Lưu trữ cho từ khóa: phục thần

Hồng táo bổ khí, dưỡng huyết

Hồng táo là quả phơi hay sấy khô của cây táo tàu. Hồng táo có màu đỏ để phân biệt với loại táo màu đen gọi là đại táo. Trong “Thần nông bản thảo kinh” nói: “Cửu phục khinh thân diên niên”, có nghĩa là ăn táo nhiều làm cho cơ thể thanh thoát, khoẻ mạnh sống lâu. Dưới đây xin giới thiệu một số bài thuốc, món ăn có sử dụng hồng táo.

Hồng táo hầm thịt thỏ: Hồng táo 15 quả, thịt thỏ 200g. Cho hồng táo, thịt thỏ vào nồi hầm chín, cũng có thể cho vào nồi đất hầm nhừ, cho gia vị vừa đủ, rồi ăn. Tác dụng: Bổ khí dưỡng huyết, thích hợp với người mắc bệnh ban xuất huyết chảy máu.

Cháo dưỡng tâm:

Nhân sâm 10g, hồng táo 10 quả, mạch đông 10g, gạo nếp 100g, phục thần 10g, đường đen vừa đủ. Cho sâm, táo, mạch đông, phục thần vào nồi nấu lấy nước, cho gạo nếp vào nấu thành cháo sau đó cho lượng đường đen vừa đủ là được. Tác dụng: Dưỡng huyết bổ tim, thích hợp với người bị suy lao do tâm huyết hư.

Cháo đan sâm hồng táo: Đan sâm 30g, gạo nếp 50g, hồng táo 3 quả, đường đỏ 50g. Đan sâm cho nước vào nấu canh, chắt bã sau đó cho gạo nếp, hồng táo và đường đem nấu thành cháo, ăn nóng hoặc ấm, ngày 2 lần, 1 liệu trình là 10 ngày, cách 3 ngày lại uống. Tác dụng: Hoạt huyết khứ ứ, phù hợp với người bị bệnh mạch vành.

Hồng táo lạc nhân: Hồng táo 50g, lạc nhân 100g, đường cát đỏ 50g. Rửa sạch hồng táo, ngâm bằng nước ấm; lạc nhân luộc qua một chút, để nguội bóc vỏ; cho hồng táo và vỏ lạc vào nồi nấu, cho thêm ít nước lạnh, đun nhỏ lửa khoảng 30 phút, vớt vỏ lạc nhân ra, cho đường cát đỏ vào, đợi đường tan hết là được. Tác dụng: Bổ tỳ sinh huyết, phù hợp với người bị thiếu máu do thiếu sắt.

Hồng táo xào hạt dê, thịt gà: Hồng táo 15 quả, hạt dẻ 150g, gà 1 con. Gà làm sạch, thái gà thành miếng xào lửa to, cho thêm ít gia vị và nước đun đến khi gà chín cho hồng táo, hạt dẻ vào om nhừ rồi ăn. Tác dụng: Bổ tỳ thận, phù hợp với người khí suy do huyết áp thấp.

Lương y: Hoài Vũ

Phòng và trị chứng mất ngủ

Theo y học cổ truyền, mất ngủ nhiều liên hệ đến tạng tâm và thận. Cũng từ đó, việc điều trị thường liên quan đến hai tạng này. Về thuốc theo YHCT chia làm 4 thể: âm hư hỏa vượng, đàm thấp, tâm đởm khí hư và tâm tỳ lưỡng hư.

Các bài thuốc cổ phương

Thể âm hư hỏa vượng:

Triệu chứng: miệng khô khát, người bứt rứt khó ngủ hay quên, hồi hộp, tiểu đêm, ù tai, hoa mắt, đi cầu hay bón, tiểu vàng. Mạch tế sác, chất lưỡi đỏ.
Phép trị: tư âm, thanh hỏa.

Bài thuốc: Thiên vương bổ tâm đơn: nhân sâm 12g, đơn sâm 10g, huyền sâm 10g, bá tử nhân 10g, phục linh 12g, đương quy 12g, kiết cánh 8g, mạch môn 12g, thiên môn 10g, ngũ vị 4g, sinh địa 20g, viễn chí 10g, táo nhân (sao đen) 10g.

Công dụng: bổ tâm, an thần, dưỡng tâm phế, thanh hư nhiệt.

Thể đàm thấp:

Triệu chứng: tâm phiền, miệng đắng, đầu cảm giác nặng, hoa mắt, người uể oải...

Phép trị: hóa đàm, trừ thấp.

Bài thuốc: Ôn đởm thang gia giảm: trần bì 8g, bán hạ 8g, phục linh 12g, cam thảo 6g, trúc nhự 10g, chỉ thực 8g, sinh khương 3 lát.

Công dụng: hòa vị tiêu tích, thanh nhiệt, an thần.

Thể tâm đởm khí hư:

Triệu chứng: ngủ ít, ngủ hay mơ màng, hồi hộp, có tiếng động nhẹ là giật mình. Mạch tế sác, rêu lưỡi trắng nhạt.

Phép trị: ích khí, sinh huyết.

Bài thuốc: Nhân thục tán: nhân sâm 12g, thục địa 20g, sơn thù 12g, phục thần 10g, nhục quế 6g, ngũ vị 4g, chỉ xác 10g, bá tử nhân 12g, kỷ tử 12g, cúc hoa 10g.

Công dụng: dưỡng tâm, an thần, trị đởm hư, sợ hãi ngủ không yên.

Thể tâm tỳ lưỡng hư:

Triệu chứng: ngủ kém hay nằm mơ, ăn không biết ngon, hay quên, hồi hộp, dễ tỉnh giấc. Mạch trầm nhược, rêu lưỡi nhạt.

Phép trị: ích khí tâm tỳ.

Bài thuốc: Quy tỳ thang gia giảm: đảng sâm 14g, huỳnh kỳ 12g, đương quy 12g, bạch truật 10g, chích thảo 8g, phục thần 10g, viễn chí 10g, nhãn nhục 12g, táo nhân 10g, mộc hương 8g, liên nhục 12g, ngọc trúc 12g.

Công dụng: kiện tỳ, dưỡng tâm, ích khí, bổ huyết.

