Lưu trữ cho từ khóa: phản ứng phụ

Cảnh báo phản ứng phụ nghiêm trọng của thuốc chứa hoạt chất paracetamol

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa gửi công văn tới sở y tế các tỉnh, thành phố; các bệnh viện, các công ty đăng ký, sản xuất thuốc lưu hành tại Việt Nam Văn bản số 678/QLD-ĐK, cảnh báo về nguy cơ phản ứng phụ nghiêm trọng trên da của thuốc chứa hoạt chất paracetamol.

Trước đó, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) đã ra cảnh báo liên quan đến tính an toàn của các thuốc có chứa hoạt chất paracetamol sau khi phân tích dữ liệu của hệ thống báo cáo phản ứng có hại của thuốc.

canh-bao-phan-ung-phu-nghiem-trong-cua-thuoc-chua-hoat-chat-paracetamol

Ảnh minh họa – Internet

Các bằng chứng khoa học cho thấy, bệnh nhân dùng thuốc có chứa hoạt chất paracetamol có thể gặp các tác dụng phụ bất cứ lúc nào, kể cả người lần đầu tiên sử dụng paracetamol. Các tác dụng phụ có thể gặp rất nghiêm trọng trên da như hội chứng Steven-Johnson, hội chứng hoại tử da nhiễm độc, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính. Đây là những hội chứng có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Do đó, Cục yêu cầu sở y tế các địa phương, các bệnh viện phải tăng cường theo dõi, xử trí đối với các trường hợp phản ứng phụ nghiêm trọng trên da của thuốc chứa hoạt chất paracetamol.

Nếu phát hiện người bệnh sử dụng paracetamol bị các phản ứng trên da nghiêm trọng hoặc các tác dụng không mong muốn thì phải ngưng dùng thuốc ngay và tìm thuốc hạ sốt khác thay thế. Những bệnh nhân từng bị các phản ứng trên da nghiêm trọng do paracetamol gây ra thì không được dùng thuốc trở lại và mỗi khi khám chữa bệnh phải báo cho nhân viên y tế biết.

Đối với các công ty sản xuất, đăng ký thuốc, với các thuốc chứa hoạt chất paracetamol đã được cấp phép lưu hành trên thị trường, Cục Quản lý dược yêu cầu phải khẩn trương cập nhật, bổ sung vào tờ hướng dẫn sử dụng thuốc với nội dung “bác sĩ cần cảnh báo bệnh nhân về các dấu hiệu của phản ứng trên da nghiêm trọng…”.

Đồng thời, công ty phải bổ sung vào mục “những điều cần thận trọng khi dùng thuốc” với nội dung “phản ứng phụ trên da dù tỷ lệ không cao nhưng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng”.

Cục Quản lý dược cũng cho biết sẽ không xem xét cấp số đăng ký cho các công ty sản xuất, đăng ký thuốc nếu không cập nhật những nội dung trên trong hồ sơ xin cấp số đăng ký.

Theo Danviet.vn

Những phản ứng phụ dễ xảy ra khi hóa trị

Phần lớn bệnh nhân ung thư đều rất lo lắng sợ hãi về các phản ứng phụ khi dùng hóa chất trị liệu. Dưới đây là những phản ứng phụ dễ xảy ra khi hóa trị.

Hóa chất trị liệu là những thứ thuốc rất mạnh đã được chế tạo để tiêu diệt những tế bào ung thư đang phát triển nhanh chóng. Bởi vì những thuốc này được đưa đi khắp cơ thể, chúng có thể gây hại những tế bào bình thường và khỏe mạnh khác. Những sự tác hại trên những tế bào bình thường này là nguyên nhân gây ra các phản ứng phụ cho cơ thể người bệnh ung thư khi hóa trị liệu.

Những tế bào bình thường dễ bị ảnh hưởng bởi hóa chất trị liệu nhất là những tế bào máu được tạo ra từ trong tủy xương, những tế bào chân tóc, những tế bào trong miệng, trong đường tiêu hóa, và những tế bào thuộc hệ thống sinh sản. Một số các thuốc hóa trị có thể làm hại những tế bào ở trong tim, thận, bàng quang, phổi và trong hệ thống thần kinh.

nhung-phan-ung-phu-de-xay-ra-khi-hoa-tri

Hóa trị liệu trị ung thư thường có nhiều phản ứng phụ

Thường thì các phản ứng phụ này có thể được chữa trị một cách dễ dàng, bác sĩ cũng có những loại thuốc để tránh một số phản ứng phụ trước khi nó có thể xảy ra.

