Lưu trữ cho từ khóa: nuôi dạy trẻ

Những điều cha nên dạy con gái

Từ nhỏ cha nên dạy con gái những hiểu biết về cuộc sống về tình yêu và tình dục.

1. Cha dạy con đôi môi là vũ khí bí mật của con:

Học cách nói chuyện với đàn ông thật thoải mái, dễ dàng chính là một trong những kỹ năng quan trọng nhất cho con. Đàn ông luôn thích những phụ nữ biết chuyện trò thú vị. Cũng như chơi piano thôi, nếu con luyện tập, chắc chắn con sẽ làm tốt.

2. Sức hấp dẫn thực sự nằm ở đâu

Sức hút là thứ có thể “làm giả” hoặc cho chín ép được con ạ, song chắc chắn không bền. Sức hấp dẫn thể xác rồi sẽ phai mờ nếu bản thân con không có sức hút được xây dựng trên nền tảng tính cách, nội tâm.

nhung-dieu-cha-nen-day-con-gai

3. Hãy “đá” đàn ông một cách có tình

Đàn ông cần biết sự thật rằng mối quan hệ tình cảm này sẽ không đi đến đâu cả. Hãy cho anh ta biết điều đó để anh ta còn tiếp tục mà sống. Anh ta cần biết mình đang đứng ở đâu mà nên đi theo hướng nào. Con có thể đưa ra tin xấu xen kẽ giữa vài nhận xét tích cực về người đàn ông mình từ bỏ. Hãy thật dịu dàng, nhưng thẳng thắn.

4. Cha dạy con không thể bảo vệ trái tim mình đâu

Với sự từng trải của một người cha, ta có thể nói với con rằng, trái tim con cũng gặp nhiều hiểm nguy như hệ sinh sản của con vậy. Tiếc rằng không có cái gọi là “bao cao su” cho trái tim, nên tình dục an toàn cũng chỉ là huyền thoại. Trái tim phụ nữ bao giờ cũng đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn so với trái tim của đàn ông, con hãy nhớ lấy nhé.

5. Tình dục như dây băng cát-xét

Tình dục là để giúp vợ chồng gắn bó bên nhau suốt đời. Bất cứ lúc nào bị sử dụng bên ngoài cuộc hôn nhân, nó sẽ trở nên lỏng lẻo và không còn giữ được tính khăng khít.

6. Cha dạy con đàn ông nói yêu để được sex, phụ nữ cho sex để có được tình yêu

Nhưng con gái ơi, tình dục không thể mang lại cho con tình yêu đích thực. Đàn ông thì dễ lên giường lắm, anh ta chẳng cần phải yêu hay cảm thấy gắn bó. Phụ nữ lại khác. Họ sẽ dằn vặt tiết hạnh và sự nữ tính của mình đến mức khốn khổ vì đã trót lên giường với đàn ông mà không có bất cứ cam kết gắn bó nào.

Sau quan hệ thể xác, cái tôi của anh ta sẽ được đà lên cao còn cái tôi của con thì cúi đầu lặng lẽ. Có vẻ không công bằng, nhưng sự việc sẽ diễn ra đúng như vậy.

nhung-dieu-cha-nen-day-con-gai

7. Tình dục gây mù quáng

Tình dục giúp cho vợ chồng bỏ qua được những sai lầm của nhau. Thật không may, với người độc thân, tình dục cũng có tác dụng tương tự, thường xuyên khiến người ta mờ mắt bỏ qua những nhược điểm rõ rệt của đối phương, kéo theo lựa chọn sai lầm.

Anh ta có thật sự yêu con không hay chỉ yêu chuyện làm tình? Đó là câu hỏi trị giá hàng triệu đô. Hãy mở to mắt để nhìn nhận mọi việc trước hôn nhân, dù sau hôn nhân con chỉ nên nhìn mọi việc bằng một nửa con mắt.

8. Đừng trông mặt mà bắt hình dong

Bước vào các mối quan hệ, người giàu không thông minh hơn con. Thực tế, họ còn dễ rơi vào bi kịch hơn người khác. Cho nên họ không nhất thiết phải là kiểu mẫu đáng tin để con hướng tới. Và con hãy tin rằng, họ chẳng bao giờ nói thật về đời tư trong những cuộc phỏng vấn với báo chí đâu. Người nổi tiếng cười trong ảnh hôm nay, và ly hôn vào ngày mai. Bởi thế, đừng bỏ qua công đoạn chuyện trò trước khi đánh giá bất kỳ ai con nhé!

Theo Kienthucgiadinh.com.vn

Những lưu ý khi trẻ bị béo phì

Nếu con bạn đang ở tình trạng thừa cân hoặc béo phì, hãy ghi nhớ những điều dưới đây.

Trang web http://kidshealth.org/ (trang web chuyên về sức khỏe của trẻ em) đã tổ chức một cuộc thăm dò ý kiến của hơn 1.000 trẻ em trong độ tuổi từ 9 đến 13 về điều gì làm chúng lo lắng nhất khi đến trường và hơn một nửa trong số trẻ nói rằng chúng lo lắng về vấn đề cân nặng – kể cả khi chúng không có vấn đề gì về trọng lượng.

