Lưu trữ cho từ khóa: phát triển chiều cao

10 loại thực phẩm giúp trẻ phát triển chiều cao

Đời sống kinh tế hiện nay cho phép các bậc phụ huynh có nhiều điều kiện để chăm chút cho sự phát triển về thể chất của trẻ, đặc biệt là chiều cao. Hầu hết mọi người đều nhận thức được tầm quan trọng của chế độ ăn uống đối với chiều cao cho trẻ. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ những loại thực phẩm có lợi cho việc cải thiện tầm vóc cho trẻ.

10-loai-thuc-pham-giup-tre-phat-trien-chieu-cao

Chọn đúng thực phẩm sẽ giúp trẻ có chiều cao lý tưởng (ảnh internet)

Tin liên quan:

  • Thực phẩm giúp tăng chiều cao cho bé
  • Những dưỡng chất cần bổ sung để tăng chiều cao cho bé
  • 5 cách giúp cải thiện chiều cao ở trẻ

Trong khá nhiều thực phẩm được xem là tốt cho mục tiêu tăng trưởng chiều cao, bạn nên tập trung 10 loại thực phẩm giàu dinh dưỡng dưới đây.

1. Trứng

Protein được xem là dưỡng chất có vai trò to lớn nhất trong việc cải thiện chiều cao cho trẻ em. Do đó, bạn nên cho con mình ăn trứng thường xuyên hơn. Một quả trứng luộc hay món trứng tráng ăn kèm bánh mì sẽ là một gợi ý lý tưởng cho bữa sáng của trẻ, vì chúng cung cấp nhiều protein để trẻ phát triển tốt hơn.

2. Sữa

Nổi tiếng với hàm lượng can-xi dồi dào nên sữa luôn nằm trong nhóm thực phẩm có ích cho sự phát triển của xương và giúp bảo vệ sức khỏe. Trong sữa cũng chứa khá nhiều protein. Chính vì vậy, cho trẻ uống sữa mỗi ngày không chỉ giúp chúng cao hơn, mà còn khỏe mạnh hơn.

10-loai-thuc-pham-giup-tre-phat-trien-chieu-cao

3. Đậu nành

Đậu nành nằm trong nhóm những thực phẩm cung cấp protein có nguồn gốc từ thực vật. Chúng giúp cải thiện sự phát triển của xương và hệ cơ bắp. Bạn có thể sáng tạo được khá nhiều món ngon từ đậu nành để trẻ có cơ hội tiêu thụ loại thực phẩm giàu dinh dưỡng này nhiều hơn.

4. Bột yến mạch

Giàu protein nhưng lại chứa ít chất béo nên bột yến mạch được đánh giá là loại thực phẩm tốt nhất dành cho mọi người. Hãy cho trẻ ăn bột yến mạch nhiều hơn để giúp chúng có được chiều cao tốt hơn.

10-loai-thuc-pham-giup-tre-phat-trien-chieu-cao

5. Thịt gà

Những món ăn chế biến từ thịt gà luôn được trẻ yêu thích. Không chỉ thơm ngon, loại thịt này còn chứa nhiều dưỡng chất, nổi bật nhất là protein, rất có lợi cho sự phát triển về chiều cao và thể chất của trẻ.

6. Cải bó xôi

Cải bó xôi không chỉ cung cấp nhiều vitamin tốt cho sức khỏe mà còn chứa nhiều khoáng chất cần thiết cho sự phát triển chiều cao như sắt và can-xi.

10-loai-thuc-pham-giup-tre-phat-trien-chieu-cao

7. Cà rốt

Lượng vitamin A dồi dào có khả năng hỗ trợ cho quá trình tổng hợp protein trong cơ thể. Vì thế, hãy bổ sung thêm cà rốt vào khẩu phần ăn hàng ngày hoặc cho trẻ như uống nước ép để kích thích sự tăng trưởng về cao.

8. Trái cây

Trái cây – nhóm thực phẩm giàu dinh dưỡng, cung cấp rất nhiều vitamin và khoáng chất cùng với chất xơ – sẽ giúp trẻ phát triển khỏe mạnh. Những loại trái cây giàu vitamin A như xoài, dưa lưới hay đào mang lại nhiều lợi ích cho xương, giúp trẻ tăng chiều cao nhanh chóng.

10-loai-thuc-pham-giup-tre-phat-trien-chieu-cao

9. Lương thực thô

Hãy cho trẻ ăn những món được chế biến từ các loại lương thực thô vì nhóm thực phẩm này cung cấp nhiều vitamin B và sắt, rất có lợi cho chiều cao.

10. Sữa chua

Sữa chua là nguồn cung cấp vitamin D tuyệt vời cho trẻ, bên cạnh lượng can-xi cũng rất dồi dào. Cả hai dưỡng chất này đều tốt cho việc phát triển chiều cao của trẻ. Nếu con bạn không “hâm mộ” món sữa chua, có thể thay thế bằng phó mát, loại thực phẩm giàu protein, can-xi và vitamin D.

Theo Phunuonline.com.vn

Trẻ bị hạn chế phát triển chiều cao vì thừa canxi

Bổ sung quá nhiều canxi có thể khiến cơ thể trẻ dư thừa và ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao.

