Lưu trữ cho từ khóa: nuôi con bú

I-ốt với sức khỏe bào thai

Trên thế giới, có khoảng 1,6 tỷ người sống trong vùng thiếu i-ốt, tỷ lệ bướu cổ toàn cầu ước đoán khoảng 12%, tương đương khoảng 655 triệu người. Số người mắc bướu cổ nhiều nhất là ở châu Á, châu Phi. Vùng Đông Nam Á có 486 triệu người sống trong vùng có nguy cơ thiếu i-ốt, trong đó khoảng 175 triệu người bị bướu cổ, chiếm 26,7% số người bị bướu cổ trên thế giới.
Phụ nữ mang thai cần được cung cấp đầy đủ i-ốt trong các bữa ăn.

Tầm quan trọng của i-ốt với phụ nữ có thai

I-ốt là một vi chất dinh dưỡng, mặc dù chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng cần thiết cho sự phát triển cơ thể. Cơ thể sử dụng i-ốt để tổng hợp nên hormon tuyến giáp. Ở vùng thiếu i-ốt, giảm tổng hợp hormon tuyến giáp gây ảnh hưởng đến sự phát triển cả thể chất và tinh thần. Tác động của thiếu i-ốt thấy rõ ở giai đoạn phát triển cơ thể.

Bướu cổ và đần độn là hai biểu hiện hay gặp nhất liên quan đến thiếu i-ốt. Bướu cổ có thể xuất hiện ở bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc đời, trong khi đó, đần độn xuất hiện ngay từ lúc bào thai nếu người mẹ bị thiếu i-ốt nặng. Các biểu hiện này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vì thế thuật ngữ “các rối loạn thiếu i-ốt” mô tả đầy đủ hơn tác hại do thiếu i-ốt như: các khuyết tật về thần kinh, tâm thần, suy giảm hoạt động chức năng hệ thần kinh, giảm sự phát triển hệ thần kinh của bào thai, trẻ nhỏ.

Trẻ em và phụ nữ tuổi sinh đẻ là đối tượng đích, có nguy cơ cao bị thiếu i-ốt, hậu quả do thiếu i-ốt ở đối tượng này là nghiêm trọng, vì hormon tuyến giáp cần thiết cho sự phát triển của bào thai và sau đẻ. Hơn nữa, sự hư hại hệ thần kinh ở bào thai và trẻ nhỏ do thiếu i-ốt nặng và kéo dài là hậu quả không thể đảo ngược được.

Vì sao phụ nữ mang thai cần bổ sung i-ốt?

Phụ nữ độ tuổi sinh đẻ là đối tượng đặc biệt nhạy cảm với tình hình thiếu hụt i-ốt, khi người mẹ mang thai, nhu cầu i-ốt tăng lên để đáp ứng nhu cầu hormon tuyến giáp cho mẹ và sự phát triển bào thai. Khi mẹ thiếu i-ốt, sự phát triển bào thai bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là bộ não của đứa trẻ. Người ta đã chứng minh, thiếu i-ốt ở mẹ từ mức trung bình đến nặng có thể gây chậm phát triển não của thai nhi và sinh ra đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ, thậm trí đần độn và/hoặc mang khuyết tật.

Do tầm quan trọng và nhạy cảm của thiếu i-ốt đối với bà mẹ đang mang thai, nuôi con bú, năm 2007, WHO/UNICEF/ICCIDD khuyến cáo sử dụng chỉ số i-ốt niệu của bà mẹ mang thai và nuôi con bú là một chỉ tiêu bổ sung chính thức cho bộ chỉ tiêu phản ánh tình trạng thu nhận i-ốt khi một quốc gia hay khu vực đạt tới trạng thái thanh toán bền vững các rối loạn thiếu i-ốt.

Vì tầm quan trọng này, WHO/UNICEF/ICCIDD khuyến cáo cần có giải pháp tạm thời để bảo vệ nhóm bà mẹ mang thai khi phát hiện mức i-ốt niệu dưới 50mcg/l. Điều này đặc biệt cần thiết khi tình trạng i-ốt niệu thấp xảy ra ở các khu vực mà chương trình không đạt được nhiều tiến triển trong những năm gần đó. Theo khuyến nghị này, cung cấp i-ốt bổ sung dạng viên nang nên cần được đặt ra ngay như một giải pháp tạm thời bảo vệ nhóm phụ nữ mang thai ở miền Tây Nam Bộ và TP.HCM, nơi mà các số liệu cho thấy mức i-ốt niệu trung vị luôn ở mức rất thấp (khoảng 50mcg/l).

