Nhà tâm lý lâm sàng Trần Thị Hồng Nhi, bệnh viện FV, chia sẻ bí quyết hiểu tâm lý trẻ theo từng giai đoạn để giúp trẻ ăn ngon
Làm thế nào để trẻ ăn ngon – ăn vui?
“Khá nhiều bé có biểu đồ phát triển cân nặng và chiều cao hoàn toàn bình thường nhưng vẫn được cha mẹ đưa đi khám dinh dưỡng và khám tâm lý thường xuyên vì cho rằng bé mắc chứng lười ăn hay bị suy dinh dưỡng. Vậy là phụ huynh có ‘bệnh’ chứ không phải trẻ!” – Nhà tâm lý lâm sàng Trần Thị Hồng Nhi chia sẻ một cái nhìn mới về việc kết hợp liệu pháp tâm lý trong điều trị chứng biếng ăn ở trẻ nhỏ tại Bệnh viên FV.
Chuyện ăn của cha mẹ ảnh hưởng tới con thế nào?
Có một thực tế là nhiều cha mẹ chỉ tầm thước nhưng cứ mong con cao bằng hoặc cao hơn các bạn cùng lứa nên dẫn trẻ đi khám dinh dưỡng liên tục (dù rằng chỉ số chiều cao của trẻ hoàn toàn bình thường). Đó là “bệnh” của cha mẹ. Có cha mẹ thì lại tổ chức bữa ăn cho trẻ dựa trên những trải nghiệm ăn uống của chính mình, cứ ép con ăn món ăn mình thích. Chuyên gia Hồng Nhi, bệnh viện FV, nhấn mạnh: “Thức ăn cung cấp dưỡng chất để trẻ lớn lên, và thức ăn cũng đóng vai trò quan trọng trong phát triển tâm lý và vai trò xã hội của trẻ. Cha mẹ rất nên can thiệp và giúp trẻ xây dựng thái độ tích cực với ăn uống. Tuy nhiên, trước hết, cần xác định những vấn đề trẻ gặp phải trong ăn uống là vấn đề của trẻ hay của chính phụ huynh.”
Bác sĩ Hồng Nhi khoa tâm lý lâm sàn bệnh viện FV (Pháp Việt) (Ảnh do bệnh viện FV cung cấp)
Rất ít trẻ ăn đúng như những gì cha mẹ muốn. Về cơ bản, trẻ từ 1 – 3 tuổi không hiểu khái niệm thức ăn tốt như người lớn. Trẻ có thể “phiên dịch” đồ ăn tốt là đồ ăn mẹ của bạn hàng xóm nấu và đang đút cho bạn ấy ăn. Trẻ cũng không phân biệt được cảm giác no đói mà thường ăn theo “tình cảm” nhiều hơn, như ăn nhiều hơn khi đua với bạn, hoặc không ăn vì không thích màu sắc… Phản ứng của trẻ với các bữa ăn và các loại thực phẩm cũng thay đổi theo từng giai đoạn, nhưng đều có điểm chung là chúng đều muốn ăn uống tự do, chán ăn cơm nhưng lại thích ăn gà rán, khoai tây chiên và kẹo…
Khi nào nên cho trẻ gặp khó khăn trong ăn uống gặp chuyên gia tâm lý
• Khi trẻ không đạt chuẩn về chiều cao, cân nặng, trẻ ăn quá lâu, quấy khóc nhiều, quậy phá nhiều khi đến giờ ăn.
• Khi không khí bữa ăn quá nặng nề và cha mẹ cảm thấy hoàn toàn bất lực với chứng biếng ăn ở trẻ.
|
Có nên cho trẻ ăn theo ý mình?
Ăn uống không chỉ là đơn thuần cho thức ăn vào miệng. Có thể thấy ở trẻ nhỏ, ăn uống và tình cảm không tách rời, và nguyên nhân của việc ăn uống khó khăn của trẻ đôi khi là do những vấn đề về mặt tình cảm, tâm lý.
Vậy trong “cuộc chiến” tại bàn ăn, đâu là quyền bính của cha mẹ để giúp trẻ “ăn ngon”, đâu là giới hạn sự tự do của trẻ để trẻ “ăn vui”? Nhà tâm lý lâm sàng Hồng Nhi giới thiệu một vài tư vấn riêng đang áp dụng tại Bệnh viện FV:
- Cha mẹ quyết định trẻ ăn gì (chọn những món có giá trị dinh dưỡng cho trẻ), còn trẻ sẽ tự quyết ăn bao nhiêu.
- Cha mẹ chuẩn bị một thực đơn duy nhất cho cả nhà trong mỗi bữa ăn (khi trẻ đã đủ tuổi ngồi ăn chung với người lớn). Điều này sẽ giúp trẻ hiểu rằng gia đình, và sau này là xã hội có những quy tắc, quy định và trẻ cần tôn trọng những giá trị này. Tuy nhiên, đối với những món trẻ cương quyết không ăn, cha mẹ có thể đề nghị trẻ nếm thử 1 miếng, nếu vẫn không thích thì có quyền không ăn món đó.
Bác sĩ Hồng Nhi đang tư vấn cho một thai phụ về tâm lý trẻ theo từng giai đoạn để giúp trẻ ăn ngon (Ảnh do bệnh viện FV cung cấp)
Ngoài ra, để xây dựng thái độ tích cực với việc ăn uống và giúp trẻ “ăn vui”, chuyên gia Hồng Nhi bệnh viện FV khuyên cha mẹ nên:
- Cho trẻ đi chợ, cùng tìm hiểu các loại thực phẩm và cùng nấu nướng: trẻ sẽ thích thú khi khám phá một con cá đang bơi khác với đĩa cá đã chế biến thế nào…
- Giúp con đánh thức khẩu vị: khuyến khích trẻ nếm và mô tả đồ ăn bằng giác quan (nhìn thấy đẹp, sờ thấy mềm, ngửi thấy thơm, nếm thấy ngọt…); không nên để con dùng từ “Thích” hay “Không thích” khi mô tả về một món ăn mới.
- Duy trì bữa cơm gia đình đầm ấm và nhẹ nhàng bằng các “trò chơi”: ví dụ đố bé đoán xem nhai món này sẽ xảy ra điều gì trong miệng, hoặc đố bé tìm được hạt của quả nho trong miệng…
Cha mẹ đặc biệt cần tránh dùng món ăn này làm phần thưởng cho món ăn khác, chẳng hạn hứa với bé ăn hết chén cơm sẽ thưởng đùi gà rán, điều này sẽ càng làm trẻ hiểu sai khái niệm “đồ ăn tốt”. Tránh “ăn cho mẹ vui”, “ăn rồi mẹ thương” vì trẻ sẽ nhầm lẫn cảm giác muốn ăn và muốn được cưng nựng.
“Không có em bé hoàn hảo như trong quảng cáo, và trẻ ăn ngon ăn vui không có nghĩa là phải ăn nhiều, ăn cho cả bố mẹ,” chuyên gia Hồng Nhi bệnh viện FVtổng kết về phương pháp của mình.
Nhà Tâm lý lâm sàng Trần Thị Hồng Nhi tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý lâm sàng và bệnh lý tại trường Đại Học Bretagne Occidentale, Pháp vào năm 2008. Hiện cô là nhà chuyên môn phụ trách toàn bộ các ca tâm lý lâm sàng tại Bệnh viện FV, đồng thời là giảng viên tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Đại học Quốc tế, thuộc khối Đại học Quốc Gia.
|