Lưu trữ cho từ khóa: phụ gia

Nguy cơ ung thư vì gia vị tẩm ướp trôi nổi

Các loại phụ gia đủ màu sắc được đóng trong những túi nilon trắng nhỏ, khối lượng chừng 15 – 20 gr và trên bao bì không hề ghi nhãn mác, nguồn gốc, thành phần có thể gây ung thư.

Một số loại gia vị tẩm ướt giúp món ăn có màu, mùi vị lạ hơn như: bột điều đỏ, bột nghệ, bột ớt, bột tiêu… bày bán tràn lan tại các sạp hàng đồ khô. Điều đáng lưu ý là các loại phụ gia này được đóng trong những túi nilon trắng nhỏ, khối lượng chừng 15 – 20 gr và trên bao bì không hề ghi nhãn mác, nguồn gốc cũng như thành phần.

1
Gói phụ gia mini không rõ nguồn gốc

Tại các khu chợ ở Hà Nội: Đồng Xuân, Dịch Vọng, Phùng Khoang, Nghĩa Tân… không khó để mua được những gói bột điều đỏ, bột tiêu, ớt… được bày bán tràn lan ở khắp các sạp đồ khô. Chúng được đóng thành những gói siêu nhỏ chừng 15 – 20 gr, giá khoảng 1.000 – 5.000 đồng/gói. Do nhỏ bé, tiện dụng nên loại phụ gia đóng gói nhỏ này được nhiều bà nội trợ lựa chọn. Họ dùng chúng để chế biến các món chiên, nướng… khiến món ăn trở nên đẹp mắt và nhiều mùi vị.

Ghé vào một sạp hàng rau quả, đồ khô ở chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), khi vừa đề cập đến loại gia vị để làm món thịt nướng, anh bán hàng nhanh chóng đưa cho PV Chất lượng Việt Nam một chiếc khay nhựa, bên trong la liệt các gói gia vị đựng trong túi nilon siêu nhỏ chừng 15 gr với đủ màu sắc: đỏ, vàng, xanh đen. Nhìn thoáng qua khay hàng, anh này giới thiệu luôn: “Gói bột mịn màu đỏ là bột điều đỏ giá 5.000 đồng. Gói màu vàng nhạt là bột nghệ, đỏ thẫm là ớt, xanh đen là tiêu. Em thích lấy loại nào thì lấy”.

Khi được hỏi một gói gia vị thế này ướp được bao nhiêu thịt, anh cho biết tùy vào từng sở thích ăn uống của từng nhà (chuộng cay, chuộng mặn) hoặc thích màu đậm, màu nhạt mà sẽ có cách tẩm ướp với số lượng gia vị khác nhau. “Thông thường thì với một gói này có thể ướp 6 – 7 lạng thịt. Cách sử dụng cũng rất đơn giản, chỉ việc đổ những gói bột đó vào thực phẩm cần chế biến rồi xóc hoặc trộn để thịt ngấm đều phụ gia là có thể mang ra chiên nướng, xào nấu được. Dùng một lần không hết, buộc kín lại, lần sau sử dụng tiếp mà vẫn chưa mất màu, mất mùi đâu ”, anh này hướng dẫn.

Thấy những túi nilon bọc ngoài không hề có tem mác ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần, tiêu chuẩn chất lượng, PV tiếp tục tỏ vẻ quan ngại: “Sao loại bột này không ghi hạn sử dụng vậy anh?”. Liền đó là câu trả lời tỉnh queo của người bán: “Các gói này là do anh san từ gói lớn ra để bán lẻ rồi tự đóng gói lấy chứ làm gì có cơ sở sản xuất nào đóng gói mini thế này”. Như để khẳng định về chất lượng mặt hàng mà mình đang bán, anh này nói thêm: “Các em cứ yên tâm, anh làm ăn ở đây lâu rồi nên nghiêm chỉnh lắm, ai lại đi bán hàng hết hạn bao giờ” (?!).

