuyên luyện tử. Sắc uống ngày một thang (nếu can thận âm hư). Nếu âm dương lưỡng hư thì dùng bí phương Kim quỹ thận khí hoàn gia giảm, với các vị: 32gr thục địa, 20gr câu đằng, cùng sơn thù, hoài sơn, hải tảo, cúc hoa, tiên liên bì, đan sâm, xuyên khung (mỗi vị 16gr), bạch linh, đơn bì, trạch tả (mỗi vị 12gr) và 4gr nhục quế. Sắc uống ngày một thang.

Trường hợp tăng huyết áp thể tâm tỳ hư, thì cổ phương có bài Quy tỳ thang gia giảm, gồm: đảng sâm, bạch truật, hoa hòe, tang ký sinh, táo nhân, long nhãn, ngưu tất (mỗi loại 12gr), hoàng cầm, viễn chí, mộc hương, đương quy (mỗi loại 8gr). Sắc uống ngày một thang. Và bí phương trong trường hợp này là bài Ôn dương giáng áp, gồm: thái tử sâm, đan sâm, bạch linh (mỗi vị 20gr), hoàng kỳ, phụ tử chế, tiên linh bì, bá tử nhân, trạch tả, táo nhân (mỗi vị 16gr), đào nhân, sinh khương (mỗi vị 10gr) và 6gr quế chi. Sắc uống mỗi ngày một thang.

Còn tăng huyết áp thể đàm thấp, thì bài cổ phương, gồm: thiên ma, câu đằng, ngưu tất, hoa hòe, ý dĩ (mỗi vị 16gr), bán hạ, bạch truật (mỗi vị 12gr), trần bì, bạch linh (mỗi vị 8gr) và 6gr cam thảo. Sắc uống ngày một thang. Bí phương trong trường hợp này là bài Giả quyết thất vị thang, với các vị: hoàng kỳ, đại giả thạch (mỗi vị 30gr), đảng sâm, bạch linh (mỗi vị 16gr), bạch truật, cam thảo (mỗi vị 10gr), 24gr thảo thuyết minh, 12gr bán hạ, 8gr trần bì. Sắc uống mỗi ngày một thang.  Với những cổ phương và bí phương trên, mỗi đợt trị liệu thường là khoảng 2 tuần.

T.T (Theo Thanh niên)

Ngó sen, bổ huyết, cầm máu

Ngó sen có tên thuốc là liên ngẫu. Dùng riêng, ngó sen 2-3 khúc, rửa sạch, cắt miếng, giã dập, sắc với 400ml nước còn 100ml, thêm ít mật ong, uống nóng, chữa thổ huyết. Trường hợp chảy máu cam, lấy ngó sen tươi (có thể thêm lá hẹ với lượng bằng nhau) rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống và nhỏ vào lỗ mũi, máu sẽ cầm ngay (Nam dược thần hiệu).

Ngó sen.

Dùng phối hợp trong những trường hợp sau

Chữa ho ra máu: Ngó sen 20g, bách hợp hoặc lá trắc bá 20g, cỏ nhọ nồi 10g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày. Hoặc ngó sen 30g thái mỏng cho vào 1 bát cùng với bột tam thất 3g và trứng gà 1 quả. Đánh đều thêm nửa bát nước, hấp cách thủy cho chín mà ăn.

Chữa nôn ra máu, kinh nguyệt không đều: Ngó sen 20g, củ gấu 12g (rang cháy hết rễ và lông). Hai thứ tán nhỏ, rây bột trộn với mật ong hoặc nước đường làm viên bằng hạt đỗ xanh. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 50 viên với nước ấm.

Chữa tiểu tiện ra máu: Ngó sen 12g, sinh địa 20g, hoạt thạch 16g, tiểu kế, mộc thông, bồ hoàng sao, đạm trúc diệp, sơn chi tử, mỗi vị 12g; chích cam thảo, đương quy, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa rong huyết: Ngó sen 12g; quy bản 24g, mẫu lệ 20g, sinh địa 16g, hoàng cầm, a giao, sơn chi tử, địa du, mỗi vị 12g; địa cốt bì 10g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa sốt xuất huyết: Ngó sen, rau má mỗi vị 30g, mã đề 20g. Tất cả để tươi sắc uống trong ngày.

Chữa băng huyết: Ngó sen sao, tam lăng, nga truật, huyết dụ, bồ hoàng sao, mỗi vị 8g; bách thảo sương 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Ngoài ra, ngó sen 30g, củ sinh địa 30g rửa sạch, giã nát, ép lấy nước cốt, thêm ít muối và dịch quả chanh, uống chữa chứng nóng trong, cồn cào, tiểu buốt. Ngó sen tươi 150g nấu với gạo nếp 50g thành cháo, thêm ít đường, ăn để bổ tỳ vị, giúp tiêu hóa, chống mệt mỏi, mất ngủ, miệng khô, háo khát. Ngó sen phơi khô 6-12g, sắc uống là thuốc giải độc rượu.          

DS. Hữu Bảo

(suckhoe&doisong)