Khi dùng hóa chất trị liệu, những phản ứng phụ thường xảy ra nhất gồm có ói mửa, rụng tóc, và mệt mỏi. Những phản ứng phụ thông thường khác gồm có tình trạng dễ bị bầm, chảy máu, và dễ bị nhiễm trùng.

Dưới đây là các phản ứng phụ thường gặp khi hóa trị liệu:

- Giảm sức đề kháng, nhiễm trùng: Hóa trị làm giảm số lượng bạch cầu khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng. Tác dụng này có thể khởi phát vào thời điểm 7 ngày sau khi bắt đầu hóa trị và sức đề kháng đối với nhiễm khuẩn sẽ thấp nhất từ 10 – 14 ngày sau khi hóa trị. Số lượng bạch cầu sau đó sẽ tăng dần và thường trở về trị số bình thường trước chu kỳ hóa trị kế tiếp.

- Bầm da hoặc chảy máu: paclitaxel và carboplatin có thể làm giảm sản sinh tiểu cầu khiến máu khó đông.

- Thiếu máu (giảm số lượng hồng cầu): Khi cảm thấy mệt và khó thở, có thể là do dấu hiệu của thiếu máu.

- Buồn nôn và nôn: Hóa chất hóa trị gây kích thích niêm mạc dạ dày và tá tràng (phần đầu tiên của ruột non) làm kích thích một số dây thần kinh kích hoạt trung tâm nôn và vùng khởi động thụ thể hóa học ở não dẫn đến tình trạng buồn nôn và nôn ở người bệnh.

Nôn có thể xuất hiện ngay sau khi hóa trị hoặc sau đó. Nó có thể xuất hiện trong vòng vài phút đến vài giờ sau hóa trị và được gọi là nôn cấp tính. Nếu nó xuất hiện hoặc tiếp tục trong vòng 24 giờ hoặc hơn sau hóa trị, nó được gọi là nôn trễ. Loại này đôi khi có thể kéo dài trong vài ngày.

- Mệt mỏi: Bệnh nhân có thể cảm thấy rất mệt mỏi, nhất là vào giai đoạn cuối của liệu trình hóa trị. Tác dụng phụ này rất thường gặp.

nhung-phan-ung-phu-de-xay-ra-khi-hoa-tri

Rụng tóc là phản ứng phụ thường gặp khi hóa trị liệu.

- Rụng tóc: Một số loại thuốc hóa trị ảnh hưởng đến những tế bào phát triển nhanh chóng của các nang tóc. Tóc sẽ trở nên dễ gãy và gãy lìa khỏi bề mặt da đầu hoặc chỉ đơn giản là rụng khỏi nang tóc. Rụng tóc không phải là một biến chứng đe dọa mạng sống.

Rụng tóc do paclitaxel thường khởi phát từ 3 – 4 tuần sau chu kỳ điều trị đầu tiên. Tóc thường rụng toàn bộ. Có thể rụng cả lông mày, lông mi lẫn lông ở các vùng khác của cơ thể. Lông, tóc thường chỉ rụng tạm thời và sẽ mọc lại sau khi chấm dứt điều trị.

- Lở và loét miệng: Niêm mạc miệng có thể bị khô và lở, đôi khi có những vết loét nhỏ ở miệng trong quá trình điều trị. Loét ở miệng, họng và thực quản thường chỉ là nhất thời. Chúng thường xuất hiện từ 5 đến 14 ngày sau khi hóa trị. Viêm miệng thường tự hồi phục sau 2 đến 3 tuần và lành hoàn toàn khi kết thúc hóa trị.

- Tiêu chảy: Tiêu chảy có thể xảy ra chỉ vài ngày sau khi hóa trị và dễ dàng được kiểm soát bằng thuốc nếu nặng và kéo dài. Cần chú ý uống nhiều nước (2 – 3 lít mỗi ngày) nếu tiêu chảy.

- Chán ăn và thay đổi cân nặng: Hầu hết các loại thuốc hóa trị có thể gây ra chán ăn ở một mức độ nào đó, giảm hoặc mất hoàn toàn khẩu vị. Chán ăn, cũng như sụt cân, có thể là hậu quả trực tiếp của ung thư trên hoạt động chuyển hóa của cơ thể.

- Thay đổi vị giác: Những thuốc điều trị ung thư và chính bản thân ung thư có thể gây thay đổi mùi vị của một số loại thức ăn. Sự thay đổi vị giác có thể dẫn đến chán ăn, suy sinh dưỡng và thay đổi cân nặng.

