Lưu trữ cho từ khóa: ốc tai

Cấy ghép ốc tai cải thiện khả năng nghe

Cấy ghép ốc tai có thể làm tăng khả năng nghe, nói và chất lượng cuộc sống của người mất khả năng thính giác, đồng thời cấy ghép hai ốc tai có kết quả tốt hơn là cấy ghép một ốc tai, theo Reuters.

Nghiên cứu được công bố trên JAMA Otolaryngology - Head & Neck Surgery, giới thiệu kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trung tâm y tế Tufts tại Boston (Mỹ).

Nhóm nghiên cứu đã xem xét lại 42 nghiên cứu trước đó so sánh khả năng nghe, nói và chất lượng cuộc sống của những người trước và sau khi cấy ghép ốc tai, cũng như so sánh những khả năng trên ở người cấy ghép 1 hoặc 2 ốc tai.

hearingloss1

Nghe kém làm giảm chất lượng cuộc sống - Ảnh: Shutterstock

Các cuộc nghiên cứu dùng các bài kiểm tra thực hiện vào những giai đoạn khác nhau để đánh giá hiệu quả của việc cấy ghép.

Sau khi cấy ghép ốc tai, tuy khả năng nghe không thể hoàn toàn tốt như bình thường nhưng khả năng nói và hiểu thì rất tốt, theo bà Pamela Roehm, chuyên gia về tai và họng tại Trung tâm y tế Langone (Mỹ), một người không thuộc nhóm nghiên cứu.

Người đứng đầu cuộc nghiên cứu, ông James Gaylor, nói: “Chúng tôi hy vọng kết quả nghiên cứu sẽ cung cấp thêm thông tin để các bệnh nhân quyết định việc cấy ghép ốc tai”.

(Theo TNO)

Khi trẻ bị điếc …

Trước đây, điếc nặng hay điếc sâu bẩm sinh gây hậu quả nặng nề về lời nói nên có tên gọi là điếc câm. Nhưng hiện nay, để người bị điếc không cảm thấy bị thiếu tôn trọng, Hiệp hội Người điếc thế giới thống nhất dùng thuật ngữ điếc và khó nghe. Tuy nhiên, để trẻ điếc có thể hòa nhập với cộng đồng trong học tập và lao động thì vấn đề can thiệp sớm có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Sự phát triển thính giác

Ngay từ khi sinh ra, bộ máy thính giác đã hoàn thiện, hệ thống thần kinh thính giác ngoại biên hoạt động nhưng chỉ đến 4 tuổi, sự hình thành các bao sợi dây thần kinh mới hoàn chỉnh. Sự thành thục của hệ thần kinh trung ương tuỳ thuộc vào hoạt động bình thường của cơ quan thần kinh ngoại biên. Trẻ sơ sinh chỉ phản ứng với tiếng ồn ở khoảng 60- 100dB, đến khi trẻ 4-6 tháng ngưỡng này chỉ khoảng 10-20dB. Lúc đầu, trẻ phản ứng với kích thích âm theo phản xạ như: co cơ lan tỏa hay khu trú, nháy mi, thay đổi nhịp thở hay quay đầu chậm hướng về nguồn âm. Trẻ sơ sinh hay những tuần đầu của trẻ nhũ nhi có thể không có bất kỳ phản ứng nào với kích thích âm mặc dù bộ máy thính giác bình thường. Chỉ khi trẻ khoảng 4-5 tháng tuổi, phân biệt thế giới âm mới dần dần xuất hiện. Trẻ hướng về nguồn tiếng ồn, rồi nhận biết được một số tiếng ồn như tiếng mẹ, tiếng lắc bình sữa... Trên lâm sàng, phương pháp đo thính lực ứng xử khó xác định ở trẻ nhỏ, vì vậy trước đây, những trường hợp trẻ 5-6 tuổi mới chẩn đoán bị điếc sâu không phải là hiếm. Nhưng từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhờ tiến bộ của các thăm dò thính giác khách quan như đo âm ốc tai (OtoAcoustic Emission - OAE), đo điện thế kích thích thân não (Auditory Brain stem Responses - ABR) nên trẻ được phát hiện điếc từ rất sớm. Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện đo âm ốc tai OAE sàng lọc cho tất cả trẻ trong vòng 3 ngày sau sinh để phát hiện sớm.


Sóng âm dẫn truyền vào tai tạo phản xạ nghe.

Sự hình thành ngôn ngữ

Dù nghe bình thường hay điếc hoàn toàn, khoảng 3 hay 4 tháng tuổi, trẻ sẽ tự phát ra các âm, đó là lời nói bi bô (babil). Trẻ nghe bình thường sẽ tình cờ phát ra nhiều âm mà dần dần nó tự hiệu chỉnh dựa trên tiếng nói của người xung quanh. Nhờ cố gắng bắt chước, thử và mò mẫm, trẻ dần dần sẽ nhắc lại được những từ đơn giản mà nó nghe thấy. Chính vì vậy, tiếng nói được tạo ra dựa trên một vòng tròn thực sự về thính thanh học. Trẻ bị điếc nặng không nghe được những âm mà nó phát ra và không hoà vào môi trường âm thanh xung quanh. Nên vài tháng sau, lời nói bi bô sẽ ít dần, rồi biến mất. Ngoài ra, điếc nặng còn gây hậu quả lớn trong lĩnh vực cảm xúc tâm lý của trẻ. Do không nghe được và không nói được, trẻ điếc sâu sẽ bị cô lập với giới bên ngoài, trẻ không thể hiểu suy nghĩ của người khác cũng như không thể thể hiện những mong muốn của chúng. Vì vậy dẫn đến các biểu hiện: rối loạn tâm lý, thiếu các quan hệ xã hội và nghèo nàn hiểu biết về thế giới bên ngoài. Tuỳ theo mỗi trẻ, phản ứng diễn ra khác nhau: gây gổ, phẫn nộ, vô cảm hay tính nết thất thường. Tình trạng này đôi khi trở nên trầm trọng tuỳ thuộc vào cách đối xử của gia đình: bỏ rơi hay quá bao bọc trẻ.

