Lưu trữ cho từ khóa: phospho

Chứng bệnh còi xương ở trẻ em

Trẻ em bị còi xương là do cơ thể bị thiếu hụt vitamin D làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu và chuyển hóa canxi và phospho.

Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu ánh sáng mặt trời, do kiêng khem quá mức và chế độ ăn nghèo canxi - phospho; những trẻ không được bú mẹ dễ bị còi xương hơn trẻ bú mẹ.


Bệnh còi xương sẽ làm cho bộ xương bị biến dạng. Ảnh minh họa

Những dấu hiệu chứng tỏ trẻ bị còi xương

- Trẻ hay quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình, ra nhiều mồ hôi khi ngủ.

- Xuất hiện rụng tóc vùng sau gáy tạo thành hình vành khăn.

- Các biểu hiện ở xương: thóp rộng, bờ thóp mềm, thóp lâu kín, có các bướu đỉnh, bướu trán (trán dô), đầu bẹp cá trê.

- Các trường hợp còi xương nặng có di chứng: chuỗi hạt sườn, dô ức gà, vòng cổ chân, cổ tay, chân cong hình chữ X, chữ O.

- Răng mọc chậm, trương lực cơ nhẽo, táo bón.

- Chậm phát triển vận động: chậm biết lẫy, biết bò, đi, đứng…

- Trong trường hợp còi xương cấp tính: trẻ có thể bị co giật do hạ can xi máu.

Những trẻ dễ có nguy cơ bị còi xương

- Trẻ sinh non, đẻ sinh đôi.

- Trẻ nuôi bằng sữa bò.

- Trẻ quá bụ bẫm.

- Trẻ sinh vào mùa đông.

Phân biệt còi xương và bệnh còi cọc

Trẻ còi cọc: trẻ bị suy dinh dưỡng, có số đo về cân nặng và chiều cao đều thấp hơn trẻ bình thường, cũng có thể kèm còi xương hoặc không.

Bệnh còi xương: có thể gặp ở cả những đứa trẻ rất bụ bẫm, do nhu cầu về canxi, phospho cao hơn trẻ bình thường.

Làm gì khi trẻ bị còi xương?

- Cho trẻ tắm nắng hàng ngày: để chân, tay, lưng, bụng trẻ lộ ra ngoài từ 10 -15 phút lúc buổi sáng (trước 9 giờ). Về mùa đông không có ánh nắng cho trẻ đi tắm điện ở khoa vật lý liệu pháp tại các bệnh viện. Dưới da có sẵn các tiền vitamin D là 7 dehydrocholesterol, dưới tác dụng của tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời các tiền vitamin sẽ bị hoạt hóa chuyển thành vitamin D. Vitamin D có tác dụng điều hòa chuyển hóa và hấp thu canxi, phospho, ánh nắng mặt trời phải được chiếu trực tiếp trên da mới có tác dụng, nếu qua lần vải thì sẽ còn rất ít tác dụng.

- Cho trẻ uống vitamin D 4000 UI/ngày trong 4 - 8 tuần, trong trường hợp trẻ bị viêm phổi, tiêu chảy cần tăng liều 5.000 - 10.000 UI/ngày trong 1 tháng, hoặc cho trẻ tiêm vitamin D 200.000 UI/uống, 3 tháng tiêm nhắc lại một lần trong năm đầu tiên.

- Cho trẻ uống thêm các chế phẩm có canxi như: canxi B1 - B2 - B6: 1 – 2 ống/ngày, trẻ lớn có thể ăn cốm canxi 1 - 2 thìa cà phê/ngày.

- Cho trẻ bú mẹ; ăn bổ sung các loại thực phẩm có chứa nhiều canxi: sữa, cua, tôm, cá trong các bữa ăn hàng ngày (cần xóa bỏ quan niệm cho trẻ ăn xương ống, xương chân gà sẽ chống được còi xương); cho dầu mỡ vào bữa ăn hàng ngày của trẻ: vì vitamin D là loại tan trong dầu, nếu chế độ ăn thiếu dầu mỡ thì dù có được uống vitamin D trẻ cũng không hấp thu được nên vẫn bị còi xương.

Phòng bệnh còi xương cho trẻ

- Khi có thai các bà mẹ phải làm việc nghỉ ngơi hợp lý để tránh bị đẻ non, có thể uống vitamin D khi thai được 7 tháng: 600.000UI/3 tuần, mỗi tuần 200.000UI.

- Sau khi sinh cả mẹ và con không nên ở trong phòng tối và kín, phòng ở thoáng mát và đầy đủ ánh sáng.

- Sau khi sinh 2 tuần cho trẻ ra tắm nắng 15 - 20 phút/ngày vào buổi sáng (trước 9 giờ).

- Cho trẻ uống vitamin D 400UI/ ngày trong suốt năm đầu tiên nhất là về mùa đông.

- Khi trẻ ăn bổ sung: cho trẻ ăn các loại thực phẩm có chứa nhiều canxi như: sữa, trứng, tôm, cua, cá, rau xanh và dầu mỡ

ThS.BS. LÊ THỊ HẢI

Meo.vn (Theo SK&ĐS)

Canxi – thiếu, thừa đều hại

Canxi có 99% ở xương và răng giúp cho sự hình thành phát triển duy trì hoạt động hai cơ quan này. Nó chỉ hiện diện 1% trong máu, mô mềm nhưng lại có ý nghĩa quan trọng khác…

Nhu cầu và tác hại do thiếu canxi

Với thai nhi, trẻ sơ sinh:

Mỗi ngày thai cần ở thời kỳ đầu 350mg, giữa 150mg, cuối 150 - 450mg canxi. Mỗi ngày người lớn cần 800mg (theo WHO). Song nhiều nghiên cứu cho biết, hầu hết đều đạt thấp hơn: ở Mỹ, nữ da trắng 640 mg, nữ da đen 452mg; ở Trung Quốc chung cho nam nữ thành phố lớn 600mg, nông thôn 378mg; ở Việt Nam khoảng 400mg canxi.

Mỗi ngày bà mẹ mang thai cần 1.000 - 1.200mg. Khi canxi - máu thấp, theo “phản xạ tự nhiên”, tuyến cận giáp tăng tiết parathyroid để phân giải canxi dạng không tan của xương thành dạng tan, phóng thích vào máu, cung cấp cho thai song sự đáp ứng này chỉ nằm trong giới hạn. Kết cục, khi bà mẹ thiếu canxi, thai sẽ thiếu canxi, dẫn đến: chứng còi xương, dị dạng xương bẩm sinh; chứng hạ canxi - máu ngay khi sinh ra với biểu hiện co rút, co giật các cơ, thậm chí nín thở, ngừng hô hấp; chứng khò khè bẩm sinh (do các cơ liên quan hô hấp không làm tốt chức năng).