Dấu hiệu cho thấy trẻ đang lo lắng về trọng lượng của chúng có thể bao gồm:

- Thường tỏ ra lo lắng
- Không tham gia vào các hoạt động vui chơi với những đứa trẻ khác
- Thường sử dụng ngôn ngữ tiêu cực để mô tả cơ thể của họ
- Không muốn tập môn thể thao mà người khác có thể xem chi tiết cơ thể của họ, chẳng hạn như bơi.
- Thậm chí có thể bị trầm cảm
- Thường nói câu cửa miệng: “không có ai thích tôi”

nhung-luu-y-khi-tre-bi-beo-phi

Trẻ thừa cân, béo phì thường mặc cảm, tự tin và chán nản

Nếu trẻ nhà bạn đang có những biểu hiện như trên, bạn nên ghi nhớ những lưu ý dưới đây:

Không trêu trọc trẻ

Đừng để một đứa trẻ bận tâm về trọng lượng hoặc hình dáng của chúng bằng cách không kêu ca hoặc trêu trọc trẻ. Hãy cố gắng để trẻ hiểu rằng, chúng nên tập thể dục thường xuyên và ăn những món ăn lành mạnh vì điều đó tốt cho sức khỏe của chúng sau này chứ không phải chỉ để giảm béo. Hãy để trẻ hiểu một cơ thể khỏe mạnh có thể làm cho cuộc sống của chúng tốt hơn.

Luôn nhắc trẻ xem TV ít đi và chơi thể thao nhiều hơn, hạn chế tối đa các loại đồ uống có đường và thức ăn nhiều mỡ trong khẩu phần ăn của trẻ và cho trẻ ăn nhiều rau, củ, quả hơn.

Nhờ bác sỹ dinh dưỡng tư vấn

Với trẻ nhỏ, điều quan trọng là khiến trẻ cảm thấy vui vẻ, thoải mái trong quá trình rèn luyện để giảm cân và bạn không cần quá lo lắng nếu thấy trẻ nặng hơn bạn bè đồng lứa một chút. Tuy nhiên, nếu con của bạn bắt đầu có dấu hiệu béo phì và nó đã bước qua mốc 10 tuổi, thì bạn cần nói chuyện với các bác sĩ dinh dưỡng để tìm ra cách giảm cân triệt để. Đừng nghĩ rằng chỉ cần bắt con ăn ít đi và tập luyện thật nhiều là có thể giảm cân, điều đó chỉ làm trẻ cảm thấy áp lực, căng thẳng hơn. Hãy nhờ bác sỹ dinh dưỡng tư vấn để có được cách giúp trẻ tốt nhất.

Hãy là tấm gương sáng để các con noi theo

Trẻ nhỏ giống như một miếng bọt biển, chúng “hấp thụ” tất cả mọi thứ xung quanh, vì thế, nếu bạn cũng gặp vấn đề với cân nặng bạn cần hết sức lưu ý. Khi cha mẹ có một hình ảnh cơ thể không mấy hoàn hảo, trẻ em sẽ nhận ra và bạn không thể là tấm gương để chúng noi theo.

Bạn cũng nên ăn uống có giới hạn và tập thể dục nhiều hơn. Chúng không thể bắt chước giống hệt bạn nhưng sẽ có ý thức để thiết lập những hoạt động tương tự như bạn. Ví dụ, bạn có thể chọn môn erobic hoặc chạy trên máy tập chạy để có thân hình khỏe mạnh và lũ trẻ có thể chọn môn đạp xe đạp hoặc trượt patin trong công viên.

Giúp trẻ tự tin, yêu đời

Hãy chắc chắn rằng những đứa trẻ của bạn – dù chúng bao nhiêu tuổi, hiểu được rằng mỗi người có một thể trạng riêng, có người cao, người thấp, người béo, người gầy nhưng quan trọng nhất là sức khỏe, tài năng cũng như sự tự tin, tinh thần lạc quan của họ. Bạn cần luôn nhắc nhở các con rằng, điều tuyệt vời nhất của một người, ngoài “cơ thể” còn là sự thân thiện, mạnh mẽ, thông minh, và chúng có đầy đủ những điều đó.

(Theo Webphunu)

Chuẩn bị tâm lý khi trẻ sắp có em

Đối với một số trẻ em thì việc có một em bé mới đồng nghĩa với việc bản thân bị đe dọa nhiều hơn là thấy thú vị. Sự xuất hiện của em bé mới làm bé cảm thấy mình mất đi vị trí trong gia đình.

Bạn có thể băn khoăn liệu bé lớn sẽ phản ứng thế nào khi có em trai hoặc em gái? Dưới đây là một vài lời khuyên của chuyên gia để chuẩn bị tâm lý cho con khi có em bé.

1. Thời gian báo tin

Không có một câu trả lời phù hợp cho câu hỏi này mà nó phụ thuộc nhiều vào độ tuổi và sự trưởng thành của bé lớn nhà bạn. Trẻ em có một ý tưởng rất trừu tượng về thời gian và nếu bạn nói với bé sớm quá, bé sẽ không thể nhận thấy được. Ngoài ra trẻ nhỏ rất khó giữ được bí mật, bạn sẽ khó có thể giữ kín được thông tin trước khi bạn sẵn sàng chia sẻ với mọi người. Trẻ tuy còn bé nhưng cũng rất sâu sắc và việc không biết những gì đang xảy ra với mẹ có thể làm trẻ lo lắng.

Vì vậy khi bạn thông báo cho em bé của mình thì cũng nên chắc chắn tin tức cũng đã được chia sẻ với mọi người khác.

chuan-bi-tam-ly-khi-tre-sap-co-em

2. Thông báo như thế nào?

Khi thông báo cho trẻ hãy nói thật ngắn gọn và ngọt ngào với bé. Bạn có thể nói đại loại như bố mẹ đã quyết định có thêm một em bé nữa và bụng của mẹ sẽ lớn dần cho đến khi em bé được sinh ra.