Vì cả hai vợ chồng chị Loan (Hà Nội) đều có chiều cao khá khiêm tốn nên khi mới sinh cháu đầu lòng, cả hai vợ chồng đều rất chú ý tới việc bổ sung các chất cho con, đặc biệt là canxi để cải thiện chiều cao cho bé. Bé Bin, con của chị càng lớn, chị lại càng tìm cách để con được hấp thụ nhiều canxi hơn. Thậm chí, chị còn mua thêm các loại thuốc bổ sung canxi trên thị trường để cho bé uống mỗi ngày.

chieu-cao-o-tre

Tuy nhiên, mặc dù được ăn uống đủ chất, vậy nhưng cu Bin vẫn còi và còn hay bị chứng táo bón. Lo lắng, chị Loan đưa con đi khám thì được bác sĩ cho biết rằng, con chị bị táo bón là do… thừa canxi. Không chỉ vậy, bác sĩ còn đưa ra lời cảnh báo rằng “Việc dư thừa canxi ở trẻ không những không tốt mà nó còn gây ra nhiều hậu quả khác như việc trẻ có thể bị sỏi thận và hạn chế phát triển chiều cao”…

Có rất nhiều yếu tố quyết định đến chiều cao của trẻ như gene, hàm lượng vi chất (sắt, kẽm, vitamin A, canxi…). Do đó, để trẻ đạt chiều cao tốt, cần tăng cường chế độ ăn với thực phẩm nhiều vi chất, khuyến khích trẻ tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.

Cha mẹ tuyệt đối không nên tự mua thuốc tăng cường canxi cho trẻ mà nên đi khám để dùng theo tư vấn của bác sĩ. Dư thừa canxi sẽ gây ra những ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển chiều cao ở trẻ nhỏ. Việc hấp thụ canxi còn phụ thuộc vào thể trạng của từng trẻ, bởi vậy việc người lớn tìm cách bổ sung canxi cho con sẽ không mấy tác dụng nếu thể trạng của trẻ bị yếu và khó khăn trong việc hấp thị canxi.

Cách bổ sung canxi an toàn, hiệu quả là qua đường thực phẩm, như sữa, ăn tôm, tép, ốc, cua, trứng và các loại rau, đậu… Khi trẻ có biểu hiện táo bón, đau bụng, đi tiểu ra sỏi, máu…, cần đưa đi khám để xác định có bị thừa canxi không và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Hàng ngày, cơ thể trẻ có thể hấp thụ canxi thông qua các thực phẩm. Tỷ lệ hấp thụ canxi của cơ thể không phải là vô hạn mà nó có mức độ.  Chính vì vậy mà việc cung cấp canxi quá nhiều sẽ chỉ dẫn đến dư thừa và lãng phí chứ không hề làm cho xương phát triển tốt.

Những trẻ em nào cần được bổ sung canxi

Thiếu hụt canxi ở trẻ sẽ dẫn đến chứng còi xương, tóc mọc chậm và lâu biết đi. Thông thường, các bậc cha mẹ thường khó nhận biết rằng con đang bị thiếu hụt canxi. Khi thấy con có những triệu chứng đó thì dễ nhầm với các bệnh khác.

Để biết con đang bị thiếu hụt canx hay không, các mẹ hãy quan sát tới giấc ngủ của con qua những biểu hiện, con khó ngủ, thường hay giật mình tỉnh giấc. Ngoài ra, còn có những biểu hiện khác như trẻ mọc răng muộn. Tuy nhiên, ngay cả khi biết con đang bị thiếu canxi, các bậc cha mẹ cũng nên đưa con tới các bác sĩ để xin tư vấn chứ không nên tự ý bổ sung canxi cho con.

Vitamin D chính là cách bổ sung canxi tốt nhất cho con

Vitamin D có hiệu quả thúc đẩy sự hấp thụ canxi của cơ thể, vì thế nó được coi là chiếc chìa khóa vàng để mở cánh cửa dẫn đến chuyển hóa canxi. Trẻ em cần bổ sung 400 đơn vị vitamin D mỗi ngày để trợ giúp sự hấp thụ canxi của cơ thể. Vitamin D trong cơ thể có thể tổng hợp dựa vào các chế phẩm canxi có chứa vitamin D hay qua việc phơi nắng hàng ngày.

 (Theo Afamily)

5 cách giúp cải thiện chiều cao ở trẻ

Do bị gene di truyền “ngược đãi”, vận động viên Ruxtam Akhơmetôp (Liên Xô cũ) vốn chỉ cao dưới trung bình. Nhưng nhờ tập luyện, anh đã cao đến 187 cm.

Có hai yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao là gene di truyền và hoàn cảnh sống (chế độ dinh dưỡng, luyện tập thể dục thể thao).

Ăn nhiều đạm và canxi

Có 3 giai đoạn chủ yếu góp phần quyết định chiều cao của cơ thể: Giai đoạn bào thai (nhất là 6 tháng cuối), 5 năm đầu tiên của cuộc đời) và đặc biệt là khi bước vào tuổi dậy thì. Bởi vậy, để con có tiềm năng phát triển tốt chiều cao, khi mang thai người mẹ cần ăn uống đa dạng, bảo đảm tăng đủ 10-12 kg trong 9 tháng. Trẻ sinh ra nếu đủ cân (3 kg), dài hơn 50 cm thì đó là một khởi đầu tốt để phát triển sau này.

Khi cơ thể đang lớn, muốn phát triển chiều cao tốt, không nên ăn uống kiêng cữ mà phải ăn được nhiều thứ, nhất là đủ protein (có nhiều trong thịt nạc, cá, trứng, sữa, các hạt họ đậu) và canxi (có nhiều trong sữa, cá hộp nguyên xương, cá nhỏ kho nhừ ăn cả xương, tôm, cua, ốc, rau xanh). Sữa là thực phẩm lý tưởng cho chiều cao vì có nhiều canxi rất dễ hấp thụ, lại giàu protein.