Canxi có 99% ở xương và răng giúp cho sự hình thành phát triển duy trì hoạt động hai cơ quan này

 

Ở trẻ còn rất nhỏ:

Bà mẹ cung cấp hoàn toàn (trước khi ăn dặm) hay một phần lớn (trước lúc bỏ bú) cho trẻ. Nếu bà mẹ thiếu, trẻ cũng sẽ thiếu canxi, dẫn đến chứng hạ canxi - máu nhẹ (dễ bị giật mình, ngủ không yên, quấy khóc) hay hạ canxi máu nặng (co giật). Các biểu hiện này xuất hiện vài ba ngày, vài ba tuần hay một tháng sau sinh, ngày càng rõ.

Ở trẻ tuổi nhỏ, tuổi trưởng thành:

Lúc này canxi cho trẻ do chế độ ăn quyết định.

Thiếu canxi sẽ khó hình thành, phát triển, duy trì hoạt động xương răng, nhất là chiều dài xương, dẫn đến có chiều cao khiêm tốn (so với trẻ cùng trang lứa trong cùng dân tộc, hệ di truyền). Thiếu canxi còn làm giảm sự sự lắng đọng cục bộ, khô chất gian bào ở đầu xương, gây ra cơn đau tăng trưởng ở bắp chuối hay một bên hoặc cả hai bên khớp gối nhưng không phải là viêm khớp.

Canxi tham gia vào các hoạt động của các enzym chuyển hóa protid, lipid, glucid; nếu thiếu, các quá trình này bị trở ngại, ảnh hưởng đến dinh dưỡng, làm trẻ chậm phát triển về thể chất. Canxi tham gia vào tế bào phóng thích acetylcholine, norephenephrin, tham gia vào hoạt động vùng dưới đồi, tuyến yên; thúc đẩy việc phòng thích hormon cortical, nhằm đảm bảo sự dẫn truyền thông tin giữa các tế bào thần kinh với nhau và giữa tế thần kinh với các tế bào khác; nếu thiếu thì quá trình học nhớ, tư duy bị sút kém, trẻ chậm phát triển tinh thần, trí tuệ.

Một số bệnh khi thiếu canxi tuổi trưởng thành sẽ không bộc lộ, nhưng tạo tiền đề cho sự bộc lộ ấy vào tuổi trung niên, tuổi già: như bệnh loãng xương, chứng lẩn thẩn tuổi già, bệnh cao huyết áp.

Bổ sung canxi như thế nào?

Sự hấp thu canxi:

Cơ thể trẻ chỉ hấp thu khoảng 50% lượng canxi từ thức ăn. Canxi dạng hòa tan hấp thu dễ, dạng không hào tan không hấp thu được. Khi sự phân tiết acid dạ dày kém (trẻ quá nhỏ tuổi) thì việc chuyển sang dạng canxi hòa tan giảm, sự hấp thu canxi giảm theo; song nếu thức ăn có thêm acid (dấm, vitamin C) hay có thêm chất lysine, tryptophan, arginn, histidin, sự chuyển thành dạng canxi tan tăng lên, sự hấp thu canxi tăng theo. Khi có các bệnh đường ruột (trẻ tiêu chảy dai dẳng, táo bón…), sự hấp thu canxi cũng kém đi.

Khi canxi nhiều hơn phosphor, canxi dễ hấp thu, nhưng khi phospho nhiều hơn thì canxi khó hấp thu. Tỷ lệ canxi/phosphor(Ca/P) bằng 1/1 thuận lợi cho hấp thu canxi từ 1 tuổi đến cuối đời, nhưng tỷ lệ bằng 2/1 sẽ thích hợp cho trẻ sơ sinh đến 2 tháng và bằng 1,5/1 thích hợp cho trẻ từ 2 tuổi đến dưới 1 tuổi. Sữa người có tỷ lệ Ca/P khoảng1,31/1 nên việc hấp thu canxi chưa phải tối ưu nhưng tốt hơn sự hấp thu canxi ở các thức ăn và sữa khác rất nhiều.

Bổ sung canxi bằng thực phẩm:

Giá trị canxi của thực phẩm không chỉ ở hàm lượng mà còn ở các yếu tố hấp thu trên. Canxi ở thực vật (vì có một số ở dạng không hòa tan như oxalat) nên không tốt bằng ở động vật; động vật trên cạn có hàm lượng canxi thấp nên không tốt bằng động vật ở dưới nước (cá tôm, cua, ếch), nhất là loại tôm cá biển. Cần ăn cân đối giữa thức ăn thực vật - động vật trên cạn, dưới nước. Nếu chỉ ăn thực vật, có khi canxi tính lượng thô vẫn đủ, nhưng lượng hấp thu vào cơ thể vẫn thiếu.

Bổ sung canxi bằng thuốc:

Khi bị bệnh do thiếu canxi nặng (có biểu hiện lâm sàng và xét nghiệm rõ) mới cần dùng thuốc. Nếu bệnh nặng như còi xương, cần dùng thuốc canxi kèm với vitamin D liều cao, nhưng nếu bệnh khỏi (hết biểu hiện trên lâm sàng, xét nghiệm), cần ngừng cả hai thuốc vì thừa cả hai thứ đều làm tăng canxi - máu, có hại. Khi bệnh cấp cứu như hạ canxi - máu nặng cần dùng dạng canxi tiêm và chỉ thực hiện tại bệnh viện.

Khi thiếu canxi mức vừa, có thể bổ sung thuốc chứa canxi, vitamin D loại có hàm lượng thấp (canxi 200mg - 500mg, vitamin D 200IU). Sau 3 tháng, kiểm tra lại, nếu đã đủ thì ngừng thuốc, khi nào thiếu bổ sung lại. Nếu cho trẻ ăn cả ngày không kể liều lượng và kéo dài sẽ thừa canxi, trẻ sinh ra mỏi mệt, chán ăn. Loại có hàm lượng canxi và vitamin D hoặc chỉ có vitamin D hàm lượng cao, tác dụng kéo dài chỉ dùng để chữa bệnh theo đơn, tuyệt đối không tự ý dùng để bổ sung canxi, vitamin D cho trẻ không có bệnh, vì sẽ tăng canxi - máu, gây độc.

DS.CKII. Bùi Văn Uy

Meo.vn (Theo Sức khỏe & Đời sống)

Lợi ích của việc đi bộ

Trong cuộc sống hiện đại, con người ngày càng bận rộn, ít vận động, việc dành thời gian để tập luyện một môn thể thao nào đó để rèn luyện sức khỏe đôi khi rất khó thực hiện. Nhưng không phải ai cũng biết đi bộ là hằng ngày là hình thức tập luyện đơn giản nhất nhưng cũng mang lại lợi ích to lớn đối với sức khỏe mỗi người.