Một số trẻ có tính tò mò thì muốn biết nhiều hơn và các trẻ lớn thì thường luôn muốn biết nhiều. Câu hỏi đáng sợ nhất mà nhiều phụ huynh phải đối mặt là làm thế nào mà em bé lại ở được trong đó. Nhiều em bé phân vân rằng có phải mẹ nuốt phải cái gì đó.

3. Giúp trẻ tìm hiểu về em bé

Nếu em bé lớn nhà bạn không có nhiều trải nghiệm với các em bé ít tuổi hơn hãy giới thiệu bé những em bé ít tuổi hơn của bạn bè mình, lý tưởng nhất là em ruột của một trẻ khác để bé có những cảm giác mình mong muốn gì từ một em bé.

Bạn có thể giúp bé làm quen vai trò của anh/chị bằng cách cho bé chơi đồ chơi với một em búp bê hoặc thú nhồi bông. Chơi cũng là cách để bé học tập thể hiện cảm xúc và bạn cũng nên chơi cùng bé, giám sát và nói cho bé những điều cần thiết nếu đó là một em bé thật.

4. Hãy nói với con rằng “Con cũng đã từng là một em bé”

Đối với những trẻ có ít trải nghiệm với trẻ sơ sinh thì những biểu hiện của trẻ sơ sinh có thể làm bé sợ. Bạn hãy giúp con chuẩn bị tinh thần bằng các giải thích như “Đây là những gì em bé làm: em khóc rất nhiều, ngủ rất nhiều, ăn cũng nhiều. Công việc của bố và mẹ là phải tìm ra lý do tại sao em khóc, có thể là em bị khó chịu hoặc em đói…”.

Để giúp con bạn có những mối liên hệ với em bé mới sinh của mình bạn có thể cho bé xem lại những bức ảnh hồi bé của chính mình, kể lại những câu chuyện khi bé vẫn còn là một em bé bé xíu để bé có những hồi tưởng.

5. Luôn đảm bảo bé được quan tâm

Đối với một số trẻ em thì việc có một em bé mới đồng nghĩa với việc bản thân bị đe dọa nhiều hơn là thấy thú vị. Sự xuất hiện của em bé mới làm bé cảm thấy mình mất đi vị trí trong gia đình. Chính vì thế các bậc cha mẹ nên trấn an các bé, làm cho bé thấy mình vẫn luôn rất đặc biệt và được yêu thương.

Bạn hãy nói chuyện nhiều với bé về vai trò của một người anh trai, một người chị và hãy nói rằng em trai/ em gái của con thay vì nói rằng em bé mới của mẹ. Trong mọi việc bạn làm hãy luôn đặt trong hoàn cảnh suy nghĩ của bé lớn của mình.

Bạn hãy nhớ rằng những tâm lý này của các bé là hoàn toàn bình thường vì ngay cả chính bạn cũng có những cảm xúc lẫn lộn đó. Điều quan trọng là bạn cần phải biết quan sát, điều chỉnh, chuẩn bị tâm lý cho bé sao cho tốt nhất.

(Theo Afamily)

Hãy khôn khéo như các bà mẹ!

Nếu có một “tạo vật” nào đó là biểu tượng cho sự khôn khéo, hẳn phải là phụ nữ – những người mẹ đang đứng trước nhiều quyết định mua sắm lớn bé trong nhà. Từ sự va chạm với đủ loại hàng hóa qua các kênh truyền thông đến việc thực tế lựa chọn các mặt hàng nhu yếu phẩm trong gia đình và quan trọng nhất là sữa cho con, đã cho các chị em quá nhiều kinh nghiệm mua sắm. PGS.TS tâm lý học Huỳnh Văn Sơn cho rằng: “Không có khóa đào tạo kỹ năng sống nào thực tiễn như ‘tháp tùng’ một bà mẹ khôn khéo đi chợ!”.

Các bà mẹ ngày càng khó tính trong việc lựa chọn sản phẩm dinh dưỡng cho con (Ảnh Trần Huy)

Sức hấp dẫn từ những thông điệp “lung linh”

Sự cởi mở trong tiêu dùng đã mở ra nhiều cơ hội cho những thương hiệu mới, nhất là với mặt hàng thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ. Với hơn 30 công ty cung cấp gần 50 nhãn hàng dinh dưỡng khác nhau đã cho người tiêu dùng thêm nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, việc một số nhà sản xuất tự “thổi” chất lượng sản phẩm của mình thành “nhất thị trường”, với các chiêu thức trình bày sản phẩm, cung cấp thông tin không chính xác trên nhãn mác, dẫn đến chất lượng hàng hóa không đúng với thực tế đã gây nhiều bức xúc cho người tiêu dùng. Chưa bao giờ sự sáng suốt khi chọn lựa hàng hóa của người tiêu dùng lại cần thiết như hiện nay, bởi đứng trước rất nhiều sản phẩm được thiết kế đẹp, được nhà sản xuất tự tung hô “hoành tráng”, người tiêu dùng rất dễ bị lung lạc, chọn lựa sai lầm.

Đặc biệt, sản phẩm sữa mới thường tự công nhân là đảm báo chất lượng và quy trình sản xuất an toàn thực phầm, sử dụng nhiều mỹ từ với mục đích đánh vào mong muốn của các bậc làm cha mẹ đối với sức khỏe của con. Cứ thế, những thông điệp này đi vào lòng người trong khi chất lượng một nơi, thông tin về sản phẩm một nẻo.