Đeo máy trợ thính sớm trước 6 tháng tuổi, thậm chí vào khoảng tháng thứ 3 cho phép trẻ sử dụng phần thính giác còn lại, đa số các trường hợp là các tần số trầm còn tồn tại. Tuy nhiên, máy trợ thính không cho phép trẻ nhận biết được thế giới âm thanh mà người bình thường nhận thấy mà chỉ cho một số thông tin thính giác. Nếu đeo máy muộn sau 3-4 tuổi, trẻ đã quen với thế giới mà não không có các thông tin thính giác, vì vậy, hiệu quả đeo máy sẽ kém hơn rất nhiều.

Sự cần thiết phải can thiệp sớm

Khi trẻ điếc đã hoàn toàn không nói trong một thời gian dài thì việc phát âm trở lại sau này sẽ trở nên khó khăn. Các công trình nghiên cứu gần đây khẳng định: phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ điếc giúp trẻ hoà nhập tốt hơn với thế giới bên ngoài do tính tự tạo của não phát triển nhất ở giai đoạn này. Trẻ nhỏ  phát hiện điếc sâu hay điếc nặng đều phải đeo máy trợ thính ngày nay là cấy ốc tai điện tử.

Đeo máy này chỉ có hiệu quả trong điều kiện giáo dục sớm với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa (chỉnh giọng, tâm lý học, sư phạm và ngữ âm) nhằm giúp trẻ duy trì sự hình thành âm tự phát trong những tháng đầu tiên và phát triển các âm đó; dẫn dắt trẻ nhận thức được thế giới âm xung quanh; khai thác các giác quan khác như nhìn, sờ...; phát triển nhu cầu giao tiếp của trẻ; sử dụng đọc hình miệng và giao tiếp bằng cử chỉ nếu cần. Giáo dục sớm thích ứng tuỳ từng trẻ và giáo viên cần hướng dẫn cha mẹ, bởi gia đình đóng vai trò đáng kể trong việc phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ của trẻ điếc, cũng như giúp trẻ nhận biết được thế giới âm thanh và ngôn ngữ. Chìa khoá thành công của can thiệp sớm cho trẻ điếc chính là sớm tạo nhu cầu giao tiếp, đặc biệt là khả năng bắt chước của trẻ.

TS.BS. Đoàn Thị Hồng Hoa

Meo.vn (Theo SKĐS)

Kiểm tra thính lực và gắn máy nghe cho trẻ em

Một đứa trẻ không bao giờ quá nhỏ để kiểm tra thính lực. Nếu khi trẻ cần mang máy nghe, hãy chọn loại máy có độ khuyếch đại thích hợp.

Gắn máy nghe cho trẻ em

Trẻ em mang máy nghe cần có độ khuyếch đại thích hợp để phát triển tối ưu các kỹ năng giao tiếp. Bước đầu của quy trình gắn máy nghe cho trẻ bằng test hành vi (behavioral audiogram). Kết quả này xác định ngưỡng nghe của bé là mức mà bé phát hiện âm thanh được tính bằng dB. Bạn cần biết ngưỡng nghe của bé và ngưỡng nghe cần có khi mang máy nghe. Sự khác nhau giữa 2 kết quả này ở mỗi tần số là mức khuyếch đại cần có. Máy nghe nhận và được chỉnh mức khuyếch đại phù hợp cho mỗi tần số. Vì vậy việc có được ngưỡng nghe chưa trợ thính và sau đó kiểm tra lại ngưỡng nghe có mang máy trợ thính là việc quan trọng. Quá trình này giúp cho bạn biết được mức khuyếch đại mà đứa trẻ cần.


Nên đưa bé đi kiểm tra thính lực nếu bé có dấu hiệu nghe kém

Nếu đứa trẻ đã có thể nhắc lại các từ, tốt nhất nên sử dụng test phân biệt lời (word discrimination test) không mang máy nghe và có mang máy nghe. Trong khi kiểm tra bằng test này, trẻ nhắc lại một danh sách các từ, những từ nhắc đúng sẽ được tổng hợp tính phần trăm. Nếu điểm số khi mang máy nghe không cải thiện rõ rệt thì máy nghe này không phù hợp với trẻ. Tuy nhiên, một số trẻ quá nhỏ để làm test này thì test hành vi với có và không có mang máy nghe là test cơ bản để phục vụ việc gắn máy nghe cho trẻ nhỏ. Máy nghe sau tai thường được khuyên sử dụng cho trẻ em vì nó kín đáo và chắc chắn. Máy nghe sau tai gắn với tai của trẻ và nối với tai trẻ bằng núm tai. Thực tế hầu hết trẻ em sử dụng máy nghe sau tai vì nó không phụ thuộc vào kích thước ống tai của trẻ. Nhiều cha mẹ cũng thích máy nghe sau tai vì nó dễ theo dõi và kiểm soát.

Mặc dầu máy nghe sau tai tương đối nhỏ, chúng có vẻ lớn so với đầu của trẻ nhỏ. Nhiều khi tai của trẻ không đủ lớn để giữ máy nghe sau tai. Tuy nhiên, gắn thêm móc tai và núm tai cũng đủ để giữ máy nghe sau tai nằm đúng vị trí. Một ống được làm thêm để giữ máy nghe sau tai. Ống này được gắn với máy nghe sau tai và giữ nó nằm trên đầu trẻ.

Trẻ em mang máy nghe cần được kiểm tra ngưỡng nghe không mang máy và mang máy mỗi năm để biết sức nghe của trẻ có thay đổi không và máy nghe còn phù hợp với trẻ không.

Việc cho con bạn chịu mang máy nghe có thể gặp khó khăn. Một số trẻ em khi mang máy nghe không phàn nàn gì thậm chí còn rất sung sướng khi được mang nó lần đầu, trong khi một số trẻ khác không chịu và luôn luôn cố gắng tháo máy ra. Hãy nhớ bạn đang đặt một vật vào tai con bạn mà trước đây chưa từng có. Trẻ càng lớn càng dễ chống đối việc bị kéo tai và cho vật gì vào tai. Một số chỉ dẫn sau đây có thể giúp con bạn chịu mang máy nghe và quan trọng hơn nữa là giúp chúng nhận ra những ích lợi từ việc mang máy nghe:

- Hãy làm ấm núm tai trước khi đưa nó vào tai trẻ. Bằng cách này sẽ ít gây sốc cho con bạn. Núm tai ấm sẽ dễ chịu hơn, dễ uốn hơn và dễ đưa vào ống tai hơn.