Đi bộ đem lại lợi ích gì?

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh đi bộ có những lợi ích sau:

-  Giúp kiểm sốt trọng lượng cơ thể, giảm khối lượng mỡ dư thừa trong cơ thể, giúp có một thân hình cân đối, khỏe mạnh. Trung bình khi đi bộ 1,6km, cơ thể sẽ đốt cháy khoảng 100 calo. Đi bộ 3,6km/ngày và 3 lần/tuần có thể giúp giảm 0,5kg trong 3 tuần luyện tập đều đặn.

- Bảo vệ xương, làm cho xương chắc khỏe, giúp ngăn chặn loãng xương nhờ vận động nhẹ nhàng đều đặn, hệ xương được nuôi dưỡng tốt, khả năng hấp thụ canxi và phospho được tăng cường, đẩy lùi quá trình loãng xương, đặc biệt là ở người cao tuổi và phụ nữ thời kỳ mãn kinh.

- Tăng sự hưng phấn, chống trầm cảm lo âu, giúp có giấc ngủ tốt, tránh suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi: Đi bộ vào buổi tối có thể đem lại cho bạn một giấc ngủ ngon, ngủ sâu do đi bộ vào thời gian này làm sản sinh chất nội tiết tố serotonin, gây ra cảm giác dễ chịu như được thư giãn sau một ngày lao động; khi đi bộ thân nhiệt tăng lên, lúc nghỉ ngơi thân nhiệt giảm xuống, làm cho dễ ngủ và ngủ ngon. Đi bộ trên 30 phút/ngày làm giảm quá trình mất trí nhớ ở người cao tuổi, vừa đi vừa nói chuyện với bạn bè làm cho não được tưới máu nhiều hơn, não hoạt động linh hoạt, hiệu quả hơn.

- Đi bộ có tác dụng rất tốt cho hệ hô hấp và hệ tuần hoàn, do đó làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như: bệnh mạch vành, đột quỵ, tăng huyết áp,… Ngoài ra còn làm giảm cholesterol ở những người có nồng độ cholesterol cao trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin, nguy cơ mắc ung thư đại tràng,…

Đi bộ như thế nào?

Trước khi đi bộ nên chú ý chuẩn bị quần áo, dày dép phù hợp: Quần áo tùy theo điều kiện thời tiết, rộng rãi, thoáng mát bằng các loại vải thấm mồ hôi như cốt tông (vào mùa hè), đủ ấm (vào mùa đông); Mang giày vừa vặn, thích hợp. Trước khi bắt đầu luyện tập, nên giành 5-10 phút tập những động tác khởi động để làm “ấm cơ thể”, tránh căng cơ, mau mệt mỏi trong quá trình luyện tập.

Khi đi bộ đầu luôn giữ thẳng và hướng về trước, thẳng lưng. vai và cánh tay nên để thoải mái, khi đi nên đánh tay một cách tự nhiên. Lúc bắt đầu nên đi chậm, sau đó tăng nhanh hơn một chút. Đi với tốc độ mà bạn cảm thấy thoải mái nhất là được. Thời gian mỗi buổi tập tùy theo từng người, đối với người mới bắt đầu nên tập ít, sau đó tăng dần. Điều quan trọng là cần phải luyện tập thật đều đặn và thường xuyên.

Lưu ý: Đối với người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính, bệnh tim mạch, tăng huyết áp,... nên tham khảo hướng dẫn của bác sĩ trước khi luyện tập.

Bác sĩ Thu Lan

Meo.vn (Theo SK&ĐS)

Ngộ độc mạn tính hóa chất bảo vệ thực vật

Nước ta là một nước nông nghiệp với diện tích trồng lúa, hoa màu rất lớn. Ðiều này đồng nghĩa với việc phải sử dụng thường xuyên các loại hóa chất bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu, diệt cỏ, nấm mốc, ký sinh trùng…), các loại thuốc kích thích tăng trưởng. Về nguyên tắc, tất cả các loại hóa chất này đều có ảnh hưởng tới sức khỏe con người và đặc biệt nguy hại nếu sử dụng không đúng liều lượng, không đúng quy trình; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giả, ngoài danh mục, không đạt tiêu chuẩn chất lượng, không rõ nguồn gốc,…

Nhiễm độc do sử dụng thường xuyên

Các hóa chất bảo vệ thực vật hiện nay có  một số nhóm chính như phospho hữu cơ, chlor hữu cơ, carbamat, pyrethroid và một số chất khác như aldicarb, camphechlor, thuốc diệt cỏ… với hàng trăm tên thương mại và nguồn gốc xuất xứ khác nhau dẫn đến nhiều khó khăn trong việc sử dụng và quản lý. Các thế hệ thuốc trừ sâu diệt cỏ mới thường an toàn hơn nhưng không phải là không có độc tính như một số người vẫn lầm tưởng. Bên cạnh đó, tình trạng kinh doanh, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật bất hợp pháp vẫn diễn ra tràn lan. Theo số liệu của Cục Bảo vệ thực vật, tại nước ta hằng năm số lượng các hành vi vi phạm về sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật bất hợp pháp như: kinh doanh thuốc cấm, thuốc giả, thuốc ngoài danh mục, thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, thuốc vi phạm nhãn mác không rõ nguồn gốc, chiếm từ 35 đến 40% trong tổng số các trường hợp được xác định là vi phạm về thuốc bảo vệ thực vật… Điều đó có thể gây tác hại khôn lường đối với mọi cấp trong hệ sinh vật, tác động trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng mà phần lớn là bà con nông dân.

Nguyên nhân gây ngộ độc mạn tính hóa chất bảo vệ thực vật thường do tiếp xúc hàng ngày: người sử dụng khi phun thuốc qua đường hô hấp, qua da, niêm mạc, do ăn các loại rau củ quả vẫn còn dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật chưa phân hủy hết, do sử dụng các nguồn nước bị nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, do ở gần nơi có trồng hoa màu, các nhà máy sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật mà không đảm bảo an toàn trong việc bảo quản hóa chất bảo vệ thực vật.


Phun thuốc trừ sâu không đúng quy tắc an toàn là nguyên nhân gây nhiễm độc.