Chính sự tự công nhận và tự giới thiệu quá sự thật của nhà sản xuất “đi sau nhưng muốn về trước” đã đưa người tiêu dùng lạc vào “mê hồn trận” – không biết sữa nào là sữa đúng chất lượng. Trong khi nhu cầu sử dụng thì luôn luôn cấp bách vì hầu như bà mẹ nào cũng muốn con được bổ sung thêm chất dinh dưỡng, cho con cao hơn, thông minh, khỏe mạnh hơn đúng như lợi ích của sữa mang lại. Là người bảo vệ gia đình, chăm lo cho con cái, các bà mẹ luôn muốn chọn những sản phẩm tốt nhất cho con, nên họ ngày càng chọn lựa kỹ hơn.

Khi các bà mẹ lên tiếng

“Làm mẹ, mình rất mừng khi thấy nhiều vụ chất lượng sữa không đảm bảo được phanh phui. Điều này giúp mình và các bà mẹ cẩn trọng hơn khi chọn lựa thực phẩm dinh dưỡng, nhất là sữa cho con. Không việc gì phải đưa ra quyết định vội vàng, mình rất cảnh giác với những ‘kẻ lạ mặt’ mới xuất hiện. Tham khảo ý kiến các bà mẹ khác, hỏi thăm hàng xóm là việc đầu tiên, nhưng cũng để tham khảo, sau đó mình sẽ tìm thông tin trên mạng về thương hiệu này, rồi mới quyết định mua”, chị Hương, quận 3, TP.HCM, chia sẻ kinh nghiệm mua sữa cho con.

Bà mẹ trẻ Uyên Phi ở quận 10 thì luôn theo tiêu chí “Không đem con ra làm chuột bạch để thử nghiệm các loại sữa mới ra”. Chị vẫn trung thành với loại sữa con đang uống tốt. Chị cho rằng sản phẩm sữa mới với những thông điệp đi kèm nghe thấy cũng tò mò muốn thử, nhưng không dám mạo hiểm với sức khỏe của con. Do đó, có chọn sản phẩm mới, chị cũng chỉ chọn sản phẩm của cùng một nhà sản xuất uy tín để an tầm về chất lượng.

Khôn khéo như các bà mẹ hiện đại

Theo PGS.TS tâm lý học Huỳnh Văn Sơn, đa số các bà mẹ có tâm lý trung thành với các hãng lớn, có tên tuổi lâu năm vì họ có quy trình quản lý chất lượng rõ ràng, minh bạch. Để đảm bảo sự tự tin khi chọn mua thực phẩm dinh dưỡng cho con, các bà mẹ không chỉ dựa vào kinh nghiệm, cảm tính mà nên nhìn vào bằng chứng khoa học. Các chuẩn chất lượng nghiêm ngặt được quốc tế công nhận của sản phẩm sẽ là một sự bảo đảm để các bà mẹ yên tâm mua sữa cho con.

Bên cạnh sự uy tín lâu năm của các thương hiệu thì yếu tố quan trọng khi lựa chọn các sản phẩm dinh dưỡng chăm sóc trẻ em chính là thành phần an toàn. Những sản phẩm được công nhận về lợi ích đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ thông qua các nghiên cứu lâm sàng luôn dược ưu tiên lựa chọn. Vì thế việc lựa chọn những sản phẩm có kiểm chứng khoa học, đạt các tiêu chuẩn của các tổ chức y tế, dinh dưỡng, thực phẩm có uy tín như CODEX (Uỷ ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế), EFSA (Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu) là hoàn toàn cần thiết.

Chị Minh, giáo viên trường mẫu giáo Hoa , q.11 chia sẻ: “Đúng là có kiến thức vẫn hơn, với kinh nghiệm nuôi dạy trẻ bao nhiêu năm, tôi nhận thấy việc lựa chọn sữa hay thực phẩm cho trẻ không khó. Chỉ cần hiểu con mình cần gì, trong giai đoạn nào rồi lựa chọn ở những nhãn hàng uy tín lâu năm trên thị trường là có thể thoát khỏi những ‘lời mời’ có cánh của những sản phẩm kém chất lượng. Khôn khéo khi chọn sữa cũng là một phần của bí quyết nuôi dạy con cái!”.

 
 

Làm gì khi trẻ “già” trước tuổi?

Trẻ sẽ phát triển lệch lạc nhân cách nếu cha mẹ lờ “bệnh” già trước tuổi của con.

Làm gì khi con mới 5 tuổi mà đã biết ỏng eo chê cô người mẫu này, diễn viên nọ trên tivi, lớp 2 mà đã suốt ngày than chán đời, ưu tư chuyện… tình yêu?

Nhiều bậc cha mẹ thấy con ở độ tuổi mẫu giáo, cấp 1 có biểu hiện “già trước tuổi” thì phớt lờ, hoặc vỗ tay cổ vũ, xem đó là sự phát triển “ấn tượng” ở trẻ. Theo các chuyên gia tâm lý, nếu cha mẹ không kịp thời kiểm soát các hành vi “già trước tuổi” của con, trẻ có thể dẫn đến chỗ bị phát triển lệch lạc về nhân cách.

Theo ThS Nguyễn Thị Thu Huyền (Khoa Tâm lý – Giáo dục, Đại học sư phạm TP.HCM) cần phân biệt khái niệm “khôn trước tuổi” và “già trước tuổi” của bé. “Khôn trước tuổi” có ý nghĩa tích cực hơn, ý nói đứa trẻ lanh lợi, thông minh, biết nhiều thứ so với bạn bè cùng lứa. “Già trước tuổi” lại có thể được hiểu là có những suy nghĩ, hành động “bắt chước người lớn”, vượt mức một cách khập khiễng so với sự phát triển bình thường của trẻ.

lam-gi-khi-tre-gia-truoc-tuoi

Ảnh minh họa.

Vì sao con “già”?