- Hãy tăng từ từ thời gian mang máy nghe cho bé. Bắt đầu bằng việc cho trẻ mang máy nghe vài phút nhưng nhiều lần trong ngày. Sau đó thời gian mang máy nghe mỗi lần ngày càng kéo dài hơn.

- Hãy thu hút trẻ bằng đồ vật gì đó khi bạn mang máy nghe cho trẻ - ví dụ đồ chơi mà trẻ ưa thích. Có thể bạn sẽ mua đồ chơi trẻ đặc biệt thích và sử dụng mỗi khi gắn máy. Với cách này đứa trẻ sẽ cảm thấy dễ chịu và mong chờ được gắn máy.

- Không bao giờ được bắt trẻ phải mang máy. Quan trọng là phải cố gắng làm cho trẻ thích mang máy nghe và nhận ra ích lợi của việc mang máy.

- Nếu có thể hãy để bé nhìn thấy người lớn và trẻ em đã mang máy nghe. Điều làm cho trẻ cảm thấy không phải chỉ có mình mình mang máy nghe.

- Hãy làm cho máy nghe đẹp hơn thu hút hơn bằng màu sắc hoặc dấu ấn riêng. Bạn có thể có những phần thưởng nếu bé mang máy nghe lâu hơn.

- Cố gắng làm cho việc mang máy nghe như một phần việc của mặc quần áo hàng ngày. Buổi sáng mang máy nghe khi mặc quần áo và lấy máy nghe ra vào buổi tối khi thay quần áo đi ngủ.

- Hãy làm điều gì mà bạn chắc con bạn thấy dễ chịu. Ví dụ bạn có thể mua các dải băng gắn quanh máy và tai của trẻ để bảo vệ máy nghe.

Kiểm tra thính lực cho trẻ em

Một đứa trẻ không bao giờ quá nhỏ để kiểm tra thính lực.

Trẻ sơ sinh thường được tầm soát để phát hiện điếc trước khi rời khỏi bệnh viện, nhưng nếu con bạn có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy có vấn đề về nghe hãy cho bé được kiểm tra thính lực kỹ càng. Có nhiều phương pháp để kiểm tra thính lực cho trẻ nhỏ. Sử dụng phương pháp nào phụ thuộc vào chức năng nhận thức và tuổi của trẻ.

Trẻ nhỏ có 2 cách để kiểm tra thính lực: test hành vi và test sinh lý điện. Test đánh giá qua quan sát hành vi (Behavioral Observation Assesement = BOA) được thực hiện bởi một nhà thính học người được đào tạo đặc biệt để phát hiện những đáp ứng cơ thể của trẻ với âm thanh – như là ngừng hoạt động, chuyển động cơ thể, chớp mắt, mở mắt hoặc thay đổi tốc độ bú.

Đo điện thính giác thân não (ABR) là một test sinh lý điện được sử dụng thêm để đánh giá thính giác cũng như nghiệm pháp đo âm ốc tai (OAE). Hai nghiệm pháp này thường được thực hiện trong khi bé ngủ. Khi trẻ em lớn hơn, khả năng đáp ứng với âm thanh phát triển. Trẻ nghe bình thường 6 - 7 tháng tuổi thường quay về hướng âm thanh được phát ra. Vào độ tuổi này trẻ em được kiểm tra sử dụng chụp tai hoặc trong phòng cách âm sử dụng loa. Âm thanh sử dụng là những âm có âm sắc từ trầm đến cao nằm trong dãy tần tiếng nói bình thường. Quay về nguồn phát âm thanh được làm cho kích thích hơn bằng các đồ chơi phát sáng. Phương pháp này được gọi là phương pháp đo thính lực tăng cường nhờ nhìn (Visual Reinforcement Audiometry = VAR) và là phương pháp chính xác điển hình để xác định mức nghe của trẻ.

Nếu trẻ em 2 tuổi rưỡi đến 3 tuổi có thể dùng phương pháp vừa đo vừa chơi (play audiometry) để kiểm tra. Ở phương pháp này trẻ em được mang chụp tai và chơi các loại trò chơi xếp theo màu, theo hình… khi nghe thấy âm thanh thử. Trẻ lớn và người lớn sẽ kiểm tra bằng phương pháp đo thính lực thông thường (standard audiometry). Phương pháp này yêu cầu bệnh nhân giơ tay hay bấm nút báo hiệu khi nghe âm thử.

Dấu hiệu nghe kém ở trẻ em

Nếu bạn không biết con bạn có vấn đề về nghe thì không thể giúp gì cho bé. Có 2 loại điếc cơ bản ở trẻ em: điếc bẩm sinh và điếc mắc phải. Điếc bẩm sinh là điếc ngay khi mới sinh ra; trong khi điếc mắc phải là bị điếc sau khi đã sinh ra. Cả 2 loại điếc này đều có thể có 3 dạng điếc: điếc thần kinh, điếc dẫn truyền, điếc hỗn hợp.

Các dấu hiệu và triệu chứng nghe kém của trẻ này khác trẻ kia. Liệt kê dưới đây là những dấu hiệu thông thường giúp cho bạn biết con mình có nghe kém hay không:

- Trẻ 3 - 4 tháng tuổi vẫn không phản ứng với âm thanh.

- Con của bạn chú ý đến những rung động hơn là tiếng động.

- Con của bạn một tuổi mà vẫn không nói được những từ ngắn như “ba ba”, “ma ma”.

Con của bạn có vẻ như nghe được vài âm thanh, còn những âm thanh khác không nghe.

- Con của bạn không đáp ứng khi bạn nói.

- Con của bạn không lặp lại bất kỳ âm, từ nào bạn nói ra.

- Con của bạn không dùng giọng của mình để thu hút sự chú ý của người khác.

- Con của bạn không đáp ứng với âm nhạc, chuyện kể hoặc thơ ca.

- Con của bạn chưa bao giờ nói ghép 2 từ hoặc nhiều hơn.