BS. Mai Anh Tuấn
suckhoe-doisong

5 bài thuốc vừa làm đẹp, vừa tăng cường sức khỏe

Bạn đã bao giờ nghĩ đến việc làm đẹp bằng rượu, dầu ăn hay những thứ vốn được coi là chỉ dùng làm thuốc chưa? Hãy thử một vài công thức dưới đây, bạn sẽ thấy bất ngờ.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Rượu dưa chuột - mỹ phẩm dưỡng da tuyệt vời

Ngoài cách đắp mặt nạ, dưa chuột còn được dùng để ngâm rượu. Dưa chuột cắt ra ngâm trong rượu trắng, để ngấm chừng một tháng sẽ có tác dụng làm mát da, trị bỏng nắng, làm lành các chứng viêm sưng, giảm đau và trị da nhờn.

Uống rượu dưa chuột hằng ngày giúp trắng da, giảm các vết nhăn và tẩy sạch nốt tàng nhang. Cách pha chế rất đơn giản: Rửa sạch dưa chuột, để ráo nước, cắt nhỏ và nghiền nát. Đem ngâm rượu theo tỷ lệ 1/3. Buộc kín miệng hũ để chừng 3-4 tuần, lọc sang một lọ mới rồi cất trữ trong tủ lạnh. Pha rượu dưa chuột vào nước để tắm cũng có tác dụng tốt.

Nếu da bạn bị rộp nắng, có thể làm mặt nạ dưa chuột: nghiền nhỏ dưa chuột, trộn với bột gạo và nước để da và giữ nguyên trong 15 phút rồi rửa sạch bằng nước lạnh. Kem mặt nạ này có tác dụng làm dịu da, giảm mẩn ngứa.

Vì dưa chuột có tác dụng làm se da nên không nên dùng cho người da khô. Những bạn có làn da nhờn có thể dùng nước ép của dưa chuột để làm mặt nạ hàng ngày để giảm tiết bã nhờn, căng da rất tốt.

Rượu trứng chống mệt mỏi, kiệt sức, làm đẹp da

Trứng được đánh trong rượu cho tới khi sủi bọt thì thêm đường vào. Đổ dung dịch này vào một cốc sành, cho cốc vào nồi nước đun cách thủy, hâm nóng rượu để uống.

Rượu trứng có tác dụng kích thích tuần hoàn máu, làm ấm người khi trời lạnh, ra mồ hôi và gây buồn ngủ. Người ta gọi đây là rượu làm đẹp.

Rượu nho sát khuẩn, thanh lọc cơ thể

Các nghiên cứu khoa học cho thấy nho có tác dụng kháng khuẩn và u xơ. Nước cốt nho có tác dụng sát khuẩn và làm chắc răng. Mỗi ngày uống một cốc rượu nho có tác dụng giảm cholesterol trong máu. Nhờ tác dụng kích thích trao đổi chất, điều kiện uống điều độ.

Người ta còn dùng nước ép nho tươi hoặc khô để rửa mặt, có tác dụng giúp se da, lành mụn nhọt và sát khuẩn. Ăn nhiều nho giúp chất cặn bã, độc hại trong cơ thể, lợi tiểu và nhuận tràng.

Dầu vừng (mè) làm mềm da, đẹp tóc

Dầu vừng có tác dụng nuôi dưỡng và bảo vệ tóc rất tốt. Mỗi ngày xoa dầu vừng lên da đầu có thể ngăn chứng rụng tóc. Nên làm trước khi đi ngủ, trong nhiều ngày liên tục.

Có thể xoa dầu vừng trộn với nước ép củ gừng lên da đầu và tóc. Mài một nhánh gừng, vắt lấy nước, trộn với dầu vừng theo tỷ lệ 1/1, khuấy đều. Dùng hỗn hợp này xoa da đầu có tác dụng trị gàu và chống rụng tóc.

Gừng còn có tác dụng kích thích lưu thông máu trên da đầu giúp tóc phát triển chắc khỏe. Ăn nhiều vừng đen rang còn giúp ngăn ngừa tóc bạc sớm. Dầu vừng còn giúp làm mềm da, thoa sau khi tắm hoặc trước khi xông hơi.