Triệu chứng khó nhận biết

Khác với ngộ độc cấp tính là một lượng lớn chất độc vào cơ thể nên triệu chứng thường rầm rộ và như vậy dễ xác định căn nguyên, ngộ độc mạn thường do lượng chất độc vào cơ thể lâu dài, số lượng ít một nên triệu chứng biểu hiện kín đáo: Nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt ù tai, nôn mửa, ăn uống khó tiêu. Điển hình là trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị H, 55 tuổi, làm ruộng. Gần một năm nay, bà thường xuyên bị đau đầu, mất ngủ, ăn uống khó tiêu, đôi khi xuất hiện đau vùng thượng vị, buồn nôn, da chân tay lạnh, khô. Bà đã đi khám và làm xét nghiệm ở một số cơ sở y tế, được chẩn đoán là suy nhược cơ thể. Bà đã uống thuốc nhưng không đỡ. Qua khai thác kỹ tiền sử nghề nghiệp cho thấy: gia đình bà có 5 sào đất chuyên trồng rau, thường xuyên dùng hóa chất bảo vệ thực vật. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy men cholinesterase trong máu giảm nặng. Chẩn đoán xác định bà bị nhiễm độc mạn tính thuốc trừ sâu loại phospho hữu cơ.

Tình trạng nhiễm độc khác nhau tuỳ theo loại hoá chất và liều lượng dùng. Các chất lân hữu cơ thường gây nhiễm độc cấp tính qua đường hô hấp, qua đường tiêu hoá, qua da; ngoài ra còn các dấu hiệu khác như nhịp tim chậm, huyết áp giả... Chất clo hữu cơ tồn lưu trong cơ thể rất lâu, gây nhiễm độc mạn tính: rối loạn thần kinh, mất ngủ, kém trí nhớ, mờ mắt, giảm thính lực, suy nhược cơ thể; sức khoẻ suy nhược; phụ nữ bị các tai biến sinh sản (sảy thai, đẻ non, chửa trứng…), các dị tật bẩm sinh ở trẻ em (sứt môi, hở hàm ếch, cụt chi,...); quái thai, thai đôi dính, vô sọ… do tác động đến bộ gen ở mẹ và bố, di truyền cho các thế hệ con cháu; gây ung thư. Các triệu chứng nói trên thường xảy ra chậm, mức độ từ nhẹ đến nặng, không đặc trưng cho ngộ độc hóa chất bảo vệ thực vật nên rất khó xác định nguyên nhân và dễ lầm với các bệnh khác (như suy nhược cơ thể, trầm cảm…).

Rau quả cần ngâm nước kỹ để tránh ngộ độc. Ảnh: MH

Phòng tránh như thế nào?

Để hạn chế tối đa ngộ độc mạn tính các loại hóa chất bảo vệ thực vật, bà con nên lưu ý chỉ sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật trong danh mục, có hiệu quả cao đối với sinh vật gây hại nhưng ít độc đối với người và động vật. Khi sử dụng các thuốc nói trên cần tuân thủ nghiêm ngặt các qui tắc vệ sinh an toàn lao động: đi găng tay, đeo khẩu trang, đứng ở đầu gió khi phun thuốc…. Khi thu hoạch rau củ quả phải chờ hết “thời gian cách ly” là thời gian hóa chất bảo vệ thực vật còn không đáng kể trên rau quả. Rửa sạch và gọt bỏ vỏ rau củ quả khi sử dụng. Không rửa dụng cụ phun, đựng hóa chất bảo vệ thực vật hoặc chôn, ném các loại chai lọ, hộp bảo quản các loại hóa chất này một cách tùy tiện dễ gây nhiễm độc môi trường. Người tiêu dùng khi sử dụng rau quả nghi là có khả năng đã bị phun thuốc hóa chất bảo vệ thực vật cần rửa sạch, ngâm nước nhiều lần, loại rau quả có vỏ vẫn phải rửa thật sạch rồi mới cắt bỏ vỏ.

Khi có biểu hiện ngộ độc hóa chất bảo vệ thực vật, hoặc có các triệu chứng nghi ngờ, bà con nên đi khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa để có thể làm các xét nghiệm cần thiết phục vụ chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Meo.vn (Theo Suckhoedoisong)

Ăn gì để giữ răng chắc khỏe?

Bạn cần bổ sung và duy trì một số thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày để giữ hàm răng chắc khỏe, trắng bóng.

Nước: Uống đủ nước để giữ cho nướu răng sạch sẽ, sáng trắng và mịn, kích thích tiết dịch vị. Sau khi ăn xong, uống nhiều nước sẽ giúp rửa sạch thức ăn bám còn lại trên răng. Vi khuẩn bị đứt nguồn cung cấp nuôi sống, “cơ hội việc làm” không còn nên ít gây thiệt hại cho răng.

Lá bạc hà: Đã được chứng minh vì tính năng làm cho trắng răng và hơi thở thơm mát, bởi bạc hà có thể phân tán thông qua việc lưu thông máu đến phổi, do đó giúp hơi thở thơm tho.

Kẹo chewing gum không đường: Có thể làm tăng điều tiết dịch dạ dày, trung hòa acid trong miệng, giúp bảo vệ răng và ngăn ngừa sâu răng.


Sữa: Muối acid của calci và phospho trong sữa giúp cân bằng acid trong miệng, loại bỏ môi trường thuận lợi của vi khuẩn. Uống sữa thường xuyên để tạo thêm calci trên bề mặt răng, tăng cường và phục hồi men răng, làm cho răng rắn chắc hơn.

Chuối: Các loại trái cây nhiệt đới thường giàu vitamin C giúp duy trì và bảo vệ răng và nướu khỏe mạnh. Nếu thiếu vitamin C, hệ miễn dịch bị suy yếu, cơ thể dễ bị các bệnh như sưng chân răng, chảy máu răng, răng lung lay, thậm chí rụng mất răng.

Nước ép cần tây: Chất xơ trong các loại rau có tác dụng như một chất thuốc tẩy, sẽ “quét” sạch các mảng thức ăn còn sót lại bám vào trong răng. Ngoài ra, nếu nhai kỹ chúng ta sẽ giúp kích thích điều tiết dịch dạ dày cân bằng acid trong miệng, nó hoạt động như một chất chống vi khuẩn tự nhiên.

Trà xanh: Có chứa chất florur và phospho, giúp trung hòa acid trong miệng, phòng ngừa sâu răng và nha chu. Tanin trong trà cũng làm giảm số lượng vi khuẩn phá hủy răng và gây hôi miệng.

Củ hành tây: Hợp chất lưu huỳnh trong hành tây là thành phần kháng khuẩn rất mạnh, có thể giết chết vi khuẩn gây sâu răng.

Nấm: Trong nấm có chứa các thành phần kiểm soát được việc gây ra vi khuẩn trong miệng có răng đen, răng nhuộm màu.

Mù tạt: Có chứa thành phần isothiocyanate giúp chế ngự các vi khuẩn gây sâu răng.