Thậm chí con bạn không có dấu hiệu bị khiếm thính khi mới sinh ra, bé cũng có thể bị nghe kém tạm thời hay vĩnh viễn trong thời gian lớn lên. Những dấu hiệu trẻ lớn hơn bị nghe kém bao gồm :

- Trẻ nghe TV, đài ở cường độ lớn hơn bình thường.

- Trẻ không quay lại khi bạn gọi tên hay trả lời khi bạn hỏi điều gì đó.

- Trẻ có vấn đề về nói.

- Trẻ có vấn đề về học.

- Trẻ phàn nàn bị đau tai.

- Trẻ dường như nói chuyện khác với trẻ cùng độ tuổi.

Hãy nhớ nghe kém ở trẻ thường tạm thời do có ráy tai hay bị viêm tai. Nhiều trẻ nghe kém tạm thời có thể điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật nhỏ. Một vài trẻ bị điếc thần kinh giác quan cũng được gọi là điếc thần kinh bị nghe kém vĩnh viễn. Hầu hết các trẻ này có sức nghe còn lại có thể sử dụng với máy nghe và trẻ nhỏ khoảng 3 tháng tuổi có thể gắn máy nghe. Nếu con của bạn có các dấu hiệu nghe kém thì nên đưa con bạn đi kiểm tra thính lực.

BS.CKII. NGUYỄN THỊ BÍCH THỦY

Meo.vn (Theo hearingaid101)

