Lưu trữ cho từ khóa: Quả nho

Cùng bệnh viện FV “giúp con ăn ngon ăn vui”

Nhà tâm lý lâm sàng Trần Thị Hồng Nhi, bệnh viện FV, chia sẻ bí quyết hiểu tâm lý trẻ theo từng giai đoạn để giúp trẻ ăn ngon

Làm thế nào để trẻ ăn ngon – ăn vui?

“Khá nhiều bé có biểu đồ phát triển cân nặng và chiều cao hoàn toàn bình thường nhưng vẫn được cha mẹ đưa đi khám dinh dưỡng và khám tâm lý thường xuyên vì cho rằng bé mắc chứng lười ăn hay bị suy dinh dưỡng. Vậy là phụ huynh có ‘bệnh’ chứ không phải trẻ!” – Nhà tâm lý lâm sàng Trần Thị Hồng Nhi chia sẻ một cái nhìn mới về việc kết hợp liệu pháp tâm lý trong điều trị chứng biếng ăn ở trẻ nhỏ tại Bệnh viên FV.

Chuyện ăn của cha mẹ ảnh hưởng tới con thế nào?

Có một thực tế là nhiều cha mẹ chỉ tầm thước nhưng cứ mong con cao bằng hoặc cao hơn các bạn cùng lứa nên dẫn trẻ đi khám dinh dưỡng liên tục (dù rằng chỉ số chiều cao của trẻ hoàn toàn bình thường). Đó là “bệnh” của cha mẹ. Có cha mẹ thì lại tổ chức bữa ăn cho trẻ dựa trên những trải nghiệm ăn uống của chính mình, cứ ép con ăn món ăn mình thích. Chuyên gia Hồng Nhi, bệnh viện FV, nhấn mạnh: “Thức ăn cung cấp dưỡng chất để trẻ lớn lên, và thức ăn cũng đóng vai trò quan trọng trong phát triển tâm lý và vai trò xã hội của trẻ. Cha mẹ rất nên can thiệp và giúp trẻ xây dựng thái độ tích cực với ăn uống. Tuy nhiên, trước hết, cần xác định những vấn đề trẻ gặp phải trong ăn uống là vấn đề của trẻ hay của chính phụ huynh.”

Bác sĩ Hồng Nhi khoa tâm lý lâm sàn bệnh viện FV (Pháp Việt) (Ảnh do bệnh viện FV cung cấp)

Rất ít trẻ ăn đúng như những gì cha mẹ muốn. Về cơ bản, trẻ từ 1 – 3 tuổi không hiểu khái niệm thức ăn tốt như người lớn. Trẻ có thể “phiên dịch” đồ ăn tốt là đồ ăn mẹ của bạn hàng xóm nấu và đang đút cho bạn ấy ăn. Trẻ cũng không phân biệt được cảm giác no đói mà thường ăn theo “tình cảm” nhiều hơn, như ăn nhiều hơn khi đua với bạn, hoặc không ăn vì không thích màu sắc… Phản ứng của trẻ với các bữa ăn và các loại thực phẩm cũng thay đổi theo từng giai đoạn, nhưng đều có điểm chung là chúng đều muốn ăn uống tự do, chán ăn cơm nhưng lại thích ăn gà rán, khoai tây chiên và kẹo…

Khi nào nên cho trẻ gặp khó khăn trong ăn uống gặp chuyên gia tâm lý

• Khi trẻ không đạt chuẩn về chiều cao, cân nặng, trẻ ăn quá lâu, quấy khóc nhiều, quậy phá nhiều khi đến giờ ăn.

• Khi không khí bữa ăn quá nặng nề và cha mẹ cảm thấy hoàn toàn bất lực với chứng biếng ăn ở trẻ.

Có nên cho trẻ ăn theo ý mình?

Ăn uống không chỉ là đơn thuần cho thức ăn vào miệng. Có thể thấy ở trẻ nhỏ, ăn uống và tình cảm không tách rời, và nguyên nhân của việc ăn uống khó khăn của trẻ đôi khi là do những vấn đề về mặt tình cảm, tâm lý.

Vậy trong “cuộc chiến” tại bàn ăn, đâu là quyền bính của cha mẹ để giúp trẻ “ăn ngon”, đâu là giới hạn sự tự do của trẻ để trẻ “ăn vui”? Nhà tâm lý lâm sàng Hồng Nhi giới thiệu một vài tư vấn riêng đang áp dụng tại Bệnh viện FV:

- Cha mẹ quyết định trẻ ăn gì (chọn những món có giá trị dinh dưỡng cho trẻ), còn trẻ sẽ tự quyết ăn bao nhiêu.