Hơn nửa thế kỷ trước, người Nhật vốn thấp lùn, nhưng ngày nay do đời sống kinh tế cao, ăn uống đầy đủ nên họ đã cao lên nhiều.

Phải tập nhiều mới cao được

Muốn tăng nhanh chiều cao, cần tạo nếp sống ham tập luyện ngay từ tuổi thiếu niên. Sau 22 tuổi, việc tập luyện chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh cường tráng chứ không giúp cao thêm được nữa.

Một gương sáng tăng chiều cao nhờ thể dục thể thao là Ruxtam Akhơmetôp. Anh bị gene di truyền ngược đãi, bố mẹ và những người thân đều thấp dưới mức trung bình. Bản thân Ruxtam còn thấp hơn, đến 14 tuổi thì không lớn được nữa. Nhưng anh đã quyết tâm rèn luyện để tăng chiều cao, và may mắn được một huấn luyện viên có tên tuổi giúp đỡ. Cách tập của Ruxtam có thể gọi là khổ luyện với thời gian và cường độ lớn, chủ yếu là các động tác nhằm vươn dài người như nhảy cao, nhảy xa, đánh đu… Nhờ đó, anh đã cao lên rất nhiều, đến 187 cm, và trở thành vận động viên xuất sắc.

Các nhà nghiên cứu cho biết, tập luyện đúng phương pháp làm tăng quá trình trao đổi chất và tuần hoàn máu, tăng tiết hoóc môn tăng trưởng GH, tăng trọng khối xương. Việc tập cường độ cao 1,5-2 giờ mỗi ngày có thể làm tăng GH lên 3 lần. Ở những người tập ban ngày, về đêm lại thấy tăng GH lần nữa.

Việc tập nhẹ nhàng trong một thời gian ngắn (như thể dục buổi sáng, đi bách bộ) hay tập quá lâu, quá nặng nhọc (chạy maraton, cử tạ…) cũng không thúc đẩy phát triển chiều cao.

Cần ngủ đủ

Giấc ngủ rất quan trọng vì quá trình phát triển chiều dài xương trẻ em diễn ra vào ban đêm. Gần đây, các nhà khoa học Mỹ đặt một thiết bị cảm biến vào xương chân những con cừu non và nhận thấy 90% sự phát triển xương diễn ra trong lúc đang ngủ, hoặc đang nghỉ ngơi.

Dùng thuốc tăng chiều cao

Đó là chế phẩm chứa hoóc môn tăng trưởng GH, áp dụng cho trẻ thấp lùn do thiếu hoóc môn này, do bác sĩ chỉ định và theo dõi. Việc điều trị đạt kết quả tốt nhất khi trẻ 3-7 tuổi.

Tuy nhiên, đây là phơng pháp rất tốn kém, và trẻ phải được tiêm hằng ngày cho đến hết tuổi dậy thì hoặc khi đạt chiều cao bình thường.

Phẫu thuật kéo dài chân

Sau tuổi 22, hoóc môn tăng trưởng, chế độ ăn và tập luyện đều không giúp tăng chiều cao nữa. Nếu tha thiết muốn cao thêm chỉ còn hy vọng cuối cùng là phẫu thuật kéo dài xương chân. Đây là phương pháp do giáo sư Ilizarôp người Nga đề xướng từ nửa thế kỷ trước. Kỷ lục kéo dài xương -33 cm – do một bác sĩ Mỹ lập.

Các bác sĩ cắt rời một chỗ trên đoạn xương cần kéo dài, xuyên các đinh ốc qua cả hai đoạn xương rời ra đó, rồi gắn vào khung. Đến ngày thứ 6, họ bắt đầu chỉnh vít cho hai đoạn xương rời cách nhau 1 mm, hai đầu xương sẽ phát triển để nối với nhau. Khi xương mới liền, bác sĩ lại điều chỉnh vít giãn ra 1mm nữa, cứ như vậy cho đến khi đạt chiều dài hợp lý.

Trung bình để kéo dài xương chân thêm 5-7 cm, bệnh nhân phải mang khung cố định trong 10-12 tháng. Sau 1 tuần nằm viện, người bệnh có thể về nhà, điều chỉnh khung theo hướng dẫn.

Tuy nhiên, phương pháp này tốn kém và mất nhiều thời gian nên khó áp dụng rộng rãi.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

3 yếu tố phát triển chiều cao

Nhiều người lầm tưởng cha mẹ cao lớn, ắt con sinh ra cũng có dáng vóc to cao. Tuy nhiên, yếu tố di truyền chỉ đóng góp một phần, còn lại là do những yếu tố khác như: Dinh dưỡng, môi trường và luyện tập…

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với phát triển chiều cao của trẻ.

1.Yếu tố về dinh dưỡng

Vai trò của Protein (chất đạm): Chất đạm đóng vai trò thiết yếu trong cấu trúc cơ thể, đặc biệt là các chất đạm từ động vật với đầy đủ các axit amin cần thiết.

Vai trò của Canxi: Canxi là chất dinh dưỡng chính tham gia vào cấu trúc hệ xương, thiếu canxi sẽ ảnh hưởng đến sức lớn và sự vững chắc của xương. Vai trò của Lipid (chất béo): Chất béo rất quan trọng trong sự phát triển các xương dài của trẻ khi còn nhỏ. Đồng thời, chất béo còn giúp tăng cường hấp thu tốt các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D... giúp hệ xương phát triển tốt.