Gói bột điều đỏ không rõ nguồn gốc này được chủ hàng tự đóng gói bán với giá 5.000 đồng/gói

Khi biết PV muốn mua sản phẩm bột điều đỏ về dùng thử, nếu ngon, màu đẹp thì sắp tới sẽ mua với số lượng lớn hơn để về tẩm ướp thịt, bán trong hội chợ của trường, một chủ sạp đồ khô khác chợ Nghĩa Tân cố gắng câu kéo: “Nếu các em lấy nhiều thì sẽ có chế độ giảm giá riêng. Chị sẽ không bán gói cho các em mà bán theo cân, khoảng 100.000 đồng/kg. Cứ mang về ăn thử rồi lần sau ra đây lấy tiếp cho chị đắt hàng”.

Tiếp tục đảo thêm một số chợ khác, PV Chất lượng Việt Nam nhận thấy đa số các sạp hàng khô đều có bán các loại gia vị tẩm ướp này. Chúng được đóng trong gói nhỏ, khối lượng giống nhau, từ 15–20 gr. Giá bán giữa các sạp cũng chênh lệch nhau, khoảng từ 500 – 1.000 đồng/gói.

Dùng một lần và… “chết khiếp”

Vì là những sản phẩm được chủ hàng tự ý chia nhỏ, đóng gói và bán lẻ ra thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ và tiêu chuẩn theo quy định nên chất lượng của chúng vẫn là một dấu hỏi lớn cho người tiêu dùng. Đôi khi, chỉ cần một lần sử dụng nhiều khách hàng đã sợ “chết khiếp” bởi thứ mùi, thứ màu kì dị mà các loại gia vị tẩm ướp đóng túi này tạo ra.

Chị Diệu Linh (ngõ 111, Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội) kể: “Lần ấy thấy mấy người bạn đưa cho gói bột điều đỏ còn thừa sau khi đem kinh doanh thịt nướng bán ở hội chợ trường nên tôi cũng hí hửng mang về dùng. Đến khi trộn vào thịt lợn, gói bột đổi màu đỏ lòm, lại thêm nước thịt tiết ra trông như phẩm màu khiến tôi sợ quá phải rối rít mang thịt đi rửa sạch”.

Cũng từ “bài học xương máu” đó mà về sau, chị Diệu Linh không còn tơ tưởng đến việc tẩm ướp thịt bằng các loại phụ gia không rõ nguồn gốc này.

gia-vi
Các loại phụ gia sẽ khiến món ăn thêm ngon, nhưng với phụ gia trôi nổi
thì nên  thận trọng

Đã từng có thời điểm các cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện một số cơ sở sản xuất bột điều đỏ, bột ớt có chứa chất Rhodamine B trong sản phẩm. Rhodamine là chất độc hại không được phép hiện diện trong thực phẩm, bởi khi vào cơ thể và tích tụ lâu ngày sẽ dẫn đến tổn thương gan, thận và dẫn tới ung thư. Với những người gan kém có thể gây dị ứng tức thì. Các loại bột ớt, bột điều đỏ đang bày bán trên thị trường vì không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần, chỉ tiêu chất lượng... nên khả năng không bảo đảm an toàn, có chứa các chất như Rhodamine B gây hại cho sức khỏe là hoàn toàn có thể xảy ra.

Mặt khác, Điều 17, Luật An toàn thực phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn đối với phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm được quy định: đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tuân thủ quy định về phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; có hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn hoặc tài liệu đính kèm trong mỗi đơn vị sản phẩm bằng tiếng Việt và ngôn ngữ khác theo xuất xứ sản phẩm… Chiếu theo đó, những sản phẩm phụ gia được người bán tự động đóng gói nhỏ để bán không hề đáp ứng được bất kỳ tiêu chuẩn và điều kiện nào nêu trên. Do vậy, dù rất tiện dụng trong chế biến, song người tiêu dùng nên thận trọng khi mua.

b(Theo VietQ)