Điếc khi về già

Giảm thính lực dần dần xảy ra khi bạn có tuổi (giảm thính lực tuổi già) là tình trạng hay gặp. Khoảng 1/3 số người Mỹ trên 60 tuổi và 1/2 số người Mỹ trên 75 tuổi bị nghe kém.
Theo thời gian, giảm thính lực do tiếng ồn góp phần gây điếc do làm tổn thương ốc tai, một phần của tai trong. Các bác sỹ tin rằng di truyền và tiếp xúc lâu ngày với tiếng ồn là những yếu tố chính góp phần gây điếc. Các yếu tố khác như nút ráy tai, có thể khiến tai bạn dẫn truyền âm thanh không được tốt.
Bạn không thể đẩy lùi những tổn thương ở tai trong. Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải sống trong một thế giới câm lặng. Bạn và bác sỹ có thể thực hiện một số bước để cải thiện khả năng nghe.
Dấu hiệu và triệu chứng
Các dấu hiệu và triệu chứng của giảm thính lực có thể gồm:
* Tính chất của tiếng nói và những âm thanh khác bị bóp nghẹt.
* Khó hiểu từ ngữ, nhất là ở chỗ ồn ào hoặc đông người.
* Đòi người khác phải nói chậm, rõ và to hơn
* Cần vặn to âm thanh của ti vi hoặc đài
* Không muốn giao tiếp
* Lánh mặt khỏi một số dịp lễ tết
Nguyên nhân
Ta nghe được âm thanh là nhờ sóng âm va đập vào các cấu trúc trong tai, và tai biến đổi rung động của sóng âm thành những tín hiệu thần kinh được não nhận diện là âm thanh.
Tai gồm 3 vùng chính: tai ngoài, tai giữa và tai trong. Sóng âm truyền qua tai ngoài và làm rung màng nhĩ. Màng nhĩ và 3 xương nhỏ ở tai giữa – xướng búa, xương đe và xương bàn đạp – khuyếch đại rung động khi chúng truyền vào tai trong. Ở đó, rung động truyền qua dịch ở ốc tai, một cấu trúc giống hình con ốc ở tai trong. Nối với các tế bào thần kinh ở ốc tai là hàng ngàn sợi lông rất nhỏ giúp chuyển rung động âm thanh thành các tín hiệu điện truyền tới não. Ðó là cách bạn phân biệt âm thanh này với âm thanh khác.
Ðối với một số người, điếc có thể là do ráy tai tích tụ dần làm tắc ống tai và ngăn cản sự dẫn truyền sóng âm. Nút ráy tai là một trong nhiều nguyên nhân hay gặp gây điếc ở mọi lứa tuổi.
Nguyên nhân gây điếc hay gặp nhất là do tổn thương ốc tai. Những sợi lông chuyển trong ốc tai có thể bị đứt hoặc bị cong, và các tế bào thần kinh có thể bị thoái hóa. Khi các tế bào thần kinh hoặc lông chuyển bị tổn thương hoặc mất đi, các tín hiệu điện không được truyền một cách hiệu quả, và điếc xảy ra. Những âm thanh ở cường độ cao hơn có thể bị bóp nghẹt khi tới tai bạn. Bạn có thể khó nghe được lời nói ở nơi ồn ào.
Viêm tai và khối u ở tai ngoài và tai giữa, hoặc rách màng nhĩ cũng có thể gây điếc.
Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố có thể làm tổn thương hoặc dẫn tới mất các sợi lông chuyển và các tế bào thần kinh ở tai trong gồm:
* Tuổi. Sự hao mòn bình thường do âm thanh qua năm tháng có thể làm tổn thương các tế bào của tai trong.
* Tiếng ồn lớn. Tiếng ồn nghề nghiệp, như nghề xây dựng hoặc nhà máy, và tiếng ồn giải trí, như nghe nhạc to, động cơ của xe trượt tuyến hoặc xe máy, hoặc tiếng nổ hỏa khí, có thể góp phần gây tổn thương tai trong.
* Di truyền. Cấu tạo gen có thể làm cho bạn dễ bị tổn thương tai.
* Một số thuốc. Những thuốc như kháng sinh gentamicin có thể gây tổn thương tai trong. Ảnh hư
hưởng tạm thời tới thính lực – như ù tai hoặc điếc – có thể xảy ra nếu bạn dùng aspirin liều rất cao.
* Một số bệnh. Những bệnh có sốt cao, như viêm màng não, có thể làm tổn thương ốc tai.
Khi nào cần đi khám
Hãy nói với bác sỹ nếu bạn gặp khó khăn khi nghe. Nếu bạn phải vất vả mới hiểu những điều được nói trong cuộc trò chuyện, nhất là ở chỗ ồn ào, nếu âm thanh có vẻ bị bóp nghẹt, hoặc nếu bạn thấy phải chỉnh âm lượng to hơn khi nghe nhạc, đài hoặc ti vi, thì thính lực của bạn có lẽ đã bị giảm.
Sàng lọc và chẩn đoán
Ðể xác định khả năng nghe và mức độ giảm thính lực, bác sỹ có thể kiểm tra thính lực.
Đầu tiên, bác sỹ thực hiện một test sàng lọc chung để có được khái niệm chung về khả năng nghe của bạn. Bác sỹ có thể yêu cầu bạn lần lượt bịt từng tai để xem khả năng bạn nghe những từ được nói ở những cường độ khác nhau và đáp ứng của bạn với những âm thanh khác.
Trong một test kỹ càng hơn gọi là đo thính lực, bạn đeo tai nghe và nghe những âm thanh trự tiếp vào từng tai. Bác sĩ sẽ đưa ra một loại những âm thanh với âm sắc khác nhau và yêu cầu bạn báo hiệu mỗi khi nghe thấy âm thanh. Mỗi âm thanh được lặp lại ở mức độ yếu để xem khi nào thì bạn còn nghe thấy. Bác sĩ cũng sẽ đưa ra những từ khác nhau để xác định khả năng nghe của bạn.
Ðiều trị
Nếu bạn bị điếc do tổn thương tai trong, máy trợ thính có thể có ích. Nếu bạn không thể nghe tốt như bình thường do nút ráy tai, bác sỹ có thể lấy ráy tai và cải thiện sức nghe của bạn. Nếu bạn bị điếc nặng, cấy ốc tai có thể là một lựa chọn.
Lấy nút ráy tai
Bác sỹ lấy ráy tai bằng cách:
* Làm mềm ráy tai. Bác sỹ sẽ dùng ống nhỏ vài giọt dầu nhờn hoặc glycerin vào tai của bạn để làm mềm ráy tai, sau đó bơm một ít nước ấm vào tai bạn. Khi bạn nghiêng tai, nước sẽ chảy ra ngoài. Bác sỹ có thể làm lại vài lần để cuối cùng ráy tai trôi ra ngoài.
* Cạo ráy tai. Bác sỹ của bạn có thể làm mềm ráy tai, và sau đó lấy ra bằng một dụng cụ gọi là thìa nạo.
* Hút ráy tai. Bác sỹ dùng một dụng cụ hút để láy ráy tai đã mềm.
Máy trợ thính
Bác sĩ có thể thảo luận với bạn về những lợi ích của việc dùng máy trợ thính, giới thiệu một thiết bị và lắp nó cho bạn.
Máy trợ thính không thể giúp cho tất cả những người bị điếc, nhưng chúng có thể cải thiện sức nghe cho nhiều người. Khoảng 1/5 số người bị điếc dùng máy trợ thính. Cấu hình của máy trợ thính gồm:
* Một tai nghe để tập hợp những âm thanh quanh bạn
* Một bộ khuyếch để làm âm thanh to hơn
* Một ống nghe để truyền âm thanh tới tai
* Pin để cung cấp điện cho thiết bị
Âm thanh lớn hơn giúp kích thích tế bào thần kinh trong ốc tai để bạn có thể nghe tốt hơn. Cần có thời gian để quen với máy trợ thính. Âm thanh bạn nghe thấy là khác vì đã được phóng đại. Bạn có thể cần thử nhiều thiết bị để tìm ra loại phù hợp với bạn.
Máy trợ thính có nhiều kích cỡ, hình dạng và kiểu dáng khác nhau. Một số máy trợ thính đặt sau tai với một ống nhỏ đưa âm thanh khuyếch đại vào ống tai. Một số loại khác đeo ở ngoài tai hoặc trong ống tai.
Cấy ốc tai
Nếu bạn bị điếc nặng, thường do tổn thương tai trong, một thiết bị điện tử gọi là ốc tai cấy ghép có thể là một lựa chọn. Không giống máy trợ thính khuyếch đại âm thanh và hướng nó vào ống tai, ốc tai cấy ghép bù đắp cho những bộ phận bị tổn thương hoặc không làm việc ở tai trong. Nếu bạn đang xem xét việc cấy ốc tai, bác sĩ sẽ thảo luận với bạn về những nguy cơ và lợi ích.
Phòng ngừa
Những bước sau có thể giúp bạn phòng ngừa điếc do tiếng ồn:
* Bảo vệ tai ở nơi làm việc. Loại nút tai được thiết kế đặc biệt giống như tai nghe có thể bảo vệ tai của bạn bằng cách giảm những âm thanh lớn xuống mức độ có thể chấp nhận được. Loại nút tai làm sẵn hoặc theo đơn đặt hàng làm bằng chất dẻo hoặc cao su cũng có thể bảo vệ hiệu quả tai bạn khỏi tiếng ồn.
* Đo thính lực. Đo thính lực thường xuyên nếu bạn làm việc trong môi trường ồn ào. Kiểm tra tai thường xuyên có thể phát hiện sớm điếc. Biết mình nghe kém nghĩa là bạn có thể thực hiện các bước để ngăn ngừa nghe kém thêm.
* Tránh các nguy cơ khi giải trí. Các hoạt động như bắn súng và nghe nhạc to có thể làm tổn thương tai. Mang nút tai khi tham gia hoạt động giải trí ồn ào có thể bảo vệ tai của bạn. Vặn nhỏ âm lượng khi nghe nhạc có thể giúp bạn tránh được tổn thương thính lực.
Các kỹ năng đối phó
Hãy thử các gợi ý sau để giao tiếp dễ dàng hơn cho dù bạn nghe kém:
* Ðối diện với người mà bạn đang trò chuyện
* Tắt các tiếng ồn có thể gây trở ngại cho cuộc trò chuyện, như ti vi
* Yêu cầu những người khác nói rõ ràng. Hầu hết mọi người sẽ giúp nếu họ biết bạn khó nghe thấy họ nói.
* Ở nơi công cộng, như nhà hàng hoặc nơi tụ tập đông người, hãy chọn chỗ nói chuyện xa nơi ồn ào.
* Cân nhắc dùng máy trợ thính. Những thiết bị nghe khác, như hệ thống nghe TV hoặc thiết bị khuyếch đại điện thoại, có thể giúp bạn nghe tốt hơn trong khi giảm các tiếng ồn khác xung quanh.