Vai trò của vi chất dinh dưỡng: Các nghiên cứu tiến hành gần đây cho thấy ảnh hưởng thiếu vi chất dinh dưỡng đến suy dinh dưỡng thể thấp còi, đặc biệt đáng chú ý là ảnh hưởng do thiếu kẽm, sắt, vitamin A và thiếu i-ốt.


2. Yếu tố về môi trường - xã hội

Yếu tố môi trường và xã hội có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển thể lực trẻ em, đặc biệt là phát triển chiều cao. Trẻ dễ bị suy dinh dưỡng thấp còi khi sống trong điều kiện kinh tế - xã hội kém phát triển, môi trường thiếu vệ sinh, không đủ nước sạch, thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh và chất lượng chăm sóc kém.

3. Luyện tập thể dục thể thao

Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao có tác dụng rất tốt tới sự phát triển thể lực và tăng cường các phản xạ nhanh nhẹn, bền bỉ, dẻo dai. Nhiều môn thể thao hỗ trợ tốt cho phát triển chiều cao như: Bơi, nhảy cao, chạy...

Như vậy, mọi can thiệp nhằm cải thiện chiều cao của con người cần phải thực hiện sớm, càng sớm càng tốt ngay từ những tuần đầu tiên của thai nhi. Quá trình chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe cần được tiếp tục thực hiện đồng bộ trong suốt quá trình tiếp theo, từ khi trẻ ra đời, thời kỳ bú mẹ, tuổi nhà trẻ mẫu giáo, tuổi học sinh, tuổi vị thành niên.

Gần đây người ta đã thừa nhận cách tiếp cận mới là cần thực hiện chăm sóc dinh dưỡng sớm cho các bé gái từ học sinh, từ tuổi vị thành niên cho đến trước khi có thai. Đồng thời trong quá trình chăm sóc nuôi dưỡng trẻ cần đặc biệt quan tâm đến những giai đoạn trọng điểm của phát triển chiều cao, đó là thời kỳ bào thai, năm đầu tiên của cuộc đời và thời kỳ tiền dậy thì. Trong những giai đoạn này, tác động của yếu tố dinh dưỡng có ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển chiều cao.

Trẻ lớn nhanh lúc tiền dậy thì

Sau khi ra đời, trong năm đầu tiên chiều cao trẻ phát triển nhanh, khi trẻ 1 tuổi, trẻ sẽ có chiều cao gấp rưỡi lúc mới đẻ. Từ 1 tuổi đến 10 tuổi trẻ ở giai đoạn lớn đều mỗi năm tăng trung bình khoảng 5cm. Khi đến thời kỳ tiền dậy thì trẻ lớn rất nhanh. Hiện tuổi tiền dậy thì của trẻ em Việt Nam là 9 - 11 tuổi đối với nữ và 12 - 14 tuổi đối với nam. Lứa tuổi này, chiều cao của trẻ nữ tăng mỗi năm khoảng 6cm và trẻ nam là 7cm. Khi đến tuổi dậy thì, sức lớn chậm lại, mỗi năm tăng khoảng 2cm. Giai đoạn tiếp theo cho đến 25 tuổi thì sức lớn rất chậm, chỉ tăng 1-2cm hoặc hầu như không tăng. Cơ thể con người hết tuổi lớn với nữ là khoảng 23 tuổi và nam là 25 tuổi.

PGS.TS Đỗ Thị Kim Liên
Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Meo.vn (Theo Giadinh)

Mẹ ơi, con bị răng sâu!

Hàm răng sữa trắng như ngọc của bé Bi, 3 tuổi, bỗng một hôm xuất hiện mấy vết đen trên bề mặt răng. Bé Bi có mách với mẹ nhưng vì bận bịu với công việc nên mẹ  quên mất mấy vết đen đó. Một buổi tối, mẹ thấy bé Bi khóc quá vì đau răng, vội cho bé đi khám thì răng bé đã bị sâu nghiêm trọng rồi, không còn cách nào khác, nha sĩ đành phải nhổ đi hai răng cửa của bé…

Không riêng trường hợp của bé Bi mà hiện nay, tình trạng sâu răng sớm ở trẻ em ngày càng nhiều hơn. Mới đây, một cuộc “Điều tra sức khỏe răng miệng toàn quốc” của Viện Răng Hàm Mặt TPHCM thực hiện đã đưa ra những kết quả khiến các bà mẹ không thể xem nhẹ căn bệnh này. Cụ thể, tỷ lệ trẻ bị sâu răng trong nhóm tuổi 6-8 là 25.4%, tỷ lệ này càng tăng lên theo từng nhóm tuổi như 54.6% trẻ ở độ tuổi 9-11, 64.1% của nhóm 12-14 tuổi và với 15-17 tuổi có 68.6% ca sâu răng.

Răng sữa có một vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Nó không chỉ giúp trẻ nhai, nghiền thức ăn mà còn giữ khoảng trên cung hàm giúp cho răng vĩnh viễn sau này mọc lên đúng vị trí. Khi thực hiện cử động nhai, răng sữa sẽ kích thích sự tăng trưởng của xương hàm, nhất là phát triển chiều cao cung răng. Mất sớm các răng sữa là một yếu tố gây sai lệch sự cắn khớp của răng vĩnh viễn và ảnh hưởng tới khớp thái dương hàm sau này. Trẻ bị mất răng sữa sớm còn bị ảnh hưởng lớn tới sự phát âm trong quá trình tập nói sau này.