- Tê và châm chích ở tay chân: Hậu quả của paclitaxel hoặc carboplatin trên thần kinh gây viêm thần kinh ngoại biên.

- Đau cơ và các khớp: Triệu chứng đau cơ khớp có thể xảy ra chỉ vài ngày sau khi hóa trị và thường là do paclitaxel. Tuy nhiên, những triệu chứng này thường không kéo dài và có thể được xử lý bằng các thuốc giảm đau thông thường.

- Phản ứng quá mẫn: Những dấu hiệu của phản ứng quá mẫn đối với thuốc hóa trị bao gồm sẩn da, ngứa, sốt, lạnh run, chóng mặt, nhức đầu và khó thở.

Theo Kienthuc.net.vn

Tìm ra phương pháp giảm phản ứng phụ khi điều trị ung thư

 Trung tâm Liệu pháp Proton tại Prague (Cộng hòa Czech) đang cung cấp một phương pháp điều trị mới giúp bảo toàn hầu như toàn bộ tế bào khỏe kế bên khối u.

Ông Manfred Herbst, giám đốc trung tâm Proton, thuộc nhóm tiên phong phát minh liệu pháp mới tại Đức cho hay, chỉ có không đến 40 cơ sở điều trị trên toàn thế giới có khả năng thực hiện phương pháp này, và trung tâm của ông là cơ sở thứ 5 tại châu Âu.

nghien-cuu
Giảm đau đớn khi điều trị ung thư rất quan trọng cho khả năng hồi phục
của bệnh nhân – Ảnh: Health Grades

“Lợi thế chính của liệu pháp proton là năng lượng hạt proton tập trung vào khối u”, tờ The Prague Post dẫn lời bác sĩ Herbst.

“Chỉ có khoảng 1/6 năng lượng phát tán khỏi khối u đến mô khỏe mạnh. Điều này có nghĩa là tế bào bình thường gần như không bị ảnh hưởng. Do đó chúng ta thật sự giảm được ảnh hưởng phụ có thể phát sinh”, ông cho biết.

Liệu pháp điều trị trên cho phép các bác sĩ chuyên khoa ung thư hướng chùm tia đến đúng điểm, loại bỏ hầu hết tổn hại gây ra trong quá trình điều trị theo kiểu truyền thống.

Đối với những người bị ung thư tuyến tiền liệt, liệu pháp này giảm được nguy cơ mất khả năng sinh hoạt tình dục, các vấn đề về ruột hoặc chảy máu trực tràng.

Phương pháp mới đặc biệt có lợi cho trẻ con, khi mà quá trình phát triển có thể bị đe dọa bởi liệu pháp hiện nay, cũng như những bệnh nhân bị ung thư não, mắt hoặc phổi, nơi khối u di chuyển khi người bệnh thở, bác sĩ Herbst giải thích.

(Theo Thanhnien)

Hoạt động thể lực – Đơn thuốc phòng chữa bệnh

 

Ai cũng biết tập thể dục có lợi cho sức khỏe nhưng hoạt động thể lực được coi như một đơn thuốc để phòng và chữa bệnh vẫn là điều khá mới mẻ với nhiều người.

Bà Trần Thị Thục, 72 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng - Hà Nội, mắc bệnh tim mạch từ nhiều năm nay nên sức khỏe rất yếu. Vì cho rằng vận động sẽ khiến mệt mỏi và bệnh nặng thêm nên bản thân bà cũng rất ít khi tập thể dục.

Gần 1 năm qua, trong đơn thuốc của bà, ngoài những loại thuốc điều trị tim mạch, các bác sĩ Bệnh viện Lão khoa Trung ương còn kê thời gian và cách tập thể dục sao cho phù hợp với bệnh tình và sức khỏe. Trong lần tái khám gần đây, bà Thục cho biết từ ngày được kê đơn và hướng dẫn luyện tập thể lực với 30 phút đi bộ buổi sáng và 30 phút đi bộ buổi chiều, sức khỏe của bà tốt hơn hẳn.

Tăng tuổi thọ 6-9 năm

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Huyền, Chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường Bệnh viện Lão khoa Trung ương, nhiều bệnh nhân điều trị tại đây sau một thời gian vận động, tập thể dục theo hướng dẫn của thầy thuốc, các chỉ số về tim mạch, huyết áp… được cải thiện rõ rệt.