Chảy mủ tai

Tôi 28 tuổi, tôi bị tình trạng chảy mủ ở lỗ tai từ khi còn nhỏ. Mỗi khi bị chảy mủ thì tôi lại dùng thuốc nhỏ polydexa. Bệnh thường khiến tôi bị đau đầu, khó chịu, lỗ tai thì lúc nào cũng cứ nghe u u, nhiều lúc đang nghe âm thanh to, bỗng nghe nhỏ lại. Tôi xin hỏi, bệnh này có làm giảm trí nhớ và ảnh hưởng đến não không? (thuyquynh@...)

Trả lời:

Cấu tạo tai của mỗi người có 3 bộ phận chính gồm: tai ngoài (vành tai, ống tai) có nhiệm vụ đón và dẫn truyền âm thanh vào tai giữa. Tai giữa có màng nhĩ, chuỗi xương con, hòm nhĩ thông xuống vòm mũi họng bằng 1 ống gọi là vòi nhĩ. Tai giữa là nơi tiếp nhận, xử lý âm thanh truyền vào tai trong.

Trong tình huống bạn nêu trong thư là viêm tai giữa thủng màng nhĩ, việc nhỏ polydexa liên tục, lâu ngày sẽ không tốt, vì kháng sinh có trong thành phần của polydexa có thể làm nhiễm độc ốc tai gây giảm thính lực, ù tai. Như vậy bạn bị ù tai có thể là do nhỏ polydexa lâu ngày, cũng có thể do tắc, bán tắc vòi nhĩ. Nhức đầu có trong viêm tai giữa và cả trong viêm xoang, do vậy bạn nên đến gặp bác sĩ tai - mũi - họng để được khám và tư vấn cho đúng với bệnh của mình.

Bác sĩ Phạm Thanh Sơn

(BV Phương Đông, TP.HCM)

Ngộ độc tai

Đột nhiên bạn bị ù tai, nghe kém, chóng mặt rồi dần dần nặng tai… Bác sĩ chẩn đoán bạn bị ngộ độc tai. Vậy ngộ độc tai là gì và vì sao bị bệnh?

Nguyên nhân
Tác nhân gây ngộ độc tai là một số thuốc điều trị bệnh hoặc hoá chất gây suy kém chức năng và tổn thương tế bào tai trong, đặc biệt sau ốc tai và các tế bào thần kinh thính giác. Kháng sinh nhóm Aminoglycoside và thuốc lợi tiểu là hai trong số thuốc thường gây ngộ độc tai nhiều nhất.

Ngộ độc tai do kháng sinh

10% trường hợp bị ngộ độc tai do dùng nhóm kháng sinh Aminoglycoside. Nguy cơ bị ngộ độc tai do Aminoglycoside tăng nếu bệnh nhân có trước một trong những yếu tố sau: suy yếu chức năng thận, tiếp xúc trực tiếp với tiếng ồn, tuổi già, trước đã điều trị Aminoglycoside, điếc nhẹ trước đó, hoặc đồng thời sử dụng thuốc khác cũng gây ngộ độc tai.

Các kháng sinh khác cũng tuỳ người bệnh sử dụng loại nào như Erythromycin, Vancomycin, Viomycin, Ampicillin… mà bị nghe kém, ù tai tiếng thổi, thỉnh thoảng chóng mặt, nếu dùng quá liều lâu ngày có thể gây điếc thần kinh giác quan không phục hồi, gây hư hại cả ốc tai và tiền đình.

Ngộ độc tai do các loại thuốc khác

Ngộ độc tai do các loại thuốc khác như thuốc lợi tiểu, thuốc chống viêm, thuốc chống sốt rét Quinine, thuốc điều trị ung thư (buồng trứng, tinh hoàn, phổi), thuốc dùng tại chỗ (cá loại thuốc dạng nước hoặc bột nhỏ, thoa trực tiếp vào tai).

Ngộ độc tai do các chất hỗn hợp

Kim loại nặng: Ô nhiễm asen là nguyên nhân gây điếc ở trẻ em. Thuỷ ngân gây điếc ở người lớn và súc vật. Trimethyltin gây những thay đổi về cấu trúc cũng như chức năng của hệ thính giác. Ngoài ra còn một số kim loại như chì, manganese gây giảm nghe và giảm chức năng tiền đình ở người có triệu chứng ngộ độc mangan.

Chất hoà tan hữu cơ:

Tiếp xúc với Trichloroethylene gây suy giảm thần kinh thính giác và tiền đình. Toluene cộng thêm tiếng ồn hoặc các chất hoà tan khác khác làm tăng sự hư hại của ốc tai. Ngoài ra còn một số chất hoà tan hữu cơ khác cũng gây ngộ độc tai như Ttyrene, Xylene, Hexane…
Điếc do ngộ độc tai là điếc thần kinh giác quan. Tuỳ theo liều dùng và một số yếu tố khác mà bệnh nhân có thể bị điếc một hoặc hai tai. Bệnh có thể khỏi, giảm, dừng lại hoặc nặng hơn sau khi đã ngừng tiếp xúc với các tác nhân.

Cánh phòng tránh

Không nên tự dùng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ. Trong và sau thời gian dùng thuốc nếu thấy biểu hiện ù tai, nghe kém nên đến ngay bác sĩ kiểm tra.

Theo TT

Rối loạn tiền đình: hệ quả của cuộc sống hiện đại

Rối loạn tiền đình làm không ít người nhầm tưởng mình mắc bệnh nặng. Ths- Bs Lê Hoàng Sơn, Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y- dược TP. HCM, cho rằng đó chính là hệ quả của lối sống hiện đại, mà nguyên nhân xuất hiện và kết thúc triệu chứng phụ thuộc vào chính người bệnh.

Thế nào là rối loạn tiền đình

Cấu trúc của ốc tai trong có bộ phận giúp con người giữ thăng bằng và nhận diện được vị trí của mình trong không gian. Dây thần kinh chịu trách nhiệm này được gọi là dây tiền đình. Vậy rối loạn tiền đình nghĩa là rối loạn dây tiền đình. Trước đây, người ta vẫn thường gọi đó là suy nhược cơ thể. Tuy nhiên, đến nay, khi tỉ lệ người mắc triệu chứng này ngày càng cao, hay nói đúng hơn là tỉ lệ người có triệu chứng này nhưng không tìm ra bệnh ngày càng tăng thì giới chuyên khoa vẫn thường gán cho người đó cụm từ “rối loạn thần kinh chức năng”.

