Lưu trữ cho từ khóa: prednisolon

Tác dụng phụ của Prednisolon

Prednisolon được chỉ định chống viêm, ức chế miễn dịch trong các bệnh: viêm khớp dạng thấp, luput ban đỏ toàn thân, một số thể viêm mạch, bệnh Sarcoid, hen phế quản, viêm loét đại tràng, thiếu máu tan huyết, giảm bạch cầu hạt và những bệnh dị ứng nặng gồm cả sốc phản vệ.

Tuy nhiên, khi “kết bạn” với Prednisolon thì phải hết sức cảnh giác, bởi dù Prednisolon không hề có ý định “chơi” xấu bạn, nhưng do bản chất, nên Prednisolon có thể khiến bạn gặp phải một số phiền muộn. Ví dụ như Prednisolon có thể khiến bạn bị loãng xương; suy tuyến thượng thận; rậm lông; gây viêm loét đường tiêu hóa; phù, tăng huyết áp; đái tháo đường; yếu cơ; hội chứng Cushing; giảm kali máu.

Prednisolon cũng có thể khiến bạn bị mất ngủ, thần kinh dễ bị kích động. Và trong khi dùng Prednisolon, bạn thấy mắt nhìn mờ hay có biểu hiện khác thường thì chắc là do Prednisolon đấy, vì Prednisolon sẽ khiến bạn bị đục thủy tinh thể, bệnh glaucoma… Một điều quan trọng phải lưu ý bạn là khi đã dùng Prednisolon rồi thì hãy tránh xa các chất chống viêm không steroid nhé. Vì nếu dùng cùng một lúc, sẽ làm tăng nguy cơ loét dạ dày của bạn.

Ảnh minh họa (nguồn Internet).

Đặc biệt là khi bạn mắc bệnh tăng huyết áp thì chớ vội kết bạn với Prednisolon. Vì Prednisolon có đặc tính giữ nước khiến huyết áp của bạn không hạ xuống được dù đã uống thuốc với liều thường ngày. Do đó, nếu bạn bị bệnh này thì hãy tránh xa Prednisolon ra. Còn trong trường hợp buộc phải dùng Prednisolon thì bạn phải được bác sĩ theo dõi chặt chẽ và cho điều chỉnh thuốc hạ áp và tư vấn chế độ ăn giảm muối cho bạn thì mới mong đạt được mức huyết áp an toàn.

Kể ra thì Prednisolon cũng có nhiều “tật” thật, nhưng bạn cũng đừng nên sợ hãi quá. Bởi nếu biết dùng Prednisolon đúng và dừng “chơi” với Prednisolon một cách an toàn thì Prednisolon sẽ tạo ra các phép màu nhiệm, đặc biệt là trong các bệnh miễn dịch mà Prednisolon vừa kể ở trên. Thế nên trong suốt bao nhiêu năm nay, Prednisolon vẫn được ưu tiên lựa chọn trong điều trị các bệnh đó đấy.

(Theo Suckhoedoisong)

Prednisolon

Coi chừng béo giả tạo do dùng dexamethason

Dexamethason là một loại thuốc nhóm glucocorticoid được sử dụng trong ngành y tế với tác dụng chống viêm dị ứng. Thuốc có tác dụng điều trị rất tốt nếu dùng đúng cách, tuy nhiên, thuốc cũng có khá nhiều phản ứng có hại. Một trong những tác dụng phụ của nó là giữ muối, giữ nước, da đỏ hồng gây cảm giác béo giả tạo cho người sử dụng.