Các bài thuốc kinh nghiệm

Bài số 1: dùng cho người cơ thể suy nhược: đương quy 12g, hoài sơn (sao gạo hoặc tẩm sữa) 14g, bạch thược (sao rượu) 10g, thục địa 16g, mạch môn (bỏ tim) 10g, bắc táo nhân (sao đen) 10g, ngũ vị tử (sao mật) 4g, long nhãn nhục 14g, viễn chí (chế cam thảo) 10g.

Bài số 2: cho những người cơ thể ở trạng thái tốt mà vẫn bị mất ngủ, nhân sâm (hay cát lâm sâm) 12g, bá tử nhân (sao vàng) 10g, bạch phục linh 12g, trần bì (chế gừng) 5g, viễn chí (chế cam thảo) 10g, mạch môn (bỏ tim) 10g, thạch xương bồ 10g, trúc nhự (sao mật) 5g, toan táo nhân (sao đen) 10g. Cách chế và uống thuốc như trên.

Bài số 3: trà liên cúc: liên nhục (hạt sen) 500g, liên tu (nhụy sen) 500g, cúc hoa 500g.
Cách chế:

- 500g hạt sen ngâm nước nóng, bóc sạch vỏ ngoài và bỏ tim bên trong, sấy khô sao vàng tán thô như hạt đậu.

- 500g cúc hoa (bạch cúc, huỳnh cúc cũng được) phơi khô trong mát (hoặc sấy).

- 500g liên tu (nhụy sen) phơi hoặc sấy khô.

- Tất cả 3 vị đen sao vàng (bốc mùi thơm), để nguội cho vào lọ đậy kín để dùng như trà uống (muốn thơm nên ướp thêm hoa lài, hoa ngâu).

Loại trà này thường uống giúp cho ăn ngủ tốt.

Meo.vn (Theo Suckhoe)

Hai thể bệnh rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình là rối loạn khả năng cảm nhận thăng bằng, biểu hiện thông thường là chóng mặt, buồn nôn, nhức đầu. Nặng thì chỉ nằm được ở một tư thế, không ngồi dậy được và vẫn buồn nôn hoặc nôn dữ dội.

Theo Đông y, bệnh thường biểu hiện bởi hai thể loại là "thực chứng" và "hư chứng".

Thực chứng: Đột nhiên ù tai rồi chóng mặt, hoa mắt, nhà cửa cảm thấy như đảo lộn, nghiêng ngửa buộc người bệnh phải luôn nhắm nghiền mắt và nằm xuống không sẽ bị ngã. Kèm theo buồn nôn hay nôn thốc tháo nhiều lần, mặt nhợt nhạt, mồ hôi toát ra toàn thân. Cơn choáng chóng mặt quay cuồng này có khi xảy ra chốc lát hay kéo dài vài tiếng hoặc vài ba ngày. Người bệnh thấy nóng, khát nước, táo bón, tiểu nước vàng, mạch thực.

http://suckhoe365.net/wp-content/uploads/2010/09/chong-mat.jpg
Rối loạn tiền đình là rối loạn khả năng cảm nhận thăng bằng, biểu hiện thông thường là chóng mặt, buồn nôn, nhức đầu.
Điều trị: Câu đằng 12g, ích mẫu 12g, ngưu tất 12g, phục thần 12g, sơn chi 12g, tang ký sinh 12g, dạ giao đằng 10g, đỗ trọng 10g, hoàng cầm 10g, thạch quyết minh sống 20g, thiên ma 8g, hà thủ ô trắng 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 - 3 lần trong ngày. Uống 3 - 5 thang liền.

Hư chứng: Triệu chứng cũng xảy ra đột ngột bị ù tai rồi chóng mặt, hoa mắt, nhà cửa quay cuồng nên người bệnh cũng phải nằm nhắm mắt không sẽ bị ngã và kèm buồn nôn hay nôn mửa nhiều lần, toàn thân vã mồ hôi, mặt nhợt nhạt. Cơn chóng mặt cũng có thể xảy ra trong chốc lát hay mấy tiếng đồng hồ hoặc vài ngày. Kết hợp có nóng, khát nước và táo bón, tiểu vàng, đặc biệt khi làm việc lại hoa mắt, chóng mặt càng tăng, ăn ngủ kém, sắc mặt xanh, mạch hư, không lực.

Điều trị: Bạch cúc hoa 120g, câu kỷ tử 120g, đơn bì 120g, phục linh 120g, trạch tả 120g, sơn dược 160g, sơn thù 160g, thục địa 320g. Tất cả tán bột làm hoàn. Ngày uống 8 - 16g, chiêu với nước muối nhạt.

Meo.vn (Theo Bee)

Đông y trị chứng thận hư

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hội chứng thận hư: ứ nước thận, viêm cầu thận, u tuyến thượng thận, thận mất chức năng lọc thải độc tố, giữ dưỡng chất dẫn đến bị phù thũng, huyết áp tăng cao, thiếu máu, bạch cầu tăng.

Phương pháp điều trị: Lợi tiểu, trục thủy, chống viêm nhiễm, hạ huyết áp, bổ nguyên khí, bổ thận, an thần. Y học cổ truyền chia bệnh thận hư làm 2 giai đoạn cấp tính và mạn tính. Tùy thể, tùy giai đoạn cấp hay mạn mà dùng bài thuốc thích hợp.

Giai đoạn cấp tính có 3 thể:

Phong nhiệt nhiễu lạc: Phép trị là sơ phong thanh nhiệt, lương huyết chỉ huyết, dùng bài Ngân kiều tán gia giảm: ngân hoa 15g, liên kiều 12g, huyền sâm 15g, bạch mao căn 20g, ngư tinh thảo 20g. Sắc uống ngày 1 thang.

Hạ tiêu thấp nhiệt: Phép trị là thanh nhiệt lợi thấp, lương huyết chỉ huyết, dùng bài Tiểu kế ẩm tử gia vị: Ngẫu tiết (củ sen) 15g, bồ hoàng 9g, mộc thông 9g, bông mã đề 15g, sinh địa hoàng 15g, đương quy 9g, chi tử sao đen 9g, đạm trúc diệp 12g, cam thảo 5g, nhân trần 15g, thạch vĩ 15g, biển súc 15g. Sắc uống ngày 1 thang.