Ngải cứu - thần dược quý

Ngải cứu được coi là mẹ của các loài cây nhờ công dụng y học thần bí của nó. Ngải cứu được dùng để làm bánh, nấu canh, tráng với trứng và pha trà. Người Nhật Bản, Trung Quốc dùng ngải cứu để xông huyệt. Dân phương Tây dùng ngải cứu để tăng lực và thanh lọc cơ thể. Trà ngải cứu rất tốt cho những bà mẹ nuôi con bú và những người kiệt sức cần được bồi bổ.

Cách pha chế: Băm nhỏ lá ngải cứu (tươi hoặc khô), pha một thìa nhỏ lá với một cốc nước vừa sôi dùng để uống.

Để trị mụn có thể dùng lá ngải cứu tươi nghiền hoặc để nguyên cả lá đắp mặt nạ. Giữ trong khoảng 20 phút rồi rửa rồi rửa sạch. Để tăng lực có thể tắm bằng lá ngải cứu, có tác dụng lột lớp da chết, làm mềm da, giúp huyết mạch lưu thông tốt, làm dịu các chỗ viêm sưng, trừ rôm sẩy.

Theo Thị Trường & Tiêu Dùng

Để cơ thể hấp thụ canxi tốt nhất

Canxi là khoáng chất rất cần thiết và cũng là chất dễ thiếu nhất trong số các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Khoáng chất này có trong thức ăn hàng ngày, nhưng không phải khi ăn là hấp thụ được hết canxi vào cơ thể, và không phải ai cũng biết cách làm thế nào để canxi được hấp thụ một cách tốt nhất.

Nguồn thức ăn chứa nhiều canxi là sữa

Nhận biết thiếu canxi: Trong tình trạng bình thường, tổng lượng canxi trong cơ thể người lớn là 1.200g, chiếm 2% trọng lượng cơ thể. Thiếu canxi sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và kết cấu xương, răng. Biểu hiện thiếu canxi ở trẻ nhỏ là bệnh còi xương, còn biểu hiện ở những người lớn là chất xương mềm hóa.

Dấu hiệu nhận biết là cơ thể mệt mỏi, thường hay bị tê chân tay khi phải đứng lâu hoặc nằm gối đầu lên tay, bên cạnh đó những người thiếu canxi còn hay bị chuột rút, đau lưng, đau khớp hoặc nặng hơn có thể bị co giật các cơ mặt và cơ tay. Các nghiên cứu khoa học còn chỉ ra rằng nếu canxi trong huyết thanh hạ thấp, sẽ làm cho tính hưng phấn của thần kinh tăng lên, từ đó dẫn đến co rút.

Đối với phụ nữ có thai: Canxi đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành xương và răng cho thai nhi. Nếu người mẹ thiếu canxi không chỉ dẫn đến sức khỏe người mẹ suy yếu, mệt mỏi mà còn có thể làm đứa trẻ bị còi xương, chậm lớn. Trong 3 tháng đầu, nhu cầu là 800mg, 3 tháng giữa là 1.000mg, 3 tháng cuối và khi nuôi con bú là 1.500mg vì thai càng lớn thì xương thai nhi càng phát triển.

Chính vì thế khi mang thai, người mẹ cần phải bổ sung đầy đủ canxi bằng cách ăn uống các thức ăn chứa canxi đúng cách. Nếu thiếu nhiều thì cần phải uống thêm canxi theo chỉ định của bác sĩ.

Thực phẩm nào chứa canxi: Theo các nhà nghiên cứu thì nguồn thức ăn có canxi tốt nhất là sữa và các chế phẩm từ sữa. Với sữa không chỉ chứa nhiều hàm lượng canxi mà cơ thể còn dễ hấp thu. Bên cạnh đó, rau xanh và các loại đậu, đặc biệt là đậu tương, vừng, hạt dưa, rong biển, tôm nõn, cua đồng, sò huyết là những thực phẩm chứa nhiều hàm lượng canxi.

Trong bột xương và vỏ trứng, lượng canxi có chứa đến 20% và khả năng hấp thụ lên tới 70%, chính vì vậy đây cũng là thực phẩm tốt dành cho những người thiếu canxi. Tuy nhiên bạn cũng nên lưu ý trong quá trình chế biến thực phẩm thường bị biến đổi số lượng khoáng chất do bị hòa tan vào nước, chính vì vậy, khi sử dụng nên dùng cả cái lẫn nước.