Vì sao răng con bị sâu?

Ở trẻ nhỏ, răng sữa mọc ra vào khoảng tháng thứ 6 sau khi sinh và đến 2-3 tuổi thì 20 chiếc răng sữa đã mọc đủ. Răng sữa có màu trắng, hơi ngả xanh, còn răng vĩnh viễn có màu ngà, bóng sáng hơn rõ rệt. Do mọc sớm nên răng sữa rất dễ bị bào mòn. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị sâu răng. Đầu tiên là do lớp men răng và lớp ngà răng của răng sữa tương đối mỏng, độ canxi hóa thấp nên dễ bị sâu răng và khi đã bị sâu răng sữa thì mức độ bệnh tiến triển rất nhanh, có khi chỉ cần mới bắt đầu đau răng thì răng đã sâu lan tới tận tủy răng rồi.

Một tác nhân nữa khiến răng sữa bị sâu là do trẻ ăn nhiều đồ ngọt. Những loại thức ăn có hàm lượng đường cao, tính bám dính mạnh và dễ lên men sinh acid đó sẽ làm răng trẻ sâu rất nhanh. Sự thiếu hiểu biết, chủ quan và thiếu quan tâm của người lớn tới răng sữa của trẻ vì nghĩ răng này sẽ được thay thế khi lớn lên nên đã xem nhẹ bệnh sâu răng sữa, đến khi thấy các tổ chức chung quanh chân răng bị sưng đỏ mới đưa con đi khám bệnh... Ngoài ra còn do các nguyên nhân khách quan khác, như bị sâu răng do bú bình, do ăn uống thiếu chất...

Sâu răng trên răng sữa thường khởi đầu ở các hố và rãnh. Các vết sâu nhỏ khó có thể phát hiện bằng mắt thường, nhiều trường hợp chỉ có thể phát hiện khi chụp X-quang răng. Những lỗ thủng ở mặt nhai mà cha mẹ quan sát được là biểu hiện của những lỗ sâu lớn, khi những vết sâu này biểu hiện ở các bề mặt ngoài và mặt trong của răng có nghĩa là tình trạng sâu răng của bé đã rất nghiêm trọng.

Tốc độ phát triển sâu răng phụ thuộc nhiều yếu tố như: Độ cứng của tổ chức răng, số lượng chất tựa hữu cơ (matrixprotein), mảng bám vi khuẩn, chất lượng và tần suất ăn uống...

Để bé không “sợ” nha sĩ…

Mặc dù răng đau lắm nhưng mẹ bé Bi phải thuyết phục mãi bé mới chịu đi gặp nha sĩ. Đến phòng nha bé Bi nhất định không chịu lên ghế để bác sĩ khám, dù mọi người có “dụ” bằng cách nào đi nữa. Đó là vì bé sợ “môi trường” điều trị răng của người lớn với những tiếng máy khoan rin rít đầy ám ảnh. Một lần ám ảnh như vậy sẽ để lại ấn tượng xấu lâu dài cho bé trong quá trình điều trị răng miệng về sau này.

Các bậc cha mẹ nên tập cho bé tiếp xúc sớm với phòng khám nha khoa và nha sĩ. Và tốt nhất là đến khám, điều trị tại nha khoa dành riêng cho trẻ em. Ở đó sẽ có những câu chuyện về Thỏ đi chữa răng, trước khi nha sĩ thăm khám, bé sẽ được tập làm quen với cô y tá dịu dàng cùng câu chuyện của Thỏ. Lần khám đầu tiên tốt nhất là trong vòng 6 tháng đầu kể từ khi chiếc răng sữa đầu tiên mới mọc và trể nhất là lúc bé 12 tháng tuổi.

Địa chỉ tham khảo: Nha Khoa Thẩm Mỹ 126 – ĐC: 126 Nguyễn Cư Trinh, P. Phạm Ngũ Lão, Quận 1. ĐT: 38 38 9660 – 0982 365 000. www.nhakhoathammy126.com.vn

“Sâu răng được WHO xem là một trong ba mối nguy cho sức khỏe con người, sau bệnh tim và ung thư.”

Meo.vn

Sữa mẹ tháng thứ 8 có còn đủ dinh dưỡng?

Tôi sinh em bé được gần tám tháng. Hiện con tôi ngoài ăn giặm chỉ bú mẹ mà không chịu bú sữa ngoài.

Xin hỏi đến giai đoạn này, sữa mẹ có còn đủ dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu của trẻ? Có thể thay thế sữa ngoài không? - (Oanh - TPHCM)


Trả lời:

Nếu bé tăng cân khoảng 300g, cao thêm 1,3 - 1,5cm mỗi tháng thì chứng tỏ sữa mẹ và chế độ ăn giặm đủ nhu cầu của bé, mẹ không nhất thiết bắt bé uống thêm sữa ngoài.

Hơn nữa khi cháu được chín tháng mẹ có thể cho bé ăn sữa chua và từ một tuổi trở lên cho bé ăn thêm phômai bằng cách cho vào cháo, như vậy cháu vẫn được nhận thêm nguồn canxi từ sữa bò.

Tuy nhiên từ 12 tháng trở đi lượng sữa mẹ sẽ giảm nhiều, nếu từ bây giờ mẹ tập cho bé uống thêm 30 - 60ml sữa, ngày 2 - 3 lần thì sau 12 tháng bé sẽ dễ chấp nhận sữa bò hơn.