- Cha mẹ chuẩn bị một thực đơn duy nhất cho cả nhà trong mỗi bữa ăn (khi trẻ đã đủ tuổi ngồi ăn chung với người lớn). Điều này sẽ giúp trẻ hiểu rằng gia đình, và sau này là xã hội có những quy tắc, quy định và trẻ cần tôn trọng những giá trị này. Tuy nhiên, đối với những món trẻ cương quyết không ăn, cha mẹ có thể đề nghị trẻ nếm thử 1 miếng, nếu vẫn không thích thì có quyền không ăn món đó.

Bác sĩ Hồng Nhi đang tư vấn cho một thai phụ về tâm lý trẻ theo từng giai đoạn để giúp trẻ ăn ngon (Ảnh do bệnh viện FV cung cấp)

Ngoài ra, để xây dựng thái độ tích cực với việc ăn uống và giúp trẻ “ăn vui”, chuyên gia Hồng Nhi bệnh viện FV khuyên cha mẹ nên:

- Cho trẻ đi chợ, cùng tìm hiểu các loại thực phẩm và cùng nấu nướng: trẻ sẽ thích thú khi khám phá một con cá đang bơi khác với đĩa cá đã chế biến thế nào…

- Giúp con đánh thức khẩu vị: khuyến khích trẻ nếm và mô tả đồ ăn bằng giác quan (nhìn thấy đẹp, sờ thấy mềm, ngửi thấy thơm, nếm thấy ngọt…); không nên để con dùng từ “Thích” hay “Không thích” khi mô tả về một món ăn mới.

- Duy trì bữa cơm gia đình đầm ấm và nhẹ nhàng bằng các “trò chơi”: ví dụ đố bé đoán xem nhai món này sẽ xảy ra điều gì trong miệng, hoặc đố bé tìm được hạt của quả nho trong miệng…

Cha mẹ đặc biệt cần tránh dùng món ăn này làm phần thưởng cho món ăn khác, chẳng hạn hứa với bé ăn hết chén cơm sẽ thưởng đùi gà rán, điều này sẽ càng làm trẻ hiểu sai khái niệm “đồ ăn tốt”. Tránh “ăn cho mẹ vui”, “ăn rồi mẹ thương” vì trẻ sẽ nhầm lẫn cảm giác muốn ăn và muốn được cưng nựng.

“Không có em bé hoàn hảo như trong quảng cáo, và trẻ ăn ngon ăn vui không có nghĩa là phải ăn nhiều, ăn cho cả bố mẹ,” chuyên gia Hồng Nhi bệnh viện FVtổng kết về phương pháp của mình.

Nhà Tâm lý lâm sàng Trần Thị Hồng Nhi tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý lâm sàng và bệnh lý tại trường Đại Học Bretagne Occidentale, Pháp vào năm 2008. Hiện cô là nhà chuyên môn phụ trách toàn bộ các ca tâm lý lâm sàng tại Bệnh viện FV, đồng thời là giảng viên tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Đại học Quốc tế, thuộc khối Đại học Quốc Gia.

Lợi ích dinh dưỡng của hạt nho

Ông Phil Lampert, chuyên gia thực phẩm nổi tiếng ở Mỹ, cho biết: “Thành phần có ích của hạt nho chính là proanthocyanidin.

Các cuộc nghiên cứu được thực hiện từ thập niên 1950 đã cho thấy hạt nho có một loạt lợi ích cho sức khỏe, đáng kể nhất là vai trò một chất chống ôxy hóa kiêm chất khử gốc tự do cực mạnh, cũng như khả năng giảm cao huyết áp và cholesterol. Trong vai trò chất chống ôxy hóa, proanthocyanidin đã được chứng minh hiệu quả hơn 20 lần so với vitamin C và 50 lần so với vitamin E”.

Proanthocyanidin cũng có lợi cho hệ mạch do chúng củng cố các thành mạch máu. “Điều này giúp giảm nguy cơ vỡ mao quản vốn có thể khiến chúng ta dễ bị thâm tím quá mức. Việc cải thiện tính nguyên vẹn của mạch máu cũng giúp cho mạch bơm máu hiệu quả và giảm chứng chảy ngược, chứng giãn tĩnh mạch và phình mạch”, ông nói.