Dexamethason là thuốc tổng hợp có tác dụng tương tự như prednisolon nhưng mạnh hơn gấp 7 lần vì nó chính là fluomethylprednisolon. Thuốc này được sử dụng làm thuốc chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch. Trong thực tế lâm sàng, đây là loại thuốc được sử dụng ở nhiều chuyên khoa và có nhiều dạng thuốc sử dụng như thuốc uống, thuốc tiêm, hít hoặc bôi ngoài da... Đây là loại thuốc thường được mệnh danh là con dao hai lưỡi vì bên cạnh các tác dụng tốt trong điều trị, nó có rất nhiều tác dụng có hại. Vì vậy, thuốc này phải sử dụng rất thận trọng và tuân thủ nghiêm ngặt liều lượng quy định để tránh các tai biến nguy hiểm. Trong cộng đồng, thuốc này thường được gọi dân dã là “viên hạt mướp” hoặc viên đề-xa và nhiều nơi đã có tình trạng lạm dụng gây ra nhiều vụ việc nghiêm trọng, thậm chí đã có bệnh nhân tử vong do dùng thuốc thiếu hiểu biết trong điều trị các bệnh về khớp và dị ứng…

Tác dụng phụ nguy hiểm mà dexamethason gây ra là nó gây rối loạn điện giải, giữ natri và giữ nước, gây tăng huyết áp và tình trạng phù nề. Trong cơ thể, bình thường tuyến thượng thận cũng tiết ra dexamethason để điều hòa chuyển hoá và nội tiết. Do đó, nếu lạm dụng thuốc này sẽ gây cho người dùng thuốc hội chứng Cushing (mặt bệnh nhân bị biến dạng tròn như mặt trăng), ức chế hoạt động, làm teo tuyến thượng thận, làm loãng xương, hoại tử xương, gây xốp xương dẫn đến gãy xương bệnh lý, làm nứt đốt sống. Dùng kéo dài loại thuốc này còn có nguy cơ loét dạ dày, thủng dạ dày, viêm tụy cấp. Thuốc cũng gây teo da, ban đỏ, bầm máu và rậm lông… Nhiều bệnh nhân khi sử dụng thuốc này đã ghi nhận được những triệu chứng trên ở mức độ rất trầm trọng và không hồi phục được. Trong các bệnh viện, dexamethason được quản lý chặt chẽ và có hướng dẫn cụ thể về cách dùng và liều lượng dùng tùy theo độ tuổi. Tại nhiều bệnh viện cũng đã tiếp nhận không ít các trường hợp lạm dụng dexamethason bị phản ứng có hại rất nghiêm trọng, trong đó có những trẻ em bị tử vong một cách thương tâm do gia đình đã cho trẻ uống thuốc này không theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc.

Lợi dụng tác dụng làm béo ra (mập, lên cân) của dexamethason mà một số thầy lang đã cho thuốc này vào các thang thuốc Đông y để đánh lừa người dùng là thuốc làm mập, thuốc làm tăng cân. Việc cho thuốc dexamethason dùng cho đối tượng trẻ em lại càng nguy hiểm gấp bội vì thuốc sẽ gây ra những tác hại khó lường đối với sự phát triển của trẻ. Trong khi đó cần lưu ý rằng, đây là loại thuốc đã và đang bị lạm dụng ở nhiều nơi. Cần phải cảnh báo trong cộng đồng những tác dụng có hại của nhóm thuốc corticoid nói chung và dexamethason nói riêng để mọi người không những tránh lạm dụng thuốc này mà còn phải cảnh giác với các thang thuốc Đông y hoặc thực phẩm bị trộn trái phép thêm các loại thuốc Tây gây ra hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

 

ThS. Lê Quốc Anh

Meo.vn (Theo SK & ĐS)

Cách phòng tránh bệnh quai bị ở trẻ vào mùa lạnh

Tôi nghe nói vào mùa lạnh trẻ em thường hay bị bệnh quai bị.

Và bệnh này thường gây nhiều biến chứng cho trẻ. Vậy xin bác sĩ cho biết làm cách nào để phòng tránh và điều trị cho trẻ.


Trả lời:

Bệnh do virút có tên khoa học là Paramyxovirút gây nên, bệnh chỉ xuất hiện ở người, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, nhất là trẻ từ 6 - 10 tuổi.

Bệnh thường phát vào mùa đông xuân, khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh, đặc biệt là là thời gian giáp Tết. Bệnh xuất hiện ở những nơi đông người như: nhà trẻ, trường học, ký túc xá, khu tập thể...