Tâm hỏa cang thịnh: Phép trị là thanh âm tả hoả, lương huyết chỉ huyết, dùng phương Đạo xích tán gia vị. Bài thuốc gồm: sinh địa hoàng 18g, trúc diệp 12g, mộc thông 9g, cam thảo 5g, bồ hoàng 9g, ngẫu tiết 15g, hoạt thạch 20g, chi tử 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Ngư tinh thảo.
Giai đoạn mạn tính tiềm ẩn có 3 thể:

Âm hư hỏa vượng: Phép trị là tư dưỡng can thận, lương huyết chỉ huyết; dùng bài Tri bá địa hoàng hoàn gia vị: Tri mẫu 12g, hoàng bá 12g, sinh địa 18g, sơn thù 9g, hoài sơn 12g, đan bì 9g, bạch linh 9g, trạch tả 9g, bạch mao căn 20g, tiểu kế 20g. Sắc uống ngày 1 thang.

Khí bất nhiếp huyết: Phép trị là ích khí nhiếp huyết; dùng bài Quy tỳ thang gia giảm: đẳng sâm 12g, bạch truật 9g, hoàng kỳ 15g, đương quy 9g, phục thần 9g, viễn chí 4g, toan táo nhân 9g, mộc hương 4g, a giao (sao phồng) 15g, bạch thược 9g, chích cam thảo 6g, địa du (sao đen) 15g; Sắc uống ngày 1 thang.

Khí trệ huyết ứ: Phép trị là ích khí hoạt huyết; dùng bài Bổ dương hoàn ngũ thang gia giảm: hoàng kỳ 20g, đẳng sâm 12g, bạch truật 9g, hoài sơn 12g, khiếm thực 12g, xích thược 12g, xuyên khung 6g, quy vĩ 9g, địa long 9g, đan sâm 15g, ích mẫu thảo 20g. Sắc uống ngày 1 thang.

Các bài thuốc trên cho vào 750ml nước, sắc kỹ chắt lấy 250ml nước thuốc chia uống 3 lần trong ngày sau khi ăn 30 phút.

Điều trị bệnh thận hư bằng y học cổ truyền theo nguyên tắc chung là kết hợp chặt chẽ giữa dùng thuốc với tập luyện dưỡng sinh và ăn uống hợp lý để nâng cao sức đề kháng.

Lưu ý: Chế độ ăn cần hạn chế muối nghiêm ngặt giúp kiểm soát triệu chứng phù.

Đây là bệnh khó chữa, tốt nhất nên đến cơ sở y tế chuyên khoa khám để được tư vấn và điều trị.          

Lương y Vũ Quốc Trung

(suckhoe-doisong)

4 bài thuốc chữa liệt dương

Theo Đông y, có 3 nhóm nguyên nhân gây liệt dương: cơ thể suy nhược (tâm tỳ hư), rối loạn thần kinh chức năng (thận hư) và viêm nhiễm hệ tiết niệu sinh dục kéo dài (thấp nhiệt tích trệ). Đơn thuốc được kê tùy theo các nguyên nhân này.

Liệt dương do suy nhược cơ thể

Thể này hay gặp ở người mắc bệnh mạn tính về tiêu hóa hoặc hệ thống tuần hoàn. Ngoài triệu chứng liệt dương, bệnh nhân còn có biểu hiện da xanh, mặt vàng, ăn kém, ngủ ít, thảng thốt, tinh thần bất an, đoản hơi, đoản khí.

Bài thuốc: Nhân sâm, long nhãn, bạch truật, phục thần mỗi thứ 12 g, hoàng kỳ, đương quy, toan táo nhân mỗi thứ 16 g, mộc hương 6 g, viễn chí 6 g, cam thảo 4 g. Mỗi ngày sắc uống 1 thang, uống trong 20 ngày thì nghỉ 10 ngày, liên tiếp trong 3 tháng.

Liệt dương do rối loạn thần kinh chức năng

Thể này do hoạt động tình dục quá độ, thủ dâm gây ra.

Nếu do thận âm hư, người bệnh có triệu chứng: liệt dương, di tinh, hoạt tinh, người gầy, da khô, đau lưng, mỏi gối, ù tai, ngủ ít. Dùng bài thuốc: thục địa 16 g, sơn thù, trạch tả, đan bì mỗi thứ 8 g, hoài sơn, phục linh, kỷ tử, nhục thung dung, ngũ vị tử, trâu cổ, long nhãn mỗi thứ 12 g. Ngày sắc uống 1 thang, uống trong 20 ngày, sau đó nghỉ 10 ngày, trong 3 tháng liên tiếp.

Nếu do thận dương hư, người bệnh có triệu chứng: liệt dương (hoàn toàn hoặc không hoàn toàn), di tinh, hưng phấn giảm, đau lưng, mỏi gối, ù tai, mệt mỏi, sợ lạnh, tay chân lạnh. Dùng bài thuốc: thục địa, thỏ ty tử, phá cố chỉ, bá tử nhân, phục linh, lộc giác giao mỗi thứ 120 g, làm viên hoàn, ngày uống 30 g.

Liệt dương do viêm nhiễm

Hay gặp trong sỏi tiết niệu, sỏi bàng quang, viêm bàng quang mạn tính. Người bệnh có triệu chứng: liệt dương, khát nước, tiểu tiện đỏ.

Bài thuốc: hoàng bá nam 20 g, ý dĩ, trâu cổ mỗi thứ 16 g, mạch môn, kỷ tử, thục địa, ích trí nhân, ô dược, ngưu tất mỗi thứ 12 g, tỳ giải 24 g, sắc uống ngày 1 thang, uống 20 thang trong 1 tháng.

Chú ý: Trong thời gian uống thuốc, cần tránh quan hệ tình dục.

BS Khang Ninh, Sức Khỏe & Đời Sống

4 bài thuốc Đông y chữa trị hội chứng mãn kinh

Hiện tượng 'mãn kinh', còn gọi là 'tắt kinh', hay là 'tuyệt kinh', thường xảy ra trong giai đoạn khoảng từ 45-55 tuổi, có thể sớm hơn hay muộn hơn, tùy thuộc vào đặc điểm thể chất và tình trạng sức khỏe.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

'Hội chứng thời kỳ mãn kinh'  (Climacteric syndrome) là tập hợp các triệu chứng đặc biệt, xuất hiện trong giai đoạn mãn kinh ở phụ nữ - do chức năng của  buồng trứng suy thoái, và hàm lượng hormone sinh dục nữ (estrogen) trong cơ thể hạ thấp gây nên.