Ngoài ra, theo chuyên gia trên, nhờ khả năng kháng viêm, proanthocyanidin có thể được sử dụng để chữa bệnh hen suyễn, viêm khớp, tổn thương và sưng khớp, đồng thời có thể giảm tính chất nghiêm trọng của các chứng dị ứng.

Chuyên gia Lampert đưa ra lời khuyên: hãy ăn nho có hạt, hoặc mua nước ép nho hoặc dầu hạt nho nguyên chất 100%.

(Theo Phụ nữ online)

Nho – phương thuốc tốt chống bệnh cao huyết áp

Các nhà nghiên cứu thuộc Viện tim mạch của trường Đại học Michigan, Mỹ cho biết ăn nho có thể giúp bảo vệ tim chống lại bệnh huyết áp cao – hậu quả của chế độ ăn quá mặn – và làm giảm các bệnh về tim mạch.

(Ảnh: Internet)

Việc thử nghiệm đã được tiến hành trên một số loài động vật gặm nhấm, tất cả đều được áp dụng một chế độ ăn nhiều muối để tạo điều kiện cho bệnh tim mạch xuất hiện. Tuy nhiên, chỉ một nhóm được cho ăn thêm bột tổng hợp các loại nho (xanh, đỏ và đen), còn nhóm còn lại được dùng thuốc chống huyết áp cao.

Kết quả thử nghiệm cho thấy, huyết áp của nhóm ăn bột nho giảm hơn so với nhóm kia, đồng thời tim cũng hoạt động tốt hơn và nhất là ít bị tổn thương hệ tim mạch.

Trong khi đó, nhóm còn lại dùng thuốc chống huyết áp cao cũng hạn chế được bệnh nhưng bị nhiều tổn thương hệ tim mạch hơn nhóm ăn bột nho.

Theo tiến sĩ Steve Bolling, chuyên gia về tim mạch của trường Đại học Michigan, kết quả này đã chứng minh rằng nho – giống như các loại rau và quả khác – có nhiều tác dụng, nhất là khả năng làm giảm nguy cơ huyết áp cao.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy trong tất cả các phần của quả nho (vỏ, phần thịt và hạt) đều có flavonoide, một chất chống oxy hóa và có khả năng giảm huyết áp.

Tiến sĩ Bolling cho biết: “Những động vật trong công trình nghiên cứu này, cũng giống như trường hợp của rất nhiều người, bị suy tim do bệnh huyết áp cao – hậu quả của chế độ ăn quá mặn”.

Ông khuyên rằng những người mắc bệnh huyết áp cao và các bệnh về tim mạch nên kết hợp việc ăn nhiều nho với các thuốc điều trị cũ./.

KH&CH/Vietnam+

Món ăn cho người bệnh thống phong

Vì bệnh thống phong (bệnh gút) có liên quan chuyển hóa, nên người bệnh cần coi trọng việc ăn uống - dùng nhiều thức ăn kiềm tính, uống nhiều nước để thải acid uric ra ngoài, không dùng thức ăn giàu purine.

Dưới đây là một số món thích hợp cho người bệnh thống phong:

Cháo nho: Nho tươi 30g, rửa sạch. Gạo 50g, vo sạch đem nấu cháo, khi cháo gần chín, thì cho nho vào ninh (nấu) đến chín nhừ thì dùng. Quả nho giúp chữa phong thấp đau gân cốt, lợi thủy, vừa là trái cây kiềm tính, không chứa purine, và có lợi cho việc bài ra acid uric.

Bí rợ - bột bắp: Bí rợ 200g, bỏ hột, rửa sạch, thái lát mỏng, cho vào nồi thêm nước nấu sôi, rồi cho vào bột bắp 100g, nấu thành dạng hồ thì dùng. Bí rợ kiềm tính, bắp không chứa purine, người bệnh thống phong kèm béo phì càng thích hợp dùng lâu dài.


Khoai tây

Khoai tây xào chay: Khoai tây 200g, gọt vỏ rửa sạch thái lát, cho vào chảo có ít dầu để xào, nêm nếm gia vị, rưới ít nước cho chín đều. Khoai tây là rau củ kiềm tính, chứa nhiều muối kali giúp kiềm hóa acid uric.

Cà tím hấp: Cà tím (cà dái dê) 250g, rửa sạch bổ làm đôi, đặt vào tô đưa trong lò hấp chín, sau khi nêm thêm nước tương, dầu mè, tỏi xay thì dùng. Cà tím là thức ăn kiềm tính, hầu như không chứa purine, còn có công hiệu lợi tiểu.