Bổ sung canxi đúng cách: Để canxi hấp thụ tốt thì rất cần có thêm vitamin D. Vitamin D có nhiều trong bơ, sữa, trứng, gan... Đối với những người bị bệnh loãng xương thì rất cần thiết bổ sung canxi và vitamin D trong bữa ăn hoặc thường xuyên tắm nắng, tăng cường các hoạt động ngoài trời. Tuy nhiên cũng nên lưu ý là các bữa ăn cao đạm có thể sẽ làm gia tăng lượng bài tiết canxi.

Theo nghiên cứu cứ đưa vào 1g protein thì cần đến 10mg canxi. Nếu uống các loại đồ uống có chứa cafein và nicotin cũng là một tác nhân làm tăng lượng thải canxi qua đường nước tiểu. Canxi cũng loại trừ một số khoáng chất trong quá trình hấp thu, do vậy, những người bổ sung canxi thì trong khoảng thời gian nhất định nên bổ sung thêm các khoáng chất khác.

Theo CAND

Cách ăn uống để có nhiều sữa cho con

Mong được bác sĩ tư vấn một số món ăn, ăn uống thế nào để tạo nhiều sữa cho mẹ trong giai đoạn cho con bú. (Thảo)

- Trả lời:

Sau khi trẻ ra đời, thức ăn tốt và an toàn nhất cho em bé chính là sữa mẹ.

Do vậy, để có đủ sữa cả về chất và lượng cho việc nuôi con, người mẹ cần lưu ý ăn uống đủ chất, tăng cường canxi, ăn theo tháp dinh dưỡng.

Trong nhóm lương thực cơ bản, với cách chế biến tăng cường canxi, chắc chắn người mẹ sẽ hấp thu được nhiều canxi. Chẳng hạn: bánh đúc, bánh ú tro, các bột dinh dưỡng ăn liền có tăng cường canxi là những thực phẩm người mẹ đang nuôi con bú cần sử dụng.

Các loại rau củ, trái cây: nên ưu tiên những loại đậu đỗ, họ cải, trái cây họ cam, quít, bưởi… là những nguồn thực phẩm rất giàu canxi; tuy nhiên cần lưu ý: một số rau lá khác như phần lá của củ cải lại chứa acid oxalic có thể kết hợp với canxi thành oxalat canxi không hòa tan và kém hấp thu.

Các thức ăn giàu đạm có thể kể như cá hộp (xương rất mềm), cá nhỏ chiên hay kho mềm ăn cả xương; ngao, sò, ốc, hến cũng rất dồi dào canxi. Bên cạnh đó sữa và các sản phẩm từ sữa, sữa đậu nành cũng là thức uống có thể giúp người mẹ bổ sung thêm nguồn canxi.

Ngoài ra trong bữa ăn, nên luôn luôn có canh và những món ăn lợi sữa như: đu đủ xanh nấu với giò heo ...

Người mẹ cũng nên chú ý uống đủ nước trong ngày (1,5 lít – 2 lít/ngày). Khoảng cách đều đặn giữa các lần uống nước nên tốt nhất là 4-5 lần uống/ngày (lần 1, khoảng 2 ly: lúc ngủ dậy trước khi đi vệ sinh; các lần sau, 1- 2 ly cách nửa giờ đến 1 giờ trước bữa ăn và trước khi đi ngủ).

Nửa giờ trước bữa ăn người mẹ cũng có thể uống thêm viên tảo spirulina (tên biệt dược Mekolactagyl hay Linavina 400 mg/viên, 6-10 viên/ngày, chia làm 3 lần uống trong bữa ăn) xem như thuốc bổ thiên nhiên rất lợi sữa, tốt cho cả mẹ và bé.

BS Nguyễn Lân Đính

(Chuyên viên dinh dưỡng)

PNO

Một số thuốc không nên dùng khi cho con bú

Khi đang trong thời kỳ cho con bú, nếu người mẹ bị bệnh phải dùng thuốc, nói chung các thuốc đều có trong sữa mẹ. Khi trẻ bú sữa mẹ thì thuốc cũng vào cơ thể trẻ và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Tùy từng loại thuốc mà trẻ bị ảnh hưởng nhiều hay ít.

Khi thuốc vào trong sữa, trẻ bú mẹ có nghĩa là thuốc được đưa vào cơ thể trẻ theo đường uống. Các tác hại có thể xảy ra với trẻ cũng phải trải qua quá trình hấp thu, phân bố, chuyển hoá và thải trừ.