Trung Quốc: Lẩu dùng phụ gia là… thuốc phiện

 Để tối đa hóa lợi nhuận, giữ chân khách lâu dài, nhiều nhà hàng lẩu tại thành phố Nanjing, Trung Quốc đang dùng những chất phụ gia độc hại. Đáng ngại hơn, những chiết xuất từ cây thuốc phiện cũng được thêm vào nồi lẩu.

lau
Lẩu là món ăn phổ biến tại Trung Quốc

Trên đây là một trong những tiết lộ của chủ một nhà hàng chuyên về lẩu thịt cừu với tờ Yangtse Evening Post. Theo đó rất nhiều nhà hàng lẩu tại thành phố Nanjing treo biển “lẩu cừu” nhưng hầu như chỉ có xương heo, hương liệu thịt cừu, chất tẩy trắng cùng nhiều phụ gia khác.

Theo lời khuyên của một người bạn trong nghề, chủ cửa hàng lẩu nêu trên cho biết, trong quá trình chuẩn bị, nhiều loại phụ gia được thêm vào để vừa tăng hương vị của nồi lẩu, vừa tăng lợi nhuận nhờ giảm chi phí mua các loại thực phẩm thật.

Sau vài lần làm theo lời khuyên của bạn, ông chủ nhà hàng lẩu mới phát hiện rằng chất tẩy trắng mà mình vẫn thường cho vào lẩu có hàm lượng oxit titan rất cao. Đây là chất tạo màu thường được dùng trong mỹ phẩm và một số đồ ăn nhưng nhìn chung không được cho vào thịt hoặc canh.

Dù thu được lợi nhuận từ cách làm ăn gian dối này nhưng ông chủ nhà hàng giấu tên trên khẳng định mình buộc phải công bố việc này trên mạng bởi nó đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng. Ông đồng thời cũng chuẩn bị bỏ nghề kinh doanh này.

Chủ của một công ty giao hàng lẩu tại thành phố này cho biết, 50 kg thịt cừu được dùng để làm nước lẩu có thể được mua với giá khoảng 1800 nhân dân tệ (tương đương gần 6 triệu đồng). Khi bán lẻ, nước lẩu có thể được bán với giá 2400 nhân dận tệ, giúp đem về lợi nhuận 600 nhân dân tệ.

Khoảng 80% thịt cừu nguyên liệu thô có thể được sử dụng để nấu lẩu, súp. Một bát súp thịt cừu có giá 12 nhân dân tệ thường chỉ chứa 50g thịt cừu. Do đó một con cừu có thể được dùng để nấu hàng trăm bát súp thịt cừu. Nhưng người này cho biết, nếu không sử dụng các chất phụ gia, hương vị nhạt nhẽo và giá cao của món ăn sẽ khiến nó kém hấp dẫn.

Một tay lái buôn hàng gia vị khẳng định các nhà hàng lẩu và súp thịt cừu thường sử dụng một loại nước dùng màu trắng dạng kem mịn rất phổ biến để làm phụ gia cho nước súp. Một lọ nước này loại 1kg có giá chỉ 30 nhân dân tệ. Và ông đã bán được hàng chục lọ như vậy mỗi tháng mùa Đông do nhu cầu ăn lẩu tăng.

Các loại phụ gia khác nhau có giá từ 15 tới 60 nhân dân tệ mỗi loại. Đắt nhất và quý nhất là phụ gia chiết xuất từ cây thuốc phiện với giá 100 nhân dân tệ. Việc sử dụng loại phụ gia này có thể khiến khách hàng nghiện loại thức ăn trên. Người lái buôn gia vị cho biết.

(Theo Dân trí)

Bột ngọt – lợi hay hại?

Bột ngọt là một gia vị được phát minh ra cách đây hơn 100 năm và hiện được sử dụng phổ biến trong chế biến món ăn công nghiệp cũng như tại gia đình. Bản chất của bột ngọt là glutamate – thành phần giúp mang lại “vị umami” hay còn gọi là vị “vị ngọt thịt” – nên bột ngọt còn được gọi là “gia vị umami”.