Và những thứ nên tránh: Ngoài thuốc lá làm vàng răng thì các bác sĩ nha khoa còn khuyên chúng ta nên hạn chế hoặc tránh những thực phẩm như rượu vang đỏ, các loại kẹo màu, các loại nước xốt cà chua, bột cà-ri, trái cây màu đỏ... Chúng có thể gián tiếp làm răng mất đi vẻ trắng sáng nếu sử dụng thường xuyên.

Meo.vn (Theo TN)

Uống sữa giúp xương chắc, khỏe

Theo các nhà dinh dưỡng, trong sữa chứa 9 loại dưỡng chất thiết yếu cần cho cơ thể con người và sữa cũng là một trong những loại thức uống giàu dinh dưỡng nhất.

Chỉ cần dùng một cốc sữa (khoảng 220 ml) sẽ giúp cơ thể đảm bảo được lượng vi chất khuyến cáo cần dùng cho mỗi người hằng ngày như: can-xi, vitamin B2 và các dưỡng chất khác...

Một số thành phần vi chất trong sữa bao gồm: can-xi - một ly sữa (220 ml) sẽ cung cấp được 30% lượng can-xi cơ thể chúng ta cần trong ngày. Can-xi không chỉ giúp duy trì bộ xương chắc khỏe, mà nó còn có vai trò quan trọng đối với chức năng thần kinh, sự co cơ bắp và sự đóng cục của máu...; vitamin D - một ly sữa như nói trên sẽ cung cấp 25% lượng vitamin D cơ thể cần hằng ngày. Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ can-xi và giúp tăng cường sự khoáng hóa xương; chất đạm - một cốc sữa 220 ml sẽ cung cấp 16% nhu cầu chất đạm cơ thể cần trong ngày. Đạm là nguồn năng lượng cung cấp cho cơ thể, để giúp cơ thể hoạt động, vận động của cơ bắp...

Bên cạnh vitamin D, chất đạm, sữa còn cung cấp vitamin A, vitamin B12, vitamin B2: với một ly sữa 220 ml sẽ cung cấp 10% lượng vitamin A, 13% lượng vitamin B12 và 24% lượng vitamin B2 mà nhu cầu mỗi người cần hằng ngày. Vitamin A cần cho thị lực, da và sự phát triển của tế bào... Vitamin B12 cần cho quá trình tạo máu của cơ thể... Vitamin B2 giúp cho cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng...

Ngoài ra, sữa còn cung cấp 11% lượng chất kiềm mà cơ thể cần hằng ngày. Kiềm giúp điều tiết sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể và giúp duy trì ổn định huyết áp cho cơ thể. Nó cũng cần thiết cho các hoạt động và sự co giãn cơ bắp. Với hàm lượng 11% kiềm, sữa là nguồn thực phẩm cung cấp lượng vi chất kiềm nhiều hơn hẳn so với các loại thức uống khác; và cung cấp 20% lượng phospho cần dùng hằng ngày. Phospho giúp tăng cường hệ xương và tạo ra năng lượng cho các tế bào trong cơ thể. Sữa là nguồn thực phẩm cung cấp 20% lượng phospho cần dùng hằng ngày cho một người...

Theo Thanh Niên

Chế độ ăn giúp trẻ phát triển chiều cao

Một bé khỏe mạnh sinh ra dài hơn 50 cm, đây là một khởi đầu tốt để phát triển. Trong 2 năm đầu đời, bé tăng trưởng về chiều cao rất nhanh, thêm khoảng 25 cm. Trẻ cao hay thấp là do di truyền, nhưng chế độ ăn cũng có thể làm thay đổi đáng kể.

Để đầu tư chiều cao cho trẻ, không những cần tác động vào giai đoạn bé đã ra đời mà phải chuẩn bị ngay từ khi người phụ nữ sắp mang thai, thậm chí từ khi bé gái chưa đến tuổi dậy thì. Khi mang thai, bà mẹ cần ăn uống đủ chất, đa dạng các loại thực phẩm, không kiêng khem để đảm bảo tăng cân đủ 10-12 kg trong 9 tháng.

Tròn 1 năm tuổi, trung bình bé trai cao khoảng 76 cm, còn bé gái khoảng 75 cm. Khi được 2 tuổi, bé sẽ cao khoảng 85 cm. Người ta ước tính tầm vóc của người trưởng thành sẽ 2 lần chiều cao lúc 2 tuổi. Và giai đoạn cuối cùng để cải thiện tầm vóc là tuổi dậy thì: bé gái 10-16 tuổi, bé trai 12-18 tuổi. Ở giai đoạn này, bé sẽ tăng 8-10 cm/năm.

Trong giai đoạn trẻ còn có thể tăng chiều cao, cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Năng lượng cung cấp phải đủ, phù hợp với lứa tuổi, không quá dư vì dễ dẫn tới béo phì, cũng không quá ít vì dễ đưa đến suy dinh dưỡng. Bữa ăn của trẻ bao giờ cũng phải đầy đủ 4 nhóm: đạm - bột - béo - rau. Chất đạm nên chiếm khoảng 10-15% tổng năng lượng nói chung, tinh bột chiếm 60-65% và chất béo 10%. Nên cho trẻ ăn đa dạng không kiêng khem, không ăn uống thiên lệch.

Vitamin và khoáng chất cũng có vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển chiều cao của trẻ. Canxi có nhiều trong sữa, cua, ốc, tôm, tép, đậu nành và các loại rau. Trong đó, sữa là quan trọng nhất. Canxi trong sữa dễ hấp thu do có vitamin D và phospho với tỷ lệ hợp lý. Ngoài ra, sữa còn cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất và nguồn đạm có giá trị sinh học cao, chứa đủ các acid amin thiết yếu.

Để canxi được hấp thu tốt hơn, da cần tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng để tổng hợp vitamin D. Vì vậy, nên dành cho con bạn 20 phút tắm nắng mỗi ngày.

Vitamin A vừa giúp phòng chống khô mắt, tăng sức đề kháng chống nhiễm trùng, vừa góp phần trong việc phát triển chiều cao. Các thức ăn giàu vitamin A là sữa, trứng, cá, gan, thịt...

Sắt, kẽm cũng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển chiều cao. Sắt có nhiều trong thức ăn động vật như gan, huyết, thịt, cá... và các loại đậu đỗ, rau dền. Kẽm có trong con hàu, gan heo, thịt bò, sữa, lòng đỏ trứng, sữa đậu nành...

Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, cần khuyến khích trẻ có lối sống năng động, tập thể dục thể thao thường xuyên. Ngủ đủ, ngủ sâu cũng làm hoóc môn tăng trưởng tiết ra nhiều, kích thích xương dài hơn.