Bệnh lây lan chủ yếu qua đường hô hấp do nước bọt bị nhiễm trùng khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi. Bệnh có thể lây cho người tiếp xúc ở một tuần trước khi tuyến mang tai sưng và kéo dài 2 tuần sau khi thấy sưng tuyến mang tai.

Về triệu chứng, sau thời gian ủ bệnh từ 15 - 21 ngày, virút phát triển ở niêm mạc miệng, sau đó xâm nhập vào máu gây viêm các cơ quan.

Viêm tuyến mang tai là thể điển hình nhất. Trẻ sốt 38 – 39oC, nhức đầu, mệt mỏi, ăn ngủ kém. Viêm và sưng tuyến mang tai, da căng phồng lên, không đỏ, đau, miệng khô và khó nuốt. Thường 4 - 5 ngày sau thì hết sốt, sưng đau giảm dần và khỏi.

Bệnh quai bị ở người lớn thường nặng và có nhiều biến chứng hơn ở trẻ em. Có thể có các biến chứng sau viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn, biến chứng này thường xảy ra sau đợt viêm tuyến mang tai thì xuất hiện tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh căng phù như một sợi dây thừng, tình trạng viêm và sốt có thể kéo dài, có khoảng 1/3 trường hợp dẫn đến teo tinh hoàn và có thể dẫn đến tình trạng vô sinh sau này.

Viêm buồng trứng ở bé gái thường gặp ở tuổi dậy thì, ít để lại di chứng vô sinh. Biến chứng viêm tụy là một biểu hiện nặng của quai bị, bệnh nhân bị đau bụng nhiều, ói, có khi tụt huyết áp.

Về điều trị, hiện nay quai bị chưa có thuốc đặc trị, mà chủ yếu là điều trị triệu chứng và nâng đỡ cơ thể.

Nằm nghỉ tuyệt khi có sưng tinh hoàn. Cần cách ly bệnh nhân ít nhất 10 - 15 ngày từ khi phát hiện bệnh. Vệ sinh răng miệng, ăn lỏng, giảm đau và hạ sốt bằng paracetamol.

Trường hợp viêm tinh hoàn, cần mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau và dùng corticoid liều cao ngay từ đầu, thường dùng prednisolon 60mg/ngày, sau đó giảm dần trong 7 - 10 ngày.

Về phòng bệnh, điều trước tiên là người bệnh phải được cách ly tại nhà, không đi học, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, khi tiếp xúc phải mang khẩu trang. Thời gian cách ly người bệnh trong khoảng 10 ngày kể từ khi bắt đầu sưng tuyến mang tai.

Ngày nay thường được tiêm phòng để tạo miễn dịch chủ động như dùng vắc-xin Trimovax hay MMR, vắc-xin không nên tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi, tuy nhiên nếu trẻ sống trong môi trường dịch bệnh, có thể tiêm ngừa từ 9 tháng tuổi.

Không tiêm cho phụ nữ có thai, người bị dị ứng với vắc-xin, người đang dùng thuốc gây giảm miễn dịch như: corticoid, thuốc điều trị ung thư, người đang điều trị với tia phóng xạ…

Theo Bệnh viện Hồng Ngọc

Meo.vn (Theo alobacsi)

Sử dụng thuốc dạng phun sao cho an toàn?

Vào mùa đông, các bệnh về đường hô hấp dễ phát sinh và phát triển, đặc biệt là bệnh hen phế quản hay còn gọi là hen suyễn. Cũng vì lẽ đó mà ngành tân dược đã bào chế một loại thuốc ở dạng phun rất tiện lợi và hiệu quả cho việc trị liệu các cơn hen dễ xảy ra vào ban đêm trong những ngày đông giá rét.