Là một gia vị được sử dụng phổ biến nên tính an toàn của bột ngọt được đánh giá nghiêm ngặt bởi các tổ chức y tế và sức khỏe trên toàn thế giới. Theo Ủy ban Hỗn hợp về Phụ gia Thực phẩm của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) và tổ chức Lương nông Liên hợp quốc (FAO), bột ngọt được đánh giá là gia vị an toàn với liều lượng sử dụng hàng ngày không xác định.

Ủy ban Khoa học về Thực phẩm của Cộng đồng chung châu Âu cũng đánh giá bột ngọt là gia vị an toàn và không có bằng chứng nào cho thấy bột ngọt có hại cho người sử dụng. Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm FDA của Mỹ cũng đã tái xác nhận tính an toàn của bột ngọt tương tự như các gia vị muối, tiêu, giấm…

Những đánh giá mới nhất của các tổ chức y tế và sức khỏe trên thế giới đều cho thấy bột ngọt là một gia vị an toàn cho việc chế biến món ăn. Ở Việt Nam, gia vị này cũng được Bộ Y Tế cho phép sử dụng trong chế biến thực phẩm.

Như vậy, về cơ bản, việc sử dụng gia vị bột ngọt trong nấu nướng cũng tương tự như việc sử dụng các gia vị khác và không phải là một chất dinh dưỡng. Vì là một gia vị nên khi chế biến món ăn, chúng ta cần phải cân đối các chất dinh dưỡng cần thiết khác như chất đạm, chất bột, chất xơ, chất béo, khoáng chất… có trong các nguồn thực phẩm khác nhau.

Truy tố người “độn” chất cấm vào thực phẩm

Bộ Y tế khá chậm trễ khi ban hành danh mục chất phụ gia cấm sử dụng.

Cá nhân có hành vi “độn” hóa chất công nghiệp như: Rhodamine B vào tương ớt để làm đẹp sản phẩm; sibutramine vào trà giảm cân khiến người dùng bị tiêu chảy; hàn the vào giò chả, formaldehyde vào bánh phở để chống ôi thiu… gây hại sức khỏe người sử dụng sẽ bị truy tố trong thời gian tới.

Bế tắc trong xử lý thực phẩm “bẩn”

Trong khoảng một năm trở lại đây, lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường đã phanh phui hàng loạt các vụ, việc vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực ATVSTP. Có thể kể đến các vụ mới đây như: phát hiện cơ sở sản xuất tương ớt ở thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), “độn” Rhodamine B hàm lượng cao – hóa chất độc hại dùng trong ngành công nghiệp nhuộm vải, để tăng màu cho sản phẩm; sibutramine – phụ gia không được phép dùng trong thực phẩm (chất làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, giãn mạch) vào cà phê giảm cân, gây ức chế thần kinh trung ương, khiến người uống có cảm giác no, không muốn ăn…

Theo đánh giá của đại tá Trần Trọng Bình – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCTP về môi trường – Bộ Công an, đây đều là những vi phạm nghiêm trọng, tuy nhiên mức xử lý hiện nay với các vi phạm này chỉ là xử phạt vi phạm hành chính. Đại diện cục nghiệp vụ cho hay: Đơn vị từng bắt quả tang một cơ sở cho hàn the vào giò chả, với lượng sản phẩm lên đến 8 tấn. Chỉ tính riêng tiền lưu kho, thuê tiêu hủy số thực phẩm “bẩn” trên đã mất 50 triệu đồng. Trong khi đó, theo quy định, chỉ có thể xử phạt cá nhân, tổ chức vi phạm 5 triệu đồng. “Mức phạt này chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận của cơ sở, không có tính răn đe” – Đại tá Trần Trọng Bình cho biết.

