Lưu trữ cho từ khóa: phòng bệnh cho trẻ

Kiến thức y tế “bỏ túi” cho trẻ đến trường

(Webtretho) Mùa tựu trường luôn diễn ra trong tiết trời sang thu, se lạnh. Đây cũng là thời điểm dễ gây ra bệnh ở trẻ em nhất. Vậy bố mẹ các bé đã biết một số bệnh thường gặp của trẻ em, cũng như cách chữa và tránh bệnh cho con chưa?

Thời tiết ẩm ướt và trong môi trường trường lớp mà con bạn sẽ sinh hoạt, tiếp xúc với rất nhiều trẻ khác sẽ tạo điều kiện cho nhiều virus tiếp cận và gây bệnh cho bé. Bạn nên để ý khi con có những dấu hiệu bất ổn sau để có phương pháp điều trị kịp thời.

1. Viêm họng
Triệu chứng?
Bệnh thường phổ biến ở trẻ từ 5 đến 15 tuổi. Cổ họng sưng, đau, khi nuốt đồ ăn, thức uống sẽ rất đau. Có thể gây sốt nhẹ.

Nguyên nhân? Do virus liên cầu A cùng điều kiện thời tiết nóng lạnh thất thường.

Trẻ thường mắc phải bệnh viêm họng trong thời tiết lạnh (Ảnh: Internet)

Chữa trị? 

- Nếu bạn lo lắng thì hãy đưa con đi khám và cho bé uống thuốc theo toa.
- Súc miệng nước muối ấm, pha loãng thường xuyên. Giữ vệ sinh răng miệng tốt.
- Uống mật ong 2-3 thìa 3 lần mỗi ngày; hoặc khuấy 1 muỗng cà phê mật ong và 1/2 muỗng cà phê nước cốt chanh tươi cho trẻ uống nhiều lần trong ngày.
- Ngậm kẹo thuốc đặc trị cho bệnh viêm họng. Hãy theo dõi trẻ cẩn thận để không bị biến chứng sang bệnh phát ban, viêm xoang...

Bệnh thường kéo dài từ 4-5 ngày.

2. Sốt phát ban
Triệu chứng? Trẻ thường sốt cao kèm ho, sổ mũi, mắt đỏ, vài ngày sau đó phát ban toàn thân, kể cả trên mặt; hoặc sẽ sốt nhẹ hoặc không sốt và ban nổi chỉ trong một ngày.

Đa số trẻ kèm theo biểu hiện tiêu chảy hoặc phân hơi lỏng.

Nguyên nhân? Có rất nhiều nguyên nhân gây nên hiện tượng sốt có kèm phát ban nhưng chủ yếu là do virus gây nên trong đó phải kể đến như: virus thuỷ đậu, rubella, sởi, dengue, virus gây bệnh chân tay miệng, thấp tim…

(Ảnh: Interet)

Chữa trị?  

- Bạn có thể chữa tại nhà bằng cách cho con uống thuốc hạ sốt, giảm ho, cho bé uống nhiều nước và chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa với thức ăn lỏng dễ tiêu nhằm bù lại dinh dưỡng đã mất khi con sốt và mệt mỏi.
- Đưa con đi khám ngay nếu bé sốt cao không giảm, hô hấp khó khăn, phân tiêu có máu hoặc chảy mủ tai.
- Bạn không cần kiêng gió, kiêng nước, kiêng ăn cho con. Hãy giữ ấm và vệ sinh sạch sẽ cho bé bằng nước ấm nhằm không tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển.

Bệnh sẽ khỏi khi các nốt phát ban biến mất. Thời gian hết bệnh phụ thuộc vào thể trạng và sức khỏe của từng trẻ.

3. Chấy
Triệu chứng?
Trẻ hay ngứa ngáy và gãi đầu nhiều lần, quan sát có thể thấy những đốm trắng (trứng chấy) nhỏ li ti bám vào chân tóc.

Nguyên nhân? Dù bạn luôn vệ sinh sạch sẽ cho con thì bệnh này vẫn có thể xảy ra, nhất là với trẻ đang học mẫu giáo. Do rất nhiều đứa trẻ dùng chung nhiều đồ dùng và ngủ chung trong một phòng với nhau nên chỉ cần một trẻ bị chấy thì khả năng những đứa trẻ khác bị sẽ rất cao.

Nên có những biện pháp đặc trị khi trẻ bị chấy (Ảnh: Inmagine)

Chữa trị?
- Bạn nên cho con ở nhà và cách ly trẻ nhằm điều trị dứt điểm bằng các thuốc đặc trị có bán tại nhà thuốc.
- Gội đầu thường xuyên với dầu gội chuyên dùng cho trẻ bị chấy, hoặc gội đầu với dấm, chanh.
- Vệ sinh sạch sẽ đồ dùng cá nhân và quần áo cho trẻ để đảm bảo trứng chấy không còn tồn đọng lại và có khả năng phát triển thêm.
- Nếu hiện tượng cháy rận vẫn còn, bạn nên đưa con đi khám bác sĩ.

4. Mắt đỏ - Viêm kết mạc
Triệu chứng?
Ngứa mắt, màu mắt đỏ, mắt sưng, hay đổ ghèn, hạn chế thị lực.

Bệnh thường sẽ gây đau một mắt trước, mắt thứ hai sẽ phát bệnh sau khoảng 3-5 ngày.

Nguyên nhân? Do vi khuẩn, siêu vi, hoặc do dị ứng.

Tránh để trẻ dụi tay lên mắt (Ảnh: Internet)

Chữa trị? Bệnh mắt đỏ gây ra do nhiều nguyên nhân và rất nguy hiểm, dễ biến tướng và ảnh hưởng đến thị lực của trẻ nhỏ. Bạn nên đưa con đi khám trước khi có quyết định làm gì với bệnh này của con.

- Đặt khăn ấm lên mắt trẻ để hạn chế cơn ngứa ngáy và khó chịu do mắt đỏ gây ra.

- Dạy trẻ rửa tay thường xuyên, không chùi, quệt tay hay vật dơ lên mắt.

- Cho con đeo kính râm để hạn chế lây bệnh cho trẻ khác, đồng thời giúp con tránh được bụi, vi khuẩn và ánh sáng chói khi mắt đang yếu.

- Uống thuốc và tra thuốc nhỏ mắt theo toa và hướng dẫn của bác sĩ.

Bệnh có thể kéo dài từ 7-10 ngày.