Các thuốc ảnh hưởng đến trẻ

Có nhiều loại thuốc nếu điều trị cho mẹ trong thời gian nuôi con bú bằng sữa mẹ ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ như thuốc chống chuyển hoá, thuốc an thần, thuốc phóng xạ, thuốc chống đông máu,  thuốc điều trị bệnh nội tiết, thuốc chống lao isoniazid (dùng được cho phụ nữ có thai nhưng lại không khuyên dùng cho phụ nữ cho con bú), kháng sinh metronidazol  (klion, flagyl khi dùng làm cho sữa có vị kim loại: miệng đắng, vị tanh rất khó chịu. Đây là lý do khiến con từ chối bú mẹ, mẹ dễ bị mất sữa), thuốc điều trị đau nửa đầu ergotamin (tamic) cũng không dùng trong thời kỳ phụ nữ cho con bú.

Những bà mẹ có con khoảng 1 tuổi việc bú mẹ chủ yếu là về đêm thì việc dùng thuốc đơn giản hơn rất nhiều so với các bà mẹ đang nuôi con còn rất nhỏ, bú mẹ liên tục và hoàn toàn sống bằng nguồn sữa của mẹ.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Khi cho con bú, người mẹ dùng thuốc sẽ ảnh hưởng đến trẻ và khả năng tiết sữa.

Thuốc ảnh hưởng tới khả năng tiết sữa của mẹ

Một số thuốc dùng cho mẹ có khả năng ảnh hưởng tới sự bài tiết sữa của mẹ (kìm hãm bài tiết sữa làm mất sữa). Đó là một số thuốc như lợi tiểu thiazid, vitamin B6 (liều cao), ergotamin (tamic) cũng làm giảm bài tiết sữa, các thuốc chữa bệnh parkingson...

Estrogen là hormon hay được sử dụng và có ảnh hưởng tới bài tiết sữa. Khi dùng cho phụ nữ cho con bú, thuốc vào sữa rất ít nhưng có tác dụng ức chế thụ thể prolactin ở giai đoạn sớm làm giảm bài tiết sữa. Vì thế phụ nữ cho con bú nên sử dụng thuốc tránh thai chỉ chứa progesteron đơn độc. Các biện pháp tránh thai được khuyên dùng tốt nhất thời kỳ này là dùng các biện pháp cơ học (bao cao su, đặt dụng cụ tử cung) hơn là phải uống thuốc.

Ngoài ra các thuốc như metoclopramid, domperidon... lại có tác dụng kích thích bài tiết sữa đã được sử dụng trong lâm sàng. Tuy nhiên người bệnh không tư ý dùng các thuốc này.      

DS. Hoàng Thu Thủy

(suckhoe&giadinh)

Chú trọng dinh dưỡng cho trẻ từ khi nào?

 

'Dinh dưỡng (DD) sớm' là khái niệm thể hiện sự đảm bảo DD tối tưu ngay từ giai đoạn đầu tiên của chu kỳ vòng đời. Điều này đòi hỏi chăm sóc DD cho phụ nữ trước khi mang thai (thậm chí từ tuổi vị thành niên) và trong thời kỳ mang thai.

Tiếp cận DD theo vòng đời, tức là nhấn mạnh tới mối liên quan khăng khít giữa các giai đoạn của cuộc đời về mặt DD. Do đó, chế độ DD hợp lý và lối sống lành mạnh cần được quan tâm ở mọi lứa tuổi.

DD quan trọng nhất ở giai đoạn nào của vòng đời?

Con người từ khi sinh ra đến khi già đi tùy thuộc vào cách phân loại tuổi tác nhưng nhìn chung phải trải qua các giai đoạn: bào thai trong bụng mẹ, trẻ nhỏ, trẻ trước tuổi học, học sinh tiểu học, rồi đến trẻ vị thành niên, sau đến trưởng thành và tuổi già.

Câu hỏi đặt ra là DD quan trọng nhất đối với giai đoạn nào của vòng đời? Chúng ta có thể khẳng định là giai đoạn nào cũng cần được chăm sóc và có chế độ DD hợp lý. Tuy nhiên, đối với mỗi giai đoạn đều có những đặc điểm riêng và trong từng hoàn cảnh cụ thể thì phải xem xét ưu tiên cho đối tượng nào.