Dùng thuốc dạng phun sẽ cho hiệu lực tốt hơn mà không gây tác dụng phụ như thuốc uống. Thuốc có nhiều ưu điểm như khi dùng ngoài các hoạt chất sẽ không thấm sâu vào bên trong mà trực tiếp có tác dụng ngay tại chỗ. Ở một số loại, thuốc có tác dụng sâu vào bên trong (hít thuốc vào phổi) hay toàn thân (phun vào miệng mũi dưới lưỡi, thuốc đi theo mao mạch mà không qua đường tiêu hóa). Nhờ giới hạn tác dụng tại chỗ (khi dùng ngoài) và không đi qua đường tiêu hóa (khi vào bộ phận sâu hay vào mao mạch), mặt khác lại ở dạng các tiểu phân rất nhỏ nên thuốc có tác dụng nhanh và mạnh. Hay khi dùng salbutamol dưới dạng phun mù (ventolin) thì các tiểu phân salbutamol sẽ gắn ngay lên niêm mạc phế quản, làm giảm cơn co thắt phế quản, cắt cơn hen nhanh chóng hơn khi uống salbutamol viên nén. Như vậy, chỉ cần dùng một liều nhỏ hơn uống hay tiêm, không gây độc cấp hay mạn. Hoặc để phòng hen, dùng corticoid uống như prednisolon mỗi ngày 5mg lâu dài thì sẽ bị ứ muối, nước, làm béo giả, nặng hơn thuốc có thể gây suy thận. Nhưng khi dùng corticoid dạng phun (fluticason mỗi ngày) lâu dài cho hiệu lực tốt hơn mà không bị các tác dụng phụ như nêu trên; song lại dễ dàng tạo ra liều ổn định (chỉ việc ấn vào nút bấm ở van) mà không cần một dụng cụ phân liều nào khác; luôn luôn bảo quản trong vỏ kín, nên giữ được tính vô khuẩn như khi mới sản xuất.

Chúng ta đều biết rằng, thuốc dạng phun mù còn gọi là khí dung (aerosol) hiện có khá nhiều. Chẳng hạn như thuốc cắt cơn hen chứa salbutamol (ventolin hay butoven aerosol doseur), kiểm soát hen chứa corticoid (fluticason, budenosid) hay chứa corticoid hít + salmeterol hít (seretide). Thuốc chữa nhiễm khuẩn da chứa oxytetraxyclin hydrocortison (oxycort).

Bình xịt gồm có vỏ đựng bằng nhôm, thép không gỉ, chịu được áp lực cao để chứa các chất đẩy và hoạt chất. Van bịt kín bình có 2 dạng đó là dạng phun liên tiếp khi bấm nút, chỉ hết phun khi bấm lại và dạng van định liều chỉ phun ra một liều định sẵn cho mỗi lần phun (gọi nhát phun). Chất đẩy là loại khí nén hay khí hóa lỏng có khả năng tạo ra áp suất cao.

Hoạt chất là các chất rắn hay dung dịch lỏng, nhũ tương, hỗn dịch được chế tạo bằng kỹ thuật đặc biệt để có các tiểu phân rất nhỏ. Khi bấm vào đầu van, dưới áp lực của khí đẩy, hoạt chất sẽ phun ra giống như làn sương hay bụi mù nên gọi là dạng thuốc phun mù, phun sương.

Tùy theo đầu phun (còn gọi miệng phun hay nút bấm) mà dạng thuốc phun ra có thể mềm như thuốc mỡ, bột nhão, bọt xốp, lỏng, rắn. Cố nhiên đầu phun sẽ có hình dạng thích hợp với bộ phận cơ thể cần tiếp nhận thuốc như miệng, mũi, tai, họng.

Tuy nhiên, để thuốc đạt hiệu quả tốt nhất, cần tuân thủ một số nguyên tắc như người bệnh cần được hướng dẫn kỹ trước khi dùng. Vì với dạng thuốc hít vào phổi, nếu dùng không đúng cách, thuốc sẽ không hấp thu đầy đủ, không phát huy hiệu lực. Người bệnh nên tập hít vài lần cho đến lúc hít mà không thấy bụi mù (thuốc) bay lên trên bình thuốc mà đi hết vào phổi là được.

BS. Hoàng Thanh Sơn