Một số phụ nữ mới khoảng 40 tuổi đã tắt kinh, đó là hiện tượng 'mãn kinh sớm', nhưng cũng có khá nhiều phụ nữ phải tới ngoài 55 mới bắt đầu tắt kinh, đó là trường hợp 'mãn  kinh muộn'.

Còn 'Thời kỳ mãn kinh' (climacteric), được tính từ khi kinh nguyệt sắp tắt, cho đến vài năm đầu, sau khi tắt kinh; thường  kéo dài từ 3 - 5 năm. Đó là  giai đoạn 'quá độ', khi người phụ nữ chuyển từ 'tuổi sinh sản' sang 'tuổi già' - không còn hành kinh và cũng hết khả năng sinh sản.

Trong giai đoạn này, thường xuất hiện những rối loạn về nội tiết, tim mạch, thần kinh,  chuyển hóa... dẫn đến hàng loạt những chứng trạng như bốc nóng (bốc hỏa), mặt bừng đỏ, người lúc nóng lúc lạnh, vã mồ hôi, ớn lạnh, chóng mặt, hoa mắt,  ù tai,  dễ gắt gỏng, bồn chồn, lo hãi vô cớ,  mất ngủ, tăng huyết áp, rối loạn kinh nguyệt,  mất hứng thú trong quan hệ vợ chồng, són tiểu... gọi chung là 'Hội chứng thời kỳ mãn kinh'.

Tần suất xuất hiện, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng trên, nói chung có quan hệ mật thiết tới tình trạng sức khỏe, đặc điểm thể chất và tâm lý, môi trường sống, cũng như tố chất văn hóa ở từng người. Tuy nhiên, không hiếm phụ nữ lại trải qua thời kỳ mãn kinh, mà không thấy có triệu chứng gì khác thường.

Hiện tượng mãn kinh ở phụ nữ đã được Đông y biết đến từ rất sớm. Trên 2.000 năm trước, Nội Kinh - bộ sách lý luận kinh điển của Đông y, đã đề cập tới quá trình biến đổi sinh lý và hiện tượng mãn kinh ở phụ nữ như sau:  

' ... Con gái 7 tuổi thận khí bắt đầu thịnh, răng thay,  tóc mọc dài; 14 tuổi (2x7=14), thiên quý phát dục thành thục, mạch nhâm thông suốt, mạch thái xung thịnh vượng, hàng tháng có kinh nguyệt... Tới  49 tuổi (7x7=49), mạch nhâm trống rỗng, mạch thái xung suy vi, thiên quý kiệt, kinh nguyệt tắt, hình thể lão hóa,  hết khả năng sinh con...'.

Đoạn văn trình bày một cách khái quát quá trình sinh trưởng, phát dục, thành thục và thoái hóa  chức năng sinh sản ở nữ giới. Nhấn mạnh mối quan hệ giữa quá trình đó, với tạng thận, thiên quý và hai mạch xung, nhâm.

Trong Đông y không có tên bệnh 'Hội chứng thời kỳ mãn kinh', nhưng các chứng trạng của bệnh và cách chữa trị đã được đề cập trong phạm vi của các chứng, như 'Tuyệt kinh tiền hậu chư chứng', 'Tâm quý', Huyễn vậng', 'Tạng táo', 'Uất chứng', 'Nguyệt kinh quá đa'...  

Theo Đông y, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới 'Hội chứng mãn kinh' là do thận khí suy kiệt, chức năng của 2 mạch xung và nhâm (gắn liền với chức năng sinh sản ở nữ giới) đã suy thoái, khiến Âm Dương mất cân bằng, Khí huyết không điều hòa, chức năng Tạng phủ Kinh lạc bị rối loạn gây nên.  

Để dùng thuốc chữa trị, có thể căn cứ vào những biểu hiện cụ thể ở từng người, mà chọn dùng những bài thuốc thích ứng, theo nguyên tắc 'Biện chứng luận trị' như sau:

1. Can uất đảm hư

Biểu hiện: Tinh thần u uất, hay than thở khóc lóc, hồi hộp, trống ngực,  hoảng hốt vô cớ, bồn chồn, đứng ngồi không yên; ngực sườn hoặc hai bầu vú đau tức,  kinh nguyệt rối loạn. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi mỏng; Mạch huyền tế (căng, nhỏ).

Phép chữa: Sơ can giải uất, an thần định chí.

Bài thuốc tiêu biểu: Sơ can an thần thang.

- Thành phần, cách dùng: Sài hồ 9g, chỉ xác 9g, hương phụ 9g, bạch thược 9g, xuyên khung 9g, cam thảo (nướng) 9g, phục thần 15g, viễn chí 5g, xương bồ  6g, mẫu lệ 30g. Nấu với 1200ml nước, sắc lấy 300ml, chia ra uống 3 lần trong ngày, cách xa bữa ăn; Riêng vị mẫu lệ cần sắc trước khoảng 20 phút, sau đó cho các vị thuốc còn lại vào cùng sắc.  

- Gia giảm theo chứng: Nếu thường hay bồn chồn, hoảng hốt: Thêm toan táo nhân 12g, để tăng cường tác dụng an thần định chí. Kinh nguyệt rối loạn nặng: Thêm đương quy 9g, ich mẫu thảo 15g, thỏ ty tử 15g, để tăng cường dưỡng huyết điều kinh.

2. Thận suy can vượng

Biểu hiện: Đau đầu, váng đầu, choáng váng, tai ù, lòng bàn chân bàn tay hâm hấp nóng, nóng bừng từng cơn, vã mồ hôi, người bồn chồn,   trống ngực, dễ nổi giận, mất ngủ, kinh nguyệt rối loạn. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng; Mạch huyền tế sác (nhỏ nhanh).

Phép chữa: Tư âm ích thận, bình can tiềm dương

Bài thuốc tiêu biểu: Tư âm trấn kinh thang

- Thành phần, cách dùng: Tri mẫu 9g, hoàng bá 9g, sinh địa 15g, sơn thù du 9g, đan bì 9g, trạch tả 12g, thiên ma 9g, câu đằng 15g, thạch quyết minh, trân chu mẫu 30g, tang ký sinh 12g, đỗ trọng 12g. Nấu với 1.200ml nước, sắc lấy 300ml, chia ra uống 3 lần trong ngày vào lúc đói bụng; Thạch quyết minh sắc trước khoảng 20 phút, còn câu đằng thì cho vào sau (trước khi bắc thuốc ra khoảng 5 phút).