Đây là tình trạng thường thấy ở nữ nhiều hơn nam, ở người trẻ nhiều hơn người già ( ở người già chủ yếu là do bệnh lý gây nên), ở người làm việc trí óc nhiều hơn người lao động chân tay, người làm việc ngồi một chỗ kéo dài ... Hiện nay, chưa phát hiện trường hợp nào ở trẻ em. Vì vậy, nếu thấy trẻ em có những dấu hiệu dưới đây thì cần nghĩ ngay là trẻ có vấn đề về não.

Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết

Do hoạt động trí óc không đúng, như: căng thẳng thần kinh quá sức chịu đựng hoặc kéo dài quá mức.

Dấu hiệu nhận biết người bị rối loạn tiền đình là hay ra mồ hôi tay, chóng mặt (xuất hiện nhiều ở người có hệ thần kinh yếu, không thăng bằng hay người sống nội tâm, lệ thuộc quá nhiều vào người khác một vấn đề nào đó), nhức đầu, hay quên, rối loạn giấc ngủ.

Thông thường, người bị rối loạn tiền đình hay bị chóng mặt nên rất dễ bị té.

Rối loạn tiền đình không gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người mắc phải. Tuy nhiên, triệu chứng có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý khiến họ không muốn sinh con.

Phòng ngừa và điều trị

Do đây không phải là bệnh mà chỉ là triệu chứng nên người mắc phải chính là người quyết định quá trình điều trị và phòng ngừa cho bản thân, thể hiện qua lối sống hàng ngày.

Giới chuyên khoa vẫn thường đưa ra những lời khuyên trong quá trình điều trị như:

Làm việc bằng mắt phải tuân theo luật 50/10, nghĩa là làm 50 phút phải nghỉ ngơi 10 phút. Đây cũng là lý do vì sao trong giáo dục người ta chia thời gian học bằng một tiết 45 phút.

Tập những môn thể dục thể thao có chấn động dưới gót chân.

Nên thực hiện chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống nhiều nước.

Trong cuộc sống đừng quá cầu toàn mà nên cố gắng lạc quan trong mọi hoàn cảnh.

Chú ý, nếu ở người lớn tuổi xuất hiện triệu chứng chóng mặt, xây xẩm thì nên đưa đến cơ sở y tế vì đó có thể là dấu hiệu của những bệnh mãn tính thường gặp ở người già như tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường…

Nguyên Hạnh

(PNO)

Ngôn ngữ nói với trẻ khiếm thính

Ngôn ngữ giao tiếp chính trong xã hội loài người là ngôn ngữ nói. Trẻ em sinh ra có sức nghe bình thuwofng và không bị các bệnh ảnh hưởng đến quá trình phát triển tiếng nói, như chậm phát triển tâm thần, tự kỷ, ngắn dây thắng lưỡi… thì tiếng nói sau thời gian 1-2 năm nghe bố mẹ, ông bà, anh chị và những người xung quanh nói chuyện, tự nhiên hình thành. Khi trẻ sử dụng được ngôn ngữ nói, trẻ có thể giao tiếp với cộng đồng tốt hơn, nhiều người hiểu trẻ hơn. Tuy nhiên, trẻ khiếm thính không có may mắn này.

Dạy ngôn ngữ nói cho bé khiếm thính.

Học nói ở trẻ khiếm thính

Để trẻ khiếm thính học được ngôn ngữ nói, trẻ cần phải sử dụng phần thính lực còn lại cộng với sự trợ giúp của máy trợ thính (máy nghe, ốc tai điện tử) để nghe và hiểu các từ người khác nói ra. Ngoài ra, nên dạy trẻ thêm về đọc hình miệng để giúp thêm cho trẻ đoán từ và ý của người nói chuyện đối diện.

Muốn trẻ khiếm thính học được ngôn ngữ nói thì sự quan tâm và hợp tác của gia đình rất quan trọng. Ba mẹ và các thành viên trong gia đình phải nói càng nhiều càng tốt, và phải thật kiên nhẫn. Nói thường xuyên không chỉ trong giờ nói chuyện, có thể trẻ không hiểu nhưng giúp trẻ sẽ nhận thức thêm về ngôn ngữ.

Trẻ khiếm thính khi học nói sẽ chậm hơn trẻ có sức nghe bình thường, tùy theo mức độ khiếm thính mà việc chậm này nhiều hay ít. Việc học ngôn ngữ nói có thể thành công nếu trẻ còn nghe vài âm, thanh, trẻ điếc sau ngôn ngữ tức là trẻ đã học nghe và hiểu được từ trước khi mất sức nghe và những trẻ dễ dàng đọc hình miệng. Việc học ngôn ngữ chắc chắn thành công nếu trẻ có sử dụng máy trợ thính phù hợp hầu như toàn bộ thời gian, có tham dự chương trình can thiệp sớm và được trợ giúp của các phòng khám chuyên sâu.

Để tạo hứng thú cho trẻ khi học nói, tốt nhất mỗi lần chỉ nên dạy trẻ vài từ. Chọn những từ dễ đọc, dễ nghe, dễ biết, dễ nhìn thấy như: chân, tay, quần, áo, đồ chơi của trẻ, đặc biệt là những đồ chơi hay những trò chơi trẻ thích. Khi nói chuyện với trẻ khiếm thính, nên ngồi gần trẻ và giảm bớt các tiếng ồn xung quanh. Tùy theo khả năng của trẻ, khoảng 2 tuần có thể chọn thêm từ khác, các từ mình muốn bé học phát âm lặp đi lặp lại trong hội thoại càng nhiều lần càng tốt và phát âm càng rõ ràng càng tốt.

Từ từ với thời gian, khi con bạn đã biết gọi tên mọi người và các vật cụ thể, bạn cần cho trẻ học thêm nhiều loại từ khác như từ chỉ hành động (lái xe, đi), từ miêu tả (em bé đang đói), từ chỉ cảm xúc (vui, giận). Những loại từ này giúp bé tìm hiểu thế giới xung quanh và chuẩn bị cho trẻ học nói thành câu.