Củ cải

Cháo củ cải: Củ cải tươi vừa đủ, rửa sạch thái nhuyễn. Gạo 100g, vo sạch cho vào nồi, thêm nước nấu chín phân nửa, đổ củ cải vào nấu cháo. Dùng sáng và chiều, lúc cháo nóng ấm.


Cà rốt

Cháo cà rốt: Cà rốt tươi 50g, rửa sạch thái lát. Gạo 100g, vo sạch cho vào nồi đổ nước nấu sôi, thêm vào cà rốt, tiếp tục ninh chín thì dùng.

Cháo rau cần: Rau cần 50g, rửa sạch thái nhuyễn. Gạo 100g, vo sạch cho vào nồi đổ nước nấu sôi, thêm vào rau cần, tiếp tục ninh chín thì dùng. Dùng sáng và chiều. Rau cần không chứa purine, thúc đẩy cơ thể bài ra chất bã, lọc sạch máu, có ích đối với người bệnh có acid uric máu cao.

Cháo hạt dẻ: Hạt dẻ vừa đủ, bỏ vỏ, phơi khô xay bột, mỗi lần dùng 30g. Nếp 50g, vo sạch cho vào nồi đổ nước nấu khi gần chín tới thì thêm bột hạt dẻ vào, ninh tiếp đến chín, dùng sáng và chiều.

Cháo dâu tằm: Dâu tằm 12g, rửa sạch cho vào nồi đổ nước nấu lấy cốt, cùng với 50g gạo đã vo sạch, đổ nước ninh cháo. Ăn vào mỗi sáng và bữa chiều, lúc cháo còn ấm.

Gỏi cà rốt: Cà rốt 250g, rửa sạch, thái sợi. Dùng nước mắm, giấm, ít dầu mè để trộn với cà rốt để dùng. Cà rốt là rau kiềm tính, hành phong khí, khu tà nhiệt, hơn nữa chứa purine rất ít.


Dưa leo - Ảnh: K.Vy

Dưa hấu chứa nhiều nước và muối kali, nhất là với người bệnh thống phong thời kỳ cấp tính có acid uric quá cao, đặc biệt thích hợp cho người bệnh cấp tính dùng vào mùa nóng, giúp bài acid uric ra ngoài một cách hiệu quả.

Trái lê kiềm tính, nhiều nước, căn bản không chứa purine, thích hợp dùng cho người bệnh thống phong thời cấp tính.

Dưa leo vừa đủ, rửa sạch ăn sống. Dưa leo là thức ăn kiềm tính, giúp bài ra acid uric dư thừa.

Meo.vn (Theo TNO)

Quả nho giúp ngừa bệnh tiểu đường

Resveratrol, một hợp chất chống ô-xy hóa có trong quả nho, dâu tằm và đậu phộng, có thể giúp ngừa bệnh tiểu đường.


Đó là kết quả nghiên cứu trên loài chuột của các nhà khoa học thuộc Đại học Alberta (Canada), theo hãng tin ANI. Các nhà khoa học Jason Dyck và Sandra Davidge phát hiện ra rằng, bổ sung chất resveratrol cho thế hệ con của những con chuột trong phòng thí nghiệm sau khi được cai sữa, chất này thực sự ngăn cản sự phát triển một số triệu chứng của bệnh tiểu đường.

“Mặc dù đây chỉ mới là phát hiện nghiên cứu ban đầu song nếu thí nghiệm cho kết quả ở người sẽ giúp mở ra hướng ngừa bệnh về sau ở những người có nguy cơ cao”, chuyên gia Jason Dyck nói.

Meo.vn (Theo TNO)

Quả nho giúp giảm tổn hại ở da

Các nhà khoa học thuộc Đại học Barcelona và Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha (CSIC) cho biết, một số hợp chất có trong quả nho có thể giúp bảo vệ các tế bào da khỏi những tổn hại do tia cực tím.


Theo các chuyên gia, tia cực tím tác động trên da bằng cách kích hoạt các thành phần có hại tên là ROS và từ đó tạo ra một số phản ứng và enzyme gây chết tế bào. Tuy nhiên, theo hãng tin ANI, các nhà khoa học nhận thấy rằng, một số chất chiết xuất từ nho có tên gọi là flavonoid có thể giảm việc hình thành ROS ở các tế bào biểu bì tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Meo.vn (Theo TNO)