- Gia giảm tùy theo chứng: Nếu kinh huyết quá nhiều: Thêm thiên môn đông 15g, a giao 9g, để tăng cường tác dụng tư thận, chỉ huyết (cầm máu). Chu kỳ kinh nguyệt không ổn định: Thêm đương quy 9g, thỏ ty tử 15g, để tăng cường bổ thận điều kinh. Bồn chồn, hồi hộp, mất ngủ: Thêm hoàng liên 5g, nhục quế 2g, toan táo nhân 12g, mẫu lệ 30g (sắc trước) để tăng cường tác dụng dưỡng tâm an thần.

3. Tâm tỳ lưỡng hư

Biểu hiện: Trống ngực, bồn chồn, mất ngủ, hoảng hốt vô cớ, hay quên, tư tưởng khó tập trung, tinh thần uể oải, người mệt mỏi, đuối sức, ăn không ngon miệng, tiêu hóa kém, hoặc kinh nguyệt kéo dài dai dẳng; Chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng; mạch tế nhược (nhỏ yếu).

Phép chữa: Ích khí bổ huyết, dưỡng tâm an thần.

Bài thuốc tiêu biểu: Quy tỳ thang gia giảm

- Thành phần, cách dùng: Đẳng sâm 15g, hoàng kỳ 20g, bạch truật 12g, cam thảo (nướng) 6g, đương quy 9g, long nhãn 9g, toan táo nhân 12g, phục thần 12g, viễn chí 6g, mộc hương 6g. Nấu với 1.000ml nước, sắc lấy 300ml, chia ra uống 3 lần trong ngày vào lúc đói bụng.

- Gia giảm tùy theo chứng: Kinh nguyệt dai dẳng mãi không thôi: Thêm tiên hạc thảo 15g, ô tặc cốt 15g, để tăng cường tác dụng  điều kinh, chỉ huyết (cầm máu). Trống ngực, tim loạn nhịp: Tăng cam thảo lên 9g, thêm quế chi 9g, sinh địa 12g, mạch đông 12g, để ôn thông tâm dương, tư dưỡng tâm âm.

4. Thân âm thận dương đều hư

Biểu hiện: Váng đầu, hoa mắt, tai ù, hay quên, lưng gối mỏi yếu hoặc đau nhức, chịu nóng và chịu lạnh đều kém, tắt kinh sớm, ham muốn tình dục suy giảm. Chất lưỡi đỏ nhạt, rêu lưỡi mỏng; Mạch trầm tế vô lực (chìm nhỏ  yếu).

Phép chữa: Ôn thận ích tinh, điều lý âm dương.  

Bài thuốc tiêu biểu: Nhị tiên thang gia vị

- Thành phần, cách dùng: Tiên mao 9g, tiên linh tỳ 9g, ba kích thiên 9g, tri mẫu 9g, hoàng bá 9g,  đương quy 9g, thỏ ty tử 15g, thục địa 15g, sơn dược  15g, sơn thù du 9g, câu kỷ tử 12g, tang ký sinh 15g. Nấu với 1.000ml nước, sắc lấy 300ml, chia ra uống 3 lần trong ngày vào lúc đói bụng.

- Gia giảm theo chứng: Tinh thần ủ rũ, đuối sức: Thêm hoàng kỳ 15g, đẳng sâm 12g, để tăng cường bổ tỳ ích khí. Chân tay lạnh, chịu rét kém: Thêm nhục quế (tán bột) 2g, lộc giác giao 10g (cả hai thứ hòa vào nước thuốc), để tăng cường tác dụng ôn thận thông dương. Người hoặc chân tay phù nề: Thêm phục linh 15g, trư linh 15g, bạch truật 15g, quế chi 9g, để thông dương lợi thủy. Lưng gối đau mỏi nhiều: Thêm bổ cốt chi 15g, ngưu tất 15g, để bổ thận tráng cốt thông lạc.

Theo TienPhong

Đông y trị viêm họng

Viêm họng là hiện tượng yết hầu sưng đau, lúc đầu có thể thấy ngứa họng, kèm theo sốt hoặc tiết nhiều đờm dãi. Nếu nặng không chữa kịp thời, yết hầu nghẹn đau, ăn uống khó khăn, họng sưng đỏ, lưỡi gà đỏ, nuốt nước bọt cũng đau, lưỡi đỏ hoặc hồng nhợt. Nguyên nhân do cảm nhiễm ngoại tà như phong hàn, hàn tà hoặc dịch độc thời khí; hoặc do âm hư hoả vượng lâu ngày kèm theo nói năng quá nhiều; hoặc do ăn quá cay nóng hoặc ăn nóng lạnh đột ngột, uống nhiều rượu… mà gây ra.

Yết hầu là cửa ngõ của phế. Nhiều đường kinh mạch đi qua hoặc vòng quanh yết hầu để làm nhiệm vụ bảo vệ không cho tà khí xâm nhập vào cơ thể, Khi ngoại tà xâm nhập vào hầu họng sự giao tranh giữa chính khí và tà khí gây ra sốt, sưng, đau… Nếu chính khí khỏe thì tà khí lui, bệnh đỡ dần và khỏi. Nếu chính khí suy giảm hoặc không được chữa trị kịp thời thì sưng đau tăng, đỏ, loét… làm ảnh hưởng đến toàn thân.

Y học cổ truyền có nhiều bài thuốc điều trị theo từng thể bệnh như sau:

Bạc hà.

Ngoại cảm phong hàn

Triệu chứng: Ngạt mũi, nặng tiếng, người ớn lạnh, không mồ hôi, cổ họng hơi sưng, nuốt thấy vướng, đau, kèm theo đau đầu, sốt vừa, sợ gió, đau mỏi thân mình, chán ăn; mạch phù hoãn.

Phương pháp điều trị: Sơ giải biểu tà.

Bài thuốc: Kinh phòng bại độc tán.