Cách đo chiều cao cho trẻ

Đối với trẻ dưới 24 tháng, để trẻ nằm ngửa trên một thước đo gỗ, đầu chạm sát một cạnh của thước đo. Một người giữ đầu trẻ thẳng, mắt nhìn lên trần nhà, một người giữ 2 đầu gối trẻ thẳng và đưa mảnh gỗ áp sát 2 gót bàn chân, bàn chân thẳng đứng. Đọc kết quả và ghi số cm.

Đối với trẻ trên 24 tháng, để trẻ đi chân không, đứng thẳng, quay lưng vào tường; đầu, hai vai, mông, bắp chân, gót chân áp sát tường. Mắt nhìn thẳng ra phía trước, 2 tay xuôi theo thân mình. Dùng bảng gỗ áp sát đỉnh đầu, vuông góc với thước đo. Chiều cao đứng và nằm có thể chênh nhau 1-2 cm.

Cách tính chiều cao đơn giản cho trẻ 2 -12 tuổi: Chiều cao (cm) = tuổi (năm) x 6 + 77.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

Thắp sáng hệ thần kinh

Từ lâu, các nhà ngoại khoa đã tìm cách phân biệt và đề ra nhiều nguyên tắc để tránh xâm phạm vào hệ thống thần kinh khi phẫu thuật. Khát vọng làm thần kinh phát sáng phẫu thuật viên có thể phân biệt và tránh những tổn thương do phẫu thuật đã được hiện thực hóa.

Nguy cơ cắt phải thần kinh

Trong cơ thể chúng ta, hầu như mọi chỗ, mọi ngóc ngách đều có tế bào thần kinh cùng các nhánh của nó. Các tế bào thần kinh ở đây đóng vai trò vô cùng quan trọng. Chúng chính là những bộ phận cảm giác rất tinh tế, và có vai trò quyết định trong việc điều khiển vận động. Không chỉ có vậy, các tế bào thần kinh còn đóng vai trò dinh dưỡng. Một cánh tay mà bị đứt thần kinh thì có thể bị teo yếu vì không được nuôi dưỡng đầy đủ. Vì thế, mà trong mọi trường hợp, chúng ta đều phải cố gắng giữ lại thần kinh hay ít nhất là không được xâm hại đến nó. Ngành phẫu thuật trong y học cũng không nằm ngoài quy tắc này.

Một nhiệm vụ đặt ra cho các phẫu thuật viên là phải cắt bỏ cái gì cần cắt bỏ, giữ lại cái gì cần giữ lại, tuyệt đối không được động chạm đến mạch máu và thần kinh. Trên lý thuyết, việc phân biệt và tránh những dây thần kinh có nhiều điểm và dấu hiệu thực hành. Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng làm được điều này. Vì hình dạng giống nhau đến kinh ngạc giữa một dây thần kinh, một mạch máu, nhất là tĩnh mạch và một gân hay một dây chằng. Chúng đều là những sợi chắc, trắng và đều là những mô sống. Bình thường chúng đã khó phân biệt, trong trường hợp đang phẫu thuật, có chảy máu thì việc phân biệt còn khó khăn hơn. Chẳng khác nào mò kim trong bóng tối.

Việc tìm và thấy được thần kinh chi phối quả thực vô cùng quan trọng. Nếu một phẫu thuật viên mà không cẩn trọng, có thể cắt luôn vào dây thần kinh vận động hai chi dưới khi phẫu thuật cột sống. Nếu không đủ bản lĩnh ngoại khoa, có thể người can thiệp sẽ gây tổn thương cho cả dây thần kinh cảm giác tay khi phẫu thuật gãy xương. Tệ hại hơn, chúng ta có thể cắt nhầm cả dây thần kinh phế vị khi phẫu thuật tuyến giáp. Kết quả người bệnh sẽ trở thành người câm vĩnh viễn.

Xuất phát từ thực tế đó, các nhà ngoại khoa đã tìm nhiều cách và đề ra nhiều nguyên tắc để tránh xâm phạm vào những bộ phân nhạy cảm này. Lúc thì dựa vào hình dạng, lúc thì dựa vào cảm giác đau, lúc thì dựa vào nhịp đập. Tuy thế, nhiều khi sai sót vẫn là chuyện thường ngày ở huyện. Một ước mơ mà nhiều thế hệ phẫu thuật viên khát vọng, đó là làm thế nào đó mà các bộ phận thần kinh phát sáng thì chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thấy chúng một cách chính xác. Và các nhà khoa học đã “phù phép” cho ước mơ đó thành hiện thực.

Kỹ thuật mới giúp hiện hình dây thần kinh cùng các nhánh phân bố.

Phát sáng thần kinh như thế nào?

 

Các nhà khoa học ngành hoá đã phát hiện ra được chất lân tinh, một dạng phospho có khả năng phát sáng trong bóng tối. Phát kiến mở đường này đã sáng tạo ra nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật phục vụ cuộc sống con người như đèn huỳnh quang, ti vi. Nó cũng đã đi vào y học nhiều năm nay.

Những chất có khả năng phát sáng được gọi là những chất huỳnh quang. Dựa trên một suy nghĩ đơn giản, là nếu làm thế nào đó mà chúng ta gắn được các chất huỳnh quang này vào các tế bào thần kinh thì rõ ràng là quá thuận lợi. Khi ấy, chất huỳnh quang sẽ làm cho các dây thần kinh tự phát sáng. Chúng ta sẽ tận mắt nhìn thấy dây thần kinh chứ không phải mò mẫm. Thế là các nhà khoa học bắt đầu bước vào phòng thí nghiệm.

Kết quả, các chuyên gia của trường Đại học San Diego, California đã tìm ra một phương pháp gắn chuỗi peptid huỳnh quang lên các dây thần kinh. Và kết quả thật như ý, dây thần kinh cùng các nhánh của nó sáng như ban ngày. Bằng những thăm dò tìm kiếm, bác sỹ Nguyễn Quyên, một bác sỹ gốc Việt Nam tại trường Đại học San Diego phối hợp cùng với Roger Tsien, một nhà hoá học, đã phân tích và tìm ra các chuỗi peptid ưa gắn thần kinh, các chuỗi peptid được phân lập từ thực khuẩn thể. Sử dụng các peptid này, các chuyên gia chỉ cần gắn chất huỳnh quang lên mình nó là được một sản phẩm như ý.