Thông thường, những biểu hiện “già trước tuổi” của bé có thể được xét theo hai nguyên nhân chính: Nội tại và ngoại cảnh.

Nguyên nhân nội tại

Bản thân trẻ vốn có khí chất ưu tư, tính cách nhút nhát. Khi đó, nếu ba mẹ không kịp thời uốn nắn, trẻ sẽ có những biểu hiện “già trước tuổi”: ít nói, ít chia sẻ với ba mẹ, bạn bè và thường tách mình ra khỏi hoạt động tập thể, suy nghĩ khó hiểu…

Cách “trẻ hóa” con

Thường xuyên giao tiếp với con, đưa bé đến với các môi trường tập thể lành mạnh để bé tăng sự tương tác với mọi người. Ba mẹ có thể giúp con có cơ hội gặp gỡ bạn bè cùng trang lứa để các bé giao lưu, chia sẻ với nhau.

Nguyên nhân ngoại cảnh

- Trẻ là con một, xung quanh toàn người lớn nên bé dễ bắt chước cách nói năng, cử chỉ, điệu bộ, thói quen của người lớn.

- Trẻ sớm ra đời bươn chải hoặc trẻ sống đầy đủ về vật chất nhưng lại thiếu thốn về tinh thần như ba mẹ ly hôn, cãi nhau.

- Nhiều gia đình cứng nhắc trong cách dạy con, muốn rèn bé theo khuôn mẫu với quá nhiều nguyên tắc.

- Trẻ xem phim, nghe nhạc, đọc truyện không hợp lứa tuổi.

Cách “trẻ hóa” con

- Thận trọng trong nói năng, cư xử trước mặt con, tránh sỗ sàng hay có những cử chỉ người lớn nhạy cảm để con bắt chước.

- Cho trẻ một cuộc sống an toàn, đầy đủ yêu thương và sự bảo ban, tránh tối đa mâu thuẫn để con phải chứng kiến.

- Cho con tham gia các hoạt động tập thể, “dụ” bé dẫn bạn bè về chơi để cha mẹ hiểu bé hơn.

- Kiểm soát loại sách, phim con tiếp xúc. Cho con khám phá thế giới xung quanh với những trò chơi, thú vui phù hợp.

(Theo Kienthuc)

Phương pháp dạy trẻ bướng

Cha mẹ càng nói nhiều, càng giảng giải cho trẻ nhiều thì chúng càng thích gây sự.

Con gái tôi rất ương ngạnh, lúc thích thế này, lúc thích thế khác. Con bé còn thường rên rỉ, có khi khóc toáng lên chỉ vì… không được đi chơi. Một lần, tôi mải nấu ăn nên dặn con chơi trong phòng nhưng con bé ra phòng khách và làm bể bình hoa, nước chảy đầy sàn, còn nó thì đứng khóc. Tôi chán nản vì cứ phải giải quyết những vụ việc này, vừa phải dọn nhà, vừa phải giúp con thay quần áo và dỗ con nín nữa.

1. Nén cơn giận

Lần khác, con tôi mở tủ, ôm hết áo quần của mình ra chơi, và dù nói thế nào cũng không chịu cất. Tôi tuy rất bực mình, nhưng nhớ những gì cô bạn dặn, đã áp dụng ngay: “Thật tiếc. Mẹ phải cất chúng đi rồi”. Và tôi cất luôn vào tủ khóa lại. Nếu như lúc trước, tôi sẽ dài dòng nào là mẹ đi làm cực khổ để lo cho con, mua quần áo cho con, vậy mà con lại đem chúng chơi. Nếu con còn chơi như vậy, mẹ sẽ không bao giờ mua nữa… Lần này, tôi tuyệt nhiên không nói gì.

Hôm sau, con bé hỏi: “Có phải mẹ đã cất cái đầm hồng con thích nhất vào tủ của mẹ, đúng không?”. “Đúng vậy con yêu”. “Khi nào mẹ sẽ trả cho con?”. “Đến lúc con ngoan”. Con bé giậm chân và khóc, còn tôi im lặng tiếp tục công việc của mình. Sau một lúc, con bé lại rên rỉ: “Con thích cái áo đầm đó, mẹ trả nó cho con”. “Con yêu, mẹ sẽ trả nó cho con khi con ngoan”. “Con sẽ ngoan mẹ à, mẹ trả nó cho con trước đi”. “Thật đáng tiếc con gái à”.

phuong-phap-day-tre-buong

Cha mẹ càng nói nhiều, càng giảng giải cho trẻ nhiều thì chúng càng thích gây sự.

2. Im lặng là thượng sách

Con gái tôi còn có tật lười ăn. Trước đây, tôi luôn phải giải thích cho con rằng con phải ăn món này món kia mới khỏe mạnh, thì bây giờ, tôi để bé tự ăn. Khi con bé ngậm thức ăn trong miệng, tôi chỉ nhắc con “Ăn đi con, mẹ con mình có nửa tiếng để ăn”. Hết thời gian, tôi đứng dậy, dọn dẹp bàn ăn và nói với con: “Thật đáng tiếc, hết giờ rồi, con yêu!”. “Nhưng con vẫn chưa xong mà”. Tôi im lặng. Con bé bắt đầu khóc. Tôi đưa con về phòng, đóng cửa, đứng ngoài. Một lúc sau con bé nín, tôi vào phòng con, nói chuyện vui vẻ. Con bé ngạc nhiên vì mẹ không còn “nhiều lời” như lúc trước.