Ví dụ: trong điều kiện khó khăn, thiếu hụt thực phẩm thì bà mẹ có thai, nuôi con bú và trẻ nhỏ cần được ưu tiên hơn, vì những đối tượng này có nguy cơ cao hơn và nếu thiếu DD kéo dài sẽ ảnh hưởng đến phát triển của trẻ ở các giai đoạn sau, đồng thời ảnh hưởng đến các thế hệ sau này. Kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy những trẻ bị suy dinh dưỡng (SDD) khi nhỏ, đặc biệt trong 2 năm đầu sau khi sinh sẽ có nguy cơ cao trở thành những trẻ tuổi vị thành niên bị còi cọc; những nữ vị thành niên còi cọc sẽ có nguy cơ phát triển thành những phụ nữ thấp bé nhẹ cân và hậu quả là sinh ra những trẻ bị SDD bào thai (có cân nặng sơ sinh thấp). Những trẻ có cân nặng sơ sinh thấp lại có nguy cơ SDD cao hơn. Do vậy, đó là một vòng xoắn luẩn quẩn khi bị thiếu hụt DD kéo dài ở những cộng đồng nghèo.

'DS sớm' để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ

Các nhà nghiên cứu DD cho thấy phát triển cơ thể trẻ em kể từ lúc phát triển của bào thai liên quan rất chặt chẽ với tình trạng DD và sức khỏe của người mẹ, đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ và giai đoạn trước khi mang thai, trong đó 3 tháng thai đầu là điều kiện tiên quyết, quyết định sự phát triển chiều cao, cân nặng sơ sinh của trẻ và làm hạn chế cả tình trạng sinh non.

DD thiếu hụt bắt đầu từ trong bào thai, ảnh hưởng suốt cả cuộc đời, đặc biệt ở các em gái và phụ nữ, tác động không chỉ cuộc đời một người, tức là bản thân của người phụ nữ đó mà còn cả thế hệ mai sau.

Năm 1968, GS. Barker (người Anh) thu thập trên 16.000 hồ sơ bệnh tật và các rối loạn chuyển hóa ở người trưởng thành đối chiếu với hồ sơ của chính những người đó khi mới sinh ra đã nhận thấy những đứa trẻ có cân nặng sơ sinh thấp và khi 1 tuổi bị nhẹ cân thì có nguy cơ bị mắc các bệnh tim mạch và huyết áp sau này cao hơn.

GS. Barker đã đưa ra 'Giả thuyết lập trình trong thời kỳ bào thai'; có nghĩa là khi sinh ra mỗi người đã được 'lập trình' về phát triển thể lực, về tình trạng DD và sức khỏe giai đoạn sau này. Đặc biệt khi bào thai bị tổn thương hay thiếu hụt DD, thiếu vi chất DD vào các thời điểm quyết định hoặc nhạy cảm của tăng trưởng sẽ để lại hậu quả lâu dài, ảnh hưởng đến cấu trúc và chức phận của cơ thể.

Trong điều kiện thiếu DD, sự phát triển và chuyển hóa của bào thai sẽ thích nghi với môi trường bên trong tử cung lúc bấy giờ nhưng sự thích nghi đó phải trả giá về sau, đó là sự tăng nguy cơ các bệnh mạn tính ở người trưởng thành và tuổi già. Tuy nhiên, không có nghĩa là khi đã lập trình về tình trạng DD và sức khỏe rồi thì không thể thay đổi. Ví dụ khi sinh ra chị A đã được lập trình là sau này sẽ có 'nguy cơ béo phì' thì không có nghĩa là 'chị A chắc chắn bị béo phì', không thể có tình trạng DD tốt nếu chị ấy kiểm soát được chế độ ăn uống và rèn luyện thể dục thể thao hay hoạt động thể lực một cách hợp lý. Chính vì vậy, mới có những chương trình và dự án DD sức khỏe để cải thiện tình trạng DD của nhân dân.

DD trong thai kỳ

Ở giai đoạn này, tình trạng DD và sức khỏe của người mẹ có ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Đứa trẻ cảm nhận, giao tiếp, đặc biệt là với thế giới bên ngoài thông qua người mẹ. Do đó, khẩu phần ăn của bà mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển của bào thai. Những bà mẹ có chế độ DD hợp lý: được bổ sung các chất DD một cách đầy đủ sẽ sinh ra những đứa con khỏe mạnh, thông minh. Thiếu DD trong giai đoạn mang thai sẽ làm trẻ chậm lớn và tuổi dậy thì cũng muộn hơn so với trẻ đã đủ DD.

