Mâm xôi, hay còn gọi là đùm đũm, đũm hương, phúc bồn tử…, có tên khoa học là Rubus alceaefolius Poir, là loài mọc hoang rộng rãi ở khắp các tỉnh vùng núi thấp, trung du và đồng bằng. Quả, cành, lá và rễ đều được dùng để làm thuốc trong dân gian.
Theo dược học cổ truyền, mâm xôi vị ngọt chua, tính bình, có công dụng bổ can thận, sáp niệu, trợ dương, cố tinh, minh mục, thường được dùng để chữa các chứng liệt dương, di tinh, muộn con, lao lực, mắt mờ… Các y thư cổ như Biệt lục, Bản thảo cương mục… đều đã ghi lại những phương thang sử dụng mâm xôi làm thuốc với những kiến giải khá sâu sắc.
Dinh dưỡng học hiện đại cho thấy, trong quả mâm xôi có chứa các acid hữu cơ như fupenzic acid, ellagic acid, acid citric, malic, salicylic…), đường, pectin, rất giàu vitamin C, vitamin E, folate, Mg, Zn… Tác dụng dược lý của mâm xôi cũng khá phong phú như kháng khuẩn, thúc đẩy quá trình đốt cháy chất béo với vai trò của chất raspberry keton (RK) giúp ngăn ngừa béo phì và phòng chống vữa xơ động mạch, giảm nguy cơ xuất hiện các cơn đau thắt ngực do thiểu năng động mạch vành tim với vai trò của ellagic acid và salicylic, bảo hộ tế bào gan, ổn định đường huyết với vai trò của các chất xeton có trong thành phần giúp cơ thể tăng cường sản xuất adinopectin có tác dụng điều hòa đường huyết, chống ôxy hóa và quá trình lão hóa với vai trò của vitamin C, flavonoid, ellagic acid và vitamin E, tăng cường năng lực tình dục và sinh sản ở cả nam giới và nữ giới với lượng vitamin C, vitamin E, folate, Mg, Zn và đặc biệt là một chất có tác dụng tương tự hormon sinh dục nam (testosteron) thông qua việc kích thích các tế bào Leydig của tinh hoàn, phòng ngừa sỏi thận, bảo vệ và nâng cao thị lực, tăng cường năng lực miễn dịch của cơ thể, cải thiện tiêu hóa, làm đẹp da và phòng chống ung thư, đặc biệt là ung thư vòm họng và đại tràng…
Mâm xôi có thể được sử dụng dưới nhiều dạng khác nhau: Dạng tươi rửa sạch dùng như loại trái cây hoặc chế biến làm kem, yaourt, nhân mứt bánh hay làm thành nước trái cây, rượu… Dạng khô được dùng dưới dạng các bài thuốc.
Bài 1:
hải sâm 200g, thịt dê 150g, phúc bồn tử 12g, ích trí nhân 12g, nhục quế 6g, gia vị vừa đủ. Hải sâm ngâm mềm, rửa sạch, thái miếng nhỏ vừa, thịt dê rửa sạch, thái miếng. Trước tiên, bỏ phúc bồn tử và ích trí nhân sắc bỏ bã lấy nước rồi cho thịt dê, hải sâm và nhục quế vào đun nhỏ lửa cho đến khi nhừ thịt dê là được, nêm gia vị vừa đủ, ăn nóng. Công dụng: bổ thận ích khí, ôn dương, dùng để chữa các chứng liệt dương, di tinh, tiểu tiện nhiều lần do thận hư.
Bài 2:
chim sẻ 5 con, thỏ ty tử 30 – 45g, phúc bồn tử 10 – 15g, câu kỷ tử 20 – 30g, gạo tẻ 100g, hành, gừng và gia vị vừa đủ. Tất cả đem nấu thành cháo, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: tráng nguyên dương, bổ tinh huyết, ích can thận, ấm lưng gối, dùng thích hợp cho các trường hợp thận khí suy hư dẫn đến liệt dương, xuất tinh sớm, di tinh, lưng gối mỏi đau hoặc lạnh đau, đầu váng mắt hoa, tai ù tai điếc, di niệu, tiểu tiện nhiều lần, phụ nữ khí hư nhiều, muộn con…
Bài 3:
ba kích, phúc bồn tử, thỏ ty tử mỗi thứ 15g cho vào ngâm trong 250ml rượu gạo, sau 7 ngày có thể dùng được, uống mỗi ngày 20 – 30ml. Công dụng: bổ thận tráng dương, làm mạnh gân cốt, dùng cho các chứng liệt dương, di tinh, hoạt tinh, lưng gối yếu mỏi, lạnh đau do thận hư gây nên.
Bài 4:
nữ trinh tử, phúc bồn tử, tang thầm, câu kỷ tử, tây dương sâm, đường phèn mỗi thứ 150g, ngâm trong 1.500ml rượu gạo, bọc kín để nơi thoáng mát, sau 3 tuần có thể dùng được, mỗi tối trước khi đi ngủ uống 1 cốc nhỏ (chừng 20ml), dùng cho các trường hợp suy giảm khả năng sinh dục, suy giảm chất lượng và số lượng tinh trùng, phụ nữ âm đạo khô rát.
Bài 5
: phúc bồn tử, thỏ ty tử, kỷ tử, ngũ vị tử, xa tiền tử, lượng bằng nhau, sấy khô, tán bột, làm hoàn to bằng hạt ngô đồng. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g với nước ấm. Công dụng: chuyên trị liệt dương, di hoạt tinh, muộn con do thận hư. Đây chính là một bài thuốc cổ có tên là “Ngũ tử diễn tông hoàn”.
Bài 6:
phúc bồn tử, tang phiêu tiêu, ích trí nhân, sơn thù du, mỗi vị 12g, sắc uống mỗi ngày 1 thang. Công dụng: dùng để chữa chứng đi tiểu nhiều lần, nhất là ở người cao tuổi.
Bài 7
: phúc bồn tử, sa uyển tử, sơn thù du, khiếm thực, long cốt, liên tu, mỗi vị 12g, sắc uống mỗi ngày 1 thang. Công dụng: dùng để chữa các chứng di tinh, mộng tinh.
Một điều cần lưu ý là, mặc dù mâm xôi là một vị thuốc bổ nhưng theo ghi chép của các sách thuốc liều dùng mỗi ngày chỉ từ 10 – 30g.
ThS. Hoàng Khánh Toàn
Theo Suckhoedosiong.vn