Con gái tôi bây giờ rất ngoan. Mỗi khi con làm sai, tôi chỉ nhìn con. Chẳng hạn khi bé chơi đồ chơi, bày bừa khắp phòng, tôi nhìn con, con bé vội vàng: “Mẹ ơi, con dọn đồ chơi nhé!”. Tôi phát hiện ra, chúng ta càng nói nhiều, càng giảng giải cho trẻ bao nhiêu thì trẻ càng thích có hành vi sai trái bấy nhiêu. Còn khi chúng ta im lặng, trẻ sẽ có thời gian để suy nghĩ về hành vi của mình.

3. Lập ra giới hạn cho con

- Khi bé không nghe lời, đừng nổi nóng; hãy nhẹ nhàng với bé và để bé thấy hậu quả của việc bé đáng làm.

- Đừng dài dòng cảnh báo với bé, rằng tại con thế này thế kia, mẹ đã nói nhiều rồi, tại sao không nghe lời.

- Đừng chú ý quá nhiều đến bé khi bé đang khóc hay giận dữ, kiểu như: con đã biết lỗi của con chưa.

- Đừng cho bé thấy bạn quan tâm đến bé quá nhiều.

(Theo Mẹ yêu con)

Trẻ mắc lỗi cũng cần được tôn trọng

Một đứa trẻ cần được dạy dỗ để biết được những điều không nên làm. Hãy dạy cho con đó là những hành động xấu nhưng đừng gọi con là một đứa bé hư hỏng.

Khi được tôn trọng, trẻ em sẽ không khiến chúng ta nóng nảy đến mức phải dùng vũ lực. Không cần đến hình phạt hay roi vọt, bạn vẫn có những cách giúp bé hiểu rằng mình đang làm sai. Dưới đây là một số biện pháp nhằm giúp cha mẹ tôn trọng con cái ngay cả khi chúng mắc lỗi:

Dành thời gian ở bên cạnh con cái

Dành thời gian thích hợp bên cạnh con trẻ và cho con thấy rằng bạn yêu chúng vô điều kiện. Điều đó làm cho bé cảm thấy mình quan trọng và được yêu thương. Bằng cách này, chúng cũng sẽ mong muốn dành thời gian với bạn bè hay anh chị em ruột của mình.

tre-mac-loi-cung-can-duoc-ton-trong

Cho dù bé có lỗi, bé cũng cần được tôn trọng

Phát huy vai trò của người cha trong dạy con cái

Người cha đóng vai trò quan trọng trong sự giáo dục tích cực. Là một người cha, bạn nên để cho người mẹ làm những gì cô ấy cảm thấy tự nhiên như một người mẹ tuyệt vời. Tính chất nuôi dưỡng của người mẹ luôn luôn trường trực bên con cái. Còn người cha có vai trò bảo vệ và mang lại sự thoải mái cho con. “Mẹ dạy thì con khéo, bố dạy thì con ngoan”.

Sử dụng cách cứng rắn hơn

Một đứa trẻ cần được dạy dỗ để biết được những điều không nên làm. Là cha mẹ, bạn phải cụ thể, kịp thời trong việc hướng con cái làm những điều đúng đắn. Điều quan trọng là bạn nên tập trung vào các hành động, chứ không phải đứa trẻ. Hãy dạy cho con đó là những hành động xấu nhưng đừng gọi con là một đứa bé hư hỏng.

Không xúc phạm khi mắng con

Nhiều bà mẹ, ông bố thường quá lời khi mắng con. Những từ ngữ chua ngoa, sỉ nhục hoặc làm trầm trọng hóa khuyết điểm của con khiến đứa trẻ cảm thấy mình bị oan ức. Đôi khi, tội của bé chỉ đáng một, cha mẹ nâng lên thành năm, thành mười. Bé sẽ tức giận và “trả thù” bằng cách không nghe lời.

Cố gắng không nổi nóng

Thay vì thấy việc xấu con vừa làm là quá nghiêm trọng, bạn hãy coi như đây chính là dịp để bạn hướng suy nghĩ của con tới những hành vi tốt. Nhìn nhận vấn đề như vậy bạn sẽ bớt cáu giận, bớt nóng nảy và hiệu quả giáo dục sẽ tốt hơn rất nhiều.

Giải thích nhưng không dọa nạt

Hãy giải thích ngắn gọn cho trẻ hiểu vì sao phải làm thế này thế kia. Như vậy tức là bạn đã cung cấp cho bé nền tảng quan trọng để bé có những hành vi tốt. Trẻ em sẽ dễ ghi nhớ lời bạn hơn nếu bạn nói với chúng bằng giọng nói nhẹ nhàng nhưng dứt khoát.

Làm tấm gương cho con

Trẻ luôn quan sát hành động của bạn để tìm ra cách cư xử với mọi sự việc xung quanh. Vì vậy, với tư cách là một tấm gương, bạn hãy tận dụng hành vi của mình để hướng dẫn trẻ. Nếu bạn muốn trẻ nói lời “Cảm ơn” thì trước hết bạn hãy nói trước. Nếu bạn không muốn trẻ hét cao giọng thì chính bạn hãy giữ giọng nói của mình ở mức độ phù hợp.

Biết giữ lời hứa

Khi bạn thực hiện lời hứa của mình, dù đó là lời hứa về một việc tốt hay không tốt thì điều đó cũng dạy cho trẻ biết tin tưởng và tôn trọng bạn. Vì vậy, nếu bạn hứa đi dạo với trẻ sau khi trẻ dọn đồ chơi thì hãy chắc chắn là bạn sẵn sàng đi dạo với trẻ. Khi bạn nói bạn sẽ rời khỏi thư viện nếu trẻ không ngừng việc chạy nhảy linh tinh thì hãy chuẩn bị rời khỏi ngay khi trẻ vẫn tiếp tục chạy.