Được tiến hành vào năm 2010-2011, chuỗi peptid có gắn chất huỳnh quang được bơm vào mạch máu chuột để thử nghiệm khả năng gắn kết. Các nhà khoa học ở đây thấy, sau 2h, toàn bộ hướng đi và nhánh thần kinh điều khiển của một cơ quan mẫu đã hiển thị. Ánh sáng từ dây thần kinh duy trì trong vài giờ, tức là đủ để thời gian cho một ca phẫu thuật thông thường. Sau một ngày, toàn bộ các peptid huỳnh quang được chuyển hoá và thải trừ. Người ta cũng thấy các hiệu ứng tương tự ở các dây thần kinh đã bị đứt, nó cũng phát sáng, miễn là nó còn sống. Thành công liên tiếp thành công, người ta tiếp tục thử gắn lên mô sống của người, sự phát sáng đến kinh ngạc của dây thần kinh và vùng chi phối của nó đã mở ra hẳn một kỹ thụât mới trong phẫu thuật thần kinh. Có thể, trong một tương lai không xa, chúng ta sẽ không còn phải nhắc đến tai nạn tổn thương dây thần kinh trong phẫu thuật nữa.

Tuy nhiên, mọi công việc dường như mới chỉ là bắt đầu. Người ta còn cần tiến hành thử nghiệm nhiều hơn nữa để có thể đi đến kết luận cuối cùng. Câu hỏi đặt ra là liệu hệ thần kinh có trở về bình thường không sau khi phát sáng. Liệu trí tuệ và tư duy con người có bị thay đổi không nếu chúng ta gắn những peptid huỳnh quang vào não bộ. Liệu các chất này có tác dụng phụ hay độc tính gì không? Những câu hỏi này, có lẽ không phải là ngày một ngày hai chúng ta trả lời được. Và vì thế, nó còn cần thêm nhiều thời gian nữa trước khi được ứng dụng trên con người.

 

Kích hoạt liệu pháp tối ưu cho trẻ còi xương?

Vitamin D được biết đến như một liệu pháp tối ưu cho trẻ còi xương, suy dinh dưỡng. Song, không phải ở đâu, không phải lúc nào, không phải bà mẹ nào cũng hiểu thực sự được cách sử dụng vitamin D.

Bệnh ở trẻ do thiếu vitamin D

Bệnh do thiếu vitamin D dẫn đến sự rối loạn chuyển hóa phospho, calci làm cho muối calci không thể tập trung ở bộ phận của xương một cách bình thường. Bệnh thường gặp ở những trẻ do mẹ thiếu sữa hoặc không có sữa, phải nuôi bộ mà không được bổ sung vitamin D hay trẻ em được bổ sung quá sớm hoặc quá muộn. Những trẻ ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và đặc biệt là trẻ có các bệnh nhiễm trùng, các bệnh tiêu chảy làm cơ thể không hấp thu được vitamin D, calci, phospho.

Biểu hiện ban đầu của bệnh còi xương với các triệu chứng thần kinh tinh thần như nhiều mồ hôi, giật mình ban đêm, bồn chồn không yên. Tuy nhiên, cần chú ý các biểu hiện này cũng không phải là các biểu hiện đặc hiệu của bệnh còi xương. Ở trẻ 3 - 6 tháng tuổi, những xương ở giữa xương chẩm, xương đỉnh, ấn lên có cảm giác đàn hồi. Những trẻ trên 8 - 9 tháng có thể có biểu hiện sọ vuông, thóp trước quá to, liền chậm. Đối với trẻ lớn hơn một chút, đầu to dần, trán dô, chân vòng kiềng, tay cong, dáng đi xiêu vẹo, có thể có trường hợp biến dạng nặng, trẻ không đi được. Trẻ có lồng ngực to như ức gà hoặc lõm sâu, trẻ sẽ gù lưng nếu ngồi sớm hoặc nằm võng nhiều. Có thể bị vẹo cột sống nếu bế cắp nách nhiều.

Ngoài ra còn có thể có các biểu hiện khác như da xanh, gầy còm, chậm biết ngồi, chậm biết đi. Một điều đáng lưu ý là có trẻ nhìn bề ngoài có vẻ mũm mĩm nhưng da lại không hồng, xương chậu bị hẹp, điều này rất nguy hiểm nếu xảy ra với các bé gái.

Vai trò của vitamin D

Vitamin D là một nhóm gồm từ D2 đến D7, trong đó hai chất có hoạt tính mạnh nhất là D2 và D3, trong đó D3 được tổng hợp ở các tế bào da nhờ ánh sáng tử ngoại, nếu được tiếp xúc đủ với ánh sáng mặt trời thì lượng D3 tạo ra đủ cho nhu cầu vitamin D của cơ thể.

Vitamin D có vai trò rất quan trọng trong quá trình tạo xương nhờ  tác dụng chuyển hóa các chất vô cơ mà chủ yếu là calci và phosphat; nó làm tăng hấp thu calci và phosphat ở ruột, tăng tái hấp thu calci ở thận, tham gia vào quá trình calci hóa sụn tăng trưởng. Do vậy, vai trò của nó rất quan trọng trong sự phát triển bình thường của trẻ em. Bên cạnh đó nó còn có vai trò điều hòa nồng độ calci trong máu luôn hằng định, khi thiếu vitamin D, ruột không hấp thu đủ calci và phospho làm calci máu giảm, khi đó calci bị huy động từ xương ra để ổn định nồng độ calci trong máu nên gây hậu quả là trẻ em chậm lớn, còi xương, chậm biết đi, chân vòng kiềng... người lớn sẽ bị loãng xương, thưa xương, xương dễ gãy.

Tuy nhiên, khi nào cần bổ sung và bổ sung như thế nào cần có ý kiến của nhân viên y tế, không nên tự ý sử dụng thuốc. Vì bên cạnh các tác dụng tốt như trên, vitamin D còn có những tác dụng phụ nguy hiểm nếu dùng thuốc không đúng. Khi đó, thuốc có thể gây chứng tăng calci huyết, tăng calci niệu, thậm chí gây sỏi thận, tăng huyết áp, đau nhức khớp; có thể gặp tình trạng ngộ độc với các biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, nôn, buồn nôn, tiêu chảy...

Dự phòng như thế nào?

Cho trẻ ăn các loại thức ăn giàu vitamin D.

Với người mẹ đang mang thai: Phải ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tạo nguồn sữa tốt cho con, chú ý tới nguồn thức ăn giàu vitamin D như gan, trứng, cá biển; có thể uống thêm dầu cá, vitamin D phối hợp với viên sắt để phòng thiếu máu.

Đối với trẻ nhỏ: Phải cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong vòng 4 - 6 tháng đầu, nếu đến tuổi ăn dặm thì chú ý khẩu phần ăn đa dạng, đảm bảo đủ các chất muối khoáng và vitamin cho cơ thể.

Với trẻ không có sữa mẹ, trẻ nhẹ cân, thiếu tháng: Trẻ phải được cung cấp vitamin D ngay từ tuần lễ thứ 2 sau khi đẻ, cần cung cấp đầy đủ và liên tục trong vòng một năm đầu sẽ tránh được những việc trở ngại cho cấu tạo bộ xương và răng. Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin D như thế nào cần phải tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ dinh dưỡng.