DD trong 3 tháng đầu và 3 tháng giữa thai kỳ: Trong giai đoạn này, vi chất DD rất quan trọng đối với sự phát triển thai nhi. Khi bị thiếu hụt các vi chất DD làm tăng rủi ro đối với phát triển chiều cao (hạn chế tiềm năng phát triển vóc dáng); còn thiếu iốt làm giảm khả năng phát triển trí não, thai chết lưu.

DD 3 tháng cuối thai kỳ: Trong 3 tháng cuối thai kỳ, bên cạnh nhu cầu về các chất DD thì đáp ứng nhu cầu năng lượng là rất quan trọng. Tình trạng thiếu năng lượng và công việc nặng nhọc của bà mẹ, có thể làm tăng nguy cơ trẻ sinh nhẹ cân (dưới 2.500g).

Các yếu tố chăm sóc sau khi sinh: DD đầy đủ cho trẻ sau sinh cùng với các chăm sóc y tế cần thiết giúp trẻ phát triển hết tiềm năng như đã được định hình từ giai đoạn bào thai trong bụng mẹ. Một quá trình khi đang ở giai đoạn phát triển nhanh nhất, thường là thời kỳ rủi ro nhất thường gọi là thời kỳ mấu chốt.

Tóm lại, để có thể trở thành những người có ích cho xã hội, tức là phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn tinh thần và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội hiện đại; thì việc nâng cao thể lực, trí lực cho mọi người hôm nay và những thế hệ mai sau là một việc rất quan trọng. Chăm sóc DD sớm là đầu tư cho phát triển của thế hệ mai sau về cả thể lực và trí lực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện tầm vóc của người Việt Nam.

PGS.TS. Lê Thị Hợp

Sống khỏe với vitamin B1

Vitamin B1 có tên khoa học là thiamin với nhiều vai trò được biết khá rõ trong việc tham gia vào các quá trình chuyển hoá trong cơ thể.

Có thể làm giàu vitamin B1 cho gạo bằng cách lấy một ít cám gạo tốt cho vào túi vải buộc chặt lại rồi thả vào nồi nước cơm, khi cơm cạn lấy túi cám bỏ ra. Như vậy, vitamin B1 trong cám được hoà tan trong nước cơm và đã bổ sung vitamin B1 cho nồi cơm mà không ảnh hưởng tới khẩu vị.

Vitamin B1 là thành phần của men thiamin pyro-photphat (TPP) có vai trò rất quan trọng trong chuyển hoá chất bột, đường(gluxit). Vitamin B1 cần cho quá trình tổng hợp acid ribonucleic (RNA), acid deoxyribonuleic (DNA) là những axit liên quan đến quá trình di truyền, vitamin B1 cũng cần cho quá trình tổng hợp nicotinamid adenin dinucleotid photphat khử (NADP) cần cho tổng hợp acid béo mà các acid béo không no lại có rất nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể (là thành phần của nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học cao như lipoprotein; là yếu tố cần thiết của màng tế bào, các tổ chức liên kết, tổ chức thần kinh...). Vitamin B1 còn tham gia vào quá trính sản xuất và giải phóng chất dẫn truyền thần kinh acetylcholin, chuyển hoá một số acid amin cần thiết như leucin, isoleucin và valin (các acid amin này có nhiều vai trò rất quan trọng trong cơ thể).

Thiếu hụt vitamin B1 có thể xảy ra khi chế độ ăn nghèo nàn, đơn điệu, ít thức ăn động vật (thịt, cá, trứng...). Vitamin B1 cũng có thể bị thiếu do những nguyên nhân sau: kém hấp thu vitamin B1 do một số bất thường của hệ tiêu hoá; cơ thể không có khả năng lưu trữ thiamin trong các tổ chức một cách đầy đủ; các tổ chức không có khả năng sử dụng vitamin B1; tăng nhu cầu thiamin do chế độ ăn có nhiều chất đường bột, uống rượu nhiều (vì vitamin B1 cần cho chuyển hoá chúng).

http://img.suckhoedoisong.vn/Images/Uploaded/Share/2010/09/29/products5511.jpg

Các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt thường chứa nhiều vitamin B1.

Khi thiếu vitamin B1 kéo dài sẽ bị mắc bệnh Beriberi. Ở người trưởng thành, bệnh Beriberi thể hiện dưới 2 dạng:

- Thể ướt hay còn gọi là thể phù: bệnh nhân có ứ nước ở vùng bắp chân, thường bắt đầu ở vùng bàn chân rồi lan dần lên cao và gây khó đi lại. Khi tích tụ dịch ở vùng cơ tim có thể gây suy tim và tử vong.