Đừng tiết kiệm những lời khen

Để nuôi dạy con mà không cần đến hình phạt, bạn cần phải khuyến khích những hành vi tốt của trẻ. Thay vì tập trung vào việc tìm ra lỗi và trừng phạt trẻ khi con làm sai điều gì đó, hãy thử tìm ra những ưu điểm của con. Những lời khen ngợi sẽ là động lực để bọn trẻ cư xử tốt hơn.

(Theo Webphunu)

Những lời nên tránh nói với trẻ

Đôi khi trong lúc nóng giận, có thể bạn vô tình thốt ra những câu nói làm tổn thương con trẻ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển của trẻ sau này. Vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày, bạn cần cẩn trọng trong việc sử dụng ngôn ngữ với trẻ.

Dưới đây là những câu nói bạn nên tránh sử dụng khi trò chuyện, giao tiếp với trẻ nhỏ:

Xưng hô “mày – tao” với trẻ

Nhiều người thường xưng hô “mày – tao” với con. Khi bạn xưng hô như vậy là không lịch sự với con cái và không có văn hóa. Bạn nên xây dựng một nếp sống gia đình truyền thống, tuyệt đối không được xưng hô như vậy với bất kỳ ai trong gia đình, bạn bè…

Quát trẻ “im ngay!”

Bạn không nên quát con. Đôi khi, chúng ta nên lắng nghe con cái tâm sự, chia sẻ; như vậy, bạn không chỉ cho con quyền nói mà cả quyền tranh luận một cách dân chủ, thoải mái trong khuôn khổ cho phép. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn thuộc về cha mẹ sau khi có những giải pháp mang tính định hướng.

nhung-loi-nen-tranh-noi-voi-tre

“Bố/ mẹ không muốn có đứa con như con”

Khi nghe bạn nói câu này, bé sẽ cảm thấy không được thương yêu, tôn trọng và mong đợi. Chúng sẽ mang theo “ấn tượng” này cho đến lớn, và vì thế sẽ khó giữ được tình cảm.

“Bố mẹ không yêu con nữa!”

Khi bạn nói với con trẻ điều đó, thế giới trong mắt chúng gần như sụp đổ. Mối quan hệ với mẹ - đó là chiếc cầu nói chúng với cuộc sống xung quanh, mất chiếc cầu ấy, với trẻ sẽ là một vực sâu mà chúng không biết bám víu vào đâu. Ngoài ra, khi nói câu đó, bạn sẽ không làm cho trẻ nghe lời. Nó sẽ không làm bất cứ điều gì mà bạn yêu cầu với cách dọa dẫm đó.

“Con thật là hậu đậu!”

Khi trẻ bị chê, trẻ chỉ nghĩ đến một điều duy nhất “Mình là đứa chẳng ra gì” và như thế, bạn đã không cho trẻ một cơ hội để thay đổi, trở nên tốt đẹp hơn. Như thế, hà cớ gì trẻ phải sạch sẽ hơn hay khéo léo hơn? Bản chất của nó đã là như thế rồi mà.

“Mẹ đã nói, con không được cãi!”

Đây là câu mà các bậc phụ huynh nhắc lại sau khi đã nói điều gì đó nhiều lần mà con không nghe. Trẻ sẽ hiểu câu này là “Cha mẹ là người lớn, con là con nít, trứng không khôn hơn vịt được”.

“Sao con xấu tính giống bố/ mẹ con thế!”

Chê một người đồng thời chê một người khác nữa thì chẳng hay chút nào, nhất là khi người đó là bố/ mẹ của trẻ. Vậy, bạn không nên chê bai ai đó trước mặt con mình, điều này sẽ làm họ mất lòng và tạo ra sự nhìn nhận không hay của trẻ đối với bố (mẹ).

“Khi bằng con, bố/ mẹ không bao giờ làm thế!”

Việc xây dựng hình mẫu mang tính biểu tượng là bố/ mẹ là điều tự nhiên, nhưng nên làm tấm gương tích cực hơn là đề cao thái độ tiêu cực của trẻ.

“Con mà hư, bố/ mẹ sẽ đuổi con ra khỏi nhà”

Điều này khiến trẻ sợ hãi mà sinh ra tâm lý bất an hoặc nghi ngờ tình cảm của bố mẹ hay nghĩ cách đối phó. Câu nói này sẽ gây ấn tượng không tốt cho trẻ và cũng không phải là cách giáo dục tốt.

“Con nhìn xem, bạn con ngoan và học giỏi hơn con nhiều”

Khi so sánh với đứa trẻ khác sẽ có hai mặt, vừa tích cực vừa tiêu cực. Nếu trẻ có suy nghĩ đúng và có tư tưởng phấn đấu sẽ cố gắng học tập bạn tốt, ngược lại nó sẽ phản ứng tiêu cực, sẽ “ì” ra và sẽ không phấn đấu, thậm chí còn làm ngược lại. Chúng ta nên so sánh trong điều kiện, hoàn cảnh phù hợp.

“Con cứ lo học, việc đó đã có người khác lo”

Đối với trẻ, học là việc quan trọng nhất. Tuy nhiên, bạn cũng nên để trẻ tham gia và có ý thức làm các việc khác trong gia đình dù nhỏ từ lau nhà, rửa bát, trông em… Điều này sẽ tốt hơn cho trẻ, thay vì suốt ngày chỉ học trên sách vở.

“Con học giỏi, bố/ mẹ sẽ đáp ứng những gì con muốn”

Việc khuyến khích, động viên trẻ, kể cả treo thưởng bằng mọi giá không phải là biện pháp tốt. Tốt nhất, bạn hãy để cho trẻ thấy được rằng, học giỏi là vì trẻ, lợi ích cho chúng chứ không phải là học cho bố mẹ.