Chú ý: Cho trẻ ăn những loại thức ăn giàu vitamin D như gan, lòng đỏ trứng gà, bơ. Mỗi buổi sáng trước 9 giờ, cho trẻ ra ngoài trời khoảng 10 -15phút để trẻ tắm nắng, nhưng cũng không nên cho trẻ tắm nắng quá lâu (với trẻ dưới 1 tuổi) còn với trẻ trên 1 tuổi cần tắm nắng ngày hai lần; phải luôn giữ một chế độ vệ sinh phòng bệnh tốt để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, phòng tránh các bệnh nhiễm trùng. Khi dùng bổ sung vitamin D hay calci nhất thiết phải có ý kiến của bác sĩ, không nên tự ý bổ sung để tránh những hậu quả không đáng có.

BS. Bạch Đằng

Nước – ‘Thuốc’ tốt phòng ngừa sỏi thận

Sỏi thận tiết niệu là bệnh lý rất thường gặp, do nhiều nguyên nhân gây nên. Trong thực tế lâm sàng thường phát hiện muộn nên nhiều biến chứng. Nguyên nhân tạo ra sỏi có nhiều nhưng trong đó có một lý do quan trọng là việc không đủ lượng dung dịch hòa tan các chất cặn bã hữu cơ và vô cơ đường tiết niệu. Vì vậy các chất này tích tụ lại và hình thành nên các viên sỏi.

Khi thiếu nước dễ tạo ra sỏi thận

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Uống nhiều nước phòng tránh sỏi thận.

Khi máu đi qua thận, máu đến cầu thận và nước sẽ thấm qua mạch máu vào khoang nhỏ gọi là khoang Bowman. Tại đây nước được chảy vào hệ thống ống thận dày đặc. Một phần nước sẽ được tái hấp thu lại, phần khác tiếp tục đi vào đường ống. Cuối cùng chúng được đổ vào một bể lớn gọi là bể thận, sau đó, từ thận nước tiểu được dẫn xuống bàng quang bằng một ống gọi là niệu quản, và từ bàng quang nước tiểu sẽ được thải ra ngoài qua niệu đạo. Quá trình tạo ra nước tiểu vô cùng phức tạp và có sự tham gia của rất nhiều yếu tố lý, hóa, thần kinh. Khi nước tiểu được tạo ra, chúng hòa tan các chất độc và 'làm trôi' các chất cặn bã trên đường đi. Vì một lý do nào đó, số lượng nước không đủ hay có sự ứ trệ trên đường đi, các chất cần thải loại sẽ lắng lại, tích tụ theo thời gian và tạo thành sỏi.

Sỏi  hệ thống tiết niệu là  một cấu trúc phức tạp dạng rắn được tạo ra từ các chất vô cơ như calci, phospho và hữu cơ như ammonium, urat... cấu tạo của viên sỏi là một cấu trúc theo từng lớp đồng tâm. Sỏi tiết niệu có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng được phát hiện nhiều nhất là khoảng từ 20 đến 50 tuổi. Sỏi tiết niệu có thể gặp ở mọi vị trí trên đường đi của hệ thống tiết niệu. Có thể phân chia vị trí như sau: sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo. Tuy nhiên, từng đoạn cũng lại qui định chi tiết hơn như ở thận có sỏi nhu mô thận, sỏi bể thận; ở niệu quản là sỏi 1/3 trên, sỏi 1/3 giữa, sỏi 1/3 dưới. Có thể chỉ bị sỏi ở một vị trí nhưng cũng có thể sỏi ở nhiều vị trí. Các loại sỏi: sỏi calcium oxalate: hay gặp nhất, gặp nhiều ở người trưởng thành hơn những người có sỏi calci thường có vấn đề tăng calci niệu và có liên quan tới yếu tố di truyền, bệnh tuyến cận giáp, mắc bệnh gút, các bệnh đường ruột, béo phì và bệnh thận. Sỏi struvite: cấu tạo bởi magne và ammoni. Thường thứ phát do nhiễm khuẩn  tiết niệu.  Đặc biệt là những người dẫn lưu ống thông đường niệu kéo dài. Sỏi uric: do biến loạn chuyển hóa làm tăng acid uric trong nước tiểu, sỏi cystine. Hiếm gặp, cấu trúc sỏi là amino acid cystine, đây là bệnh có tính di truyền.

Phòng tránh sỏi thận bằng cách uống nhiều nước

Sỏi niệu quản.

Để phòng tránh sỏi thận vì vậy phải uống thật nhiều nước. Nước được cung cấp đủ sẽ không chỉ làm máu lưu thông tốt hơn, hòa tan các chất mà còn làm nhiệt độ cơ thể được điều hòa tốt hơn đặc biệt trong mùa hè oi bức. Hơn thế nữa nó giúp thải trừ các chất cặn bã để ngăn ngừa bệnh tật. Nếu tính theo hoạt động bình thường của cơ thể thì lượng nước tiểu khoảng 1.500ml, lượng nước qua đường mồ hôi và đường tiêu hóa khoảng 500-1000ml, như vậy nhu cầu về nước là từ 1.500 đến 2.500 ml mỗi ngày. Nhu cầu này tăng lên hay giảm đi tùy theo tính chất công việc và đặc biệt là theo thời tiết. Tuy nhiên dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, xây dựng cho mình một thói quen uống nhiều nước là vô cùng hữu ích.

Nước uống cần đảm bảo vệ sinh. Trong thực tế có nhiều loại nước có thể sử dụng hàng ngày có lợi cho sức khỏe như các loại nước ép hoặc sinh tố làm từ cà rốt, cà chua, dưa leo, dưa hấu...; nước chanh cam chứa nhiều vitamin C, rất tốt cho da, giúp cơ thể thanh nhiệt, sát khuẩn, trị ho...; nước ngâm từ quả dâu, mơ hay sấu pha. Sữa chua là loại đồ uống không thể thiếu trong mùa hè, nhất là đối với chị em phụ nữ. Mùa hè nóng nực, khi lao động thể lực nhiều có thể thêm chút muối vào nước uống. Nước muối loãng giúp làm cơ thể bớt khát nước hơn và cung cấp muối mất qua mồ hôi.

Không nên uống các loại nước uống nhiều đường, nhất là đối với người béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp. Hạn chế sử dụng nước đá vì nó có thể gây hỏng men răng.

Với một số trường hợp đặc biệt cần thận trọng khi uống nước như người bị suy tim, suy thận... chú ý phải hỏi  kỹ bác sĩ điều trị để có một chế độ nước phù hợp.

BS. Nguyễn Vĩnh Hưng (Khoa Thận tiết niệu, Bệnh viện E)

Nguồn: Sức khỏe & đời sống