Các đánh giá tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho thấy hoạt động thể lực đã có những tác dụng nhất định trong việc giảm nhẹ các triệu chứng một số bệnh không lây nhiễm như béo phì, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, loãng xương, đau lưng, đau khớp…


Kỹ thuật viên hướng dẫn bệnh nhân luyện tập thể lực

- Ảnh: chụp tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương

TS Trần Thanh Hương, giảng viên Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết tại nhiều quốc gia trên thế giới, hoạt động thể lực được coi như một “phương thuốc” và cũng được kê đơn như các thuốc chữa bệnh khác. Mỗi bệnh nhân sẽ được bác sĩ cung cấp một đơn gồm những bài tập thể lực được cá nhân hóa cho chính họ hoặc cho một nhóm để phục vụ việc điều trị.

Hoạt động này đã được chứng minh là phát huy tác dụng dự phòng và giảm nhẹ triệu chứng trong một số bệnh như đái tháo đường, béo phì, hội chứng chuyển, bệnh lý tim mạch, loãng xương, đau lưng, đau khớp, rối loạn lo âu và trầm cảm. Việc tập luyện 10 phút mỗi ngày còn làm giảm nguy mắc bệnh ung thư vú, ung thư đại tràng…

“Các nghiên cứu gần đây cho thấy hoạt động thể lực sẽ giúp tăng tuổi thọ lên 6-9 năm”- TS Hương nhấn mạnh.

Kê đơn tập thể dục

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện 75% trường hợp tử vong là do các bệnh không lây nhiễm và lười hoạt động thể lực là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm. Tuy vậy, tại Việt Nam, khái niệm kê đơn hoạt động thể lực còn rất mới mẻ với cộng đồng và ngay cả với giới chuyên môn y tế.

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Tường, Trường ĐH Y Hà Nội, các hoạt động luyện tập và kê đơn hoạt động thể lực tại nước ta hiện còn mang tính đơn lẻ, tự phát. Trong bối cảnh các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng, việc xây dựng hệ thống các bài tập thể lực phù hợp với lứa tuổi, giới, nghề nghiệp và loại bệnh là rất cần thiết.

PGS-TS Tường cho rằng mọi người đều có thể  giảm chi phí điều trị bằng cách thay đổi lối sống, luyện tập thể lực. Đơn giản nhất là đi bộ với cường độ nhẹ 5 ngày/tuần, thời lượng tăng dần từ 5-10 phút lên 20-30 phút/ngày. Đôi khi là đi bộ thay vì đi thang máy. Hay như ứng dụng “bài thuốc” vận động giảm nguy cơ rối loạn chuyển hóa tim mạch ở người thừa cân là: giảm 2 giờ ngồi 1 chỗ mỗi ngày, đi bộ nhanh khoảng 1.500 bước trong 2 giờ rưỡi, chia làm 3 lần/tuần…. “Tuy vậy, tập luyện cũng phải vừa sức, phù hợp và thích nghi dần với thể lực từng người. Khi người tập thấy đổ mồ hôi, mệt, thở dốc và đạt đến ngưỡng nhịp tim theo yêu cầu, chứng tỏ hoạt động thể lực  đã đủ” - PGS-TS Tường tư vấn.

GS Carl Johan Sundberg, Viện ĐH Karolinska - Thụy Điển, cho biết kê đơn hoạt động thể lực là phương thức điều trị bệnh không lây nhiễm không cần dùng thuốc, được sử dụng lần đầu tại Thụy Sĩ và cách đây 2 năm được áp dụng tại Thụy Điển. “Chỉ gia tăng nhỏ trong hoạt động thể lực cũng có liên quan tới sự cải thiện tình trạng sức khỏe. Vận động nhiều tốt hơn vận động ít và vận động ít tốt hơn là không làm gì”- GS Carl Johan Sundberg nhấn mạnh.

Bộ Y tế cho biết sẽ nghiên cứu, xây dựng hành lang pháp lý để đưa hoạt động thể lực như một đơn thuốc trong phòng và điều trị các bệnh không lây nhiễm.

Rất ít phản ứng phụ

Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cho biết không một loại thuốc nào có thể đặc trị được 10 bệnh cùng lúc. Tuy nhiên, hoạt động thể lực có thể giúp cải thiện nhiều yếu tố như giảm huyết áp, giảm lipid máu, đường huyết, người bệnh năng động hơn và tạo sức bật trong cuộc sống. Bất cứ loại thuốc nào cũng có tác dụng phụ, dù ít hay nhiều nhưng hoạt động thể lực rất ít có phản ứng phụ. “Tuy nhiên, vì được kê như một đơn thuốc chữa bệnh nên hoạt động thể lực cũng cần có chỉ định và chống chỉ định trong những trường hợp cụ thể đối với từng người” - bác sĩ Thanh lưu ý.

(Theo Thanhnien)