Kinh giới, phòng phong, độc hoạt,  sài hồ, tiền hồ, xuyên khung, chỉ xác, cát cánh, phục linh, cam thảo, khương hoạt mỗi vị 12g. Các vị trên thêm 7 nhát gừng,10 lá bạc hà và nước 1.200ml, sắc lọc bỏ bã lấy 120ml. Ngày uống 1 thang chia đều 5 lần.

Thuốc nhai ngậm: xạ can lá hoặc củ tươi vừa 1 miếng + sinh khương 1 miếng, nhai nuốt nước bỏ bã, ngày 4- 5 lần.

Ngoại cảm phải dịch độc thời khí

Triệu chứng: Trong họng ngứa đau, khô, sưng đỏ, nuốt khó ăn hay nghẹn, thích uống nước lạnh, sốt cao, khát; mạch sác, nhiều người mắc cùng thời điểm, lây lan lẫn nhau.

Phương pháp điều trị: Thanh hoả giải độc.

Bài thuốc: Thanh yết lợi cách thang: hoàng liên 8g; cam thảo 10g; nhân sâm 10g; bạch linh, hoàng cầm, ngưu bàng tử, phòng phong, bạch thược, thăng ma, cát cánh mỗi vị 12g. Các vị trên thêm 7 nhát gừng và 1.200ml nước, sắc lọc bỏ bã lấy 120ml. Ngày uống 1 thang chia đều 5 lần.

Thuốc nhai ngậm: xạ can 3 miếng + hoắc hương 3 lá + sinh khương 1 miếng, nhai nuốt nước bỏ bã, ngày 4 – 5 lần.

Kinh dương minh tích nhiệt

Triệu chứng: Sốt không sợ lạnh lại sợ nóng, họng sưng đỏ, đau, nóng, cảm giác như đốt ở trong họng, người mệt mỏi, háo khát, bồn chồn trong bụng, tiểu tiện vàng, đại tiện táo, mạch hồng đại.

Phương pháp điều trị: Thanh tiết uất nhiệt.

Bài thuốc: “Lương cách tán”: hoàng cầm, chi tử, bạc hà diệp, liên kiều mỗi vị 10g; đại hoàng, mang tiêu, cam thảo mỗi vị 20g. Các vị trên (trừ mang tiêu, bạc hà diệp) sao giòn tán mạt, trộn mang tiêu tán mịn tinh. Mỗi ngày uống 4 lần, mỗi lần 10g với nước trúc diệp, bạc hà diệp hoặc mật ong. Trẻ em thì tuỳ tuổi mà cho liều lượng thích hợp.

Thuốc nhai ngậm: lá húng chanh 3 lá + sơn đậu căn 3 miếng, nhai nuốt nước bỏ bã, ngày 5 – 6 lần.

Đàm hoả

Triệu chứng: Yết hầu sưng, đau, nuốt nước bọt đau, người ậm ạch khó chịu, lợm giọng buồn nôn, ăn uống đau nghẹn khó nuốt, ngại nói, nặng thì khò khè, khó thở, tâm phiền; mạch hoạt sác.

Phương pháp điều trị: Tiêu đàm chí yết thống.

Bài thuốc “Địch đàm thang”: nhân sâm 8g, trúc nhự 8g, thạch xương bồ 10g, cam thảo 10g, đởm tinh 10g, chỉ thực 10g, quất hồng bì 16g, phục linh 16g, bán hạ 20g. Bán hạ khương chế, trần bì khứ bạch. Các vị trên + 5 nhát gừng và nước 1.200ml, sắc lọc bỏ bã lấy 120ml. Ngày uống 1 thang chia đều 5 lần.

Thuốc nhai ngậm: ô mai nhục + cam thảo vừa 1 miếng nhai nuốt nước bỏ bã, ngày 5-6 lần.

Khí hư

Triệu chứng: Họng hơi sưng mà khô, đau, nhức nuốt nước bọt đau. Ăn uống đau nghẹn, khó nuốt, đau nhiều vào lúc gần trưa, đại tiện phân lỏng, chân tay mềm nhẽo, người mệt mỏi; mạch hư nhược.

Phương pháp điều trị: Bổ trung ích khí, sinh tân dịch.

Bài thuốc: “Bổ trung ích khí thang gia giảm”: cam thảo 10g, nhân sâm 12g, thăng ma 12g, trần bì 12g, sài hồ 12g, đương quy 12g, bạch truật 12g, thiên hoa phấn 12g, hoàng kỳ 24g. Hoàng kỳ mật sao; cam thảo chích; nhân sâm bỏ cuống; đương quy tửu tẩy; trần bì khứ bạch. Các vị trên thêm  1.800ml nước, sắc lọc bỏ bã lấy 200ml. Ngày sắc 1 thang, uống chia đều 5 lần.

Thuốc nhai ngậm: Ly tước 1 lá to + sơn đậu căn 3 miếng + vỏ quýt tươi sạch 1 cái, tất cả nhai ngậm nuốt nước cốt.

Tỳ hư can uất

Triệu chứng: Cổ họng hơi sưng mà khô, đau, nuốt nước bọt đau, ăn uống đau nghẹn khó nuốt, hai mạng sườn đau, thỉnh thoảng nóng lên cổ họng, lợm giọng, buồn nôn, ăn uống kém tiêu, người mệt, đại tiện thất thường, rêu lưỡi vàng cáu; mạch huyền.

Phương pháp điều trị: Bổ tỳ sơ can.

Bài thuốc “Quy tỳ thang” hợp với bài “Tiêu dao tán”: mộc hương 4g, cam thảo 8g, nhân sâm 8g, viễn chí 8g, bạc hà 8g, sài hồ 10g, bạch thược 10g, đương quy 10g, bạch truật 12g, phục thần 12g, hoàng kỳ 12g, long nhãn nhục 12g, toan táo nhân 12g. Phục thần bỏ lõi gỗ; hoàng kỳ bỏ gốc cuống mật chích; toan táo nhân sao vàng cánh gián; cam thảo chích; viễn chí bỏ lõi tẩm nước gừng sao vàng. Các vị trên 1.500ml nước sắc lọc bỏ bã lấy 250ml. Ngày sắc 1 thang, uống chia đều 5 lần.

Thuốc nhai ngậm: Tam thất tẩm nước muối ủ 5-7 ngày thái mỏng sao giòn nước và bã, ngày 7- 10 lần.