Sữa là thực phẩm có giá trị sinh trưởng cao, nhất là canxi rất cần thiết cho sự phát triển chiều cao của trẻ.

Theo TS.BS Tạ Thị Tuyết Mai
(BV nhân dân Gia Định, TPHCM)

Meo.vn (Theo Saigontiepthi)

Sữa mẹ tháng thứ tám có còn đủ dinh dưỡng?

Tôi sinh em bé được gần tám tháng. Hiện con tôi ngoài ăn giặm chỉ bú mẹ mà không chịu bú sữa ngoài. Xin hỏi đến giai đoạn này, sữa mẹ có còn đủ dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu của trẻ? Có thể thay thế sữa ngoài không?

TS.BS Tạ Thị Tuyết Mai, trưởng khoa dinh dưỡng, bệnh viện nhân dân Gia Định, TP.HCM: Nếu bé tăng cân khoảng 300g, cao thêm 1,3 – 1,5cm mỗi tháng thì chứng tỏ sữa mẹ và chế độ ăn giặm đủ nhu cầu của bé, mẹ không nhất thiết bắt bé uống thêm sữa ngoài. Hơn nữa khi cháu được chín tháng mẹ có thể cho bé ăn sữa chua và từ một tuổi trở lên cho bé ăn thêm phômai bằng cách cho vào cháo, như vậy cháu vẫn được nhận thêm nguồn canxi từ sữa bò. Tuy nhiên từ 12 tháng trở đi lượng sữa mẹ sẽ giảm nhiều, nếu từ bây giờ mẹ tập cho bé uống thêm 30 – 60ml sữa, ngày 2 – 3 lần thì sau 12 tháng bé sẽ dễ chấp nhận sữa bò hơn. Sữa là thực phẩm có giá trị sinh trưởng cao, nhất là canxi rất cần thiết cho sự phát triển chiều cao của trẻ.


Meo.vn (Theo SGTT)

Trẻ có thể lùn và giảm trí tuệ vì bệnh tật

Viện Dinh dưỡng - Chi hội dinh dưỡng lâm sàng vừa công bố kết quả khảo sát về nhận thức và hành vi phòng chống dịch bệnh của bà mẹ và gia đình năm 2011.

Theo kết quả thu được có đến 72,3% bà mẹ mong muốn con mình có thể chất tốt và thông minh. 80% đồng ý kết quả trên là do di truyền từ bố mẹ và 70,7% cho rằng chế độ ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng và chỉ có khoảng 47% tin rằng bệnh tật có thể làm trẻ hạn chế phát triển chiều cao và trí tuệ.

Trong khi đó, kết quả nghiên cứu trên thế giới cho thấy khi trẻ mắc nhiều đợt tiêu chảy hoặc bị nhiễm ký sinh trùng trong 700 ngày đầu đời, trẻ sẽ bị thấp hơn từ 3,6cm đến 8,2cm so với các bé cùng tuổi (ở vào lúc 7 tuổi) và suy giảm khả năng nhận thức tương đương với việc mất khoảng 10 điểm IQ.

Từ các kết quả điều nghiên cứu đó, các bà mẹ cần coi trọng phòng chống dịch bệnh cho trẻ.

Meo.vn (Theo Hanoimoi)

Trong cơ thể cũng có “thuốc”

Bác sĩ Lê Hùng – Trung tâm Y học cổ truyền TP.HCM cho rằng,  cơ thể con người là nhà máy sản xuất thuốc kỳ diệu:

Thyroxine sản sinh trong cơ thể giúp chống lạnh; estrogen, testosterol giúp duy trì nòi giống; insulin điều hòa nồng độ đường trong máu; các men tiêu hóa điều chỉnh những rối loạn tiêu hóa; những nội tiết tố cathecolamin, corticosteroid, endorphin… giúp hóa giải stress…

Ảnh minh họa

Nếu những "nhà máy sản xuất" thuốc trong cơ thể "đình công", chuyện gì sẽ xảy ra? Đơn giản, cơ thể sẽ mắc bệnh và cần thêm "viện binh" là nguồn thuốc từ ngoài vào. Cortisol (corticoid) trong cơ thể do tuyến thượng thận tiết ra. Chúng tham gia vào quá trình chuyển hóa chất đường, chất đạm, chất béo; giúp cân bằng nước và muối khoáng; hỗ trợ hoạt động của tim mạch, thần kinh, cơ xương. Nếu bị bệnh nào đó, ví dụ: viêm họng, sốt… bác sĩ cho dùng phối hợp kháng sinh và corticoid trong khoảng năm – bảy ngày để vừa diệt vi trùng vừa kháng viêm. Thế nhưng, trên thực tế, không ít phụ nữ sử dụng corticoid không theo toa bác sĩ, như dùng corticoid pha kem làm trắng da mà hậu quả là da bị teo, lão hóa sớm. Corticoid có tác dụng giữ nước, khiến người sử dụng trở nên "phì nhiêu" hơn, nặng cân hơn nên được không ít "lang băm" bỏ vào thuốc trị biếng ăn. Đối tượng sử dụng corticoid thường là người cao tuổi và trẻ em. Hậu quả: loãng xương, dễ gãy xương ở người cao tuổi và ngăn cản sự phát triển chiều cao ở trẻ em. Theo TS Phạm Văn Bùi – Phó giám đốc BV Nguyễn Tri Phương TP.HCM, lạm dụng corticoid sẽ bị teo tuyến thượng thận, dẫn đến mắc nhiều bệnh khác rất nguy hiểm.