“Con không được thua bạn bè”

Bạn hãy tìm cách động viên trẻ nỗ lực trong mọi việc nhưng không nhất thiết phải luôn hơn ai đó. Bắt con phải hơn mọi người bạn có thể tạo ra mầm mống suy nghĩ ganh đua không lành mạnh, ích kỷ, độc đoán cho trẻ?

(Theo CNMS)

Có nên la mắng khi trẻ phạm lỗi?

Khi trẻ phạm lỗi cha mẹ nên xử lý thế nào? người lớn có nên la mắng trẻ trước mặt người khác không, thưa BS? – (Me Lala – Đồng Nai).

co-nen-la-mang-khi-tre-pham-loi

Các bậc cha mẹ nên lưu ý trẻ con rất dễ bị tổn thương, trẻ cần sự yêu thương, cần cha mẹ gần gũi, (trẻ thích cha mẹ giống như một người bạn) có thể tâm sự và chia sẻ.

Do cuốn hút vào công việc, nhiều cha mẹ thường gởi con cho ông bà hoặc người giúp việc chăm sóc. Cũng do áp lực công việc nên cha mẹ dễ cáu gắt, nóng giận, cư xử thiếu tế nhị với con cái, la mắng con trước mặt bạn, so sánh con với anh chị em trong gia đình, với bạn bè… Nhất là ở trẻ đang tuổi dậy thì, suy nghĩ chưa chín chắn, dễ bị tổn thương, có thể tự tử, bỏ nhà đi bụi.

Vì vậy, người lớn và cha mẹ nên quan tâm, gần gũi con, động viên, uốn nắn kịp thời những lỗi sai của con, cần phải tìm hiểu rõ vấn đề trước khi la mắng con. Cha mẹ nhiều lúc cần phải kiềm chế bản thân, không la mắng, đánh đập con trước mặt bạn bè và người thân, nên nói chuyện riêng và động viên con nhận ra lỗi và có hướng khắc phục.

BS-CK1 Nguyễn Thị Thu Thảo

(Theo Alobacsi)

Phương pháp dạy trẻ sống hòa đồng với bạn

Bạn bè rất quan trọng trong thời thơ ấu và chơi cũng là cách hay để trẻ kết bạn.

Hai đứa trẻ ở cạnh nhau không có nghĩa là chúng sẽ chơi với nhau. Bạn đừng ngạc nhiên nếu mỗi đứa ra một góc và tự chơi đồ chơi của mình. Những mẹo dưới đây từ Shenkows sẽ giúp bạn khuyến khích con chơi theo nhóm và kết bạn trong quá trình đó.

phuong-phap-day-tre-song-hoa-dong-voi-ban

Ảnh minh họa: Kinderpillar.com.

Tắt tivi

Nếu có một nhóm trẻ chơi ở nhà bạn, hãy tắt tivi trước khi trò chơi bắt đầu. Nếu tivi vẫn mở, bọn trẻ sẽ chú ý đến những gì đang có trên màn hình thay vì dành sự chú ý đến nhau.

Chọn thời điểm thích hợp

Bạn nên để các con chơi cùng nhau vào sáng sớm hay ngay sau giấc ngủ trưa. Nếu bạn đưa các bé đến với nhau khi chúng mệt hay đói, bọn trẻ sẽ cáu kỉnh và dễ đánh nhau, chứ không phải là chơi đùa.

Chọn đồ chơi thích hợp

Nếu bạn muốn các bé chơi với nhau, hãy đưa cho chúng những món đồ chơi khuyến khích trẻ chơi theo nhóm, chẳng hạn như thay quần áo cho búp bê, đồ chơi làm bếp, những con vật đáng yêu… Nếu bạn đưa ra những cuốn sách nhiều màu sắc, bọn trẻ sẽ mỗi đứa cầm một quyển và xem một mình.

Tạo nhóm chơi nhỏ

Với trẻ nhỏ, nên tránh tập trung quá đông trẻ cùng chơi, vì dễ xảy ra tình huống tranh giành hoặc bé nào đó không thích tham gia. Cố gắng tạo những nhóm chơi nhỏ, khi trẻ mới học cách chơi cùng bạn. Hai bé là một nhóm hoàn hảo.

Kết đôi theo cá tính

Bạn nghĩ rằng con trai hiếu động của mình sẽ chơi rất hợp với cậu bé tinh nghịch con của người bạn thân. Thực tế không hẳn như vậy. Hai cá tính mạnh hầu như sẽ luôn xung đột và hai bé nhút nhát có thể sẽ chẳng muốn tương tác với nhau. Ghép đôi một trẻ dễ gần với một bé nhút nhát thành một nhóm chơi sẽ tốt hơn.

Ngăn chặn xung đột

Tranh giành, đánh nhau dễ xảy ra khi hai trẻ chơi với nhau, đặc biệt là khi một bé có món đồ mà bé kia muốn chơi. Việc này sẽ làm hỏng tất cả sự cố gắng gần gũi từ đầu tới lúc đó, và khiến hai trẻ khó chơi tiếp với nhau.

Bố mẹ hãy chuẩn bị trước cho tình huống này và tìm cách ngăn chặn trước khi mọi việc trở nên nghiêm trọng. Khi thấy trẻ bắt đầu tranh cãi, bạn có thể can thiệp bằng cách thu hút sự chú ý của các bé vào một điều gì khác hay nói chuyện với trẻ về món đồ chơi bé thích. Hãy đảm bảo con bạn có món đồ chơi mà bạn bè có khi tham gia nhóm chơi.

(Theo VNE)