Thận âm hư cảm nhiễm ngoại tà

Triệu chứng: Cổ họng khô, sưng đau, thường xuyên cảm giác nóng rát ở yết hầu, nuốt nước bọt khó khăn, đau, người phiền muộn, háo khát, ăn uống nghẹn khó nuốt, lưng đau, ù tai, đại tiện táo, tiểu tiện vàng sẻn. Rêu lưỡi vàng; chất lưỡi đỏ, mạch tế sác.

Phương pháp điều trị: Tư âm bổ thận.

Bài thuốc “Ngọc nữ tiễn”: tri mẫu 12g, ngưu tất 12g, mạch môn đông 16g, sinh địa 20g, sinh thạch cao 24g. Các vị trên thêm 1.800ml nước, sắc lọc bỏ bã lấy 150ml. Sắc uống ngày 1 thang chia đều 5 lần.

Thuốc nhai ngậm: Tam thất tẩm nước muối ủ 5-7 ngày, thái mỏng sao giòn + ly tước 1 lá to nhai tinh ngậm, nuốt dần cả nước và bã, ngày 7- 10 lần.

(Theo suckhoedoisong)

Đông y trị bệnh huyết áp

Các chứng tăng huyết áp, huyết áp thấp, huyết áp dao động... Đông y gọi chứng huyễn vựng.Huyễn là tự nhiên mắt tối xẩm, nảy đom đóm làm cho đứng không vững. Vựng là tự nhiên cảm thấy đầu quay cuồng, lảo đảo. Huyễn vựng thường xuất hiện đồng thời cùng một lúc, nói chung huyễn vựng có hai triệu chứng điển hình là đầu choáng, mắt hoa làm cho người bệnh đi đứng không vững.

Huyễn vựng thường do hai nguyên nhân chủ yếu là ngoại cảm và nội thương.

Sau đây xin giới thiệu những bài thuốc điều trị huyễn vựng tùy theo từng thể bệnh để bạn đọc tham khảo:

Do đàm thấp

Triệu chứng: Đầu choáng mắt hoa, lồng ngực đầy tức, nôn oẹ không muốn ăn, người ậm ạch, béo phì, mệt mỏi ngủ nhiều, rêu lưỡi trắng nhớt. Mạch hoạt.

Phương pháp điều trị: Bổ tỳ tiêu đàm thấp.

Bài thuốc: Bán hạ 16g, bạch truật 16g, trần bì 12g, mạch nha 16g, phục linh 16g, hoàng kỳ 12g, trạch tả 12g, thương truật 16g, thiên ma 12g, thần khúc 16g, hoàng bá 12g, nhân sâm 6g, can khương 6g.

Cách dùng: Bán hạ chế, bạch truật tẩm nước vo gạo sao, hoàng kỳ chích mật, thiên ma sao cám, hoàng bá sao rượu, can khương sao giòn. Các vị trên sắc với 1.700ml nước, lọc bỏ bã lấy 250ml. Uống ấm chia đều 5 lần, ngày uống 4 lần, tối uống 1 lần.

Châm cứu

Châm bổ: Túc tam lý, tỳ du.

Châm tả: Thủy phân, phong long, thái dương, bách hội, tứ thần thông.

Do can thận âm hư

Triệu chứng: Đau đầu, choáng váng hoa mắt, căng cắn buốt hai thái dương, lưng đau, ù tai, phiền khát, ít ngủ, ra mồ hôi trộm, miệng đắng. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít. Mạch tế sác.

Phương pháp điều trị: Bình can tiềm dương.

Bài thuốc: Thiên ma 16g, câu đằng 10g, thạch quyết minh 16g, sơn chi tử 12g, hoàng cầm 10g, ngưu tất 12g, đỗ trọng 12g, ích mẫu 10g, tang ký sinh 12g, phục thần 16g, hà thủ ô trắng 12g.

Cách dùng: Thiên ma sao cám, thạch quyết minh sống sắc với 1.800ml nước, còn 900ml. Các vị còn lại vào sắc lọc bỏ bã lấy 250ml. Chia đều 5 lần, ngày uống 4 lần, tối uống 1 lần.

Châm cứu

Châm bổ: Tỳ du, thận du, tam âm giao.

Châm tả: Thái dương, đầu duy, bách hội.

Do tâm huyết và tỳ khí hư

Vị trí huyệt

Thận du: Hai huyệt nằm đối xứng ngang qua và cách điểm dưới gai đốt sống eo lưng thứ 2 chừng 1,5 thốn.

Mệnh môn: Nằm trên đốc mạch ngay điểm dưới gai đốt sống eo lưng thứ hai.

Tỳ du: Hai huyệt đối xứng ngang qua và cách điểm dưới đốt sống ngực thứ 10 chừng 1,5 thốn.

Khí hải: Nằm trên mạch nhâm, thẳng phía dưới rốn 1,5 thốn.

Quan nguyên: Nằm trên mạch nhâm, thẳng phía dưới rốn 3 thốn.

Thủy phân: Trên rốn một tấc, trên đường giữa bụng.

Phong long: Nằm bên trên mắt cá chân ngoài 8 thốn.

Túc tam lý: Nằm ở bắp chân ngoài, ngay đầu ngoài nếp nhăn ngang dưới đầu gối.

Tam âm giao: Nằm phía trên mắt cá chân trong 3 thốn, men sau bắp cẳng chân trong.

Triệu chứng: Hoa mắt, chóng mặt choáng váng, chân tay bủn rủn, sắc mặt trắng bệch, môi nhợt, ăn kém, ngại nói, thở ngắn, tim hồi hộp, tiểu tiện trong, ít, đại tiện phân lỏng, nặng thì choáng ngất. Rêu lưỡi trắng, chất lưỡi bệu.

Phương pháp điều trị: Bổ khí huyết an thần.

Bài thuốc: Hoàng kỳ 16g, bạch truật 16g, phục linh 12g, thục địa 24g, đương quy 16g, bạch thược 12g, nhân sâm 8g, trần bì 8g, cam thảo 6g, quế tâm 6g, viễn chí 6g, ngũ vị tử 6g.

Cách dùng: Hoàng kỳ chích mật, bạch truật hoàng thổ sao, viễn chí bỏ lõi chế. Các vị trên sắc với 1.800ml nước, lọc bỏ bã lấy 250ml. Uống ấm chia đều 5 lần, ngày uống 4 lần, tối uống 1 lần.