Làm sao kích thích cơ thể sản xuất "thuốc"? Điều kiện đầu tiên: chỉ sử dụng thuốc khi cần và theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để không rơi vào tình huống như ví dụ về corticoid nêu trên. Trong trường hợp cảm, ho, sổ mũi… hãy để cơ thể "chiến đấu", còn chúng ta trợ lực bằng cách nghỉ ngơi, dùng món ăn dễ tiêu. Tuy nhiên, không nên "khoán trắng" cho cơ thể mà phải… giám sát. Nếu thấy ngày càng khỏe, chứng tỏ cơ thể đang trong thế thắng, nếu ngày càng mệt tức là cơ thể cần thêm "viện binh". Lúc này, nên đi bác sĩ để được tư vấn, điều trị phù hợp. Nên nghỉ ngơi ngay khi cơ thể đòi "đình công" bằng các dấu hiệu: mỏi mệt, đau nhức, buồn ngủ… Thời gian nghỉ ngơi sẽ giúp cơ thể thanh toán "chất thải", giúp phục hồi sinh lực. Khi cơ thể suy yếu, rất dễ bị mầm bệnh tấn công. Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng – cố vấn Hội Dinh dưỡng và Thực phẩm TP.HCM, cho biết: "Khi chúng ta có cảm giác tức giận, ngay lập tức cơ thể tăng tiết adrenalin làm tăng nhịp tim và huyết áp. Nếu cơ thể thường xuyên căng thẳng, mất ngủ thì các tuyến trong cơ thể sẽ hoạt động sai lệch, dẫn đến dễ mắc các bệnh về tim mạch, tiêu hóa".

Đối với phụ nữ, giai đoạn mệt mỏi nhất là tiền mãn kinh, mãn kinh. Để giúp phụ nữ vượt qua  giai đoạn này một cách êm ái, Tây y dùng biện pháp bổ sung nội tiết tố tổng hợp từ ngoài vào cơ thể. Còn Đông y lại chọn cách kích thích cơ thể sản xuất "thuốc" như: châm cứu, xoa bóp. Với kim châm và sự am hiểu về huyệt đạo, các lương y sẽ kích thích cơ thể tiết ra những nội tiết tố hay những chất dẫn truyền thần kinh trung gian như endorphin để giảm đau… Thế nhưng, chỉ tác động thôi chưa đủ, có thể chủ động tạo ra "thuốc" cho cơ thể  bằng sự rèn luyện mỗi ngày qua các bài tập yoga, thiền, dưỡng sinh…

Meo.vn (Theo PNO)

Khóc cười đa phương kế “thúc” con cao lớn

Với tâm niệm"hi sinh đời bố, củng cố đời con", rất nhiều phụ huynh đã cố tìm mọi cách "thúc"cho bé "cao lớn mỗi ngày". Hết "kích" ăn, lại đến kích thích luyện tập cho trẻ chóng lớn. Trên các mạng xã hội, họ chia sẻ cho nhau nhiều kinh nghiệm về cách tăng trưởng chiều cao cho con.

"Xà đơn xà kép" từ thuở lên 2

"Ông xã cao 1,71m, mình cao 1,58m. Thằng cu đầu mới 7 tuổi đã cao 1,3m nhưng cu thứ hai đã 3 tuổi lại chỉ vẻn vẹn có 93cm. Sao cùng bố mẹ sinh ra, cùng chế độ dinh dưỡng như nhau nhưng lại có cậu cao, cậu thấp? Thật chẳng hiểu nổi!" - nick name Methonon "mở màn" trên một diễn đàn dành cho các bà mẹ. Ngay lập tức, ý kiến của bà mẹ này được rất nhiều người ủng hộ, góp ý.
"Bé nhà mình rất thích hoạt hình "người nhện", nên mình nghĩ ra cách mua một cái xà đơn xà kép (thực ra là đồ phơi quần áo ngoài hiên nhà) cho cháu chơi mỗi ngày. Những lúc rảnh kêu: Con đu giống "người nhện" cho mẹ xem đi! Bé rất thích được khen giống như "người nhện" nên đu rất hào hứng!

 

Con cao lớn là mơ ước của bất cứ bậc phụ huynh nào.
Tranh minh họa.

 

Còn với chị Hoài Anh (Ba Đình - Hà Nội), khi cậu con mới gần 2 tuổi, chị đã áp dụng hình thức: Cặp nách cho người bé buông thõng xuống- cũng giống như đu xà. Bà mẹ trẻ này lý giải: "Người phương Tây rất hay dùng địu cho con. Bố mẹ xách một bên khi đi bộ/di chuyển làm cho 2 chân em bé thõng dài xuống, mình cũng phải "thử" xem".

Cũng "hâm mộ cách của Tây", chị Quỳnh Hoa (Cầu Giấy - Hà Nội) chia sẻ: Ngoài việc cho con gái 2 tuổi uống các loại sữa theo quảng cáo là "có chứa hormone tăng trưởng", chị còn cho bé ăn thường xuyên món sữa tươi đun nóng, trộn đều với phomai, khoai tây đã hấp chín, nghiền nát, kem tươi, chút muối, ăn cùng gà rán. "Em đã được ở Hà Lan gần 1 năm. Bên Hà Lan, người ta ăn liên tục như thế. Trẻ em, đứa nào cũng cao lớn thì chắc món này rất tốt cho chiều cao(?!)" - chị Hoa phỏng đoán.