Hay như vụ Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường – CATP Hà Nội, phát hiện hàng tấn thịt lợn ốm, chết nhiễm bệnh tai xanh được dùng để chế biến thành ruốc, mắm tép, bán cho người tiêu dùng, hồi tháng 6/2012 vừa qua. Những đối tượng liên quan ban đầu được nhận định, có dấu hiệu phạm vào tội: “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người; lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực phẩm”, song đến nay, kết quả điều tra đang rất bế tắc. Để có căn cứ xử phạt hành chính chủ cơ sở chế biến mắm tép, ruốc, làm từ thịt lợn ốm, chết do mắc bệnh tai xanh, cơ quan công an phải trưng cầu giám định sản phẩm, xem trong đó có lượng kháng sinh tồn dư dùng trong phòng ngừa và điều trị bệnh lợn tai xanh hay không… Bất cập ở chỗ, phí tổn đơn vị chuyên trách phân tích ATVSTP, “đòi” cơ quan công an nộp để làm xét nghiệm lên đến gần 20 triệu đồng, trong khi nếu có xử phạt, khung trần cho vi phạm này chỉ khoảng 40-50 triệu đồng.

Sẽ có danh mục chất phụ gia cấm sử dụng

Hiện nay, theo luật định, muốn khởi tố, bắt đối tượng “độn” các chất độc hại trong thực phẩm, thì hành vi họ gây ra phải gây hậu quả nghiêm trọng, tức là phải có người chết hoặc ngộ độc hàng loạt. Ai cũng hiểu những chất tồn dư trong thực phẩm không thể làm chết người ngay, mà sẽ gây tác hại lâu dài, các bệnh hiểm nghèo cho nhiều người sử dụng. Hành vi gây hậu quả nghiêm trọng vì vậy khó xác định, đây chính là nguyên nhân tại sao nhiều năm nay, không có vụ việc vi phạm ATVSTP nào bị xử lý hình sự, dù rất nhiều vụ việc bị phanh phui.

Đề cập đến những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý đối tượng có hành vi “đầu độc” người tiêu dùng, thượng tá Nguyễn Việt Tiến – Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCTP về môi trường CATP Hà Nội nói: Đành rằng khó xác định hành vi “Gây hậu quả nghiêm trọng” trong các vi phạm về ATVSTP, nhưng quan điểm của cơ quan công an vẫn phải xử lý hình sự các đối tượng này. Tuy vậy, điều kiện cần là Bộ Y tế phải ban hành quy định về danh mục các chất cấm, không được phép sử dụng trong thực phẩm.

Bộ luật Hình sự hiện quy định tội danh “Buôn bán hàng cấm”, do vậy, nếu Bộ Y tế ban hành danh mục này, cơ quan công an sẽ truy tố được những người “độn” chất cấm, “đầu độc” người dân. Đại diện Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường – CATP Hà Nội dẫn chứng: Bộ NN&PTNT từng cho  ban hành quyết định cấm sử dụng nhiều loại thuốc trong bảo vệ thực vật. Điều này có nghĩa, người nào cố tình mua bán, sử dụng thuốc trừ sâu cấm sử dụng có thể bị truy tố. Thế nhưng trong lĩnh vực ATVSTP, liên quan đến con người, Bộ Y tế lại khá chậm trễ. Hơn ai hết, bộ chuyên ngành hiểu rõ những loại hóa chất công nghiệp như: rhodamine B, hàn the, formaldehyde… đi vào cơ thể sẽ nguy hiểm cho con người thế nào, nhưng bao năm nay, cơ quan này không ban hành danh mục chất cấm sử dụng.

Sau nhiều lần gửi kiến nghị về những kẽ hở trong xử lý vi phạm về ATVSTP, đến các bộ, ban, ngành liên quan đều không hiệu quả, ngày 26/4 vừa qua, tại cuộc họp giao ban trực tuyến với các địa phương về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường – Bộ Công an đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu, ban hành quyết định các chất cấm sử dụng trong thực phẩm. Ngày 14/5 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng, trong đó yêu cầu Bộ Y tế, trong năm 2012 phải ban hành thông tư về “danh mục các chất phụ gia cấm sử dụng trong sản xuất thực phẩm”. “Nếu văn bản trên ra đời đúng thời hạn, chắc chắn lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường sẽ đẩy lùi được những vi phạm về ATVSTP, liên quan đến sử dụng chất cấm” – đại diện phòng nghiệp vụ khẳng định.

 (Theo Cimsi)