Châm cứu

Châm bổ: Tâm du, tỳ du, tam âm giao, túc tam lý.

Châm bình bổ bình tả: Thái dương, phong trì, bách hội.

Do mệnh môn hỏa suy

Triệu chứng: Đầu choáng, hoa mắt, đau đầu từng cơn, chân tay lạnh, đầu nóng, mặt nóng bừng bừng. Ăn uống kém, sôi bụng. Nặng thì choáng váng có thể ngã ngất kèm theo ngũ canh tiết tả, chất lưỡi bệu. Mạch trầm tế vô lực.

Phương pháp điều trị: Bổ thận dương dẫn hỏa quy nguyên.

Bài thuốc: Hoài sơn 16g, trạch tả 12g, đan bì 12g, sơn thù 16g, bạch linh 12g, thục địa 32g, nhục quế 4g, hắc phụ tử 4g. Các vị trên sắc với 1.700ml nước, lọc bỏ bã lấy 200ml. Uống ấm chia đều 5 lần, ngày uống 4 lần, tối uống 1 lần.

Châm cứu: Châm bổ, ôn châm: tỳ du, thận du, mệnh môn, tam âm giao. Cứu quan nguyên, khí hải.  

Theo Báo SKĐS

Câu đằng trị huyết áp

http://nongnghiep.vn/Upload/Image/2009/3/9/caudang.jpgCâu đằng là loại cây mọc hoang ở những vùng thượng du nước ta như Cao Bằng, Lào Cai… Bộ phận được sử dụng làm thuốc trong đông dược chính là phần đốt thân có móc câu (loại đốt có 1 móc câu hay loại có 2 móc câu tốt hơn) cắt nhỏ phơi hay sấy khô của loài thực vật có tên khoa học là Uncaria rhynchophylla (Miq) Jack, thuộc họ cà phê (Rubiaceae). Thường được thu hoạch vào mùa xuân hoặc mùa thu.

Là loại cây dây leo, thường mọc ở nơi mát. Lá mọc đối có cuống, hình trứng đầu nhọn, mặt dưới lá như có phấn, ở mặt lá có gai mọc cong xuống trông giống như lưỡi câu nên gọi là câu đằng. Hoa nhỏ hình cầu nở vào mùa hạ, có màu vàng trắng. Ngoài ra còn có một số loại câu đằng khác được khai thác ở nước ta như Uncaria tokinensis Havil, Uncaria hirsute Havii, Uncaria sessilifructus Roxb…

Đông y cho rằng câu đằng có vị ngọt, tính hàn, đi vào các kinh Can và Tâm bào. Có công năng thanh nhiệt, bình can, trấn kinh, trừ nội phong, chống co thắt. Chủ trị trẻ em bị hàn nhiệt, kinh giãn, trị nhức đầu hoa mắt ở người lớn.

Y học hiện đại có nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy chất rhynchophylin trong câu đằng có cấu tạo hóa học gần giống cấu trúc hóa học của yohimbin nên tác giả T. Sollmann, 1984 đã cho rằng cơ chế tác dụng của thuốc câu đằng là ức chế thần kinh giao cảm. Do đó với liều nhỏ rhynchophylin chỉ làm hưng phấn trung khu hô hấp, mạch máu ngoại biên, vi huyết quản bị giãn, khiến cho huyết áp hạ xuống rõ rệt.

Hiện nay câu đằng được sử dụng làm thuốc trấn kinh, trấn tĩnh, bệnh cao huyết áp, mắt hoa, trẻ con kinh giật, khóc đêm, phụ nữ bị xích, bạch đới. Liều dùng trung bình mỗi ngày cho dạng thuốc sắc 6 – 15g.

Để tham khảo dưới đây xin giới thiệu những phương thuốc trị liệu tiêu biểu mà trong đó có vị câu đằng.

* Trị chứng cao huyết áp: Câu đằng 10g, xuyên khung 5g, cam thảo 2g, quế chi 3g. Đổ 3 bát nước sắc còn lại 1 bát chia 3 lần uống trong ngày.

* Trị chứng cao huyết áp (biểu hiện huyết áp cao, đau đầu, ù tai, hoa mắt, mất ngủ, hoặc bị bán thân bất toại, lưỡi đỏ, mạch huyền sác): Dùng phương 'Thiên ma câu đằng ẩm' có công năng Bình can, tức phong tư âm thanh nhiệt (phương này có tác dụng thanh nhiệt mạnh, dưỡng huyết, an thần), gồm các vị thiên ma 8 – 12g, câu đằng 12 – 16g, thạch quyết minh 20 – 30g, chi tử 8 – 12g, hoàng cầm 8 – 12g, ngưu tất 8 – 12g, ích mẫu 12 – 16g, tang ký sinh 20 – 30g, dạ đằng giao 12 – 20g, bạch linh 12 – 20g. Sắc lấy nước thuốc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

* Trị viêm nhiễm sốt cao, chân tay co giật hoặc chứng sản giật (nhờ công năng của phương là bình can tức phong, thanh nhiệt chỉ kinh): Dùng phương 'Linh giác câu đằng thang', công năng thiên về chống co giật, hóa đàm thông lạc, gồm các vị linh dương giác (sắc trước) 2g, câu đằng 12g, tang diệp 8 – 12g, xuyên bối mẫu 8 – 16g, trúc nhự 12 – 20g, sinh địa 12 – 20g, cúc hoa 8 – 12g, bạch thược 8 – 12g, phục thần 8 – 12g, cam thảo 3 – 4g. Sắc lấy nước uống ngày 1 thang, chia 3 lần.

* Trị can phong nội đồng do nhiệt thịnh (sốt cao, co thắt, co giật): Dùng câu đằng với linh dương giác, cúc hoa, thạch cao.

* Trị can thận âm hư, can dương vượng, hoặc nhiệt thịnh ở kinh Can (biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, nhìn mờ, đau đầu): Dùng câu đằng với hạ khô thảo, hoàng cầm, thạch quyết minh và vị cúc hoa.

* Trị trẻ em khóc đêm: Câu đằng, thuyền thoái đều 3g, bạc hà 1g sắc uống, ngày 1 thang liên tục 2 - 3 ngày.

Theo Báo Nông Nghiệp