Lùn không phải là bệnh!

Con cao lớn là mơ ước của bất cứ bậc phụ huynh nào. Những chia sẻ trên đây của các bà mẹ là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, nhiều bà mẹ luôn cho rằng con lùn bé, thấp còi là bệnh. Trong khi có khá nhiều lý do để khiến trẻ phát triển không như bình thường.

Giải thích về vấn đề này, BS. Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết - chuyển hóa - di truyền (BV Nhi TƯ) chia sẻ: Tăng trưởng ở trẻ là quá trình phức tạp, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó những yếu tố chính: Di truyền, chủng tộc, nuôi dưỡng. Bên cạnh đó, có rất nhiều bệnh ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ, như bệnh di truyền (thalassemia, xương thủy tinh), tim bẩm sinh, các bệnh mãn tính (đái tháo đường nếu không kiểm soát tốt, suy thận, hen, dãn phế quản do hậu quả của hen, suy tuyến giáp bẩm sinh...). Những em bé sống trong môi trường chật chội, thiếu ánh sáng, vitamin D... cũng là đối tượng có nguy cơ chậm phát triển chiều cao.

Cũng theo BS. Dũng, có 2 cách tính chiều cao: Cách thứ nhất: Chiều cao cuối cùng lúc trưởng thành = chiều cao lúc trẻ 2 tuổi x 2; Cách thứ hai: Chiều cao của trẻ trai lúc trưởng thành = (chiều cao của bố + chiều cao của mẹ + 13) : 2; Chiều cao của trẻ gái lúc trưởng thành = (chiều cao của bố + chiều cao của mẹ - 13) : 2.

Vậy làm thế nào để phát hiện một em bé có thiếu chiều cao hay không? BS. Dũng khẳng định: Đứa trẻ phải được theo dõi sự phát triển chiều cao theo những tháng đầu tiên, hàng tháng, quý. Đến những năm sau thì đo 6 tháng/lần. Về mặt nguyên tắc, phải được theo dõi và đánh dấu vào đường biểu đồ tăng trưởng đến lúc kết thúc. Nếu như thấy trẻ không tăng chiều cao thì em bé đó có vấn đề.

Theo cách mà bà mẹ chia sẻ là cho con tập xà đơn xà kép từ khi mới 2,5 tuổi, BS. Dũng bày tỏ: Tất cả các môn thể thao đều có chỉ định với từng độ tuổi, không thể lạm dụng vì bất cứ mục đích gì. Một đứa trẻ mới 3 tuổi đã bắt chạy 500m thì không thể.

"Cuồng" thuốc tăng chiều cao

Một nguyên nhân quan trọng khác ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao ở trẻ, đó là thiếu hormone tăng trưởng. Cũng vì lý do này, nhiều bậc phụ huynh đã đổ xô đi tìm các cách bổ sung dù không cần biết con mình có bị thiếu hormone tăng trưởng hay không.

Chiều cao thân thể của thanh niên Việt Nam còn kém chuẩn quốc tế tới 13cm đối với nam và 10cm đối với nữ. So với các nước châu Á, nam thanh niên nước ta kém nam thanh niên Nhật Bản 8cm, còn đối với nữ kém 4cm. Tương tự như vậy, so với thanh niên Thái Lan là nước trong khu vực có điều kiện tự nhiên gần giống nước ta thì chiều cao của thanh niên Việt Nam cũng kém 6cm ở nam và 2cm ở nữ. Để cải thiện tầm vóc và thể lực của người Việt Nam, ngoài những chính sách về phát triển kinh tế và công tác DS-KHHGĐ thì điều quan trọng là phải hướng dẫn thế hệ trẻ có ý thức phát triển chiều cao bằng luyện tập các môn thể thao lành mạnh, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ…

Chỉ cần gõ "Thuốc tăng trưởng chiều cao" trên trang tìm kiếm thông tin Google, đã nhận được hàng nghìn kết quả. Nhiều trang web như: caolen.net, caotaller.com... đã "mạnh dạn" quảng cáo khá nhiều về "sự thần kỳ" của những loại thuốc bổ sung hormone tăng trưởng chiều cao.

Trích dẫn đoạn quảng cáo, website caolen.net viết: Phương pháp chích thuốc vào tĩnh mạch để kích thích việc sản xuất hormone cho những trẻ em chậm lớn đã có từ 20 năm nay ở châu Âu và Mỹ (...). Thuốc được làm từ những thảo dược thiên nhiên, an toàn cho sức khoẻ, giúp những người trong độ tuổi từ 17 tuổi trở lên có thể cao thêm nhanh chóng.

Thậm chí, ở một trang web khác còn quảng cáo bằng cách để hàng chục khách hàng lên "cảm tạ" thuốc thần kỳ. Theo quảng cáo của trang web này, người dùng có thể cao từ 2 inch (8cm) hoặc hơn thế nữa chỉ trong vòng từ 4 - 6 tháng nếu áp dụng theo hướng dẫn. Đặc biệt, theo quảng cáo, nếu uống thuốc này thì những người từ 17 tuổi - 37 tuổi vẫn có thể cao thêm. Giá một lọ thuốc là 60USD, cộng với tiền vận chuyển là 35USD. Giá thuốc rất đắt, công hiệu "trên trời" nhưng theo các bác sĩ chưa có một "thần dược" nào trên thế giới có thể giúp chiều cao tăng đến như thế.

Meo.vn (Theo Giadinh)