- Thể khô hay thể gầy mòn: có sự mất dần các khối cơ, bệnh nhân trở nên gầy mòn, suy kiệt.

Với cả  2 thể, các dấu hiệu chung của bệnh bao gồm: ăn không ngon miệng, buồn nôn, tê bì ở ngoài da, đặc biệt là ở cẳng chân, giảm trương lực cơ (cơ nhẽo, mệt mỏi), giảm sút trí nhớ, hay nhầm lẫn, nếu thiếu nặng hơn có thể phù ở chân, teo cơ, rối loạn tinh thần,  hôn mê, suy tim và tử vong. Khi người mẹ đang nuôi con bú bị thiếu vitamin B1, trẻ sơ sinh bú sữa mẹ có thể bị chết đột ngột do suy tim.

Nhu cầu vitamin B1 của cơ thể: Nhu cầu vitamin B1 được tính theo năng lượng ăn vào. Một người trưởng thành mỗi ngày cần khoảng 1 - 1,2mg vitamin B1.

Nguồn thực phẩm giàu vitamin B1: các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt thường chứa nhiều vitamin B1. Tuy nhiên, 94% thiamin trong các hạt ngũ cốc được tập trung ở lớp vỏ mỏng sát với phần lõi bên trong và mầm của hạt. Do vậy, việc xay xát  các loại ngũ cốc (gạo, mì) quá kỹ sẽ làm cho lượng vitamin B1 bị hao hụt nhiều. Những sản phẩm từ men bia, mầm ngũ cốc khô có chứa nhiều thiamin. Hàm lượng vitamin B1 trong các loại thịt, đậu hạt, cá, trứng... cũng tương đối tốt. Một số loại cá nước ngọt, cá nước mặn, động vật có vỏ cứng (tôm, cua, trai, sò...) có chứa men thiaminase làm phân huỷ vitamin B1. Tuy nhiên men này không bền vững và bị phá huỷ khi nấu nướng, chúng chỉ tồn tại và gây ảnh hưởng khi ăn một lượng lớn tôm, cá sống.

Để khẩu phần ăn có đủ vitamin B1, cần chú ý: vitamin B1 có nhiều trong cám gạo, do vậy không nên xay xát gạo quá kỹ vì các vitamin nhóm B nói chung và vitamin B1 nói riêng đều có nhiều ở lớp vỏ ngoài ngay sát hạt gạo. Cứ 100 gam gạo tẻ giã có 0,12mg vitamin B1; 100 gam gạo tẻ máy vừa phải có 0,1mg vitamin B1 và nếu là gạo xay xát kỹ cho thật trắng chỉ còn 0,02mg vitamin B1. Vì vậy cần chú ý "tiết kiệm" vitamin B1 trong quá trình chế biến. Để hạn chế hao hụt vitamin B1 khi nấu cơm cũng cần lưu ý: không nên vo gạo quá kỹ trước khi nấu cơm làm mất lớp cám gạo chứa nhiều vitamin B1. Khi nấu cơm chỉ cho nước vừa đủ, không cho nhiều để phải chắt bỏ nước cơm làm mất vitamin B1 (có thể mất tới 60%). Đun nước sôi mới cho gạo vào nấu, không cho gạo vào khi nước còn nguội vì khi gặp nước sôi nóng đột ngột làm lớp vỏ ngoài hạt gạo chín mau tạo thành một lớp keo giữ vitamin B1 không bị hoà tan ra nước và bị phân huỷ.

Việc thiếu hụt vitamin B1 còn do bữa ăn chủ yếu là cơm và khoai củ, ăn đơn điệu, thiếu các thực phẩm giàu vitamin B1 như thịt (100g thịt lợn có 0,53mg vitamin B1, 100 gam thịt bò có 0,2mg vitamin B1, 100 gam thịt gà có 0,15mg vitamin B1), cá, tôm và thuỷ sản (100g lươn có 0,15mg vitamin B1, 100g cá thu có 0,07mg vitamin B1); trứng (100g lòng đỏ trứng gà có 0,32 mg vitamin B1, 100 gam trứng vịt có 0,54mg vitamin B1), đậu đỗ (100g đỗ xanh hạt có 0,72mg vitamin B1).    z

Dự án phòng chống suy dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia  

(suckhoe&doisong)