Mỗi khi trẻ muốn gì hãy khích lệ trẻ dùng từ để nói. Đặt câu hỏi là cách khích lệ tốt nhất để trẻ nói. Lúc đầu chỉ nên đặt các loại câu hỏi đơn giản có - không, từ từ đến các câu hỏi chọn lựa, câu hỏi tình huống...

Ngoài những trò chơi khuyến khích trẻ nói lên cảm xúc, thì khuyến khích trẻ hát cũng là một phương pháp rất tốt giúp trẻ tạo giọng cao thấp và thay đổi giọng điệu của lời nói.

Một số khó khăn trẻ khiếm thính có thể gặp phải

Trẻ khiếm thính nhẹ và vừa học ngôn ngữ nói và giao tiếp bằng nói chuyện dễ dàng hơn trẻ khiếm thính nặng và sâu. Cùng mức độ khiếm thính, trẻ khiếm thính sau khi có ngôn ngữ cũng học ngôn ngữ nói và nói chuyện dễ dàng hơn trẻ điếc trước ngôn ngữ.

Trẻ khiếm thính có thể gặp khó khăn khi đọc hình miệng vì rất nhiều âm có hình miệng giống nhau, hoặc không thể thấy trên hình miệng. Trẻ khiếm thính cũng giống trẻ em khác không thể ngồi học lâu, vì vậy, đối với việc học ngôn ngữ nói cũng vậy, trẻ cũng không thể ngồi học lâu được.

Tuổi tốt nhất để học ngôn ngữ là từ khi sinh ra đến 7 tuổi. Từ 2 - 4 tuổi là thời gian trẻ học ngôn ngữ nhiều nhất. Vì vậy, việc phát hiện khiếm thính sớm, trợ thính sớm và giúp bé học ngôn ngữ sớm là rất quan trọng. Trẻ 7 – 8 tuổi vẫn chưa có ngôn ngữ thì việc học sau này rất khó khăn, không có ngôn ngữ trẻ sẽ rất khó khăn để phát triển những kỹ năng tư duy.

BS.CKII. NGUYỄN THỊ BÍCH THỦY

Mốt đeo tai phone của giới trẻ thành thị và hậu quả đi kèm

'Học ngoại ngữ, nghe nhạc, đàm thoại bằng tai phone đang là mốt được giới trẻ thịnh hành. Nghe bằng tai nghe liên tục trong nhiều giờ với cường độ âm thanh lớn là nguyên nhân gây điếc ở giới trẻ thành thị', BS Lê Thị Lan, viện Tai-Mũi-Họng TƯ nhận định.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Bác sĩ Lan cho biết: 'Nếu như trước đây bệnh điếc chỉ biết đến ở người già thì nay bệnh đang có nguy cơ trẻ hóa ở độ tuổi 18, 20. Trong dịp hè này, trung bình mỗi ngày khoa Thính học & Phục hồi chức năng tiếp nhận 2-3 bệnh nhân ở độ tuổi này tổn thương âm thanh cấp tính (điếc do tiếng ồn, không có khả năng hồi phục)'.

Nghe bác sĩ thông báo mình bị tổn thương âm thanh cấp tính, cô sinh viên năm thứ 2 trường ĐH Hà Nội - N.K.L hoảng hốt giật mình. Có nằm mơ L cũng không ngờ, chính thói quen nghe nhạc bằng tai phone mà cô yêu thích lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh.

Khi được hỏi, L. buồn bã tâm sự: 'Lúc đầu, em chỉ nghe headphone khi luyện tiếng Anh, thời gian nghe cũng không quá 3 tiếng mỗi ngày. Về sau, em nghe nhạc và các chương trình khác nữa, dần dần thành quen nên nghe nhiều. Những lúc khó ngủ em nghe nhạc cho thư giãn rồi ngủ quên không tháo tai nghe. Gần đây tai em hay bị ù, cứ như có tiếng ve, tiếng dế kêu… Em thực sự không ngờ mình lại điếc vì nguyên nhân này'.

Ngồi cạnh L là T.P.T (trường THPT Ngô Quyền, TP Hải Phòng), T. có sở thích nghe nhạc khi đi xe máy và chỉ đến bác sĩ khi tai có tiếng ù lớn, kèm theo chóng mặt: 'Em hay nghe nhạc khi đi xe máy, những lúc ấy em thường nghe to vì chạy ngoài đường nhiều tiếng ồn lắm, không bật to không nghe rõ. Em cũng thường nghe nhạc giải trí trước khi ngủ, có hôm cũng bị quên không tháo tai nghe'.

Chiều 21/7, trao đổi với Dân Trí BS Lê Thị Lan, Trưởng khoa Thính học & Phục hồi chức năng viện Tai Mũi Họng TƯ cho biết: 'Nghe bằng tai nghe nhiều giờ, trong thời gian dài với cường độ âm thanh lớn khiến tế bào thần kinh trong ốc tai làm việc quá sức, gây mệt mỏi dẫn đến giảm thính lực, khả năng tiếp nhận thông tin kém'.

Cũng theo phân tích của bác sĩ Lan, sức nghe của tai sẽ giảm nếu phải tiếp xúc với âm thanh có cường độ 90db trở lên, trên 3 tiếng mỗi ngày, trong thời gian 1-2 năm. Đa phần các máy nghe nhạc bán trên thị trường đều có công suất cực đại đến 120db. Đáng lưu ý là bệnh nhân không cảm thấy giảm thính lực ngay lúc đó, vì quá trình này diễn tiến âm thầm phải vài năm sau mới thấy biểu hiện.

Qua đây, bác sĩ cảnh báo: 'Các bạn trẻ có thói quen nghe nhạc, học ngoại ngữ bằng tai phone nên nghe với cường độ âm thanh nhỏ hoặc vừa phải. Thời gian nghe chỉ 2 đến 3 tiếng/ngày, đặc biệt lưu ý không nghe nhạc bằng tai nghe khi ngủ (vì khi ngủ não bộ cần được nghỉ ngơi). Khi thấy có biểu hiện ù tai, chóng mặt, nhức đầu, hoa mắt… nên đi thăm khám ngay vì đó có thể là những biểu hiện chấn thương âm thanh cấp tính, đe doạ chức năng thính giác'.

Thu Hà

(dantri)